Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 18

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 14/35 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 14/35

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

--------------------------------

 

GIỚI THIỆU CỰU ƯỚC

Khảo sát dẫn nhập môn Kinh Thánh không cho phép chúng ta dấn thân vào một nghiên cứu chi tiết về tất cả các sách của Cựu Ước. Nhưng khi để mắt đến  các sách Cựu Ước, chúng ta tự hỏi nội dung của sách là gì, tại sao sách được viết và ai đã viết cuốn sách, để giúp mọi người đào sâu kiến thức về Cựu Ước để khi họ có dịp đọc lại với một sự hiểu biết tốt hơn.

DẪN NHẬP: LỀ LUẬT VÀ NGÔN SỨ

Nhiều lần trong Tân Ước, chúng ta thấy cụm từ "Lề luật pháp và Ngôn sứ”được sử dụng bởi Chúa Giêsu hoặc các Tông đồ (Mt 5,17; 7,12; 22,40; Lc 16,16, Công vụ 13,15; 24,14; Rm 3,21). Diễn đạt này chỉ định hai phần của Cựu Ước, lần đầu tiên được người Do Thái công nhận là Kinh thánh (nên nhớ rằng "các Ngôn sứ”không chỉ có các sách Ngôn sứ trong thư quy Công giáo, mà theo thư quy Do thái, chúng ta có tiền Ngôn sứ (các sách lịch sử) và hậu Ngôn sứ ".

Phần thứ ba của Kinh thánh Do Thái không được công nhận ngay thời Đức Ki-tô là sách linh hứng. Vào thời này, vẫn còn hiện hữu các cuộc thảo luận về thẩm quyền thiêng liêng của một số "tác phẩm”này, chẳng hạn như sách Diễm ca. Mãi đến năm 90 sau Đức Ki-tô, một quyết định chính thức được đưa ra liên quan đến thư quy Cựu Ước tại Hội đồng Jamnia của Do Thái. Nhưng trong thực tế, thẩm quyền của hầu hết các "tác phẩm”đã không bị nghi ngờ ngay thời kỳ Kitô giáo. Cựu Ước của Chúa Giêsu cũng giống như chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, thông thường họ vẫn dùng cụm từ "Lề luật và các Ngôn sứ” để chỉ định toàn bộ Kinh thánh.

Chúng ta sẽ nhắc lại ở đây vấn đề "thư quy”Cựu Ước

Thẩm quyền của Lề luật (năm cuốn sách của Mô-sê) là lâu đời nhất và được công nhận rộng rãi nhất. Đối với những người Sa-đu-sê-en, Torah (Lề luật) có thẩm quyền lớn hơn các sách khác. Đối với người Samari, họ chỉ công nhận linh hứng Ngũ thư.

I. NgŨ thư

1. Các sách Torah

Trong truyền thống Rabinic[15], từ Tôrâh gồm năm cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh Do Thái và kết thúc với cái chết của ông Mô-sê (Đnl 34), bộ sách mang tên chung là Tôrâh, Sách lề luật (Le livre de la Loi), hoặc Lề luật Mô-Sê (la Loi de Moïse), hoặc gọi một cách thu gọn, Sách Lề Luật (La Loi).

Các Giáo phụ, chẳng hạn như Tertullien (150-160/220, Carthage, Tunisie, nhà thần học lớn đầu tiên trong ngôn ngữ La Tinh), Origène (185/253, Alexandrie, cha đẻ chú giải KT, nhà thần học, theo lời của hồng y Gio-an Danielou, ngài là thiên tài giỏi nhất của Thiên Chúa Giáo cùng với thánh Âu-gút-ti-nô), có lẽ theo truyền thống lâu đời, có thể từ lúc Kinh Thánh tiếng Hippri, được dịch sang tiếng Hy Lạp, trong bản 70 (La Septante), đã gọi tên bộ sách này là Pentateuque, Ngũ Kinh hay Ngũ Thư trong tiếng việt. Từ ngữ Pentateuque, đến từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa đen là 5 túi, nghĩa là sách 5 cuộn hay 5 tập (volume).

Đối với người Do Thái, họ lấy từ ngữ đầu tiên mỗi bản văn để đặt tên cho sách, như thế chúng ta có:

Cuốn thứ nhất, Bereschith: Lúc khởi đầu (Au commencement);

Cuốn thứ hai, Veelléschemoth: Sau đây là tên (Et ce sont ici les noms);

Cuốn thứ ba, Vajjikera: Và ngài đã gọi (Et il appela);

Cuốn thứ tư, Vajedabber: Và ngài phán (Et il dit); họ cũng gọi sách này là Bammidbar: trong sa mạc (Dans le désert), tên gọi đến từ nội dung của sách;

Cuốn thứ năm, Elléhaddevarim:  Đây là những lời (Ce sont ici les paroles), đôi khi cũng được gọi: Mischné-hatthora: Nhắc nhở hay thực tập lề luật (Répétition de la loi).

Các dịch giả Hy Lạp (72 người) thành Alexandrie đã đặt tên cho các cuốn này theo nội dung của sách trong bản 70 (La Septante, 270 trước Giê-Su Ki-Tô, hay trước Công Nguyên):

Genesis, có nghĩa là nguyên thủy origine,  và  trong tiếng  việt sách Sáng Thế;

Exodos, có nghĩa là  Ra đi sortie, sách Xuất Hành;

Levitikon, có nghĩa là cuốn sách anh em nhà Lê-visách Lê-vi;

Arithmoi, có nghĩa là Số nombres, vì sách bắt đầu bằng việc kiểm tra dân số, sách Dân Số;

Deuteronomion, có nghĩa là Luật thứ hai (seconde loi), sách Đệ nhị luật.

- Các giáo phụ ít khi dùng từ pentateuque, các ngài dùng cụm từ "sách Lề luật", hoặc "sách Lê luật của Mo-sê”đối chiếu với "Ngôn sứ", như những người Do thái và Tân Ước đã dùng.

Có nhiều bản văn cổ xưa cũng nhắc đến 5 cuốn sách lề luật. Và có lẽ trong các văn bản của Cum-ran, chúng ta có thấy viết trên một mảng văn cụm từ như sau: kwl [s]prym hwmšym, chúng ta tạm dịch như sau: tất cả sách của Ngũ Thư. Chúng ta cũng đọc thấy việc phân chia thành 5 cuốn sách trong bộ thánh vịnh của Kinh Thánh híp-ri: Tv 1-41; 42-72; 73-89; 96-106; 107-150. Có lẽ, người Do thái xem các thánh vịnh là những suy gẫm về 5 cuốn sách Tora (Lề luật). Tv 1,2: "nhưng vui thú với lề luật CHÚA, nhẩm đi nhẩm lại  suốt đêm ngày".

- Tin mừng thánh Mát-thêu có 5 diễn văn kết thúc với biểu thức gần giống nhau (Mt 7,28; 11,1; 15,53; 19,1; 26,1). Trước mắt Mát-thêu, Đức Giê-su là Mô-sê mới, và Tin mừng của Ngài như mà một Ngũ thư mới. Tin mừng của Mát-thêu khởi đầu với biblos geneseôs "sách gia phả", tương đương với St 2,4 và 5,1 trong bản LXX.

- Những lời đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Gio-an, en archèi cũng là những lời đầu của sách đầu tiên của Ngũ thư phiên bản LXX, cũng chuyển dịch từ Kinh thánh Do thái beresit.

- Philon, văn sĩ Do thái viết tiếng Hy lạp, trước khi các Tin Mừng ra đời, đã viết rằng cuốn sách đầu tiên của 5 cuốn sách chứa đựng các lề luật thánh được gọi là "Genèse”do chính Mô-sê.

- Từ Đệ nhị luật được bản LXX dịch từ cụm từ misneh hattorah (Đnl 17,18), "một bản chép lại của Tora, nhà vua phải có và đọc mỗi ngày.

- Khoảng cuối thế kỷ thứ 1 sau CN, Flavius Josèphe nói rõ rằng "5 cuốn sách của ông Mô-sê” trong một đoạn văn của Contre Apion, I, VIII, 37-41.

Các chứng cứ vừa nói trên xác định chúng ta biết rằng xung quanh thời gian ra đời của Đức Ki-tô, truyền thống Do thái đã thiết lập 5 cuốn sách đầu của Kinh Thánh là các sách nền tảng của  lề luật, và đó là tác phẩm của Mô-sê. Thẩm quyền của Tora cao hơn các sách gán cho các Ngôn sứ.

2. Ý nghĩa của từ Torah

a) Như đã nói đến trong phần trên, từ hy-lạp penta teuce có nghĩa đen là 5 túi hay 5 cuộn sách xếp trong 5 túi. Nhưng trong tên gọi tiếng Do Thái, trong từ điển Hipri-tiếng Pháp, tôrâh có nhiều nghĩa: enseignement, directive, loi. Chúng ta có thể dịch ra trong tiếng việt như sau: giảng dạy, chỉ thị hay nghị định, lề luật.

Khi chúng ta xem xét nội dung văn chương của Ngũ thư-Tôrâh, chúng ta thấy bộ sách này chứa đựng các bộ luật quan trọng:

- Xh 20, 22 - 22, 30: bộ luật giao ước (le code de l’alliance)

- Lv 17-26 hay toàn bộ sách Lê-vi: bộ luật về sự thánh thiện (la loi de sainteté)

- Đnl 12-16: Đệ nhị luật

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy trong Ngũ Thư  có những tập hợp các tường thuật đáng kể. Như thế chúng ta có thể kết luận rằng tường thuậtlề luật được tập hợp trong bộ sách được Thánh Kinh Do Thái đặt tên là Tôrâh.

b) Để các bạn hiểu sâu hơn, chúng ta sẽ thực hiện một tìm kiếm theo phương pháp ngữ nguyên học (étymologie) của cách sử dụng từ này trong Thánh Kinh Do Thái.

- Wilhem Gesenius, một chuyên gia ngữ học và đông phương học người Đức (1786/1842), đã cho rằng từ Tôrâh đến từ căn gốc của động từ nguyên thủy yârâh có nghĩa là ném, phóng (jeter, lancer) trong thể chủ động qal.

- Julius Wellhausen, nhà thần học tin lành người Đức (1844/1918), cha đẻ lý thuyết « bộ tài liệu JEDP » cấu trúc bộ sách Ngũ Thư, cũng đồng ý rằng từ Tôrâh với động từ yârâh nhưng ở thể Hiphil, thể chủ động liên quan đến một nguyên nhân (ví dụ, ở thể chủ động qal, chúng ta nói, tôi ném, hay tôi phóng… nhưng ở hiphil, có nghĩa là tôi gây ra việc ném đi hay tôi là nguyên nhân việc phóng đi..)

- Giả thuyết nguyên ngữ học thứ ba cho rằng từ Tôrâh là phiên bản tiếng hipri của từ tertu trong ngôn ngữ akkadien, đến từ căn gốc động từ waru: donner des ordre, des instructions, envoyer un message (hạ lệnh, cho những chỉ thị, gởi một thông điệp).

3) Chúng ta tìm thấy 220 từ Tôrâh trong cuốn Thánh Kinh Hipri (Do Thái), 44 chữ trong bộ sách Ngôn Sứ, 22 trong Đệ Nhị Luật, 44 trong các sách Biên Niên Sử, Ét-ra, Nơ-khe-mi-a.

Từ Tôrâh được dùng trong các bản văn rất biểu tượng của Thánh Kinh.

- Ml (Malakhi) 3,22: « Hãy ghi nhớ lấy luật Môsê, tôi tớ của Ta - mà Ta đã truyền cho nó ở Khoreb - luật điều và phán quyết dạy cho tất cả Ít-ra-en ».

- Nk (Na-khum) 13,1; Er (Et-ra) 6,18; 2Sb 25,4.

Từ Tôrâh là chìa khóa diễn giải mà quy chiếu tất cả các bản văn khác của Kinh Thánh.

Ý nghĩa từ Tôrâh dùng trong sách Đệ Nhị Luật khai sáng cho chúng ta: Đnl 1,5…

Theo sách Đnl, từ ngữ Tôrâh không những có ý chỉ toàn bộ lề luật, nhưng cũng có ý nghĩa một  giảng dạy, giảng dạy của Thiên Chúa dành cho dân Ngài, giảng dạy lịch sử cho Dân Thiên Chúa.

Torah là nền tảng của cuộc sống và đức tin của Ít-ra-en. Nói cách khác, Torah hình thành hiến pháp của dân Thiên Chúa; Torah cho thấy cách thức và lý do tại sao dân tộc này đã nhận từ Thiên Chúa sự hiện hữu của Ngài và cách Ngài phải sống trong thế giới giữa các dân tộc khác. Sự pha trộn giữa những tường thuật và lề luật là một trong những đặc điểm nổi bật của Ngũ thư nhắc nhở Ít-ra-en rằng sự vâng phục Thiên Chúa là câu đáp trả mà họ phải dành cho Thiên Chúa, Ngài đã yêu mến họ trước tiên (Xh 20,2-3).

