Ngày tháng: 19/12/2024
Đang truy cập: 14

HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH - SACROSANCTUM CONCILIUM (1)

HIẾN CHẾ
VỀ PHỤNG VỤ THÁNH
SACROSANCTUM CONCILIUM
Ngày 4 tháng 12 năm 1963

 

LỜI MỞ ĐẦU

1.

Thánh Công Đồng nhận thấy mình có bổn phận đặc biệt phải lo canh tân và phát huy Phụng vụ, để giúp cho đời sống Kitô hữu nơi các tín hữu ngày càng tăng triển; để thích ứng cách tốt đẹp hơn những định chế có thể thay đổi cho hợp với những nhu cầu của thời đại hôm nay, đồng thời cũng để phát huy những gì có thể đem lại sự hợp nhất cho tất cả những ai đã tin theo Chúa Kitô, và củng cố những gì hỗ trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội.

2.

Thật vậy, chính nhờ Phụng vụ, nhất là trong Hy tế Tạ ơn, “công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện”1, vì thế Phụng vụ góp phần rất nhiều trong việc giúp các tín hữu thể hiện nơi cuộc sống và tỏ bày cho những người khác thấy mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa chứa đựng những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa sốt sắng chiêm niệm, hiện diện nơi trần gian nhưng chỉ như người lữ hành; và trong Giáo Hội, yếu tố nhân loại phải quy hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình phải quy hướng về những thực tại vô hình, những hoạt động phải hướng về chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai mà chúng ta đang tìm kiếm2. Hằng ngày, Phụng vụ kiến tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần3, cho đến khi đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô4, đồng thời cũng kiện cường cách kỳ diệu nơi họ sức mạnh để rao giảng Chúa Kitô, và như thế Phụng vụ bày tỏ cho những người ở bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ được đặt lên cao trước mặt muôn dân5, nhờ đó con cái Thiên Chúa đang tản mác được quy tụ nên một6 cho tới khi thành một đàn chiên với một chủ chăn7.

3.

Vì vậy, để phát huy và canh tân Phụng vụ, Thánh Công Đồng thấy cần nhắc lại các nguyên tắc sau đây và thiết định những tiêu chuẩn thực hành.

Trong những nguyên tắc và tiêu chuẩn này, một số có thể và phải được áp dụng vừa cho Nghi chế Rôma vừa cho tất cả các Nghi chế khác, tuy dù những tiêu chuẩn thực hành sau đây phải hiểu là chỉ có liên quan tới Nghi chế Rôma mà thôi, ngoại trừ những gì tự bản chất có liên hệ đến những Nghi chế khác.

4.

Sau hết, luôn trung thành vâng phục truyền thống, Thánh Công Đồng tuyên bố rằng: Giáo Hội Mẹ thánh coi tất cả những Nghi chế đã được chính thức công nhận đều bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau, Công Đồng cũng muốn các Nghi chế ấy được duy trì trong tương lai và được cổ vũ bằng mọi cách, đồng thời cũng ước mong, nơi nào cần, các Nghi chế ấy phải được duyệt xét toàn bộ cách cẩn trọng theo tinh thần của truyền thống tốt lành và tiếp nhận được luồng sinh khí mới cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại.

CHƯƠNG I

NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT
ĐỂ CANH TÂN VÀ PHÁT HUY
PHỤNG VỤ THÁNH

 

I. BẢN CHẤT VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHỤNG VỤ THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

5.

Thiên Chúa, Đấng “muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4), “thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, đã nói với các tổ phụ qua các ngôn sứ” (Dt 1,1), khi thời gian viên mãn, đã sai Người Con của mình là Ngôi Lời nhập thể, Đấng được Thánh Thần xức dầu, đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, cứu chữa những tâm hồn đau khổ 8, nên như “thầy thuốc của thể xác và tinh thần” 9, làm Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại 10. Bản tính nhân loại của Người kết hiệp với Ngôi Lời, đã nên khí cụ thực hiện ơn cứu rỗi cho chúng ta. Vì thế, trong Chúa Kitô, “giá chuộc của ơn giao hoà đã được thực hiện trọn vẹn, và việc thờ phượng hoàn hảo đối với Thiên Chúa đã được trao cho chúng ta” 11.

