Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 74

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 26/35 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 26/35

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

-------------------------------

II. CÁC TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

 

5. Thế nào là một cuốn sách Tin Mừng?

Hình thái văn chương kiểu Tin Mừng là sản phẩm duy nhất của Giáo Hội sơ khai và do đó là một nét đặc thù của Niềm Tin Ki-tô giáo ban đầu. Trong nghĩa ấy “Tin Mừng”gồm các điều sau đây:

1. Là một tường-thuật-lại câu chuyện có tính lịch sử về Cái Chết và Sự Phục Sinh của Đức Giê-su, là biến cố giữ vị trí trung tâm của lời rao giảng của Giáo Hội sơ khai.

2. Trước khi kể lại câu chuyện ấy, Tin Mừng có một phần nói về SỨ VỤ CÔNG KHAI của Đức Giê-su: sự chọn lựa các lời nói và việc làm của Đức Giê-su đã được hiểu sau và dưới ánh sáng của biến cố Phục Sinh.

3. Trong Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca, câu chuyện ấy còn có một phần về “THỜI THƠ ẤU”gần như là một tường trình về những bối cảnh của ngày sinh của Đức Giê-su (Đức Giê-su đã sinh ra như thế nào?), nhưng đúng hơn là một suy tư thần học về ý nghĩa của con người Đức Giê-su và sự sinh ra của Người. Trong Tin Mừng thứ tư- Tin Mừng Gio-an - sự chọn lựa các lời nói và việc làm của Đức Giê-su có phần LỜI TỰA đi trước.

Các nhà chuyên môn Thánh Kinh nhấn mạnh rằng: các Tin Mừng không cống hiến cho chúng ta một bức tranh chính xác về sứ vụ của Đức Giê-su cho bằng cung cấp cho chúng ta một chứng từ về kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai được diễn tả bằng cách xếp đặt các tư liệu Truyền Thống liên quan tới Đức Giê-su và các môn đệ Người. Nói cách khác, lịch sử của kinh nghiệm của Giáo Hội sơ khai như đã được sống trong nhiều cộng đoàn khác nhau được đúc kết trong thời gian biểu của sứ vụ của Đức Giê-su, một phần dựa trên nền tảng của những ký ức hiện nay của sứ vụ ấy. Nhưng quan điểm thần học của tác giả Tin Mừng, thường phản ánh bối cảnh và các mối quan tâm của cộng đoàn của ông, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành chất liệu Tin Mừng.

a. Mác-cô: Tin Mừng đầu tiên:

Đại đa số các nhà chuyên môn nổi tiếng về Thánh Kinh đều cho rằng Tin Mừng Mác-cô là Tin Mừng đã được viết sớm nhất. Nếu Tin Mừng Mát-thêu được tìm thấy như tác phẩm đầu tiên của Tân Ước, thì điều đó không có nghĩa là Tin Mừng ấy đã được viết trước nhất, nhưng bởi vì Tin Mừng ấy đã có một ảnh hưởng lớn hơn trong Giáo hội sơ khai là Giáo Hội đã dùng đến Tin Mừng ấy thường xuyên hơn ba Tin Mừng khác cộng lại. Vì thế Tin Mừng Mát-thêu được coi là Tin Mừng “số một”trong các Tin Mừng.

Khi Mác-cô bắt đầu viết Tin Mừng, ngài đã có trong tay một phác thảo tổng quát về sứ vụ của Chúa trong công trình rao giảng. Đó là một phác thảo thô sơ và tổng quát cần được vun đắp thêm bằng các chuyện kể về Đức Giê-su. Với các chất liệu ấy, Mác-cô, đã xây dựng nên công trình của ngài. Việc đó xẩy ra vào khoảng giữa các năm 65 và 70 sau Công Nguyên.

Trong vòng 30 năm sau đó ba vị khác tức Mát-thêu, Lu-ca và Gio-an mới nối gót theo sau. Mát-thêu và Lu-ca chắc chắn đã mắc nợ Mác-cô rất nhiều. Vấn đề vẫn còn được tranh cãi giữa các nhà chuyên môn là Gio-an có lệ thuộc Mác-cô hay một trong các Tin Mừng khác không.

 b. Vấn đề Tin Mừng nhất lãm

Nếu đọc ba Tin Mừng Mác-cô, Mát-thêu và Lu-ca một cách chăm chú chúng ta sẽ nhận ra ngay là giữa ba Tin Mừng ấy có một sự giống nhau rất đáng kể. Nếu nội dung của ba Tin Mừng ấy được sắp xếp cạnh nhau trong ba cột song song, thì ít ra chúng ta cũng kết luận được là lúc đầu có một Nguồn chung mà cả ba Tin Mừng cùng dựa vào; hoặc nói là người nọ sao chép của người kia. Phần quan trọng mà cả ba Tin Mừng Mác-cô, Mát-thêu và Lu-ca dường như đều theo là phần được gọi là nhất lãm hay Tin Mừng nhất lãm (trong ngôn ngữ Hy Lạp là syn và optic, có gốc là từ horao, có nghĩa là nhìn; vì thế các Tin Mừng có thể được nhìn chung với nhau, được nhìn ở bên cạnh nhau). Ngày nay “dường như”chúng ta có thể kết luận được là cả ba Tin Mừng nhất lãm đều lệ thuộc vào cùng một Nguồn đã có trước. Tuy nhiên chúng ta phải nhấn mạnh nghĩa của từ ”dường như”, vì có những điều giống nhau và cũng có những khác biệt đáng kể. Vì vậy chúng ta đứng trước một sự hòa trộn giữa những điều giống nhau và những điều khác biệt đáng kể.

Ví dụ chúng ta ghi nhận những chỗ mà cả ba Tin Mừng đều có cùng một nội dung. Tuy nhiên có những phần khác trong các Tin Mừng mà chỉ có hai Tin Mừng kể giống nhau còn Tin Mừng thứ ba lại giữ im lặng. Và còn có những chuyện chỉ một trong ba Tin Mừng tường thuật lại và không được hai Tin Mừng kia nhắc đến. Hơn nữa, mặc dầu hai hay ba có thể cùng kể một chuyện nhưng lại có sự khác biệt trong cách mà câu chuyện được kể lại. Một lần nữa, rõ ràng là chúng ta có một tổng hợp những điều giống nhau và những điều khác nhau.

Những quan sát vừa nêu liên quan tới vấn đề mà ngày nay người ta gọi là vấn đề nhất lãm. Vấn đề ấy liên quan tới việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các Tin Mừng nhất lãm và khám phá ra các nguồn tư liệu hiện có.

c. Các giải pháp đầu tiên

Nỗ lực đầu tiên nhằm giải quyết vấn đề được trình bày trong một thuyết gọi là thuyết Truyền Thống Truyền Khẩu. Theo thuyết này thì ở đàng sau ba Tin Mừng có một Truyền Thống Truyền Khẩu chung về Đức Giê-su, ít nhiều cố định về mặt nội dung. Thuyết này có thể giải thích những điểm khác nhau, nhưng không giải thích những giống nhau rất nhỏ về ngôn ngữ giữa các Tin Mừng nhất lãm (ví dụ hãy so sánh Mt 3,7-10 và Lc 3,7-9; cũng hãy so sánh Mc 2, 10; Mt 9, 6; Lc 5, 24 trong đó những lời “Người nói với người bị bệnh”được tìm thấy là yếu tố chung cho cả ba Tin Mừng) vì thế lý thuyết này đã bị bãi bỏ.

 d. Thuyết Tài Liệu

Một giải pháp có giá trị nhằm giải quyết vấn đề nhất lãm là thuyết được gọi là thuyết Tài Liệu. Thuyết này chủ trương rằng nếu những vấn đề rất giống nhau cùng có mặt trong hai hoặc ba tác giả Tin Mừng, thì điều đó sở dĩ có được là bởi vì các tác giả ấy cùng có chung một hay nhiều Nguồn thành văn. Thuyết này phát triển thành một thuyết mà ngày nay được biết đến dưới cái tên là Thuyết Hai Tài Liệu hay Thuyết Hai Nguồn. Thuyết này chủ trương rằng có Hai Tài Liệu nền tảng ẩn phía sau các Tin Mừng nhất lãm. Đó là (1) Tin Mừng Mác-cô và (2) một Nguồn được tượng trưng bằng chữ “Q”(chữ đầu của từ tiếng Đức: Quelle= Nguồn). Thuyết này có thể tóm gọn như sau:

e. Ưu tiên của Tin Mừng Mác-cô

Tài liệu có sớm nhất về sứ vụ của Đức Giê-su được tìm thấy trong Tin Mừng Mác-cô. Các nhà chuyên môn Thánh Kinh cho rằng Mác-cô đã được Mát-thêu và Lu-ca sử dụng như nguồn Tư Liệu. Các quan sát sau đây có thể được coi như ủng hộ quan điểm ấy:

