Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 148

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 24/35 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 24/35

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

   --------------------------------

GIỚI THIỆU TÂN ƯỚC

Chúng ta có thông tin tốt hơn về hoàn cảnh soạn thảo các sách của Tân Ước so với hoàn cảnh Cựu Ước. Thật vậy, nhiều trong số những sách này có chữ ký tác giả (các thư) và chúng ta cũng biết đến những người nhận (ví dụ Luca 1,1-4 hoặc thư gởi cho Philemon, hoặc thư thứ nhất gửi cho Cô-rinh-tô , trong đó Phao-lô trả lời các câu hỏi của giáo nhân thành Cô-rinh-tô).

Tân Ước bao gồm 27 cuốn sách, được viết trong thời gian khoảng nửa thế kỷ. Những cuốn sách này được viết bằng tiếng Hy Lạp; tuy nhiên, có một nghi ngờ nhỏ đối với Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Một số học giả tin rằng ban đầu Tin Mừng được viết bằng tiếng Aram và sau đó chỉ được dịch sang tiếng Hy Lạp.

Tân Ước có bốn phần: các sách Tin Mừng, sách Công vụ, các thư và sách Khải huyền. Nhưng ranh giới giữa các phần khác nhau không luôn đóng kín. Sách Công vụ được trình bày như là sự tiếp nối Tin Mừng theo Thánh Luca. Các thư, như Công vụ, chứa các bản tóm tắt của Tin mừng: Công vụ 10, 34-43 chẳng hạn, hoặc 1 Cô-rin-tô 15,1-5. Trong sách Khải huyền có bảy lá thư gửi đến các giáo hội. Một số tường thuật sách Công vụ được đề cập trong các thư.

Nhưng đặc biệt Tân Ước có một sự hiệp nhất đáng chú ý: từ đầu đến cuối, mục đích là làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, dẫn dắt độc giả tin vào Chúa Kitô và giúp họ sống như môn đệ của Chúa Giêsu.

I. BỐI CẢNH BỐN SÁCH TIN MỪNG

Các sách Tin Mừng không phải là những cuốn sách được soạn thảo đầu tiên trong Tân Ước. Hầu hết các thư có trước các Tin Mừng. Nhưng các sách Tin mừng, theo đúng nghĩa của tên gọi các sách, đã được loan báo chính thức vào ngày lễ Ngũ tuần, lễ Thiên Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trong một thời gian dài, Tin mừng đã được các Tông đồ loan báo trực tiếp trước khi được viết thành văn bản. Chỉ có một Tin Mừng. Nhưng bốn thánh sử khác nhau đã tường thuật, mỗi người theo cách riêng của mình, có thể họ soạn thảo cho những độc giả khác nhau, nhưng luôn có cùng mối quan tâm: làm cho Chúa Giê-su Ki-tô được cả thế giới biết đến và kêu gọi mọi người tin vào Ngài.

Chúng ta có thể phân biệt trong Tin Mừng, lời rao giảng (theo tiếng Hy Lạp, kerygma) có nghĩa là Tin mừng được loan báo cho đám đông. Đây là những gì Chúa Giêsu đã làm, những gì đã xảy ra với Ngài, Ngài bị giết như thế nào, Ngài đã phục sinh như thế nào; và giáo huấn (theo tiếng Hy Lạp, didaché), đặc biệt dành cho các môn đệ để củng cố họ trong đức tin và giúp họ sống theo thầy của mình. Nhưng chúng ta cũng lưu ý đến hai khía cạnh này của thông điệp Tin Mừng không phải lúc nào cũng có thể tách rời; một số dụ ngôn, chẳng hạn, được gửi đến đám đông và chứa đựng một giáo lý: dụ ngôn về cỏ lùng (Mt 13,24-30 và 36-43).

1. Nguồn gốc các sách Tin Mừng

a. Tiểu sử hay loan báo

 Ít ra từ một thế kỷ nay, các nhà chuyên môn về Kinh Thánh đã nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh những vấn đề có liên quan tới nguồn gốc và sự phát triển của các Sách Tin Mừng. Các Sách ấy đã được tiến hành biên soạn như thế nào? Các Sách ấy đã được viết ở đâu và đã được viết khi nào?

Trong một thời gian dài các nhà chuyên môn về Thánh Kinh cho là tạm đủ khi biết rằng Mát-thêu, một nhân viên thu thuế và là một tông đồ, đã viết Tin Mừng thứ nhất; rằng Mác-cô đã biên soạn Tin Mừng thứ hai dựa vào lời rao giảng của Phê-rô; rằng Lu-ca đã tường thật lại những điều mà “các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vu Lời Chúa truyền lại cho chúng ta” (Lc 1,2). Sau hết là Gio-an tông đồ đã viết “một Sách Tin Mừng mang tính tâm linh” là những suy tư về cũng một sứ điệp Tin Mừng kia. Còn ngày nay những người tìm hiểu Tân Ước muốn biết trước khi các tác giả quyết định viết thành Sách Tin Mừng thì đã xẩy ra những chuyện gì? và các Sách Tin Mừng đã được viết ra vào bán phần thứ hai của thế kỷ thứ nhất như thế nào?

Đã có lúc người ta cho rằng người ta có thể viết Tiểu Sử của Đức Giê-su từ những sự kiện trong cuộc đời Ngài đã được Tin Mừng Nhất Lãm ghi chép lại. Tin tưởng rằng các Sách Tin Mừng chứa đựng những gì liên quan tới Đức Giê-su, các nhà văn đã thử rút ra tất cả những chi tiết mà họ có thể thu góp được làm chất liệu cho việc xây dựng một chuyện kể liên tục về cuộc đời Đức Giê-su. Nhưng rất nhanh chóng người ta nhận ra rằng đó là một công việc rất khó thực hiện và người ta còn thiếu nhiều dữ kiện quan trọng.

b. Những khác biệt trong các Sách Tin Mừng

Chẳng hạn các Sách Tin Mừng không đếm xỉa gì tới giai đoạn giữa biến cố Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem vào lúc 12 tuổi (Lc 2,41-51) và khi ngài bắt đầu cuộc sống công khai lúc ngài khoảng “ba mươi tuổi”(Lc 3,23). Hơn nữa Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca có nhiều khác biệt đáng kể về các chi tiết khi các ngài kể lại các sự kiện. Hơn nữa trong Sách Tin Mừng thứ tư tức Sách Tin Mừng của Gio-an, việc sắp xếp các sự kiện về cuộc đời Đức Giê-su lại khác xa với cách sắp xếp của các Sách Tin Mừng Nhất Lãm (ví dụ sự kiện tẩy uế đền thờ).

 Có thể đưa ra hai giải pháp để giải quyết vấn đề trên. Giải pháp thứ nhất của một số người là, dựa vào trí tưởng tượng, họ cố gắng xây dựng những phần còn thiếu bằng cách chọn lọc những chi tiết có thể đóng góp vào bối cảnh của các sự kiện. Giải pháp thứ hai của một số người khác là họ tự hỏi xem Tin Mừng muốn nói gì với mình về Đức Giê-su?

Những người chọn giải pháp thứ nhất phải gò các thông tin có giá trị vào trong các khuôn đã được định trước do nhu cầu về tiểu sử bắt buộc. Những người chọn giải pháp thứ hai nỗ lực đi xa hơn những thông tin về tiểu sử đã tìm thấy trong các sự kiện có gía trị và tìm hiểu ý nghĩa sâu xa hơn gắn liền với các sự kiện ấy. Vì ý thức hơn về bản chất đích thực của các Sách Tin Mừng, các nhà chuyên môn thường bị thúc ép phải viết nên Tiểu Sử Đức Giê-su (Albert Schweitzer), và nhìn nhận các Sách Tin Mừng là một Lời Công Bố. Vì thế người ta đã xử dụng một cách thức mới để tiếp cận các Sách Tin Mừng và các bản văn bắt đầu mang một ý nghĩa to lớn hơn chứ không chỉ là chứa đựng các dữ kiện có tính tiểu sử. Một cuộc cách mạng trong công cuộc tìm hiểu Thánh Kinh đã được thực hiện.

2.  Ba giai đoạn loan báo Tin Mừng

a. Trình tự thời gian

Các Sách Tin Mừng xuất hiện như những Sách đầu tiên của Tân Ước. Tuy nhiên các Sách ấy không phải là những tác phẩm văn chương đầu tiên của Ki-tô giáo, như chúng ta đã nói trên đây. Các Thư của Phao-lô đã được viết trước Sách Tin Mừng có sớm nhất (khoảng năm 50-60 sau Công Nguyên). Và cho dù có chứa đựng những tư liệu đã có trước, các Sách Tin Mừng cũng chỉ được biên soạn vào khoảng thời gian từ năm 65 đến năm 100 sau Công Nguyên mà thôi.

Vì thế cho nên trong bất kỳ cách sắp xếp về trình tự thời gian nào của các Sách Tin Mừng thì các Sách ấy cũng được xếp sau các Thư của Phao-lô. Đó là một yếu tố quan trọng mà chúng ta phải quan tâm để hiểu cho đúng về các Sách Tin Mừng. Điều đó có nghĩa là đã có một khoảng thời gian chừng 35 năm trong đó Ki-tô giáo giảng dạy và hoạt động truyền giáo trước khi xuất hiện cuốn Sách đầu tiên ghi chép về hoạt động và lời giảng dạy của Đức Giê-su, dưới dạng Sách Tin Mừng.

b. Ba giai đoạn

Nếu biến cố Đức Giê-su chết và phục sinh xẩy ra vào năm 30 sau Công Nguyên và Sách Tin Mừng đầu tiên chỉ xuất hiện vào khoảng năm 65-70 sau Công Nguyên, thì có gì đã xẩy ra trong khoảng thời gian 35 năm ấy? Tài liệu “Huấn Thị về Chân Lý Lịch Sử của Các Sách Tin Mừng” của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh (1964) cung cấp cho chúng ta một hướng dẫn quan trọng, như sau:

Liên quan tới giá trị đáng tin cậy của những điều được chuyền tải trong các Sách Tin Mừng, nhà chú giải - nếu muốn phán đoán một cách chính xác - phải quan tâm đến ba giai đoạn của Truyền Thống qua đó Giáo huấn và Cuộc sống của Đức Giê-su đã được truyền lại cho chúng ta (VI,2). Nếu không quan tâm tới những điều có liên quan tới nguồn gốc và sự hình thành của các Sách Tin Mừng và không biết sử dụng một cách đúng đắn tất cả những thành tựu của công cuộc khám phá mới, thì nhà chú giải sẽ không làm tròn trách nhiệm của mình là tìm hiểu những gì mà các tác giả được linh ứng muốn nói và thực sự nói trong các Sách Tin Mừng ấy (X).

“Ba giai đoạn của Truyền Thống”mà Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh nhắc đến ở trên là:

1. Giai đoạn Đức Giê-su sống tại Pa-lét-tin;

2. Giai đoạn các Cộng Đoàn Giáo Hội Tiên Khởi được hình thành sau Biến Cố Phục Sinh trong xứ Pa-lét-tin cũng như ở bên ngoài xứ sở ấy; vai trò của các Cộng Đoàn ấy trong việc hình thành các Sách Tin Mừng;

3. Giai đoạn các tác giả Sách Tin Mừng viết các Sách Tin Mừng.

3. Đời sống Chúa Giê-su tại Pa-lét-tin

 Thường thì chúng ta giải thích nguồn gốc các Sách Tin Mừng bằng cách bắt đầu với 4 tác giả và với công trình mà các ngài đã thực hiện. Các ngài đã có một chia sẻ quan trọng trong bản văn các Tin Mừng. Tuy nhiên, các ngài chỉ thuộc về giai đoạn thứ ba, tức giai đoạn sau cùng của Truyền Thống mà thôi. Trước khi các ngài viết các Sách Tin Mừng thì các Tông Đồ và các nhà rao giảng đầu tiên của Ki-tô giáo đã dùng chính lời nói từ miệng các ngài mà công bố Tin Mừng về lời nói và việc làm của Đức Giê-su. Chúng ta gọi đó là Truyền Thống Truyền Khẩu. Vì thế, trước khi nhìn vào các nguồn văn, chúng ta phải tìm tòi giai đoạn Truyền Thống Truyền Khẩu liên quan tới Đức Giê-su. Các nghiên cứu so sánh câu chuyện phía sau các Sách Tin Mừng với điều mà người ta biết trong các xã hội không có hoặc có ít học vấn, cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa Truyền Thống Truyền Khẩu và Truyền Thống Thành Văn. Vì vậy trước khi chúng ta phân tích các Sách Tin Mừng như là một tác phẩm văn chương thì chúng ta phải nhìn vào Truyền Thống Truyền Khẩu là Truyền Thống có trước khi bản văn đầu tiên xuất hiện.

Trước lúc các Tông đồ và các nhà rao giảng Ki-tô giáo hoạt động thì bằng lời nói và việc làm riêng của mình, Đức Giê-su đã công bố Tin Mừng. Vì thế những gì mà chúng ta tiếp cận được khi chúng ta đọc các Sách Tin Mừng là thành quả sau cùng của ba giai đoạn và cách riêng của công trình của các tác giả Tin Mừng, nhưng khởi điểm của tất cả những quá trình đó là chính Đức Giê-su.

a. Lời nói và việc làm của Chúa Giê-su

Một điều hết sức quan trọng mà chúng ta luôn phải lưu ý là các Sách Tin Mừng xoay quanh các “lời nói và việc làm của Đức Giê-su.” Các Sách Tin Mừng không chỉ chứa đựng các lời Đức Giê-su đã nói, mà cũng không chỉ tường thuật lại các việc Đức Giê-su đã làm. Những lời Đức Giê-su đã nói và những việc Đức Giê-su đã làm không sao có thể tách rời nhau được và phải được xem xét trong thế bất khả phân ly ấy. Ngay từ lúc khởi đầu này chúng ta nên xem hai yếu tố ấy - lời nói và việc làm - chứa đựng những gì.

"Chính Đức Ki-tô Chúa chúng ta đã chọn các môn đệ trong số những người đã đi theo Người từ buổi đầu, đã chứng kiến các việc Người làm, đã nghe các lời Người nói và bằng cách ấy họ được trang bị để làm chứng cho cuộc sống và giáo lý của Người. Khi dùng miệng lưỡi mà cắt nghĩa giáo lý của mình, Đức Giê-su đã theo cách lý luận và cách trình bày đang thịnh hành thời bấy giờ. Người thích ứng với não trạng của thính giả và thấy những gì Người nói gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí các môn đệ và được họ ghi nhớ " (Huấn Thị, VII).

b. Lời nói

Khi chúng ta nghe từ Tin Mừng chúng ta nghĩ ngay đến một trong các Sách Tin Mừng. Tin Mừng có nghĩa là Tin Vui, Tin Tốt Lành. Từ này trong ngôn ngữ Hy Lạp là EUANGELION, có nghĩa là Tin Mừng Cứu Độ. Vì thế Tin Mừng có nghĩa là Sứ Điệp, là việc Loan Báo Ơn Cứu Độ.

Từ Tin Mừng theo nghĩa nguyên thủy có ý nhắc đến lời nói. Đức Giê-su đã không hề viết một hay bốn Sách Tin Mừng. Đức Giê-su đã loan báo Tin Mừng và Người mong muốn người ta nghe Người nói. Tất cả những gì được viết ra có liên quan tới lời giảng dậy của Người là do những người khác viết.

Do đó, khi chúng ta sử dụng từ Tin Mừng, chúng ta có ý nói đến:

1. Những Tin Tốt Lành mà chính Đức Giê-su đã rao truyền như trong Mc 1,14-15:

Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

2. Lời rao giảng về Đức Giê-su của các Tông đồ và Ơn Cứu Độ nơi Người như trong Cv 15,7:

Ông Phê-rô đứng lên nói: ”Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo.

c. Các tác giả Sách Tin Mừng là những người công bố Lời Chúa

Chúng ta nên nhấn mạnh vào sự kiện này là khởi thủy Tin Mừng là việc rao giảng và đón nghe, chứ không phải là việc viết và đọc.

Trong Tân Ước, từ Tin Mừng liên quan tới hoạt động của người rao giảng, điều đó có nghĩa là tác giả Tin Mừng được hiểu là người rao giảng chứ không phải là người viết. Thật thế, Phao-lô đã nhắc đến sự có mặt của các người rao giảng Tin Mừng trong cộng đoàn trước ngày mà Sách Tin Mừng đầu tiên được viết ra (Ep 4,11). Một điều hiển nhiên là ở buổi đầu tác giả Tin Mừng chẳng gắn liền với bất cứ hoạt động ghi chép nào.

Qua quá trình thời gian các từ thường thay đổi và mang một ý nghĩa đặc thù hơn hoặc có tính kỹ thuật. Điều đó cũng đã xảy ra đối với từ euangelion. Từ này chuyển sang nghĩa là những sách ghi chép về cuộc sống và lời rao giảng của Đức Giê-su. Và vì thế các tác giả bốn Tin Mừng biến thành những nhà viết Sách Tin Mừng. Sự thay đổi trọng tâm từ điều được nói sang đều được viết đã được thực hiện vào nữa thứ hai của thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. Sự phát triển này không đương nhiên xuất phát từ ý nghĩa nguyên thủy của từ. Chúng ta không nên để cho việc thay đổi ấy làm lu mờ ý nghĩa ban đầu của từ euangelion (Tin Mừng).

4. Việc làm của Chúa Giê-su

Khi chúng ta sử dụng từ mặc khải, thường chúng ta nghĩ đến tất cả những gì Thiên Chúa hay Đức Giê-su đã nói ra và chỉ những gì đã nói ra. Nhưng Thiên Chúa không nói. Thiên Chúa không có miệng! Điều mà Thánh Kinh muốn ám chỉ là vào một thời điểm nhất định Thiên Chúa làm cho Dân Chúa hay một người nào đó hiểu ra một điều gì đó, như A-bra-ham hay Mô-sê. Nhưng Thiên Chúa có cả trăm cách để làm cho người ta nhận biết thánh ý hay kế hoạch của Người. Khác với Thiên Chúa, Đức Giê-su là một con người thật sự, Người nói, nhưng điều mà Người mặc khải cho chúng ta không chỉ giới hạn trong lời nói của Người.

a. Mặc khải với việc làm

Các Tin Mừng không phải là một tổng hợp những giáo huấn như một minh chứng về sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử. Tuy nhiên các Tin Mừng không nhằm chứng minh tính chân thực của các ý tưởng tôn giáo cho bằng nhằm mục đích chứng minh sự kiện Thiên Chúa hành động giữa dân Người. Bằng chứng ấy chạy dài trong Kinh Thánh, như được ghi trong lời sau đây:

"Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. Đức Chúa đã giang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập” (Đnl 26,7-8).

Bản văn trên là một phần của lời tuyên xưng niềm Tin mà Dân Chúa đọc vào dịp dâng của lễ đầu mùa (Đnl 26, 4-11). Điều ấy khẳng định rằng mặc khải mà Thiên Chúa tự mình thực hiện trong lịch sử thì trước hết là mặc khải bằng hành động. Đức Giê-su cũng tiếp tục sử dụng phương pháp sư phạm ấy và rao giảng Triều Đại của Thiên Chúa. Khi Người dùng các dụ ngôn để nói về Triều Đại ấy thì Người biểu hiện bằng hành động cho người ta thấy Triều Đại của Thiên Chúa, y như trong các phép lạ Người làm và như trong cách xử sự của Người. Thực ra, chính trong cung cách ấy mà chúng ta có thể hiểu về các câu chuyện phép lạ được tường thuật lại trong các Tin Mừng. Các phép lạ ấy không phải là những bằng chứng về thần tính của Đức Giê-su cho bằng là sự khởi đầu Triều Đại của Thiên Chúa trong một cung cách mới mà Đức Giê-su đem đến.

b. Lời nói và việc làm hòa cùng một mặc khải

Thiên Chúa tự mặc khải mình cả bằng lời nói lẫn bằng việc làm. Hai yếu tố ấy được tìm thấy trong các Tin Mừng, không thể tách rời nhau và mang tính bổ túc cho nhau. Các lời Đức Giê-su nói sẽ có ít ý nghĩa nếu như các lời ấy không liên kết với các việc Người làm. Chẳng hạn chúng ta hãy nhớ lại lời tuyên bố của Đức Giê-su:”Tội con đã được tha”(Mc 2,5) và thái độ của Đức Giê-su diễn tả sự tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa. Nói cách khác, các việc Đức Giê-su làm có thể thường được hiều theo cùng một hướng với các lời Người nói.

c. Chúa Giê-su là con người của thời đại

Lời nói và việc làm của Đức Giê-su đã xẩy ra trong thời gian và không gian. Điều đó có nghĩa rằng các lời nói và việc làm ấy mang sắc thái của thời đại và của địa phương mà chúng đã được nói lên và đã được làm. Không phải vấn đề là làm thế nào mà sau biến cố Phục Sinh các Ki-tô hữu đầu tiên có thể đi đến chỗ nhận biết và tin rằng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa”(Mc 1,1), vì những người đương thời với Đức Giê-su đã chẳng hề nhìn thấy Thiên Chúa hoặc nghe Thiên Chúa nói (xem 1 Ga 4,12). Họ đã nhìn thấy một con người và nghe người đó nói: đó là Đức Giê-su Na-da-rét (Ga 9,11). Đức Giê-su không phải là Thiên Chúa tàng hình đi đi lại lại. Chúng ta phải xem sự kiện Nhập Thể là một việc nghiêm chỉnh. Đức Giê-su là một người thật sự của thời đại Người. Người là một người Do Thái ở thế kỷ thứ nhất. Người đã đi đây đi đó, đã hành động và suy nghĩ như một người Do Thái lúc bấy giờ. Điều đó có tầm quan trọng đặc biệt để chúng ta hiểu về điểm xuất phát của Truyền Thống Tin Mừng, là Truyền Thống chứa đựng lời nói và việc làm của Đức Giê-su, vì điều đó có liên hệ với:

(1) Ngôn ngữ của Đức Giê-su,

(2) Bối cảnh xã hội-kinh tế và chính trị,

(3) Nền văn hóa,

(4) Thế giới quan đương đại.

d. Ngôn ngữ của Đức Giê-su.

Đức Giê-su nói năng như một người thuộc thời đại và địa phương mình. Người nói tiếng A-ram, một thứ ngôn ngữ sê-mít có nhiều giới hạn mà một trong những giới hạn ấy là không có “thể”so sánh. Người ta không thể nói “hơn, kém”trong ngôn ngữ A-ram. Thay vào đó dân chúng dùng kiểu nói cực đoan, đối chọi, ví dụ: ”Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 22,14). Hơn nữa để nói về các thiên thần và ma quỉ Đức Giê-su đã có thể nói như người đồng thời của mình và các từ ngữ Người dùng chắc chắn không thể được coi là những bằng chứng có tính giáo lý về sự có mặt của các Thiên Thần. (Tuy nhiên, chúng tôi không thể nói ở đây rằng nhận xét vừa nêu giải quyết cách dứt khoát vấn đề có thiên thần và ma quỉ. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng các lời nói của Đức Giê-su không đương nhiên được coi là các chứng cớ có tính quyết định).

e. Bối cảnh xã hội-kinh tế và chính trị.

Đức Giê-su đã sinh ra vào một trong những thế kỷ nhiều chiến tranh và nhiều dấy loạn nhất của lịch sử dân Do Thái (và các Tin Mừng -thật ra là toàn bộ Tân Ước- đã được viết có ý phản kháng lại cái bối cảnh đầy âu lo đã tác động đến các miền ở ngoài Pa-lét-tin, nơi mà người Do Thái cư ngụ). Xứ Pa-lét-tin của thời Đức Giê-su là một xứ sở bị chiếm đóng. Các nguyên nhân của tình trạng âu lo trên được thâu tóm như sau:

1. Quân đội nước người chiếm đóng,

2. Mâu thuẫn giai cấp và bài giáo sĩ,

3. Xã hội đầy tội phạm,

4. Tôn giáo quá khích,

5. Xuất hiện các ngôn sứ cách mạng và những người cho mình là mê-si-a,

6. Nếp sống vô luân của các quan chức Ro-ma,

7. Tranh giành giữa các nhóm cách mạng khác nhau,

8. Chế độ sưu cao thuế nặng vừa do người Ro-ma, vừa do vua Hê-rô-đê và các vua kế vị,

9. Mối hận thù sâu đậm giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri (J.M.Ford).

f. Nền văn hóa.

Nền văn hóa của thời Đức Giê-su là một nền văn hóa mang tính thánh thiêng hơn là phân biệt thành nhiều lãnh vực khác nhau (kinh tế, chính trị, giáo dục, tôn giáo). Tất cả mọi lãnh vực đều hòa trộn vào nhau.

Một nghiên cứu về đời sống xã hội xứ Ga-li-lê cho thấy các sắc thái chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa liên kết với nhau như thế nào. Khi lượng giá các bức họa của Tin Mừng phải nói rằng cho dù thiếu chi tiết hay mối quan tâm trình bày toàn bộ hệ thống, có một điều đáng tin căn bản đối với bối cảnh hơn là những nguồn tài liệu văn chương hay khảo cổ khác.

Điều nổi bật là làng xã và nông dân làm nền cho văn hóa cho vùng đất Ga-li-lê. Mặc dù chịu áp lực của nhiều thành phần khác nhau nhất là của giới ưu tú là giới làm nên nhóm Hê-rô-đê trong lãnh thổ An-ti-pas, và dòng dõi tư tế ở Giê-ru-sa-lem với cả hai khuynh hường tôn giáo và trần thế. Thêm vào đó, nền văn hoá của thế giới Hy Lạp phổ biển là một kinh nghiệm nhiều giá trị. Trong khi nền văn hoá ấy cung cấp nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế thông qua sự phát triển thị trường và các dịch vụ khác, thì nền văn hoá ấy cũng tạo nên một môi trường thù nghịch trong đó các nền văn hoá thấp kém (văn hóa địa phương) luôn trong thế bị đe dọa bị lấn chiếm hoặc tiêu hủy hoàn toàn (S. Freyne).

-------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo