LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 15/35
Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ
--------------------------------
II. CÁC SÁCH LỊCH SỬ VÀ TRUYỆN
Phần các sách lịch sử và truyện gồm có 16 cuốn: Giôsuê, Thủ lãnh, Rút, 2 sách Samuen, 2 sách các vua, 2 sách Sử ký, Étra, Nơkhêmia, Tôbia, Giuđitha, Étte, 2 sách Macabê.
Trong số này có bốn cuốn sách (in đậm) được gọi là các sách Đệ nhị thư quy.
Có một khác biệt nhỏ giữa các ấn bản của Thánh kinh Công giáo và Tin lành đối với phần Cựu ước: Công giáo có thêm 7 hay 8 quyển. Những quyển này Công giáo gọi là thuộc đệ nhị thư quy, còn Tin lành gọi là nguy thư.
Chữ "Thư quy”có nguồn gốc là chữ Canon, nghĩa là "quy luật": quyển sách nào được công nhận làm quy luật cho đức tin thì là "hợp quy". Thư quy các sách thánh là toàn thể những quyển sách được nhìn nhận là quy luật cho đức tin.
Các Kitô hữu và các tín hữu Do thái giáo đồng quan điểm với nhau về các sách phần Cựu ước. Tuy nhiên có hai thư quy khác nhau. Cho tới những năm 90 sau CN, các rabbi ở Palestina chỉ công nhận những quyển viết bằng chữ Híp-ri. Còn những người Do thái ở Alexandria công nhận thêm một số quyển khác được viết hoặc được viết bằng chữ Hy Lạp, những Kitô hữu nào đọc những ấn bản Thánh kinh chữ Hy Lạp thì nhận Thư quy Alexandria. Phần thánh Jérôme, người dịch Thánh kinh sang chữ Latin vào đầu thế kỷ V, thì theo thư quy Híp-ri.
Trong cuộc Cải Cách thế kỷ XIV, những người Tin lành theo lập trường của thánh Jérôme nên khi in Thánh kinh, họ đã đặt những quyển bị bàn cãi vào phần cuối và gọi những quyển ấy là "nguy thư".
Còn phía Công giáo thì, trong Công đồng Trente, xem những quyển sách vừa nói cũng được linh hứng như những quyển kia, nhưng gọi chúng là "thuộc đệ nhị thư qui". Nghĩa là: được nhận vào thư quy với tư cách hạng nhì.
Những quyển ấy là: Giuđita, Tôbia, 1 và 2 Macabê, Khôn ngoan, Huấn ca, những đoạn bằng chữ Hy Lạp trong sách Étte, Barúc và Thư của Giêrêmia.
Ngoài 4 sách truyện chúng ta có mười hai sách lịch sử trong Kinh thánh. Các sách này ghi lại những biến cố trong cuộc đời Ít-ra-en từ khi vào vùng đất Canaan (vào thế kỷ 13 trước Công nguyên) đến thời đế chế Ba Tư (cuối thế kỷ thứ 5 trước Chúa Giêsu Kitô). Hãy nhớ rằng trong Kinh thánh Do Thái, sáu cuốn sách lịch sử của chúng ta được gọi là "tiền ngôn sứ”(Giô-suê, Thủ lãnh, các sách Samuen và sách các Vua). Điều này cho thấy kiến thức lịch sử như thế không phải là trung tâm quan tâm của các tác giả thánh thiêng. Điều họ đặc biệt muốn truyền đạt là thông điệp từ Thiên Chúa. Các sách lịch sử khác (Rút, Sử biên niên, Ét-ra, Nơ-khê-mi-a và Ét-te) là một phần của các sách khác trong thư qui Do thái.