1. Cả Mát-thêu cả Lu-ca đều chia sẻ một đối tượng chung với Mác-cô. Trong khi Mát thêu chứa đựng hầu hết chất liệu của Mác-cô (600 trong 660 câu của Mác-cô), thì Lu-ca có khoảng một nửa của Mác-cô.

2. Nói rộng ra, Mát-thêu và Lu-ca chia sẻ cách dùng từ của Mác-cô và thường lập lại chính xác các từ của Mác-cô. Mát-thêu dùng lại 51 % và Lu-ca 53 % cách nói của Mác-cô.

3. Mát-thêu và Lu-ca thường theo cách sắp xếp diễn tiến các sự kiện theo cùng một cách. Khi một trong hai tác giả không theo thứ tự này thì tác giả kia lại theo.

Vì các nghiên cứu trên và các nghiên cứu khác có trọng lượng nên chúng ta phải kết luận rằng: Nguồn đầu tiên được Mát-thêu và Lu-ca sử dụng, chính là Tin Mừng Mác-cô.

 f. Có thể có một Nguồn (Q) khác

Có lẽ ngoài Tin Mừng Mác-cô thì còn có một Nguồn khác nữa. Nguồn này được các nhà chuyên môn Thánh Kinh gọi là Nguồn Q. Làm sao mà các nhà chuyên môn đi đến giả thuyết có Nguồn Q? Họ lý luận như sau: Mát-thêu và Lu-ca có nhiều câu giống nhau mà không có trong Mác-cô. Thực ra có khoảng 250 câu như thế (so sánh Mt 3,7-10 và Lc 3,7-9; Mt 11, 25-27 và Lc 10,21-22). Họ còn giả thiết rằng Mát-thêu và Lu-ca không hề biết nhau.

Hiện tượng này còn được tin rằng Mát-thêu có một Nguồn thứ hai mà như chúng ta đã nói ở trên là thuộc về nguồn Q. Chẳng may là nguồn Q chẳng tồn tại lâu hơn và chúng ta không biết Mát-thêu và Lu-ca đã biết đến nguồn Q ấy trong cùng một hình thái như nhau không. Nhưng có thể tái lập nguồn Q một cách đàng hoàng nhờ vào những gì có trong Mát-thêu và Lu-ca mà không có trong Mác-cô. Nguồn Q chủ yếu gồm các lời nói của Đức Giê-su. Còn về vấn đề mục đích của nguồn Q thì ý kiến chung đều cho rằng mục tiêu của nguồn Q là một thứ “thủ bản”về giáo huấn có rất sớm vào khoảng năm 50 sau Công Nguyên (có thể cùng thời với thư thứ nhất gửi Thê-xa-lo-ni-ca của Thánh Phao-lô). Tóm lại, chúng ta có thể xác định nguồn Q như một Nguồn giả thiết (được xây dựng lại) chủ yếu gồm các lời nói của Đức Giê-su tìm thấy trong cả Tin Mừng Mát-thêu lẫn Tin Mừng Lu-ca, mà không có trong Tin Mừng Mác-cô.

 g. Chất liệu riêng của Mát-thêu hoặc của Lu-ca

Sau khi đã đề cấp đến các chất liệu mà Mát-thêu và Lu-ca đã lấy từ Mác-cô và các chất liệu mà các Tin Mừng ấy đã rút từ nguồn Q, chúng ta khám phá ra rằng mỗi tác giả Tin Mừng trên còn có khá nhiều tư liệu riêng của mình. Mát-thêu có riêng hơn 300 câu (gọi là “phần riêng của Mát-thêu”) và Lu-ca có riêng ít nhất 600 câu (gọi là “phần riêng của Lu-ca,”)

Ví dụ về “phần riêng của Mát-thêu”là tường thuật về Thời Thơ ấu (Mt 1-2), một vài tường thuật khác như câu chuyện Phê-rô đi trên nước (Mt 14, 28-31), cái chết của Giu-đa (Mt 27, 3-10), Phi-la-tô rửa tay (Mt 27, 24-25). Phần lớn “phần riêng của Lu-ca”được tìm thấy trong tường thuật gọi là Hành Trình (Lc 9,51-19,44). Thí dụ về “phần riêng của Lu-ca”là: Bài giảng ở Na-da-rét (Lc 4,16-30), câu chuyện người phụ nữ tội lỗi (Lc 7,36-50), các môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24,13-35) và các dụ ngôn nổi tiếng, dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc 10,29-37), dụ ngôn người con hoang đàng, cũng được gọi là dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15,11-32), dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế (Lc 18, 9-14).

Sử dụng hình vẽ và phương pháp phê bình Nguồn (là phương pháp có khả năng vạch ra các Nguồn mà các tác giả Tin Mừng đã lấy tư liệu từ trong đó ra), nhà chuyên môn Thánh Kinh hiện đại có bốn con đường hay là bốn Truyền Thống trong các Tin Mừng nhất lãm, tức Mác-cô, Nguồn Q, phần riêng của Mát-thêu (M) và phần riêng của Lu-ca (L). Hình vẽ sau đây cho thấy các tư liệu ấy liên hệ với nhau như thế nào:

 

  Để kết luận, chúng ta có thể nói thuyết hai nguồn không phải là điều chúng ta phải tin như một số người chống đối vẫn thường chỉ trích, nhưng đúng hơn chỉ là một giả thuyết để làm việc. Có lẽ chúng ta nên chú ý nhiều hơn về vai trò củaTruyền Thống hơn là các người bảo vệ Thuyết Hai Nguồn đã quan tâm.

6. Các chất liệu

 a. Các chuyện kể mang tính loan báo:

Các chuyện kể mang tính loan báo là các đơn vị dưới dạng chuyện kể với một mục tiêu đơn giản là cung cấp một cái khung, chung quanh một lời nói quan trọng của Đức Giê-su. Phần kể chuyện sẽ được thu hẹp tối đa. Có thể là một số câu chuyện đã được cộng đoàn Ki-tô tiên khởi khai triển rộng hơn là các nhân chứng mắt thấy tai nghe đã truyền lại. Một ví dụ về chuyện kể mang tính loan báo là ở Mc 2, 23-28 là câu chuyện cung cấp bối cảnh cho lời tuyên bố của Đức Giê-su: ”Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát.”

 b. Các chuyện kể về phép lạ:

Có những chuyện kể mà mối quan tâm là chính phép lạ. Thông thường chúng ta sẽ thấy diễn tiến cơ bản gồm các yếu tố như sau: (1) miêu tả bối cảnh, (2) việc chữa lành, và (3) tác động trên những người chứng kiến. Nhưng trong một vài hình thức triển khai chúng ta thấy như sau: (1) mô tả bệnh, (2) niềm tin ẩn kín hay thể hiện, (3) sự can thiệp của Đức Giê-su bằng lời nói hay cử chỉ, (4) kết quả tức thời, (5) phản ứng của những người có mặt.

Khác với các chuyện kể mang tính loan báo, các chuyện kể về phép lạ thường có các lời khẳng định về địa dư và thời gian đi kèm. Chúng ta cũng thấy trong các chuyện kể ấy các diễn tả sinh động trái ngược hẳn với chuyện kể mang tính loan báo. Sau cùng trong các chuyện kể mang tính loan báo, chúng ta quan sát thấy ảnh hưởng của Truyền Thồng Truyền Khẩu chung, trong khi trong các chuyện kể về phép lạ chúng ta có thể khám phá ra hoặc thông tin trực tiếp về các sự kiện hoặc về tài kể chuyện của tác giả Tin Mừng. Một ví dụ về chuyện kể về phép lạ là Mc 1, 23-28, phép lạ chữa người bị thần ô uế nhập tại Ca-phác-na-um.

 c. Các chuyện kể về Đức Giê-su

Các chuyện kể về Đức Giê-su khác với các chuyện kể vể phép lạ, không những vì chúng không có một hình thức nào nhất định cả, mà còn vì chúng đòi độc giả phải chú ý tới tất cả các nhân vật trong câu chuyện. Các chuyện ấy được chăm chút nhiều hơn và cũng nhiều mầu sắc và sinh động hơn. Với các chuyện kể về Đức Giê-su chúng ta đã đi xa khỏi lời rao giảng và giáo huấn chung của Ki-tô giáo là những việc đã có tác động đáng mơ ước trong các chuyện kể mang tính loan báo. Thật ra, chúng ta đang đề cập đến các Truyền Thống có tính chất tư nhiều hơn và tiếp cận với giai đoạn của công việc biên soạn văn chương thực sự. Phần lớn các chuyện kể về Đức Giê-su là các chuyện kể hoàn chỉnh. Nhiều nhà chuyên môn Thánh Kinh cho rằng đối với một số chuyện kể ấy Mác-cô lệ thuộc vào các chứng nhân mắt thấy tai nghe, nhất là lệ thuộc vào Phê-rô, nhưng điều đó còn tranh cãi. Một ví dụ về chuyện kể về Đức Giê-su là Mc1, 1-8, Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng.

 d. Các phần do Mác-cô sáng tác

Trong nhóm các câu chuyện này, Taylor nghĩ rằng các câu chuyện ấy không chứa đựng những dữ kiện của Truyền Thống mà là sản phẩm do bàn tay Mác-cô hay do một bàn tay khác có trước Mác-cô tạo ra. Ở đây chúng ta không có gì chắc chắn cả. Không dễ gì mà thấy được sự phân biệt giữa các phần này và các loại nói trên kia. Tiêu chuẩn phân biệt duy nhất là có thể quan sát được tính giả tạo của bản văn. Một ví dụ về phần sáng tác của Mác-cô là Mc 3, 13-19, việc Đức Giê-su lập Nhóm Mười Hai.

e. Các đoạn tổng kết

Các đoạn tổng kết tự chúng giải thích về mình. Các đoạn tổng kết quan trọng cống hiến một cái đinh cho cấu trúc của Tin Mừng như một toàn bộ là Mc 1,14-15; 3,7-12; 6,6-13. Có nhiều đoạn tổng kết dẫn nhập hoặc bao gồm các nhóm câu chuyện hay được gắn vào từng câu chuyện một.

 f. Các lời nói và dụ ngôn

Các lời nói và dụ ngôn thường khác biệt với các chất liệu kể chuyện mà chúng ta đã đề cập tới từ trước cho tới giờ. Thường thường chúng được xếp vào loại giáo huấn. Cũng khó mà phân biệt hoàn toàn giữa chuyện kể và giáo huấn. Phần quan trọng nhất của loại này trong Mác-cô là các dụ ngôn trong chương 4 và diễn từ cánh chung trong chương 13. Ngoài ra phần lớn chỉ là chắp vá. Ví dụ bài diễn từ về truyền giáo của Mát-thêu (chương 10) chỉ có 4 câu trong Mc 6,8-11. Bài diễn từ về cộng đoàn (Mt 18) chỉ có 12 đến 17 câu trong Mc 9. Điều đó dường như cho thấy rằng Mác-cô không biết tới nguồn mà Mát-thêu và Lu-ca đã rút ra chất liệu cho việc giảng dậy. Dường như Mác-cô đã lấy các lời nói từ một nguồn khác.

 g. Tính đa dạng

Các sự kiện nói trên cho thấy có một sự đa dạng về chất liệu Tin Mừng. Đơn giản là không thể coi thường tính chất văn chương của Tin Mừng Mác-cô. Dường như ngài rất lệ thuộc vào Truyền Thống và ngài bảo toàn hình thức của Truyền Thống ấy. Thật quan trọng hiểu rằng tác giả cuối cùng đã sử dụng và đã truyền lại chất liệu ấy với các ý tưởng hướng dẫn của cá nhân mình (điều này sẽ được nghiên cứu bởi phương pháp phê bình công việc biên soạn).

----------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo