Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 233

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 11/35 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 11/35

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

--------------------------------

 

ĐỌC KINH THÁNH NHƯ THẾ NÀO CHO TỐT

I. CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

1 - Hãy để bản văn Kinh thánh nói: thường xuyên, chúng ta chỉ đọc Kinh thánh để tìm một ý tưởng thân cận đối với chúng ta. Thế thì sau đó, có nguy cơ chỉ tìm thấy những gì chúng ta đang tìm kiếm, để hiểu những gì chúng ta muốn hiểu. Việc sử dụng Kinh Thánh trong một cuộc thảo luận, tìm kiếm các "chứng cứ”Kinh Thánh hiếm khi tránh được mối nguy hiểm này. Chúng ta phải có một thái sẵn sàng trước Lời Thiên Chúa. Chúng ta phải có quyền tự do nghe những gì Kinh thánh thực sự nói, và không phải những gì chúng ta muốn Kinh thánh nói. Các định kiến ​​của chúng ta, những ý tưởng sẵn có của chúng ta, ước muốn của chúng ta là đúng, cản trở hành động của Chúa Thánh Thần.

2 - Hãy xem xét bối cảnh: người ta thường trích dẫn những câu Kinh thánh cô lập mà không quan tâm đến bối cảnh phù hợp câu đó. Điều này có thể làm cho chúng ta bỏ qua ý nghĩa thực sự. Để hiểu rõ, chúng ta phải tự hỏi. "Tác giả muốn nói điều gì? Và ông ta đã viết những từ này với ý định gì?” Do đó, cần phải biết tình trạng của tác giả và những người nhận và nghe của văn bản, vị trí của đoạn văn trong toàn bộ lập luận (ví dụ trong các thư tín) hoặc về một tường thuật (trong các Tin mừng) bối cảnh lịch sử, xã hội, tôn giáo, chính trị, v.v ... Nói cách khác, chúng ta nên đặt các câu hỏi kinh điển: Ai? Cho ai? Khi nào? Ở đâu? Cái gì? Tại sao? Thế nào?

Đúng là một số bản văn và thậm chí một số câu có thể được hiểu mà không có một kiến ​​thức kỹ lưỡng về bối cảnh. Người ta có thể trích dẫn Gio-an 3,16 một cách đơn lẻ mà không làm sai lệch ý nghĩa của nó; nhưng để tách biệt dụ ngôn Đứa con hoang đàng (hoặc con chiên lạc) khỏi hai câu đầu của Tin mừng Lu-ca chương 15 và khỏi bối cảnh xã hội và tôn giáo của Ít-ra-en (cho phép định vị trí những người Pharisêu và các người thu thuế), là làm suy yếu bản văn. Tương tự như thế, chúng ta se hiểu không tốt thông điệp của các ngôn sứ nếu chúng ta không tính đến thực tế là họ gởi đến trước tiên cho người Do Thái sống trong một tình huống lịch sử cụ thể (ví dụ, việc thờ hình tượng ở Ít-ra-en, mối đe dọa nước ngoài xâm lược, bất công xã hội).

Bối cảnh văn học cũng rất quan trọng: điều gì đến trước và sau đoạn văn này? Có bất kỳ tương đồng với văn bản này và giáo huấn của nó? Có những đoạn dường như nói các điều gì khác với bản văn đang đọc trên cùng một vấn đề? (ví dụ, Phao-lô và Gia-cô-bê nói khác nhau về đức tin và công việc). Nhưng cũng xem xét đến: đâu là vị trí của bản văn này trong toàn bộ Kinh thánh, trong lịch sử Mặc khải?

3 - Hãy xem xét đến thể loại văn chương: chúng ta không đọc một bài thơ như chúng ta đọc một tường thuật văn xuôi, như chúng ta đã thấy điều đó rồi. Nhiều Kitô hữu tin rằng cách tốt nhất để đọc Kinh thánh là đọc mọi thứ theo nghĩa đen, nghĩa sát chữ. Nhưng tông đồ Phao-lô cảnh báo chúng ta. "Chữ giết chết ...”(la lettre tue) (2 Cô-rinh-tô 3,6): "Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống."

Điều này càng đúng khi chúng ta đọc các bản dịch và không phải bản gốc. Ngôn ngữ thơ, ví dụ, sử dụng hình ảnh. Trong Thánh vịnh 22, tác giả viết: "Quanh con cả đàn bò bao kín, thú Ba-san ùa đến bủa vây “(c. 13) và "quanh con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay”(c. 17).

Tác giả nói về kẻ thù của mình, ông không nói về các sinh vật thực sự. Các ví dụ có rất nhiều trong các Thánh vịnh, các sách Ngôn sứ (Ed 36: trái tim bằng đá và trái tim xác thịt) hoặc trong Tin Mừng (rơm và xà, Mt 7,1-5). Đôi khi một từ thông dụng được sử dụng theo nghĩa mạnh hơn hoặc yếu hơn nghĩa thông thường. Trong Luca 14,26 cụm từ "nếu họ không ghét cha mình, v.v.”có cùng ý nghĩa với cụm từ "họ yêu cha mình ... hơn tôi”trong văn bản song song của Mt 10,37.

Các con số tất nhiên có một giá trị số học chính xác, nhưng cũng rất thường xuyên là một giá trị tượng trưng, ​​đặc biệt là trong sách Khải huyền: 7 là con số hoàn hảo, 12 là con số của dân Thiên Chúa (mười hai chi tộc), v.v.

4 - Giải thích Kinh thánh bằng Kinh thánh: đôi khi chúng ta sử dụng nhiều kiến ​​thức đa dạng: tâm lý học, lịch sử tôn giáo, xã hội học, v.v ... để diễn giải các bản văn Kinh thánh. Kiến thức như vậy có thể phục vụ công việc chú giải. Nhưng chúng chỉ có thể đóng một vai trò bổ sung, một ý kiến để chúng ta dựa vào cho một giải thích. Điều chính yếu của những gì chúng ta cần biết để hiểu thông điệp Kinh Thánh nằm ở trong Kinh thánh. Kinh thánh hình thành một tổng thể, trong đó mỗi phần không có cùng tầm quan trọng. Các trang khác nhau của Kinh thánh được tổ chức theo vị trí của chúng trong chương trình của Thiên Chúa, trong chương trình cứu độ. Trung tâm của Kinh thánh là Chúa Giêsu Kitô. Chính trong Ngài, Thiên Chúa mặc khải đầy đủ.

Chính Ngài mang lại ý nghĩa cho toàn bộ Kinh thánh. Thiên Chúa không mặc khải tất cả ý định  của Ngài trong mỗi trang của Kinh thánh. Đôi khi chỉ một khía cạnh hành động của Ngài hoặc của thánh ý Ngài xuất hiện. Chúng ta không được suy diễn đoạn văn này nói nhiều hơn những gì bản văn muốn nói. Mỗi đọa văn là một phần của toàn bộ Kinh thánh, ở đó mỗi đoạn văn không đóng cùng một vai trò như các văn bản khác. Điều này giải thích tại sao các đoạn khác nhau dường như nói những điều khác nhau, nếu không các đoạn văn sẽ mâu thuẫn với nhau. Chẳng hạn, thật điên rồ khi đối lập một bản văn của sách Châm ngôn vời một ngôn từ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng.

Cùng một mặc khải ngắn ở khắp nơi trong Kinh thánh, nhưng chỉ trong Chúa Giêsu Kitô, điều nđó mới có thể được nắm bắt trọn vẹn.

Thư mục cho phân đoạn này

Berkhof Louis, Principles of Biblical Interpretation. Grand Rapids: Baker Book House, 1950. A reliable and sober introduction, from a conservative Reformed perspective.

Bruns Gerald L., Hermeneutics Ancient and Modern. Yale Studies in Hermeneutics. New Haven and London: Yale University Press, 1992.

Caird George Bradford, The Language and Imagery of the Bible. Philadelphia: Westminster, 1980. Reprinted Grand Rapids: Eerdmans, 1997. Caird, a Professor of Exegesis at Oxford Univerity, writes from a moderately liberal perspective, but much of his book is nevertheless worthwhile. A readable and interesting study of the interpretation of metaphorical language in the Bible.

Carson Donald A. and H.G.M. Williamson, eds. It Is Written: Scripture Citing Scripture. Essays in Honour of Barnabas Lindars. Cambridge: Cambridge University Press, 1988.

Carson Donald A., Exegetical Fallacies. Grand Rapids: Baker Book House, 1984. Discusses many grammatical, logical, and historical fallacies.

Corley Bruce, Steve Lemke, and Grant Lovejoy, eds. Biblical Hermeneutics: A Comprehensive Introduction to Interpreting Scripture. Nashville: Broadman and Holman, 1996. 2nd ed. 2002. An intermediate level anthology including contributions from 27 conservative Baptist scholars. Extensive but unannotated bibliographies are provided for most chapters.

Gio-anson Elliott E., Expository Hermeneutics: An Introduction. Grand Rapids: Zondervan, 1990. Gio-anson was for years a professor at Dallas Theological seminary, and his introduction is intended for seminary students. The orientation is conservative and dispensationalist.

