HIẾN CHẾ
VỀ PHỤNG VỤ THÁNH
SACROSANCTUM CONCILIUM
Ngày 4 tháng 12 năm 1963
B. Các quy tắc do bản chất của Phụng vụ xét như hoạt động đặc thù của hàng Giáo phẩm và cộng đoàn
26.
Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội, là “bí tích hiệp nhất”, nghĩa là đoàn Dân Thánh được quy tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám mục33.
Vì vậy, các hoạt động phụng vụ thuộc về toàn Thân Thể Giáo Hội, bày tỏ Giáo Hội và tác động trên Giáo Hội; tuy nhiên, Phụng vụ cũng liên quan đến từng chi thể riêng biệt theo nhiều cách thức khác nhau, tuỳ vào phẩm trật, phận vụ, và công tác khi tham dự.
27.
Các nghi lễ theo bản chất phải được cử hành chung với sự tham dự đông đảo và tích cực của giáo dân, vì thế nên nhớ rằng, mỗi khi có thể, phải dành ưu tiên cho việc cử hành cộng đồng hơn là cử hành một mình hoặc gần như riêng tư.
Điều này phải áp dụng đặc biệt cho việc cử hành thánh lễ và các bí tích, cho dù mỗi thánh lễ tự bản chất vẫn luôn mang tính công cộng và cộng đoàn.
28.
Trong các cử hành phụng vụ, khi thực thi phận vụ với tư cách là thừa tác viên hay là tín hữu, mỗi người phải thi hành trọn vẹn và chỉ thi hành những gì thuộc lãnh vực mình tuỳ theo bản chất sự việc và những quy tắc phụng vụ.
29.
Cả những người giúp lễ, đọc sách, dẫn lễ và các ca viên cũng là những người đang thực hiện một thừa tác vụ phụng vụ đích thực. Vì thế, họ phải thi hành phận vụ với lòng đạo đức chân thành và nghiêm túc, đây là thái độ xứng hợp với một tác vụ cao trọng và cũng là điều dân Chúa có quyền đòi hỏi nơi họ.
Vì vậy, mỗi người tuỳ theo khả năng cần phải thấm nhuần tinh thần phụng vụ, và học hỏi để chu toàn các phần việc của mình theo đúng nghi thức và đúng quy định.
30.
Để phát huy việc tham dự tích cực, phải khuyến khích dân chúng tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài ca vịnh, tiền xướng, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ bên ngoài. Cũng cần phải có những phút thinh lặng thánh.
31.
Trong khi tu chỉnh các sách phụng vụ, cần phải lưu tâm để cả vai trò của các tín hữu cũng được tiên liệu trong những quy tắc chữ đỏ.
32.
Trong Phụng vụ, ngoại trừ sự biệt đãi do phận vụ và chức thánh, cũng như vinh dự phải dành cho các viên chức dân sự hợp theo quy tắc các luật phụng vụ, sẽ không có phân biệt đối với một cá nhân hay địa vị nào, hoặc trong nghi lễ hoặc trong các kiểu cách bên ngoài.
C. Các quy tắc do tính cách huấn giáo và mục vụ của Phụng vụ
33.
Mặc dù Phụng vụ thánh chủ yếu là hành vi phụng thờ Thiên Chúa uy linh, nhưng cũng chứa đựng cả một tiến trình giáo dục quan trọng đối với đoàn dân tín hữu34. Thật vậy, trong Phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; Chúa Kitô tiếp tục loan báo Tin Mừng của Người. Còn dân chúng đáp lời Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh.
Hơn nữa, linh mục, người chủ tọa cộng đoàn với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô, đọc những lời kinh trực tiếp dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể Dân Thánh và mọi người tham dự. Sau cùng, chính Chúa Kitô hoặc Giáo Hội đã chọn những dấu chỉ hữu hình được dùng trong Phụng vụ thánh để biểu thị những thực tại linh thánh vô hình. Do đó, không chỉ lúc đọc “những điều đã được ghi chép để dạy dỗ chúng ta” (Rm 15,4), mà cả khi Giáo Hội cầu nguyện, ca hát hay hành động, đức tin của những người tham dự cũng được nuôi dưỡng, tâm trí được hướng về Thiên Chúa để dâng lên lòng kính tôn sùng mộ, và để lãnh nhận dồi dào hơn nữa nguồn ân sủng của Ngài.
Vì thế, trong việc canh tân Phụng vụ cần phải tuân giữ những quy tắc tổng quát sau đây:
34.
Các nghi thức phải chiếu toả nét đơn sơ cao quý, phải ngắn gọn dễ hiểu và tránh những trùng lắp vô ích, phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu, nói chung là không phải nhờ đến nhiều lời giải thích.
35.
Để việc liên kết mật thiết giữa nghi thức và lời đọc được biểu lộ rõ ràng trong Phụng vụ:
1) Khi cử hành các nghi lễ thánh, phải tu chỉnh bài đọc Thánh Kinh cho dồi dào, thay đổi và thích hợp hơn.
2) Vì bài giảng là một thành phần của cử hành phụng vụ, nên vị trí thích hợp nhất để giảng lễ phải được ghi trong các quy tắc chữ đỏ theo như nghi lễ cho phép; và phải hết sức trung thành và nghiêm túc chu toàn tác vụ giảng thuyết. Nội dung bài giảng phải được kín múc chủ yếu từ nguồn Thánh Kinh và Phụng vụ, trở nên lời rao truyền các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi hay trong mầu nhiệm Chúa Kitô, luôn được hiện tại hoá và tác động trong chúng ta, nhất là khi cử hành Phụng vụ.
3) Cũng phải dùng mọi cách để dạy những bài giáo lý gắn liền với Phụng vụ hơn; và nếu cần, trong chính phần nghi thức, phải soạn một đôi lời hướng dẫn vắn tắt để vào những lúc thuận tiện, linh mục hay thừa tác viên có thẩm quyền đọc những lời đã ghi sẵn hay nói những lời tương tự.
4) Phải cổ vũ việc suy tôn Lời Chúa vào ngày vọng các lễ trọng, cũng như một số ngày trong mùa Vọng, mùa Chay, những ngày Chúa nhật và các ngày lễ mừng, nhất là ở những nơi thiếu linh mục: trong trường hợp này, hoặc thầy phó tế hoặc một người khác được Giám mục ủy nhiệm sẽ chủ sự việc suy tôn Lời Chúa.
36.
§1. Việc dùng tiếng latinh, trừ khi có luật riêng, phải được duy trì trong các Nghi chế latinh.
§2. Tuy nhiên, việc dùng ngôn ngữ bản địa trong thánh lễ hay trong các cử hành bí tích, hoặc trong những lãnh vực khác của Phụng vụ, thường có thể đem lại nhiều ích lợi cho dân chúng, nên cũng được dễ dàng chấp thuận, đặc biệt đối với các bài đọc và các bài huấn dụ, một số lời nguyện và bài hát, dựa vào những quy tắc được ấn định cho mỗi trường hợp trong những chương sau.
§3. Khi đã tuân hành đúng theo những quy tắc đó, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, và nếu cần, sau khi đã hội ý với các Giám mục trong những miền lân cận có chung một ngôn ngữ, có quyền quyết nghị về việc sử dụng tiếng bản địa và phương cách áp dụng, sau khi văn kiện đã được Toà Thánh chấp thuận hay chuẩn y.
§4. Việc phiên dịch bản văn latinh ra tiếng bản địa để dùng trong Phụng vụ phải được thẩm quyền Giáo Hội địa phương nói trên chuẩn y.
D. Các quy tắc để thích nghi với tâm tính và truyền thống của dân tộc
37.
Đối với những điều không liên can đến đức tin hay thiện ích của toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội không muốn áp đặt một dạng thức đồng loạt cứng nhắc, kể cả trong Phụng vụ, nhưng đúng hơn, Giáo Hội muốn tôn trọng và phát huy những nét đẹp tinh thần, những tính cách đặc thù của mỗi dân tộc; trong tập tục của các dân tộc, bất cứ những gì không tuyệt đối gắn liền với những điều dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội thẩm định với nhiều thiện cảm, và nếu có thể, vẫn được gìn giữ toàn vẹn và vững chắc, hơn nữa, đôi khi còn được đưa vào trong Phụng vụ, miễn sao hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính.
38.
Khi tu chỉnh các sách phụng vụ, Giáo Hội luôn duy trì tính cách duy nhất thuộc bản chất của Nghi chế Rôma, nhưng vẫn chấp nhận những thay đổi chính đáng và những thích nghi với các cộng đồng, các miền, các dân tộc, nhất là tại các xứ truyền giáo; nên để ý đến quy tắc này trong việc ấn định cơ cấu các nghi lễ và xác lập các quy tắc chữ đỏ.
39.
Trong những giới hạn được ấn định cho bản nguyên mẫu của các sách phụng vụ, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, có quyền xác định những điều được thích nghi, đặc biệt việc cử hành các bí tích, á bí tích, rước kiệu, ngôn ngữ phụng vụ, thánh nhạc và nghệ thuật, tuy nhiên phải theo đúng những quy tắc căn bản trong Hiến chế này.
