Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 237

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 25/35 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 25/35

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

--------------------------------

I. BỐI CẢNH BỐN SÁCH TIN MỪNG

5. Người đương thời không hiểu Chúa Giê-su

 a. Có hai cách không hiểu.

Sự kiện Đức Giê-su đã nói năng theo cung cách diễn tả và các giá trị mà mọi người thời đó chấp nhận không có nghĩa là Người được người ta hiểu thực sự. Đúng ra Đức Giê-su thường không được người ta hiểu. Nhưng thử hỏi bản chất của sự không hiểu đó là thế nào? Việc không hiểu có thể xẩy ra ở nhiều mức độ khác nhau. Có thể chỉ ở mức độ thuần giao tiếp: một điều gì đó được truyền đạt và vì lý do này hay lý do khác thông tin ấy không đến được với những người mà nó được chuyển tới. Nhưng cũng có thể hiểu ở mức độ sâu hơn, khi việc hiểu có nghĩa là dấn thân, là chấp nhận v..v.. Ở mức độ này việc không hiểu xẩy ra khi dân chúng không sẵn sàng đối với những thay đổi mà họ được đề nghị. Chúng ta chấp nhận rằng Đức Giê-su đã không được người ta hiểu trong mức độ thứ hai này.

 b.  Người ta không hiểu Đức Giê-su.

Đức Giê-su không được đám đông và các đối thủ hiểu, cũng không được thân nhân, kể cả mẹ Người, hiểu (Mc 3,20-21, 31-35; Lc 2,50); và điều quan trọng hơn nữa là Người cũng không được các môn đệ của mình hiểu, như các tác giả Tin Mừng, nhất là Mác-cô đã ghi nhận:

- Sau khi Đức Giê-su đi trên mặt biển hồ:

“Vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: lòng trí các ông còn mê muội”(Mc 6, 52).

- Sau phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ hai:

”Biết thế Người nói với các ông: ”Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế?”(Mc 8, 17).

Lu-ca cũng ý thức về vấn đề này vì ngài đã kể lại phản ứng của các môn đệ sau khi Đức Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ ba:

Nhưng các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không hiểu những điều Người nói.

Ngay cả sau khi Đức Giê-su đã chết và đã phục sinh thì các môn đệ vẫn chưa hiểu. Dường như các ông đã nuôi một giấc mộng khác:

Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en” (Lc 24, 21).

Và Gio-an tường thuật rằng họ quay lại với nghề cũ:

“Ông Si-mon Phê-rô nói với các ông: ‘Tôi đi đánh cá đây.’ Các ông đáp: ‘Chúng tôi cùng đi với anh.”(Ga 21,3).

 c. Một hiểu biết mới.

Nhưng nếu các môn đệ đã không hiểu những gì Đức Giê-su đã nói và đã làm (ví dụ xem Mc 6,52), thì sau biến cố Phục Sinh các ngài rao giảng cái gì khi các ngài bắt đầu sứ vụ của mình?

Khi các môn đệ bắt đầu sứ vụ của mình sau biến cố Phục Sinh, các ngài đã chẳng trình bày các lời nói và việc làm của Đức Giê-su như các ngài đã nghe, đã thấy – mà thường là các ngài không hiểu – trong giai đoạn Đức Giê-su sống với các ngài, nhưng các ngài trình bày các lời nói và việc làm ấy của Đức Giê-su như các ngài đã hiểu sau và trong ánh sáng của kinh nghiệm Phục Sinh là kinh nghiệm bao hàm cả Phục Sinh, Thăng Thiên và Hiện Xuống. Thật thế, chỉ sau Phục Sinh các môn đệ mới bắt đầu hiểu ý nghĩa sâu xa của các lời mà Đức Giê-su đã nói và các việc mà Đức Giê-su đã làm trong đời sống sứ vụ công khai của Người. Chính cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Đấng Phục Sinh và Hồng Ân của Chúa Thánh Thần đã ban cho các ngài một hiểu biết mới về những gì Đức Giê-su đã nói và đã làm trước đó.

Vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc phát triển này đã được chính Đức Giê-su khẳng định trong các diễn từ cáo biệt (Ga 14,1-16,33):

- Các điều đó Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Tháng Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14,25-26).

- Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy ra (Ga 16,12-13).

Hai bản văn trên nói về sự dậy dỗ của Chúa Thánh Thần sau Phục Sinh. Sự dậy dỗ ấy tiếp nối sự dậy dỗ của chính Đức Giê-su và cũng được giới thiệu với lời: “và Đức Giê-su nói.”Hai đoạn văn trên nói về sự hiểu biết sâu xa hơn nhờ Chúa Thánh Thần là Đấng đã được cả Chúa Cha, cả Chúa Ki-tô Phục Sinh sai đến.

Nhưng làm thế nào mà chúng ta có thể biết tất cả những chuyện ấy? Chắc chắn các môn đệ đã nghe tất cả những lời Đức Giê-su nói và đã thấy tất cả những việc Đức Giê-su làm trong thời gian Người sống với các ngài. Nhưng vào thời gian ấy các ngài không hiểu ý nghĩa đầy đủ của những lời Đức Giê-su nói và những việc Đức Giê-su làm. Nhưng khi các môn đệ gặp Đức Giê-su Phục Sinh và sau khi nhận Chúa Thánh Thần thì các ngài có một cảm nghiệm độc nhất khiến họ được khai mở vào một viễn cảnh mới.

Cuộc gặp gỡ của các ngài với Đấng Phục Sinh đã cho các ngàimột hiểu biết sâu sắc hơn về tất cả những lời Đức Giê-su đã nói và những việc Đức Giê-su đã làm. Khi các ngài rao giảng, các ngài đã rao giảng trong ánh sáng của bối cảnh mới là bối cảnh của Đức Giê-su Phục Sinh và của Hồng An của Chúa Thánh Thần. Vì thế khi các ngài rao giảng, các ngài không chỉ đơn thuần lặp lại những lời Đức Giê-su đã nói với các ngài trước kia. Các ngài rao giảng những lời của Đức Giê-su và kể lại các sự kiện trong cuộc đời Người như là các ngài đã hiểu ngay tức thì khi các ngài bắt đầu sứ vụ của mình. Các đoạn văn sau đây chứa đựng điều ấy:

- Sau biến cố hiển dung: Đang khi Thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy”(Mt 17, 9). Chỉ sau đó các ông mới có thể hiểu ý nghĩa thực sự của biến cố hiển dung.

- Sau khi tẩy uế đền thờ, tác giả Tin Mừng thứ tư ghi nhận:

Vậy khi Người từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói (Ga 2,22).

- Trong khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem một cách vinh quang:

Lúc đầu các môn đệ không hiểu những điều ấy. Nhưng sau khi Đức Giê-su được tôn vinh, các ông nhớ lại là Kinh Thánh đã chép những điều đó về Người, và dân chúng đã làm cho Người đúng y như vậy (Ga 12, 16).

Đề kết luận, chúng tôi nói rằng khi các môn đệ bắt đầu rao giảng lời nói và việc làm của Đức Giê-su sau Phục Sinh, các ngài không rao giảng với sự không hiểu biết của giai đoạn các ngài sống với Đức Giê-su mà với hiểu biết mới mà các ngài có được từ kinh nghiệm Phục Sinh, từ cuộc gặp gỡ với Đấng Ki-tô Phục Sinh và nhờ Hồng Ân của Chúa Thánh Thần.

II. CÁC TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

Chúng ta còn lâu mới họa lại hết sự phát triển của Truyền Thống Truyền Khẩu trong việc rao giảng Tin Mừng trong và ngoài xứ Pa-lét-tin. Giai đoạn này đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển Truyền Thống cuối cùng dẫn tới việc viết các sách Tin Mừng. Thật thế, việc đó không lâu trước khi các sưu tầm về lời nói và có thể cả các chuyện kể bằt đầu thành hình. Điều ấy đưa chúng ta đến việc xem xét việc sưu tầm từng phần.

1. Sưu tập từng phần

Trong giai đoạn Truyền Thống Truyền Khẩu trong các cộng đoàn Pa-lét-tin cũng như trong các cộng đoàn chịu ảnh hưởng văn hoá Hy lạp, các nhu cầu thực tiễn về giảng dậy đôi khi dẫn tới việc viết hay sưu tập các lời nói hoặc các chuyện kể về cùng một đề tài mà lúc ban đầu rời rạc nhau. Các sưu tập này chưa phải là các sưu tập cuối cùng về các lời nói và các chuyện kể mà sau này có thể chứa dựng trong các Tin Mừng. Cũng không phải là sự sưu tập đầy đủ về tất cả các lời nói của Đức Giê-su về một chủ đề riêng biệt nào đó, hay tất cả những việc Đức Giê-su đã làm trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Vì lý do đó, các sưu tập ấy được gọi là các sưu tập từng phần. Chúng ta lấy Lc 11,1-13 làm một ví dụ:

a. Lc 11,1: Chúa trong khi cầu nguyện được phác họa như mẫu mực của cầu nguyện Ki-tô giáo. Một trong các môn đệ xin Chúa: ”Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện cũng như ông Gio-an đã dậy các môn đệ của ông”. Lc 11, 2-4: Đức Giê-su đáp ứng lời yêu cầu ấy bằng Kinh Lạy Cha.

b. Lc 11, 5-8: Tiếp theo là dụ ngôn về người đàn ông đến gõ cửa nhà người bạn vào lúc nửa đêm. Trong hình thức hiện nay và trong bối cảnh, dụ ngôn này là một lời khuyên hãy kiên trì trong cầu nguyện, dù rằng nếu như lời cầu của mình không được chấp nhận ngay lập tức.

c. Lc 11, 9-10: Lời khuyên tương tự đi theo sau dưới dạng lệnh truyền:”Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được…”(Các lời này cũng được tìm thấy trong Mt 7, 7-8, nhưng không ở trong bối cảnh Kinh Lạy Cha).

d. Lc 11,11-13: Kết luận được diễn tả bằng một bức tranh của người cha ban những món quà tốt cho con cái…(các lời này cũng được tìm thấy trong Mt 7, 9-11, dù không phải trong bối cảnh Kinh Lạy Cha).

Thật ra thì Lc 11,1-13 là một bài giáo lý về cầu nguyện. Tất cả các chất liệu được đặt chung ở đây không nhất thiết phản chiếu một bối cảnh trong đó Đức Giê-su đã nói về đề tài này. Có lẽ là một số các lời ấy hay có thể là tất cả những lời ấy đã được nói ra trong nhiều dịp khác nhau. Thật khó có thể quyết định rằng phần nào đã được sưu tập bởi chính Lu-ca hay bởi một thành viên vô danh nào đó của cộng đoàn trước khi biên soạn các sách Tin Mừng. Nếu giả thiết thứ hai là đúng- và điều đó có thể lắm- thì chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã khám phá ra giai đoạn trung gian giữa Truyền Thống Truyền Khẩu đã được các cộng đoàn Ki-tô đầu tiên thực hiện và giai đoạn các tác giả viết các Sách Tin Mừng.

(Hãy ghi nhận rằng Mát-thêu cũng trình bày Kinh Lạy Cha trong khuôn khổ của một bài giáo lý về cầu nguyện, đặc biệt Mt 6,9-13 trong bối cảnh của Mt 6,5-15 là đoạn được đặt trong bối cảnh của Mt 6,1-18; tuy nhiên cấu trúc và bối cảnh hoàn toàn khác với đoạn trong Lu-ca.)

2. Tại sao sách Tin Mừng đầu tiên đến muộn?

Như chúng ta đã thấy ở trên, các cộng đoàn Ki-tô đầu tiên đã không tiến hành ngay việc biên soạn Tin Mừng. Sứ điệp lúc đầu được rao truyền bằng miệng lưỡi trong một số thập niên. Nhưng thế hệ Ki-tô hữu thứ hai bắt đầu cảm thấy cần phải có một chứng từ về các lời nói và việc làm của Chúa được viết ra một cách dễ hiểu hơn. Nói một cách cụ thể, ba lý do sau đây gộp chung lại với nhau có thể giải thích tại sao việc Giáo hội tiên khởi đã phải mất 40 năm mới có được cuốn Tin Mừng đầu tiên.

1. Bao lâu mà sự rao giảng được thực hiện trong xứ Pa-lét-tin hay bắt đầu vượt ra ngoài ranh giới xứ này thì các sự kiện về cuộc sống của Đức Giê-su - là nền tảng của lời rao giảng - đều được mọi người biết đến. Vì thế cho nên chưa có nhu cầu phải ghi lại chép lại và phải rao giảng các sự kiện ấy dưới dạng một bản văn.

2. Trong thời gian Đức Giê-su sống các lời rao giảng của Người đã không hề được viết lại trên giấy. Các lời rao giảng của Người được người ta nghe. Sau khi Đức Giê-su chết, dân chúng nghe những lời mà các Tông Đồ rao giảng về Đức Giê-su. Đã thành qui luật là trong môi trường sê-mít, dân chúng chuộng lời nói, lời “sống”hơn chữ viết.

3. Các Ki-tô hữu đầu tiên chờ đợi Đức Giê-su sớm trở lại, thậm chí họ tin Người trở lại vào chính thời kỳ mà thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên sống.

3. Tin mừng được viết sau một thời gian?

Với quá trình thời gian, mỗi một điểm trong ba điều nêu trên đều thay đổi. Và điều mà lúc đầu là yếu tố có thể giải thích tại sao các ngài không viết thì nay trở thành lý do khiến các ngài viết Tin Mừng.

1. Khi mà Tin Mừng được rao giảng càng ngày càng xa Giê-ru-sa-lem và người trở lại ào ạt gia nhập các Giáo hội non trẻ, thì càng ngày càng có nhu cầu về một bản văn ghi lại các lời nói và việc làm của Đức Giê-su để giáo dục.

2. Với việc các Tông Đồ và các nhân chứng khác mất dần đi thì sự tiếp xúc trực tiếp giữa các nhân chứng mắt thấy tai nghe và số các cộng đoàn Ki-tô hữu càng ngày càng nhiều đã trở thành vấn đề. Do đó ‘lời được viết’ một cách nào đó được coi là sự thay thế cho ‘lời được nói’ và cho sự tiếp xúc cá nhân với các nhân chứng mắt thấy tai nghe.

3.Vì thời gian qua đi các Ki-tô hữu nghiệm ra rằng Đức Giê-su không sớm trở lại như họ mong đợi lúc ban đầu. Thế hệ Ki-tô hữu thứ hai đã xuất hiện trên sân khấu và thế hệ thứ ba đang lấp ló. Việc ngày cánh chung chậm đến đòi hỏi sứ điệp Tin Mừng phải mang một hình thái liên tục hơn.

4. Trách nhiệm các tác giả Tin Mừng

a. Ủy ban Giáo Hoàng nói về trách nhiệm của các tác giả Tin Mừng như sau:

"Điều mà lúc đầu được truyền bằng luỡi bằng miệng thì đã được quyết định viết bởi các tác giả được linh ứng trong bốn Tin Mừng nhằm mưu ích cho các Giáo hội, với phương pháp phù hợp với mục tiêu mà mỗi tác giả đặt ra cho mình. Từ nhiều điều được lưu truyền các ngài chọn một số điều, tổng hợp một số điều khác, giải thích một số điều khác nữa vì các ngài nhớ tới bối cảnh của các Giáo hội. Với mỗi một ý nghĩa có thể có, các ngài nhắm là các độc giả sẽ ý thức về tính khả tín của các lời mà các ngài dùng để giáo huấn họ. Thật vậy, từ các nguồn tư liệu nhận được, các tác giả Tin Mừng chọn lựa những điều phù hợp với các bối cảnh của cộng đoàn tín hữu và với mục tiêu mà các ngài có trong đầu và thích ứng việc tường thuật các tư liệu ấy với các bối cảnh và mục tiêu giống nhau. Vì ý nghĩa của một câu nói cũng tùy thuộc vào diễn tiến nên khi kể lại các lời nói và việc làm của Đấng Cứu Độ các tác giả giải thích với từng hoàn cảnh khác nhau, tuỳ vào lợi ích của các độc giả. Vì thế cho nên, chúng ta hãy để cho nhà chú giải tìm kiếm ý nghĩa mà các tác giả Tin Mừng chủ ý khi kể lại một lời nói hay một việc làm theo một cách hoặc đặt vào trong một bối cảnh nhất định. Chân lý lịch sử không hề bị ảnh hưởng bởi sự kiện là các tác giả Tin Mừng kể lại lời nói hay việc làm của Chúa theo một thứ tự khác và diễn tả lời nói của Chúa không theo nghĩa từng chữ mà theo một cách khác, trong khi vẫn bảo toàn ý nghĩa…” (Huấn Thị, IX)

Mỗi tác giả Tin Mừng có một đống tư liệu trong tay. Các tư liệu này một đàng là Truyền Thống Truyền Khẩu và một đàng là các sưu tập từng phần. Các tư liệu ấy biểu hiện các mối bận tâm khác nhau cũng như có các truyền thống khác nhau. Các tư liệu ấy cần được tổ chức theo quan điểm của mục tiêu riêng của tác giả. Các tư liệu ấy như là một chuỗi các kích thước và mầu sắc khác nhau mà các tác giả sẽ kéo một sợi chỉ, do đó xác định diễn tiến và bối cảnh thành một Sách Tin Mừng liên tục.

Ngay khi chúng ta nói đến các bản văn được viết với một tác giả văn chương nhất định là chúng ta có thể xem xét thêm đến công việc biên soạn mà các tác giả thực hiện.

 b. Công việc biên soạn

Các tác giả Tin Mừng không được hoàn toàn tự do như họ muốn trong việc sử dụng các tư liệu. Họ làm việc với tư liệu thuộc về Truyền Thống và họ thường cảm thấy bị giới hạn để duy trì tính nguyên vẹn của các đơn vị văn chương đã có sẵn. Tuy nhiên các tác giả Tin Mừng làm việc khá tự do khi thích nghi và giải thích lại các tư liệu Truyền Thống. Tuy vậy công việc của các ngài không phải là công việc riêng tư mà là một mắt xích cuối cùng của một dây chuyền phát triển mang nặng tính cộng đoàn.

Các tác giả Tin Mừng thuộc về Giáo hội và về từng cộng đoàn Ki-tô mà các ngài là phát ngôn viên. Các ngài cũng sống trong bầu khí của sứ điệp Tin Mừng. Nhưng trong nhiệm vụ là người ghi chép lại Truyền Thống Tin Mừng nhân danh Giáo hội, các ngài được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn cách đặc biệt bằng Ơn Linh Ứng. Ơn hướng dẫn ấy bảo đảm cho các ngài đóng vai trò phát ngôn viên có uy tín của cộng đoàn mình. Ơn hướng dẫn ấy không làm mất nét cá biệt của các ngài. Vì lý do đó mà khi các ngài thích ứng và giải thích lại các giáo huấn của Thiên Chúa hằng sống thì vẫn mang dáng dấp văn phong và con người riêng của các ngài.

Liên quan tới việc làm của Đức Giê-su, cần phải ghi nhận rằng việc tẩy uế đền thờ được Mác-cô, Mát-thêu và Lu-ca tường thuật lại vào cuối giai đoạn sứ vụ của Đức Giê-su (Mc 11,15-19; Mt 21,10-17; Lc 19, 45-48) nhưng lại được Gio-an kể lại vào lúc khởi đầu của giai đoạn thi hành sứ vụ ấy.

Liên quan tới giáo huấn của Đức Giê-su, chúng ta hãy lấy dụ ngôn con chiên bị lạc được kể trong cả Mát thêu lẫn trong Lu-ca làm ví dụ. Theo Lu-ca, dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15, 4-7) được tạo nên bởi lời cằn ngằn của các người nhóm Pha-ri-sêu: ”Ông này đón tiếp các tội nhân và ăn uống với họ”(Lc 15,2). Đáp lại, Đức Giê-su kể ba dụ ngôn mà một trong ba là dụ ngôn con chiên lạc. Giáo huấn của câu chuyện thật rõ ràng: “Vậy tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”(Lc 15, 7). Họ không bắt lỗi được gì, lời phê phán của họ đã trở thành vô lý; vì thật ra họ đang chất vấn lòng thương xót của chính Thiên Chúa.

Trong Mát-thêu (Mt 18, 12-14), cũng dụ ngôn ấy có lẽ không nhằm đáp lại sự chỉ trích đối với Tin Mừng, mà dành cho các môn đệ và có lẽ dành riêng cho những người lãnh đạo cộng đoàn. Dụ ngôn kết thúc với lời:”Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn một ai trong những người bé mọn này phải hư mất”(Mt 18, 14). Cho dù áp dụng chưa rõ thì mạch văn cũng nghiêng về ý này. Cảnh cáo không được khinh rẻ một trong những người bé mọn (Mt 18, 10) và khuyên răn về việc sửa lỗi anh em (Mt 18, 15-17) khiến cho không còn nghi ngờ gì về cách giải thích của Mt 18,14.

Vì thế cho nên, cũng một dụ ngôn, trong Lu-ca là một lời đáp trả lại sự chỉ trích của những kẻ đối nghịch Đức Giê-su, thì ở trong Mát-thêu lại là lời cảnh cáo dành cho cộng đoàn và cho các người lãnh đạo cộng đoàn để họ không được để cho một người bé mọn nào của cộng đoàn bị hư mất.

------------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo