Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 70

HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH - SACROSANCTUM CONCILIUM ( kết thúc)

CHƯƠNG V

NĂM PHỤNG VỤ

 102.

Mẹ thánh Giáo Hội luôn ý thức về bổn phận phải thực hành việc tưởng niệm để cử hành công trình cứu chuộc của Đấng Phu Quân chí thánh vào những ngày được ấn định trong năm. Mỗi tuần, vào ngày được gọi là Chúa Nhật, Giáo Hội tưởng nhớ việc Chúa Phục sinh, và mỗi năm một lần, Giáo Hội lại long trọng cử hành mầu nhiệm ấy vào dịp lễ Chúa Phục sinh, cùng với cuộc Thương Khó hồng phúc của Người.

Giáo Hội trình bày toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô trong chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, cũng như sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa quang lâm.

Khi cử hành các mầu nhiệm cứu độ, Giáo Hội rộng mở cho các tín hữu kho tàng quyền năng và công nghiệp phong phú của Chúa, nhờ đó những mầu nhiệm này có thể nói là được hiện tại hoá qua mọi thời đại, các tín hữu được tiếp xúc với các mầu nhiệm và được đầy tràn ơn cứu rỗi.

103.

Cùng lúc với việc cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo chu kỳ hằng năm, Giáo Hội đặc biệt yêu mến tôn kính Đức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã gắn liền với công trình cứu chuộc của Con Mẹ bằng mối liên kết bất khả phân ly; nơi Mẹ, Giáo Hội ngưỡng mộ và tán tụng thành quả tuyệt diệu của công trình cứu chuộc, đồng thời vui mừng chiêm ngắm nơi Mẹ, như thể nhìn vào một hình ảnh tinh tuyền trọn hảo, điều mà toàn thể Giáo Hội mong ước và đợi trông.

104.

Ngoài ra, Giáo Hội còn đưa vào niên lịch những lễ kính nhớ các thánh Tử Đạo và các vị thánh khác, những người đã đạt tới sự trọn lành nhờ ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, và đã lãnh nhận phần rỗi đời đời, giờ đây đang đồng tâm hát ca chúc tụng Thiên Chúa trên thiên quốc và vẫn luôn chuyển cầu cho chúng ta. Trong những ngày kính nhớ các thánh, Giáo Hội công bố mầu nhiệm vượt qua nơi những người đã cùng chịu khổ nạn và cùng được vinh hiển với Chúa Kitô, đồng thời cũng trình bày cho các tín hữu gương sống của các ngài, những mẫu gương đang lôi kéo mọi người đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô, và nhờ công nghiệp các ngài, Giáo Hội lãnh nhận muôn ơn lành Chúa ban.

105.

Sau cùng, vào nhiều thời điểm trong năm, Giáo Hội dùng các phương thức truyền thống để kiện toàn việc đào tạo các tín hữu bằng những thực hành đạo đức trong tâm hồn cũng như nơi thân xác, bằng lời giảng dạy, cầu nguyện, bằng thái độ sám hối và thực thi lòng thương xót.

Vì thế, Thánh Công Đồng xác quyết những điều sau đây:

106.

Theo Truyền thống Tông đồ, bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Vượt qua vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay Chúa Nhật. Trong ngày đó, các Kitô hữu phải họp nhau lại để cùng với việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hiến lễ Tạ ơn, họ kính nhớ cuộc Thương khó, sự Sống lại và cuộc tôn vinh của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã “tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động nhờ sự phục sinh từ trong cõi chết của Chúa Giêsu Kitô” (1 Pr 1,3). Vì thế, Chúa Nhật là ngày lễ rất đặc biệt phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu đến độ cũng trở thành ngày dành cho niềm vui và sự nghỉ ngơi. Các nghi thức cử hành khác, nếu không thật sự rất quan trọng thì không được đặt ưu tiên hơn lễ Chúa Nhật, vì đây là nền tảng và cốt lõi của cả năm phụng vụ.

107.

Phải tu chỉnh năm phụng vụ sao cho, trong lúc duy trì hay phục hồi những tập tục và quy chế truyền thống về các mùa phụng vụ cho phù hợp với thời đại hiện nay, vẫn bảo toàn được bản chất nguyên thủy của những mùa ấy, để nuôi dưỡng cách thỏa đáng lòng đạo đức của các tín hữu qua việc cử hành những mầu nhiệm cứu chuộc trong Kitô giáo, nhất là mầu nhiệm Vượt qua. Những điểm cần thích nghi với hoàn cảnh địa phương, phải theo quy tắc trong các số 39 và 40.

108.

Trước hết, phải hướng tâm trí các tín hữu về những ngày lễ kính Chúa, qua đó các mầu nhiệm cứu chuộc được cử hành trong từng năm. Vì thế, Phần Riêng mỗi Mùa phải ưu tiên hơn lễ kính các Thánh, để chu kỳ trọn vẹn dành cho các mầu nhiệm cứu chuộc được thực hiện cách thích hợp.

109.

Mùa Chay có hai đặc tính cần phải được trình bày rõ ràng hơn trong phụng vụ cũng như trong giáo lý về phụng vụ, vì đây là mùa giúp các tín hữu dọn lòng cử hành mầu nhiệm Vượt qua bằng việc lắng nghe tiếng Chúa và cầu nguyện chuyên chăm hơn, đặc biệt qua việc nhớ lại hoặc chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và qua hành vi thống hối. Do đó:

a) phải trình bày cách phong phú hơn những yếu tố liên quan đến bí tích Thánh Tẩy dành riêng cho Phụng vụ Mùa Chay; trong đó, một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa cần phải được tái lập, nếu xét thấy thích hợp.

b) đối với các yếu tố liên quan đến việc thống hối, cũng phải làm y như thế. Trong khi dạy giáo lý, phải giúp các tín hữu hiểu rõ không những về các hậu quả của tội lỗi gây ra cho cộng đoàn, mà còn về chính bản chất của việc sám hối, đó là chê ghét tội lỗi vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa; đồng thời không được quên vai trò của Giáo Hội trong hành vi sám hối, và phải nhấn mạnh đến việc cầu nguyện cho các tội nhân.

110.

Trong Mùa Chay, việc thống hối không chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, nhưng phải tỏ lộ ra bên ngoài và mang tính cộng đoàn. Vì thế, hãy phát huy việc thực hành thống hối với những phương thức có thể thực hiện được trong thời đại hiện nay tại các miền khác nhau, đồng thời cũng phải phù hợp với hoàn cảnh các tín hữu, đây là việc các Đấng Bản Quyền cần phải cổ vũ như đã nói ở số 22.

Tuy nhiên, khắp nơi vẫn phải thực hành nghiêm nhặt việc giữ chay thánh dịp lễ Vượt qua, nghĩa là vào ngày thứ sáu tưởng niệm cuộc Khổ nạn và việc Chúa chịu chết, nếu không trở ngại nên kéo dài qua thứ bảy Tuần Thánh, để với tâm hồn nâng cao và rộng mở, người tín hữu sẽ hưởng trọn vẹn niềm vui phục sinh.

111.

Theo truyền thống, các thánh được tôn kính trong Giáo Hội và các thánh tích đích thực cũng như ảnh tượng của các ngài vẫn được sùng kính. Lễ kính các thánh loan truyền những việc kỳ diệu Chúa Kitô đã làm nơi các tôi tớ của Người và trình bày những gương sáng thích hợp cho các tín hữu noi theo.

Để lễ kính các thánh không lấn át các lễ kính nhớ những mầu nhiệm cứu chuộc, một số lễ các thánh sẽ được cử hành riêng nơi các Giáo Hội địa phương, quốc gia hay dòng tu, và chỉ lễ kính những vị thánh thực sự có tầm quan trọng phổ quát mới được cử hành chung trong toàn thể Giáo Hội.

CHƯƠNG VI

THÁNH NHẠC

 112.

Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã làm thành một kho tàng vô giá, nổi bật giữa các phong cách nghệ thuật khác, nhất là vì cung điệu đi liền với lời thánh ca góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong những cử hành phụng vụ trọng thể.

Thật vậy, thánh ca không những đã được Thánh Kinh 42 mà cả các Giáo phụ và các vị Giáo Hoàng khen ngợi, nhất là các vị trong khoảng thời gian gần đây, tiếp bước Đức Piô X, đã cho thấy rõ ràng hơn vai trò của thánh nhạc trong phụng tự.

Do đó, thánh nhạc sẽ mang tính thánh thiêng hơn nếu liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ, hoặc để diễn đạt lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn hay để cổ vũ sự đồng tâm, hoặc để tăng thêm tính cách long trọng cho các nghi lễ. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng chuẩn nhận và cho sử dụng trong phụng tự tất cả mọi hình thức nghệ thuật đích thực, miễn là có những phẩm tính cần thiết.

Vì thế, trong khi vẫn duy trì những quy tắc, luật lệ của truyền thống và quy luật trong Giáo Hội, cũng như luôn quan tâm đến mục đích của thánh nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hoá các tín hữu, Thánh Công Đồng xác lập những điểm sau đây:

113.

Hoạt động phụng vụ có được hình thức cao nhã hơn khi việc cử hành phụng tự được cử hành cách long trọng với tiếng hát, do các thừa tác viên có chức thánh chủ sự và giáo dân tích cực tham dự.

Về việc sử dụng ngôn ngữ, phải theo quy tắc trong số 36; về thánh lễ, số 54; về các bí tích, số 63; về Kinh Nhật Tụng, số 101.

114.

Phải tận tâm gìn giữ và phát huy kho tàng thánh nhạc, phải nỗ lực đào tạo các ca đoàn, nhất là tại các nhà thờ chánh toà; phần các Giám mục và mục tử coi sóc các linh hồn, hãy quan tâm sắp xếp để trong các lễ hát, tất cả cộng đoàn tín hữu đều có thể tích cực tham dự với những phần dành riêng cho họ, theo quy tắc trong các số 28 và 30.

115.

Phải chú trọng đến việc học hỏi và thực tập âm nhạc trong các chủng viện, tập viện cũng như học viện của các dòng tu nam nữ và cả trong những học viện và các học đường công giáo; do đó, cần phải quan tâm đào tạo các giáo sư chuyên môn để phụ trách chương trình giảng dạy về thánh nhạc.

Ngoài ra, nếu tiện, rất nên thành lập những Học viện cao đẳng về Thánh nhạc.

Hơn nữa, các nhạc sĩ, ca sĩ, nhất là các thiếu nhi, cũng phải được huấn luyện nghiêm túc về Phụng vụ.

116.

Giáo Hội nhìn nhận bình ca là gia sản riêng của Phụng vụ Rôma: vì thế, trong các hoạt động phụng vụ, bình ca phải giữ địa vị chính yếu giữa những loại hình thánh ca khác.

Trong khi cử hành việc phụng tự, vẫn có thể dùng các loại hình thánh nhạc khác, nhất là thể nhạc đa âm, miễn là đáp ứng được tinh thần của hoạt động phụng vụ theo quy tắc trong số 30.

117.

Phải hoàn thành ấn bản mẫu cho các sách hát bình ca; ngoài ra, cũng phải có một ấn bản được nghiên cứu cẩn thận hơn đối với các sách đã được phát hành sau cuộc canh tân của Thánh Piô X.

Nên cho phát hành những sách hát có âm điệu đơn giản hơn để dùng trong các nhà thờ nhỏ.

118.

Thánh ca cộng đồng phải được phát huy sâu rộng để các tín hữu có thể dâng lời ca tiếng hát trong các việc đạo đức thánh thiện cũng như trong chính hoạt động phụng vụ, theo những quy tắc và chỉ thị của luật chữ đỏ.

119.

Ở một vài miền, nhất là tại các xứ truyền giáo, nơi những dân tộc sẵn có truyền thống âm nhạc đặc thù, vốn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và xã hội, cần phải biết quý trọng và dành cho âm nhạc ấy một địa vị thích hợp, trong khi vẫn phải giúp hình thành nơi họ cảm thức tôn giáo, cũng như thích ứng năng khiếu của họ vào việc phụng tự, theo tinh thần số 39 và 40.

Vì thế, trong khi giảng dạy về âm nhạc cho các vị thừa sai, phải chú tâm hướng dẫn để họ có được khả năng tối đa giúp phát triển truyền thống âm nhạc của các dân tộc trong các trường học cũng như trong các hoạt động phụng vụ.

120.

Trong Giáo Hội latinh, đại phong cầm rất được quý chuộng, vì là một nhạc khí cổ truyền với chất liệu âm thanh có thể làm tăng thêm tính cách cao quý diệu kỳ cho các nghi lễ, đồng thời cũng giúp nâng cao tâm trí lên cùng Chúa và những sự trên trời.

Các nhạc cụ khác có thể được sử dụng trong việc phụng tự tuỳ theo sự xét định và phê chuẩn của thẩm quyền địa phương theo quy tắc trong số 22 §2, 37 và 40, miễn là đã thích nghi hoặc có thể thích nghi để sử dụng trong các việc thánh thiêng, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường, và thực sự góp phần nâng cao tâm hồn các tín hữu.

121.

Các nhạc sĩ đã được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo hãy luôn cảm nhận được lời mời gọi nỗ lực trau dồi và phát triển kho tàng thánh nhạc.

Hãy sáng tác những bài ca có cung điệu thực sự mang tính thánh nhạc, không chỉ dành cho các ca đoàn lớn nhưng còn thích hợp với cả những ca đoàn nhỏ, hỗ trợ nhiều cho sự tham dự tích cực của toàn thể cộng đoàn tín hữu.

Lời thánh ca phải phù hợp với giáo thuyết công giáo và tốt nhất là được kín múc từ Thánh Kinh và các nguồn mạch phụng vụ.

CHƯƠNG VII

NGHỆ THUẬT THÁNH
VÀ VẬT DỤNG TRONG PHỤNG TỰ

 122.

Trong những kỹ năng hoạt động cao quý nhất của con người, chắc chắn phải kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà đỉnh cao chính là nghệ thuật thánh. Tự bản chất, nghệ thuật thánh diễn tả cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại, được dâng hiến cho Thiên Chúa, càng thêm lời ca tụng và làm toả sáng vinh quang Ngài hơn nữa khi không nhằm chủ đích nào khác ngoài việc góp phần tích cực giúp tâm trí con người thành kính hướng về Thiên Chúa.

Vì thế, Mẹ thánh Giáo Hội vẫn mến chuộng và luôn nghĩ đến vai trò cao quý của mỹ thuật cũng như việc đào tạo các nghệ nhân, chủ yếu để những vật dụng trong phụng tự thánh được thực sự xứng đáng, thanh nhã và cao đẹp, đồng thời biểu thị và tượng trưng cho những thực tại cao siêu. Hơn nữa, Giáo Hội vẫn đảm nhận việc thẩm định về mỹ thuật, tuyển chọn giữa những công trình của các nghệ sĩ những tác phẩm thích hợp với đức tin, với lòng đạo đức, và với những quy định truyền thống về tôn giáo, cũng như quyết định tác phẩm nào xứng đáng dùng vào việc thánh.

Giáo Hội đặc biệt quan tâm muốn cho vật dụng thánh góp phần cách xứng đáng và có mỹ thuật vào việc phụng tự cao quý, đồng thời cũng chấp nhận những thay đổi về chất liệu, hình thức, cũng như về nghệ thuật trang trí do những tiến triển kỹ thuật mang lại qua các thời đại.

Vì thế trong lãnh vực này, các Nghị Phụ xác quyết những điều sau đây.

123.

Giáo Hội không chọn riêng cho mình một quy cách nghệ thuật nào, nhưng chấp nhận các kiểu thức của bất cứ thời đại nào, tuỳ theo đặc tính và hoàn cảnh của các dân tộc, cũng như tuỳ theo nhu cầu của các Nghi chế khác nhau, nhờ đó, trải qua các thế kỷ, đã thu thập được cả một kho tàng nghệ thuật cần phải được bảo tồn cẩn thận. Ngay cả nghệ thuật của thời hiện đại, cũng như của tất cả các dân tộc và các khu vực cũng được tự do thể hiện trong Giáo Hội, miễn là giữ được vẻ tôn kính trang trọng cần phải có trong các thánh đường cũng như trong các nghi lễ thánh; như thế, nghệ thuật đã có thể hoà giọng với bài ca vinh danh kỳ diệu mà những bậc vĩ nhân đã cùng cất lên tiếng hát qua các thế kỷ để tôn vinh niềm tin công giáo.

124.

Các Đấng Bản Quyền, khi phát động và cổ vũ nghệ thuật thánh đích thực, hãy nhắm tới nét đẹp cao quý hơn là nghĩ tới vẻ xa hoa lộng lẫy. Đây cũng là điều cần được áp dụng đối với phẩm phục và cách thức trang trí.

Các Giám mục hãy lưu ý loại bỏ khỏi thánh đường cũng như những nơi thánh khác, những tác phẩm nghệ thuật nghịch với đức tin và phong hoá, trái với nền đạo đức Kitô giáo, cũng như những tác phẩm gây tổn hại cho ý nghĩa tôn giáo đích thực, hoặc vì hình thức bất xứng, hoặc vì thiếu thẩm mỹ, tầm thường hay giả tạo.

Trong việc xây cất thánh đường, phải cẩn thận lưu tâm để sao cho xứng hợp với việc thực hành các hoạt động phụng vụ và thuận lợi cho việc tham dự tích cực của các tín hữu.

125.

Việc đặt ảnh tượng thánh trong các thánh đường cho các tín hữu tôn kính vẫn được duy trì; tuy nhiên, các ảnh tượng không nên quá nhiều và phải được bày trí thích hợp, để không phá hỏng lòng mộ mến nơi đoàn dân Kitô giáo, đồng thời cũng không nhượng bộ thói sùng bái lệch lạc.

126.

Trong việc thẩm xét những tác phẩm nghệ thuật, các Đấng Bản Quyền địa phương hãy lắng nghe ý kiến của Ủy ban giáo phận đặc trách Nghệ Thuật Thánh, và nếu cần, nên hỏi ý các chuyên viên cũng như những Ủy ban đã nói trong các số 44, 45, 46.

Các Đấng Bản Quyền phải thận trọng đừng để các vật dụng thánh hoặc các tác phẩm nghệ thuật có giá trị bị di nhượng hoặc phá hủy, vì đó là những phẩm vật trang hoàng nhà Chúa.

127.

Các Giám mục, hoặc tự mình hoặc nhờ các linh mục đủ khả năng, thông thạo và yêu thích nghệ thuật, phải lưu tâm giúp các nghệ nhân thấm nhuần tinh thần nghệ thuật thánh và Phụng vụ thánh.

Ngoài ra cũng nên thành lập những trường học hay học viện về nghệ thuật thánh để đào tạo các nghệ nhân cho những nơi có nhu cầu.

Và tất cả các nghệ nhân, những người muốn dùng tài nghệ của mình phụng sự cho vinh quang Thiên Chúa trong Giáo Hội, phải luôn nhớ rằng công việc họ đang làm chính là dõi theo hành động thánh thiêng của Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, và thực hiện những tác phẩm dành cho việc phụng tự công giáo, giúp khai mở tâm trí các tín hữu, cũng như để hỗ trợ lòng đạo đức và việc đào tạo trong lãnh vực tôn giáo.

128.

Những khoản luật và quy định của Giáo Hội về việc bài trí những vật dụng bên ngoài liên quan đến việc thờ phượng, nhất là về việc xây dựng thánh đường cho xứng đáng và thích hợp, về hình dáng và cấu tạo của các bàn thờ, về vẻ tôn quý, vị trí và sự an toàn của nhà tạm Thánh Thể, về tính cách thuận lợi và trang trọng của giếng rửa tội, cũng như về lối trưng bày ảnh tượng thánh, cách trần thiết và trang hoàng sao cho hoà hợp, tất cả các quy định trên và các sách phụng vụ theo quy tắc trong số 25 phải được duyệt lại càng sớm càng tốt: tu chỉnh hay loại bỏ những điều không còn thích hợp với nền Phụng vụ đã được canh tân; giữ lại hoặc thêm vào những điều phù hợp.

Trong lãnh vực này, cách riêng về chất liệu và hình thức vật dụng thánh và phẩm phục, Hội đồng Giám mục địa phương có quyền thích nghi với các nhu cầu và phong tục địa phương, chiếu theo quy tắc trong số 22 của Hiến chế này.

129.

Các giáo sĩ, trong thời gian theo học triết học và thần học, phải được học hỏi về lịch sử và biến chuyển của nghệ thuật thánh, cũng như về những nguyên tắc chính đáng làm cơ sở cho các tác phẩm nghệ thuật thánh; như thế họ sẽ biết quý trọng và bảo trì những công trình đáng được đề cao của Giáo Hội, cũng như có thể đưa ra những ý kiến thích hợp cho các nghệ nhân trong khi thực hiện các tác phẩm.

130.

Nên dành riêng việc sử dụng huy hiệu giáo chủ cho những nhân vật trong Giáo Hội có chức Giám mục hoặc có thẩm quyền đặc biệt nào đó.

 PHỤ CHƯƠNG

TUYÊN NGÔN
CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II

 VỀ VIỆC TU CHỈNH NIÊN LỊCH

Thánh Công Đồng Vaticanô II rất quan tâm đến nguyện vọng của nhiều người về việc ấn định lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định, và về việc xác lập một niên lịch cố định, sau khi đã cẩn thận cân nhắc mọi hệ quả có thể xảy ra do việc xác lập một niên lịch mới, Thánh Công Đồng tuyên bố những điều sau đây:

1. Thánh Công Đồng không phản đối việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định trong niên lịch grêgôrianô, miễn là có sự đồng ý của những người liên hệ, nhất là các anh em đã ly khai với Tông Toà.

2. Cũng thế, Thánh Công Đồng tuyên bố là không phản đối những sáng kiến có liên hệ đến việc đưa vào xã hội dân sự một niên lịch cố định.

Tuy nhiên, trong các hệ thống khác nhau được trù tính để xác lập và đưa một niên lịch cố định vào xã hội dân sự, Giáo Hội chỉ chấp nhận những hệ thống nào còn duy trì và bảo toàn tuần lễ 7 ngày với ngày Chúa Nhật, không đưa thêm một ngày nào khác vào trong tuần lễ, để sự tiếp nối các tuần lễ vẫn được nguyên vẹn, trừ khi có những lý do hết sức quan trọng mà Tông Toà sẽ phán quyết.

Tất cả và từng điều được ban bố trong Hiến Chế này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

 

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 4 tháng 12 năm 1963
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo

(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[42] x. Ep 5,19; Cl 3,16.

zalo
zalo