Jowett Benjamin, "On the Interpretation of Scripture,”in Essays and Reviews (London, 1860), reprinted in Essays and Reviews: The 1860 Text and Its Reading, edited by Victor Shea and William Whitla. Victorian Literature and Culture Series. Charlottesville: University Press of Virginia, 2000. ISBN 0-8139-1869-3. A classic statement of liberal hermeneutics.

Ngô Đình Sĩ, Đọc và diễn giải Kinh thánh, Nxb Tôn giáo, 2015.

II. CÁC TÀI LIỆU GIÚP ĐỠ CHÚNG TA TRONG VIỆC ĐỌC KINH THÁNH

1. Các tài liệu cơ bản

1. Như chúng ta đã nói trên đây, chính Kinh thánh giải thích Kinh thánh, một trong những công cụ có quý báu nhất là thể loại sách "Đối chiếu các bản văn song song”(concordance). Một cuốn Kinh thánh song song sẽ phục vụ nhiều cho sinh viên khảo sát một bản văn Kinh thánh (nhưng chúng ta phải biết nhận định và chọn các quy chiếu).

2. Một cuốn từ điển Kinh Thánh cung cấp các thông tin chúng ta cần. Thật không may chúng ta chưa có thể loại sách này trong tiếng Việt.

3. Một sưu tập bản đồ của Kinh Thánh (atlas) cung cấp thông tin địa lý, lịch sử và khảo cổ. Có một số sách ngoại quốc với giá cả hợp lý.

4. Các sách chú giải khác nhau liên quan đến các sách khác nhau của Kinh Thánh cũng có lợi cho việc đọc và khảo sát Kinh thánh. Một số có cấp độ khoa học hơn, những số khác phù hợp với trình độ chúng ta hơn. Các sách này đáp ứng các nhu cầu khác nhau và bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh với nhau.

5. Chúng ta đã nói về các bản dịch khác nhau và ghi chú của kèm theo. Cần phải luôn nhớ rằng các ghi chú của các dịch giả và của các bình luận gia không phải là những lời Tin Mừng, có chân lý như lời Thiên Chúa. Chúng có thể giúp hiểu một văn bản, nhưng không thể thay thế việc nghiên cứu bản văn đó.

2. Ý thức và tâm hồn người đọc

Chúng ta đừng quên rằng tất cả các kỹ thuật, tất cả các lời khuyên để hiểu Kinh thánh, chỉ có giá trị nếu chúng phục vụ việc lắng nghe thực sự Lời Chúa, phục vụ cho chúng ta sẵn sàng nhận ra  những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta qua Kinh thánh. Một thái độ cầu nguyện ("Hãy nói, Chúa ơi, tôi tớ Chúa đang lắng nghe") là điều kiện đầu tiên để hiểu thông điệp Kinh Thánh.

Thông điệp Kinh Thánh đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong suốt nhiều thế kỷ. Tất cả mọi người mọi giới đã nhận biết "lời ban sự sống vĩnh cửu". Khi họ đọc Kinh thánh, họ cảm thấy Chúa đang hỏi họ, thách thức, và họ đã khám phá Tin mừng cứu độ.

Ngày nay đã hai mươi mốt thế kỷ trôi qua với một khoảng cách dài như vậy, lời của các tác giả Kinh Thánh được Thánh Thần linh hứng nói với chúng ta, soi sáng hiện tại của chúng ta, gởi đến những tình huống khác nhau mà chúng ta đang sống. Kinh thánh vẫn luôn là một Lời sống động, không phải là các "chữ giết chết".

Nhưng nếu thông điệp cơ bản vẫn giống nhau, cách thức con người hiểu thông điệp có thể khác nhau. Chúng ta đã nói nhiều lần trong môn học của chúng ta về tầm quan trọng của việc hiểu chính xác những gì Kinh thánh muốn nói với chúng ta. Mục đích của chú giải là cố gắng đưa ra một cách an toàn và khách quan nhất ý nghĩa của bản văn Kinh thánh. Bởi vì nếu chúng ta hiểu điều gì khác ngoài những gì tác giả muốn nói, chúng ta sẽ hiểu sai, đi lệch ra ngoài Lời Chúa.

Một khi ý nghĩa của bản văn được hiểu, vẫn còn một câu hỏi: "Bản văn này nói gì với tôi?” Hoặc  hơn nữa: "Chúa nói gì với tôi qua bản văn này?” Chính là công việc chuyển dịch sang ngôn ngữ hiểu biết của tôi, đi vào thánh hóa suy nghĩ của riêng tôi, vào hoàn cảnh sống của riêng tôi, những gì một con người từ thời đại khác, một thời đại xa xưa nói, diễn đạt đôi khi theo phương cách xa lạ với tôi. Nỗ lực dịch thuật và ứng dụng thông điệp này chính là những gì chúng ta đặt tên là diễn giải, chú giải (hay thông diễn).

Mỗi Kitô hữu làm điều này một cách tự nhiên khi họ tìm cách làm nhân chứng Tin mừng bằng cách giải thích một đoạn Kinh thánh cho một người bạn. Họ tìm cách chỉ ra cách thông điệp của bản văn đang đề cập gửi đến bạn của họ; Người Ki-tô hữu nhấn mạnh những điểm tương đồng và sự khác biệt giữa hoàn cảnh của những con người trong Kinh thánh (tác giả hoặc các người nhận nghe đoạn văn được xem xét) và tình hương của người bạn này (và của chính họ).

3. Thái độ của Chúa Giê-su

Chúa Giê-su chắc chắn là người diễn giải lớn nhất của Kinh thánh. Nếu người ta gọi Ngài là "giáo sĩ”Do thái (là thầy), vì đó là Ngài không những biết giải thích Cựu Ước (với thẩm quyền không so sánh được, Mt 7,28-29: "Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ"), mà Ngài còn cho thấy thông điệp của Ngài liên quan đến mọi người như thế nào, những người nghe Ngài. Diễn giải của Ngài trên Lề luật trong Mt 5,20-48 là một ví dụ điển hình - hoặc phản ứng của Ngài đối với việc ly dị: Mt 19,1-9.

Việc đọc Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy rằng việc diễn giải Kinh thánh của Chúa Giêsu rất khác so với các kinh sư thời của Ngài. Các kinh sư cho rằng Chúa Giêsu đã nhầm lẫn bởi vì Ngài không giải thích Kinh thánh theo cách riêng của họ, theo truyền thống của họ - và bởi vì Ngài đã không đi theo trường học của họ.

Điều này cho chúng ta thấy có nhiều cách khác nhau để diễn giải Kinh Thánh. Một số chú giải không vượt qua thử thách của duyệt xét: ví dụ, khi sử dụng chế độ đa thê của các tổ phụ để biện minh cho chế độ đa thê ngày nay; Kinh thánh được sử dụng để biện minh cho chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc. Khi có lối chú giải như thế này, thường là vì các nhà chú giải đó có ý đồ xấu hoặc không hiểu biết tới nơi tới chốn. Nói cách khác, những người này không hề quan tâm đến việc lắng nghe Kinh Thánh hơn là lợi dụng Kinh thánh để đưa vào phục vụ cho họ bằng cách sử dụng Lời Thiên Chúa theo cách của quỷ đã dùng trong  đoạn văn Chúa Giê-su bị cám dỗ trong sa mạc (x. Lc 4,9-11):

"Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá."

Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể chắc chắn không nói về Kinh Thánh những gì chúng ta muốn muốn nói? Tất nhiên, chúng ta không làm điều đó một cách tự nguyện. Nhưng phải thành thật thừa nhận rằng chúng ta rất giỏi trong việc tìm ra lý do để tin những gì chúng ta muốn tin và làm những gì chúng ta muốn làm. Khi chúng ta nhìn vào một vật thể, chúng ta thấy nó từ một viễn cảnh nào đó, từ một góc độ nào đó. Cái nhìn chúng ta có thể bị biến dạng, khi chúng ta nhìn thấy điều chúng ta đang đọc dưới một góc độ khác, chúng ta không nhận ra nó. Điều tương tự cũng có thể đúng với Kinh thánh; nếu chúng ta chỉ xem xét bản văn chỉ với viễn cảnh của chúng ta, từ quan điểm của chúng ta, bằng cách chỉ chú ý những gì chúng ta quan tâm, chúng ta ưa thích, như thế chúng ta không sẽ hiểu rõ về bản văn. Vì lý do này, chúng ta cần tham khảo đến cách các nhà chú giải tiếp nhận bản văn, hiểu bản văn.

Thiên Chúa không chỉ nói riêng với tôi. Ngài nói qua Thần khí của Ngài với toàn thể dân Ngài. Và nếu, bất cứ lúc nào, Giáo hội hoặc một phần thành viên của Giáo hội không thể tự cho mình quyền bất khả ngộ, không thể sai lầm trong việc giải thích Kinh thánh, chúng ta không nên xem thường việc toàn thể người Kitô hữu đọc nghe thấy thông điệp của Thiên Chúa như thế nào. Một Ki-tô hữu cô lập, bị cắt đứt khỏi "sự hiệp thông của các thánh”có nhiều khả năng bị sai lầm, có một viễn cảnh bị bóp méo hơn là một người lắng nghe thông điệp của Thiên Chúa trong sự hiệp thông với anh em của mình. Vì thế, chúng ta nên biết lịch sử diễn giải Kinh Thánh sau đây.

--------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo