Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 73

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 23/35 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 23/35

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

 

--------------------------------

IX. THÀNH LẬP NƯỚC ÍT-RA-EN NĂM 1948

Chủ  nghĩa Zion hiện đại đã đặt viên gạch đầu tiên cho ý tưởng về một quê hương đất nước của người Do Thái với tên gọi Vùng đất Ít-ra-en trên mảnh đất Palestine. Kể từ khi người Do Thái lưu vong gần 2.000 năm, Vùng đất Ít-ra-en vẫn luôn là tâm điểm trong ý thức của người Do Thái.

Thực tế thì ngay từ đầu những năm 1900, người Do Thái đã bắt đầu mua đất và phát triển những vùng định cư ở Palestine. Vào năm 1909, thành phố Tel Avil của người Do Thái đã được thành lập, và vào năm 1920, khoảng 50.000 người Do Thái đã di cư trở về Palestine. Đến năm 1933 dân số Do Thái ở Palestine đã lên tới 220.000 người.

Tháng 11 năm 1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một kế hoạch phân chia vùng Palestine, sau khi chế độ ủy trị của Anh chấm dứt trên mảnh đất này, thành hai nhà nước Ả Rập Palestine và Do Thái. Tháng Năm năm 1948, người Do Thái ở Palestine tuyên bố thành lập Nhà nước Ít-ra-en độc lập. Vào năm này, dân số của Ít-ra-en chỉ vẻn vẹn có 700 ngàn người. Sau năm 1948, với chính sách hỗ trợ và khuyến khích của Nhà nước Ít-ra-en, dòng chẩy những người Do Thái nhập cư từ khắp các miền đất trên thế giới vào Ít-ra-en tăng lên cuồn cuộn: năm 1949 là 239.576 người; năm 1950 là 170.249 người; năm 1951 là 175.095 người. Trong giai đoạn 1990-1999, sau sự sụp đổ của Liên Xô, gần một triệu người Do Thái quay trở về Ít-ra-en, phần lớn là khoa học gia, kỹ sư, chuyên viên học thức cao. Diện mạo của đất nước Ít-ra-en thay đổi không ngừng. Hiện nay 9 trong 10 người Ít-ra-en là dân nhập cư hoặc là con cháu thế hệ thứ nhất hay thứ hai của dân nhập cư. Ít-ra-en giờ là nơi sống của những người có 70 quốc tịch gốc và các nền văn hóa khác nhau.

Về phần nhà nước Ả Rập Palestine, do xung đột kéo dài, phải đến tháng Năm năm 1994, sau Hiệp định Oslo, Chính quyền Palestine (tự trị) đứng đầu là Yasser Arafat mới được thành lập trên hai vùng đất tách biệt: Bờ Tây và Dải Gaza. Hai bộ phận này của lãnh thổ Palestine trên thực tế là hai vùng đất cách nhau khoảng 45 km. Bờ Tây nằm giữa Giê-ru-sa-lem – từ lâu đã được tuyên bố là thủ đô của cả Palestine và Ít-ra-en – và Jordan về phía Đông. Dải Gaza là một dải đất nhỏ dọc theo bờ biển Địa Trung Hải phía Tây của Ít-ra-en.

Văn hào Mác-cô Twain [1835-1910] khi ghé thăm Palestine vào năm 1867, đã mô tả nó là: “… Một đất nước hoang vắng phủ đầy cỏ dại đến thê lương trong im lặng…. Chúng tôi không thấy một bóng người trên đường đi …. hầu như không một cây xanh hoặc một bụi cây ở bất cứ đâu. Ngay cả ô liu và xương rồng, những bạn bè gần gũi của khô cằn, đã gần như rời bỏ đất nước này…“. Nếu ông còn sống và quay trở lại Ít-ra-en vào lúc này, ông sẽ phải sững sờ mà chứng kiến rằng một màu xanh của cây trồng và rau quả đã che phủ hầu hết các vùng đồi núi xa mạc hoang vu ngày xưa, các thành thị đang mọc lên, và sau hết, cuộc sống nơi đây đang nảy mầm.

PHỤ LỤC: CÁC CỘT MỐC THỜI GIAN

3760 TCN: Bắt đầu lịch Do Thái.

1812 TCN: Ngày sinh theo truyền thống của Abraham.

~1700 TCN: Jacob lãnh đạo người Do Thái di cư đến Ai Cập.

1300 TCN: Mô-sê dẫn người Do Thái chạy trốn khỏi Ai Cập về Miền Đất Hứa (Xuất hành). Trên đường đi, Mô-sê nhận Mười Điều Răn của Thiên Chúa tại núi Sinai, Ai Cập.

1175 TCN: Người Philistines xuất hiện ở Canaan.

1200-400 TCN: Giai đoạn Sách Torah  được biên soạn.

1000-586 TCN: Thời gian áng chừng của các vương quốc Ít-ra-en theo Kinh Thánh.

1043-1010 TCN: Người Do Thái thành lập vương quốc Ít-ra-en, trị vì bởi Saul.

1002-970 TCN: David trị vì Ít-ra-en, lấy Giê-ru-sa-lem làm thủ đô.

970-931 TCN: Salomon nối ngôi David và bắt đầu qui hoạch xây dựng lại Giê-ru-sa-lem.

922 TCN: Vương quốc Ít-ra-en bị chia thành Ít-ra-en ở phương Bắc và Giu-đa ở phương Nam. Giê-ru-sa-lem trở thành thủ đô của Giu-đa.

825 TCN: Đền thờ Giê-ru-sa-lem được hoàn thành.

720 TCN: Người Assyria xâm lược Ít-ra-en và trục xuất 10 bộ tộc người Do Thái.

625 TCN: Đế quốc Assyria bị liên minh của Đế quốc Babylon và Median tiêu diệt.

586 TCN: Vua Nebuchadrezzar II của Babylon phá hủy Đền thờ của Salomon  và bắt dân Do Thái về Babylon làm nô lệ. Kết thúc thời kỳ Đền thờ thứ Nhất [825 TCN – 586 TCN].

538 TCN: Đại đế Cyrus của Ba Tư tiêu diệt Đế quốc Babylon và cho phép người Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem. Một số người lựa chọn không trở về: bắt đầu thời kỳ Cộng đồng Do Thái lưu vong.

538 TCN: Sau khi trở về từ Babylon, các học giả Do Thái bắt đầu sử dụng chữ viết Aramaic để viết chữ Hebrew.

515 TCN: Khánh thành Đền thờ Giê-ru-sa-lem xây dựng lần thứ hai. Bắt đầu thời kỳ Đền thờ thứ Hai.

480-440 TCN: Ezra giúp thiết lập lại trật tự của Giu-đa và qui điển hóa Tanakh. Tanakh – Kinh Thánh Hebrew – trở thành kinh sách căn bản của Do Thái giáo, đặt ra những lề luật cho đời sống hàng ngày, giữ gìn văn hóa và lễ nghi Do Thái.

Thế Kỷ 5 TCN: Canaan rơi vào tay Đế chế Macedonia của Alexander Đại Đế.

198 TCN: Antiochus III của dòng họ Seleucid chinh phục Palestine.

166 TCN: Cuộc khởi nghĩa của người Do Thái dưới sự lãnh đạo của Maccabees dẫn đến việc thành lập vương quốc Do Thái độc lập dưới sự trị vì của các vua Do Thái triều đại Hasmoneans [164-63 TCN].

63-65 TCN: Đại giáo chủ của phái Pharisees Joshua Ben Gamla ban hành sắc lệnh tôn giáo “takkanah”yêu cầu tất cả các ông bố Do Thái phải gửi con trai 6-7 tuổi tới trường tiểu học.

63 TCN: Quân La Mã xâm lược Ít-ra-en.

Những vị vua cuối cùng của nhà Hasmonean (63-37 TCN)

66 TCN: Các đội quân La Mã đụng độ với người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem, khởi đầu cho cuộc Đại khởi nghĩa của người Do Thái.

Triều đại các vua Herođê (37 TCN đến 44 SCN)

Các năm cuối của Đền thờ và chiến tranh người Do thái (44-73 SCN)

70: Quân La Mã đánh chiếm Giê-ru-sa-lem và san bằng Đền thờ. Người Do Thái di cư khắp Đế quốc La Mã. Kết thúc thời kỳ Đền thờ thứ Hai [515 TCN – 70 SCN].

TK 1 – TK 6: Babylon là trung tâm sinh hoạt của người Do Thái lưu vong.

200: Sách Mishna hoàn thành.

313-636: Đế quốc Byzantine cai trị Palestine.

500: Sách Talmud (Pháp điển) của Babylon hoàn thành. Thời kỳ thế kỷ 3-5 gọi là Thời kỳ Talmud.

636-1091: Người Ả Rập cai trị Palestine.

TK 8 – TK 15: Tây Ban Nha là trung tâm sinh hoạt của người Do Thái lưu vong.

1091-1099: Người Seljuk chiếm Palestine.

1099-1291: Quân Thập Tự Chinh chiếm Palestine.

1291-1516: Quân Mamluk chiếm Palestine.

1492: Vua Tây Ban Nha ra sắc lệnh trục xuất người Do Thái.

1517-1917: Palestine thuộc Đế Quốc Ottoman.

TK 16 – TK 18: Ba Lan là trung tâm sinh hoạt của người Do Thái lưu vong.

1840: Rabbi Giu-đa Alkalai ở Bosnia khởi đầu ý tưởng về Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism).

1881: Cuộc đại tàn sát người Do Thái tại Nga của Nga Hoàng.

1897: Theodor Herzl tổ chức quốc Đại hội Zionist để bắt đầu di cư về Đất Thánh.

1901: Theodor Herzl gặp Vua Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman là Abdulhamid II để yêu cầu thành lập quốc gia Do Thái trên mảnh đất Palestine.

1917: Quân đội Anh đánh bại người Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman) và giữ quyền ủy trị Palestine cho đến 1948.

1933: Hitler lên cầm quyền tại Đức.

1939-1945: Thế Chiến II, thảm sát Holocaust. Phát xít Đức giết hại 6 triệu người Do Thái trong các trại tập trung.

1947: Liên Hiệp Quốc đồng ý kế hoạch chia Palestine thành hai quốc gia Do Thái và Ả Rập Palestine.

14/5/1948: Quốc gia Do Thái chính thức ra đời với tên gọi Ít-ra-en, tuyên bố độc lập ngày 14/05/1948. Hơn 1 triệu người Palestine rời khỏi Ít-ra-en. Khoảng 250.000 người Do Thái sống sót khỏi thảm sát Holocaust ở châu Âu trở về đất tổ.

-------------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo