Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 223

Truyền Thống Kính Nhớ Tổ Tiên: Từ Phật Giáo Đến Công Giáo - Nguyên Phan, FM.

Truyền Thống Kính Nhớ Tổ Tiên: Từ Phật Giáo Đến Công Giáo

Nguyên Phan, FM.

c õ ª õ d

     DẪN NHẬP

     Cho đến nay, nhiều lương dân Việt Nam vẫn quan niệm rằng Đạo Công Giáo là một thứ tà đạo hay tả đạo như lối nhìn mà các vua quan triều Nguyễn đã khởi xướng ở những thế kỷ trước. Một trong những lý do Đạo Công Giáo bị coi là tà đạo là bởi người Công Giáo không thờ cúng ông bà tổ tiên như bên Phật Giáo cũng như các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Cũng vì vậy, trước vấn đề hôn nhân, nhiều khi người ta nhắc nhớ nhau rằng:

Lấy người Công Giáo làm chi?

Chết thì ai cúng? Giỗ thì ai lo?

Lấy ai săn sóc mả mồ?

Lấy ai lo lắng bàn thờ Tổ Tiên?

     Quả thật, trước Công Đồng Vatican II, việc thờ kính tổ tiên của người Công Giáo Việt Nam theo kiểu Việt Nam vẫn bị cấm, bị coi là sùng bái ngẫu tượng. Đây thực ra chỉ là một sự hiểu lầm giữa Tòa Thánh với người tín hữu Việt Nam được thể hiện qua tập quán thờ kính tổ tiên của người Việt. Sau Công Đồng Vatican II, những hiểu lầm này đã được gỡ bỏ.

     Trong thực tế, nếu đối với người dân Việt (do ảnh hưởng sâu đậm của Phật Giáo), rằm tháng 7 âm lịch hàng năm là ngày xá tội vong nhân và là ngày cúng cô hồn, đây cũng còn là ngày báo hiếu mà giới tăng ni Phật tử gọi là ngày lễ Vu Lan, thì người Công Giáo cũng dành riêng cả tháng 11 dương lịch để cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Phải chăng đây chính là sự giao thoa giữa Công Giáo và người dân Việt (hay Phật Giáo) trong việc thể hiện lòng thảo hiếu đối với ông bà tổ tiên?

     I. TRIẾT LÝ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NHÀ PHẬT[1]

     1. Sự tích lễ Vu Lan

     Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Đại Mục Kiền Liên, gọi tắt là Mục Liên. Vốn là một tu sĩ khác đạo, về sau Mục Liên đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Sau khi đã chứng quả A La Hán, Mục Liên ngậm ngùi nhớ đến mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống các cõi khổ mà tìm thì thấy mẹ đã đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nơi địa ngục A Tì. Thân hình mẹ Mục Liên tiều tụy, da bọc xương, bụng ỏng đầu to, cổ như cọng cỏ. Mẹ Mục Liên đói không được ăn, khát không được uống. Quá thương cảm xót xa, Mục Liên vận dụng phép thần thông, tức tốc đến chỗ mẹ. Tay bưng bát cơm dâng mẹ mà nước mắt lưng tròng. Mẹ Mục Liên vì đói khát lâu ngày nên giật vội bát cơm mà ăn. Tay trái bưng bát, tay phải bốc cơm nhưng chưa vào đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa. Mục Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về bạch chuyện với Đức Phật để xin được chỉ dạy cách cứu mẹ.

     Phật cho Mục Liên biết vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà mẹ ông mới phải sanh vào nơi ác đạo làm loài ngạ quỷ. Một mình Mục Liên thì vô phương cứu được mẹ dù ông có thần thông đến đâu và dù lòng hiếu thảo của ông có thấu đến đất trời, động đến thần thánh. Phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp các nẻo đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi cho mới được. Bởi vậy, Phật dạy Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị đã chứng được bốn quả thánh hoặc đã đạt được sáu phép thần thông. Nhờ công đức cầu nguyện của các vị này, vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo. Phật lại dạy Mục Liên sắm đủ các món để dâng cúng các vị ấy, nào là thức thức thời trân, hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay cùng các món nhật dụng khác. Đúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Đức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát. Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh.