3.  Sách Sáng thế

Sáng thế là cuốn sách khởi đầu đầu hoặc sách các nguồn gốc. Chương 1 đến chương 11 nói về sự khởi đầu của thế giới và nhân loại, làm thế nào Thiên Chúa tạo ra thế giới và giao phó trái đất cho con người "tạo ra với hình ảnh của mình"; Làm thế nào con người đã không vâng lời Thiên Chúa kéo theo án phạt của Thiên Chúa. Thiên Chúa tuy trừng phạt sự gian trá của con người (deluge) đã cho họ một tương lai: Giao ước với Nô-ê, bao gồm lời hứa sẽ không hủy diệt trái đất (9,11).

Từ chương 12, sách nói về nguồn gốc của Ít-ra-en: Làm thế nào Thiên Chúa gọi Áp-ra-ham và lập giao ước với ông, cho anh ta lời hứa một đất nước và một hậu duệ. Những thăng trầm lịch sử các tổ phụ chỉ góp phần xác nhận sự trung thành của Thiên Chúa với các lời hứa của Ngài. Những tường thuật lịch sử đến với chúng ta hôm nay không được chọn theo chức năng của tầm quan trọng chính trị hay giá trị đạo đức của họ, nhưng vì vị trí của chúng trong chương trình của Thiên Chúa. Những gì có gia trị ở đây, là việc tuyển chọn tự do của Thiên Chúa, Ngài kêu gọi những ai Ngài muốn (Áp-ra-ham, sau đó là Gia-cóp) và các lời hứa mà Thiên Chúa cam kết, khi lập giao ước với Áp-ra-ham và hậu thế của ông; đó cũng là về phần con người, đức tin của Áp-ra-ham đã đón nhận lời hứa và đặt cược tất cả kinh nghiệm và hiện hữu của ông trên Lời Thiên Chúa.

4. Sách Xuất hành

Sách Xuất hành là xứng đáng được gọi là sách Giao ước, trong đó có bộ luật Giao ước. Nếu Thiên Chúa kêu gọi dân Ít-ra-en tham gia vào giao ước của Ngài, bởi vì Người đã mặc khải chính Ngài đã giải thoát họ. Nếu không có sự giải thoát kỳ diệu của Thiên Chúa cho họ khỏi ách nô lệ, sẽ không bao giờ có dân tộc Ít-ra-en. Sự cứu chuộc Ít-ra-en, thoát khỏi nô lệ của Ai Cập, là sự kiện vĩ đại tạo nền tảng cho hiện hữu  của Ít-ra-en. Khi cử hành lễ Vượt qua, dân tuyển chọn sẽ luôn nhớ đến biến cố này.

Từ chương 19, chủ đề chính là Giao ước. Nếu Thiên Chúa đã đưa dân tộc của Ngài ra khỏi Ai Cập, là để dân tộc này thuộc về Ngài, gắn bó với Ngài và trở thành một quốc gia thánh, nghĩa là được thánh hiến cho Thiên Chúa, ở giữa các dân tộc khác. Do đó, Thiên Chúa lập giao ước với Ít-ra-en trên núi Sinai. Phần của Ít-ra-en trong Giao ước là tuân theo luật thiêng thánh. Lề luật mô tả sự hiện hữu quốc gia xã hội, tôn giáo và đạo đức của dân thánh, của dân Thiên Chúa. Rất nhanh chóng, giai đoạn bê vàng phá vỡ hiệp ước ký kết với Thiên Chúa, nhưng Ngài tha thứ và lập một Giao ước mới.

Một chủ đề khác của sách Xuất hành là hành trình trong sa mạc. Sách Xuất hành cho biết làm thế nào Thiên Chúa dẫn dắt và bảo vệ một dân tộc cứng đầu. Lều tạm tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa với Ít-ra-en. Sụ mô tả và xây dựng Lều tạm chiếm một phần lớn trong sách Xuất hành.

5. Sách Lê-vi

Sách Lê-vi chủ yếu là một bộ sưu tập các lề luật. Một phần lớn các luật này liên quan đến chức tư tế và các hy lễ. Đây chính là sự thờ phượng của dân được tuyển chọn và do đó cách thức thờ phượng được quy định.

