Ngày tháng: 31/12/2024
Đang truy cập: 18

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 33/35 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 33/35

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

--------------------------------

VI. TÂN ƯỚC VÀ KHÔN NGOAN

IV. PHAO-LÔ VÀ KHÔN NGOAN

Các thư Phao-lô chứa đựng nhiều bản văn thuộc dòng văn khôn ngoan liên quan đến Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta chỉ khảo sát ở đây hai bản văn cụ thể: 1 Cr 1-2 và Cl 1,15-20.

1. 1 Cô-rin-tô 1-2

a. Bản văn 1,17-31

------------

17Quả vậy, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu.

18Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.

19Vì có lời chép rằng: Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái.

20Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?

------------

21Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. 22Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan,

23thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.

24Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

25Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái KHÔN NGOAN của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.

------------

26Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ KHÔN NGOAN trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.

27Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ KHÔN NGOAN, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh;

28những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có,

29hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.

------------

30Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự KHÔN NGOAN của chúng ta, sự KHÔN NGOAN phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em,

31hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.

------------

2. Cô-lô-xê 1,15-20

a. Bản văn

15Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo,

16vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.

17Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.

18Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.

19Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người,

20cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.

2. Đọc bản văn

a. Đức Kitô là Thiên Chúa

Trong 1,15 Phaolô viết: Thánh Tử, là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Ngài sử dụng từ eikon, được dịch là “hình ảnh". Hình ảnh ở đây có thể được hiểu theo hai nghĩa: “đại diện”(representation) hay là “sự tỏ hiện”(manifestation). Phao lô muốn nói rằng chính Đức Kitô là sự tỏ hiện trọn hảo của Thiên Chúa Cha, muốn biết Thiên Chúa Cha như thế nào thì chúng ta phải nhìn vào Đức Kitô. Đức Kitô cũng là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa Cha, Ngài tỏ hiện trong hình dáng chúng ta có thể hiểu, nhận biết và có thể thấy được.

Thiên Chúa phán khi tạo dựng con người: “Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta… (St 1,26-27). Từ “eikon”trong sách Sáng thế diễn tả rằng chính con người được tạo nên không là gì khác ngoài “eikon”của Thiên Chúa, ý nghĩa nhân sinh đích thực của con người.

b. Đức Kitô và các tạo vật

Thuyết Ngộ Đạo cho rằng thế lực thù nghịch với Thiên Chúa đã tạo dựng nên mọi sự. Phaolô khẳng định chính Chúa Con mới là ngọn nguồn của mọi tạo vật:

a.Ngài là Trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo”(1,15). Phụng Vụ các Giờ Kinh chuyển dịch như vậy có thể làm cho chúng ta có thể lầm hiểu là Chúa Con được tạo dựng nên đầu tiên, nhưng trong tiếng Hípri và Hy Lạp thì từ “prototokos”(firstborn, trưởng tử), không mang ý niệm về thời gian. Có hai nghĩa cần lưu tâm: 1) “Prototokos”có nghĩa là danh dự hoặc một tước hiệu được ban cho. Ví dụ dân Ít ra en là trưởng tử của Thiên Chúa (Xh 4,22), nghĩa là dân Ít-ra-en mang vinh dự là dân được Chúa chọn, yêu thương và sủng ái. 2) “Prototokos”cũng là tước hiệu của Đấng Cứu Thế. Trong sách Thánh vịnh nói về lời hứa cho dân liên quan đến Đấng Cứu Thế: “Phần ta, Ta sẽ đặt Người làm Trưởng Tử, cao cả hơn vua chúa trần gian” (Tv 89,28). Khi Phaolô nói Đức Kitô là Trưởng tử của muôn loài, có nghĩa là vinh quang và danh dự của tất cả mọi loài đều thuộc về Ngài.

b.Trong Người, muôn vật được tạo thành” (1,16a)(xem Ga 1,3; Hr 1,2), và Chúa Con là Đấng tác thành vạn vật. Phaolô đưa ra một loạt các tạo vật thuộc mọi tầng lớp và mọi loài: “trên trời cùng dưới đất, hữu hình và vô hình, dẫu là hàng dũng lực thần thiêng, hay là bậc quyền năng thượng giới…”, như một lời đáp trả lời dạy sai lạc của Thuyết Ngộ Đạo. Ngài khẳng định rằng chính Đức Kitô trổi vượt trên chuỗi truyền thể mà họ đưa ra, Ngài không phải là một vị thần trong chuỗi này.

c.Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người” (1,16b). Đức Kitô không chỉ là ngọn nguồn của tạo vật, nhưng Ngài còn là đích đến của tạo vật. Lịch sử đang di chuyển đến một đích điểm, khi mọi tạo vật sẽ chúc tụng danh Chúa Giêsu (1 Cr 15,25, Pl 2,10-11, Kh 19,16).