     2. Lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn

     Ngày rằm tháng 7, do đó, được gọi là ngày lễ Vu Lan. Phải chăng lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là một? Không! Đây là hai lễ cúng khác nhau được cử hành trong cùng một ngày. Sự tích lễ cúng cô hồn đại khái như sau: Theo “Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh”, việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Đà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên).

     Một buổi tối nọ, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên”. A Nan đem chuyện bạch với Đức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng Diệm Khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng Diệm Khẩu. Có khi nói tắt thành Diệm Khẩu. Diệm Khẩu, từ nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Phóng Diệm Khẩu mà nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”, về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành “tha tội cho tất cả những người chết”. Vì vậy, ngày nay mới có câu: “Tháng 7 ngày rằm xá tội vong nhân”.

     II. NGƯỜI CÔNG GIÁO VỚI VIỆC KÍNH NHỚ TỔ TIÊN

     1. Nguồn gốc lễ cầu cho các linh hồn và tháng cầu cho các linh hồn

     Theo Thánh Kinh, việc cầu nguyện cho những người đã qua đời đã được gợi hứng ngay từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12,43-46).

     Giáo Hội, từ những thế kỷ đầu, cũng đã ý thức việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ”. Ý thức ấy đã được các dòng tu đặc biệt quan tâm. Dòng Bênêđíctô luôn tưởng nhớ và cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời. Từ đó phát sinh thêm việc cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Tại Tây Ban Nha, thời Thánh Isidore (qua đời năm 636) lập ngày lễ cầu hồn vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống. Tại Đức, vào cuối thế kỷ X, có lễ cầu cho các tín hữu vào ngày 1 tháng 10. Khoảng đầu thế kỷ XI, linh mục Ôđilô (sau được phong thánh), bề trên thứ năm của dòng Cluny ở Pháp, buộc các Tu Viện Bênêđíctô phải tưởng nhớ đến các tín hữu đã qua đời bằng thánh lễ trọng thể ngày 2 tháng 11. Tại Milan, Ý, Giám Mục Otricus (1120-1125) lập lễ cầu hồn ngày 15 tháng 10. Cũng ngày đó, ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Châu Mỹ Latinh, các linh mục dâng 3 thánh lễ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

     Ngoài ra, cũng như thánh Ôđilô nhắc lại truyền thống đã có từ thế kỷ VI, trong các nhà dòng Bênêđíctô, có tục lệ tưởng nhớ đến các huynh đệ tu sĩ đã qua đời bằng cách ghi tên các tu sĩ đã qua đời vào sổ đặc biệt của dòng. Mỗi ngày trong tháng các đẳng đều cầu nguyện cho một tu sĩ quá cố. Vì thế, trọn tháng 11, ngày nào cũng tưởng nhớ và cầu cho các đẳng linh hồn. Thánh Ôđilô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Hội Thánh theo tinh thần đạo đức tốt đẹp ấy nên đã dành trọn tháng 11 làm tháng cầu cho các đẳng linh hồn.

     Theo sách vở ghi lại, thì thánh Ôđilô (962-1048) là viện phụ đan viện Cluny. Đan viện này thời đó nằm trong phần đất của đế quốc Germany (Đức). Ngài là người thánh đức, thường cầu nguyện, hi sinh, và dâng lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời. Truyện kể rằng, một hôm, một đan sĩ dòng ngài đi viếng Đất Thánh Giêrusalem. Trên đường trở về đan viện, tàu chở đan sĩ bị bão đánh giạt vào một hòn đảo. Tại đó, đan sĩ gặp một ẩn sĩ và được ẩn sĩ cho biết: “Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều người bị hành hạ, đánh đập. Tôi thường nghe các tên quỉ phàn nàn với nhau về viện phụ Ôđilô và các đan sĩ dòng của ngài rằng: ngày nào họ cũng giải thoát một số linh hồn ra khỏi hang lửa đó. Vì thế, xin thầy về nói với cha Ôđilô và các anh em trong dòng cứ tiếp tục cứu giúp các linh hồn đau khổ. Đó cũng là niềm vui cho các thánh trên thiên đàng và là sự đau khổ cho quỉ dữ dưới hỏa ngục”.

     Sau khi nghe biết sự việc này, cha Ôđilô đã lập lễ cầu hồn vào ngày 2 tháng 11 và trước hết cử hành trong đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có tài liệu nói năm 1030). Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nuớc Pháp, và tới giữa thế kỉ XX, Đức Thánh Cha Gioan XIV đã lập lễ cầu hồn trong Giáo Hội Rôma.

     Từ thời đó, nhiều nơi đã có thói quen cầu nguyện tuần chín ngày cho các linh hồn, họ đi thăm viếng, sửa mồ mả cha ông. Vào buổi chiều lễ Các Thánh, có những người đi từng nhà xin quà cho các linh hồn, họ hát những bài ca cổ truyền cổ động cầu cho các linh hồn mau ra khỏi luyện ngục.

w Tại Hungary, người ta gọi ngày 2 tháng 11 là “Ngày Người Chết”. Ngày đó, người ta có thói quen tụ họp các trẻ mồ côi tới gia đình họ rồi cho chúng ăn, cho quần áo, cho quà bánh, đồ chơi.

w Tại Phần Lan, người ta kể: nửa đêm lễ cầu hồn, người ta thắp sáng nhà thờ giáo xứ, để các linh hồn trong xứ đã qua đời về quanh bàn thờ cầu ơn giải thoát khỏi luyện ngục và sau đó trở lại thăm lại nhà mình, thăm nơi mình quen thuộc, làm việc mình đã làm khi còn sống. Và để đón tiếp những linh hồn này, người ta để cửa sổ mở suốt đêm mùng 2 tháng 11.

w Tại Việt Nam, nhất là miền Bắc, trước Công Đồng Vatican II (1962-1965), người dân thường sửa mồ mả cha ông vào dịp Tết Nguyên Đán. Còn dịp lễ cầu hồn, người ta đi viếng các nhà thờ chung quanh suốt ngày lễ Các Thánh để lãnh ân xá chỉ cho các linh hồn đã qua đời. Mọi người dự lễ và xin lễ để cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ sớm về hưởng phước thiên đàng. Đó cũng là cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ đã quá cố.

     2. Giáo huấn của Giáo Hội về việc cầu nguyện cho các linh hồn

     Sáng kiến của thánh Ôđilô đã được Giáo Hội đưa vào lịch phụng vụ Rôma. Công Đồng Trente (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết. Công Đồng Vatican II cũng dạy: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…”[2]. Về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Đồng dạy: “Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa […] các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha…”[3]. Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu phải đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện. Ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời liên quan đến niềm tin về luyện ngục và các thánh thông công.[4]

     Việc cầu nguyện cho các linh hồn không những hợp lòng người, mà còn phù hợp giáo lý trong đạo. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành năm 1992 cho biết, cần phải có luyện ngục: “Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.[5]Luyện ngục cần thiết để thanh tẩy: “Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn là luyện ngục. Điều này khác với hình phạt đời đời của kẻ bị chúc dữ: Hội Thánh công bố giáo lý về luyện ngục cách riêng trong các Công Đồng Florence và Trente”[6]. Lời dạy này cũng căn cứ trên tập quán cầu nguyện cho những người quá cố mà Kinh Thánh đã cho biết: Vì thế, ông Giuđa Macabêô “xin dâng lễ đền tội cho những người chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12,46).

     Truyền thống của Giáo Hội, dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh (x. 1Cr 3,15; 1Pr 1,7…), đề cập đến một thứ lửa thanh luyện: “Đối với một số những lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày phán xét, theo như những gì mà Đấng là Chân Lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau” (x. Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng: “Một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau”[7].

     Ngay từ những thời gian đầu, Hội Thánh đã tôn kính và tưởng niệm những người đã qua đời, và dâng kinh lễ để cầu cho họ, nhất là dâng thánh lễ[8], để họ được thanh tẩy và tiến vào nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ để giúp các người đã qua đời: Chúng ta hãy cứu giúp họ và hãy tưởng nhớ họ. Nếu các con ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ lễ hy sinh của cha họ (x. G 1,5), tại sao chúng ta lại có thể hoài nghi rằng những của lễ của chúng ta dâng cầu cho người chết sẽ không mang lại ủi an cho họ? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi, và dâng những kinh nguyện cầu cho họ.[9]

     Các văn kiện của Hội Thánh cũng nhấn mạnh đến truyền thống cầu nguyện tốt đẹp này. Ngày 10 tháng 8 năm 1915, Tòa Thánh cho phép các linh mục được dâng 3 lễ vào ngày lễ cầu hồn: một cầu như ý người xin, được lấy bổng lễ, một cầu theo ý Đức Thánh Cha (không bổng lễ) và một cầu cho các linh hồn (không bổng lễ). Đặc biệt, Hội Thánh cũng xác định dành trọn tháng 11 dành để cầu cho các linh hồn Luyện ngục. Năm 1922, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV (1914-1922) mở rộng lễ này trong Giáo Hội Hoàn Vũ và mỗi linh mục vẫn dâng 3 thánh lễ lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời. Đức Thánh Cha lưu ý đến cả hằng chục triệu người đã hy sinh trong thời đệ nhất thế chiến (1914-1918). Và đến ngày 1 tháng 11 năm 1967, Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong Tông huấn Ân xá, đã ban một đại xá với điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu theo ý Đức Thánh Cha) cho những ai viếng nhà thờ vào Chúa Nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ Các Thánh[10], và những ai viếng nghĩa địa trong 8 ngày đầu tháng 11 để cầu cho các linh hồn[11].

     3. Vấn đề “linh hồn mồ côi”

     Người Công Giáo Việt Nam có một truyền thống đạo đức rất tốt đẹp, đó là cầu nguyện và xin lễ cho các linh hồn mồ côi. Vậy ta phải hiểu “linh hồn mồ côi” như thế nào?

     Linh hồn mồ côi ở đây, hiểu nôm na là những linh hồn không cha không mẹ (các thai nhi…), và những linh hồn không có thân nhân (bị bỏ rơi…)… Nếu quan niệm linh hồn mồ coi như thế thì, dưới cái nhìn đạo đức, việc cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi là một hành động giàu tính nhân văn và rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của đức tin, không có linh hồn nào là linh hồn mồ côi, vì tất cả mọi người dù giàu sang hay nghèo hèn, dù cuộc đời chối bỏ hay không chối bỏ, thì họ vẫn là con cái Thiên Chúa và vẫn được Giáo Hội cầu nguyện cho. Vì tất cả đều là chi thể gắn kết và kín múc sự sống từ Đức Kitô là Đầu, nên trong mỗi thánh lễ, Giáo Hội luôn ý thức và thực hành việc cầu nguyện này: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa”[12]. Các kinh nguyện Thánh Thể khác cũng có những lời cầu xin tương tự như thế cho các linh hồn đã ly trần. Giáo Hội không phân biệt các linh hồn có thân nhân còn sống hay không có thân nhân còn sống, bởi tất cả đều là anh em với nhau và là thành phần trong Giáo Hội. Đối với những trường hợp có người xin lễ cầu nguyện cho một hay nhiều linh hồn nào đó, Giáo Hội đọc thêm lời cầu: “Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là… (tên thánh) mà (hôm nay) Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa thì cũng được sống lại như Người”. Như thế, khi có người xin lễ, Giáo Hội đọc thêm nhưng lời đó, nhưng vẫn không quên cầu nguyện cho tất cả các linh hồn, không phân biệt còn thân nhân, lại càng không nói gì đến linh hồn mồ côi. Vì thế, chúng ta không có lý chứng nào nói về linh hồn mồ côi hay không. Tuy nhiên, trong thánh lễ, đôi khi chúng ta vẫn nghe linh mục nhắc đến linh hồn mồ côi. Đó chỉ là cách hiểu theo nghĩa trần tục và có tính dân gian, bởi trong thực tế, theo nghĩa chặt, việc quan niệm linh hồn mồ côi hay không mồ côi là không phù hợp với đức tin và đi ngược với truyền thống của Giáo Hội.

     Những linh hồn mà Giáo Hội dạy người còn sống cầu nguyện cho là những linh hồn còn đang được thanh luyện trong luyện tội để đền bù tội lỗi của mình. Họ là những linh hồn thánh thiện, nhưng chưa đủ để hưởng phúc vinh quang. Họ không thể tự mình lập công phúc được nữa, nên Giáo Hội mời gọi những người còn sống cầu thay nguyện giúp cho họ, để nhờ lòng nhân từ Chúa, họ sớm đoàn tụ cùng các thánh trên thiên đàng. Giáo Hội không dạy cầu nguyện cho những linh hồn nơi hỏa ngục, vì “hỏa ngục chính là tình trạng con người dứt khoát tự loại trừ khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và chư thánh”[13]. Hội Thánh dạy rằng cực hình chính của hỏa ngục không phải là lửa không bao giờ tắt (x. Mt 10,28) mà cái đau khổ lớn nhất của hỏa ngục là: “đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa”[14].

     III. NHẬN ĐỊNH

     Đối với đa số người Việt, trong khi Đạo Công Giáo có cơ cấu phẩm trật khá rõ ràng, thì khái niệm Đạo Phật xem ra còn khá mơ hồ, dù ảnh hưởng của Phật Giáo là điều không phải bàn cãi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Phật Giáo bị Việt hóa khá nhiều. Cũng chính vì vậy mà đôi khi người ta không thể phân biệt được điểm này hay điểm kia là của Phật Giáo hay của tín ngưỡng văn hóa dân gian! Ở một góc độ khác, tác giả Thích Nhuận Ân đã nêu bật sự mơ hồ này: “Xưa nay khi nói đến Phật Giáo Việt Nam, thường có những quan niệm cho rằng phần lớn người dân Việt Nam chúng ta là thờ cúng ông bà, cho nên họ cũng là Phật tử. Trong trang sử Việt, Phật Giáo Việt Nam đã trải qua những giai đoạn vàng son và huy hoàng nhất qua hai  triều đại Lý – Trần, Phật giáo là quốc giáo. Trải qua những biến thiên thăng trầm của lịch sử, chúng ta vẫn tự hào rằng Phật Giáo Việt Nam vẫn mãi mãi là cội nguồn, là mạch sống tâm linh không thể thiếu trong lòng dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, khi phân tích những vấn đề của thực tế, chúng ta không thể không khỏi chạnh lòng. Trong những năm gần đây, theo thống kế của một số nhà tôn giáo học thế giới thì Phật giáo tại Việt Nam chiếm 50%. Gần đây nhất, đại diện phái đoàn Học Viện Hành Chính Quốc Gia khi đến thăm Phật Giáo Thái Lan đã phát biểu rằng tín đồ Phật Giáo Việt Nam ngày nay chưa đến 11% và chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tra cứu số liệu thống kê về các tôn giáo tại Việt Nam, người ta kết luận rằng ngoài 80,8% dân số Việt Nam không có tôn giáo thì Phật Giáo chỉ chiếm 9,3%”[15]. Như vậy, chính các nhà thống kê cũng không thể xác định được Phật Giáo chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số dân số Việt Nam (50%, 11% hay 9,3%?)! Quả thật, người ta thường quan niệm rằng phần lớn người dân Việt Nam thờ cúng ông bà, cho nên họ cũng là Phật tử. Quan niệm đó không chỉnh về mặt tôn giáo (dù đối với nhiều người, Phật Giáo chỉ là một triết lý sống chứ không phải là một tôn giáo). Tuy nhiên, người ta không thể không đánh giá cao sự phổ cập của Phật Giáo, ít là về khía cạnh cổ võ việc thờ cúng tổ tiên ông bà tại Việt Nam, mà tầm ảnh hưởng của lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là một minh chứng cụ thể.

     Mọi người Việt Nam, không riêng gì những người theo Phật Giáo hay Công Giáo, có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, đều có một tâm thức rất đáng trân trọng trong việc kính nhớ tổ tiên ông bà. Việc kính nhớ tổ tiên ông bà, dù còn sống hay đã khuất, đã được người dân Việt coi như một triết lý sống, hay thậm chí là một tín ngưỡng hay tôn giáo (Đạo Hiếu). Lời thơ của giáo sư Trần Văn Đoàn như lột tả tâm thức của người Việt đối với Đạo Hiếu:

“Hân hoan thay, cơ hội đến đây rồi

À này anh, này chị, hãy cùng tôi

“Oa oa” miệng, ca vang bài thân ái

Mình bên nhau học tập trong hăng hái

Ừ phải rồi! Lòng tôn kính Tổ Tiên

Ngày mai đi, ta phổ biến khắp miền

Gieo rắc mãi muôn nơi lòng Đạo Hiếu

Đại hội này tạo cơ may tìm hiểu

Ai sinh ra nào không mẹ không cha?

In khắc sâu tâm khảm chẳng phai nhòa

Hiếu Đạo đó quyết tâm ta bồi đắp

Ôi linh thiêng, hương hiếu này ta thắp

Y như trầm nghi ngút tiến Tổ Tiên

Thầm khấn xin, trọn đạo cháu con hiền

Rồng Tiên gốc, hiên ngang người dân Việt

Im lặng sao? Đâu tinh thần oanh liệt?

Ếm đi chăng? Trong kiếp sống tha hương?

Trân trọng lấy Hiếu Đạo với can trường

Để muôn dân tỏ tường ta hiếu thảo:

“Ạ mẹ cha!” nhé con, nghe dạy bảo

O chú dì, cậu mợ, phải vâng nghe

Không bướng ngang, hoặc cãi lại, kè nhè

Ỳ ạch nữa, điều không nên bắt chước

Bái Tổ Tiên, Hiếu Đạo bao thời trước

Ối này anh, hỡi chị, tạ ơn Trên

Ngài cho ta ơn phúc, biết sao đền?

Ngày đại hội, ra về, xin vẫn nhớ”[16]

     Nếu đặt làm đối trọng thì xem ra cán cân của việc kính nhớ tổ tiên giữa Phật Giáo và Công Giáo khá cân bằng ở một góc độ nào đó. Có người so sánh ngày lễ Các Đẳng 02-11 trong Công Giáo như là ngày lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn vào rằm tháng 7 của Phật Giáo. Tất nhiên, giữa hai tôn giáo lớn ở Việt Nam này có nhiều nét tương đồng về việc sống thảo hiếu với những người còn sống cũng như đã qua đời, nhất là ông bà cha mẹ với cả các “vong hồn”. Tuy nhiên, hai thái cực này hoàn toàn khác nhau, dù mẫu số chung vẫn là lòng kính nhớ tổ tiên. Sự khác biệt căn bản giữa hai niềm tin trên, đó là nguồn gốc của việc sống hiệp thông với người đã qua đời. Trong khi giáo lý nhà Phật không giải thích vì sao và bởi đâu mà có mối liên hệ giữa người sống và kẻ chết thì Kitô giáo, cách riêng Công Giáo, lại thực hành mầu nhiệm hiệp thông ấy. Đối với Công Giáo, Thiên Chúa là Căn Nguyên và Cùng Đích của mọi loài, là Đấng ngàn trùng Chí Thánh. Mà, để có thể hiệp thông trọn vẹn với Đấng Chí Thánh thì con người phải thanh sạch hoàn toàn. Và sự thanh sạch tinh tuyền này đòi hỏi phải có sự thanh luyện của linh hồn sau khi đã qua đời, nếu còn vấn vương tội nhẹ hay chưa đền trả xong các hình phạt của những tội đã được tha. Mọi tội lỗi của con người đều có thể được Thiên Chúa tha thứ khi họ thực lòng ăn năn sám hối và xưng thú tội lỗi, nhưng họ vẫn phải đền trả theo sự đòi hỏi của đức công bình của Thiên Chúa chí ái.

     Tuy nhiên, vấn đề là, dưới nhãn quan của Công Giáo, người ta chỉ có thể đền trả ở đời này, còn sau khi đã qua đời, không ai có thể lập công phúc để đền bù tội lỗi của mình được nữa! Vì thế, các linh hồn đang phải chịu sự thanh luyện theo lẽ công bằng của Thiên Chúa càng cần sự hiệp thông của những người còn sống để “cầu thay nguyện giúp” cho họ. Chính nhờ sự hiệp thông này mà những người còn sống có thể chuyển thông công nghiệp cho những linh hồn đã qua đời trong cảnh luyện hình và ngược lại các linh hồn cũng có thể cầu bầu cho người đang còn đang lữ hành trên chốn dương gian này.

     KẾT LUẬN

     Việc kính nhớ tổ tiên ông bà, dù dưới nhãn quan của Phật Giáo hay Công Giáo, đều là một thứ “Đạo Hiếu” rất đáng cổ võ, khích lệ, duy trì và phát triển. Sự giao thoa giữa hai thái cực kính nhớ tổ tiên của Phật Giáo và Công Giáo thể hiện ở tấm lòng rất chân thành của người dân Việt đối với nguồn cội của mình. Phàm là người, không ai không có nguồn cội: “Cây có cội, nước có nguồn, con người cũng có tổ tiên”. Khi tâm thức của người dân Việt gặp nhau tại điểm giao thoa về đạo hiếu thì sự khác biệt của giáo lý về việc thờ kính tổ tiên giữa Phật Giáo và Công Giáo không còn quá quan trọng nữa. Do đó, ngày lễ Vu Lan, lễ cúng cô hồn và Lễ Các Đẳng không chỉ dừng lại ở việc cúng giỗ và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, mà sâu xa hơn, nó còn nhắc nhở người ta biết trân trọng cội rễ của mình, mà cụ thể là ông bà cha mẹ, những người còn sống cũng như đã qua đời:

Ai sinh ra nào không mẹ không cha?

In khắc sâu tâm khảm chẳng phai nhòa

Hiếu Đạo đó quyết tâm ta bồi đắp

Ôi linh thiêng, hương hiếu này ta thắp

Y như trầm nghi ngút tiến Tổ Tiên

Thầm khấn xin, trọn đạo cháu con hiền

Rồng Tiên gốc, hiên ngang người dân Việt.

c õ ª õ d

     Chú thich:

[1] http://www.baomoi.com/Su-tich-le-Vu-Lan-va-le-cung-Co-hon

[2] GH 50

[3] GH 49

[4] http://www.tinmung.net

[5] GLHTCG, số 1030

[6] GLHTCG, số 1031.

[7] Th. Grêgôriô Cả, Dial. 4,39.

[8] DS 856.

[9] x. Th. Gioan Kim Khẩu, Hom. in 1 Cr 41,5.

[10] x. Tông huấn Ân xá, số 67.

[11] x. Tông huấn Ân xá, số 13.

[12] Kinh nguyện Tạ Ơn II.

[13] GLHTCG số 1033.

[14] Ibid., số 1035.

[15] http://www.lebichson.org/Phatgiao/004Phattrientindopgvn.htm

[16] Giáo sư Trần Văn Đoàn, trích Đại Hội Triết Đạo Kỳ IV.

https://catechesis.net/truyen-thong-kinh-nho-to-tien-tu-phat-giao-den-cong-giao-2/ (cập nhật ngày 11.5.2023)

zalo
zalo