Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 225

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 6/35 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 6/35

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

--------------------------------

II. VẤN ĐỀ QUY ĐIỂN HAY THƯ QUY (Biblical canon)

2. Quy điển Tân Ước

Quy điển Tân Ước chứa 27 cuốn sách. Không có gì đáng ngạc nhiên khi bốn Tin Mừng là phần quan trọng của quy điển vì chứa đựng những tường thuật hợp lý về cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng như những lời của Ngài. Nhưng chúng ta biết rằng cũng có các "sách Tin Mừng”khác đã được viết, chẳng hạn như Tin mừng của Phi-lip-phê, của Phê-rô, của Thô-ma, của Gia-cô-bê,... . Chúng ta đặt ra câu hỏi: "Tại sao bốn sách Tin mừng chúng ta có trong Tân ước được xem là Lòi Chúa mà không phải là những sách cũng gọi là Tin mừng mang tên những tông đồ khác?Câu hỏi này cũng được đặt ra đối với các thư tín, vì các tông đồ cũng đã viết những lá thư khác ngoài những thư được đưa vào thư quy Tân Ước.

Chúng ta được biết nhiều hơn về hình thành của quy điển Tân Ước hơn là quy điển Cựu Ước. Thật vậy, chúng ta biết nhiều tác phẩm của các nhà văn Kitô giáo ở thế kỷ thứ II (và thậm chí cuối thế kỷ thứ nhất), đến nổi chúng ta hiểu vấn đề được đặt ra cho Giáo hội thời đó và tại sao Giáo hội chỉ giữ lại 27 cuốn sách của Tân Ước.

Chúng ta có thể tin rằng sự hình thành của Tân Ước được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nếu Thiên Chúa muốn cho việc truyền bá thông điệp về Con của Ngài, Chúa Giê-su qua Tân Ước, thì bộ sách này phải đáng tin cậy. Khôn ngoan của con người không thể đủ để soạn thảo các sách mặc khải, hoặc để phân địch chúng và đặt hội tụ chúng thành một tập. Nhưng Thánh Thần Thiên Chúa đã tác động đến những gì dduojc viết để Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và giáo huấn của Ngài được truyền tải đến chúng ta một cách trung thực và được đón nhận như Lời của Ngài.

a. Các sách của Tân Ước

Mỗi cuốn sách Tân ước được soạn thảo riêng biệt. Các tác giả, những người nghe và nhận, ngày tháng niên biểu, hoàn cảnh thay đổi từ cuốn sách này đến cuốn sách khác. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tất cả những cuốn sách hay bản văn đầu tiên của Tân Ước đều được viết vào nửa sau của thế kỷ thứ I - những thư đầu tiên của Phao-lô được viết vào khoảng năm 50. Có thể là những sưu tập những lời của Chúa Giêsu đã tồn tại vào lúc đó, nhưng chúng ta không thể chắc chắn về điều này. Không còn nghi ngờ gì nữa, ký ức về những lời của Chúa Giê-su đã được các tông đồ truyền khẩu, và rồi sau đó bởi các Kitô hữu khác, kể từ Lễ Ngũ Tuần. Chúng ta có một ví dụ trong sách Công vụ 20,35: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận”.

Vào cuối thế kỷ thứ I, các Kitô hữu đã nhận biết ít nhất một số sách trong Tân Ước là Kinh thánh, có nghĩa là Lời được linh hứng, là Lời Thiên Chúa: trong 1 Ti-mô-thê 5,18 (Quả vậy, Kinh Thánh có nói: Đừng bịt mõm con bò đang đạp lúa, và làm thợ thì đáng được trả công), chúng ta có một trích dẫn từ Tin mừng Lu-ca 10,7 (Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia), được nhóm lại với một câu từ sách Đệ nhị luật và được giới thiệu bởi các từ sau đây: “Quả vậy, Kinh Thánh có nói ". Trong 2 Pr 3,15-16, Phê-rô nói về những lá thư của Phao-lô như là một phần của Kinh thánh: “[15]Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ, như ông Phao-lô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông. [16]Ông cũng nói như vậy trong tất cả các thư của ông, khi bàn đến các vấn đề này. Trong các thư ấy, có những chỗ khó hiểu; những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh, bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy hoạ diệt vong”.

Vào cuối thế kỷ thứ I (khoảng năm 96), giáo phụ Clement thành Rôma đề cập đến lá thư đầu tiên gửi cho Cô-rinh-tô và nói là "những lời của Chúa Giê-su".

Đến đầu thế kỷ thứ II, thư của Ba-na-ba trích dẫn những lời của Chúa Giê-su: “Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít“(Mt 22,14), khi tuyên bố: "được viết".

Các chứng tá khác nhau của nửa đầu thế kỷ thứ II cho thấy các tác phẩm của các tông đồ đã được đọc trong các giáo hội (thánh Justin tử đạo nói về "hồi ký của các tông đồ và các môn đệ của họ").

b. Từ cộng đoàn giáo hội này đến cộng đoàn giáo hội khác

Phải mất một thời gian dài để các sách Tân Ước khác nhau được tất cả các giáo hội của Đế chế La Mã biết đến. Dưới sự cai trị của Đế chế La-mã, thông tin liên lạc thì tốt, nhưng chậm. Các sách chỉ có thể được sao chép bằng tay, đó là công việc khó khăn. Chỉ những người giàu mới có thể mua sách.

Do đó, chúng ta không thể tưởng tượng công khó của các Kitô hữu tiên khởi truyền bá khắp thế giới các tác phẩm của các tông đồ mà họ đã biết.

Tuy nhiên, từng chút một, các Tin mừng và các thư tín lưu hành từ Giáo hội này sang Giáo hội khác: Hãy xem trường hợp của Giáo hội La-mã vào những năm 70. Các Kitô hữu của thành phố này biết ít nhất thư gởi tín hữu La Mã và Tin Mừng theo thánh Mac-cô. Những cuốn sách đã được đọc trong phụng vụ.

Các Kitô hữu của một Giáo hội khác, khi ngang qua La-mã, đã nghe các bài đọc này. Họ muốn làm cho các tác phẩm này được Giáo hội của họ biết đến với và xin có một bản sao. Vả lại, có thể đã có sự bách hại buộc các Kitô hữu phải tìm nơi ẩn náu ở một thành phố khác, mang theo một bản sao của một thư tín hoặc Tin Mừng.

Do đó, từng chút một, các bộ sưu tập các tác phẩm của các tông đồ đã được thành lập, chủ yếu ở các trung tâm Kitô giáo lớn như La-mã, Alexandria, Antioch, Caesarea hoặc Ephesus. Những bộ sưu tập này ban đầu không đầy đủ, so với Tân Ước. Nhưng chẳng bao lâu, tất cả những cuốn sách mà chúng ta biết đã được tìm thấy, được nhóm lại và lan truyền khắp Đế quốc La Mã. Các nhà văn Kitô giáo vào giữa thế kỷ thứ II đã trích dẫn hầu hết tất cả các sách Tân Ước.

Cần lưu ý rằng trong một số giáo hội, họ cũng đọc các sách Kitô giáo khác nhưng các sách này không được đón nhận trong Thư quy Tân Ước.

c. Các sách Kitô giáo ngoài quy điển

Chúng ta biết, qua các trích dẫn, bởi vì bản văn hoàn chỉnh thường bị mất, rằng các sách Tin Mừng khác đã được viết, bên cạnh các sách của Mat-thêu, Mac-cô, Lu-ca và Gio-an. Một trong số đó là "Tin mừng theo thánh Thoma", giờ đây được chúng ta biết đến nhiều hơn, bởi vì chúng ta đã tìm thấy một bản sao, trong một bản dịch qua tiếng Copte, vào năm 1946 ở Ai Cập. Đó là một sưu tập các ngôn từ của Chúa Giêsu, một phần chứa các các đoạn văn của các Tin Mừng của chúng ta. Trong khi đó, ở các nơi khác, các Tin Mừng ngụy thư lại được trích dẫn (ví dụ như Tin Mừng theo người Híp-ri); tuy nhiên, một vài từ của Chúa Giêsu phải nói là không thấy có nơi các Tin Mừng. Người ta tin rằng tin mừng của thánh Thô-ma được viết ở Syria vào thế kỷ thứ II.

Trong số các tác phẩm ngụy thư được nhiều Kitô hữu đọc và tôn trọng trong thế kỷ thứ 2 bao gồm:

Thư của Clement thành La-mã gởi đến Giáo hội Cô-rinh-tô (khoảng năm 96). Clement lấy cảm hứng từ giáo huấn của Phao-lô, của Gia cô bê và của thư gởi tín hữu Híp-ri. Lá thư của ông đã được đọc trong phụng vụ của giáo hội Cô-rinh-tô khoảng năm 170.

Didache (hay Giáo huấn của mười hai tông đồ) là một tập hợp các giới luật về đạo đức Kitô giáo và các chỉ dẫn về bí tích rửa tội, bữa tiệc thánh thể và các mục tử của Chúa, có niên đại từ đầu thế kỷ thứ II.

Thư của Ba-na-ba, có một số điểm tương đồng với thư gởi tín hữu Híp-ri, có lẽ được viết ở Alexandria khoảng năm 130.

Mục tử Hermas, một tác phẩm của thế kỷ thứ hai, do tác giả Hermas, anh trai của giám mục Pius thành Rome. Đây là một thể loại sách khải huyền.

Sách khải huyền của Phê-rô, chứa đựng hai tầm nhìn, một thiên đàng, một là địa ngục, được viết khoảng năm 150.

Các sách ngụy thư này được một số giáo hội rất thích và đánh giá cao, vì các tác giả Ki-tô hữu ở thế kỷ thứ II hoặc thứ III đã xếp chúng trong Thánh Kinh.

Trong số các tác phẩm khác của thế kỷ thứ II có ảnh hưởng lớn trong Giáo hội bao gồm các thư của thánh Ignatius thành Antioch, của Polycarp, Giám mục Smyrna, Hộ giáo của Justin, v.v ...

3. Sự hình thành quy điển Tân Ước

Xuất hiện các cuốn sách có lập trường của những kẻ lạc giáo đã buộc Giáo hội phải xác định quy điển của Tân Ước. Hai sai lầm đối nghịch nhau đe dọa Giáo hội: sai lầm của Mác-ci-on, ông đã loại bỏ Cựu Ước, vì theo ông, Thiên Chúa Cựu Ước khác hơn là Thiên Chúa của Đức Giêsu. Ông chỉ giữ lại Tin mừng của Luca và các thư của Phao-lô trong Tân Ước. Để chiến đấu chống lại Mác-ci-on, các tiến sĩ của Giáo hội như I-rê-nê đã khẳng định sự linh hứng của toàn bộ Tân Ước, toàn bộ Tân ước là Lời Thiên Chúa.

Ngược lại, Montan, tự xưng là được Chúa Thánh Thần linh hứng, đe dọa sẽ thêm vào Kinh thánh các tác phẩm muộn hơn nhiều so với những tác phẩm khác.

Do đó, Giáo hội cần phải đưa ra các giới hạn hay các tiêu chuẩn cho các sách được đón nhận như Lời Chúa.

Danh sách đầu tiên của những cuốn sách nhận được là "quy điển Muratori[9]", một tài liệu Latin khoảng năm 170, không may tìm thấy trong tình trạng tồi tệ. Tài liệu chúng ta biết những cuốn sách nào đã được xem như linh hứng bởi Giáo hội La-mã trong nửa sau của thế kỷ thứ II. Thư gởi tín hữu Híp-ri không được đề cập đến (trạng thái của văn bản không cho phép biết nếu các thư Gia-cô-bê và II Phê-rô và III Gio-an có bao gồm không).

Vào đầu thế kỷ thứ II, Clement thành Alexandria đã viết một bài bình luận về tất cả các sách của Tân Ước, ngoại trừ các thư Gia-cô-bê, II Phê-rô và III Gio-an. Nhưng Clement công nhận sự linh hứng của các sách Mục tử Hermas sách Khải huyền của Phê-rô.

Vào thời điểm đó, đại đa số các giáo hội đón nhận tất cả các sách Tân Ước. Ở đây đó vẫn còn chút do dự nghi ngờ về cuốn này hay cuốn khác, chủ yếu là các thư Gia-cô-bê, II Phê-rô, II và III Gio-an, cũng như thư gởi tín hữu Híp-ri, ở phương Tây, trong khi ở Syria và Pa-lét-tin, họ đặt vấn đề về sách Khải huyền. Những cuốn sách khác, như Clement thành La-mã, Hermas, Didache, Khải huyền của Phê-rô được coi là hữu ích, nhưng không được linh hứng (nhà thần học vĩ đại Origen đã tuyên bố như vậy trong thế kỷ thứ III).

Dần dần, đồng thuận được thực hiện trong tất cả các cộng đoàn giáo hội trên những cuốn sách có uy quyền. Có những sách được công nhận và những sách khác bị loại ra ngoài thư quy. Vào thế kỷ thứ IV, Thư quy Tân Ước chắc chắn được hình thành. Vào năm 367, Athanasius của Alexandria sử dụng thuật ngữ "quy điển”(canon) để chỉ 27 cuốn sách của Tân Ước. Tại Công đồng Carthage năm 397, những cuốn sách này được tuyên bố là "Kinh thánh". Sắc lệnh nói rằng chỉ những cuốn sách này nên được đọc trong các giáo hội như Kinh thánh.

Phải cần có một khoảng thời gian dài trôi qua giữa việc soạn thảo các sách Tân Ước và tuyên bố chính thức của Giáo hội thừa nhận tính linh hứng (để loại trừ bất kỳ tác phẩm không được cho là linh hứng). Nhưng chúng ta không được quên rằng thẩm quyền của những cuốn sách này, với một vài ngoại lệ, đã tạo uy quyền cho gần như tất cả các giáo hội trong một thời gian dài. Công đồng Carthage chỉ công nhận một tình trạng đã có, các sách đó được các cộng đoàn Ki-tô hữu đón nhận như Lời Chúa.

a. Các tiêu chuẩn để xác định tính quy điển

Trên cơ sở nào, Giáo hội của các thế kỷ đầu tiên dựa vào để phân biệt các cuốn sách được linh hứng trong số các sách khác?

Chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo hội trong sự lựa chọn này, vì đức tin của tất cả các tín hữu đương đại hay trong tương lai phụ thuộc vào đức tin của Giáo hội. Nhưng Chúa Thánh Thần linh hứng cho trí thông minh con người để cho họ nhận thức phân biệt. Phân biệt này được thực hiện với ba yếu tố sau đây:

1) Sự đồng thuận của tất cả các giáo hội: những cuốn sách được đọc ở khắp mọi nơi và có thẩm quyền được công nhận trong hầu hết các giáo hội, được nhận vào quy điển. Điều này cho thấy chính thẩm quyền của Tân Ước đã tạo thành yếu tố nền tảng của Ki-tô giáo, trước khi có bất kỳ tuyên bố chính thức nào.

Chúng ta đã chú ý rằng một số sách Tân Ước đã khó chấp nhận hơn ở chỗ này hay ở nơi khác. Nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ, và các giáo hội do dự cuối cùng đã đi đến thỏa thuận với đa số. Lý do cho những sự do dự này rất đa dạng: trong trường hợp của thư Giu-đa, II Phê-rô hoặc III Gio-an, chính vì sự ngắn gọn của các thư khiến các thư đó bị đánh giá ít quan trọng. Các thư này hiếm khi được đọc trong phụng vụ, người ta ít lưu hành tự nguyện từ giáo hội này sang giáo hội khác. Chúng đã được biết đến sau đó ở một số thành phố. Sách Khải huyền vì tính văn chương đặc biệt cũng bị ngờ vực, vì có nhiều khác biệt so với các sách Tân Ước khác. Người ta không chắc chắn rằng tác giả sách Khải huyền là thánh Gio-an tông đồ, nhưng truyền thống vẫn gán cho ngài. Một lý do khác, vì người ta không biết tên tác giả nên thư gởi cho tin hữu Híp-ri nằm ngoài quy điển thời đó. Điều này dẫn chúng ta đến tiêu chuẩn thứ hai.

2) Đặc tính tông truyền của các sách Tân Ước. Chỉ những cuốn sách có từ thời các Tông đồ, do họ viết (các thư của Phao-lô, Phê-rô và Gio-an), hoặc được viết bởi những người khác nhưng chẳng hạn dưới sự kiểm soát của các tông đồ (chẳng hạn như Tin mừng Mac-cô, bạn đồng hành của Phê-rô) đã được nhận vào quy điển. Chúng ta sẽ thấy sau này dưới tầm quan trọng của tiêu chuẩn này.

3) Giá trị thiêng liêng của những cuốn sách này. Ví dụ Calvin viết: "Thiên Chúa, bằng cố vấn đáng ngưỡng mộ của Ngài, đã khiến có sự đồng thuận công khai, dành cho tất cả các tác phẩm khác đã bị từ chối, và chỉ còn lại những tác phẩm qua đó bùng nổ sự uy nghiêm của Ngài ". Tiêu chuẩn này có vẻ chủ quan. Làm thế nào người ta có thể chắc chắn không bị nhầm lẫn khi thích cuốn sách này so với cuốn sách khác, khi làm sáng tỏ sự uy nghi thiêng liêng?

Tuy nhiên, khi đi lùi thời gian chúng ta thấy rằng Giáo hội của các thế kỷ đầu tiên không nhầm lẫn. Chẳng hạn, các sách Tin Mừng ngụy thư hay ngoại thư cho thấy Chúa Giêsu trở thành Người làm phép lạ, hơn là Người mặc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha. Những cuốn sách được chấp nhận trong quy điển, nếu chúng chứa đựng một giáo lý đôi khi hữu ích, lại rơi vào chủ nghĩa thiên về lề luật (Didache) hoặc trong tầm nhìn không thể kiểm soát (Mục tử của Hermas).

b. Truyền thống Giáo hội và Kinh thánh

Sự hình thành quy điển đặt cho chúng ta một câu hỏi. Nếu Giáo hội của các thế kỷ đầu tiên đã xác định, thì chúng ta không thể nói, với Giáo hội Công giáo La Mã, rằng thẩm quyền của Giáo hội ngang bằng với Tân Ước, truyền thống của Giáo hội có ưu tiên, ít nhất là trong thời gian đó, hơn Kinh thánh?

Chúng ta nên công nhận vai trò của truyền thống truyền khẩu trong Giáo hội sơ khai, đặc biệt là trước khi Tân Ước được soạn thảo. Thông điệp của các tông đồ trước tiên được rao giảng và giảng dạy bằng lời trước khi nó được soạn thảo. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai, Papias, giám mục của Hierapolis, đã tuyên bố: "Tôi không nghĩ rằng tôi có thể có lợi ích trong việc đọc sách hơn là nghe những phát biểu bằng giọng nói sống động và hiện tại". Nhưng Papias đã đích thân nghe thánh tông đồ Gio-an trong suốt cuộc đời ngài. Cuộc gặp gỡ này đã để lại dấu ấn trong ông.

Trong một thế giới ở đó văn bản được phổ biến rộng rãi nhưng ở đó những cuốn sách đắt đỏ và khó tái tạo và khó phổ biến, một thông điệp truyền khẩu dễ dàng hơn là văn bản.

Điều này giải thích tại sao các Kitô hữu tiên khởi không cảm thấy cần phải viết các Tin mừng ngay khi Giáo hội ra đời vào ngày lễ Ngũ tuần. Người ta có thể nghe các tông đồ - và người ta có thể tin tưởng vào trí nhớ của mình nhiều hơn những gì chúng ta có thể làm ngày nay, vì chúng ta quen với việc viết lách mọi thứ bằng văn bản.

Chừng nào các Tông đồ còn sống, truyền thống truyền khẩu là đủ trong nhiều trường hợp để truyền bá Tin mừng. Trong trường hợp nghi ngờ, những người nhận được thông điệp đến từ chính Chúa Giê-su có thể được kêu gọi đến làm chứng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng ngay từ đầu, các tông đồ đã thấy phù hợp để viết thư cho các giáo hội mà họ không ở gần, họ phải đi xa và các Tin Mừng được viết ra ít nhất là một thế hệ sau khi Chúa Giêsu chết và sống lại.

Nhưng khi các tông đồ, nhân chứng về những gì Chúa Giêsu đã làm và nói, bắt đầu biến mất, người ta có thể tiếp tục dựa vào một thông điệp truyền khẩu, có khả năng bị biến dạng. Các tông đồ không còn ở đó để đảm bảo rằng việc rao giảng và giảng dạy của Giáo hội phù hợp với lời của Chúa Giêsu. "Anh em thân mến, tôi vẫn ước mong viết thư cho anh em về ơn cứu độ chung của chúng ta, thì nay lại bó buộc phải viết cho anh em, để khuyên nhủ anh em chiến đấu cho đức tin đã được truyền lại cho dân thánh chỉ một lần là đủ.”(cũng xem 2 Ti-mô-thê 1,14: Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta). Giáo hội đã được dẫn dắt để tự tạo ra một quy tắc, không gì khác hơn là lời chứng của các tông đồ, nhưng được viết ra, do đó cố định, bất biến.

Các tông đồ thực sự đã đóng một vai trò không thể thay thế trong mặc khải. Thiên Chúa đã tỏ mình tại một thời điểm trong lịch sử bản thân của Ngài. Để các thế hệ tương lai biết "Lời của Thiên Chúa Trời”(Ga 1,1-14, Hr 1,1), phải có các nhân chứng về việc làm và lời nói của Chúa Giê-su truyền lại cho các thế hệ khác (Lu-ca 1,2: “Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa e truyền lại cho chúng ta”; Ga 21,24: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực”; 1 Ga 1,1: “[1]Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống ”). Không có gì có thể thay thế lời chứng tông đồ này; họ là nhân chứng của Chúa Giêsu, các tông đồ không thể có người kế vị. Để lời khai của họ không biến mất với họ, các lời truyền khẩu phải được viết. Tân Ước là lời chứng bằng văn bản. Đây là truyền thống đúng và chắc chắn duy nhất, vì chính nhờ đó mà chúng ta đã được truyền đạt những gì Chúa Giêsu đã làm và nói.

Khi xác định quy điển của Tân Ước, Giáo hội ngày xưa đã công nhận một thẩm quyền vượt trội hơn mình, mà Giáo hội phải liên tục quy chiếu đến. Khác xa với việc tuyên bố thẩm quyền của chính mình, Giáo hội đã thực sự thực hiện một hành động tuân phục và khiêm nhường, và buộc mình phải bảo vệ chống lại mọi cám dỗ để thêm bất cứ điều gì vào kho tàng mặc khải. Với việc xác định quy điển, Giáo hội tuyên xưng là Giáo hội Kinh thánh.

Làm thế nào để không nhìn thấy công việc của Chúa Thánh Thần, mang lại cho tất cả các thế hệ Kitô giáo một nền tảng vững chắc cho đức tin, “mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc”(Luca 1,4).

c. Quy điển của Tân Ước trong lịch sử

Ngược lại với vấn đề thư quy Cựu Ước, thư quy Tân ước đặt câu hỏi về các sách khải huyền, và vấn đề này chia cách người Công giáo và Tin lành. Đối với Giáo hội của thế kỷ thứ IV đã xác định rằng không có vấn đề các các văn bản như tranh chấp vì Khải huyền. Xuyên suốt lịch sử của Giáo hội, các Kitô hữu đã nhận ra tính linh hứng của 27 cuốn sách đã được truyền đến chúng ta. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng một số nhà tư tưởng Kitô giáo đã không đặt tất cả các sách Tân Ước trên cùng một mặt phẳng. Luther, chẳng hạn, đã đối xử với thư của Gia-cô-bê như "thư rơm”bởi vì thư dường như chống lại giáo lý về sự cứu rỗi bởi đức tin.

Trong mắt Luther, các Tin mừng, các thư gởi tín hữu La Mã và Ga-lát có thẩm quyền lớn hơn các sách khác. Đây là một thái độ chủ quan có thể được hiểu trong trường hợp của Luther, vì cuộc đấu tranh mà ông đã tiến hành, nhưng không phải là nền tảng giáo huấn của Giáo hội. Tân Ước giống như Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta phải nhận được toàn bộ, mà không cần thêm bất cứ điều gì vào nó (không có cái gọi là "mặc khải”cuối cùng như những người sáng lập các giáo phái có thể phản đối thông điệp của các tông đồ), và không trừ đi bất cứ điều gì. Có thể là cuốn sách này nói với chúng ta nhiều hơn một cách cá nhân, rằng chúng ta sẵn sàng đọc một số trang hơn những trang khác; nhưng chúng ta phải nhận ra thẩm quyền của tất cả Kinh thánh và Lời Chúa trong Tân Ước. Chúng ta không phải chọn những gì chúng ta thích, nhưng phải chấp nhận những gì Chúa ban cho chúng ta.

---------------------

Chú thích: 

[9] The Muratorian Canon (also called the Muratorian Fragment) is an ancient list of New Testament books—the oldest such list we have found. The original document, which was probably written in Greek, is dated to about AD 180 and lists 22 of the 27 books that were later included in the New Testament of the Christian Bible.

---Còn tiếp---

zalo
zalo