Cho Người” (Eis auton): có những người coi đây là mục đích Kitô học của công cuộc tạo dựng, nghĩa là vì Con và để cho Con được vinh quang mà Thiên Chúa tạo dựng mọi sự. Có những người khác lại cho rằng muôn loài được tạo thành để quy phục Con. Cả hai lối giải thích đều có giá trị. Các thư Phaolô thường chỉ dùng “Eis auton” cho Chúa Cha mà thôi, nhưng một điểm nối dài Kitô học chẳng gây thiệt thòi gì cho Chúa Cha cả.

d.Tất cả đều tồn tại trong Người” (1,17). Nghĩa là Chúa Con không chỉ là ngọn nguồn, là khởi nguyên và đích đến của mọi tạo vật, nhưng ở giữa khoảng thời gian khởi nguyên và đích đến đó. Chính Ngài làm cho mọi vật được kết nối với nhau, chuyển động trong trật tự theo như ý của Ngài. Mọi quy luật vận động trong vũ trụ không chỉ là quy luật khoa học nhưng còn là quy luật thánh nữa.

Vì thế trong tương quan với các tạo vật, Chúa Con là khởi nguyên và là kết thúc. Ngài là sức mạnh làm cho mọi sự gắn kết và tồn tại. Ngài là Đấng Sáng tạo, là Đấng gìn giữ và là đích đến của muôn loài. Ngài là đấng cùng hành động với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng (Ga 1,3) và cũng trong tư cách là Đấng đứng đầu mọi sự (Hr 1,3).

c. Đức Giêsu trong tương quan với Hội Thánh

Ngài là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (1,18c). Phaolô quay về với sự kiện trung tâm của đức tin và kinh nghiệm của Giáo Hội là sự Phục Sinh. Đức Kitô không chỉ là một nhân vật đã sống và đã chết như chúng ta được nghe và biết. Nhưng qua sự Phục Sinh, Ngài là Đấng đang sống, chúng ta đang gặp và có kinh nghiệm với Ngài, Ngài là Đấng đang sống ngay lúc này giữa lòng Giáo Hội.

Để trong mọi sự Ngài đứng hàng đầu” (1,18d). Chính sự Phục Sinh của Đức Kitô làm cho Người trổi vượt trên tất cả mọi loài trên trời cùng dưới đất. Nhờ sự Phục Sinh, Ngài cho thấy rằng chính Ngài đã chiến thắng hết thế lực phản nghịch, không có một thế lực nào có thể thống trị được Ngài. “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (1,19). Trong Thuyết Ngộ Đạo, từ “pleroma”(fullness, viên mãn) liên hệ tới chuỗi các truyền thể là thế giới của các hữu thể thần thiêng được cho là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Nhưng khi thánh Phaolô dùng từ này ngài có ngụ ý nói đến quyền năng và ân sủng cứu độ tuyệt đối nơi Đức Kitô (Cv 5,31; 17,31). Trong tiếng Hy Lạp, từ “katoikesai”(dwell, hiện diện nơi) mang nghĩa là ở lại vĩnh viễn. Điều này trái ngược với các giáo thuyết sai lạc khi cho rằng Đức Kitô chỉ mang trong Ngài quyền năng thánh thiêng trong một khoảng thời gian nhất định. Từ “viên mãn” (fullness) ở đây chỉ ra rằng năng quyền của Đức Kitô trên Hội Thánh và muôn loài là vô tận. Quyền năng này Ngài có được là qua sự Phục sinh của Ngài hơn là đến từ bản tính Thiên Chúa trong Ngài.

