CHƯƠNG III
CÁC BÍ TÍCH KHÁC VÀ CÁC Á BÍ TÍCH
59.
Các bí tích có mục đích thánh hoá con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và sau cùng, thờ phượng Thiên Chúa; vì là những dấu chỉ, các bí tích cũng có tác dụng huấn giáo. Các bí tích không những giả thiết phải có đức tin, nhưng còn dùng lời nói và các vật thể hữu hình để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin, vì thế được gọi là các bí tích của đức tin. Thật vậy, các bí tích ban ân sủng, nhưng nghi thức cử hành sẽ giúp các tín hữu sẵn sàng đón nhận ân sủng đó cách hữu hiệu, thờ phượng Thiên Chúa cách thích đáng và thực thi đức ái.
Do đó, điều rất quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các bí tích, và siêng năng lãnh nhận các bí tích đã được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu.
60.
Ngoài ra, Mẹ thánh Giáo Hội còn thiết lập những á bí tích. Đó là những dấu chỉ thánh thiêng, phần nào phỏng theo những bí tích, qua đó những năng lực, nhất là những năng lực thiêng liêng được biểu thị và thông ban nhờ sự chuyển cầu của Giáo Hội. Các á bí tích giúp con người sẵn sàng lãnh nhận hiệu năng chính yếu của các bí tích và thánh hoá những cảnh huống đa dạng của cuộc sống.
61.
Vì thế, nơi các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, Phụng vụ các bí tích và á bí tích sẽ thánh hoá gần như tất cả các biến cố trong đời sống nhờ nguồn ân sủng siêu nhiên xuất phát từ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại, Đấng chính là nguồn phát sinh năng lực cho tất cả các bí tích và á bí tích; và chắc chắn việc sử dụng chính đáng những vật thể hữu hình đều có thể hướng tới mục đích thánh hoá con người và ngợi khen Thiên Chúa.
62.
Tuy nhiên, theo dòng thời gian, một số yếu tố đã được đưa vào các nghi thức khiến cho con người thời nay không còn nhận ra rõ ràng bản chất và mục đích của các bí tích và á bí tích, vì thế, cần phải thích nghi những yếu tố đó cho hợp với nhu cầu của thời đại, từ đó, trong việc duyệt xét lại các nghi thức, Thánh Công Đồng quyết định các điều sau đây:
63.
Vì việc dùng tiếng bản địa trong khi cử hành bí tích và á bí tích, có thể rất ích lợi cho giáo dân, nên có thể sử dụng rộng rãi ngôn ngữ địa phương theo những quy tắc sau đây:
a) Tiếng bản địa có thể được sử dụng trong khi cử hành các bí tích và á bí tích theo quy tắc đã nêu lên trong số 36.
b) Dựa theo ấn bản mới của quyển Nghi Lễ Rôma, các sách Nghi thức riêng thích nghi với nhu cầu từng miền, cả về phương diện ngôn ngữ, phải được soạn thảo càng sớm càng tốt bởi thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2 của Hiến chế này, và sau khi đã được Toà Thánh chuẩn y, các sách này sẽ được xử dụng trong những miền liên quan. Trong việc soạn thảo các sách Nghi thức, hay những tập sách đặc biệt về các nghi thức, không được bỏ qua những huấn thị ghi ở đầu từng nghi thức trong sách Nghi Lễ Rôma, dù là huấn thị về mục vụ, về phần chữ đỏ, hay những huấn thị có tầm quan trọng đặc biệt về phương diện xã hội.
64.
Phải phục hồi chương trình giáo lý dự tòng cho người trưởng thành, tiến hành qua nhiều giai đoạn tách biệt, và việc thực hiện phải tuỳ theo phán quyết của Đấng Bản Quyền địa phương; nhờ đó, thời gian dự tòng dành cho việc huấn giáo tương xứng có thể được thánh hoá bởi những nghi thức thánh, được cử hành vào những thời điểm nối tiếp nhau.
65.
Trong các xứ truyền giáo, ngoài những yếu tố đã có trong truyền thống Kitô giáo, cũng được phép công nhận những yếu tố của việc khai tâm đang được thực hiện nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể thích ứng với nghi thức Kitô giáo, theo quy tắc đã nêu trong các số 37-40 của Hiến chế này.
66.
Phải duyệt lại cả hai nghi thức Rửa tội cho người trưởng thành, một nghi thức đơn giản và một nghi thức trọng thể dựa trên chương trình mới của giáo lý dự tòng; và sẽ đưa vào Sách lễ Rôma một lễ đặc biệt trong dịp “ban bí tích Thánh Tẩy”.
67.
Phải duyệt lại nghi thức Rửa tội cho trẻ em, và thích nghi với trường hợp các trẻ sơ sinh; nghi thức phải làm nổi bật hơn nữa vai trò và bổn phận của cha mẹ cũng như những người đỡ đầu.
68.
Khi có đông người chịu bí tích Thánh Tẩy, trong nghi lễ nên có những thích ứng tuỳ theo phán quyết của Đấng Bản Quyền địa phương. Cũng phải soạn thảo một “nghi thức vắn tắt”, để các giáo lý viên, đặc biệt trong các xứ truyền giáo, và cách chung các tín hữu, có thể sử dụng trong trường hợp nguy tử khi không có linh mục hay phó tế.
69.
Thay vì nghi thức vẫn được gọi là “nghi thức bù các phép cho các trẻ nhỏ đã rửa tội”, phải soạn thảo một nghi thức mới, trong đó cần nêu rõ cách xác đáng rằng em bé, khi được rửa tội theo nghi thức vắn tắt, cũng đã được nhận vào Giáo Hội rồi.
Cũng thế, đối với những người trước kia đã được rửa tội thành sự, nay trở về với Giáo Hội Công giáo, phải soạn thảo một nghi thức mới để tiếp nhận họ vào trong tình thông hiệp với Giáo Hội.
70.
Ngoài mùa Phục sinh, có thể làm phép nước rửa tội ngay trong nghi thức thánh tẩy, theo một công thức vắn tắt đã được chuẩn nhận.
71.
Nghi thức Thêm sức cũng cần được duyệt lại để làm sáng tỏ hơn mối tương quan mật thiết giữa bí tích này với toàn thể tiến trình khai tâm Kitô giáo ; vì thế, nên lập lại lời hứa Rửa tội ngay trước khi nhận lãnh bí tích Thêm Sức.
Nếu thuận tiện, có thể cử hành bí tích Thêm Sức trong thánh lễ; phải soạn thảo một công thức theo dạng dẫn nhập dành cho nghi thức cử hành bí tích ngoài Thánh lễ.
72.
Nghi lễ và công thức bí tích Giải Tội phải được duyệt lại để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu năng của bí tích này.
73.
“Bí tích Xức dầu sau cùng” hay đúng hơn phải gọi là “bí tích Xức Dầu bệnh nhân” không phải là bí tích chỉ dành riêng cho những người hấp hối. Như thế, rõ ràng thời gian thuận tiện để lãnh nhận bí tích này là lúc người tín hữu bắt đầu lâm vào tình trạng nguy tử vì bệnh tật hay già yếu.
74.
Ngoài hai nghi thức tách biệt nhau là xức dầu bệnh nhân và trao Của Ăn Đàng, phải soạn thảo một bản nghi lễ liên tục, theo đó bệnh nhân sẽ được xức dầu sau khi xưng tội và trước khi nhận Của Ăn Đàng.
75.
Số lần xức dầu sẽ tuỳ nghi thực hiện, và các lời nguyện đọc trong nghi thức xức dầu bệnh nhân phải được duyệt lại sao cho thích hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau của các bệnh nhân xin nhận lãnh bí tích.
76.
Nghi lễ Phong chức phải được duyệt lại cả về nghi thức lẫn bản văn. Bài huấn dụ của Đức Giám mục ở đầu mỗi nghi lễ phong chức hay tấn phong có thể dùng tiếng bản địa.
Trong Nghi lễ Tấn phong Giám mục, tất cả các Giám mục hiện diện đều có thể đặt tay.
77.
Nghi lễ cử hành hôn phối hiện có trong sách Nghi lễ Rôma phải được duyệt lại và làm cho phong phú hơn, để diễn đạt rõ ràng hơn về ân sủng của bí tích và nhấn mạnh nhiều hơn về bổn phận của đôi vợ chồng.
“Nếu ở miền nào có những tập tục và nghi lễ xứng đáng khác trong khi cử hành bí tích Hôn Phối, Thánh Công Đồng tha thiết mong ước họ cứ giữ nguyên những tập tục và nghi lễ đó” 41.
Ngoài ra, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2 của Hiến chế này, có quyền soạn thảo, theo quy tắc trong số 63, một nghi lễ riêng, thích hợp với tập quán của các địa phương và các dân tộc, nhưng phải duy trì việc linh mục chủ sự phải hỏi và nhận lời ưng thuận của hai người kết ước.
78.
Theo thường lệ, Hôn phối phải cử hành trong thánh lễ, sau bài đọc Phúc Âm, bài giảng và trước “lời nguyện tín hữu”. Lời cầu nguyện dành cho tân nương phải được tu chỉnh hợp thời để nhấn mạnh đến việc cả hai vợ chồng cùng có bổn phận phải trung tín với nhau, lời nguyện này có thể đọc bằng tiếng bản địa.
Nhưng nếu cử hành bí tích Hôn Phối ngoài thánh lễ, phải đọc bài Thánh Thư và Tin Mừng của Lễ Hôn phối trước khi bắt đầu nghi thức và luôn phải đọc lời chúc lành cho đôi tân hôn.
79.
Các á bí tích cũng phải được duyệt lại, theo định hướng căn bản là làm sao cho các tín hữu dễ dàng tham dự cách ý thức và tích cực, đồng thời cũng cần lưu tâm đến những nhu cầu đương thời. Khi duyệt lại các nghi thức theo quy tắc trong số 63, có thể lập thêm các á bí tích mới tuỳ theo nhu cầu đòi hỏi.
Các nghi thức làm phép được dành riêng cũng sẽ phải hạn chế tối đa, và chỉ được dành riêng cho các Giám mục và các Đấng Bản Quyền.
Có thể dự liệu việc cho phép những giáo dân có khả năng thích hợp, được cử hành một vài á bí tích, ít là trong những trường hợp đặc biệt và tuỳ theo sự xét định của Đấng Bản Quyền.
80.
Phải duyệt lại Nghi lễ thánh hiến các trinh nữ, đã có trong Sách Nghi lễ Giám mục Rôma.
Ngoài ra, cần soạn thảo một nghi lễ khấn dòng và tuyên lại lời khấn mang tính thống nhất, giản dị và trang trọng hơn, dành cho những người tuyên khấn hay lập lại lời khấn trong thánh lễ, ngoại trừ trường hợp có đặc quyền riêng.
Nên cử hành nghi thức khấn dòng trong thánh lễ.
81.
Nghi lễ an táng phải diễn tả rõ ràng hơn tính cách vượt qua của cái chết nơi người Kitô hữu, và phải đáp ứng tốt đẹp hơn nữa những hoàn cảnh và truyền thống của từng miền, ngay cả về màu lễ phục Phụng vụ.
82.
Phải duyệt lại nghi lễ an táng trẻ em và lập một thánh lễ riêng.
CHƯƠNG IV
KINH NHẬT TỤNG
83.
Là Thượng Tế của Giao Ước mới và vĩnh cửu, Chúa Giêsu Kitô, mang bản tính nhân loại, đã đưa vào cuộc lưu đày ở trần gian này bài ca thánh vẫn còn được hát lên qua mọi thời đại nơi ngai toà thiên quốc. Chính Người tập họp và liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại với Người để cùng hát bản thánh ca ngợi khen này.
Thật vậy, Chúa Kitô tiếp tục thực thi phận vụ tư tế qua chính Giáo Hội của Người, một cộng đoàn không ngừng ca tụng Thiên Chúa và chuyển cầu cho phần rỗi của cả thế giới, không chỉ bằng việc cử hành Lễ Tạ Ơn, mà còn bằng nhiều cách khác, nhất là việc chu toàn Kinh Nhật Tụng.
84.
Từ trong truyền thống xa xưa của Kitô giáo, Kinh Nhật Tụng được lập ra để dùng lời ngợi khen Thiên Chúa thánh hiến thời gian ngày cũng như đêm. Vì khi các linh mục hay những người được Giáo Hội ủy nhiệm, hoặc các Kitô hữu cùng cầu nguyện với các linh mục theo thể thức đã được chuẩn nhận, chu toàn đúng nghi thức bài ca ngợi khen tuyệt diệu ấy, thì quả thật đó là tiếng của chính Hiền Thê nói với Đấng Phu Quân của mình, và hơn thế nữa, còn là lời cầu nguyện của Chúa Kitô và Thân Thể Người dâng lên Thiên Chúa Cha.
85.
Bởi thế, tất cả những người thực thi phận vụ đó, vừa chu toàn trách vụ của Giáo Hội, vừa thông phần vinh dự tối cao của Hiền Thê Chúa Kitô, vì lúc đó họ nhân danh Giáo Hội là Mẹ để đảm nhận việc ca khen Thiên Chúa trước ngai toà Ngài.
86.
Các linh mục đang phải miệt mài với công việc mục vụ, sẽ càng thêm sốt sắng chu toàn lời ngợi khen vào các Giờ Kinh nếu càng ý thức sống động hơn rằng mình phải tuân giữ lời khuyên dạy của thánh Phaolô: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Ts 5,17); vì chỉ một mình Chúa mới có thể làm cho công việc của họ có kết quả và thêm tăng triển, như lời Người nói: “Không có Thầy, các con không thể làm được việc gì” (Ga 15,5); vì thế, khi thiết lập hàng phó tế, các Tông đồ đã nói: “Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời” (Cv 6,4).
87.
Nhưng để giúp các linh mục hay các phần tử khác trong Giáo Hội chu toàn Kinh Nhật Tụng cách tốt đẹp và hoàn hảo hơn trong hoàn cảnh hiện tại, và để tiếp nối việc cải tổ đã được Toà Thánh khởi sự cách thuận lợi, Thánh Công Đồng ấn định những điều sau đây về Kinh Nhật Tụng theo Nghi chế Rôma.
88.
Vì mục đích của Kinh Nhật Tụng là thánh hoá ngày sống, nên cách tổ chức các Giờ Kinh theo truyền thống phải được cải tổ cho phù hợp tối đa với giờ khắc thật, đồng thời phải lưu ý đến những điều kiện sống thường nhật, nhất là của những người đang đảm trách phận vụ tông đồ.
89.
Vì thế, việc canh tân Kinh Nhật Tụng phải tuân theo những quy tắc sau đây:
a) Theo truyền thống khả kính của toàn thể Giáo Hội, Giờ Kinh Ngợi Khen là lời kinh ban mai và Giờ Kinh Chiều là lời nguyện ban chiều như hai mốc điểm của Kinh Nhật Tụng, phải được coi là hai giờ chính và phải cử hành đúng thời điểm;
b) Giờ Kinh Tối phải được xếp đặt thích hợp vào thời điểm cuối ngày;
c) Giờ kinh thường gọi là Kinh Mai, mặc dù vẫn được cử hành trong kinh hội như một lời ca tụng trong đêm, nhưng cần phải thích nghi thế nào để có thể đọc bất cứ giờ nào trong ngày và giờ kinh này sẽ gồm ít Thánh vịnh hơn và các bài đọc sẽ dài hơn.
d) Giờ Kinh Nhất được bãi bỏ.
e) Trong kinh hội, sẽ giữ các Giờ nhỏ là giờ Ba, giờ Sáu, giờ Chín. Ngoài kinh hội, được phép chọn trong số đó một giờ thích hợp nhất với thời điểm đọc kinh trong ngày.
90.
Hơn nữa, vì Kinh Nhật Tụng là lời nguyện chung của Giáo Hội, là nguồn khởi phát lòng đạo đức và lương thực cho kinh nguyện cá nhân, nên các linh mục và tất cả những ai tham dự Kinh Nhật Tụng được tha thiết mời gọi trong Chúa, khi cử hành Thần vụ này, hãy hoà hợp tâm trí với lời mình đọc; để có thể thực hiện tốt đẹp điều đó, cần phải có một kiến thức phong phú hơn về Phụng vụ và Thánh Kinh nhất là về các Thánh vịnh.
Khi thực thi việc canh tân này, phải thích nghi sao cho tất cả những ai tiếp nhận kho tàng cao quý ngàn đời của Kinh Nhật Tụng Rôma, có thể tận hưởng nguồn ơn phúc đó cách phong phú và dễ dàng hơn.
91.
Để trình tự những Giờ Kinh đã đề cập ở số 89 có thể được thực hiện cách thiết thực, các Thánh vịnh sẽ được dàn trải không phải trong một tuần lễ như trước đây, nhưng trong khoảng thời gian dài hơn.
Việc tu chỉnh phần Thánh vịnh đã khởi sự tốt đẹp, nay cần được nhanh chóng hoàn thành, với chủ tâm tôn trọng đặc điểm văn chương latinh Kitô giáo, cách sử dụng và cả thể thức hát Thánh vịnh trong Phụng vụ, đồng thời cũng tôn trọng toàn bộ truyền thống Giáo Hội latinh.
92.
Về các bài đọc, phải giữ những điều sau đây:
a) cần sắp xếp sao cho việc đọc Thánh Kinh có thể giúp đi sâu vào kho tàng Lời Chúa cách dễ dàng và trọn vẹn hơn.
b) các bài đọc trích từ tác phẩm của các Giáo phụ, các Tiến sĩ và Văn sĩ trong Giáo Hội phải được tuyển chọn kỹ lưỡng hơn.
c) các bài đọc liên quan đến việc tử đạo hoặc đời sống của các thánh phải phù hợp với chứng cứ lịch sử.
93.
Các thánh thi, trong mức độ thích hợp, cũng sẽ được phục hồi theo dạng thức nguyên thuỷ, phải loại bỏ hoặc thay thế những gì mang màu sắc thần thoại hay không phù hợp với nền đạo đức Kitô giáo. Ngoài ra, nếu cần, cũng có thể chọn thêm những văn phẩm khác tìm thấy trong kho tàng các thánh thi.
94.
Để thực sự thánh hoá ngày sống cũng như để nhận được nhiều hoa trái thiêng liêng qua các Giờ Kinh, nên giữ thời gian nguyện kinh theo Giờ luật định gần sát với thời khắc thật trong ngày.
95.
Các cộng đoàn có kinh hội, ngoài thánh lễ trong tu hội, buộc phải cử hành Kinh Nhật Tụng mỗi ngày trong kinh hội:
a) Các hội dòng kinh sĩ, đan sĩ nam, nữ và các tu sĩ thuộc kinh hội do giáo luật hay hiến pháp của dòng, buộc phải cử hành toàn bộ Kinh Nhật Tụng.
b) Các kinh sĩ thuộc nhà thờ chánh toà hoặc nhà thờ tu đoàn, phải đọc những phần Kinh Nhật Tụng đã được ấn định do luật chung hay luật riêng.
c) Tuy nhiên, tất cả các thành viên của những cộng đoàn đó, hoặc đã nhận chức thánh hoặc đã khấn trọng, trừ các thầy trợ sĩ, buộc phải đọc riêng những Giờ Kinh theo luật định, nếu đã không đọc chung trong kinh hội.
96.
Các giáo sĩ không thuộc kinh hội, nếu đã nhận chức thánh, buộc phải đọc trọn Kinh Nhật Tụng mỗi ngày, hoặc với cộng đoàn hoặc riêng một mình, theo quy tắc trong số 89.
97.
Phần chữ đỏ sẽ minh định khi nào việc cử hành Phụng vụ có thể thay thế cho Kinh Nhật Tụng.
Trong những trường hợp đặc biệt và khi có lý do chính đáng, các Đấng Bản Quyền có thể miễn chuẩn cho những người thuộc quyền không phải đọc tất cả hay một phần Kinh Nhật Tụng, hoặc có thể thay thế hẳn Kinh Nhật Tụng.
98.
Các thành viên của bất cứ tu hội nào, khi đọc một phần Kinh Nhật tụng, theo quy định do hiến chương của tu hội, cũng là thực hành kinh nguyện chung của Giáo Hội.
Cũng thế, khi đọc bản Kinh Nhật Tụng vắn tắt theo như hiến chương cho phép, họ cũng thực hành kinh nguyện chung của Giáo Hội, miễn là bản kinh vắn tắt đó được soạn thảo theo hình thức Kinh Nhật Tụng và được phê chuẩn hợp lệ.
99.
Vì Kinh Nhật Tụng là tiếng nói của Giáo Hội, nghĩa là của toàn Nhiệm Thể, cùng chung lời ngợi khen Thiên Chúa, nên khuyên các giáo sĩ không thuộc kinh hội, và nhất là các linh mục đang sống chung hoặc đang nhóm họp, hãy đọc chung với nhau ít ra là một phần Kinh Nhật Tụng.
Khi đọc Kinh Nhật Tụng trong kinh hội hoặc trong cộng đoàn, mọi người hãy thi hành phận vụ được ủy thác đó cách thật hoàn hảo với lòng sùng kính bên trong cũng như qua cử điệu bên ngoài.
Ngoài ra, trong kinh hội hay trong cộng đoàn, nếu thuận tiện cũng nên hát Kinh Nhật Tụng.
100.
Những mục tử chăn dắt các linh hồn nên sắp xếp để các Giờ Kinh chính, nhất là giờ Kinh Chiều, được cử hành chung trong nhà thờ, vào các Chúa Nhật và những ngày lễ trọng. Giáo dân cũng được khuyên hãy đọc Kinh Nhật Tụng, hoặc cùng với các linh mục, hoặc khi tụ họp chung với nhau, hoặc riêng một mình.
101.
1) Theo truyền thống ngàn đời của Nghi chế latinh, các giáo sĩ nên đọc Kinh Nhật Tụng bằng La ngữ. Tuy nhiên, Đấng Bản Quyền có thể cho dùng bản dịch tiếng địa phương, chiếu theo quy tắc trong số 36, tuỳ trường hợp cá biệt đối với những giáo sĩ, nếu phải đọc tiếng latinh, sẽ gặp trở ngại đến độ không thể chu toàn Kinh Nhật Tụng theo đúng yêu cầu luật định.
2) Bề trên thẩm quyền có thể cho phép các nữ đan sĩ, các nam tu sĩ không phải là giáo sĩ và các nữ tu thuộc các tu hội, được đọc Kinh Nhật Tụng bằng tiếng địa phương kể cả khi cử hành trong kinh hội, miễn là bản dịch phải được chuẩn nhận.
3) Đối với những giáo sĩ buộc phải đọc Kinh Nhật Tụng, khi đọc kinh bằng tiếng địa phương chung với cộng đoàn tín hữu, hoặc với những người đã nói ở số 2, thì cũng đã chu toàn phận vụ rồi, miễn là bản dịch đã được chuẩn nhận.
--- Còn tiếp ---
-----------------------------------------------------------------------------------
[41] CĐ TRENTÔ, Khoá 24, 11.11.1563, Sắc lệnh De Reformatione, ch. 1: Concilium Tridentinum, xb. Soc. Goerresian„, IX, Actorum, phần VI, Friburgi Brisgovi„ 1924, tr. 969; x. Rituale Romanum, tiết VIII, ch. II, 6.