Ngày tháng: 09/01/2025
18:47 PM
Đang truy cập: 5

Kitô học trong Ánh Sáng Thánh Linh (4)

IV. Đức Kitô và Thần Khí Trong Công Trình Cứu Độ

Một mối thông hiệp mật thiết như thế với Thần Khí -- mối  thông hiệp đặc trưng của bản thể thần linh và  bản chất làm Con nơi Đức Kitô -- tất sẽ làm  cho tiên lượng được rằng công trình cứu độ dù chủ  yếu là thuộc về Đức Kitô, thì cũng đã được thực  hiện do một sự hợp lực chặt chẽ của cả hai Ngôi.

1. Thần học theo mô hình pháp lý, quan niện rằng nếu Đức  Kitô đã thủ đắc được ơn cứu độ cho loài người,  thì chính là nhờ Người đã dâng hiến các khổ  đau của mình để đền bù tội lỗi, chứ Thần Khí không  có can thiệp hay can dự gì vào đó cả. Nhưng, Đức Giêsu  không những đã thủ đắc ơn cứu độ cho chúng  ta mà thôi, Ngài còn “ trở thành ... chính sự cứu độ của chúng ta” (1Cr 1, 30) nữa.  Không những Ngài đã chịu chết, mà Ngài  còn sống lại cho chúng ta nữa (xem 2Cr 5, 15); một mình  cuộc tử nạn không thôi sẽ không có hiệu năng mang  lại ơn cứu độ: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại...thì  anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của mình”  (1Cr 15, 17). Cuộc tử nạn của Đức Giêsu chỉ có được  hiệu năng cứu độ khi được gắn chặt vào với cuộc sống  vinh quang: “Ta trao ban mạng sống của Ta, để rồi lấy  lại” (Ga 10, 17). Thánh Âugutinô đã giải thích  về câu ấy như thế này: “Ta chết để mà sống lại”[56]. Đức Giêsu đã nguyện xin cho mình được vinh hiển, vì có  thế, Ngài mới có thể chu toàn sứ mạng “ban sự  sống cho mọi xác phàm” (xem Ga 17,1-3); “một khi  đã thành hoàn hảo (tôn vinh), thì Ngài trở  nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời” (Dt 5, 9). Qua cuộc tử nạn để được tôn vinh nhằm mưu cầu vinh quang  cho mọi người, Ngài thật là Đấng Cứu độ của  toàn thể nhân loại: công cuộc cứu độ là mầu  nhiệm của cá nhân Đức Giêsu trong hành trình vượt  qua, đi từ thế gian này mà về với Thiên Chúa Cha.

Mà chính trong Thánh Linh, Đức Giêsu đã chết để đi  về cùng Thiên Chúa Cha, “đã hiến dâng mình trong  Thần Khí vĩnh cữu” (Dt 9, 14); và cũng chính trong  Thần Khí ấy, Ngài đã được làm cho sống lại (Rm  8, 11) nhờ bởi vinh quang Thiên Chúa Cha (Rm 6, 4), tức  là Thần Khí, nhờ bởi quyền năng Thiên Chúa (2Cr  13, 4), cũng lại là Thần Khí. Cuộc sống và cuộc  tử nạn của Đức Giêsu đều quy hướng trọn về với niềm  sống lại: “tất cả đều gia công để nhằm tới biến cố sống lại của Ngài”[57], bởi vì “Ngài là Đấng được xức dầu bằng Thần  Khí và quyền năng” (xem Cv 10, 38).

Công trình cứu độ là công trình của Ba Ngôi; trong  đó, mỗi Ngôi đóng giữ vai trò đặc thù của  mình. Ngôi Cha sinh hạ Ngôi Con ra trong thế gian, và đưa  dẫn Con mình đi qua sự sống và sự chết để đạt tới  tình trạng viên mãn của bản chất làm Con: “Ngài  đã làm cho Con mình sống lại, như đã viết trong  thánh vịnh thứ hai rằng: Ngươi là Con Ta, hôm nay Ta sinh  hạ ra Ngươi” (Cv 13, 33). Vai trò của Đức Kitô là  làm Con, để sử dụng tự do con người của mình  mà ưng nhận Thiên Chúa làm Cha mình, và để nhờ  đó mà được Ngôi Cha đón nhận trọn vẹn: đó là điều  mà Kinh Thánh gọi là lòng vâng phục cho đến chết;  theo thánh Gioan, thì lòng vâng phục ấy là cách thức  biểu đạt bản chất làm Con của Đức Giêsu. Trong  cuộc tử nạn, Đức Giêsu đã đồng ý là không tiếp  tục sống (hiện hữu) nữa, nếu không phải là  nhờ bởi Cha mình; thực vậy, Ngài đã phó trọn  con người mình vào trong tay Cha mình, là Đấng đã  xác nhận rằng: “Ngươi là Con Ta, Ta sinh hạ ra Ngươi.”  Vai trò của Thần Khí là làm sức năng sinh hạ  của Thiên Chúa trong Ngôi Cha; và trong Ngôi Con, thì  làm “Thần Khí vĩnh hằng” trong đó, Đức Giêsu tự  hiến toàn thân cho Thiên Chúa Cha (Dt 9, 14), cũng như  bởi đó, Ngôi Cha làm cho Đức Giêsu sống lại.

Đức Giêsu đã được Ngôi Cha sinh ra trong Thần Khí ngay từ  đầu (Lc 1, 35), nhưng Ngài còn cần phải trở thành  thực thể trọn vẹn của con người mình trong quyền năng  của Thần Khí; cũng tương tự như trong trường hợp  của người kitô: suốt trong cả cuộc đời, người  kitô cần phải trở nên ngày càng đầy đủ  trọn vẹn hơn, những gì cấu thành bản chất của  mình ngay từ khi chịu phép thanh tẩy. Thật vậy, chính Thần  Khí, tác nhân của lịch sử thánh[58], là sức năng động trong đà diễn  biến của tiến trình cứu độ. Hơn nữa, bước đường  tự hiện thực hóa của con người Đức Giêsu -- bước  đường đi ngang qua sự sống và sự chết như thế --  là một tiến trình ngôi vị hóa, trong đó, với tất cả  tự do của một con người dương thế, Đức Giêsu sẳn sàng  để cho mình được ngôi vị hóa toàn vẹn theo tư thế là  Con của Ngôi Cha, cho đến trạng thái viên mãn của  bản chất làm Con, tức là cho đến chết và sống  lại. Nhưng chính Thần Khí lại là nguyên lý của mọi  công trình ngôi vị hóa[59]. Trong Thiên Chúa, Thần Khí là thực thể trong  đó, Ngôi Cha hiện hữu theo ngôi vị làm Cha, và  Ngôi Con hiện hữu theo ngôi vị làm Con.

Không gì khác hơn là chính mầu nhiệm Đức Giêsu trong cương  vị làm Con, công cuộc cứu độ là công trình của  Ngôi Cha sinh hạ Ngôi Con ra trong thế gian, là công trình  của Ngôi Con ưng nhận Ngôi Cha làm Cha mình, và  là công trình được thực hiện do Thần Khí là sức năng sinh hạ trong Thiên Chúa.

2. Dù là thuộc riêng về Đức Kitô, mầu nhiệm ấy cũng  có hiệu năng mang ơn cứu độ đến cho toàn thể loài  người; bởi vì, ngay ở trong cách thức thực hiện  nó, Đức Kitô đã mở rộng mình ra và đã tự  trao ban chính mình cho hết cả thế giới loài người:  “Vì mọi người, Ngài đã chết và đã sống  lại” (2Cr 5, 15) trong quyền năng của Thánh Linh.

Công thức “vì chúng ta” muốn nói rằng Đức Kitô đã  chết và đã sống lại nhằm mang lại ân huệ, nhằm mưu  ích cho chúng ta. Nhưng công thức ấy còn hàm súc những  ý nghĩa sâu rộng hơn nữa. Ý nghĩa của nó biểu  hiện rõ nhất là trong bối cảnh của việc lập  bí tích Thánh Thể: “Này là mình Ta, (sắp chịu hy  sinh) vì các ngươi” (1Cr 11, 24). Để chỉ về sự việc mình sắp  chết, Đức Giêsu bẻ bánh ra và trao ban ; Ngài đã chịu hiến tế chính mình nhằm mưu ích cho loài  người, và trong cuộc hiến tế ấy, nhân loại đã  được đón nhận: “Bánh mà Ta sẽ cho, chính là  thịt Ta (hiến tế) vì sự sống thế gian” (Ga 6, 51). Loài  người được nuôi dưỡng và sống mạnh nhờ chính  thịt ấy.

Được thực hiện qua cuộc tử nạn và phục sinh, nên  công trình cứu độ thuộc riêng về cá nhân Đức Kitô: chính  Ngài đã chết, và cuộc sinh ra trong thiên tính là  của riêng Ngài. Tuy nhiên, cũng như, nếu không  phải là một cuộc tiến vào trong vinh quang, thì  cuộc tử nạn sẽ không có ý nghĩa gì cho Ngài cả;  cũng thế, nếu trong công cuộc cứu độ được thực hiện  nơi con người Ngài, nghĩa là trong sự chết đưa tới  quang vinh, Đức Kitô đã không được trao ban cho chúng ta,  thì cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài sẽ  không có được một hiệu lực nào đối với chúng ta. “Vậy,  hãy cầm lấy mà ăn,” ngõ hầu các ngươi được  trở thành cùng một thân thể với Ta, qua việc chia  sẻ công ơn cứu độ đã được thực hiện trong Ta. Trong  cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, Đức  Kitô là-vì-chúng-ta ; chính vì thế, Ngài thực sự  là ơn cứu độ của chúng ta: là Đấng đã chết  và đã sống lại vì chúng ta .

Tự bẩm sinh, Đức Giêsu là một con người vì người  khác, được dành, tự trong chính bản thân của mình,  để mưu cầu ơn cứu độ cho thế gian. Trong Ga 10, 36, Ngài  tự giới thiệu mình là: “Người đã được Cha thánh  hiến và phái gửi đi .” Ngài là Người  Con đã được sinh ra trong thế gian và cho thế gian. Nhưng,  cần phải đi qua cuộc tử nạn đưa tới vinh quang, Ngài  mới toàn vẹn trở thành Người Con được phái  gửi đi, Đấng “tiền hiện hữu” ngay từ đầu.  Trước tiên, Ngài đã sống một cuộc sống “trong  xác phàm,” mang thân phận tôi đòi (xem Pl 2, 7),  theo điều kiện giam hãm gò bó cố hữu của “xác  phàm”; Ngài đã làm người như mọi người,  sống giữa mọi người, tựa như một hạt giống (lúa mì)  đơn độc (xem Ga 12, 24). Rồi Ngài đã chết và đã  sống lại theo bản chất trọn vẹn của địa vị làm  Con, trong niềm viên mãn của Thần Khí, và đã  đi qua một trạng thái triển dương vô biên, theo kích thước  của Thần Khí. Từ nay, Ngài được mệnh danh Là  vì ơn cứu độ của thế gian này , và đã trở  thành Chúa của vũ trụ (Pl 2,9-11), Đấng hướng-hiện  hữu phổ quát (pro-existant universel ), Con Thiên Chúa  cho mọi người[60].

Bởi vì, Thần Khí mà Đức Kitô nhận được tràn đầy,  là tình yêu, là tự hiến. Vì thế, đã từng được  sinh ra từ Thiên Chúa, trong Thần Khí ấy (Lc 1, 35), đã  từng được hướng dẫn bởi Thần Khí (Lc 4,1.14.18),  và không mảy may khép kín vị kỷ, thì bây giờ  Đức Giêsu được biến đổi trong Thần Khí để “trở thành  thần khí tác sinh” (1Cr 15, 45), trở thành một hữu  thể-cội nguồn có sức năng ban sự sống mà mình đang sống,  bằng cách tự trao hiến chính toàn thân mình. Trong Thần  Khí với sức năng khai phát vô biên ấy, Đức Kitô có đủ  năng lực để tiếp nhận người người hằng hà vào  tận trong cõi lòng sâu thẳm của con người mình.  Được chính Ngài tác động một cách “thần khí,” người  kitô cũng mở lòng ra để đón nhận Ngài vào  tận trong con người (cái Tôi/bản ngã) sâu kín của  mình, đến độ có thể xác quyết được rằng: “Đức Kitô đang  sống trong tôi” (Gl 2, 20). Thần Khí, trong đó Ngôi Cha và  Ngôi Con làm một và hiện diện ở trong nhau, là  chính Đấng ban cho Đức Kitô và các kitô hữu thực hiện  được điều mà lòng mến của họ mong ước, đó là  tình đoàn kết trong cùng một mối hiện diện hỗ  tương ngay nơi tâm lòng mỗi người: “Trong ngày  ấy, các ngươi sẽ biết được là... các ngươi ở trong  Ta, và Ta ở trong các ngươi” (Ga 14, 20; 17, 23). Để  chỉ về cùng một thực tại ấy, Thánh Phaolô đã có  thể tự do dùng thay thế cho lẫn nhau, các công thức:  “Anh em ở trong Đức Kitô,” và “Đức Kitô  ở trong anh em.” “Trong một Thần Khí duy nhất,”  hết thảy các tín hữu cùng làm nên một thân  mình duy nhất với Đức Kitô (xem 1Cr 12, 13, giống như Ngôi Cha  và Ngôi Con là một trong Thánh Linh.

Bằng cách thức ấy, ơn cứu độ lan rộng dần ra. Không phải  là bằng cách “áp dụng” công trạng, hoặc là  “phân phát” những ân huệ đã được thu tích,  mà là bằng cách nhờ vào Đấng Cứu Thế, là  Đấng đã trao tặng chính con người mình. Đức Kitô-thần  khí tự thông truyền chính mình, và thông truyền Thần Khí  lai láng ra, vì trong Thần Khí, chính Đức Kitô được thông truyền  ra[61]. Các tín hữu thuộc về cả hai Vị: thuộc về  Đức Kitô và đồng thời cũng thuộc về Thần Khí:  “Ai không có Thần Khí Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc  về Ngài” (Rm 8, 9); và họ vừa được thần khí  hóa vừa được làm cho trở thành những người  con (Gl 4,4-6). “Trong Đức Kitô” và “trong Thần  Khí” là hai cách nói đi liền, không tách rời nhau,  tuy vẫn khác nhau và không thể thay thế cho nhau được,  vì Phaolô không mảy may đồng nhất hóa Đức Kitô vinh hiển  với Thần Khí. Còn các khí cụ của ơn cứu độ --như:  Giáo Hội, lời dạy các tông đồ, các bí tích... -- hết  thảy, chúng đều mang ấn tín của Đức Kitô và của  Thần Khí.

Đức Kitô tự trao hiến chính mình và đồng hóa loài  người với chính mình ngay trong cuộc tử nạn qua đó,  Ngài được tôn vinh, nghĩa là ngay trong tiến trình  thực hiện công cuộc cứu độ . Chính tại đó, ở trong  sự chết dẫn đưa tới quang vinh, Ngài đã cùng  một trật, được vĩnh cữu hóa (éternisé) và trao  hiến, trong niềm viên mãn của Thần Khí: trong niềm  viên mãn ấy, Ngài đã đi qua cảnh chết hướng  về với Thiên Chúa Cha, và đã sinh ra trong Ngôi Cha.  Còn các tín hữu Kitô thì được cùng-chết-với và  cùng-sống-lại-với (Đức Kitô) (Rm 6,3-8; Ep 2,5-6; Cl 2, 12)  “nhờ bởi quyền năng sống lại của Ngài ”  (Pl 3, 10), tức là nhờ bởi Thần Khí.

Còn có một vấn nạn khác: làm sao con người có  thể thông hiệp với Đức Giêsu trong cảnh chết, để rồi  sinh ra cùng với Ngài được? Không gì khó có thể chia  sẻ được với người khác cho bằng sự chết. Tuy nhiên,  sự chết của Đức Giêsu chính là Đức Giêsu “được  hiến dâng trong Thần Khí vĩnh tồn” (Dt 9, 16) (Ngài  tự hiến thân mình trong Thánh Linh); chính là Người  Con đang quy hướng về với Cha mình trong quyền năng vô biên  của Thần Khí mình, để nên đơn thuần là một với Cha  mình. Thần Khí sự sống, Thần Khí quyền năng vô biên, Thần  Khí sức năng của việc sinh hạ hằng hữu: chính Thần  Khí ấy là Thần Khí của sự chết mà Đức Kitô đã  ưng nhận trải qua, là hành động Ngài chết-quy-về-với-Thiên  Chúa Cha . Trong Thần Khí sự chết của Ngài, Đức Giêsu  đã sinh ra giữa niềm viên mãn của bản chất  làm Con; Ngài là Chúa-Cứu Tinh của mọi người,  có sức năng ôm trọn vào trong hành động chết  toàn năng của mình, hết thảy mọi người mang  thân phận làm-người-phải-chết , để làm cho  họ được cùng với Ngài, sinh ra trong sự sống của  Thiên Chúa.

Như vậy, Đức Kitô và Thần Khí khắng khít kết hợp với  nhau trong tiến trình hoạt động không thể nào phân cách  được, nhằm mang ơn cứu độ đến cho nhân thế[62]. Mối liên kết trong hành  động như thế là hệ quả của mối thông hiệp đâm  rễ từ trong nội giới sâu thẳm của ngôi vị, trong  đó, Ngôi Con và Thần Khí kết hợp keo sơn với nhau và  không thể nào rời nhau được: không làm sao quan  niệm được về Ngôi Con và Thần Khí, mà không phải  nhận là có một mối tương quan cốt tủy giữa hai  Ngôi Vị.

Đức Giêsu là người mà Thiên Chúa Cha sinh hạ  trong quyền lực vĩnh cữu của sức năng sinh hạ là  chính Thần Khí, và được Cha Ngài đưa dẫn đi qua cuộc  sống dương thế và cuộc tử nạn, để đạt tới tình trạng  viên mãn của bản chất làm Con, cũng trong  chính quyền lực Thần Khí ấy, ngõ hầu mọi người trong  nhân loại được thông phần vào địa vị làm Con Thiên  Chúa của Người (Đức Giêsu). Nhận định như thế là  xác nhận thiên tính của Đức Giêsu và nhân tính của  Người, xác nhận thiên tính làm Con của Người  và mầu nhiệm cứu độ, là mầu nhiệm làm nên lý  do cốt tủy trong cuộc hiện hữu của bản thân  Người. Vậy thì, Kitô học cần phải nhận rằng Thần  Khí thông hiệp chính là nguyên lý của công tác tổng  hợp mà mình ra sức tiến hành.

Gầy dựng lên cho được một khoa Kitô học dựa theo Thánh Linh,  không phải là chuyện dễ. Vì trong đó, lý trí sẽ  thường xuyên đối đầu với những thách đố hằng hà,  bởi lẽ, chìa khóa mở đường dẫn lối cho  trí tuệ là Thần Khí; mà Thần Khí là môi trường  hiện hữu cho Đức Giêsu, để trong đó, Ngài có được  bản chất làm Con và làm Đấng Cứu Thế; và  hơn nữa, Thần Khí là mầu nhiệm sâu thẳm trong Thiên  Chúa. Như thế, làm công tác nói trên có nghĩa là  cố gắng để suy giải về mầu nhiệm Đức Kitô bằng mầu  nhiệm sâu kín nhất trong các mầu nhiệm! Không ngơi, lý trí  sẽ văng vẳng nghe vọng lại lời nhắn nhủ hãy  sống thái độ khiêm hạ; bởi vì có thế, mới thấy rõ  rằng chỉ khi có được một lòng tin cúi đầu tôn thờ  để bước theo Thần Khí hướng dẫn, thì mới có điều kiện  mà tiến tới trên đường tìm kiếm. Cũng có thể  có lý để quan niệm như thế này: cứ bắt tay vào làm  công tác gầy dựng nói trên, rồi, nhờ ơn Chúa giúp và  nhờ được động viên bởi những đòi hỏi do  tiến trình nghiên cứu đặt ra, thần học sẽ tiến đến chỗ  biết để tâm chiêm niệm hơn là chỉ lý luận suông, tiến  đến chỗ hoàn thành được công tác dựng xây nên  một khoa Kitô học (mang bản sắc) thần khí thực sự.

Bài viết này không nhằm chủ đích trình bày  về một “khoa Kitô học dựa theo Thần Khí” (Kitô học  Thần Khí), mà chỉ muốn nêu lên vấn đề và khai mở  một vài hướng đi cho việc tìm tòi nghiên cứu. Mong  rằng những trang khảo luận này sẽ giúp hé  mở cho thấy là suy tư của trí tuệ có thể kín múc  ra được không biết bao nhiêu là ánh sáng soi dẫn,  từ nguồn phong phú bao la của việc chiêm ngắm Đấng  mà Gioan Tẩy Giả đã chỉ về, khi đoan chứng rằng:  “Tôi đã trông thấy Thần Khí tựa như chim câu đáp xuống  từ trời và đã lưu lại trên Ngài... Tôi  đã được xem thấy và xin đoan chứng: chính Ngài là  Con Thiên Chúa” (Ga 1,32.34).

---Hết---

F.X. Durrwell, C.ss.R

[Người dịch: Nguyễn Thế Minh, HTTH SỐ 7, NĂM THỨ BA (1993)]

Nguồn: simonhoadalat.com

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[56] Th. Âugutinô, In Joh. Tract. 47, 7, CCSL 36, tr. 407

[57] Th. Âugutinô, Sermo  Guelferb . XII, nhà xuất bản G. Morin, cuốn I, tr. 479.

[58] Baumgaertel, TWNT   IV, tr. 354: ”Ruah [tiếng Hy bá, giống như từ pneuma   trong tiếng Hy lạp=Thần Khí] của Giavê làm nên lịch  sử”; xem F.-X. Durrwell, L'Esprit Saint de Dieu, Paris,  Cerf, 1983, tt. 33-36.

[59] Xem ibid . tr. 54, 86, 109, 122,  139, 146, 151-153, 160...; Le Père, Dieu en son mystère , trưng dẫn nơi cước chú 18, tt. 73, 87, 91, 102, 121..., 145,  155, 158, 246

[60] M. Deneken, Pour une christologie de la  pro-existence , đăng trong RSR 62(1988) 266-290; tác giả  quan niệm rất hợp lý, cho là khoa Kitô học có thể được  canh tân, nếu biết nhìn theo nhãn quan của tính chất  hướng-hiện hữu nơi Đức Kitô. Nhưng tính chất ấy chỉ tìm  thấy được một lối minh giải thích đáng ở trong một  khoa Kitô học theo Thánh Linh (một khoa Kitô học Thần Khí).

[61] Mầu nhiệm Phục sinh mang tính chất quang lâm: đó là  mầu nhiệm của việc phái gửi vào trong thế gian  (Cv 3,25...), của việc đến (Ga 14,28) và hiện diện trong  thế gian (Mt 28,20); xin xem bài viết Mystère pascal  et parousie , của chúng tôi, đăng trong NRT   95(1973)  253-278

[62] Ngoài lịch  sử cứu độ ra, thần học cũng còn cần phải  thăm dò về mầu nhiệm công trình tạo dựng, trong đó, Thiên  Chúa hành động bằng Lời và hơi thở của  mình, như là bằng “hai bàn tay”: tức là bằng  Ngôi Con và Thần Khí; xem Th. Irênê, Adv. haer ., IV,  Praef. 4; 20,1; V, 1,3; 6,1; Dem ., 11, SC 100, tt. 391,  627; 153, tt. 29,73; 62, tr. 48.

zalo
zalo