Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 228

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 1/35 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 1/35

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

--------------------------------

DẪN NHẬP

Vào thế kỷ thứ 5, thánh giáo phụ Gio-an Chrysostome, có lẽ là người đầu tiên dùng từ Hy Lạp biblia (danh từ số nhiều) để chỉ các bản văn thánh thiêng. Từ này có nghĩa là: sách hoặc cuộn sách. Giáo hội Latinh lấy lại từ này để đặt tên cho Kinh thánh của chúng ta. Khi viết bằng chữ đầu tiên in hoa, Từ chỉ định từ đó các bản văn thánh thiêng của Kitô giáo và Do Thái giáo, và khi viết với chữ thường ở đầu, từ biblia chỉ một tác phẩm quan trọng. Do đó, theo nguyên từ học, Biblia hàm ý chỉ rằng đây là một bộ sách tuyệt diệu. Thật vậy, Biblia trình bày những điểm cá biệt làm cho sách mang tính độc đáo.

Sau đây là các điểm đặc trưng của Kinh Thánh.

Kinh thánh là một tác phẩm tập thể

Vì là một tác phẩm tập thể và đa dạng, Kinh thánh là một thư viện sách soạn thảo bởi nhiều tác giả qua nhiều thời kỳ khác nhau. Nói chính xác hơn, Kinh thánh đã được hơn 40 tác giả không quen biết nhau soạn thảo trong khoảng thời gian 1500 năm. Hơn 40 thế hệ đã liên tục đóng góp vào cuốn sách này, điều này cho chúng ta thấy đây là một phép lạ không thể phủ nhận.

Kinh thánh là một tác phẩm đồng nhất

Toàn bộ các sách này là những lời chứng rất đa dạng và bổ sung đề cập đến những vấn đề tâm linh lớn: Thiên Chúa là ai? Con người là ai? Có thể có một quan hệ giữa Thiên Chúa và con người không và như thế nào? Đây chính là chủ đề của toàn bộ Kinh thánh.

Trong Kinh Thánh, chúng ta có nhiều thể loại văn chương dành cho các chủ đề: thơ ca, bài giảng, văn bản ngôn sứ, giáo huấn, v.v. cũng như thể loại chủ đề: lịch sử, thần học, triết học, thiên nhiên, vũ trụ.

Kinh thánh là bộ sách thời sự

Những cuốn sách này có nguồn gốc trong quốc gia nhỏ, Pa-lét-tin, là một phần của các tác phẩm lâu đời nhất của nhân loại. Tuy nhiên, các sách trong Kinh Thánh vẫn tiếp tục đặt vấn đề cho nhân loại ngày hôm nay. Mỗi thế hệ đã tìm thấy trong đó một lợi ích đích thực: Kinh Thánh vẫn là cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại.

Kinh thánh là một tác phẩm kỷ lục

Trước tiên, Kinh Thánh được dịch nhiều thứ tiếng nhất (2200 bản dịch phần bộ - 400 bản dịch hoàn toàn). Đây là cuốn sách được in đầu tiên: Bản Vulgata xuất bản năm 1456 gồm 2 tập. Kinh Thánh là tác phẩm được phân phối rộng rãi nhất với hơn 2 tỷ cuốn sách - 50 triệu bản mỗi năm. Đây là cuốn sách được sao chép nhiều nhất: 3000 năm sao chép bằng tay. Như thế, chúng ta hiện có nhiều bản thảo nhất, toàn bộ hay một phần Kinh Thánh.

Kinh thánh là một tác phẩm văn học và đạo đức

Nhiều phần của Kinh Thánh là những áng văn chương trong văn học. Soạn thảo trong bối cảnh văn hóa của thời đại, Kinh Thánh luôn đề xuất một nền đạo đức quan trọng và nhấn mạnh không quanh co những thủ đoạn bí mật và đáng trách của động cơ con người. Trước những quan sát sáng suốt này, Kinh Thánh biểu lộ ân sủng thiêng liêng. Nhiều người đã được biến đổi khi đọc Kinh Thánh.

Nhưng Kinh Thánh là một cuốn sách bị tấn công và được bảo vệ

Qua các thời đại, Kinh Thánh đã phải chịu những cuộc tấn công bạo lực nhất. Vào năm 303, hoàng đế Diocletian, trong số những người khác, đã ra lệnh biến mất tất cả các sách vở Kitô giáo. Đó là một cuộc săn lùng có tổ chức thực sự. Các nhà lãnh đạo giáo hội giấu các sách Kinh Thánh khi chỉ giao nộp cho những người "thẩm tra”những cuốn sách ngụy thư để thỏa mãn nhiệm vụ tìm kiếm của họ. 22 năm sau, Hoàng đế Constantin hoán cải sang Ki-tô giáo buộc tội Eusèbe đã thủ tiêu 50 bản Kinh thánh toàn bộ.

Vào thời trung cổ, Giáo hội cấm dịch Kinh thánh sang tiếng bản xứ. Những ai  thực hiện việc chuyển ngữ này có nguy cơ đánh mất mạng sống của họ. Kinh thánh đã hoàn toàn xa lạ với dân thường. Luther đã phải đợi đến tuổi trưởng thành để sở hữu một cuốn Kinh Thánh. Nhưng Kinh Thánh được bảo vệ bởi một số ít giáo sĩ, họ đã sao chép Kinh Thánh một cách cẩn thận. Chúng ta có thể hiểu tại sao có cuộc bùng nổ của giáo hội Cải Cách.

Vào thế kỷ 18, Voltaire, cố gắng làm mất tính thiêng liêng của Kinh thánh, đã nghĩ rằng một thế kỷ sau ông, Kinh thánh sẽ trở thành một cuốn sách của viện bảo tàng. 26 năm sau khi ông qua đời năm 1778, một "Tổ chức hội Kinh thánh”đầu tiên được thành lập nhằm mục đích truyền bá Kinh thánh trên toàn thế giới với giá cả phải chăng.

Dân đời thường chỉ có thể công nhận những sự thật này. Người tín hữu dành cho Kinh thánh một chiều kích khác, đó là Lời của Thiên Chúa. Thần Trí của Ngài đã thổi bùng sứ điệp thiêng liêng đến cho những con người khác nhau.

I. TẦM QUAN TRỌNG

1. Một Lời

Toàn bộ Kinh thánh là một cuộc trao đổi giữa Thiên Chúa với con người và một lời hứa cứu chuộc. Trong 1 Sm 15,22, ngôn sứ Samuen tuyên bố: "ĐỨC CHÚA có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời ĐỨC CHÚA không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu,”tương ứng với lời kêu gọi lập lại nhiều lần trong Cựu Ước "vâng lời tốt hơn là hy lễ". Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đưa ra nhận xét này: "Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”(Ga 14,21).

Các tôn giáo nhân loại dựa trên những việc phải làm, các nghi thức để hoàn thành, Kinh Thánh là một Lời để lắng nghe và để sống.

2. Một Cuốn sách

Từ đó, cần thiết phải ghi lại giao tiếp giữa Thiên Chúa với con người và nhân rộng trong không gian và thời gian. Điều này giải thích tầm quan trọng mấu chốt của Kinh thánh như một chứng nhân khách quan cho các tư tưởng của Thiên Chúa dành cho con người. Chúa nói trong Tin Mừng: "Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”(Mc 13,31). Thật vậy, cuốn sách này không những chỉ chứa đựng các mệnh lệnh của Thiên Chúa, nhưng cũng là giao ước của Ngài với dân của Ngài và trong Tân Ước, thông điệp phổ quát về sự cứu chuộc và nơi chốn đón tiếp các tín hữu: Giáo Hội.

3. Các tác giả  Kinh Thánh

a. Cựu Ước

Một số sách sưu tập các truyền thống truyền khẩu hoặc trích dẫn từ tài liệu lưu trữ quốc gia:

Các sách Samuel và Các Vua thuật lại câu chuyện hoàng gia của vương quốc Giu-đa và Ít-ra-en theo cái nhìn truyền thống "thánh thiêng”

Các sách Sử Biên Niên kể cùng một câu chuyện, nhưng với cái nhìn của một truyền thống khác, một truyền thống mang tính "hành chính”hơn.

Một số sách được soạn thảo bởi nhiều tác giả.

Ví dụ, các bản văn của sách I-sa-i-a, trải dài từ năm 740 đến năm 520 trước Công nguyên, và người ta gọi I-sa-i-a "thứ nhất", I-sa-i-a "thứ hai”và I-sa-i-a "thứ ba". Nhiều  tác giả, nhưng chỉ có một tư tưởng và cùng một trường phái: trường phái ngôn sứ I-sa-i-a. Vì vậy, một cách nào đó, chúng ta có thể nói, thông qua các môn đệ của mình, sách hoàn toàn lấy cảm hứng từ ngôn sứ I-sa-i-a.

Một ngôn sứ như Giê-rê-mi-a có một thư ký: Ba-rúc.

Các sách Khôn Ngoan ghi rõ ràng tên tác giả của sách: Ben Sirac là tác giả sách Huấn Ca; Ba-rúc soạn thảo sách ngôn sứ Ba-rúc; vv.

Những sách khác không có tên của tác giả, nhưng tên của nhân vật anh hùng chính. Đây là, ví dụ, sách của Giô-na, Rút, Ét-te, Gióp, Tô-bi-a, v.v. Những sách này nhằm mục đích xây dựng độc giả của họ. Nội dung thường là hư cấu, nhưng tình tiết cốt truyện là nguồn linh hứng thiêng liêng đích thực, xứng đáng là một phần của Kinh thánh như Lời của THIÊN CHÚA. Đó là các sách của Ét-ra, của Nơ-khê-mi-a ... tất cả các sách ngôn sứ nhỏ: Hô-sê, A-mốt, Mi-kha, Giô-ên, Ô-va-đi-a, v.v.

Cuối cùng Kinh thánh chứa đựng nhiều bài thơ và các vở kịch trữ tình. Các sách thi ca tuyệt diệu nhất là các Thánh Vịnh. Người ta nói rằng tác giả của các Thánh Vịnh là Vua Đa-vít. Nhưng một số thánh vịnh ra đời từ thời lưu đày, 500 năm sau đó. Dù sao đi nữa, Đa-vít David là cha các thánh vịnh mà ông đã hát nhân danh dân tộc Ít-ra-en. Không ai phủ nhận tính phụ tử này của vua Đa-vít.

Một cuốn sách đầy chất thơ khác, không có tác giả, là sách Diễm Ca, ca tụng con đường tình yêu của một vị vua (THIÊN CHÚA?) và người đẹp hôn thê của ông (Ít-ra-en?).
b. Giản đồ minh họa

c. Tân Ước

Đối với Tân Ước, chúng ta biết các tác giả. Đó là lý do tại sao chúng ta có "Tin mừng theo thánh Mát-thêu", hay "theo thánh Mác-cô", v.v.

Hầu hết các thư mang tên chính tác giả. Như những bức thư của Thánh Phao-lô. Riêng các thư công giáo, chắc chắn không phải do chính tác giả có tên đã soạn thảo, nhưng có lẽ các môn đệ của họ dùng thẩm quyền của các bậc Tông đồ và lấy lại những điểm chính của giáo lý của các vị này.

Lá thư duy nhất mà chúng ta không biết rõ ai đã viết, đó là thư gửi cho các tín hữu Híp-ri, không mang đặc tính của một lá thư, vì giống như một bài giảng!

II. KỸ THUẬT VIẾT VÀO THỜI ĐẠI KINH THÁNH

1. Chữ viết miền Cận đông

Khi chúng ta nghiên cứu việc truyền tải các bản văn Cựu Ước, soạn thảo trong ngôn ngữ Híp-ri và phát triển theo dòng thời gian. Lãnh vực chữ viết Kinh Thánh nằm trong bối cảnh rộng hơn, bối cảnh chữ viết trong miền Cận Đông. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên nhìn qua vài chữ viết trong các nền văn minh chính trong miền Cận Đông.

a. Chữ viết Sumê (Sumerian Writting)

Lịch sử chữ viết trong miền Cận Đông bắt đầu với xứ Su-mê khoảng cuối thiên niên kỷ thứ IV trước CN. Dân Sumê, không thuộc nhóm Sê-mít đã sáng tạo chữ viết hay thu thập hệ thống chữ viết từ một dân tộc khác. Hệ thống chữ viết Su-mê, vào thời sớm nhất, là chữ viết tượng hình (pictographic).

Những khám phá khảo cổ học quan trọng nhất tại Sumê là một số lượng lớn các bảng đất sét với các chữ hình nêm. Chữ viết của Sumer là ví dụ cổ nhất về chữ viết trên trái đất. Dù những bức tranh – có nghĩa là chữ tượng hình – được dùng đầu tiên, những biểu tượng sau này đã được lập ra để biểu hiện các âm tiết. Các đoạn sậy hình tam giác hay hình nêm được dùng để viết trên những tấm bảng đất sét ẩm. Một lượng lớn lên tới hàng trăm nghìn văn bản bằng tiếng Sumer vẫn còn tồn tại, như những bức thư cá nhân hay thư giao dịch thương mại, hóa đơn, các danh sách từ vựng, luật pháp, thánh ca, lời cầu nguyện, các câu chuyện, những ghi chép hàng ngày, và thậm chí cả những thư viên đầy những tấm bảng đất sét. Những ghi chép tại các đền đài và những văn bản trên các vật thể khác nhau như những bức tượng hay các viên gạch cũng rất phổ biến. Nhiều văn bản vẫn còn nhiều bản sao bởi chúng được sao chép liên tục bởi những người chép thuê trong quá trình học nghề. Tiếng Sumer tiếp tục là ngôn ngữ của tôn giáo và pháp luật ở Lưỡng Hà một thời gian dài sau khi những người nói tiếng Semitic đã ở vị thế thống trị. Ngôn ngữ Sumer nói chung được coi như một ngôn ngữ cô lập trong ngôn ngữ học bởi nó không thuộc một ngữ hệ nào từng biết; tiếng Akkad, trái lại thuộc nhánh Semit của ngữ hệ Phi-Á. Đã có nhiều nỗ lực bất thành để liên kết tiếng Sumer với các nhóm ngôn ngữ khác. Nó là một ngôn ngữ chấp dính; nói cách khác, các hình vị ("đơn vị nghĩa") được thêm vào nhau để tạo ra các từ, không giống như các ngôn ngữ phân tích trong đó các hình vị chỉ hoàn toàn được thêm vào với nhau để tạo ra câu.

Hiện nay việc hiểu các văn bản tiếng Sumer có thể là khó khăn thậm chí với cả các chuyên gia. Khó nhất là những văn bản thời kỳ đầu, mà trong nhiều trường hợp không có được cấu trúc ngữ pháp đầy đủ của ngôn ngữ.

Trong thiên niên kỷ 3 trước Công nguyên họ đã phát triển một sự cộng sinh cấu trúc rất gần gũi giữa người Sumer và người Akkad, bao gồm cả việc phát triển rộng của tình trạng sử dụng hai ngôn ngữ. Sự ảnh hưởng của tiếng Sumer trên tiếng Akkad (và ngược lại) có bằng chứng rõ nét trong tất cả các lĩnh vực, từ việc mượn từ vựng ở cấp độ lớn, tới cú pháp, hình thái, và hội tụ âm vị. Điều này đã khiến các học giả coi tiếng Sumer và tiếng Akkad ở thiên niên kỷ 3 trước Công nguyên như một sprachbund (liên minh ngôn ngữ)
Tiếng Akkad dần thay thế tiếng Sumer như ngôn ngữ nói ở khoảng cuối thiên niên kỷ 3 đầu thiên niên kỷ 2 trước Công nguyên, nhưng tiếng Sumer tiếp tục được sử dụng như một ngôn ngữ thần thánh, nghi lễ, văn học và khoa học tại Babylonia và Assyria cho tới thế kỷ thứ I.

b. Chữ viết Akkad

Chữ Akkad (lišānum akkadītum,  ak.kADû) - hay tiếng Accad, tiếng Assyria-Babylon -là một ngôn ngữ không còn tồn tại thuộc nhóm Ngôn ngữ Semit (thuộc ngữ hệ Phi-Á) từng được con người ở vùng Lưỡng Hà cổ đại dùng để nói. Ngôn ngữ này sử dụng hệ thống chữ viết hình nêm vốn được dùng trong tiếng Sumer cổ (một ngôn ngữ biệt lập không liên quan với tiếng Akkad). Tên gọi "tiếng Akkad”bắt nguồn từ tên thành phố Akkad - một trung tâm lớn của nền văn minh Lưỡng Hà Semit trong giai đoạn Đế quốc Akkad (khoảng 2334–2154 trước Công nguyên), mặc dù thực tế ngôn ngữ này đã ra đời từ trước khi thành phố Akkad thành lập.

Sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa tiếng Sumer và tiếng Akkad đã khiến các học giả xếp các ngôn ngữ này vào chung một vùng ngôn ngữ (sprachbund). Danh xưng riêng bằng tiếng Akkad đã được chứng thực lần đầu trong các văn bản Sumeria niên đại khoảng cuối thế kỷ XXIX trước Công nguyên. Từ nửa sau thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên (khoảng năm 2500 TCN) thì bắt đầu xuất hiện các văn bản viết hoàn toàn bằng tiếng Akkad. Tính đến nay, người ta đã khai quật được hàng trăm nghìn văn bản và mẩu văn bản viết bằng tiếng Akkad với nội dung bao quát các chủ đề như thần thoại, pháp luật, khoa học, thư từ, sự kiện chính trị và quân sự,... Trước thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, tồn tại hai dạng ngôn ngữ sử dụng ở Assyria và Babylon, lần lượt là tiếng Assyriatiếng Babylon.


Trong hàng thế kỷ, tiếng Akkad đã là lingua franca (cụm từ chỉ một ngôn ngữ được sử dụng trong một vùng rộng lớn) của vùng Lưỡng Hà và Cận Đông cổ đại. Tuy nhiên, ngôn ngữ này bắt đầu sa sút khoảng từ thế kỷ VIII trước Công nguyên và bị tiếng Aramaic đẩy khỏi nhịp điệu phát triển xã hội trong thời Đế quốc Tân Assyria. Đến thời kỳ truyền bá văn hóa Hy Lạp thì tiếng Akkad phần lớn bị giới hạn trong giới học giả và tăng lữ làm việc tại các đền thờ ở Assyria và Babylon. Văn bản cuối cùng có sử dụng chữ viết hình nêm Akkad có niên đại thế kỷ I. Một lượng kha khá từ mượn từ tiếng Akkad vẫn tồn tại trong các phương ngữ Tân Aramaic vùng Lưỡng Hà và được những người Assyria - theo Ki-tô giáo - bản địa sử dụng tại những vùng đất mà ngày nay thuộc Iraq và ven Iraq. Việc đặt tên, họ và tên bộ lạc bằng tiếng Akkad vẫn phổ biến trong cộng đồng người Assyria.

Ngôn ngữ Akkad rất quan trọng cho việc nghiên cứu Kinh Thánh. Trước tiên, vì đây là một ngôn ngữ Sê-mít sớm nhất. Hệ thống ngôn ngữ Akkad tồn tại vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ III, từ thời gian này chúng ta Cựu Ước đã xuất hiện các nhân vật trong lịch sử riêng của dân Híp-ri. Câu chuyện tạo dựng và hồng thủy cung cấp dữ liệu cho sách Sáng Thế.

c. Chữ viết Ai-cập cổ xưa

Tiếng Ai Cập là một ngôn ngữ Phi-Á phía bắc có mối quan hệ gần gũi với tiếng Berber và ngôn ngữ Semite. Nó là một trong những ngôn ngữ có lịch sử lâu đời nhất (chỉ sau tiếng Sumer), và được viết từ khoảng năm 3200 TCN cho đến thời Trung Cổ và tồn tại là một ngôn ngữ nói còn lâu hơn nữa. Các giai đoạn của tiếng Ai Cập cổ đại là Cổ Ai Cập, Trung Ai Cập (tiếng Ai Cập cổ điển), Hậu kỳ Ai Cập, ngôn ngữ bình dân và tiếng Copt. Những ghi chép của người Ai Cập không cho thấy sự khác biệt về phương ngữ trước giai đoạn Copt, nhưng có thể co sự khác biệt trong cách nói tiếng địa phương ở khu vực xung quanh Memphis và Thebes sau này.

Ngôn ngữ Ai Cập cổ đại là một ngôn ngữ đa tổng hợp, nhưng nó đã dần trở thành một loại ngôn ngữ đơn lập sau này. Đến giai đoạn Hậu kỳ Ai Cập, nó đã phát triển các tiền tố hạn định và các mạo từ bất định, mà thay thế cho các hậu biến tố cũ. Đã có một sự thay đổi từ thứ tự động từ-chủ ngữ-bổ ngữ cũ thành dạng chủ ngữ-động từ-bổ ngữ. Các ghi chép bằng chữ tượng hình, chữ thầy tu, và ngôn ngữ bình dân Ai Cập đã dần dần bị thay thế bằng bảng chữ cái ngữ âm của tiếng Copt. Tiếng Copt vẫn được sử dụng trong các nghi thức tế lễ của Giáo hội Chính Thống Ai Cập, và dấu vết của nó còn được tìm thấy ở trong ngôn ngữ Ai Cập Ả Rập ngày nay.

Ngôn ngữ Ai Cập cổ đại có 25 phụ âm tương tự với những ngôn ngữ Phi-Á khác. Chúng bao gồm phụ âm đầu và trọng âm, âm tắc, âm xát và âm rung, âm vang và âm ồn. Nó có ba nguyên âm dài và ba nguyên âm ngắn, sau này vào thời Hậu kỳ Ai Cập thì nó được mở rộng lên thành chín. Các từ cơ bản của tiếng Ai Cập tương tự như tiếng Semite và Berber, bao gồm ba hoặc hai gốc phụ âm và bán phụ âm. Hậu tố được thêm vào để tạo thành từ. Việc chia động từ tương ứng với ngôi. Ví dụ, bộ khung ba phụ âm S-Ḏ-M là phần cốt lõi ngữ nghĩa của từ 'nghe'; chia động từ cơ bản của nó là sḏm, 'ông ta nghe'. Nếu chủ ngữ là một danh từ, hậu tố không được thêm vào động từ: sḏm ḥmt, 'người phụ nữ nghe'.

Tính từ đuợc tạo thành từ danh từ thông qua một quá trình mà các nhà Ai Cập học gọi là nisbation vì sự tương đồng so với tiếng Ả Rập. Thứ tự của từ là vị ngữ-chủ ngữ trong động từ và tính từ, và chủ ngữ-vị ngữ trong danh từ và phó từ. Chủ ngữ có thể được di chuyển đến đầu câu nếu nó dài và được theo sau bởi một đại từ bổ ngữ. Các động từ và danh từ dạng phủ định thì thêm tiếp đầu ngữ n, còn nn được sử dụng cho các trạng từ và tính từ. Trọng âm rơi vào âm tiết cuối cùng hoặc áp chót, có thể là mở âm (CV) hoặc đóng âm (CVC).

Những ghi chép bằng chữ tượng hình có niên đại từ khoảng năm 3000 TCN, và bao gồm hàng trăm biểu tượng. Một chữ tượng hình có thể đại diện cho một từ, một âm thanh, hoặc một âm câm nhất định; và cùng một biểu tượng tương tự có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Chữ tượng hình là một dạng chữ viết chính thức, được sử dụng trên các công trình bằng đá và trong các ngôi mộ, và nó có thể mang tính chi tiết như các tác phẩm nghệ thuật cá nhân. Trong các ghi chép hàng ngày, các viên ký lục đã sử dụng một dạng chữ viết soạn thảo, còn được gọi là chữ thầy tu, giúp họ viết nhanh hơn và dễ dàng hơn. Trong khi chữ tượng hình chính thức có thể được đọc theo hàng hoặc cột hoặc cả hai hướng (mặc dù thường được viết từ phải sang trái), chữ thầy tu thì lại luôn luôn được viết từ phải sang trái, thường là theo các hàng ngang. Một dạng chữ viết mới, chữ viết bình dân (Demotic), sau này đã trở thành cách viết phổ biến, và dạng chữ viết này cùng với dạng chữ tượng hình chính thức đã được sử dụng trên phiến đá Rosetta kèm theo văn bản tiếng Hy Lạp.

Khoảng thế kỷ thứ nhất, bảng chữ cái Copt đã bắt đầu được sử dụng cùng với chữ viết bình dân. Chữ Copt là một dạng biến thể của bảng chữ cái Hy Lạp với việc bổ sung thêm một số dấu hiệu của chữ viết bình dân. Mặc dù chữ tượng hình chính thức được sử dụng trong các nghi lễ cho đến thế kỷ thứ tư, tới giai đoạn cuối chỉ có một số ít các thầy tu vẫn còn có thể đọc được chúng. Khi mà các tôn giáo truyền thống bị cấm đoán, hiểu biết về chữ viết tượng hình được coi là đã thất truyền. Những nỗ lực nhằm giải mã chúng đã bắt đầu từ thời Byzantine và trong thời kỳ Hồi giáo ở Ai Cập, nhưng mãi đến năm 1822, sau khi phiến đá Rosetta được phát hiện và qua nhiều năm nghiên cứu của Thomas Young cùng Gio-an-François Champollion, chữ tượng hình mới gần như được giải mã hoàn toàn.

d. Hệ thống chữ alphabetic

 Bảng chữ cái Phoenicia là hệ thống tiền chữ cái Canaanite được tiếp tục phát triển ở thời kỳ đồ sắt (được cho là kế thừa từ sự chấm dứt của hệ thống này năm 1050 TCN). Hệ thống chữ cái này đưa đến sự ra đời của chữ cái Aramaic và chữ cái Hy Lạp; rồi thông qua người Hy Lạp, dẫn đến sự ra đời của các chữ cái Tiểu Á và chữ cái Italic cổ (bao gồm tiếng Latin) vào thể kỷ 8 TCN. Chữ cái Hy Lạp đưa vào các ký hiệu nguyên âm. Nhóm chữ viết Brahmic của Ấn Độ có lẽ hình thành từ thế kỷ 5 TCN từ những tiếp xúc với chữ viết Aramaic. Chữ viết Hy Lạp và Latin vào các thế kỷ đầu Công nguyên là phát tích của một số hệ thống ký tự châu Âu như chữ cái Runes, chữ cái Gothic và chữ cái Cyrillic. Trong khi đó, chữ viết Aramaic là khởi nguồn của chữ cái Hebrew, chữ cái Syriac và chữ cái Arabic; chữ cái nam Ả rập mang đến sự hình thành chữ cái Ge’ez.

e. Tiếng Híp-ri

Tiếng Híp-ri (phiên âm tiếng Việt: Híp-ri, Hê-brơ, Hi-bru, hoặc Hy-bá-lai), là một ngôn ngữ bản địa tại Ít-ra-en, được sử dụng bởi hơn 9 triệu người trên toàn cầu, trong đó 5 triệu ở Ít-ra-en. Về mặt lịch sử, đây là ngôn ngữ của người Ít-ra-en cổ đại và tổ tiên họ, dù nó không được gọi là "Hebrew”trong Tanakh. Những mẫu viết chữ Cổ Híp-ri cổ nhất có niên đại từ thế kỷ 10 Trước Công Nguyên. Tiếng Híp-ri thuộc về nhánh Semit của ngữ hệ Phi-Á. Tiếng Híp-ri được viết và đọc từ phải sang trái, giống tiếng Ả Rập và tiếng Ba Tư.

Tiếng Híp-ri biến mất như một ngôn ngữ nói hàng ngày từ khoảng năm 200 đến 400, do hậu quả của khởi nghĩa Bar Kokhba. Tiếng Aram và (ở mức độ thấp hơn) tiếng Hy Lạp lúc đó được sử dụng như lingua franca, đặc biệt trong giới thượng lưu và dân nhập cư.  Nó tồn tại qua thời kỳ trung cổ như ngôn ngữ dùng trong phụng vụ Do Thái giáo và văn học giáo đoàn. Sau đó, vào thế kỷ 19, nó được hồi sinh như một ngôn ngữ nói và viết, và, theo Ethnologue, trở thành ngôn ngữ của 5 triệu người toàn cầu vào năm 1998. Sau Ít-ra-en, Hoa Kỳ có số người nói tiếng Híp-ri đông thứ nhì, với 220.000 người nói thành thạo, đa số đến từ Ít-ra-en.

Tiếng Híp-ri hiện đại là một trong hai ngôn ngữ chính thức của Nhà nước Ít-ra-en (ngôn ngữ còn lại là tiếng Ả Rập chuẩn hiện đại), còn tiếng Híp-ri tiền hiện đại được dùng khi cầu nguyện và nghiên cứu trong các cộng đồng người Do Thái hiện nay. Tiếng Híp-ri cổ đại cũng là ngôn ngữ phụng vụ của người Samaria. Như một ngoại ngữ, nó được đa phần người Do Thái và các nghiên cứu sinh Do Thái giáo và Ít-ra-en, các nhà khảo cổ và ngôn ngữ học chuyên về Trung Đông và các nền văn minh của nó, học và nghiên cứu.

Ngũ Thư (Torah) và hầu hết phần còn lại của Kinh Thánh Híp-ri (Tanakh) được viết bằng tiếng Híp-ri Cổ điển (hay tiếng Hebrew Kinh Thánh). Vì lý do này, từ thời cổ đại tiếng Hebrew đã được người Do Thái gọi là Leshon HaKodesh, "Ngôn ngữ thánh".

---Còn tiếp---

zalo
zalo