Ngày tháng: 03/01/2025
Đang truy cập: 8

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI - LUMEN GENTIUM (4)

CHƯƠNG III

VỀ CƠ CẤU PHẨM TRẬT GIÁO HỘI
VÀ ĐẶC BIỆT VỀ CHỨC GIÁM MỤC

Ch. III. Cơ cấu phẩm trật - Giám mục

25.

Rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ hàng đầu trong những tác vụ chính yếu của các Giám mục76. Thật vậy, các Giám mục là những người loan truyền đức tin để đem nhiều môn đệ mới về với Đức Kitô, là những thầy dạy đích thực, nghĩa là được ban quyền bính của Đức Kitô, để rao giảng cho đoàn dân đã được trao phó cho các ngài đức tin họ phải lãnh nhận và đem áp dụng vào cách sống, và để soi tỏ đức tin ấy dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, khi rút ra những cái mới cái cũ từ kho tàng mặc khải (x. Mt 13,52), các ngài làm cho đức tin trổ sinh hoa trái, và luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm lạc đang đe dọa đoàn chiên mình (x. 2 Tm 4,1-14). Các Giám mục khi dạy dỗ trong sự thông hiệp với Giám mục Rôma, phải được mọi người kính trọng như những chứng nhân của chân lý thần linh và công giáo; phần các tín hữu phải tùng phục phán quyết của Giám mục về đức tin và phong hoá được công bố nhân danh Đức Kitô, cũng như phải gắn bó với ngài bằng thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức. Thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức này về mặt ý chí cũng như lý trí phải được đặc biệt dành cho huấn quyền đích thực của vị Giáo Hoàng Rôma, ngay cả khi ngài không tuyên bố từ thượng toà, ex cathedra; như vậy có nghĩa là ta phải kính cẩn nhìn nhận quyền giáo huấn tối thượng của ngài, chân thành chấp nhận những phán quyết của ngài theo đúng tư tưởng và ý muốn mà ngài trình bày, đặc biệt biểu lộ qua bản chất các tài liệu, hoặc qua việc ngài nhiều lần lập lại cùng một giáo huấn hay qua cách diễn tả của ngài.

Từng Giám mục riêng rẽ không được hưởng đặc ân bất khả ngộ, tuy nhiên nếu các Giám mục, dù đang phân tán khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn duy trì sự hiệp thông với nhau và với Đấng kế vị thánh Phêrô, trong lúc chính thức dạy dỗ về đức tin và phong hoá, khi đồng thuận công bố một phán quyết phải được tuân giữ cách tuyệt đối, các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo lý của Đức Kitô77. Điều này còn rõ ràng hơn khi cùng nhau nhóm họp trong một Công Đồng chung, các ngài là những tiến sĩ và thẩm phán về đức tin và phong hoá đối với Giáo Hội phổ quát, nên phải tuân theo các định tín của các ngài với sự vâng phục của đức tin78.

Ơn bất khả ngộ mà Chúa Cứu Thế đã muốn ban cho Giáo Hội của Người khi xác định giáo thuyết về đức tin và phong hoá, trải rộng đến tất cả những gì có trong kho tàng mặc khải thần linh mà Giáo Hội phải bảo toàn cách cẩn trọng và phải trình bày cách trung thành. Vị Giáo Hoàng Rôma, Thủ lãnh của Giám mục đoàn, hưởng ơn bất khả ngộ đó do phận vụ của mình khi, với tư cách là chủ chăn và thày dạy tối cao của mọi tín hữu, là người củng cố đức tin anh em mình (x. Lc 22,32), ngài công bố giáo thuyết về đức tin và phong hoá bằng một phán quyết tuyệt đối79. Vì lẽ này, thật hợp lý khi nói rằng những xác quyết của ngài là không thể sửa đổi do tự bản chất chứ không phải do sự đồng ý của Giáo Hội, vì những điều đó được công bố dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần mà Chúa đã hứa ban cho ngài trong thánh Phêrô, như vậy, không cần ai khác chuẩn nhận và không phải nại tới một phán quyết nào khác. Thật vậy, vị Giáo Hoàng Rôma không đưa ra xác quyết với tư cách cá nhân, nhưng trình bày và bảo vệ giáo thuyết đức tin công giáo với tư cách là thầy dạy tối cao của toàn thể Giáo Hội, nơi ngài, đặc sủng bất khả ngộ của chính Giáo Hội hiện diện một cách đặc biệt80. Ơn bất khả ngộ được hứa cho Giáo Hội cũng hiện diện nơi Giám mục đoàn khi các ngài thực thi quyền giáo huấn tối thượng cùng với Đấng kế vị thánh Phêrô. Giáo Hội không thể không chấp nhận những phán quyết đó, vì được tác động bởi cùng một Thánh Thần, nhờ đó toàn thể đoàn chiên Đức Kitô được bảo vệ và phát triển trong sự hợp nhất của đức tin81.

Khi vị Giáo Hoàng Rôma hoặc Giám mục đoàn cùng với ngài định tín một giáo lý, các ngài tuyên bố điều ấy hợp với chính mặc khải mà mọi người buộc phải tuân giữ và quy phục, được truyền lại trọn vẹn hoặc dưới hình thức văn bản hoặc theo truyền khẩu nhờ sự kế vị hợp pháp của các Giám mục và nhất là nhờ sự quan tâm cảnh giác của chính vị Giáo Hoàng Rôma, nhờ Thần Khí sự thật soi sáng, mặc khải ấy được giữ gìn cách cẩn trọng và trình bày cách trung thành82. Tuỳ theo trách vụ của mình cũng như tầm quan trọng của sự việc, và bằng những phương tiện thích hợp, vị Giáo Hoàng Rôma và các Giám mục tận tâm nỗ lực để tìm hiểu thấu đáo và trình bày cách thích hợp mặc khải này83; nhưng sẽ không có một mặc khải công khai mới nào nữa được thêm vào kho tàng thần linh của đức tin84.

26.

Giám mục, bởi nhận lãnh bí tích Truyền Chức Thánh cách viên mãn, là “người quản lý ân sủng của chức linh mục tối cao” 85, nhất là trong bí tích Thánh Thể do chính ngài dâng hoặc lo liệu để có người dâng86, nhờ đó Giáo Hội luôn sống động và tăng triển. Giáo Hội Đức Kitô thật sự hiện diện trong mọi cộng đoàn tín hữu địa phương hợp pháp, là những cộng đoàn luôn gắn bó với các vị Chủ chăn của mình, và Tân ước cũng gọi đó là các Giáo Hội87. Thật vậy, trong địa phương của mình, các cộng đoàn này là đoàn dân mới, được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự sung mãn dồi dào (x. 1 Ts 1,5). Nơi các cộng đoàn đó, các tín hữu được tụ họp lại nhờ việc rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô, và mầu nhiệm Bữa Tiệc của Chúa được cử hành “để nhờ Thịt và Máu Chúa, tình huynh đệ trọn vẹn được kết thành trong một thân thể”88. Nơi mỗi cộng đoàn tụ họp quanh bàn thờ, qua tác vụ thánh của vị Giám mục89, bày tỏ rõ ràng biểu tượng của đức ái và của “sự hợp nhất nơi nhiệm thể, điều kiện thiết yếu để có ơn cứu độ”90. Đức Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, thường là nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi, và chính nhờ thần lực của Người mà Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được quy tụ91. Bởi vì “việc tham dự vào Mình và Máu Đức Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành điều mà chúng ta nhận lãnh”92.

Tuy nhiên, mọi việc cử hành Thánh Thể cách hợp pháp đều phải được quy định bởi chính vị Giám mục, người được ủy thác nhiệm vụ dâng lên Thiên Chúa uy linh phụng tự Kitô giáo và điều hành phụng tự đó theo đúng huấn lệnh của Chúa và luật Giáo Hội, với những quy định sau đó được chính ngài xét thấy phải xác lập riêng cho giáo phận mình.

Như thế, khi cầu nguyện và hoạt động cho dân Chúa, các Giám mục làm tuôn tràn cách phong phú dồi dào sự thánh thiện sung mãn của Đức Kitô. Bằng thừa tác vụ Lời Chúa, các ngài thông truyền cho tín hữu sức mạnh của Thiên Chúa để ban ơn cứu độ (x. Rm 1,16), các ngài thánh hoá tín hữu bằng các bí tích mà với quyền bính của mình, các ngài sắp xếp để ban phát cách đều đặn và phong phú93. Các ngài quy định việc ban bí tích Thánh Tẩy để các tín hữu được tham dự vào chức vụ tư tế vương giả của Đức Kitô. Các ngài là thừa tác viên đầu tiên của bí tích Thêm Sức, trao ban các chức thánh, ấn định kỷ luật về việc giải tội, và tận tình khuyên bảo, giáo huấn dân Chúa để họ chu toàn các phận vụ trong phụng vụ và nhất là trong hy tế Thánh lễ với lòng tin và thái độ kính cẩn. Sau cùng, các ngài phải nêu gương sáng cho những kẻ thuộc quyền trong cách xử sự, bằng cách xa tránh tất cả những gì không tốt đẹp trong cách sống, và với ơn Chúa giúp, cố gắng hết sức biến đổi tất cả trở nên tốt lành, để cùng với đoàn chiên Chúa đã trao phó đạt tới sự sống vĩnh cửu94.

27.

Là đại diện và sứ giả của Đức Kitô, các Giám mục cai quản Giáo Hội địa phương được ủy nhiệm cho các ngài95 bằng những lời khuyên bảo, khích lệ, bằng gương lành, và ngay cả bằng thẩm quyền và quyền lực thánh thiêng, tất cả chỉ nhằm xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện, trong khi vẫn luôn tâm niệm rằng ai cao trọng hơn phải nên như người bé nhỏ và người làm đầu phải nên như tôi tớ (x. Lc 22,26-27). Thẩm quyền mà các ngài đích thân thực thi nhân danh Đức Kitô, là năng quyền riêng, thông thường và trực tiếp, nhưng việc thi hành vẫn tuỳ thuộc vào quyết định tối hậu của quyền bính tối cao trong Giáo Hội, và có thể bị giới hạn phần nào vì lợi ích của Giáo Hội hay của các tín hữu. Với năng quyền này, trước mặt Chúa các Giám mục có quyền và có bổn phận thánh thiêng ấn định các luật lệ cho những người thuộc quyền, phân xử và quy định tất cả những gì liên quan đến phụng tự và việc tông đồ.

Phận vụ mục tử, nghĩa là sự chăm sóc thường xuyên và hằng ngày cho đoàn chiên, được ủy thác hoàn toàn cho các Giám mục, và không được coi các Giám mục là những phụ tá của Giáo Hoàng Rôma, vì các ngài thực thi quyền riêng của mình và thực sự được gọi là Thủ lãnh của dân mà các ngài cai quản96. Vì thế, quyền bính của Giám mục không bị quyền tối cao và phổ quát đoạn tiêu, nhưng trái lại, còn được quyền đó xác nhận, củng cố và bảo đảm97, vì Chúa Thánh Thần luôn mãi duy trì thể thức cai quản do Chúa Kitô thiết lập trong Giáo Hội.

Được Chúa Cha cử đến để cai quản gia đình Ngài, Giám mục phải chiêm ngắm gương mẫu vị Mục tử nhân lành, Đấng đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và hiến mạng sống mình vì con chiên (x. Ga 10,11). Được chọn giữa loài người và mang đầy yếu đuối, ngài có thể cảm thông những ai ngu muội và lầm lạc (x. Dt 5,1-2). Giám mục đừng từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy săn sóc họ như những người con đích thực và khuyên nhủ họ nhiệt thành cộng tác với mình. Vì phải trả lẽ với Thiên Chúa về linh hồn con cái mình (x. Dt 13,17), nên bằng cầu nguyện, giảng dạy, và các việc lành bác ái, Giám mục quan tâm chăm sóc họ và cả những người chưa thuộc về cùng một đoàn chiên, những người mà trong Chúa, ngài phải xem như đã được trao phó cho mình. Vì mắc nợ đối với tất cả mọi người giống như Tông đồ Phaolô, nên ngài phải hăng say rao giảng Tin Mừng cho mọi người (x. Rm 1,14-15), và khuyến khích các tín hữu hoạt động tông đồ và truyền giáo. Còn các tín hữu phải liên kết với Giám mục như Giáo Hội gắn bó với Đức Giêsu Kitô, và như Đức Giêsu Kitô với Chúa Cha, để tất cả luôn đồng tâm trong tình hợp nhất98 và mang lại hoa trái phong phú cho vinh quang Thiên Chúa (x. 2 Cr 4,15).

 

Ch. III. Cơ cấu phẩm trật - Linh mục

28.

Đức Kitô, Đấng Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian (x. Ga 10,36), nhờ các Tông đồ, đã làm cho những người kế vị các ngài, tức là Giám mục, được tham dự vào việc thánh hiến và sứ mạng của mình99, sau đó các Giám mục lại trao ban cách hợp pháp thừa tác vụ của mình cho những phần tử khác nhau trong Giáo Hội theo những cấp bậc khác nhau. Như thế, thừa tác vụ giáo sĩ do Thiên Chúa thiết lập được thi hành theo những cấp bậc khác nhau mà từ xưa được gọi là Giám mục, Linh mục và Phó tế100. Dù không ở cấp độ tối cao của quyền giáo trưởng và tuỳ thuộc Giám mục khi thi hành quyền bính, các linh mục liên kết với Giám mục trong chức vị tư tế101 và nhờ bí tích Truyền Chức Thánh102, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô, Linh mục tối cao và đời đời (x. Dt 5,1-10; 7,24; 9,11-28) để rao giảng Tin Mừng, chăn dắt các tín hữu và cử hành việc phụng tự linh thánh như những tư tế đích thực của Tân ước103. Được tham dự theo cấp bậc thừa tác vụ của mình vào các chức năng của Đức Kitô, Đấng Trung gian duy nhất (x. 1 Tm 2,5), các linh mục loan báo lời Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng chính trong phụng tự Thánh Thể hay trong cộng đoàn cử hành Thánh Thể mà các ngài thực thi chức năng thánh thiêng của mình cách tuyệt hảo, nơi đó, khi hành động với tư cách là hiện thân của Đức Kitô104 và công bố mầu nhiệm của Người, các ngài kết hợp những ý nguyện của tín hữu với hy tế của Đức Kitô, thủ lãnh của họ, và các ngài hiện tại hoá và hiện thực hoá trong hy tế thánh lễ105 cho tới khi Chúa lại đến (x. 1 Cr 11,26), hy tế duy nhất của Tân ước, nghĩa là hy tế của Đức Kitô, Đấng dâng mình làm hiến vật tinh tuyền dâng lên Chúa Cha một lần là đủ (x. Dt 9,11-28). Các ngài toàn quyền thực thi thừa tác vụ giao hoà và an ủi dành cho các hối nhân và người đau bệnh, và dâng lên Chúa Cha những nhu cầu và lời khẩn nguyện của các tín hữu (x. Dt 5,1-4). Trong quyền hạn mình, khi thi hành chức năng của Đức Kitô Mục tử và Thủ lãnh106, các ngài tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ sống trong tình hợp nhất107, và nhờ Đức Kitô, trong Thánh Thần, các ngài dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Chúa Cha. Ở giữa đoàn chiên, các ngài tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và chân lý (x. Ga 4,24). Sau hết, các ngài nỗ lực rao giảng và dạy dỗ (x. 1 Tm 5,17), luôn tin điều các ngài đọc và suy niệm trong lề luật Chúa, dạy điều các ngài tin và thực hành trong chính đời sống điều các ngài dạy108.

Là cộng sự viên khôn ngoan để giúp đỡ và làm việc với hàng Giám mục109, được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa, các linh mục cùng với Giám mục của mình tạo thành Linh mục đoàn duy nhất với nhiều nhiệm vụ khác nhau110. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục một cách nào đó đại diện của vị Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại đồng thời đảm nhận theo khả năng những bổn phận và nỗi ưu tư của Giám mục và ân cần thực thi hằng ngày. Dưới quyền Giám mục, các linh mục thánh hoá và coi sóc một phần đoàn chiên Chúa đã trao phó cho mình, các ngài làm cho Giáo Hội phổ quát nên hữu hình ngay tại địa phương mình, và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân mình Đức Kitô (x. Ep 4,12). Luôn lưu tâm đến lợi ích của những người con cái Thiên Chúa, các ngài phải nhiệt thành tham gia vào việc mục vụ của cả giáo phận, và hơn nữa, của toàn thể Giáo Hội. Vì tham dự vào chức tư tế và sứ mệnh của Giám mục, linh mục phải thật sự xem ngài như là người cha và kính cẩn vâng phục ngài. Phần Giám mục phải xem các linh mục, những cộng sự viên của mình, như thể con cái và bạn hữu, như Đức Kitô không còn gọi môn đệ là tôi tớ nhưng là bạn hữu (x. Ga 15,15). Do đó, tất cả các linh mục, triều cũng như dòng, bởi chức thánh và thừa tác vụ, luôn gắn kết với Giám mục đoàn và tuỳ theo ơn gọi và ân sủng mà phục vụ cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội.

Vì cùng lãnh nhận thánh chức và có chung một sứ mệnh, tất cả các linh mục được nối kết với nhau bằng một tình huynh đệ thắm thiết, được thể hiện cách tự phát và tự nguyện qua sự tương trợ cả về tinh thần lẫn vật chất, trong mục vụ cũng như trong lãnh vực cá nhân, qua các cuộc hội họp cũng như qua sự hiệp thông trong đời sống, trong công việc và trong tình bác ái huynh đệ.

Như những người cha trong Chúa Kitô, các linh mục hãy chăm sóc các tín hữu mà các ngài đã sinh ra cách thiêng liêng qua bí tích Thánh Tẩy và những lời giáo huấn (x. 1 Cr 4,15; 1 Pr 1,23). Là gương mẫu cho đoàn chiên (1 Pr 5,3), các ngài hãy điều hành và phục vụ cộng đoàn địa phương của mình, sao cho xứng đáng với danh hiệu dành cho toàn thể đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa, đó là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. 1 Cr 1,2; 2 Cr 1,1 và những nơi khác). Các ngài hãy nhớ rằng, qua cách xử sự hằng ngày và qua sự ân cần săn sóc, các ngài phải tỏ cho tín hữu và những người không tin, cho người công giáo và người ngoài công giáo thấy khuôn mặt của một thừa tác vụ tư tế và mục vụ chân thật, cũng như phải làm chứng cho chân lý và sự sống trước mặt mọi người, và như những mục tử tốt lành, các ngài phải đi tìm kiếm (x. Lc 15,4-7) những người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trong Giáo Hội Công giáo nhưng đã bỏ lãnh nhận các bí tích hoặc thậm chí đã xa rời đức tin.

Vì nhân loại ngày nay càng ngày càng liên kết với nhau trong sự hợp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên khi phối kết việc điều hành cũng như phương tiện hoạt động dưới sự hướng dẫn của các Giám mục và vị Giám mục tối cao, các linh mục càng cần phải loại trừ mọi hình thức chia rẽ để đưa toàn thể nhân loại đi tới sự hợp nhất của gia đình Thiên Chúa.

 

Ch. III. Cơ cấu phẩm trật - Phó tế

29.

Ở bậc thấp hơn của phẩm trật là các phó tế, những người được đặt tay “không phải để lãnh chức linh mục, nhưng để nhận một thừa tác vụ”111. Thật vậy, được củng cố nhờ ân sủng bí tích, hiệp thông với Giám mục và Linh mục đoàn, các phó tế phục vụ Dân Thiên Chúa bằng các công tác trong phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Theo sự chỉ định của những người có thẩm quyền, các phó tế được cử hành trọng thể bí tích Thánh Tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng hôn và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ sự việc phụng tự và giờ cầu nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ sự lễ nghi an táng và chôn cất. Được dành riêng để lo việc bác ái và việc quản trị, các phó tế phải nhớ lời nhắn nhủ của thánh Pôlycarpô: “Hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành và hãy bước theo chân lý của Chúa, Đấng đã trở nên tôi tớ của mọi người”112.

Vì ở nhiều nơi, kỷ luật hiện hành của Giáo Hội Latinh có thể gây khó khăn cho việc chu toàn những nhiệm vụ đó, những nhiệm vụ vốn rất cần thiết cho đời sống Giáo Hội, nên trong tương lai, chức phó tế có thể được tái lập như một cấp bậc phẩm trật riêng biệt và vĩnh viễn. Các nhóm Giám mục theo từng địa phương, dưới những hình thức khác nhau, với sự chấp thuận của chính vị Giáo chủ tối cao, có đủ thẩm quyền để quyết định có nên thiết lập các phó tế như thế không và thiết lập ở đâu, để giúp việc chăm sóc các linh hồn. Với sự đồng ý của Giáo Hoàng Rôma, trong tương lai, chức phó tế có thể được ban cho những người nam đứng tuổi, ngay cả cho những người sống trong bậc hôn nhân, cũng như cho những người trẻ thích hợp, nhưng những người này phải giữ trọn luật độc thân

--- Còn tiếp ---

--------------------------------------------------------------------------------

[76] x. CĐ TRENTÔ sắc lệnh De Reform., Khoá 5, c.2, số 9, và Khoá 24, c.4: Conc. ¬c. Decr. tr. 645 và 739.

[77] x. CĐ VATICANÔ I, Hiến chế tín lý về Đức tin Công giáo Dei Filius, 3: DS 1712 (3011); x. Ghi chú kèm theo Lược đồ I De Eccl. (trích từ Thánh Robertô Bellarminô): Mansi 51, 579C, và Lược đồ đã được sửa đổi của Hiến chế II De Ecclesia Christi, với phần chú giải của Kleutgen; Mansi 53, 313AB; PIÔ IX, thư Tuas Libenter: DS 1683 (2879).

[78] x. Giáo Luật, 1322-1323.

[79] x. CĐ VATICANÔ I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor ₡ternus: DS 1839 (3074).

[80] x. Giải nghĩa của GASSER, trong CĐ VATICANÔ I: Mansi 52, 1213AC.

[81] x. Giải nghĩa của GASSER trong CĐ VATICANÔ I: Mansi 1214A.

[82] x. Giải nghĩa của GASSER trong CĐ VATICANÔ I: Mansi 1215CD, 1216-1217A.

[83] x. Giải nghĩa của GASSER trong CĐ VATICANÔ I: Mansi 1213.

[84] x. CĐ VATICANÔ I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor „ternus, 4: DS 1836 (3070).

[85] Lời nguyện lễ tấn phong Giám mục theo nghi lễ Byzantinô: Euchologion to mega, Rôma, 1873, tr. 139.

[86] x. T. IGNATIÔ Tử đạo, Smyrn. 8, 1: xb. Funk, I, tr. 282.

[87] x. Cv 8,1; 14,22-23; 20,17 và nhiều chỗ khác.

[88] Oratio mozarabica: PL 96, 759B.

[89] T. IGNATIÔ Tử đạo, Smyrn. 8, 1: xb. Funk, I, tr. 282.

[90] T. TÔMA, Summa Theol., III, q. 73, a. 3.

[91] x. T. AUGUSTINÔ, C. Faustum, 12, 20: PL 42, 265; Serm. 57, 7: PL 38, 389, v.v...

[92] T. LÊÔ CẢ, Serm. 63, 7: PL 54, 357C.

[93] x. Traditio Apostolica của Hippolytô, 2-3: xb. Botte, tr. 26-30.

[94] x. Lời thẩm vấn đầu nghi thức và Lời nguyện sau Te Deum cuối lễ tấn phong Giám mục.

[95] x. BÊNÊĐICTÔ XIV, Br. Romana Ecclesia, 5.10.1752, đoạn I: Bullarium Benedicti XIV, bộ IV, Rôma 1758, 21: “Giám mục thay mặt Chúa Kitô và chu toàn trách vụ của Người”; PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, 29.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 211: “Mỗi Giám mục nhân danh Chúa Kitô chăn dắt và điều khiển đoàn chiên được giao phó”.

[96] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Satis cognitum, 29.6.1896: ASS 28 (1895-96), tr. 732; LÊÔ XIII, Thư Officio sanctissimo, 22.12.1887: ASS 20 (1887), tr. 264; PIÔ IX, Tông thư gửi các Giám mục Đức, 12.3.1875 và Huấn từ 15.3.1875: DS 3112-3117 ấn bản mới.

[97] x. CĐ VATICANÔ I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor ₡ternus, 3: DS 1828 (3061); x. Phúc trình của Zinelli: Mansi 52, 1114D.

[98] x. T. IGNATIÔ Tử đạo, Ad Ephes, 5,1: xb. Funk, I, tr. 216.

[99] x. T. IGNATIÔ Tử đạo, Ad Ephes, 6,1: xb. Funk, I, tr. 218.

[100] x. CĐ TRENTÔ, Khoá 23, De Sacr. Ord, c.2: DS 958 (1765) và c.6: DS 966 (1776).

[101] x. INNÔCENTIÔ I, Epist. ad Decentium: PL 20, 554A; Mansi 3, 1029: DS 98 (215): “Linh mục thuộc hàng tư tế nhị phẩm, không có chức vị tư tế tối cao”; T. CYPRIANÔ, Epist. 61,3: CSEL (Hartel), tr. 696.

[102] x. CĐ TRENTÔ, Khoá 23, De Sacr. Ord, c.2: DS 956a-968 (1763-1778), và đặc biệt c.7: DS 967 (1777); PIÔ XII, Tông hiến Sacramentum Ordinis: DS 2301 (3857-61).

[103] x. INNÔCENTIÔ I, Epist. ad Decentium: PL 20, 554A; T. GRÊGÔRIÔ NAZ., Apol. II, 22: PG 35, 432B; ĐIÔNYSIÔ, Eccl Hier., 1, 2: PG 3, 372D.

[104] x. CĐ TRENTÔ, Khoá 22: DS 940 (1743); PIÔ XII, Thông điệp Mediator Dei, 20.11.1947: AAS 39 (1947), tr. 553: DS 2300 (3850).

[105] x. CĐ TRENTÔ, Khoá 22: DS 938 (1739-40); CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 7 và 47: AAS 56 (1964), tr. 100-113.

[106] x. PIÔ XII, Thông điệp Mediator Dei, 20.11.1947: AAS 39 (1947), tr. 67.

[107] x. T. CYPRIANÔ, Epist. 11, 3: PL 4, 242B; CSEL (Hartel) II, 2, tr. 497.

[108] x. Pontificale romanum, Lễ truyền chức linh mục: lúc trao phẩm phục.

[109] x. Pontificale romanum, Lễ truyền chức linh mục: Kinh Tiền Tụng.

[110] x. T. IGNATIÔ Tử đạo, Philad 4: xb. Funk, I, tr. 266; T. CORNÊLIÔ I, trong T. CYPRIANÔ, Epist. 48, 2: CSEL (Hartel) III, 2, tr. 610.

[111] Constitutiones Ecclesi„ „gyptiac„, III, 2: xb. Funk, Didascalia, II, tr. 103; Statuta Eccl. Ant. 37-41: Mansi 3, 954.

[112] T. POLYCARPÔ, Ad Phil. 5, 2: xb. Funk, I, tr. 300: “Chúa Kitô tự hạ được gọi là Đấng Phó tế – Đấng phục vụ mọi người”; x. Didachè 15, 1: xb. Funk, I, tr. 32; T. IGNATIÔ Tử đạo, Trall. 2, 3: xb. Funk, I, tr. 242; Constitutiones Apostolorum, 8, 28, 4: xb. Funk, Didascalia, I, tr. 530.

 

zalo
zalo