Ngày tháng: 22/10/2024
Đang truy cập: 6

Kitô học trong Ánh Sáng Thánh Linh (1)

Kitô học trong Ánh Sáng Thánh Linh

6/18/2015 11:39:57 PM – Bày tỏ nguyện vọng, đôi lúc khẩn thiết, muốn thấy có được một khoa Kitô học đượm nhuần bản sắc “thần khí” và gồm hàm những yếu tố cần cho việc tìm hiểu về Đức Kitô trong tương quan với Thánh Linh, là một sự kiện thường gặp thấy trong thời đại ngày nay[2].

Bởi vì, hễ đã đọc  Kinh Thánh, thì không ai mà không nhận ra ngay rằng đó  là một mối tương quan cốt tủy; tuy thế, thần học cũng  vẫn chưa quan tâm cho lắm đến việc khai triển mầu nhiệm  của nó. Theo thánh Baxiliô, thì Thần Khí là “người  bạn keo sơn của Đức Kitô”[3]  ; dù vậy, cho đến nay, Kitô học và Thánh Linh học thường tiến  theo những đường hướng trái ngược nhau, không quan tâm  đối chiếu với nhau, gây thiệt thòi cho cả đôi bên.

I. Một Khoa Kytô Học Vắng Bóng Thần Khí

Có một thời, suốt nhiều thế kỷ dài, đã từng  thấy thịnh hành một nền thần học về ơn cứu độ trong đó,  không một vai trò nào đã được dành cho Thần  Khí. Công trình cứu độ chỉ được coi như là tác phẩm của một con người- Chúa, có sức tự bởi thiên tính của  mình, mang lại cho mỗi một hành động mình làm, một  giá trị vô cùng. Và như thế, con người-Chúa có khả năng đền đáp thỏa đáng cho những gì công lý  của Thiên Chúa đòi hỏi, và mang lại cho loài  người, ơn tha thứ tội lỗi cũng như quyền được hưởng sự sống vĩnh cửu. 

Nếu nhận thức như vậy, thì công trình cứu độ không còn  được hiểu như là một mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa được giới thiệu qua diện mạo của một  nền công lý vô biên, cần phải được giảng hòa,  chứ không phải với diện mạo của một người Cha  đã sinh Con mình ra trong thế gian cho chúng ta, qua Thánh  Linh, cũng như đã đưa dẫn người Con ấy đi qua con đường sống và chết để tiến bước vào trong  niềm viên mãn vĩnh phúc của đạo làm Con. Và  theo nhãn quan ấy, Đức Giêsu được giới thiệu như là  một con người mang thiên tính, có khả năng trả  đủ giá để “tậu” ơn cứu độ, chứ không phải  là như người Con đã được thụ thai trong Thánh Linh,  và đã hướng theo tác động của Thần Khí mà  ưng thuận đi qua con đường sống và chết đúng theo tôn  ý của người Cha sinh mình ra. Thần Khí đã không  được đích danh nhắc tới. 

Nặng nề với tính chất pháp lý khe khắt và quá nặc mùi  lý tính, nền thần học kia đã không thể mở lối đưa  đường hầu dẫn tới gần mầu nhiệm cứu độ hơn được.  Vì không biết nhận ra cho đúng mức vai trò của Thần  Khí, nên nền thần học kia cũng đã lãng quên luôn  tầm trọng yếu cứu độ của sự việc sống lại; mà không  có sống lại, thì như Phaolô đã từng khẳng định, việc  chết đi cũng chẳng có được một ý nghĩa cứu độ nào  cả (1Cr 15, 17).

Nếu không được đính chính lại để hiểu cho đúng, thì nền thần  học kia có thể trở thành nguyên cớ gây ra nhiều sai  lạc. Bởi vì, nếu mọi sự đều được giải quyết bằng  sự chết có đủ sức đền đáp thỏa đáng cho công lý,  thì tại sao lại cần phải có Giáo Hội với các bí tích,  tại sao lại cần phải có nổ lực dấn thấn của từng  cá nhân qua “các việc lành” (xem Ep 2, 10) làm  chi? Chẳng phải chỉ cần tin rằng Đức Kitô đã trả  xong hết nợ cho chúng ta, và chỉ cần tín thác vào công  lý của Thiên Chúa đã được giảng hòa nhờ  giá chuộc ấy, là đã đủ lắm rồi đó sao? Tại sao  còn phải nhất thiết cần đến việc sống hiệp thông  với Đức Kitô?

Khi chỉ được nhận thức một cách riêng lẻ, tách rời  ra khỏi mối tương quan với Thánh Linh, thì chẳng những  công trình của Đức Giêsu không thôi, mà cả mầu  nhiệm về cá nhân con người-Con Thiên Chúa cũng sẽ  không được nhận thức cho đầy đủ theo toàn bộ chiều  kích ba ngôi (trinitaire) của nó. Để lên án lạc  thuyết Nestôriô (cho là trong Đức Giêsu Kitô, có hai chủ  thể) và lạc giáo nhất tính (monophysisme : chủ  trương rằng Đức Giêsu Kitô chỉ có một bản tính duy nhất  là thiên tính), thì Công đồng chung Canxêđônia chỉ cần  khẳng định rằng nơi Đức Kitô, có hai bản tính -- tức  là nhân tính và thiên tính -- phối kết chặt chẽ  với nhau trong cùng một ngôi vị Thiên Chúa duy nhất, tức  là Ngôi Hai. Cho dù có dùng những khái niệm  không mấy quen thuộc đối với Kinh Thánh, lời minh định  ấy cũng hoàn toàn phù hợp với các dữ  liệu tìm thấy trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, ai cũng biết  rằng không một tín điều nào có thể gói trọn hết mọi  chiều kích phong phú của mầu nhiệm vào trong công thức  có tính cách khái niệm của mình được. Tín điều do Công  đồng chung Canxêđônia minh định, cũng không thể thoát khỏi  vòng giới hạn của định luật ấy được.

Đúng thế, nếu để ra ngoài vòng liên hệ với Thần  Khí, thì tín điều về một ngôi vị duy nhất trong hai bản  tính vừa nhắc tới trên đây, chỉ mang được có một tính  chất tĩnh định, tức là không nói rõ lên vị trí của  Đức Kitô ở trong lịch sử, không mở đường cho  tâm tư nghĩ tới tình trạng khác biệt -- dĩ nhiên là  chủ yếu-- giữa cuộc sống dương thế và cuộc  hiện hữu trong vinh quang của Đức Giêsu, cũng như  không hấp thu được đà năng động đã từng thúc  đẩy Đức Kitô bước vào cuộc sống và đi qua con đường  chết để đạt tới niềm viên mãn của những gì làm  nên bản chất của Người ngay từ đầu: làm  Con Thiên Chúa, làm Đấng mang lại ơn cứu độ cho nhân thế.  Và như thế, tín điều không nêu rõ khía cạnh cứu độ  của mầu nhiệm Đức Kitô. Cho dù Công đồng có tuyên  bố rõ là Đức Kitô “đồng bản tính với Thiên  Chúa Cha theo thiên tính”[4], thì công thức minh định cũng không nêu rõ tính chất  “làm Con” của Đức Giêsu, tức là mối tương  quan cốt tủy Ngài có đối với Thiên Chúa xét theo  tư cách “làm Cha.” Và do đó, công thức tín điều  không nói gì tới tính chất ba ngôi của mầu nhiệm Nhập  Thể, mà chỉ nhắm bắn cho trúng vào đích, tức là  vào các lạc thuyết cần phải triệt hạ, chứ không  nhằm biểu đạt trọn vẹn toàn bộ mầu nhiệm cứu độ.

