Ngày tháng: 18/10/2024
Đang truy cập: 4

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI - LUMEN GENTIUM (5)

CHƯƠNG IV
 GIÁO DÂN

 30.

Sau khi xác định những phận vụ của phẩm trật, Thánh Công Đồng muốn đề cập đến bậc sống của những Kitô hữu được gọi là giáo dân. Mặc dù tất cả những gì nói về Dân Thiên Chúa đều liên quan đến giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ, nhưng có một số điều đặc biệt liên quan đến giáo dân nam nữ, vì địa vị và sứ mệnh của họ, và do hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta, những nền tảng của giáo thuyết này phải được khảo sát thấu đáo hơn. Thật vậy, các chủ chăn biết rõ giáo dân đóng góp rất nhiều vào thiện ích của toàn thể Giáo Hội. Các ngài biết rằng mình được Đức Kitô thiết lập không phải để chỉ riêng các ngài lãnh lấy tất cả sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới, nhưng để nhận lãnh phận vụ cao cả là chăn dắt các tín hữu và nhìn nhận các phận vụ và đặc sủng của họ, để mọi người theo cách thức riêng của mình đồng lòng cộng tác vào trọng trách chung này. Thật vậy, khi “sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện trong Đức Kitô là Đầu, nhờ Người toàn thân được kết cấu chặt chẽ và các bộ phận ăn khớp với nhau nhờ mọi thứ gân mạch, hoạt động tuỳ theo chức năng của mỗi chi thể, và như thế, Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,15-16).

31.

Hạn từ giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu, không kể những người có chức thánh và những người thuộc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là những tín hữu nhờ bí tích Thánh Tẩy, được nhập hiệp vào thân thể Đức Kitô, làm thành Dân Thiên Chúa, và được tham dự vào những chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô theo cách thức của mình, đồng thời góp phần thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu trong Giáo Hội và giữa thế giới.

Tính trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thật vậy, mặc dù những người có chức thánh đôi khi có thể dấn thân vào những công việc trần thế, thậm chí làm một nghề nghiệp trần thế, nhưng do ơn gọi đặc thù, họ được tấn phong để đặc biệt chuyên trách về thừa tác vụ thánh, trong khi đó, do bậc sống của mình, các tu sĩ nên như một chứng từ nổi bật và ngoại thường cho thấy người ta không thể biến đổi và dâng hiến thế giới cho Thiên Chúa mà không có tinh thần của các mối phúc thật. Còn giáo dân, do chính ơn gọi đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế, trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như thể dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ đã được Thiên Chúa mời gọi, để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hoá thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt bằng chứng từ đời sống toả sáng đức tin, đức cậy, đức mến. Như vậy, họ có một phương thức đặc biệt để soi chiếu và đặt định các thực tại trần thế luôn gắn liền với cuộc sống, sao cho các thực tại ấy không ngừng trở nên như Đức Kitô muốn và luôn phát triển để nên lời ca ngợi Đấng Tạo Hoá và Đấng Cứu Chuộc.

Giáo dân - Phẩm giá

32.

Hội thánh do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo một sự đa dạng lạ lùng. “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,4-5).

Như vậy, chỉ có một đoàn dân ưu tuyển của Thiên Chúa: “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Ep 4,5); cùng chung một phẩm giá giữa các chi thể do được tái sinh trong Đức Kitô, cùng chung một ân sủng là con cái Thiên Chúa và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự hoàn thiện; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia. Như thế, trong Đức Kitô và trong Giáo Hội, không có sự bất bình đẳng do chủng tộc hay quốc gia, do địa vị xã hội hoặc phái tính, bởi lẽ “không còn phân biệt Do Thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.” (Gl 3,28: bản Hy Lạp; x. Cl 3,11).

Trong Giáo Hội không phải mọi người đều cùng đi một con đường, nhưng tất cả đều được mời gọi nên thánh và nhận được một đức tin như nhau trong sự công chính của Thiên Chúa (x. 2 Pr 1,1). Mặc dù theo ý Đức Kitô, một số người được đặt làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của toàn thể các tín hữu trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô. Sự khác biệt mà Chúa đặt để giữa thừa tác viên có chức thánh với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa cũng đã hàm chứa sự liên kết, vì các chủ chăn và các tín hữu được nối kết với nhau nhờ một mối liên hệ mật thiết; các chủ chăn trong Giáo Hội noi gương Chúa phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu, phần các tín hữu cũng phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và thầy dạy của mình. Như thế, ngay trong sự đa dạng, tất cả đều làm chứng cho tính duy nhất kỳ diệu trong thân mình Đức Kitô: chính những ân sủng, tác vụ và hoạt động khác nhau ấy lại góp phần liên kết con cái Thiên Chúa nên một, vì “tất cả những điều đó đều do một Thần Khí duy nhất thực hiện” (1 Cr 12,11).

Như vậy, khi được Thiên Chúa ưu ái ban cho Đức Kitô như một người Anh cả, Đấng dù là Chúa tể muôn loài nhưng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ (x. Mt 20,28), giáo dân cũng là anh chị em với những người đã lãnh nhận thừa tác vụ thánh, những kẻ nhận quyền từ Đức Kitô để coi sóc gia đình Thiên Chúa qua việc giảng dạy, thánh hoá, cai quản, giúp mọi người chu toàn giới luật mới của đức ái. Thánh Augustinô đã nói rất hay rằng: “Khi nhiệm vụ của tôi đối với anh chị em làm tôi lo sợ, thì những gì tôi được cùng với anh chị em lại làm cho tôi được an ủi. Thật vậy, cho anh chị em tôi là Giám mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu. Giám mục là danh xưng chỉ một trách vụ, còn Kitô hữu là tên gọi của một ân sủng; Giám mục là tước vị ẩn chứa nhiều thử thách, Kitô hữu là danh vị mang lại ơn cứu rỗi” 113.

33.

Tất cả những người giáo dân, được quy tụ trong đoàn Dân Thiên Chúa và làm nên Thân mình duy nhất có cùng một đầu là Đức Kitô, đều được kêu gọi nên như những chi thể sống động, để góp phần vào tiến trình tăng trưởng và thánh hoá liên lỉ của Giáo Hội với nguồn sức mạnh nhận được do lòng ưu ái của Đấng Tạo hoá và ân sủng của Đấng Cứu chuộc.

Hoạt động tông đồ giáo dân là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội. Qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, chính Chúa ủy thác việc tông đồ đó cho tất cả các tín hữu. Các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thông ban và nuôi dưỡng đức ái đối với Thiên Chúa và con người, vốn là linh hồn của toàn thể hoạt động tông đồ. Tuy nhiên, giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và tác động trong những nơi chốn và môi trường mà chỉ nhờ họ, Giáo Hội mới có thể trở thành muối của trần gian 114. Do đó, với những ân huệ đã lãnh nhận, mỗi người giáo dân là chứng nhân đồng thời cũng là dụng cụ sống động cho sứ mệnh của Giáo Hội “tuỳ theo mức độ ân sủng đã được Đức Kitô ban cho” (Ep 4,7).

Ngoài việc tông đồ vốn liên quan đến tất cả các Kitô hữu, người giáo dân cũng có thể được mời gọi góp phần trực tiếp hơn vào hoạt động tông đồ của hàng Giáo phẩm bằng nhiều cách 115, giống như những giáo dân nam nữ đã từng lao nhọc trong Chúa Kitô để giúp đỡ tông đồ Phaolô rao giảng Tin Mừng (x. Pl 4,3; Rm 16,3tt.). Ngoài ra, họ cũng có thể được hàng Giáo phẩm bổ nhiệm vào một số công tác trong đời sống thiêng liêng của Giáo Hội.

Bởi vậy, tất cả giáo dân đều có nhiệm vụ cao cả là làm cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được triển khai đến tất cả mọi người ở mọi thời đại và mọi nơi. Vì thế, phải mở rộng đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội, tuỳ năng lực của họ và tuỳ nhu cầu của thời đại.

Giáo dân - Chức năng tư tế

34.

Đức Giêsu Kitô, vị Tư Tế tối cao và vĩnh cửu, vì muốn cho việc làm chứng và phục vụ của chính Người luôn được tiếp nối, nên đã thông ban cho người giáo dân sức sống nhờ Chúa Thánh Thần và không ngừng thôi thúc họ thực thi mọi điều thiện hảo.

Thật vậy, những kẻ đã được kết hiệp mật thiết vào sự sống và sứ mệnh của Người, Người cũng cho họ chia sẻ phận vụ tư tế khi thực hành việc phụng tự thiêng liêng để làm vinh danh Chúa Cha và cứu rỗi nhân loại. Vì thế, khi đã được thánh hiến cho Đức Kitô và được Chúa Thánh Thần xức dầu, người giáo dân được kêu gọi và chuẩn bị cách kỳ diệu để trổ sinh ngày càng phong phú hơn những hoa trái của Thánh Thần. Thật vậy, nếu mọi công việc, kinh nguyện và hoạt động tông đồ, cũng như cách cư xử trong hôn nhân và gia đình, cả đến công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần được chu toàn trong Chúa Thánh Thần, và nhất là nếu những thử thách trong cuộc sống cũng được kiên trì đón nhận, thì tất cả sẽ trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô (x. 1 Pr 2,5), được sốt sắng dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể. Như thế, người giáo dân cung hiến thế giới cho Thiên Chúa khi phụng thờ Ngài khắp nơi bằng một đời sống thánh thiện.

Giáo dân - Chức năng ngôn sứ

35.

Đức Kitô, vị Ngôn sứ cao cả đã dùng chứng từ đời sống và lời nói đầy quyền năng để công bố vương quốc của Chúa Cha, vẫn đang thực thi tác vụ ngôn sứ ấy cho đến lúc vinh quang Người được biểu lộ trọn vẹn, không những nhờ hàng Giáo phẩm đang giảng dạy nhân danh Người và bằng quyền năng của Người, mà còn nhờ giáo dân, những kẻ Người đã đặt làm chứng nhân và đã trao ban cảm thức đức tin và cả ơn ngôn ngữ (x. Cv 2,17-18; Kh 19,10) để sức mạnh của Tin Mừng được toả sáng trong đời sống thường ngày, nơi gia đình và ngoài xã hội. Họ sẽ chứng tỏ mình là con cái của lời hứa, nếu vững lòng tin cậy để tận dụng thời buổi hiện tại (x. Ep 5,16; Cl 4,5) và kiên trì trông đợi vinh quang một ngày kia sẽ đến (x. Rm 8,25). Họ không được giấu kín niềm hy vọng đó trong lòng, nhưng phải thể hiện qua chính những cơ cấu của cuộc sống trần thế, bằng cách hoán cải không ngừng và chiến đấu “chống lại những chúa tể thống trị thế giới tối tăm, đối nghịch với những ác thần” (Ep 6,12).

Tương tự những bí tích của luật mới, là lương thực nuôi dưỡng đời sống và việc tông đồ của các tín hữu, và là dấu chỉ tiên báo trời mới đất mới (x. Kh 21,1), thì cũng thế, giáo dân trở nên những người kiên cường loan báo niềm tin vào điều mình hy vọng (x. Dt 11,1), nếu họ không ngần ngại làm cho cuộc sống phù hợp với chính đức tin mà họ tuyên xưng. Việc loan báo Tin Mừng, nghĩa là công bố Đức Kitô bằng chứng từ đời sống và bằng lời rao giảng, mang một sắc thái đặc thù và có hiệu năng đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh thông thường của thế giới.

Trong phận vụ ngôn sứ này, bậc sống hôn nhân và gia đình được thánh hoá nhờ một bí tích riêng biệt, có một tầm quan trọng đặc biệt. Gia đình nào biết để cho niềm tin Kitô giáo thấm nhập và dần dần biến đổi toàn bộ cuộc sống sẽ trở thành môi trường hoạt động và trường học tuyệt vời cho việc tông đồ giáo dân. Trong một gia đình như thế, vợ chồng nhận ra ơn gọi riêng của mình là làm chứng về đức tin và tình yêu Đức Kitô cho nhau và cho con cái. Các gia đình Kitô hữu lớn tiếng công bố sức mạnh hiện tại của Vương quốc Thiên Chúa cũng như niềm hy vọng đời sống hạnh phúc mai sau. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô hữu tố cáo thế gian tội lỗi và sáng soi những ai tìm kiếm chân lý.

Vì vậy, dù phải bận rộn với những công việc trần thế, người giáo dân vẫn có thể và phải thực thi một công trình cao cả là phúc âm hoá thế giới. Cho dù, khi thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các vị ấy bị ngăn trở vì xảy ra bách hại, đã có một số giáo dân tuỳ theo khả năng của mình thay thế các ngài thi hành một vài phận vụ thánh; và cho dù cũng đã có nhiều giáo dân dốc toàn lực vào việc tông đồ, nhưng tất cả giáo dân đều phải cộng tác vào việc mở mang và phát triển Vương quốc Đức Kitô trên trần thế. Vì vậy, giáo dân phải chuyên cần tìm hiểu sâu xa hơn về chân lý mặc khải, và tha thiết nài xin Thiên Chúa ban cho được ơn khôn ngoan.

Giáo dân - Chức năng vương đế

36.

Đức Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh (x. Pl 2,8-9), đã vào trong vinh quang nơi Vương quốc của Người. Mọi vật phải suy phục Người cho đến khi chính Người cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi sự (x. 1 Cr 15,27-28). Người thông ban cho các môn đệ quyền năng này để họ được hưởng sự tự do vương giả, và chiến thắng sự thống trị của tội lỗi nơi họ bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện (x. Rm 6,12), nhất là để khi phục vụ Đức Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên trì dẫn đưa anh chị em mình đến cùng Đức Vua, Đấng mà khi phục vụ Người tức là thống trị. Thật vậy, Chúa cũng muốn giáo dân phải mở rộng Vương quốc của Người, vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc đầy ân sủng và thánh thiện, vương quốc của công bằng, tình yêu và bình an 116; trong vương quốc này, tạo vật sẽ được giải thoát khỏi phải lệ thuộc sự hư nát, để được hưởng tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa (x. Rm 8,21). Lời hứa thật là trọng đại và mệnh lệnh được ban cho các môn đệ thật là quan trọng: “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.” (1 Cr 3,23).

Vì thế, tín hữu phải nhận biết rằng bản tính sâu xa cũng như giá trị và định hướng của toàn thể tạo vật là phải ca tụng Thiên Chúa, đồng thời ngay cả trong những công việc trần thế, họ phải giúp nhau sống thánh thiện hơn, sao cho thế giới được thấm nhuần Thần Khí của Đức Kitô và có khả năng đạt đến cứu cánh của mình trong công bình, bác ái và bình an. Giáo dân giữ vai trò chính yếu trong việc chu toàn trọn vẹn trách vụ này. Nhờ khả năng chuyên môn trong những môn học trần thế và nhờ những hoạt động được thăng hoa tận trong bản chất nhờ ân sủng Đức Kitô, giáo dân hãy hăng hái làm việc, để theo kế hoạch của Đấng Tạo Hoá và ánh sáng của Ngôi Lời, nhờ lao công của con người cùng với kỹ thuật và văn hoá xã hội, những của cải trần thế đem lại thiện ích cho mọi người, được phân phối cách thích đáng hơn và nhờ đó đưa đến sự phát triển toàn cầu trong tự do nhân linh và mang phẩm chất Kitô hữu. Như thế, qua các phần tử của Giáo Hội, ánh sáng cứu độ của Đức Kitô sẽ ngày càng toả sáng trên toàn thể nhân loại.

Ngoài ra, nếu những thể chế và lối sống của thế giới gây nên dịp tội, giáo dân hãy cùng góp sức để lành mạnh hoá những tác nhân đó, sao cho tất cả được nên phù hợp với các chuẩn mực của sự công chính và giúp phát huy chứ không ngăn cản việc thực thi các nhân đức. Làm như thế, giáo dân sẽ giúp cho giá trị luân lý thấm nhập vào văn hoá và các hoạt động của con người. Nhờ đó, cánh đồng thế giới sẽ được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận hạt giống Lời Chúa, đồng thời các cánh cửa được mở rộng hơn cho Giáo Hội để sứ điệp hoà bình thấm nhập vào thế giới.

Vì chính nhiệm cục cứu độ, các tín hữu phải cẩn thận phân biệt quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách là một phần tử của Giáo Hội, với quyền lợi và nghĩa vụ của một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng kết hợp hài hoà cả hai loại nghĩa vụ và bổn phận đó, và nhớ rằng trong bất cứ lãnh vực trần thế nào, họ luôn phải để cho lương tâm Kitô hữu hướng dẫn, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể tách khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa. Nhất là vào thời đại chúng ta, trong các phương thức hành động của các tín hữu, cần phải làm sáng tỏ tối đa cả sự phân biệt lẫn sự hoà hợp giữa các nghĩa vụ và bổn phận ấy, để sứ vụ của Giáo Hội có thể đáp ứng những hoàn cảnh đặc biệt của thế giới ngày nay cách trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, nếu như phải công nhận rằng thành đô trần thế, vì liên hệ đến các việc trần thế, nên được điều hành theo những nguyên tắc riêng của mình, thì cũng phải loại bỏ chủ thuyết sai lầm muốn xây dựng xã hội mà không hề lưu tâm đến tôn giáo, để rồi chống lại và tiêu diệt tự do tôn giáo của người công dân 117.

Giáo dân - Đoàn chiên và chủ chăn

37.

Như tất cả các Kitô hữu, giáo dân có quyền nhận lãnh dồi dào từ các chủ chăn có chức thánh những ơn phúc chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí tích 118, đồng thời họ nên trình bày cho các chủ chăn những nhu cầu và khát vọng của mình với thái độ tự do và tín nhiệm thích hợp, với tư cách là con cái Thiên Chúa và anh chị em trong Đức Kitô. Tuỳ theo kiến thức, khả năng chuyên môn và địa vị của mình, giáo dân có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ ý kiến của mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội 119. Nếu cần, họ nên thực hiện điều đó nhờ các cơ quan đã được Giáo Hội thiết lập nhằm mục đích ấy, và lúc nào cũng phải chân thành, can đảm, khôn ngoan, cũng như kính trọng và bác ái đối với những người thay mặt Đức Kitô do phận vụ thánh của các ngài.

Như tất cả các Kitô hữu, giáo dân nên mau mắn chấp nhận những điều các chủ chăn là đại diện Đức Kitô đã quyết định với tư cách là thầy dạy và người lãnh đạo trong Giáo Hội, với tinh thần vâng phục Kitô hữu, noi gương Đức Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết để mở ra con đường đầy phúc lành trong tự do của con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hân hoan chứ không phiền muộn khi thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa (x. Dt 13,17).

Phần các chủ chăn có chức thánh phải nhìn nhận và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội; các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tín cẩn giao phó công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động, hơn nữa, cũng nên khuyến khích họ đảm nhận các công việc do chính họ khởi xướng. Với tình hiền phụ, và trong Đức Kitô, các ngài hãy quan tâm nghiệm xét những đề nghị, thỉnh cầu và khát vọng của họ 120. Các chủ chăn cũng phải tôn trọng và nhìn nhận quyền tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế.

Giáo Hội kỳ vọng sẽ được hưởng nhiều phúc lợi từ mối tương quan mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn: thật vậy, khi ý thức trách nhiệm của người giáo dân được củng cố, thì lòng hăng say của họ được phát huy và những năng lực của họ cũng được nối kết dễ dàng hơn với công việc của các chủ chăn. Phần các chủ chăn, được trợ giúp bằng kinh nghiệm của giáo dân, có thể phân định minh bạch và thích hợp hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế, như vậy, toàn thể Giáo Hội được vững mạnh nhờ tất cả mọi chi thể, sẽ chu toàn cách hữu hiệu hơn sứ mệnh đối với sự sống của thế gian.

38.

Trước mặt thế giới, từng người giáo dân phải là chứng nhân về sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu chỉ về Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và từng người, phải góp phần tuỳ theo khả năng của mình để nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng (x. Gl 5,22), phải truyền bá trong thế giới nguồn sức mạnh tinh thần có năng lực tác động nơi những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hoà mà trong Tin Mừng, Chúa đã công bố là những người được chúc phúc (x. Mt 5,3-9). Tắt một lời, “như linh hồn ở trong thân xác, người Kitô hữu cũng ở giữa thế giới như vậy” 121.

--- Còn tiếp ---

-----------------------------------------------------------------------------------------

[113] T. AUGUSTINÔ, Serm. 340, 1: PL 38, 1483.

[114] x. PIÔ XI, Thông điệp Quadragesimo anno, 15.5.1931: AAS 23 (1931), tr. 212tt.; PIÔ XII, Diễn từ De quelle consolation, 14.10.1951: AAS 43 (1951), tr. 790tt.

[115] x. PIÔ XII, Diễn từ Six ans se sont écoulés, 5.10.1957: AAS 49 (1957), tr. 927.

[116] Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Kitô Vua.

[117] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Immortale Dei, 1.11.1885: ASS 18 (1885), tr. 166tt; Thông điệp Sapienti„ christian„, 10.1.1890: ASS 22 (1889-90), tr. 397tt.; PIÔ XII, Diễn từ Alla vostra filiale, 23.3.1958 AAS 50 (1958), tr. 220: “tính cách thế tục hợp pháp và lành mạnh của quốc gia”.

[118] x. Giáo Luật, 682.

[119] x. PIÔ XII, Diễn từ De quelle consolation, 14.10.1951: AAS 43 (1951), tr. 789: “Trong những trận chiến có tính quyết định, đôi khi những kẻ ở tuyến đầu lại có những sáng kiến hay nhất…”; PIÔ XII, Diễn từ L'importance de la presse catholique, 17.2.1950: AAS 42 (1950), tr. 256.

[120] x. 1 Ts 5,19 và 1 Ga 4,1.

[121] Epist. ad Diognetum, 6: xb. Funk I, tr. 400; x. T. GIOAN KIM KHẨU, In Mt. Hom. 46 (47), 2: PG 58, 478, về men trong bột.

zalo
zalo