Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 70

Kitô học trong Ánh Sáng Thánh Linh (2)

III. Thánh Linh Trong Quan Hệ Với Con Thiên Chúa

Do bởi liên hệ với Ngôi Cha trong tư cách là Cha và  với Ngôi Con trong tư cách là Con, Thần Khí hằng mang tính  chất cá biệt đặc trưng thế nào, thì trong địa vị làm  Con Thiên Chúa, Đức Kitô cũng mang ấn tín của Thần  Khí như vậy.

1. Thần Khí của tính chất làm Cha và  của tính chất làm Con

Trong “sách ghi lại nguồn gốc của Đức Giêsu Kitô”  theo thánh Mátthêu (1, 1), vai trò của các người  cha trong chuỗi gia phả được diễn tả bằng động  từ “sinh hạ/sinh ra”; còn vai trò của  các bà mẹ thì được biểu đạt bằng kết từ (giới từ)  “bởi”(ek ):

Giuđa sinh Pharê và Dara bởi Thamar...

Sanmôn sinh Booz bởi Rahab;

Booz sinh Giôbed bởi Ruth...

Đavít sinh Xalômôn bởi vợ của Uria...

Bởi Maria, Đức Giêsu đã được (Thiên Chúa) sinh  ra.

Trong khi đó, vai trò của Thần Khí trong việc sinh hạ  Đức Giêsu, đã được nói lên hai lần với cùng một  kết từ “ bởi ” (Mt 1,18.20).

Luca 1, 35 ghi là: “Thánh Linh sẽ đến trên bà...  Vì thế , trẻ sắp sinh sẽ là thánh, sẽ  được gọi là Con Thiên Chúa.” Vai trò của Thần  Khí không phải là vai trò của một người  nam đối với bạn đời của mình: cũng như Mátthêu,  Luca cho thấy là con trẻ đã được chính Thiên Chúa  sinh hạ, và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa, chứ  không phải là Con của Thần Khí. Thần Khí và  Đức Maria đóng giữ cùng một vai trò trong cùng  một công trình hiệp lực tuyệt hảo: một bên là theo  cách thức thiên giới, còn bên kia thì theo cách thức nhân  thế. Qua cách thức ấy, một con người đã sinh  ra, và người đó chính là Con của Thiên Chúa ,  vì lẽ Thiên Chúa đã sinh hạ con người ấy ra từ  bởi Thần Khí và bởi lòng dạ của Đức Maria.

Có người sẽ bảo: cần chi phải dồn dập chất  đống những khối ý nghĩa thần học nặng trĩu lên trên những  đoạn trình thuật hết sức đơn giản như thế! Có thể là  đúng thế. Tuy nhiên, các văn đoạn ấy chiếu phóng ra cho thấy  trước, cho thấy ánh sáng sẽ bừng lên từ mầu nhiệm  Vượt Qua, là một mầu nhiệm hàm súc những ý nghĩa  phong phú bất tận. Biến cố Đức Giêsu sống lại, cho thấy  rằng: Thiên Chúa là Cha; Đức Kitô được sinh ra trong niềm  viên mãn của địa vị làm Con; và chính trong Thánh  Linh, Thiên Chúa đã dùng quyền năng (2Cr 13, 4) --  tức là Thần Khí -- cùng vinh quang của mình (Rm  6, 4) -- cũng lại là Thần Khí -- mà làm  cho Đức Giêsu sống lại. Thần Khí là tựa như “lòng  dạ” (ai mà lại không cần dùng đến hình ảnh  để diễn đạt cho rõ ràng?), trong đó, Thiên Chúa  Cha đã làm cho Đức Giêsu sống lại, tức là trong  đó, Ngài đã sinh hạ Con của mình ra.

Vậy, mầu nhiệm Vượt Qua là mầu nhiệm đời đời  muôn thuở, nhưng đã được tháp nhập vào trong nội  cục của công trình tạo dựng, được mạc khải và  đồng thời đã được thực hiện ra ở giữa thế  giới loài người. Tự hậu, con người được biết rằng  Thiên Chúa là Cha, đã theo một cách thức vô tận,  sinh ra trong quyền lực của Thánh Linh, một Người Con  vô biên. Tựa như mặt gương sáng, biến cố Phục Sinh phản  ánh tỏ mầu nhiệm về Thiên Chúa ra trước mắt loài  người[15].

Kể từ đó, Thiên Chúa mới được nhận biết là Cha của  Con Một; và các môn đồ mới bắt đầu tán dương rằng: “Chúc  tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”  (2Cr 1, 3). Họ dành danh xưng Thiên Chúa để chỉ về Đấng  mà thần học sẽ gọi là Ngôi Nhất trong Thiên Chúa  Ba Ngôi (xem 1Cr 8,6)[16] là Ngôi Vị mà bản  thể nhiệm mầu đặc trưng tiềm ẩn ở trong sự việc sinh  hạ Ngôi Con ra. Trong tư thế là Ngôi Cha, Ngài không  có sinh hoạt nào khác ngoài hành động sinh hạ  Ngôi Con (các hoạt động trong công cuộc tạo dựng là thuộc  lãnh vực của mối quan hệ giữa Ngôi Cha và  Ngôi Con). Thực thế, trong cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu,  bản chất làm Cha trong Thiên Chúa đã tự hiện thực  hóa và biểu hiện ra trong Thánh Linh. Chính ở trong  Thần Khí, Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại  (Rm 8, 11), “đúng như lời đã viết trong thánh vịnh  thứ hai: Ngươi là Con Ta; hôm nay, Ta đã sinh ra ngươi”  (Cv 13, 33).

Vì mầu nhiệm Vượt Qua là cánh cửa mở ra cho thấy  mầu nhiệm có từ đời đời trong Thiên Chúa, thế  nên, thần học có quyền căn cứ vào đó mà kết luận  rằng trong mầu nhiệm về Ngôi Cha sinh hạ, và Ngôi Con  được sinh ra, Thần Khí là quyền lực sinh hạ trong Thiên  Chúa. Ngài là Thần Khí của Ngôi Cha trong tư thế  làm Cha, và là Thần Khí của Ngôi Con trong địa  vị làm Con. Trong Ngài, được biểu đạt ra “những  gì (nơi Ngôi Cha) là chính Ngôi Cha nhất[17], và đối với Ngôi Con, thì Thần Khí  cũng giữ một vai trò y hệt như thế.

Quyền lực của Thiên Chúa Cha là một tình yêu vô biên.  Là quyền lực ấy, nên Thần Khí chính là tình yêu (xem  Rm 5, 5). Ngài là sức mạnh của khai mở (ouverture),  của lưu toả (effusion) chính mình[18]. Yêu thương vô hạn, Ngôi Cha sống trong thể trạng  xuất thần chính mình trong Con của mình[19]. Ngài sinh ra bằng con đường yêu thương:  “Ngôi Lời phát sinh từ con tim của Thiên Chúa  Cha”[20]. Do đó, thánh Âugutinô đã có thể viết  rằng: “Thế là có Ba Vị: Đấng yêu thương, Đấng được  yêu thương và Đấng là tình yêu”[21]. Chính trong Thần  Khí tình yêu ấy, Ngôi Cha (hiện hữu theo bản chất đặc  thù) là Ngôi Cha, và Ngôi Con (hiện hữu theo  bản chất đặc thù) là Ngôi Con.

Tuy có tùy theo mức độ riêng của mỗi cá nhân,  thì cũng vẫn giống như Đức Giêsu trong cuộc Vượt Qua  của Ngài, các tín hữu kitô tựa như mặt gương sáng,  phản ánh rạng ngời mầu nhiệm có từ đời đời  trong Thiên Chúa. Là Con Một, nhưng Đức Kitô lại có đông  đảo anh chị em (xem Rm 8, 29) mà Thiên Chúa đã ôm  trọn vào trong cuộc sinh hạ duy nhất, bằng cách làm  cho họ được trỗi dậy trong “quyền năng sống lại của  Ngài ” (Pl 3, 10). Thiên Chúa làm cho họ được sinh  ra trong cuộc sống làm con (xem 1Pr 1, 3), không phải  bằng cách mãi mãi tái diễn hành động truyền  sức sống lại, nhưng là bằng cách làm cho họ “cùng  sống lại với” Đức Kitô (Cl 2, 12), “cùng hồi sinh  với” Ngài (Ep 2, 5...), và giữ vững họ lại  ở trong quyền năng của Thần Trí; chính trong cùng  một Thần Trí ấy, Đức Kitô đã sống lại. Trong Thần Trí,  các tín hữu kitô được “nghĩa tử hóa”: “Những  ai được Thần Khí Thiên Chúa ban sinh khí cho, thì đều là  con cái của Thiên Chúa” (Rm 8, 14); chính nhờ Ngài  mà họ được thuộc về Đức Kitô (Rm 8, 9), để cùng với  Đức Kitô, họ làm nên một thân thể trong Thần Khí duy  nhất (1Cr 12,13.27). Họ sinh ra từ Thiên Chúa “bởi  nước và Thần Khí” (Ga 3, 5; Tt 3, 5): nước là biểu  tượng của nữ và mẫu tính, cũng như tượng  trưng cho Thánh Linh[22]. Đối với các tín hữu kitô cũng như đối với  Đức Kitô, Thần Khí là sức mạnh của Thiên Chúa  Cha: bởi sức mạnh ấy, Ngôi Cha sinh hạ ; và có thể  ví Thần Khí như là lòng dạ từ đó con cái Thiên  Chúa được sinh ra. Và như thế, Giáo Hội sum họp trong Thiên  Chúa Ba Ngôi, sẽ giúp cho thấy rõ hơn về mầu nhiệm  cao cả này[23].

Vậy, không thể quan niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi theo một lược  đồ song cực được, tức là quan niệm rằng một đàng,  Ngôi Cha sinh hạ Ngôi Con, còn đàng kia, thì nhiệm xuy  nên Thần Khí. Nếu thế, thì hoặc là Thiên Chúa sẽ  cùng lúc là Cha cả của Ngôi Con lẫn của  Thần Khí -- bởi lẽ theo bản chất cá thể đặc  trưng của mình, Ngôi Nhất là Cha, là Thiên Chúa  trong cương vị đặc thù làm Cha -- : điều đó đi ngược  hẳn lại với chân lý đức tin về Con Một ; hoặc là  Thiên Chúa sẽ là Cha trong hành động sinh hạ Ngôi  Con, và sẽ không phải là Cha trong hành  động nhiệm xuy nên Thần Khí -- cho dù theo bản chất  đặc trưng của mình, Ngôi Cha vẫn là Cha -- : nhưng,  suy luận như vậy là tương phản, là tự lao mình vào  ngõ cụt phi lý. Đà sinh động trong Thiên Chúa Ba Ngôi  đi từ Ngôi Cha đến Ngôi Con, và đà sinh động ấy  chính là Thần Khí. Ngôi Cha sinh hạ Ngôi Con trong Thần  Khí; Thần Khí nhiệm xuất từ Ngôi Cha trong tư thế là  Cha, mà vẫn không phải là Con: vì Ngài là  quyền lực trong đó Ngôi Cha sinh hạ.

 Suốt dòng lịch sử, Thần Trí đã luôn luôn biểu  hiện như thế: như là hành động, như là quyền lực  hằng hoạt động. Ngài không phải là chủ thể,  và cũng chẳng phải là kết quả của  hành động; không phải là chủ thể phát ngôn,  và cũng chẳng phải là Lời nói ra: Ngài  là hơi thở/hơi thổi (xuy phất: souffle ) mang Lời  phát ra; Ngài là tiếng, là giọng qua đó, Lời  biểu đạt chính mình ra. Ngôi Cha mạc khải, và Ngôi  Con là hình ảnh được mạc khải ra của Ngôi Cha  (2Cr 3, 18; Cl 1, 15); còn Thần Khí là hành động mạc  khải (xem Ga 16, 13). Thần Trí không phải là Đấng  làm cho vinh hiển, và cũng khộng phải là  Đấng được vinh hiển; Ngài là niềm vinh hiển trong đó,  Đức Giêsu đã được sống lại[24]. Ngài không phải  là Đấng xức dầu, cũng chẳng phải là Đấng  được xức dầu; nhưng là hành động xức dầu[25]. Thiên Chúa là thánh,  Ngôi Con là thánh, và các tín hữu là thánh  trong Đức Kitô; còn Thần Khí là hành động thánh  hóa các tín hữu. Thiên Chúa “công chính hóa” Đức  Kitô bằng cách làm cho Người sống lại (1Tm 3, 16), và  làm cho Người sống lại “nhằm công chính hóa chúng  ta” (Rm 4, 25); còn Thần Khí chính là niềm công chính  đầy sức năng công chính hóa. Theo Kinh Thánh, kinh nguyện không  trực tiếp ngỏ lời lên cùng Thần Khí, bởi chính  Ngài là tiếng kêu lên của kinh nguyện (Rm 8, 15;  Gl 4, 6), là tiếng rên rỉ khôn tả. Ngôi Cha là Đấng  yêu thương, Ngôi Con là Đấng được yêu thương, và Thần  Khí là tình yêu (xem Rm 5, 5). Luôn luôn Thần Khí được miêu  tả bằng những từ ngữ biểu thị hành động,  sức năng động. Mà sức năng động chủ yếu của  Ngôi Cha là sinh hạ: Ngài sinh hạ bằng cách yêu thương,  và sinh hạ ra trong tình yêu là Thần Trí[26].

Vậy, thiết tưởng cũng có thể uốn nắn lại cách thánh  Augustinô diễn đạt, mà chúng tôi vừa trưng  dẫn trước đây, để nói rằng: “Thế là có Ba Vị:  Đấng Sinh Thành, Đấng Phát Sinh, Công Tác Sinh Hạ.”  Thần Khí là sức mạnh, trong đó Ngôi Cha (hiện hữu theo bản chất đặc thù) là Ngôi Cha, và Ngôi  Con (hiện hữu theo bản chất đặc thù) là Ngôi  Con. Thần Khí chẳng những là “người bạn keo  sơn” của Ngôi Con không thôi, mà còn là  Đấng ở trong chính nội cục của mầu nhiệm về Ngôi  Con nữa, giống hệt như đối với mầu nhiệm về Ngôi Cha  vậy. Ngài là con tim của Ngôi Cha và của  Ngôi Con[27].

Trong Thần Khí ấy, Cha là Ngôi sinh hạ, Con là Ngôi  làm con: Thần Khí luôn đóng giữ vai trò ngôi vị  hóa (personnali-sant).Ngay từ đầu, Ngài đã  đóng giữ vai trò ấy trong công trình tạo dựng, và  đã từ từ đưa nó lên đến tột đỉnh của công  trình ấy, tức là ngôi vị con người, là nhân vị.  Và cũng chính ở trong Ngài, nhân tính nơi Đức Giêsu đã được nâng lên đến mức thần linh do sự việc  được ngôi vị hóa qua Ngôi Con.

Cách quan niệm như thế có thể làm dấy lên những nghi  vấn nhiều loại. Trước hết, thứ tự (taxis) trong Ba Ngôi  có vẻ như bị rối loạn đi: Thần Khí đã không được đem  đặt chắn ngang ở giữa Ngôi Cha sinh hạ và Ngôi  Con phát sinh đó sao? Thần Khí cũng được đem đặt ngay ở  đầu, vì chủ trương cho rằng Ngôi Cha sinh hạ trong Thần  Khí!

Đây là câu trả lời cho vấn nạn đó: cũng không  nên coi Thần Khí là Ngôi Vị cuối cùng, làm như  Ngài là Kẻ đến sau, làm như Ngài chẳng  khác chi là ngõ cụt trong đà sinh động nơi Thiên  Chúa Ba Ngôi. Ngài không phải là Ngôi Vị “cằn  cỗi”; trong khi đó, Ngôi Cha sinh ra Ngôi Con, và  Ngôi Cha cùng Ngôi Con nhiệm xuy ra Thần Khí[28]. Đã đành,  Thần Khí không phải là ban sơ: danh dự này thuộc  về Ngôi Cha; tuy nhiên, Thần Khí cũng chẳng phải là  chung cục của đà sinh động trong Thiên Chúa, vì trong  đà sinh động ấy, Ngôi Cha hướng về với Ngôi Con: cả   ở nơi bước đầu lẫn ở nơi điểm kết, đều  có mặt Thần Khí, bởi lẽ chính ở trong Ngài,  Ngôi Cha sinh hạ, và Ngôi Con được sinh ra. Không Ngôi  Vị nào khác phát xuất từ Ngài, nhưng, chẳng những  không son sẻ, Ngài chính là sức năng sinh sản  trong Thiên Chúa. Ngôi Cha và Ngôi Con dù là một,  thì cũng vẫn diện đối diện nhau trong một tư thế khác  biệt vô biên (altérité infinie ): một bên là Cha  vô biên, và bên kia là Con, là Đấng thu nhận chính  bản thể của mình một cách vô biên; Còn Thần Khí  thì không đứng ở tư thế diện đối diện với Ngôi Cha, hay  là với Ngôi Con như thế: Ngài là ở chính  trong nội giới của Hai Vị , là Thần Khí của bản  chất làm Cha của Ngôi Cha, và là Thần Khí của  bản chất làm Con của Ngôi Con.

Trong thứ tự xướng danh Ba Vị, Thần Khí thường được đặt  sau hai Ngôi Cha và Con. Cũng có thể nói đến Ngôi  Cha và Ngôi Con mà không nêu danh Thần Khí, như Kinh  Thánh thường làm. Bởi vì, Ngài không phải  là Đấng yêu thương, cũng chẳng phải là Đấng  được yêu thương; không phải là Đấng Sinh Thành,  cũng chẳng phải là Đấng Phát Sinh: Ngài là  tình yêu, là sức năng sinh sản. Ngài cũng được  miêu tả như là lòng khiêm hạ của Thiên Chúa[29], và được hiểu như là Đấng  hằng sẵn sàng phục vụ Ngôi Cha và Ngôi Con. Vì vậy,  trong thứ tự xướng danh, Ngài đứng ở hàng ba, ở  hàng sau cùng: bản chất làm Cha của Ngôi  Cha quy hướng trọn về với Ngôi Con, trong Thánh Linh.

Ngoài ra, không phải là Kinh Thánh (xem Kh 1, 4...)  cũng như Thánh Truyền đã không biết tới đồ hình Cha-Thần  Khí-Con[30]. Có một hình thái thần học mà tôi xin tạm gọi là  thần học tranh ảnh, đọc thấy ở trong trình thuật về  cuộc Đức Giêsu chịu phép rửa và trong những ảnh  tượng; trong đó, Thần Khí được minh họa như là xuất phát  từ Thiên Chúa Cha và lưu lại ở trên Ngôi Con. Phụng vụ, đặc biệt là phụng vụ nghi thức Hy Lạp,  cho thấy là có nền tảng rất vững chắc khi ca ngợi  Chúa Cha và Chúa Con trong Thần Khí. Khi chúng ta  làm dấu thánh giá, động tác đi từ Ngôi Cha đến Ngôi Con, còn Thần Khí thì được biểu thị bằng đường đi ngang  qua đường dọc chạy từ Ngôi Cha đến Ngôi Con. Thứ tự (taxis) không đồng nghĩa với loạt nối tiếp. Trọng yếu hơn   taxis ,còn có perikhoresis (tính chất  ở trong nhau/tương tại tính), theo đó, những gì có ở  chung cục thì cũng có ở ban sơ và trong khắp tiến  trình. Chính vì thế mà Thần Khí cùng hiện hữu từ  đời đời và ngang hàng với Ngôi Cha cũng  như với Ngôi Con; bởi lẽ, Ngôi Nhất có là Cha,  thì cũng chỉ là Cha ở trong Thần Khí, và cũng thế, Ngôi Hai có là Con, thì cũng chỉ là Con ở  trong Thần Khí.

Cũng còn có thể hỏi vặn lại như thế này:  lối nhìn trên đây áp dụng khái niệm ngôi vị cho Thần Khí,  theo một cách thức khác với trường hợp của Ngôi Cha  và Ngôi Con. Chính thế, khái niệm ngôi vị được áp dụng  cho Thần Khí theo một cách thức khác, bởi vì, mỗi một  Ngôi trong Ba Vị là ngôi vị theo một cách riêng biệt, đặc  thù: Ngôi Cha là ngôi vị sinh hạ; Ngôi Con là ngôi  vị làm Con, có sức năng thu nhận vô cùng; Thần Khí  là ngôi vị-sức năng sinh hạ, ngôi vị-tình yêu. Trong Thiên  Chúa, mỗi Ngôi mang một tính chất đặc thù, vô cùng  khác biệt so với hai Ngôi kia; và chính ở trong niềm  khác biệt vô biên ấy, Ba Ngôi là Một. Làm sao có  thể quan niệm về một mối hiệp nhất tuyệt đối được, nếu  mỗi Ngôi chỉ là ngôi vị theo một cách thức giống hệt  nhau?

Có lẽ có người lại vặn hỏi rằng: chính khái niệm  về ngôi vị đã không được tôn trọng đối với trường  hợp của Thánh Linh. Mọi ngôi vị đều mang một diện mạo:  chính từ Hy Lạp prosopon cũng hàm súc ý nghĩa  đó; vậy, nói rằng Thần Khí là hành động, là tình  yêu, là công tác sinh hạ, tức là không để cho Thần  Khí có được một diện mạo nào cả. Chính thế, trong  Kinh Thánh, Thần Khí “đã không mang một diện mạo nào  cả; ngay đến danh xưng, Thần Khí cũng chẳng có một  danh xưng nào khả dĩ gợi lên được một diện mạo nhân  dạng”[31]. Ngài không phải  là Đấng phát ngôn, cũng chẳng phải là Lời,  nhưng là “Hơi thở/Xuy phất,” là điều không  nói ra, là những gì khôn tả: là những gì  làm nên mầu nhiệm trong Thiên Chúa; nhưng đồng thời  cũng chính Ngài là Đấng mà qua đó, Thiên Chúa  tự mạc khải mình ra. Ngôi Cha là diện mạo mà phản  ánh là chính Ngôi Con (Dt 1, 3), nhưng những đặc nét  của hai Ngôi Cha và Con lại được hiện rõ lên ở  trong Thần Khí.

Người ta cũng sẽ hỏi rằng: một ngôi vị thì  luôn ở vị thế đối diện với một tha vị, trong quan hệ với  một đối cực. Vậy, nếu chủ trương theo cách thức trên  đây, thì Thần Khí không thể là một ngôi vị thuộc nội  giới của mầu nhiệm Ngôi Cha và Ngôi Con được. Nhưng,  dù Kinh Thánh không bao giờ đặt Thần Khí ở trong  vị thế đối diện với Ngôi Cha và Ngôi Con, và cũng  chẳng bao giờ vén mở cho thấy Ngài như là chính  nội giới của hai Ngôi ấy, thì thử hỏi thần học  chẳng có bổn phận phải nhận rằng tuy ở trong nội  giới của hai Ngôi kia, Thần Khí vẫn có thể là  một ngôi vị thứ ba: ngôi vị liên kết hai Ngôi Vị ấy ngay tại  trong những gì làm cho hai Ngôi này ở vào  hai đối cực khác nhau, hay sao? Không gì bí nhiệm cho bằng Thần  Khí của Thiên Chúa!

Tóm lại: nếu đúng Thần Khí chính là hiện thân của  quyền lực trong đó, Ngôi Cha sinh hạ, và của tình yêu  qua đó, Thiên Chúa xuất phát ra khỏi chính mình trong Con  của mình, thì ắt từ đó phải suy ra rằng Thần Khí  có một mối quan hệ toàn diện với Ngôi Cha trong bản  chất đặc thù làm Cha, và với Ngôi Con trong bản  chất đặc thù làm Con[32].

---Còn tiếp---

-------------------------------------------------------------------------------------------------

[15] ”Nhiệm cuc,” lịch sử cứu độ đã  thực sự mở lối dẫn con người tới chỗ nhận  biết mầu nhiệm sâu kín trong Thiên Chúa. Ai không đồng ý  về điểm đó, hoặc chủ trương ngược lại, tất có bổn phận  phải chứng minh làm sao để cho thấy là người  kitô có thể đạt tới chỗ tin nhận mầu nhiệm Thiên Chúa  Ba Ngôi, bằng một con đường khác với lối ngõ vừa  nói. Chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi,  và nếu chúng ta được biết như vậy, thì chính là nhờ  Đức Kitô Phục Sinh, Đấng làm trung gian cho đức tin chúng  ta (xem G. Rémy, Une théologie pascale ..., trưng dẫn  trên kia, tr. 735).

[16] Trừ một vài trường hợp:  tức là những khi họ gọi Đức Kitô bằng danh xưng Thiên  Chúa; tuy nhiên, các trường hợp này không làm  cho luật chung nói trên mất bớt giá trị đi; sở dĩ Đức  Giêsu được gọi bằng danh xưng ấy, là vì Ngài cùng  thông phần vào một thiên tính duy nhất của Thiên Chúa-Cha  Ngài; xem K. Rahner, Dieu dans le Nouveau Testament, Écrits  théologiques , cuốn 1, Paris, DDB, 1959, tt. 11-111. Cũng  xin xem F.X. Durrwell, Le Père, Dieu en son mystère ,  Paris, Cerf, 1987, tt. 13-18.:

[17] Ở đây,  tôi xin lấy lại một câu của J. Guillet viết trong bài  giải thích về từ Esprit de Dieu , ở cột 388  của cuốnVocabulaire de théologie biblique , trích dẫn  trước đây; tác giả đã thử đưa ra một cách hiểu  về ý nghĩa tổng quát của từesprit như sau: “Luôn  luôn, từ < khí nhằm tới ý nghĩa chỉ về yếu tố cốt  tủy và không thể nắm chắc được ở trong một hữu  thể... chỉ về những gì là chính hữu thể đó nhất.”  Phụ chú của người dịch: chúng tôi cố tránh những  cách nói như là: những gì làm nên...cấu thành ...  và chỉ dùng từ là , xét vì ở đây  đang nói về Thiên Chúa, là Đấng Ta có , là Đấng  tự hữu/hằng hữu (Xh 3,14), là Đấng Ta chính  là Ta, Ta là Đấng có (Đnl 32,39), là Đấng Chính  là Ta (Ga 8,24). Tác giả bài viết cũng dùng  động từ est.

[18] H. Schlier,  Der Roemerbrief , Freiburg, Herder, 1977, tr. 268: tác giả  giải thích về Thánh Linh như thế này: “Die Kraft  der Selbsterschliessung Gottes”, quyền lực khai mở của  Thiên Chúa.

[19] Th. Tôma, Tổng  Luận Thần Học , cuốn II, tập I, câu hỏi 28, đoạn 3 sed  contra ; thánh nhân đã lấy lại tư tưởng của Điônixiô  Mạo Danh, và viết: “Bởi yêu thương, nên Ngài  xuất thần.”

[20] Th. Ambrôxiô, De Fide , IV, 10, 132, CSEL 78, tr. 204.

[21] Th. Âugutinô,  De Trinitate , 8, 14, CCSL 50, tr. 2

[22] Cựu Ước cũng đã dùng nước  để tượng trưng cho Thần Khí: Is 32,15; 44,3; Ed 36,25-27; Ge 3,1...;  Dcr 12,10

[23] Xem Th. Xyprianô, De Orat. Dom .,  23, CCSL tập IIIa, tr. 10

[24] Th. Atanaxiô, Thư thứ  nhất gửi cho Xêrapiôn , 19 , SC 15, tr. 116...: “Ngôi  Cha là ánh sáng, Ngôi Con là ánh chói... Thần Khí  là hành động qua đó chúng ta được soi sáng” (được  Y. Congar trích dẫn ở trong cuốn Je crois en l'Esprit  Saint , tập III, Paris, Cerf, 1980, tr. 52). Ximêôn (với biệt  danh) Nhà Thần Học Mới, Catéch ., 33. SC 113,  tr. 257: “Cửa ra vào: là Ngôi Con...chìa khóa  của cửa ấy: là Thần Khí”.

[25] Th. Irênê,  Adv. haer ., III, 18, 3 SC 211, tr. 350: “Chính Ngôi  Cha là Đấng xức dầu; chính Ngôi Con là Đấng được xức  dầu trong Thần Khí, là chính hành động xức dầu... Như  Ngôi Lời đã nói lên điều ấy qua miệng của tiên  tri Isaia là: ÀThần Khí Thiên Chúa ở trên tôi, bởi  Người đã xức dầu cho tôi'; vì nói thế có nghĩa là  cùng một lúc muốn chỉ về Ngôi Cha là Đấng xức dầu,  và Ngôi Con là Đấng được xức dầu, và Thần Khí  là hành động xức dầu”.

[26] Dù  có hướng theo một viễn ảnh hơi khác, thì những  hàng viết sau đây cũng nói lên cùng một ý nghĩa  như thế: “Tình yêu dịu hiền ấy -lòng dạ Thiên Chúa  Cha - trong đó, Ngài đặt Ngôi Con của mình nằm, chính  là Thần Khí... Chỉ có một Cha sinh ra Con mình trong tình  yêu, rồi lấy tình yêu mà vấn bọc Con mình, và làm  cho Con mình lưu ngụ ở trong chính mình” (M.-J. Le Guillou,  Le mystère du Père , Paris, 1973, tr. 267). Tác giả  cũng đã nói đến “vai trò làm mẹ của  Thần Khí”.

[27] L. Bouyer, Le Consolateur , Paris, Cerf, 1980,  tr. 439: “Chính vì thế, Thần Khí là, như danh xưng cho  thấy, hơi thở/hơi thổi của sự sống trong Thiên Chúa,  hoặc, - nếu muốn và cũng không có gì là khác  cả, - là như con tim của thiên tính: con tim của  Ngôi Cha cũng như của Ngôi Con.”

[28] Về “nỗi  son sẻ hiếm hoi - chí thánh, thần linh ấy - của Thánh  Linh”, thử hỏi còn có gì mà người ta  đã không nói? Xem P. De Bérulle, Grandeurs de Jésus,  IV, 2; M. Dupuy, l'Esprit Saint et Marie dans l'École francaise ,  trong Études mariales26(1969) 2

[29] Theo tôi biết, thì người đầu tiên nói tới lòng khiêm  hạ của Thần Khí là Th. Preiss, Le témoignage intérieur  du Saint-Esprit, bài đăng trong Cahiers de l'actualité  protestante 13(1946) 26.

[30] B. Bobrinskoy, Le Mystère de la Trinité ,  Paris, Cerf, 1925, tr. 78; tác giả viết rằng: “Giáo Hội   luôn giữ thái độ ngập ngừng do dự , đặc biệt  là trong kinh nghiệm sống của mình và trong khoa  bí tích học, không biết phải chọn đồ hình nào trong  hai đồ hình về Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là đồ hình Cha-Con-Thần  Khí, và đồ hình Cha-Thần Khí-Con” (chính tác giả đã  cố ý nhấn mạnh đến những điều ghi bằng chữ xiên).

[31] J. Guillet, từ Esprit de Dieu , trong tác  phẩm trưng dẫn trên kia, tr. 390

[32] Quan niệm này xem ra đang  ngày càng được giá trong giới các thần học gia. Đây  là một vài dẫn chứng: J.-M. Garrigues, La théologie  du Saint Esprit dans le dialogue oecuménique; Document Foi et constitution, số 103, Paris, Centurion et Presses de Taizé, 1981, tr. 168:  “Ý nghĩa duy nhất thực sự có tính cách tín lý, mà  từ ngữ Filioque có thể muốn nói lên trong lời  tuyên xưng đức tin của Giáo Hội dựa trên cơ sở của  Kinh Thánh cũng như của đoàn ngũ các Giáo Phụ,  là Thánh Linh xuất phát... từ Ngôi Cha trong tư  thế là Cha, nghĩa là trong tư thế là Đấng sinh hạ  Ngôi Con duy nhất “(chính tác giả đã cố ý nhấn  mạnh đến những gì ghi bằng chữ xiên); B. Bobrinskoy, ibid, tr. 158: “Ngôi Con (là)... Đấng trong Ngài,  Ngôi Cha và Thần Khí nghỉ ngơi”; trong cuốn Le Mystère  de la Trinité , tác giả còn nói rõ hơn rằng:  “Vậy, Ngôi Con sẽ là lý do hiện hữu của  việc nhiệm xuy Thần Khí, là Thần Khí của Ngôi Cha và  cùng lúc, cũng là Thần Khí của Ngôi Con”  (tr. 298). “Dù chỉ là thuộc lãnh vực quan niệm  hoặc là khái niệm, thì mọi hình thức du nhập tính chất  có trước (antériorité)của sự việc Ngôi Con sinh  ra vào trong quan hệ so sánh với sự việc Thần Khí nhiệm  xuất, cũng đều đưa tới tình trạng biến mầu nhiệm Thiên  Chúa Ban Ngôi trở thành một đối tượng nằm trong tầm  khả năng nhận thức của lý trí con người...”  (tr. 305).

zalo
zalo