Nhưng sự thờ phượng không bao giờ tách rời khỏi cuộc sống đối với Kinh Thánh. Các luật khác xử lý các hành vi của toàn dân, đời sống cá nhân và xã hội của người Ít-ra-en. Có những luật liên quan sự thuần khiết và không thuần khiết (chương 8-10). Một số luật có thể được biện minh với các lý do vệ sinh, nhưng chúng cũng có một giá trị biểu trưng: để tiếp cận với Thiên Chúa, con người phải cẩn thận để không ở trong tình trạng không thanh sạch. Thiên Chúa là thánh: chúng ta không được xem nhẹ vấn đề. Sự thánh thiện của Thiên Chúa thường được nhấn mạnh trong sách Lê-vi: luật điều khiển tất cả hành vi các tín hữu, ngay cả trong quan hệ của họ với những người khác (ví dụ Lê-vi 19,1-18).

Giới tư tế được tách biệt (chương 8-10) và nghi thức hy tế (chương 1-7 và 16) cũng ra từ sự thánh thiện của Thiên Chúa. Sự chuộc tội bằng máu lễ hy tế (xem ch. 16 và 17,11) sẽ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của cái chết của Chúa Giêsu.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số lề luật và nghi thức của Luật Mô-sê đặt song song trong các tôn giáo khác và các luật đương thời. Thiên Chúa không cần phát minh ra các nghi lễ tôn giáo hoàn toàn mới. Ngài đã sử dụng các nghi lễ hiện có, có thể được dân Ngài hiểu (như các hy tế) và mang lại cho họ một ý nghĩa mới.

6. Sách Dân số

Sách Dân số chứa các  lề luật và các tường thuật lịch sử. Chủ đề của các tường thuật, chính là giai đoạn hành trình trong sa mạc. Sau cuộc kiểm tra dân số, sự cung hiến Lều tạm và mừng lễ Vượt qua (chương 1 đến 9), dân rời Sinai để đến vùng đất hứa. Nhưng các cuộc nổi dậy, những lời xì xào và nhất là sự thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa (khi họ gửi các do thám đến Kadesh, chương 13 và 14) làm kéo dài hành trình ngang qua sa mạc. Thất bại không phải là vĩnh viễn, bởi vì Thiên Chúa, nếu Ngài trừng phạt dân của Ngài, vẫn tiếp tục hướng dẫn và dẫn dắt họ, cho họ chiến thắng kẻ thù (20-25). Chương 33 và 34 tóm tắt các giai đoạn hành trình trong sa mạc và phác thảo các ranh giới của đất nước.

7. Sách Đệ nhị luật

Từ này có nghĩa là "luật thứ hai”nên chúng ta gọi là Đệ nhị luật. Trên thực tế, đó là một giải trình thứ hai của lề luật, nhân bài diễn văn của Mô-sê gởi cho dân trước khi vào vùng đất hứa. Mô-sê nhớ lại con đường đã đi qua. Xuất hành, quà tặng Lề luật, thử thách sa mạc và chiến thắng kẻ thù. Ông đổi mới lời hứa chinh phục đất nước. Nhưng trên hết, ông muốn vạch rõ ý nghĩa những sự kiện này, mọi hành vi Ít-ra-en phải dựa trên ân sủng và sự trung tín của Thiên Chúa (chương 4 đến 11). Giao ước và lề luật chứa trong đó một chúc lành cho Ít-ra-en - nếu dân vẫn luôn trung thành; nếu không, các chúc phúc sẽ trở thành lời nguyền (Ch 11,29 và 30). Mỗi thế hệ phải tái tạo mới Giao ước. Chương 12 đến 26 lấy lại một số lượng lớn các đạo luật luân lý, xã hội và tôn giáo. Phần cuối của cuốn sách (chương 31-34) liên quan đến cái chết của Mô-sê, sứ mệnh được giao phó cho Giô-suê, bài ca và những lời chúc phúc của ông Mô-sê.

8. Soạn thảo Ngũ thư

Truyền thống Do Thái (phần lớn được chứng thực trong chính Kinh thánh) và truyền thống Kitô giáo xem Mô-sê là tác giả của Ngũ thư. Trong Tân Ước, người ta thường nhắc đến Lề luật Mô-sê, hay "Mô-sê và các Ngôn sứ”đồng nghĩa với "Lề luật pháp và các Ngôn sứ”(Luca 16,29; Công vụ 26,22; v.v.). Đối với Chúa Giê-su và các Tông đồ, như đối với các ngôn sứ của Cựu Ước (Danien 9,11; Malachi 4,4), lề luật được viết bởi Mô-sê.

Phương pháp phê phán hiện đại đã đặt ra nghi ngờ về truyền thống này. Người ta đã lưu ý trong Ngũ thư một số tường được sao chép trùng lập (sáng tạo: Sáng thế 1 và 2) hoặc trong cùng một tường thuật, có hai câu chuyện song song và đan xen, đôi khi rất khó để hòa giải (câu chuyện Nô-ê: 19 và 7,2). Người ta đã suy luận rằng Ngũ thư không phải là tác phẩm của một tác giả, mà là sự tổng hợp của một số nguồn, thường được xem như thuộc phần lớn về các hậu duệ của ông Mô-sê.

Chúng ta nên nghĩ gì?

Bản thân Ngũ thư không mang tựa đề cũng không có chữ ký. Nếu Thiên Chúa không thấy phù hợp để chỉ định rõ các tác giả của những cuốn sách này (giống như nhiều cuốn sách khác trong Kinh thánh), chúng ta không nên biến nó thành một vấn đề quyết định cho đức tin.

Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng không phải vô cớ mà Chúa Giêsu và các tông đồ nhận ra uy quyền của Mô-sê trong Ngũ thư. Mô-sê là nhà lập pháp vĩ đại của Ít-ra-en. Trong Xuất hành 24,4 và 7 và Đệ nhị luật 31,9 chúng ta được biết rằng Mô-se đã soạn thảo luật. Vai trò ông Mô-sê đóng trong Giao ước và giáo dục ông Mô-sê đã nhận được ở Ai Cập xác nhận khẳng định này (trái với quan điểm đôi khi được trích dẫn rằng Mô-sê không biết đến văn viết). Các đoạn văn khác cho chúng ta thấy Mô-sê soạn thảo các tường thuật (Xuất hành 17,8-14; Dân số 33,2). Không có gì ngăn cản chúng ta tin rằng chính ông đã soạn thảo lịch sử Ít-ra-en.

Tuy nhiên, không gì là không thể, một số tường thuật của sách Sáng thế nói riêng đã lưu hành từ lâu dưới dạng truyền thống truyền khẩu, kể lịch sử các tổ tiên. Những tường thuật dân gian phổ biến này, được truyền tải trong các canh thức cầu nguyện, có thể đi theo những con đường khác nhau, điều này giải thích tại sao, khi chúng được thu thập và soạn thảo, các lặp lại và trùng lập vẫn còn. Đây là trường hợp của hai tường thuật về sáng tạo: phần thứ nhất (1,1 đến 2,3) trình bày một bức tranh toàn cảnh rộng lớn ở cấp độ toàn thế giới, trong đó mỗi phần và mỗi sinh vật được Thiên Chúa tạo ra và đặt vào vị trí; phần hai (2,4-25) có dạng một tường thuật dân gian phổ biến về các nguồn gốc con người. Sự lặp lại này không phải là vô ích: ở đây chúng ta có hai hình thức văn học, truyền tải theo cách riêng của họ, một thông điệp đến từ Thiên Chúa.

Cuối cùng, cần phải chỉ ra rằng một số đoạn văn của Ngũ thư khó có thể được soạn thảo bởi Mô-sê (tường thuật về cái chết của ông - Đnl 34 - Sáng thế 12,6; 13,7; 36,9-43; Dân số 12,3; 21,14; Đnl 3,14 nơi đó chúng ta không thể thấy các bổ sung sau này để thông báo cho người đọc. Vì vậy phải nghĩ rằng các nhà văn khác đã góp phần lên các sách của Lề luật sau cái chết của Môi-se. Cũng có thể một số Lề luật đã được hiện đại hóa để đáp ứng với các tình huống đã phát triển.

Nhưng phần lớn, chúng ta có thể thấy lý do tại sao truyền thống xem "các sách Lề luật”là tác phẩm của Mô-sê. Ngay cả khi các nhà văn khác đến sau can thiệp hoàn thành và bổ sung Ngũ thư, thì việc người Ít-ra-en công nhận uy quyền của Mô-sê trong suốt Ngũ thư, được linh hứng bởi Thiên Chúa. (Chúng ta cũng thấy vấn đề tương tự cho các Thánh vịnh, truyền thống xem Đa-vít là tác giả).

--------------------------

Chú thích:

[15] Le judaïsme rabbinique (en hébreu: יהדות רבנית - Yahadout Rabbanit) est issu du judaïsme pharisien après la destruction du second Temple en 70 apr. J.-C. Il s'est structuré du iie au vie siècle de l'ère chrétienne, date à partir de laquelle il fut reconnu comme la norme du judaïsme.

---Còn tiếp---

zalo
zalo