Còn các học tuyết thịnh hành nhất về Thiên Chúa Ba  Ngôi trong thần học, thì không soi sáng được gì nhiều cho mối  tương quan giữa Đức Kitô và Thần Khí. Thậm chí, còn  có thể ngờ là chính chúng đã thực sự tiếp tay  để đào cho sâu thêm hố ngăn cách giữa Kitô học và  Thánh Linh học. Học thuyết chủ trương cho rằng Thiên Chúa  Cha một đàng sinh ra Chúa Con, và đàng khác “thở  ra/thổi nên” (spire) Thần Khí, không nhất thiết phải  giả định bất cứ một mối liên hệ nào ở giữa  sự việc sinh ra Ngôi Con và sự việc nhiệm xuy (spiration)  nên Thần Khí. -- Theo một học thuyết khác, thì Thần Khí  nhiệm xuất(procéder) từ Ngôi Cha và Ngôi Con  như thể là từ cùng một nguyên lý duy nhất không  phân hóa (indifférencié ), cũng không nhất thiết  đòi phải có một mối liên hệ cốt tủy nào  giữa Ngôi Con xét theo tư thế cá thể, và Thánh Linh  cả, bởi lẽ Ngôi Cha và Ngôi Con “thổi nên”  (nhiệm xuy) nên Thần Khí, không phải theo tư thế riêng  là Cha và là Con (mà là theo địa vị làm  nguyên lý duy nhất không phân hóa)[5]. -- Trong cách  thức diễn dịch bằng biểu đồ đường thẳng, theo đó,  Ngôi Cha sinh ra Ngôi Con, và qua Ngôi Con, “thổi nên”  Thần Khí, cũng chẳng nhận ra được hoặc là cũng  chẳng nhận ra được mấy bản chất của mối liên hệ  giữa Ngôi Con xét theo tiến trình phát sinh, và Thánh  Linh xét theo tiến trình nhiệm xuất.

Các học thuyết trên đây đều hiểu rằng theo suy luận lôgíc  của trí tuệ con người, thì sự việc sinh hạ Ngôi Con  xảy ra Àtrước' hành động nhiệm xuy nên Thần Khí. Rồi,  cả ở nơi Ngôi Cha trong chính tư thế là Cha, lẫn  ở nơi Ngôi Con trong chính tư thế là Con, đều không  thấy ghi dấu vết ấn tín của Thần Khí. Còn tiến trình  hoạt động trong Thiên Chúa Ba Ngôi thì làm như đã đạt  tới cùng đích ở nơi Thần Khí, và ngừng lại  ở đó. Và như thế, người ta đã không mấy lưu  tâm tới mầu nhiệm về thực trạng Ba Ngôi ở trong nhau (périchorèse/circumincession= tương tại tính ), cho dù  đó chính là mầu nhiệm mà mọi khoa thần học về Thiên  Chúa Ba Ngôi có bổn phận phải coi trọng; theo mầu nhiệm  ấy, những gì nằm ở nơi cùng đích -- tức là  Thánh Linh -- thì cũng có mặt ngay cả ở nơi khởi  điểm. Các nổ lực tổng hợp và các cuộc tranh cãi  đối chọi lẫn nhau giữa các học thuyết thần học kia  cho thấy rằng để minh chứng cho tính chất chính đáng và  chính thống của mình, hình như các học thuyết này cũng  chẳng có thể tìm ra được những yếu tố cần thiết ở  trong các dữ liệu Kinh Thánh liên quan đến Thánh Linh[6], cũng như trong mầu nhiệm mà Kinh Thánh xác  nhận là chủ yếu: tức là mầu nhiệm Vượt Qua của  Đức Kitô, trong đó, Thiên Chúa Cha sinh ra Con của mình  trong Thánh Linh[7].

II. Đức Kitô Trong Quan Hệ Với Thần Khí

Giáo Hội đã, đang và không ngừng được sinh ra từ  mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô; rồi cũng chính từ  đó, đức tin kitô đã được sinh ra, và đó chính là  cội nguồn phát xuất sự hiểu biết về mầu nhiệm của Thiên  Chúa. Các văn bản Tân Ước đã truyền lưu lại cho chúng  ta những biểu đề đức tin cổ cựu hơn cả chính các văn  bản ấy; mà các tín biểu (symboles de la foi) lại  tổng kết toàn bộ chân lý đức tin bằng lời xác quyết  về sự kiện Đức Giêsu đã chịu chết và đã sống  lại: “Nếu anh em tin thật rằng Đức Giêsu đã chết và  đã sống lại” (1Tx 4,14; xem 1Cr 15,3-5)[8]. Hoặc là bằng một tổng lược đơn giản  hơn với lời đơn thuần tuyên xưng Đức Kitô đã sống  lại: “Nếu bằng miệng, bạn tuyên xưng rằng Đức Giêsu là  Chúa, và nếu tự trong đáy lòng bạn tin rằng Thiên  Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết, thì  bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10, 9). Hay là ngay cả  bằng cách tuyên xưng quyền chủ tể của Đấng Phục Sinh:  “Không có thể tuyên xưng: ÀĐức Giêsu là Chúa' mà  lại không phải bởi sức Thánh Linh” (1Cr 12,3; xem  Cv 2, 36; Pl 2, 11). Lời xác quyết Đức Kitô đã sống lại,  thu tóm trọn cả toàn bộ nội dung đức tin.

Vậy, nếu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô là mầu  nhiệm trung tâm, chủ yếu, thì làm sao mà thần học  lại không có bổn phận phải lấy đó làm khởi điểm  cho tiến trình suy tư của mình? Mà Đức Kitô, Đấng đã  tự mạc khải mình ra qua cuộc tử nạn và phục sinh,  lại được ghi dấu ngay ở trong con người và ở  nơi công trình của mình, bằng ấn tín của chính Thần  Khí.

1. Khi làm cho Người sống lại, Thiên Chúa đã trao  ban cho Đức Kitô “danh tước trổi vượt mọi danh tước,”  danh tướcKyrios , tức là Chúa : một danh tước  chỉ được dành riêng cho một mình Thiên Chúa quyền năng  vô biên (xem Pl 2,9-11) mà thôi. Mọi quyền năng trên trời  và dưới đất đã được trao ban cho Người (xem Mt 28, 18).  Nhưng khi làm cho sống lại, Thiên Chúa đã làm cho  Người sống lại trong Thánh Linh. Tông đồ Phaolô xác định  điều đó một cách mặc nhiên mà chắc chắn qua những  gì viết ở trong câu Rm 8, 11. Ngài cũng nói lên  điều đó trong một cách thức tương tự khi viết: “Đức Kitô  đã chịu đóng đinh vào thập giá vì lẽ xác phàm  yếu đuối, nhưng Người đang sống bởi quyền năng Thiên  Chúa” (2Cr 13, 4), bởi vì, đâu đâu trong toàn bộ  Kinh Thánh, Thần Khí cũng xuất hiện dưới hình thái quyền  lực toàn năng không ngừng hoạt động của Thiên  Chúa: “Anh em sẽ nhận được quyền lực của Thần  Khí đến trên anh em” (Cv 1, 8; Lc 24, 49). Thánh Phaolô cũng  nói đến sự kiện đó ở trong Rm 6, 4: “Đức Kitô đã  sống lại từ cõi chết nhờ bởi vinh quang Thiên  Chúa Cha,” vì lẽ, vinh quang của Thiên Chúa mà  Kinh Thánh nói tới, tức là sự “tỏa rạng chói  lọi của bản thể Thiên Chúa”[9], hay là tình trạng biểu hiện của  quyền lực toàn năng trong Thiên Chúa -- “Vào  buổi sáng, các ngươi sẽ xem thấy vinh quang của Thiên  Chúa” (Xh 16, 7) -- được gắn liền với Thần Khí Thiên  Chúa ngay từ trong Cựu Ước (xem Is 63,8-14); còn trong  Tân Ước, thì vinh quang ấy được đồng nhất hóa với Ngôi Ba  Thiên Chúa; thực vậy, Thần Khí chính là quyền lực tỏ  hiện của Thiên Chúa, là “Thần Khí vinh quang, Thần  Khí của Thiên Chúa” (1Pr 4, 14). Thánh Linh, quyền lực  và vinh quang cấu thành một nguyên lý duy nhất qua  đó, Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu sống lại.  Cũng hệt như vậy đối với việc các tín hữu sống lại:  “trong quyền năng” và “trong vinh quang,” họ  sống lại “với xác thần thiêng (khí)” (1Cr 15, 43...).

Với cuộc sống lại, Đức Kitô nắm giữ quyền lực của  Thiên Chúa: Ngài là “Chúa Tể vinh quang” (1Cr  2, 8), là Chúa Tể-thần khí (2Cr 3, 18), là “thần khí  tác sinh” (1Cr 15, 45), bởi vì Ngài sống bằng Thần  Khí của quyền lực và vinh quang; chính trong Thần Khí  ấy, Ngài đã sống lại[10].

Nếu thế, thì không thể đề cập đến Đức Kitô-Chúa Tể mà  không bàn tới Thần Khí, bởi vì, chính ở trong Thần  Khí ấy, Đức Kitô Sống Lại sinh tồn và hoạt động. Nếu  không có quyền lực và vinh quang, nghĩa là nếu không  có Thánh Linh, thử hỏi làm sao Đức Kitô có thể  làm Chúa Tể của quyền lực và vinh quang được?  Mà cuộc sống lại chính là sự kiện vén mở cho  thấy rằng qua sự chết, Đức Kitô đã được biến đổi từ  trong gốc rễ của bản thể mình. Chúa Tể vinh quang,  Đức Kitô-thần khí chính là Đức Giêsu muôn thuở ở  trong trạng thái triển dương trọn vẹn của ân sủng  Ngài vốn có từ ban sơ.

Cho dù tông đồ Phaolô có nhấn mạnh đến thực trạng khác  biệt giữa sự yếu đuối xác phàm nơi Đức Giêsu tại  thế, và quyền lực vinh quang của Ngài, thì ngay  trong cuộc sống dương thế của Ngài, Thần Khí cũng  đã biểu dương sự có mặt đầy quyền lực của mình ra:  Đức Giêsu hành động với “quyền lực của Thần Khí”  (Lc 4,4.18); Ngài trừ quỷ bằng ngón tay của  Thiên Chúa (Lc 11, 20): theo Matthêu 12,28, ngón tay ấy là  không gì khác hơn ngoài chính Thánh Linh. Có nhờ Thần  Khí thì mới cắt nghĩa và thấu hiểu được cuộc sống của  Đức Giêsu (xem Cv 10, 38), vì Thần Khí đã được ban xuống  cho Ngài một cách khôn lường vô hạn (Ga 3, 34).

2. Với cuộc sống lại, cùng với danh xưng Chúa Tể, Đức  Giêsu cũng nhận được danh tước Mêsia : “Thiên  Chúa đã đặt Đức Giêsu mà các ngươi từng đóng  đinh, làm Chúa Tể và làm Đấng Mêsia” (Cv 2, 36).  Cuộc tiến bước vào trong vinh quang là “một cuộc  xức dầu hoan lạc” (xem Dt 1, 9). Nhưng, Đức Giêsu có được  hiển vinh, là hiển vinh trong Thánh Linh. Cuộc xức dầu  tấn phong làm Đấng Mêsia qua sự việc sống lại là  do Thần Khí thực hiện. Từ thời sống nơi dương thế,  Đức Giêsu đã được “xức dầu bằng Thần Khí và quyền  năng” (Cv 10, 38); bắt đầu rao giảng công khai, là  Ngài tuyên bố ngay rằng: “Thần Khí Chúa ở trên  tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi” (Lc 4, 18).

Là Chúa Tể, Đức Giêsu cũng là Đấng Mêsia, bởi  lẽ Ngài đã được xức dầu bằng Thánh Linh. Không  thể nào có được Đấng Mêsia (Đấng được Xức dầu, Đấng  Kitô) mà lại không có việc xức dầu, mà lại không  có Thánh Linh.

3. Bản chất làm Con Thiên Chúa và quyền  Chúa Tể theo chức vụ Mêsia thì chặt chẽ gắn liền với  nhau (Mt 16, 16; 26, 63; Lc 4, 41; Ga 1, 49). Một công thức cổ cựu,  có trước các văn bản của Phaolô, ghi rằng: “Tin  mừng (Phúc âm) của Thiên Chúa... (quan hệ đến) Con  của Ngài, Đấng xuất thân tự dòng giống Đavít theo  xác phàm, và đã được đặt làm Con Thiên Chúa  trong quyền năng, theo Thần Khí (hay là: thần trí) thánh  thiện, qua cuộc sống lại từ cõi chết” (Rm 1, 3tt).  Đã có một thời, nhiều tác giả quan niệm một cách  sai lầm rằng “thần trí thánh thiện” ấy chỉ về bản  tính Thiên Chúa nơi Đức Kitô, tương ứng với bản tính loài  người nơi con người xuất thân từ dòng giống  Đavít[11]. Phần đông các tác giả  hiện đại đều cho là từ ngữ ấy chỉ về Thánh Linh;  có tác giả lại nghĩ là từ ngữ ấy muốn nói  đến sự thánh thiện “tinh thần” (thiêng liêng) của  Đức Kitô, một sự thánh thiện thuộc tầm tác động của  Thánh Linh[12]. Dù sao, sự việc đưa Đức Giêsu lên ngôi làm  “Con Thiên Chúa trong quyền năng” đã thành hiện  thực trong Thánh Linh: việc ấy là kết quả của  “cuộc sống lại từ cõi chết” nhờ Thánh  Linh như chúng ta đã biết (xem Rm 8, 11).

Hành động Thiên Chúa làm cho Đức Giêsu sống lại là  một hành động mang tính chất phụ tử, vì nó “đặt  Ngài làm ConThiên Chúa trong quyền năng”;  theo Cv 13, 33, thì hàng động ấy là hành động sinh  hạ: “Thiên Chúa đã cho Đức Kitô sống lại, như lời  đã chép trong Thánh vịnh thứ hai rằng: À Ngươi là Con  Ta; hôm nay, Ta sinh ra ngươi'.” Thánh vịnh này cũng  có thể được hiểu về một vì vua trần thế, hệt như lời  của tiên tri Natan (2Sm 7, 14): “Ta sẽ là Cha nó,  và nó sẽ là con Ta.” Tuy nhiên, khi áp dụng  lời tiên tri này vào trường hợp của Đức  Giêsu, đức tin kitô đã hiểu câu 2Sm 7, 14 theo nghĩa làm  Con theo thiên tính, làm Con Một (Dt 1, 5), và đã  giải thích Tv 2, 7 theo ý nghĩa của một hành động  sinh hạ thực sự ở trong nội giới của chính bản  tính Thiên Chúa (Dt 5, 5). Hành động sinh hạ này đạt  đến mức hoàn thành vẹn toàn ở trong cuộc Đức  Giêsu sống lại từ cõi chết.

Là công trình của Thiên Chúa theo bản chất làm  Cha, và là công trình được thực hiện trong Thánh Linh,  cuộc Đức Giêsu sống lại vén mở cho thấy rằng Thiên Chúa  sinh ra Con của mình vào giữa thế gian, trong Thánh  Linh, và rằng Đức Giêsu là Người Con đã được  sinh ra trong quyền năng Thiên Chúa, tức là trong Thánh  Linh, vì quyền năng ấy chính là Thánh Linh.

Không thể có chuyện làm Con Thiên Chúa mà lại không  được vinh hiển giống như Thiên Chúa Cha[13] ”Chúng tôi đã được ngắm nhìn vinh quang của  Ngài, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha” (Ga 1, 14).  Danh tước Con đã được dùng đến trong các đoạn trình  thuật về những lần Đức Kitô hiển linh (christophanie): khi Ngài chịu phép rửa (Mt 3, 17, và các đoạn song  song), lúc Ngài biến hình trên núi Tabor (Mt 17, 5, và  các đoạn song song), trong cuộc thánh Phaolô trở lại, “khi  Người (Thiên Chúa) đã có nhã ý mạc khải   Con của Người cho...” (Gl 1, 16) thánh nhân. Đó cũng  là danh tước dành cho Đức Giêsu trong giây phút Ngài  tái giáng ngày cánh chung: “Chúng ta trông đợi Con  của Người từ trời đến, Đấng mà Người  đã làm cho sống lại từ cõi chết” (1Tx 1,1 0);  “Thiên Chúa... đã đã kêu gọi chúng ta đến chung  phần hiệp thông với Con của Người, là Đức Giêsu  Kitô, Chúa chúng ta” trong Ngày của Người (1Cr  1,9)[14]. ”Con Thiên Chúa” là một danh tước  vinh quang. Mà Thần Khí là vinh quang của Thiên Chúa;  chính trong Người, Đức Giêsu đã sống lại -- “Ngài  đã được vinh quang của Thiên Chúa Cha làm cho sống  lại” (Rm 6, 4). Trong Thánh Linh, mầu nhiệm làm Con đạt  tới mức hiển vinh của niềm viên mãn phục sinh; nhưng,  cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu không gì khác hơn là mầu  nhiệm làm Con muôn thuở được triển khai và vén  mở đến tột độ: cuộc Vượt Qua ấy xác chứng rằng Đức  Giêsu là Người Con trong Thánh Linh, và Thiên Chúa  là Cha của Ngài.

Được soi chiếu bởi Đức Kitô vinh quang, không chút chần  chừ, các tín hữu đã tin nhận Đức Giêsu là  Con Thiên Chúa ngay từ giây phút bắt đầu cuộc sống làm  người, và từ thuở đó, đã được Thiên Chúa  sinh hạ ra trong quyền năng của Thần Khí: “Thánh Linh  sẽ đến trên bà, và quyền năng của Đấng Tối  Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế , trẻ sắp  sinh sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên  Chúa” (Lc 1, 35). Con trẻ sẽ mang danh tước ấy, bởi  vì được sinh ra do tác động của Thần Khí. Thần Khí là  quyền lực toàn năng đầy công hiệu của Thiên Chúa,  là vinh quang -- đám mây chiếu sáng -- rợp bóng trên  Đức Maria. Và như thế, Đức Giêsu là con người có  chính Thiên Chúa làm Cha.

Là thế nào lúc còn trong bào thai, thì Con Thiên  Chúa trong Thánh Linh cũng vẫn mãi mãi là  như vậy. Lúc chịu phép rửa, tiếng của Thiên Chúa Cha  tuyên bố công nhận con người được Thần Khí hiện xuống  với, chính là Con của Thiên Chúa (Mt 3, 17, và các  đoạn song song); Gioan Tẩy Giả đã nhận ra Đức Giêsu  là Con Thiên Chúa, bởi vì Thần Khí đã lưu lại trên  Ngài (Ga 1,32-34). Dĩ nhiên là cũng nên nhắc tới  đám mây sáng chói đã “rợp bóng” trên Đức Giêsu  và hai vị tiên tri, Êlia và Môsê, đám mây mà  Kinh Thánh gọi là “vinh quang của Thiên Chúa.”  Từ trong đám mây, một tiếng nói đã vang lên, phán  rằng: “Ngài là Con chí ái của Ta” (Mt 17, 5, và các đoạn song song). Địa vị làm Con Thiên Chúa và  vinh quang thì không thể nào tách rời khỏi nhau  được; còn đám mây vinh quang thì thế tất làm cho liên  tưởng tới Thánh Linh. Các đoạn trình thuật trên đây về  Truyền Tin, về phép rửa chịu từ tay Gioan Tẩy Giả,  và về biến cố biến hình trên núi, đều quy hướng về với  mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng tiên báo: tức là mầu  nhiệm về sự việc Thiên Chúa Cha làm cho Đức Giêsu sống  lại trong Thánh Linh, đưa dẫn Ngài đạt tới niềm viên  mãn của địa vị làm Con.

Thế mới rõ là nếu cứ đứng ngoài vòng quan  hệ đối với Thánh Linh, thì không thể nào quan niệm nổi  về bản chất làm Con Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Hệt  như mối tương quan với Thiên Chúa Cha, bản chất ấy là  cốt tủy đối với con người Ngài, bởi vì, Đức  Giêsu là Con Thiên Chúa trong Thần Khí. Và chính vì  là Con, nên Đức Giêsu mới là Chúa Tể-Mêsia. Vì vậy,  câu hỏi sau đây đã được đặt ra: Thần Trí liên hệ  như thế nào với bản chất làm Con Thiên Chúa trong  Đức Kitô?

---Còn tiếp---

F.X. Durrwell, C.ss.R[1]

[Người dịch: Nguyễn Thế Minh, HTTH SỐ 7, NĂM THỨ BA (1993)]

Nguồn: siomonhoadalat.com

----------------------------------------------------------------------------

[1] Đây là bài viết nguyên  văn Pháp ngữ của linh mục F.X. Durrwell, Dòng Chúa  Cứu Thế, mang tựa đề Pour une christologie selon l'Esprit  Saint , đăng trong tạp chí Nouvelle Revue Théologique ,  tập 114 (1992) 653-677. Tác giả hiện đang làm giáo sư  thần học tại Strasbourg, Pháp. Xin lưu ý: từ Esprit  Saint sẽ được dịch bằng từ Thánh Linh ; còn  từEsprit/esprit thì bằng từ Thần Khí/thần  khí

[2] Năm 1979, qua một loạt “Các câu hỏi  chọn lọc về Kitô học” (Questions  choisies de christologie),  đăng trong tập Văn bản và Văn kiện (Textes  et Documents), Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã nói lên  ước vọng muốn thấy “chiều kích Thánh Linh học trong Kitô  học” được đặt nặng nhiều hơn và coi trọng hơn nữa;  trong cuốn Jésus le Christ , Paris, Cerf, 1976, W. Kasper  cũng đã đề cao và cổ xúy cho chiều kích thần học  ấy; còn H.U. Von Balthasar thì đã bàn rộng về chiều  kích ấy trong tác phẩm Theologik, III Der Geist der Wahrheit ,  Einsiedeln, Johannes Verlag 1987.

[3] Th. Baxiliô, Traité  du Saint-Esprit , XVI, 39, SC 17, tr. 180.

[4] Denzinger-Schonmetzer=Dz-Sch 301

[5] Điểm nhận định  phê bình này không nhằm gì tới hoạt động của Ngôi  Cha và Ngôi Con trong hành động nhiệm xuy nên  Thần Khí, mà chỉ nhằm tới tính chất không phân hóa   của hoạt động ấy, trong đó, theo chủ trương của  một số học thuyết, cả Ngôi Cha lẫn Ngôi Con đều không  hành động theo tư thế cá thể của mình, tức là  theo tư thế làm Cha và làm Con

[6] Có những thần học gia đã phải thú nhận rằng cả  đến Kinh Thánh, họ cũng không tham khảo tới, ít nhất  là đối với những gì liên quan đến lãnh vực chủ  yếu ấy của thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là  liên quan đến mối tương quan giữa Thần Khí và Chúa  Con; xin xem P. Evdokimov, Présence de l'Esprit dans la tradition  orthodoxe , coll. Foi Vivante, Paris, Cerf, 1977, tr. 49. M. A.  Chevallier cũng đã lấy làm tiếc mà ghi nhận  như vậy; xem L'Evangile de Jean et le Filioque , trongRSR   57(1963)93.

[7] Xin cho tôi được phép trích dẫn tác  phẩm của tôi : L'Esprit du Père et du Fils , Paris,  Médiaspaul, 1989, và bài viết của G. Rémy, Une  théologie pascale de l'Esprit Saint. À propos d'un ouvrage récent , đăng trong NRT 112 (1990) 731-734

[8] Các nhà  chú giải Kinh Thánh nhận định rằng 1Tx 4,14 là một  trong những tín biểu cổ cựu nhất. Đó là một biểu  đề đức tin có trước thời Phaolô viết các thư, cổ xưa  hơn bức thư 1Tx

[9] D. Mollat, từ  Gloire trong  Vocabulaire de théologie biblique, Paris,  Cerf, 1971, cột 505.

[10] J. Guillet, từ Esprit  de Dieu , ibid. cột 399: Thần Khí là “Àvinh quang của  Chúa Tể' phục sinh (2Cr 3,18). Ân huệ của Thánh Linh  chính là sự hiện diện của vinh quang Chúa Tể, Đấng  biến đổi chúng ta nên hình ảnh của Ngài”

[11] M.-J. Lagrange, Épitre aux Romains , coll. Études  Bibliques, Paris, Gabalda, 1916, tr. 8 (một cách uyển chuyển tinh  vi); J. Huby, Saint Paul. Épitre aux Romains , coll. Verbum  Salutis, Paris, Beauchesne, 1940, tr. 46

[12] Thường thì khó mà xác định cho rõ  được ý nghĩa của từ Thần Khí/thần trí (Esprit/esprit), và khó mà phân biệt được giữa ý nghĩa chỉ về  chính Thánh Linh hay là chỉ về một thực tại tinh thần/thiêng  liêng thuộc lãnh vực hoạt động của Thần Khí. “Ngôi  vị Thần Khí hay là phạm vi thần linh của Thần Khí...:  không phải lúc nào cũng có thể xác chỉ rõ  giới mức của một ngôn từ được; hay là cũng  chẳng có ích gì mà làm chuyện đó” (L. Cerfaux, Le  Christ dans la théologie de saint Paul , Paris, Cerf, 1951, tr.  223).

[13] Tuy nhiên, niềm  vinh quang và tình trạng giống nhau ấy không khuôn rập  theo tiêu chí “xác phàm”; cả thập giá Đức Kitô  nữa cũng chính là quyền năng và vinh quang (1Cr  1,24). Như thế là vì cuộc tử nạn và cuộc phục  sinh là hai bề mặt của cùng một mầu nhiệm duy  nhất

[14] L. Cerfaux, Le Christ ..., trưng dẫn trên kia,  tr. 330: “Khái niệm về tái giáng kéo theo danh tước Con  Thiên Chúa.

zalo
zalo