Có hai lý do giải thích điều này: thứ nhất, đó là các sách của nhóm thứ hai, được soạn thảo chậm trể sau đó, không được công nhận là "Thánh Kinh”mãi đến sau tất cả các sách Ngôn sứ; thứ đến, truyền thống đã quy kết việc soạn thảo các sách nhóm đầu tiên cho rằng Giô-suê là tác giả sách mang tên ông, Samuen là tác giả của các sách Thủ lãnh và các sách Samuen và ngôn sứ Giê-rê-mi-a là tác giả của sách các Vua. Trong khi đó, truyền thống cho rằng nguồn gốc của Ngũ thư được gán cho ông Mô-sê được chứng thực trong Kinh thánh, chúng ta đang đối phó ở đây một truyền thống mà không có gì bắt buộc chúng ta phải chấp nhận. Không có cuốn sách nào được ký tên (các tên sách đã được thêm vào sau đó). Không có nhân vật Kinh Thánh nào tuyên bố là tác giả các bản văn. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận sự thiếu hiểu biết của chúng ta trong vấn đề này.
1. Giô-suê
Dựa vào các truyền thống phía bắc, trình bày cuộc chiếm lãnh Ðất Hứa như một thiên anh hùng ca tiếp nối thiên anh hùng ca của cuộc xuất hành: tất cả các bộ lạc đồng tâm góp sức dưới sự chỉ huy của Giô-suê vượt qua sông Gio-đan như đã vượt qua Biển Ðỏ bốn mươi năm trước, rồi tiến như vũ bão từ chiến thắng này qua chiến thắng khác để chiếm lãnh toàn miền đất Thiên Chúa đã chỉ cho Mô-sê thấy (ch. 1-12). Sau đó là cuộc phân chia đất đai giữa các bộ lạc (ch. 13-21). Và cuối cùng là đại hội toàn dân ở Si-khem. Giô-suê cũng nói những lời cuối cùng theo kiểu Mô-sê khi ở bên kia sông Gio-đan, công bố lại Giao Ước và lập bia chứng ước. Giô-suê là người được Thiên Chúa tuyển chọn để chạy tiếp sức với ông Mô-sê: Mô-sê dẫn dân từ Ai-cập đến bờ sông Gio-đan, Giô-suê dẫn dân vào chiếm lãnh và định cư trên Ðất Hứa. Cuốn sách kết thúc với việc hài cốt ông Giu-se được an táng ở Si-khem tại phần đất ông Gia-cóp đã mua. Thế là cuộc hành trình nhiều thế kỷ của nhà Gia_cóp đã khép kín: từ Si-khem xuống Ai-cập nay lại về đến Si-khem. Lời hứa của Thiên Chúa cho tổ phụ Áp-ra-ham về một miền đất và một dòng dõi đông đúc nay đã thành sự.
2. Sách các Thủ lãnh
Gọi theo danh từ chung chỉ các vị anh hùng trong cuốn sách, họ là những người được Thiên Chúa sai đến cầm đầu các cuộc giải phóng rồi làm người xét xử mọi việc trong dân, vì thế cũng dịch là "quan án", "phán quan”- "xét xử”ở nền văn hoá này đồng nghĩa với cai trị. Về một số vị, sách chỉ nêu tên và số năm "xét xử”chứ không kể một hành động giải phóng nào. Mười hai vị này chẳng bao giờ "xét xử”toàn thể Ít-ra-en mà chỉ giới hạn trong từng bộ lạc. Tuy nhiên, sách Thủ lãnh đã biến họ thành những anh hùng giải phóng hoặc cai trị toàn thể Ít-ra-en, đồng thời phân bổ số năm hoạt động của mỗi vị theo những con số ước lệ: 20, 40, 80 để có được con số bốn trăm tám mươi năm tính từ khi ra khỏi Ai-cập cho đến khi xây đền thờ (1 V 6,1).
Cuốn sách này trải qua nhiều lần biên soạn. Hình thức hiện nay là của các soạn giả thuộc trào lưu đệ nhị luật với một chương (2,6 - 3,6) dẫn nhập tổng quát nêu rõ ý nghĩa tôn giáo của cuốn sách.
3. Sách Sa-mu-en và sách các Vua
Trong bản văn gốc tiếng Do-thái có một sách Sa-mu-en và một sách các Vua. Bản dịch Hy-lạp đã chia thành bốn cuốn "Các triều đại", bản dịch La-tinh (Phổ thông) theo bản Hy-lạp, chia thành bốn cuốn "Các Vua". Các bản dịch mới giữ cách chia bốn, nhưng gọi là sách Sa-mu-en quyển 1 và 2 và sách các Vua quyển 1 và 2.
Sách Sa-mu-en quyển 1 và 2 khởi đầu với nhân vật Sa-mu-en như là vị "thủ lãnh”cuối cùng và là người thiết lập chế độ quân chủ theo yêu cầu của dân. Ông vua thứ nhất được Sa-mu-en xức dầu tấn phong đã không trung thành với Thiên Chúa nên bị Thiên Chúa phế bỏ. Ông vua thứ hai được Sa-mu-en xức dầu tấn phong nổi bật như gương mẫu của sự trung thành với Thiên Chúa. Ông đã hoàn thành cuộc chinh phục và thống nhất miền Ðất Hứa, loại trừ mối đe dọa là dân Phi-li-tinh, mở rộng biên giới phía đông và phía bắc, ông chiếm được Giê-ru-sa-lem, lập làm thủ đô và đưa Hòm Bia Giao Ước về đây. Ông đã được Thiên Chúa hứa cho dòng dõi mãi mãi ngồi trên ngai. Bản dịch Hy-lạp dựa theo một bản Híp-ri có nhiều điểm dị biệt so với bản Híp-ri hiện có trong Sách Thánh (người ta đã tìm được một phần bản gốc Híp-ri này ở Cum-ran).
Sách các Vua quyển 1 và 2 kể về các vua từ Sa-lô-môn đến thời lưu đày. Sau vua Sa-lô-môn, công trình thống nhất của Ða-vít sụp đổ, hai vương quốc bắc và nam kình địch với nhau. Các vua phía nam thì có tám vị được khen là trung thành với Thiên Chúa, nhưng sáu vị vẫn còn để các nơi thờ phượng ngoại đạo tồn tại, chỉ có Khít-ki-gia và Giô-si-a được khen trọn vẹn. Lời phê về các vua đều theo tiêu chuẩn là sự trung thành với Thiên Chúa và với một nơi thờ phượng duy nhất.
4. Sách chuyện bà Rút
Trong bản Hy-lạp, La-tinh và các bản dịch mới, sách Rút được đặt liền sau sách Thủ lãnh. Bản Do-thái đặt trong bộ năm cuốn để đọc trong các dịp lễ nhất định: Diễm ca đọc dịp lễ Vượt Qua; Rút, dịp lễ Ngũ Tuần; Ai ca, ngày 9 tháng Áp, kỷ niệm Ðền Thờ bị thiêu hủy; Giảng viên, dịp lễ Lều; và Ét-te, ngày lễ Pu-rim. Sách kể chuyện một người đàn bà xứ Mô-áp đã trở thành bà cố nội của vua Ðavít. Chính yếu tố này đem lại cho cuốn sách tầm quan trọng đặc biệt.
5. Các sách Lịch Sử thuộc trào lưu (truyền thống) tư tế
Từ khi trở về sau lưu đày, dân xứ Giu-đa đã xây dựng một cộng đồng lấy đền thờ làm trung tâm và Luật Mô-sê làm luật sống. Cộng đồng này vẫn được đế quốc Ba Tư, rồi đế quốc Hy-lạp dành cho một quyền tự trị dưới sự lãnh đạo của tầng lớp tư tế. Nhưng từ ngày hồi hương, họ luôn gặp sự chống đối của cộng đồng Sa-ma-ri ở phía bắc. Cộng đồng này cũng nhận sách Luật Mô-sê do Ét-ra công bố, nhưng vẫn không muốn thuộc quyền giới tư tế ở Giê-ru-sa-lem. Vào những thập niên đầu của đế quốc Hy-lạp (do A-lê-xan-đê Ðại Ðế mở mang), cộng đồng Sa-ma-ri đã xin được quyền xây một đền thờ trên núi Ga-ri-dim. Thế là sự cạnh tranh giữa hai cộng đồng và hai đền thờ trở nên gay gắt (x. Ga 4, câu chuyện giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Sa-ma-ri).
Trong bối cảnh ấy, bộ lịch sử thuộc trào lưu tư tế ra đời gồm các sách 1-2 Sử biên niên, Ét-ra và Nơ-khe-mi-a. Tác giả thuộc giới tư tế, trong thành phần lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem. Sử dụng tư liệu trong các Sách Thánh có trước và nhiều sách khác nay đã thất lạc, tác giả viết lại lịch sử của Ít-ra-en nhằm giúp cho cộng đồng Do-thái lấy lại gốc rễ của mình và nhận ra mình đang sống cùng một lịch sử thánh như các thế hệ trước lưu đày. Tác giả trình bày vua Ða-vít như hình ảnh vương quyền của Thiên Chúa và đền thờ Giê-ru-sa-lem là dấu chỉ sự hiện diện và tình thương của Thiên Chúa. Công và tội của các vua được lượng giá tuỳ sự trung thành với Lề Luật và phụng tự đền thờ. Sự khẳng định ấy đồng thời cũng là một lời kết án và loại trừ đền thờ Ga-ra-dim và cộng đồng quy tụ quanh đền thờ ấy. Nhằm minh chứng quan điểm thượng tôn Giê-ru-sa-lem, tác giả đã đánh bóng khuôn mặt của Ða-vít và coi ông là người đã thiết lập toàn bộ nền phụng tự đền thờ như đang diễn ra ở thời ông. Ét-ra và Nơ-khe-mi-a là hai vị lãnh đạo đã khôi phục Giê-ru-sa-lem, đền thờ, Luật Mô-sê, việc phụng tự và sự trung thành với nòi giống.
Hai cuốn sách Sử Biên Niên
Hai sách Sử Biên Niên và các sách Ét-ra và Nơ-khê-mi-a tạo thành một thể thống nhất. Câu chuyện Ít-ra-en được kể song song với các sách các Vua, nhưng với một quan điểm khác, và sau đó được mở rộng bằng tường thuật các sự kiện xảy ra sau khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ. Truyền thống Do Thái coi Ét-ra là tác giả của các sách này. Nhiều khả năng, các tác giả là các tư tế của trường phái Ét-ra. Các sách Sử Biên Niên có một vị trí tuyệt vời cho các thế hệ và các thể chế tôn giáo, đặc biệt là Đền thờ và giới tư tế. Nhân vật Đa-vít được nhấn mạnh: lỗi của Đa-vít không được đề cập đến. Sau cuộc chia cách, chỉ còn thấy vấn đề của vương quốc Giu-đa.
Thông điệp thiết yếu của Sử Biên Niên là sự thịnh vượng của Ít-ra-en, phụ thuộc vào sự tuân theo lề luật thánh thiêng. Thiên Chúa là chủ tể của lịch sử (2 Sb 16,9).
Ét-ra và Nơ-khê-mi-a
Hai cuốn sách này tạo thành một tổng thể, vì vậy chúng ta có thể khảo sát chúng cùng nhau. Các sách này tường thuật các sự kiện theo sau Biên niên sử: sự trở lại của người Do Thái lưu đày - trong hai thời điểm: Ét-ra 1-6 mô tả sự trở lại đầu tiên sau sắc lệnh của vua Khi-rô (Cyrus). Việc xây dựng lại Đền thờ bắt đầu, nhưng nó bị gián đoạn bởi sự thù địch của người Samari; một làn sóng lưu vong thứ hai trở lại, dưới sự lãnh đạo của Ét-ra, với sự ủy nhiệm từ nhà vua để áp đặt luật của người Do Thái (Ét-ra 7-10). Để giữ gìn sự trong sạch của người dân, Ét-ra chiến đấu chống lại hôn nhân với phụ nữ ngoại giáo.
Nơ-khê-mi-a kể lại việc xây dựng lại các bức tường của Giê-ru-sa-lem, dưới sự lãnh đạo của Nơ-khê-mi-a, được bổ nhiệm làm thống đốc thành phố. Dân Thiên Chúa, được bảo vệ khỏi kẻ thù của họ, có thể khôi phục lại sự thờ phượng Thiên Chúa, như Ngài xứng đáng được.
Tác giả sử dụng và trích dẫn các nguồn đương đại báo cáo các sự kiện: các chứng thư của các vị vua Ba Tư, danh sách chính thức của những người trở về, hồi ký của Ét-ra và Nơ-khê-mi-a (đoạn đầu tiên).
6. Tô-bi-a, Giu-đi-tha và Ét-te
Bản Phổ thông La-tinh xếp ba cuốn sách này liền sau các sách Lịch Sử, một số thủ bản Hy-lạp cũng xếp như thế, một số thủ bản Hy-lạp khác lại xếp sau các sách Khôn Ngoan. Bản văn của ba cuốn này có nhiều dị biệt theo các truyền thống khác nhau và được nhận vào quy điển khá trễ. Thể văn của ba cuốn này cũng đặc biệt. Các yếu tố lịch sử và địa dư đều rất phóng khoáng đến độ không thể ráp nối với thực tế. Có thể nói đây là ba cuốn tiểu thuyết đạo đức, ra đời ở thế kỷ II trước CN.
Sách Tô-bi-a nhằm đề cao đời sống đạo đức của những người sống xa Ðất Hứa. Chỉ cần trung thành giữ Luật Chúa, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức là đẹp lòng Chúa và được chúc phúc.
Sách Giu-đi-tha và sách Ét-te ca ngợi quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể dùng những phụ nữ yếu đuối như thế để cứu cả dân Do-thái, khi họ đặt hết niềm tin vào Người. Hai sách này xuất hiện trong bối cảnh cuộc nổi dậy của anh em Ma-ca-bê.
Cuốn sách này mô tả chiến thắng của người Do Thái đối với những kẻ bắt bớ họ trong đế chế Ba Tư. Sự giải thoát này là nguồn gốc của ngày lễ Purim (9,26-32). Thật kỳ lạ, tên của Thiên Chúa không xuất hiện ở Ét-te; Tuy nhiên, cuốn sách này nói rằng kẻ thù của anh ta chắc chắn sẽ bị đánh bại.
7. Sách 1-2 Ma-ca-bê
Hai cuốn sách lịch sử cuối cùng của Cựu Ước, không có trong quy điển của người Do-thái, nhưng được nhận vào quy điển của Hội Thánh Công Giáo.
Cuốn thứ nhất viết vào khoảng năm 100 trước CN, kể về giai đoạn lịch sử từ vua An-ti-ô-khi-ô Ê-pi-pha-nê lên ngôi (175 trước CN) đến vua Gio-an Hiếc-ca-nô (134 trước CN): các mưu đồ của vua Hy-lạp nhằm tiêu diệt đạo Do-thái và cuộc kháng chiến thành công của anh em Ma-ca-bê. Chủ đích là chống lại phong trào chạy theo văn hoá Hy-lạp và đề cao sự trung thành với Lề Luật và Ðền Thờ. Tác giả có vẻ muốn biện minh cho dòng họ Ma-ca-bê lúc đó đang bị chỉ trích vì những liên minh chính trị và việc tiếm đoạt chức tư tế.
Sách 2 Ma-ca-bê không phải là phần tiếp theo của 1 Mcb, nhưng được soạn trước, khoảng năm 124 trước CN. 2 Mcb kể về giai đoạn từ vua Xê-lêu-cô IV (trước vua An-ti-ô-khô) đến cái chết của tướng Ni-ca-no.
Sách 1 Ma-ca-bê quan trọng vì cung cấp những khẳng định rõ ràng về sự phục sinh, về sự thưởng phạt đời sau, về việc cầu nguyện cho người chết, về công trạng của các vị tử đạo, sự chuyển cầu của các thánh. Những điều này sẽ được Tân Ước xác nhận.
------------------------
---Còn tiếp---