Công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, được tiên báo trong dân Cựu ước qua những kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa, nay được Chúa Kitô hoàn tất, chủ yếu với mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc Khổ nạn hồng phúc, sự Phục sinh từ cõi chết và Thăng thiên vinh hiển của Người, nhờ đó, “Người đã chết để tiêu diệt sự chết nơi chúng ta và sống lại để tái lập sự sống” 12. Vì chính từ cạnh sườn của Chúa Kitô đang trong giấc ngủ trên Thập giá, đã phát sinh nhiệm tích kỳ diệu là Giáo Hội 13.

6.

Vì thế, như Chúa Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì các Tông đồ đầy tràn Thánh Thần cũng được chính Chúa Kitô sai đi như vậy, không những để khi rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo 14, các ngài loan báo việc Con Thiên Chúa đã dùng cái chết và sự sống lại của Người để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan15 và sự chết, để dẫn đưa chúng ta vào vương quốc của Chúa Cha, nhưng còn để các ngài thực thi công cuộc cứu chuộc đã được loan báo, nhờ lễ Hiến tế và các Bí tích, điểm quy hướng của toàn thể đời sống phụng vụ. Trong ý nghĩa đó, nhờ bí tích Thánh Tẩy, con người được tháp nhập vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô: cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại16, được lãnh nhận tinh thần nghĩa tử, “nhờ đó chúng ta kêu lên: Abba, Cha ơi” (Rm 8,15), và cũng được trở nên những người thờ phượng đích thực mà Chúa Cha tìm kiếm17. Cũng thế, mỗi khi ăn bữa tiệc của Chúa, họ loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến18. Do đó, chính trong ngày lễ Ngũ Tuần, ngày Giáo Hội xuất hiện trước thế giới, “những người suy phục lời giảng” của thánh Phêrô, “đều được Thánh tẩy”. Họ “kiên vững trong giáo huấn của các Tông đồ, hiệp thông trong nghi lễ bẻ bánh và trong lời cầu nguyện… luôn ngợi khen Thiên Chúa và được toàn dân quý mến” (Cv 2,4-42.47). Kể từ đấy, Giáo Hội không bao giờ bỏ việc cùng nhau quy tụ để cử hành mầu nhiệm Phục sinh: bằng việc đọc “tất cả những lời Sách Thánh liên quan đến Người” (Lc 24,27), bằng việc cử hành Lễ Tạ Ơn trong đó hiện tại hoá “sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của Người”19, đồng thời “cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân khôn tả” (2 Cr 9,15) trong Chúa Giêsu Kitô, “để ca tụng vinh quang của Người” (Ep 1,12) nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

7.

Để hoàn tất công trình cao cả ấy, Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh lễ, vừa ở nơi con người của thừa tác viên, khi “chính Đấng xưa đã tự hiến mình trên Thập giá, nay cũng đang dâng hiến nhờ tác vụ của các linh mục”20, vừa hiện diện cách vô cùng nhiệm lạ dưới hình bánh hình rượu trong bí tích Thánh Thể. Người hiện diện trong các bí tích nhờ quyền năng của Người, đến nỗi, khi có ai cử hành bí tích Rửa Tội thì chính là Chúa Kitô đang rửa tội21. Người hiện diện trong lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết, Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh vịnh, như chính Người đã hứa: “Nơi đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20).

Quả thật, trong hành vi cao cả này, được thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hoá mọi người, Chúa Kitô luôn kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất yêu quý đang kêu cầu Người như Chúa của mình và nhờ Người mà cử hành việc phụng thờ Chúa Cha hằng hữu.

Vì thế, Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức năng tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hoá con người được biểu hiện nhờ những dấu chỉ khả giác đồng thời được thực hiện cách hữu hiệu với cách thế riêng biệt của mỗi dấu chỉ, và việc phụng tự công cộng toàn vẹn cũng được thực thi bởi Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là bởi Đầu cùng với các chi thể.

Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô Tư Tế và Thân Thể Người là Giáo Hội, nên tất cả các cử hành phụng vụ đều là hành vi linh thánh trổi vượt, không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.

8.

Khi tham dự Phụng vụ trần gian, chúng ta cảm nếm trước Phụng vụ trên trời, được cử hành trong thành thánh Giêrusalem, nơi chúng ta là những lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực22; chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh thiên quốc đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa: chúng ta hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các Thánh khi kính nhớ các Ngài; chúng ta mong đợi Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện và chúng ta cũng sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang23.

9.

Phụng vụ thánh không phải là tất cả hoạt động của Giáo Hội; vì con người cần phải được mời gọi đến với đức tin và hoán cải trước khi có thể đến tham dự Phụng vụ: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao họ nghe được, nếu không có người rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15).

Vì thế, Giáo Hội loan truyền sứ điệp cứu rỗi cho những người không tin, để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, đồng thời cũng nhận biết Đấng Ngài sai đến là Chúa Giêsu Kitô, và thống hối để hoán cải cách sống24. Đối với các tín hữu, Giáo Hội phải không ngừng rao giảng về đức tin và lòng thống hối, giúp họ sẵn sàng đón nhận các bí tích, dạy họ tuân giữ tất cả những điều Chúa Kitô đã truyền ban25, thúc giục họ tham gia các công cuộc bác ái, đạo đức và tông đồ, những việc đó chứng tỏ rằng dù không thuộc về thế gian nhưng các tín hữu lại là ánh sáng thế gian và chính họ tôn vinh Chúa Cha trước mặt mọi người.

10.

Tuy nhiên, Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Giáo Hội. Thật vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau quy tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần lễ Hiến Tế và ăn bữa tiệc của Chúa.

Cùng lúc đó, chính Phụng vụ thúc giục các tín hữu khi đã được no thỏa “mầu nhiệm Vượt qua”, phải trở nên “những người đồng tâm trong tinh thần đạo đức”26, Phụng vụ nguyện cầu để các tín hữu “giữ gìn trong cuộc sống điều đã lãnh nhận nhờ đức tin”27; đồng thời, việc tái lập giao ước của Chúa với con người trong bí tích Thánh Thể nung nấu và lôi cuốn các tín hữu vào trong tình yêu luôn thúc bách của Chúa Kitô. Vì thế, từ dòng suối Phụng vụ, nhất là từ bí tích Thánh Thể, ân sủng chảy tràn vào chúng ta và thực hiện cách hữu hiệu việc thánh hoá con người trong Chúa Kitô, cũng như việc tôn vinh Thiên Chúa, mục tiêu của tất cả các hoạt động khác của Giáo Hội.

11.

Nhưng để đạt được hiệu năng trọn vẹn ấy, các tín hữu cần phải đến tham dự Phụng vụ thánh với thái độ sẵn sàng của một tâm hồn ngay thẳng, hoà hợp tâm trí với lời đọc bên ngoài, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng lãnh nhận ơn Chúa cách vô ích28. Vì thế, các mục tử không chỉ chủ tâm tuân giữ các quy luật trong các hành vi phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp, nhưng còn phải làm cho các tín hữu tham dự Phụng vụ cách ý thức, tích cực và mang lại nhiều hoa trái.

12.

Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng không chỉ hạn hẹp trong việc tham dự Phụng vụ thánh. Thật vậy, người Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, nhưng cũng phải biết vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha29, hơn nữa phải cầu nguyện không ngừng30 như lời Thánh Tông Đồ khuyên dạy. Chính ngài cũng bảo chúng ta phải luôn mang nơi thân mình cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, để sự sống của Người được biểu lộ trong thân xác phải chết của chúng ta31. Vì thế, trong Hy tế Thánh lễ, chúng ta cầu khẩn Chúa, “khi chấp nhận của lễ hy tế linh thiêng”, cũng biến chính chúng ta trở nên “lễ vật vĩnh cửu”32 dâng lên Người.

13.

Những việc đạo đức của đoàn dân Kitô giáo, nếu thích hợp với các lề luật và quy tắc của Giáo Hội, thì vẫn luôn được khuyến khích, nhất là khi thực hành theo chỉ thị của Toà Thánh.

Những thực hành mang tính thánh thiêng của các Giáo Hội địa phương cũng được đặc biệt tôn trọng, khi được thi hành theo các chỉ thị của Giám mục, hợp với tập tục hoặc những bản văn đã được chính thức phê chuẩn.

Nhưng vì tự bản chất, Phụng vụ trổi vượt hơn hẳn những thực hành vừa nói đến, nên phải tổ chức các việc đạo đức ấy tuỳ theo các mùa phụng vụ để luôn hoà hợp với Phụng vụ thánh, được khởi nguồn từ Phụng vụ và dẫn mọi người đến với Phụng vụ.

II. VIỆC HƯỚNG DẪN VỀ PHỤNG VỤ VÀ THÁI ĐỘ THAM DỰ TÍCH CỰC

14.

Mẹ thánh Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành Phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và tích cực, đây là điều do chính bản chất của Phụng vụ đòi hỏi, và cũng là quyền lợi và bổn phận của đoàn dân Kitô giáo, nhờ phép Rửa tội, đã trở nên “dòng dõi ưu tuyển, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh thiện, đoàn dân được tuyển chọn” (1 Pr 2,9; x. 2,4-5).

Trong việc canh tân và phát huy Phụng vụ thánh, cần phải hết sức quan tâm đến việc tham dự trọn vẹn và tích cực của toàn thể dân Chúa: bởi Phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, nơi đây các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực; và đó là điều phải được những mục tử chăn dắt các linh hồn tận tâm hướng dẫn trong mọi hoạt động mục vụ.

Tuy nhiên, sẽ không có hy vọng đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên chính những mục tử chăn dắt các linh hồn không thấm nhuần sâu đậm tinh thần và năng lực của Phụng vụ, cũng như không trở nên thầy dạy trong lãnh vực này, vì thế, rất cần phải chú trọng đến việc giảng huấn về Phụng vụ cho hàng giáo sĩ. Do đó, thánh Công Đồng quyết nghị thiết lập những điều sau đây:

15.

Các giáo sư được trao trách nhiệm giảng dạy môn Phụng vụ thánh trong các chủng viện, các học viện dòng tu và các phân khoa thần học, phải được đào tạo đầy đủ về phận vụ của họ tại các trường chuyên khoa.

16.

Môn Phụng vụ thánh phải được đặt vào hàng các môn học cần thiết và quan trọng tại các chủng viện và học viện dòng tu, và là môn học chính trong các phân khoa thần học; phải được luận giải từ những góc nhìn liên quan đến thần học, lịch sử, tu đức, mục vụ và giáo luật. Ngoài ra, giáo sư của các môn học khác, nhất là môn thần học tín lý, Thánh Kinh, thần học tu đức và mục vụ, phải chú tâm làm nổi bật mầu nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi theo những đòi hỏi nội tại của từng môn riêng biệt, để làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các môn ấy với Phụng vụ và tính cách duy nhất trong việc đào tạo linh mục.

17.

Các giáo sĩ trong các chủng viện và tu viện phải được đào tạo về Phụng vụ trong đời sống thiêng liêng, nhờ được hướng dẫn thích đáng để có thể am hiểu và tham dự những nghi lễ thánh với trọn tâm hồn, cả trong khi cử hành các mầu nhiệm thánh cũng như khi thực hành các việc đạo đức khác vốn luôn thấm đượm tinh thần Phụng vụ thánh; cũng thế, họ phải tập quen tuân giữ các quy luật phụng vụ sao cho tinh thần phụng vụ ảnh hưởng sâu rộng trên đời sống tại các chủng viện và tu viện.

18.

Các linh mục triều hay dòng, đang làm việc trong vườn nho Chúa phải được trợ giúp bằng mọi phương tiện thích hợp để luôn am hiểu đầy đủ hơn về những gì các ngài thi hành trong tác vụ thánh, để sống đời phụng vụ và thông ban đời sống ấy cho các tín hữu đã được ủy thác cho các ngài.

19.

Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải chú trọng và kiên tâm thực hiện việc giảng dạy về Phụng vụ cho các tín hữu, giúp họ tham dự tích cực cả bề trong lẫn bề ngoài, tuỳ theo tuổi tác, hoàn cảnh, cách sống và trình độ văn hoá tôn giáo của mỗi người, như vậy, các ngài sẽ chu toàn được một trong những trọng trách chính yếu của người trung thành phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa; đồng thời, trong lãnh vực này, các ngài phải dẫn dắt đoàn chiên không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng cả gương lành.

20.

Các công tác truyền thanh và truyền hình về những hoạt động thánh, đặc biệt về việc cử hành thánh lễ, phải được thực hiện cách xứng đáng và thận trọng dưới sự hướng dẫn và bảo lãnh của người có đủ khả năng do các Giám mục chỉ định.

III. VIỆC CANH TÂN PHỤNG VỤ THÁNH

21.

Để đoàn dân Kitô giáo đón nhận được ân sủng dồi dào trong Phụng vụ thánh cách chắc chắn hơn, Mẹ thánh Giáo Hội muốn dành nhiều nỗ lực cho việc canh tân toàn diện trong lãnh vực Phụng vụ. Quả thật, Phụng vụ có những điều không thể thay đổi vì do Thiên Chúa thiết lập, nhưng cũng có những phần theo dòng thời gian có thể hay thậm chí buộc phải thay đổi, nếu đã có chen vào đó những yếu tố không đáp ứng hoặc ít phù hợp với bản tính thâm sâu của Phụng vụ.

Trong việc canh tân này, phải sắp xếp các bản văn và các nghi thức để có thể diễn đạt rõ ràng hơn những thực tại thánh được biểu thị, và để đoàn dân Kitô giáo có thể dễ dàng hiểu biết các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, cũng như có thể tham dự những nghi lễ ấy bằng việc cử hành trọn vẹn, tích cực và mang tính cộng đoàn.

Vì vậy, Thánh Công Đồng ấn định những quy tắc tổng quát sau đây:

A.      Các quy tắc tổng quát

22.

§1.  Việc điều hành Phụng vụ thánh tuỳ thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền của Tông Toà và các Giám mục, chiếu theo quy định của giáo luật.

§2.  Do năng quyền được ban theo luật, việc điều hành Phụng vụ trong những phạm vi luật định, cũng được dành cho các tập thể Giám mục có thẩm quyền, được thiết lập cách hợp pháp trong từng địa phương.

§3. Vì vậy, tuyệt đối không ai khác, dù là linh mục, được tự ý thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng vụ.

23.

Để duy trì truyền thống tốt lành và đồng thời mở lối cho những tiến bộ chính đáng, trước khi tu chỉnh từng phần riêng biệt của Phụng vụ, phải luôn tiến hành việc nghiên cứu kỹ lưỡng về thần học, lịch sử và mục vụ. Hơn nữa, phải lưu tâm đến những quy luật tổng quát về cơ cấu và tinh thần phụng vụ cũng như đến kinh nghiệm đã có từ việc canh tân Phụng vụ mới đây và từ những đặc quyền đã ban cho một số nơi. Sau cùng, chỉ nên thực hiện những đổi mới khi thấy điều đó chắc chắn sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho Giáo Hội và sau khi đã nghiên cứu cẩn thận để những điều được đổi mới phải thể hiện một cách nào đó sự tiến bộ mang tính hệ thống khởi đi từ những hình thức đang có.

Ngoài ra, cũng phải thận trọng tối đa để tránh tạo ra những khác biệt quá lớn về nghi lễ giữa các miền lân cận nhau.

24.

Trong việc cử hành Phụng vụ, Thánh Kinh giữ vai trò vô cùng quan trọng. Thật vậy, Thánh Kinh chính là nguồn cung cấp các bài đọc được diễn giải trong bài giảng, các bài Thánh vịnh, đó cũng là nguồn cảm hứng và gợi ý cho các lời kinh nguyện, các bài phụng ca, và tạo nên ý nghĩa cho các động tác và dấu chỉ trong Phụng vụ. Do đó, để xúc tiến việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng vụ, cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động, như đã được minh chứng trong truyền thống khả kính của các Nghi chế Đông phương cũng như Tây phương.

25.

Phải nhờ đến các chuyên viên và tham khảo ý kiến các Giám mục thuộc nhiều miền khác nhau trên thế giới để tu chỉnh các sách Phụng vụ càng sớm càng hay.

--- Còn Tiếp ---

-------------------------------------------------------------------------

[1] Sách lễ Rôma, Kinh Dâng lễ Chúa Nhật thứ 9 sau lễ Hiện Xuống.

[2] x. Dt 13,14.

[3] x. Ep 2,21-22.

[4] x. Ep 4,13.

[5] x. Is 11,12.

[6] x. Ga 11,52.

[7] x. Ga 10,16.

[8] x. Is 61,1; Lc 4,18.

[9] T. IGNATIÔ ANTIÔKIA, Ad Ephesios, VII, 2: xb. F. X. Funk, Patres Apostolici, I, Tubinga 1901, tr. 218.

[10] x. 1 Tm 2,5.

[11] Sacramentarium Veronense (Leonianum): xb. C. Mohlberg, Rôma, 1956, số 1265, tr. 162.

[12] Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng Lễ Phục Sinh.

[13] x. Lời nguyện sau bài đọc thứ hai ngày thứ bảy Tuần Thánh trong Sách lễ Rôma, trước khi cải tổ Tuần Thánh.

[14] x. Mc 16,15.

[15] x. Cv 26,18.

[16] x. Rm 6,4; Ep 2,6; Cl 3,1; 2 Tm 2,11.

[17] x. Ga 4,23.

[18] x. 1 Cr 11,26.

[19] CĐ TRENTÔ, Khoá 13, 11.10.1551, Sắc lệnh De SS. Euch., ch. 5: Concilium Tridentinum, Diariorum, Actorum, Epistolarum, Tractatuum nova collectio, xb. Societas Goerresian„, Bộ VII; Actorum phần IV, Friburgi Brisgovi„ 1961, tr. 202.

[20] CĐ TRENTÔ, Khoá 22, 17.9.1562, Giáo thuyết De SS. Miss„ Sacrificio, ch. 2: Concilium Tridentinum, xb. Societas Goerresian„, Bộ VIII; Actorum phần V, Friburgi Brisgovi„ 1919, tr. 960.

[21] x. T. AUGUSTINÔ, In Joannis Evangelium Tractatus VI, ch. I. số 7: PL 35, 1428.

[22] x. Kh 21,2; Cl 3,1; Dt 8,2.

[23] x. Pl 3,20; Cl 3,4.

[24] x. Ga 17,3 ; Lc 24,27; Cv 2,38.

[25] x. Mt 28,20.

[26] Sách lễ Rôma, Ca hiệp lễ ngày vọng lễ Phục Sinh và Chúa Nhật Phục Sinh.

[27] Sách lễ Rôma, Lời nguyện Thứ Ba tuần Phục Sinh.

[28] x. 2 Cr 6,1.

[29] x. Mt 6,6.

[30] x. 1 Ts 5,17.

[31] x. 2 Cr 4,10-11.

[32] Sách lễ Rôma, Lời nguyện dâng lễ Thứ Hai tuần Hiện Xuống.

[33] T. CYPRIANÔ, De cath. eccl. unitate, 7: xb., bộ III, 1, Vienna 1868, tr. 215-216; x. Epist. 66, số 8, 3: xb. G. Hartel, trong CSEL, bộ III, 2, Vienna 1871, tr. 732-733.

 

zalo
zalo