40.
Tại nhiều nơi và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, việc thích nghi Phụng vụ đòi hỏi phải thực hiện sâu xa hơn, do đó cũng gây nên nhiều khó khăn hơn, vì thế:
1) Thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, phải thận trọng và khôn ngoan thẩm định xem những yếu tố nào thuộc các truyền thống và tâm tính của từng dân tộc có thể chấp nhận được trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Những điểm thích nghi được xét là lợi ích hay cần thiết, phải đệ trình và được Toà Thánh chấp thuận trước khi đưa vào Phụng vụ.
2) Để việc thích nghi được thực hiện với sự cẩn trọng cần thiết, Toà Thánh sẽ đồng ý để Giáo Hội địa phương tuỳ trường hợp có thể cho phép và tiến hành việc sử dụng thử nghiệm sơ khởi cần phải có, trong một số cộng đoàn thích hợp và trong một khoảng thời gian hạn định nào đó.
3) Các quy luật phụng vụ thường làm cho việc thích nghi gặp phải những khó khăn đặc biệt, nhất là tại các xứ truyền giáo, vì thế cần phải nhờ đến các chuyên viên để thực hiện công việc này.
IV. PHÁT HUY ĐỜI SỐNG PHỤNG VỤ TRONG GIÁO PHẬN VÀ GIÁO XỨ
41.
Giám mục phải được xem như vị thượng tế của đoàn chiên, sự sống nơi các tín hữu của ngài trong Chúa Kitô một cách nào đó phát xuất từ ngài và lệ thuộc vào ngài.
Vì thế, mọi người phải thể hiện thật tốt đẹp đời sống phụng vụ của giáo phận chung quanh Giám mục, nhất là tại nhà thờ chánh toà: họ phải xác tín rằng Giáo Hội được tỏ bày cách đặc biệt khi toàn thể đoàn Dân Thánh của Thiên Chúa tham dự trọn vẹn và tích cực vào những cử hành phụng vụ, nhất là trong cùng một Hiến lễ Tạ ơn, cùng một lời cầu nguyện, nơi một bàn thờ duy nhất, ở đó Giám mục chủ tọa giữa Linh mục đoàn và các thừa tác viên đang quy tụ quanh Ngài35.
42.
Vì Giám mục không thể đích thân hiện diện mọi nơi mọi lúc trong toàn thể đoàn chiên thuộc Giáo Hội của ngài, nên phải thiết lập các cộng đồng tín hữu, trong đó, nổi bật hơn cả là các giáo xứ được thiết lập tại địa phương dưới quyền một mục tử thay mặt Đức Giám mục: vì một cách nào đó, các giáo xứ là hình ảnh của Giáo Hội hữu hình được thiết lập trên toàn cõi trái đất.
Vì thế phải phát huy đời sống phụng vụ của giáo xứ và mối liên hệ với Giám mục trong tâm tư cũng như trong hành động của các tín hữu và hàng giáo sĩ; đồng thời phải nỗ lực làm triển nở ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong cộng đoàn cử hành thánh lễ ngày Chúa Nhật.
V. PHÁT HUY HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ PHỤNG VỤ
43.
Nỗ lực phát huy và canh tân Phụng vụ thánh đáng được xem như một dấu chỉ của ý định quan phòng của Thiên Chúa cho thời đại chúng ta, và như cuộc viếng thăm của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội; đây là một đặc điểm làm nổi bật đời sống Giáo Hội, cũng như cách suy tư và hoạt động tôn giáo trong thời đại chúng ta.
Vì thế, để hoạt động về mục vụ phụng vụ được phát huy sâu rộng hơn trong Giáo Hội, Thánh Công Đồng quyết định:
44.
Thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2, nên thiết lập một Ủy ban Phụng vụ với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia về phụng vụ, âm nhạc, nghệ thuật thánh, cũng như mục vụ. Nếu có thể, Ủy ban này phải được trợ giúp bởi một học viện Mục vụ Phụng vụ gồm nhiều thành phần, và nếu cần, cả những giáo dân có khả năng về các lãnh vực vừa nêu. Dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội địa phương, như đã nói trên, chính Ủy ban này sẽ phải điều hành hoạt động về Mục vụ Phụng vụ trong phạm vi quyền hạn mình, cũng như phải cổ vũ các cuộc nghiên cứu và thử nghiệm cần thiết mỗi khi phải đệ trình Toà Thánh những điều cần được thích nghi.
45.
Cũng vậy, trong mỗi giáo phận phải có một Ủy ban Phụng vụ thánh để phát huy hoạt động phụng vụ, dưới sự điều hành của Giám mục.
Và đôi khi nhiều giáo phận cũng nên phối hợp với nhau để lập một Ủy Ban chung để cùng hội ý trong công cuộc phát huy Phụng vụ.
46.
Ngoài Ủy ban Phụng vụ thánh, trong mỗi giáo phận, khi có thể, cũng phải thiết lập các Ủy ban Thánh nhạc và Nghệ thuật thánh. Ba Ủy ban này cần phải hợp lực làm việc, và nhiều nơi cũng đã liên kết thành một Ủy ban duy nhất.
CHƯƠNG II
MẦU NHIỆM THÁNH LỄ TẠ ƠN
47.
Trong bữa Tiệc Ly, vào đêm bị trao nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng chính Mình và Máu Người, để nhờ đó hy tế Thập giá được tiếp diễn qua các thời đại cho tới khi Người đến, và đã ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Giáo Hội việc tưởng niệm sự chết và sự phục sinh của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái 36, bữa tiệc vượt qua, “trong đó, khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn chúng ta được tràn đầy ân sủng, và đón nhận bảo chứng cho vinh quang đời sau” 37.
48.
Vì thế, Giáo Hội luôn quan tâm giúp các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khán giả xa lạ và nín lặng, nhưng là những người thấu hiểu mầu nhiệm nhờ các nghi lễ và kinh nguyện, tham gia vào thánh lễ cách ý thức, thành kính và tích cực, được Lời Chúa giáo huấn, được bàn tiệc Mình Chúa bổ sức, dâng lời tạ ơn Chúa, và khi không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài để hiến dâng lễ vật tinh tuyền, họ tập dâng hiến chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô là Trung Gian 38, họ đạt đến mức viên mãn trong sự hợp nhất với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.
49.
Vì vậy, để hy tế thánh lễ có được hiệu năng mục vụ trọn vẹn nhờ vào cả những nghi thức bên ngoài, thánh Công Đồng quyết định những điều sau đây về việc cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, đặc biệt vào những Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.
50.
Phải tu chỉnh nghi thức thánh lễ để diễn đạt rõ ràng hơn nữa ý nghĩa riêng biệt cũng như mối tương quan giữa các phần trong thánh lễ, đồng thời để giúp các tín hữu tham dự thánh lễ sốt sắng và tích cực hơn.
Vì thế, các nghi lễ phải đơn giản hơn trong khi vẫn bảo toàn trọn vẹn bản chất của mình; phải loại bỏ những gì theo dòng thời gian đã trở nên trùng lắp hoặc được thêm vào cách vô ích; đối với những điểm đã bị xoá nhoà theo thời gian, phải dựa theo quy tắc cổ kính thời các thánh Giáo Phụ để tái lập những điều xét là thích hợp và cần thiết.
51.
Để bàn tiệc Lời Chúa được thêm phong phú cho các tín hữu, cần phải mở rộng hơn nữa kho tàng Thánh Kinh, sao cho trong một số năm nhất định nào đó, dân chúng được nghe phần nội dung tiêu biểu nhất trong Thánh Kinh.
52.
Bài giảng dựa vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những quy tắc cho cuộc sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, phải được coi là một thành phần của Phụng vụ; hơn nữa, trong các thánh lễ Chúa Nhật và lễ buộc có giáo dân tham dự, không được bỏ giảng, trừ khi có lý do hệ trọng.
53.
Phải tái lập “lời nguyện chung” hay “lời nguyện tín hữu”, sau bài đọc Tin Mừng và bài giảng, nhất là vào các Chúa Nhật và lễ buộc, để giáo dân cùng hợp chung lời cầu nguyện cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những ai đang gặp khó khăn trước những nhu cầu cần thiết, cho tất cả mọi người, và cho phần rỗi của toàn thế giới 39.
54.
Tiếng bản địa có thể được dùng khi cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, nhất là trong các bài đọc và “lời nguyện chung”, cả trong những phần dành cho dân chúng, tuỳ theo hoàn cảnh địa phương, chiếu theo quy tắc số 36 của Hiến chế này.
Tuy nhiên phải dự liệu sao để các Kitô hữu có thể đọc chung hoặc hát chung, ngay cả bằng La ngữ, các phần thường lễ dành cho họ trong thánh lễ.
Ở những nơi xét thấy nên dùng tiếng bản địa rộng rãi hơn trong thánh lễ, phải tuân giữ những điều đã quy định trong số 40 của Hiến chế này.
55.
Phải khuyến khích các tín hữu tham dự thánh lễ cách trọn vẹn hơn, bằng cách, sau khi linh mục hiệp lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong cùng thánh lễ đó.
Về việc hiệp lễ dưới hai hình, những nguyên tắc tín lý do Công Đồng Trentô xác lập vẫn có giá trị 40, tuy nhiên, trong những trường hợp được Toà Thánh minh định, có thể cho giáo sĩ, tu sĩ và cả giáo dân hiệp lễ dưới hai hình tuỳ theo sự phân định của các Giám mục, chẳng hạn cho các tiến chức trong thánh lễ phong chức, những người tuyên khấn trong thánh lễ khấn dòng, và các tân tòng trong thánh lễ cử hành cùng với nghi thức Rửa tội.
56.
Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể là hai thành phần trong một ý nghĩa nào đó đã làm nên Thánh lễ, cả hai được liên kết chặt chẽ đến nỗi tạo thành một hành vi phụng tự duy nhất. Vì thế, thánh Công Đồng tha thiết kêu gọi những mục tử chăn dắt các linh hồn, khi giảng dạy giáo lý, hãy quan tâm khuyên nhủ các tín hữu tham dự trọn vẹn thánh lễ, nhất là vào các Chúa Nhật và những ngày lễ buộc.
57.
§1. Việc đồng tế, vốn rất thích hợp trong việc biểu lộ tính duy nhất của chức linh mục, hiện vẫn được duy trì trong Giáo Hội Đông phương cũng như Tây phương. Vì thế, Thánh Công Đồng mở rộng năng quyền đồng tế trong những trường hợp sau đây:
1. a) Thứ Năm Tuần Thánh, lễ làm phép Dầu cũng như lễ ban chiều;
b) các thánh lễ trong các Công Đồng, các Hội Nghị Giám mục và các Công nghị;
c) thánh lễ chúc phong Đan viện Phụ.
2. Ngoài ra, phải được phép của Đấng Bản Quyền, người có trách nhiệm cứu xét có nên đồng tế hay không trong những trường hợp sau đây:
a) thánh lễ trong tu hội và thánh lễ chính trong các nhà thờ, khi lợi ích các Kitô hữu không đòi buộc các linh mục hiện diện cử hành thánh lễ riêng;
b) các thánh lễ trong bất cứ cuộc hội họp nào của các linh mục triều cũng như dòng.
§2.
1. Việc ấn định quy luật đồng tế trong giáo phận thuộc quyền các Giám mục.
2. Tuy nhiên, dù mỗi linh mục vẫn có quyền cử hành thánh lễ một mình, nhưng không được dâng lễ riêng cùng một lúc trong cùng một nhà thờ, và trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh.
58.
Phải soạn thảo bản nghi thức mới về đồng tế, và phải đưa vào Sách Nghi Lễ Giám mục và Sách lễ Rôma.
--- Còn tiếp ---
----------------------------------------------------------------------------------
[33] T. CYPRIANÔ, De cath. eccl. unitate, 7: xb., bộ III, 1, Vienna 1868, tr. 215-216; x. Epist. 66, số 8, 3: xb. G. Hartel, trong CSEL, bộ III, 2, Vienna 1871, tr. 732-733.
[34] x. CĐ TRENTÔ, Khoá 22, 17.9.1562, Doctrina De ss. Miss„ sacrif., c. 8: Concilium Tridentinum, xb. Societas Goerresian„, bộ VIII, tr. 961.
[35] x. T. IGNATIÔ ANTIÔKIA, Ad Magn. 7; Ad Phil. 4: Ad Smyrn. 8: xb. F. X. Funk, Patres Apostolici, I, tr. 236, 266, 281
[36] x. T. AUGUSTINÔ, In Ioannis Evangelium Tractatus XXVI, ch. VI, số 13: PL 35, 1613.
[37] Kinh Nhật Tụng Rôma, Lễ Mình Thánh Chúa Kitô, Kinh Chiều II, Tiền xướng Kinh Magnificat.
[38] x. T. CYRILLÔ ALEXANDRIA, Commentarium in Ioannis Evangelium, XI, ch. XI-XII: PG 74, 557-565, nhất là 564-565.
[39] x. 1 Tm 2,1-2.
[40] CĐ TRENTÔ, Khoá 21, 16.7.1562, Doctrina de Communione sub utraque specie et parvulorum, ch. 1-3, khoản 1-3: Concilium Tridentinum, xb. Soc. Goerresian„, bộ VIII, 698-699.