d. Đức Kitô là trung gian hòa giải muôn loài với Chúa Cha

Cũng như muốn nhờ Ngài, mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình, nhờ máu Người đổ ra trên thập giá Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (20). Mục đích Đức Kitô đến là để mang sự hòa giải, Ngài đến để hàn gắn lại vết rạn nứt giữa Thiên Chúa và con người. Một điều chúng ta cần phải nhớ đó là mục tiêu hòa giải vẫn là với Thiên Chúa. Kinh thánh Tân ước không nhắc đến việc Thiên Chúa được hòa giải nhưng luôn nói đến con người được hòa giải, vì Thiên Chúa chỉ luôn dành cho con người tình yêu mà thôi. Cái giá cho công cuộc hòa giải chính là máu đổ ra trên thập giá qua cái chết của Đức Kitô: “Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8,32). Qua cái chết của Đức Kitô Thiên Chúa muốn diễn tả rằng Thập Giá chính là phương cách duy nhất để Ngài có thể chiến thắng được trái tim con người, Ngài mời gọi con người đáp trả tình yêu này.

Hòa giải mọi loài dưới đất thì có thể dễ hiểu, nhưng hòa giải mọi sự trên trời thì sao? Mọi loài trên trời có cần cứu độ hay không? Cũng có ý kiến cho rằng các tạo vật dẫu ở trên trời cũng cần phải được hòa giải với Thiên Chúa, như lời Kinh thánh trong Cựu ước: “Người bắt lỗi cả các thiên sứ của Người” (G 4,18), “Ngay các tầng trời, cũng chẳng thanh sạch trước mắt Người” (G15,15). Vì thế, ngay cả các thiên thần cũng cần được hòa giải qua thập giá Đức Kitô. Còn Origen thì giải thích rằng câu này ám chỉ đến Satan và bè lũ của nó, cuối cùng cũng phải nhờ công nghiệp Đức Kitô mà được hòa giải với Chúa Cha. Có ý kiến lại cho rằng đây không có ý nói đến các thiên thần được hòa giải với Thiên Chúa, nhưng chính các thiên thần hòa giải với con người. Vì con người lỗi phạm với Thiên Chúa nên các thiên thần giận dữ với con người, chính công nghiệp của Đức Kitô cất khỏi các thiên thần cơn giận này để minh chứng rằng Chúa yêu con người dường nào.

Kết

1. Một số nhà chú giải cho rằng, Cl 1,15-20 là đỉnh cao Kitô học trong Kinh Thánh, gọi là “Thánh thi Đức Kitô”. Thánh thi, mang hình thái của Hípri hơn là văn chương Hy Lạp, là lời khẳng định tột đỉnh về con người và sứ mệnh nơi Đức Kitô. Đức Giêsu Đấng trổi vượt trên mọi loài được nhìn với các khía cạnh: thứ nhất nhấn mạnh đến vị trí trổi vượt của Ngài trên mọi loài, thứ hai nhấn mạnh công cuộc cứu chuộc của Ngài trong vai trò là Đấng Cứu Thế. Cl 1,15-20 là lời giải đáp thích đáng đối với các Kitô hữu ở Cô-lô-xê hay bất cứ nơi đâu, hay đối với chúng ta là những người còn hoài nghi về vai trò của Đức Kitô trong thế giới.

2. Sự khác biệt giữa Cl và các thư đích thực của Phao-lô thấy trong lĩnh vực tư tưởng thần học của Cl và tạo thành một tổng thể mạch lạc. Lưu ý đến nhấn mạnh đến vũ trụ học trong Kitô học (đã có trong 1 Cr 8,6; 2 Cr 4,4; Pl 2,6-11) và cách sử dụng khung biểu tượng không gian hơn là thời gian.

3. Giáo hội phát triển xung quanh hình ảnh của thân thể không phải là mối quan hệ với nhau mà là mối quan hệ của Chúa Kitô-Giáo hội. Giáo hội được xem là một thực tại "Công giáo”(ngoại trừ 4, 15-16).

4. Cánh chung học khởi đầu lúc nhận bí tích rửa tội vì tham gia vào sự sống lại của Chúa Kitô; họ được tách ra khỏi quyền lực của bóng tối và đã được chuyển đến vương quốc của Con Thiên Chúa. Trong 3,1-3 chúng ta đã sống lại với Đức Ki-tô: nhưng đời sống phục sinh này là "ẩn dấu trong Đức Ki-tô". Bây giờ chúng ta có thể tham gia Đức Ki-tô trên Thiên Đàng. Điều này giả định rằng chúng ta phải  chết cho những gì chống lại sức mạnh của Thánh Thần. Điều này cũng thấy trong Ê-phê-xô (2,6).

KẾT LUẬN

Khôn ngoan nhân vật hóa và Khôn Ngoan Ngôi Lời

Tựa đề nêu trên đã cho chúng ta một ý tưởng rõ ràng: Một mặt, Cựu Ước cho chúng ta khôn ngoan nhân vật hóa và trong Tân Ước, Đức Giê-su Ki-tô chính là Đấng Khôn Ngoan, hay nói cách khác, Khôn Ngoan nhập thể, Ngôi Lời. Biểu đạt "Khôn ngoan thành Ngôi Lời” có thể để chúng ta hiểu rằng Khôn Ngoan chỉ chính mình trong Chúa Giê-su Ki-tô, như tác giả thư gởi tín hữu Híp-ri: 1,1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta  qua các ngôn sứ; 2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.

Vấn đề của chúng ta là cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của các bản văn Cựu Ước trong đó nói rằng Đức Khôn Ngoan hiện hữu từ trước và hiện diện khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và đến cư ngụ nơi nhà con người từ khi con người xuất hiện. Nhiều thánh giáo phụ còn mạnh miệng nói rằng, Đức Khôn Ngoan này chính là Đức Ki-tô, Khôn Ngoan thành Ngôi Lời. Trong trường hợp này, chúng ta phải giải thích các mâu thuẩn khác: làm sao trình bày, trong thuật từ khôn ngoan, đức Ki-tô đến nhiều cách khác nhau? Làm thế nào hòa giải việc Đức Khôn Ngoan đến với những gì đã nói trong Hc 24,23 và Br 3-4 về tương quan giữa Khôn Ngoan/Lề luật?

Nếu chúng ta muốn gán cho hình dung Đức Khôn Ngoan cho Đức Ki-tô, phải chăng chúng ta tự đưa chúng ta đến những ngõ cụt? Và như thế chúng ta có thực sự tôn trọng hệ thống ý nghĩa phức tạp và phong phú đa dạng của Kinh Thánh? Nhưng khi chúng ta tránh nhận dạng một cách chắc chắn Đức Khôn Ngoan không có nghĩa là chúng ta xem việc nhân vật hóa, như đã xuất hiện trong truyền thống các hiền nhân, chỉ là một sự so sánh, ẩn dụ hay phúng dụ.

Chúng ta chỉ có thể ngưỡng mộ cách thức các bản văn Tân Ước , đặc biệt là các thư Phao-lô, đã biết bảo tồn tính phong phú đa dạng của các bản văn nhân vật hóa Khôn ngoan và cho Đức Ki-tô, cũng như Chúa Thánh Thần (trong vài bản văn thư Phao-lô) các chức năng khôn ngoan.

Nếu như các Tin Mừng dè dặt về việc nhận nhận dạng Đức Ki-tô/Khôn Ngoan phải chăng vì họ, cũng như truyền thống khôn ngoan, biết rằng Đức Khôn Ngoan không phải là Thiên Chúa, cũng không ngang bằng Thiên Chúa. Đức Khôn Ngoan là thần thiêng nhưng không là Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa, nhưng không vì đó cho rằng quà tặng này là Thiên Chúa. Nếu các giáo phụ nhận dạng Đức Ki-tô/Đức Khôn Ngoan hoặc Thánh Thần/Đức Khôn Ngoan phải chăng các ngài đã không xem Đức Khôn Ngoan theo cách đọc của Tân Ước? Các ngài muốn đi xa hơn Tân Ước?

Đức Ki-tô, đấng trung gian

Chúng ta có thể nói rằng Tân Ước đã dùng các từ ngữ của văn chương khôn ngoan (x. 1 Cr 1-2) vì lý do là việc loan báo Tin Mừng trong một thế giới dưới văn hóa Hy-lạp. Nhưng điều đó không đủ lý do để giải thích tại sao Tân Ước mô tả Đức Ki-tô các chức năng và danh hiệu khôn ngoan: sự trung gian của Tân Ước về mầu nhiệm của Đức Ki-tô chứng tỏ tính nhất quán và mạch lạc nội tại.

Tân Ước cho Đức Ki-tô các chức năng và các tước hiệu trong một bối cảnh rất rõ ràng, bối cảnh sự trung gian: khi sử dụng hệ tư tưởng khôn ngoan, các bản văn Tân Ước muốn thấy rõ các yếu tố đối lập, diễn tả Đức Ki-tô tự căn rễ khác hoàn toàn với tất cả thụ tạo, mà cũng chỉ cho chúng ta thấy là sự khác biệt căn rễ này xem như tách biệt và xa cách. Nói cách khác, hệ khôn ngoan cho phép tránh các biểu thức định vị Đức Ki-tô (Đức Ki-tô ở trên, vv...), các biểu thức có thể đặt lại vấn đề trung gian, một cách diễn đạt sự hiện diện năng động.

Chúng ta cũng không ngạc nhiên vì hệ khôn ngoan đã được dùng một cách rõ ràng về vấn đề trung gian, trong trường hợp Đức Khôn Ngoan chủ yếu là đấng trung gian, hiện diện năng động và yêu mến của Thiên Chúa đối với loài thụ tạo, nhất là đối với con người.

Nhờ vào hệ khôn ngoan, các bản văn Kinh Thánh có thể định vị Đức Ki-tô đối với toàn thể chương trình ý định và cứu độ của Thiên Chúa, ý định đã hoạt động trong hiện diện quan phòng và vẫn luôn tiếp tục.

Vì mầu nhiệm của khôn ngoan là mầu nhiệm của tương quan giữa Thiên Chúa và loài thụ tạo, trong những gì thụ tạo có điểm chung. Cho Đức Ki-tô các chức năng và tước hiệu khôn ngoan chỉ có thể minh chứng rằng các diễn văn về Thiên Chúa, về nhân loại và Đức Ki-tô (như sự hiện diện của Thiên Chúa đối với con người) thì tuyệt đối liên quan với nhau.

Gián đoạn và liên tục

Chúng ta không thể trình bày trong 30 tiết học mầu nhiệm tạo ra do việc nhân vật hóa Khôn ngoan. Nhưng cách thức mà chúng ta liên kết Cựu Ước và Tân Ước đã có ý nghĩa. Công việc đó chỉ ra một lộ trình, nhưng lộ trình không kết thúc và mang tính cách luôn liên tục.

Chắc chắn từ Cựu Ước đến Tân Ước, cũng có những lằn mức. Lằn mức trước tiên ở cấp độ phương pháp, sau đó vấn đề không được đặt ra cùng một cách thức dành cho Tân Ước hay Cựu Ước.

Nếu như trình bày và diễn giải, các bản văn Cựu Ước gồm việc theo các dấu vết các tư duy của các hiền nhân Ít-ra-en về hình dung của Đức Khôn Ngoan; trong khi đó các bản văn của Tân Ước minh chứng rằng chúng ta phải bắt đầu từ con người Đức Giê-su Ki-tô để đặt vấn đề và tìm hiểu.

Trên ngưỡng cửa Ki-tô học cũng vậy, các bản văn Ki-tô học lấy lại một truyền thống đến từ Cựu Ước bằng cách thực hiện các chuyển dịch vấn đề: tôn trọng các truyền thống và tôn trọng những gì phát biểu trong biến cố Giê-su Ki-tô, mời gọi các tín hữu kiên nhẫn tìm hiểu mầu nhiệm Đức Ki-tô.

Liên tục, với điều kiện trong những gì diễn tả hình dung Đức Khôn Ngoan, một hiện diện năng động, sáng tạo và trung gian của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta, trong trái tim con người.

Liên tục và nhất là đồng dạng, vì công việc đang tự hoạt động tự biến chuyển một cách  chậm và tiệm tiến của truyền thống khôn ngoan mà Tân Ước lấy lại từ giáo thuyết các ngôn sứ và vì cách thức loan báo Tin Mừng của Tân Ước.

Mầu nhiệm Đức Ki-tô

Tất cả các bản văn Tân Ước chúng ta khảo sát trong môn học này không được viết trong cùng một thời kỳ. Chúng ta không thể nói rằng các bản văn này thuộc về lớp soạn thảo trể của giáo hội tiên khởi. Vì một bản văn soạn thảo trể cũng quy chiếu về một truyền thống cũ và đã được xác định rất sớm. Như thế, hình thức khuôn mẫu như Rm 8,3 và Gl 4,4 minh chứng một nguồn gốc cũ xưa rằng rất sớm mầu nhiệm Đức Ki-tô không chỉ được loan báo theo các từ (tử nạn/phục sinh) nhưng còn qua các từ nói về nguồn gốc (Chúa con được sai đến) và cả hai (mục đích và nguồn gốc) không bao giờ tách biệt.

Chắc chắn, nhấn mạnh về tiền hiện hữu và trung gian sáng tạo của Chúa Con đã có sau sự phát triển về cái chết cứu độ và phục sinh, nhưng quy chiếu về khái niệm "trước”(tiền) của đời sống trần thế của Chúa Giê-su là những yếu tố của các lớp cổ xưa nhất của Tân Ước.

Cả hai cực (gốc và đích) đã xác định hai loại suy nghĩ về mầu nhiệm Đức Ki-tô: một tư duy đi từ Giê-su Na-da-rét, từ con người Giê-su, để đi đến khái niệm Chúa phục sinh -những gì chúng ta gọi là tiến trình Ki-tô học đi lên- và Ki-tô học, từ Đức Ki-tô tiền hiện hữu và trung gian của sự tạo dựng, mô tả các giai đoạn thể hiện giữa con người (Ki-tô học đi xuống). Cả hai loại tiến trình bổ sung cho nhau, nhưng lịch sử Ki-tô học chứng tỏ rằng điều này hay điều kia thì ưu tiên, tùy theo mỗi thời kỳ.

Hôm nay, cách thức trình bày mầu nhiệm Đức Ki-tô có lẽ là một loại Ki-tô học đi lên (với sự nhấn mạnh về Chúa Giê-su, con người giữa những con người, chia sẻ yếu đuối mỏng dòn và không chắc chắn của họ, vv.) Chúng ta thấy đó một hệ quả của bối cảnh thời gian.

Tư duy Ki-tô học vẫn còn đánh dấu bởi sự phê phán rằng người ta có thể tóm tắt như sau: khi nói về Giê-su Ki-tô như một hữu thể trên trời và tiền hiện hữu, xuống làm người để cứu chuộc, Giáo Hội tiên khởi có thể xem Đức Ki-tô như một nhân vật huyền thoại. Chúng ta sẽ không đủ thời gian ở đây để trả lời cho phê phán này.

Chúng ta cũng biết rằng các trường phái lịch sử các tôn giáo không đặt vấn đề nhiều về các lý do nhân vật hóa sự khôn ngoan. Vì khi cho Đức Ki-tô các chức năng khôn ngoan, Tân Ước đã theo cùng một lo-gic của Cựu Ước; hiện tượng nhân vật hóa khôn ngoan trong các bản văn Cựu Ước không phải là một phúng dụ, cũng không là một huyền thoại hóa, nhưng là một ý thức nghiêm túc của sự trung gian. Nghiên cứu lý do nhân vật hóa khôn ngoan và câu hỏi về sự nhất quán của đấng trung gian trở thành một nhiệm vụ ưu tiên.

Như thế việc Tân Ước dùng các nét khôn ngoan để mô tả sự trung gian hoàn toàn của Đức Ki-tô rất có ý nghĩa. Nếu khôn ngoan là hình dung chống tôn thờ ngẫu tượng một cách tuyệt vời, tại sao chúng ta lại ngạc nhiên khi Tân Ước đã áp dụng vào Đức Ki-tô một số chức năng của Đức Khôn Ngoan? Phải chăng chức năng Chúa tể phổ quát và hằng hữu của Đức Ki-tô bảo vệ chúng ta khỏi tất cả nô lệ và tất cả ngẫu thần?

Để kết, chúng ta cũng nhắc lại ở đây để so sánh: Đối với Ai-cập cổ đại, khôn ngoan là nữ thần Ma'at; đối với người Hy-lạp, khôn ngoan được trình bày bởi con cú mèo, một loài chim đêm. Đối với Phao-lô, khôn ngoan là thập giá Chúa Ki-tô, là Đức Ki-tô chịu đóng đinh.

----------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo