Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 224

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 7/35 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 7/35

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

--------------------------------

III. THỜI KỲ GIỮA HAI "GIAO ƯỚC", NGHĨA LÀ GIỮA CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC

1. Lịch sử dân Do thái từ thời Nơ-khê-mi-a (- 539) đến Giê-su

Cựu Ước là chứng tá quý giá cho lịch sử các nguồn gốc của Ít-ra-en đến thời của Nơ-kê-mi-a (- 539), sau khi trở về từ lưu đày (mặc dù một số giai đoạn lịch sử này trải qua trong im lặng). Nhưng Cựu Ước không nói về các sự kiện xảy ra theo sau thế kỷ thứ V. Các sách ngoại thư (Apocrypha) (đặc biệt là 1 Ma-ca-bê) dạy cho chúng ta biết một phần về câu chuyện này. Tài liệu ngoài Kinh thánh bổ sung kiến ​​thức này.

Chúng ta hãy tóm tắt ngắn gọn bốn thế kỷ lịch sử này:

1) Đế chế Ba Tư: các vị vua Ba Tư đã giữ quyền kiểm soát Trung Đông trong gần hai thế kỷ. Nhưng sức mạnh của họ dần suy yếu (cuộc nổi dậy của Ai Cập khoảng năm - 400, quốc gia thần quyền Do Thái, tạo đồng tiền của chính mình vào khoảng năm - 350).

Từ năm - 333, Alexander Đại đế thực hiện các cuộc chinh phục ở Châu Á. Đế chế Ba Tư bị lật đổ vào năm - 331. Alexander đại đế chết ở Babylon năm - 323.

2) Đế chế Hy Lạp: Sau cái chết của Alexander, đế chế Hy-lạp bị chia rẽ giữa Ptolemy, vua Ai Cập và Seleucids, các vua của Syria và Babylon. Cho đến năm - 197, Giu-đê tuân phục Ptolemy. Chính Ptolemy II là người đã cho chuyển dịch Kinh thánh sang tiếng Hy Lạp bản LXX. Thuộc địa của người Do Thái Alexandria trở thành một trung tâm tư tưởng quan trọng.

Chiến tranh liên tục đối lực giữa các vị vua của Syria và Ai Cập. Các quốc gia bị Alexander chinh phục, bao gồm cả Pa-lét-tin, dần dần bị "Hy Lạp hóa". Ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, tôn giáo Hy Lạp chiếm ưu thế ở đó.

Năm -198, Ai Cập chiến bại nhường Giu-đê cho Seleucids. Từ - 175, Antiochus Epiphane đẩy nhanh quá trình Hy Lạp hóa Pa-lét-tin. Ông ta bách hại người Do Thái, bãi bỏ tôn giáo của họ và mạo phạm Đền thờ bằng cách thành lập thờ phượng thần Olympia Jupiter. Một tư tế, Mattathias, làm nổi dậy người Do Thái chống lại kẻ chiếm đóng. Cuộc nổi dậy được lãnh đạo bởi con trai ông, Giu-đa Ma-ca-bê. Ông này giành chiến thắng và đi đến việc khôi phục sự thờ phượng tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem sau khi cử hành các nghi lễ thanh tẩy. Ông tiếp tục cuộc chiến giành độc lập chính trị.

Nhưng ông bị giết trong một trận chiến năm - 160. Em trai là Jonathan thay thế anh mình. Đây là sự khởi đầu của một thời kỳ hòa bình và ngay cả chinh phục, đặc biệt là dưới triều đại của Gio-an Hyrcanus, con trai của Simon (134-104). Sau đó, người Pha-ri-siêu bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của quốc gia. Nhưng Gio-an Hyrcanus và những người kế vị, bận tâm đến chính trị hơn tôn giáo, tránh xa lý tưởng thúc đẩy cuộc nổi dậy của anh em nhà Ma-ca-bê, và sát cánh cùng những người Sa-đu-sê-en (quý tộc bảo thủ) chống lại người Pha-ri-siêu.

3) Năm 63 trước Công nguyên, Pompey chiếm Giê-ru-sa-lem. Pa-lét-tin trải qua dưới sự thống trị của La Mã. Năm 40 trước Công nguyên, Herođê được người La Mã bổ nhiệm làm vua bù nhìn, thay mặt họ ông cai trị.

2. Do thái giáo trước Giê-su Ki-tô

Sau khi trở về từ lưu đày (- 539), kinh sư Ét-ra đã đặt Lề luật vào trung tâm cuộc sống của người dân Ít-ra-en. Mất độc lập chính trị khiến người Do Thái chú trọng hơn vào bản sắc tôn giáo: kiến thức và tình yêu của Lề luật Mô-sê tách biệt họ với các dân tộc khác. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của anh em nhà Ma-ca-bê đã đánh dấu sự hồi sinh chủ nghĩa dân tộc Do Thái, vốn đã không chịu được cai trị của La Mã.

Đền thờ vẫn là trung tâm đời sống tôn giáo ở Ít-ra-en. Các thượng tế thường xuất thân từ phái Sa-đúc-xê-en. Nhưng tại các hội đường, người ta không có lễ hy tế nào, người ta giảng dạy Lề luật, Lề luật nắm giữ một vị trí rất quan trọng. Lưu vong và phân tán, sống xa cách với Do Thái ở Giê-ru-sa-lem, những người lưu đày đặt tầm quan trọng vào hội đường. Các kinh sư được giao nhiệm vụ giảng dạy Lề luật và tuân phục Lề luật. Đối với điều này, Ét-ra thêm một số truyền thống, cho phép điều chỉnh tất cả các chi tiết của cuộc sống.

a. Các giáo phái lớn

Phái Sa-đúc-xê-en: đó là những người giàu có và có ảnh hưởng, nhóm thành các thượng tế và bạn bè của họ, họ là những người bảo thủ, lo lắng để giữ đặc quyền của mình. Về phương diện tôn giáo, họ chỉ công nhận Lề luật Mô-sê, phần còn lại của Cựu Ước có giá trị thấp hơn trong mắt họ. Về mặt chính trị, họ sẵn sàng thỏa thuận với người La Mã để duy trì ảnh hưởng của họ.

Phái Pha-ri-siêu (biệt phái) đặc biệt sốt sắng đối với Lề luật. Họ tách biệt khỏi những người không tuân thử một cách chính xác Lề luật. Hầu hết các kinh sư trong thời của Chúa Giêsu là những người Pha-ri-siêu. Họ rất thích có quyền lực lớn trên nhân dân. Họ từ chối mọi sự hợp tác với người La Mã.

Phái Zé-lốt muốn rũ bỏ ách thống trị La Mã bằng sự nổi dậy. Họ đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai đến đuổi kẻ xâm lược. Nhiều lần, họ đi theo một người lãnh đạo mà họ nghĩ rằng họ đã tìm thấy Đấng Mê-si-a (Công vụ 5,36-37: "Thời gian trước đây, có Thêu-đa nổi lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Giu-đa người Ga-li-lê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác").

Phái Ét-xê-ni-en: là một giáo phái đã rút khỏi thế giới để sống trong các cộng đồng, nơi họ thực hành lòng đạo đức nghiêm ngặt để giữ "thanh sạch". Hầu hết các học giả tin rằng các tu sĩ Cumran sống gần Biển Chết và nơi đó người ta khám phá ít nhất là một phần của thư viện Kinh thánh (Các cuộn bản thảo Biển Chết) thuộc giáo phái Ét-xê-ni-en.

Những người dân bình thường: (gồm cả Giê-su và hầu hết các môn đệ của Ngài) hầu hết dưới ảnh hưởng của những người Pha-ri-siêu (những người vẫn khinh thường họ vì họ không tuân thủ một cách chi li Lề luật) và nhưng người Zé-lốt, những dùng chủ nghĩa dân tộc để quyến rũ và điều khiển họ.

b. Chờ đợi Đấng Cứu Thế

Những sự kiện bi thảm trong lịch sử Ít-ra-en không thể dập tắt trong lòng người Do Thái, niềm hy vọng đến từ những lời hứa mà Thiên Chúa đã thực hiện cho họ thông qua các Ngôn sứ: Thiên Chúa sẽ chiến thắng kẻ thù của Ngài và thiết lập triều đại của Ngài (Is 8,23 đến 9,6; 11,6-10, Êd 34,25-29, v.v.). Vương quốc của Thiên Chúa sẽ xuất hiện qua phương tiện một vị Vua Cứu thế, đến từ gia đình của Đa-vít (Mk 5,1-5, Gr 23,1-6, Is 11,1, Ed 34,23-24, vv ...). Hy vọng này được khơi dậy vì ách thống trị La Mã đè nặng lên Ít-ra-en trong thế kỷ đầu tiên trước Chúa Kitô. Nhưng một số phong trào có thể được phân biệt trong sự chờ đợi Đấng Cứu thế này:

- Đối với một số người, Triều đại Thiên Chúa sẽ được công bố qua một sự đổi mới tinh thần ngôn sứ. Các ngôn sứ đã im lặng trong năm thế kỷ. Nhưng tiếng nói của họ sẽ được nghe lại: người ta chờ đợi một Ê-li-a mới hoặc một Giê-rê-mi-a mới (Mt 16,14; Mc 6,15 và 9,11-13).

- Những người khác chờ đợi một sự can thiệp siêu nhiên của Thiên Chúa, đến từ trời một "Con Người”đại diện cho "dân các Thánh của Đấng Tối cao”(Đn 7). Cụm từ "Con người”của Đa-ni-en đã đóng một vai trò rất quan trọng trong niềm hy vọng của người Do Thái. Người ta thấy có trong cuốn sách của Hê-nóc, một tác phẩm thuộc thể loại khải huyền, có niên đại từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên (nhưng cuốn sách này được biên soạn với nhiều mảnh khác nhau, chúng ta không định được niên đại của những đoạn văn liên quan đến “con người").

Điều chắc chắn vào thời đại La Mã chúng ta có một số lượng rất lớn sách "khải huyền”của người Do Thái, trong đó chiến thắng của Thiên Chúa trước kẻ thù được ca tụng trong một ngôn ngữ biểu tượng và mật mã. Nhưng những cuốn sách này chưa bao giờ được nhận vào quy điển. Chúng thường được gọi là "pseudépigraphes”(là một bản văn gắn cho một tác giả không soạn thảo nó) bởi vì chúng được gán cho các tổ phụ ngày xưa.

- Nhưng Đấng cứu thế mà hầu hết người Do Thái mong đợi là một vị vua như Đa-vít, công chính và hùng mạnh, người sẽ giải thoát Ít-ra-en khỏi kẻ thù của mình bằng cách đánh đuổi kẻ chiếm đóng La Mã. Đấng Cứu Thế sẽ là người mang hy vọng dân tộc, giống như người Zé-lốt chủ trương, và sẽ thành lập một vương quốc trần gian.

KINH THÁNH, LỜI THIÊN CHÚA

Khi chúng ta nói rằng Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa, người đối thoại có thể yêu cầu chúng ta giải thích những gì chúng ta muốn nói.

Chúng ta đã thấy trong hai chương nói về cách thức Thiên Chúa mạc khải chính Ngài. Tác giả của thư cho người Híp-ri viết. "Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”(Hr 1,1-2a).

Thiên Chúa đã nói, Lời của Ngài đến với loài người. Đối với chúng ta, những người không sống trong thời của các ngôn sứ của Ít-ra-en hoặc của Chúa Giêsu, chúng ta biết được Lời Thiên Chúa qua Kinh thánh.

Thật vậy, Thiên Chúa nói với chúng ta qua Kinh thánh. Do đó, đối với chúng ta, Kinh Thánh phải là một cuốn sách đơn giản nhân loại, dù quan trọng và đáng ngưỡng mộ vì là nhân chứng lịch sử và tôn giáo của một dân tộc ngày xưa. Nhưng Kinh Thánh là và trên hết một cuốn sách Thiên Chúa, mang chính thẩm quyền của Thiên Chúa.

Mục đích của chương này muốn chỉ ra lý do tại sao chúng ta xác tín rằng Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa.

I. LỜI THIÊN CHÚA TRONG CỰU ƯỚC

"Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ nhiều lần và bằng nhiều cách.”Kinh thánh nói rõ rằng Thiên Chúa không đọc trực tiếp cho một người ghi chép, hoàn toàn là máy móc (giống như cách mà Ngài đã đọc kinh Koran cho ông Ma-hô-mét, theo Hồi giáo).

Thiên Chúa nói bằng nhiều cách khác nhau. Chương đầu tiên của sách Sáng thế nói rằng Ngài đã tạo dựng thế giới bằng Lời của Ngài. Thiên Chúa hành động bằng Lời của Ngài, Ngài không chỉ nói mà thôi. Khi Ngài đưa dân Ngài ra khỏi Ai Cập, Ngài nói; Khi Ngài giải thoát giam cầm khỏi Babylon, Ngài nói, Ngài mặc khải chính Ngài.

Nhưng Thiên Chúa cũng sử dụng ngôn ngữ nhân loại, các từ ngữ con người hiểu được để mặc khải chính Ngài. Xuyên suốt Cựu Ước, Thiên Chúa nói với dân Ít-ra-en thông qua các sứ giả, họ phải truyền đạt Lời họ đã nhận được từ Ngài: Xuất hành 4,12-16; Sm 23,2-3; 2 V 21,10; Gr 1,9; Am 3,7-8, 7,14-17 ... Các ngôn sứ nói dưới linh hứng của Thiên Chúa. Thường là một thông điệp phải được chuyển tải truyền khẩu, cho những con người sống tại một thời điểm nhất định, trong một tình huống cụ thể.

Nhưng đôi khi Thiên Chúa yêu cầu sứ giả viết lời của Ngài thành văn bản. Xh 17,14; 24,3-4; Is 30,8; Gr 36,2-4. 28-32.

Ở đây chúng ta có những ví dụ các văn bản viết cho con người như Lời của Thiên Chúa. Đức tin Ít-ra-en đã tập hợp các văn bản này trong Thánh Kinh, trước tiên là Lề Luật (Torah, Ngũ thư), sau đó là các Ngôn sứ và các tác phẩm khác.

Việc đọc Tân Ước cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã nhận ra thẩm quyền thiêng liêng của Kinh thánh. Mt 4,1-10, 21,13; Lc 20,17, 24,44-46. Điều đó cũng tương tự với các Tông đồ: Rm 3,4, 3,10; 1 Cr 1,17; 1 Pr 1,24; 2,6, v.v.

Hai đoạn văn trong Tân Ước nói rõ nhất về linh hứng Kinh thánh (2 Tm 3,16; 2 Pr 1,19-21), quy chiếu đến Cựu Ước, vì lúc đó khi các bản văn này được viết, Tân Ước vẫn chưa hình thành.

II. LỜI THIÊN CHÚA TRONG TÂN ƯỚC

Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử “(Hr 1,2a). Những câu đầu tiên của Tin mừng Gioan nói với chúng ta về Lời của Thiên Chúa: Lời này không phải là một bài diễn văn hay một cuốn sách, nhưng chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14a). Lời Thiên Chúa là thể hiện của Thiên Chúa; Thiên Chúa đi vào tương quan với nhân loại; Thiên Chúa giao lưu với con người.

Thiên Chúa mặc khải hoàn toàn trong bản thân Chúa Giêsu. "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha’ « (Ga 14,9a). Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa nói với con người một cách vĩnh cửu. Ngài nói qua lời rao giảng và giáo huấn của Chúa Giêsu: Những lời của Chúa Giêsu được mặc lấy thẩm quyền không đến từ con người (Mt 7,28-29); Chúa Giê-su không nói về chính Ngài, nhưng đã truyền đạt cho con người Lời của Thiên Chúa Cha (Ga 3,34; 7,15-17; 12,49-50); các môn đệ của Ngài nhận ra rằng Ngài có "những lời đem lại sự sống đời đời”(Ga 6,68b). Thiên Chúa cũng nói trong các hành vi và thái độ của Chúa Giêsu: ví dụ trong phản ứng của Chúa Giêsu khi người ta chỉ trích Ngài: nếu tôi đón nhận những người tội lỗi thì đó vì chính Thiên Chúa đã làm điều đó (Mc 1,27, Lc 11,20; Mc 2,3-12, Lc 15). Cuối cùng, Thiên Chúa nói và nhất là qua cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu: (Lc 24,27; Rm 5,8; 2 Cr 5,19; 1 Ga 4,9-10, Công vụ 13,32-33).

Chúa Giêsu không viết sách; nhưng Ngài đã sai các Tông đồ của Ngài loan báo Tin mừng (Mc 16,15, Lc 24,46, Công vụ 10,42). Khi các Tông đồ loan báo Tin Mừng, họ loan báo Lời của Thiên Chúa (Công vụ 4,29; 6,7; 13,48 ...).

Luôn luôn qua lời chứng của các Tông đồ mà Lời Thiên Chúa đến với chúng ta hôm nay. Nhưng nếu chúng ta biết lời chứng này vì nó được viết trong Tân Ước. Các Tông đồ đã ý thức rằng Chúa Thánh Thần hướng dẫn khi họ trình bày sứ điệp cứu rỗi (1 Cr 2,6; 1 Lc 2,13; 1 Pr 1,12).

Do đó, chúng ta có thể tin rằng các Tông đồ đã được Đức Thánh Linh soi dẫn linh hứng khi họ truyền đạt sứ điệp Tin Mừng trong các sách Tân Ước.

III. LINH HỨNG KINH THÁNH

Chúng ta đã thấy rằng Kinh thánh không tự cho rằng đã được linh hứng một cách máy móc, như thể các tác giả Kinh thánh chỉ là những cỗ máy thu nạp. Qua đó, Kinh thánh tách biệt với kinh Coran, vì kinh này trong mắt người Hồi giáo, mất đi đặc tính sách thánh khi được chuyển dịch trong một ngôn ngữ khác. Đặc tính linh thánh của Kinh thánh không nằm trong chính văn bản, dưới dạng nguyên bản, mà chính trong thông điệp truyền đạt. Do đó, bản văn có thể được chuyển dịch, nếu diều đó giúp truyền tải thông điệp.

Chúng ta phải phân biệt mặc khải với linh hứng.

Mặc khải là hoạt động của Thiên Chúa tự bày tỏ cho con người biết đến Ngài, người nói với họ theo nhiều cách. Linh hứng là những gì cho phép con người nhận thức Thiên Chúa và truyền tải thông điệp được mặc khải. 1 Cr 2,12-13. Để con người chia sẻ Lời Chúa với những người khác có thể làm chứng trung thành về Lời Chúa, Thiên Chúa sẽ dẫn dắt họ nhờ Thần trí của Ngài.

Trong 2 Tm 3,16 chúng ta nghe nói về linh hứng Thiên Chúa của Kinh thánh. Để chứng tỏ tầm quan trọng của việc nhận biết "các Chữ thánh”(Kinh thánh) có nghĩa là, như chúng ta đã thấy Phao-lô tuyên bố, Cựu Ước. “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng’ « (nghĩa đen Chúa thổi hơi). “Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành (2 Tm 3,17)."

2 Pr 1,20 đề cập vấn đề các lời ngôn sứ của Kinh thánh (có lẽ có nghĩa là Cựu Ước nói chung) và không phải là bất kỳ lời ngôn sứ nào. Do đó, khi nghĩ đến Cựu Ước, Phê-rô nói rằng “Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa”(2 Pr 1,21).

Chúng ta có thể nói tương tự về Tân Ước.

Thật vậy, làm thế nào chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa, Đấng đã thể hiện cho Chúa Giêsu, nghĩa là, tại một thời điểm nhất định của lịch sử, đã quan tâm rằng mặc khải này có thể được các thế hệ sau biết đến?

Và làm thế nào có thể được biết nếu các nhân chứng của những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, các tông đồ, đã không mô tả chính xác?

Nếu lời chứng của họ đáng tin cậy, chính vì Thiên Chúa đã linh hứng cho họ.

1. Giáo thuyết về linh hứng

Người Do Thái ngày xưa, những người Kitô hữu đầu tiên và người Cải cách không nghi ngờ gì về tính linh hứng của Kinh thánh. Kinh thánh đối với họ là Lời của Thiên Chúa. Thánh Au-gút-ti-nô (Augustin), ví dụ, đã tuyên bố: "Tôi chắc chắn rằng các tác giả của Kinh Thánh đã không phạm sai lầm và không nói bất cứ điều gì có thể dẫn chúng ta lạc lối.”Vào thời kỳ Cải cách, Tuyên xưng Đức tin ở thành phố La Rochelle nói như sau: "Chúng tôi tin rằng Lời chứa trong những cuốn sách này đến từ Thiên Chúa, từ đó chỉ có Lời đó có thẩm quyền, chứ không phải từ con người.  Và vì Kinh Thánh là quy chuẩn của tất cả sự thật, chứa đựng tất cả những gì cần thiết cho việc phụng sự Thiên Chúa và cho sự cứu rỗi của chúng ta, con người hoặc thậm chí các thiên thần không được tùy ý thêm, giảm bớt hoặc thay đổi."

Tuy nhiên, sau đó, đặc biệt là từ thế kỷ thứ XIX, người ta bắt đầu đặt nghi ngờ về linh hứng Thiên Chúa của Kinh thánh. Niềm tin vào sự tiến bộ và lý trí của con người không thể thừa nhận rằng lời quyết định cho cuộc sống của chúng ta được viết bởi con người không biết gì về khoa học hiện đại hàng ngàn năm trước.

Chủ nghĩa tự do thần học (catholicisme libéral, protestantisme libéral, judaïsme libéral, islam libéral), trong khi chào đón giá trị lịch sử và tôn giáo của Kinh Thánh, ước lượng rằng giá trị này chỉ tương đối. Những khẳng định của Kinh Thánh phải chịu sự phán xét của lý trí và kinh nghiệm của con người. Chỉ có những gì khắng cự được xem xét này có thể được chấp nhận. Có những sắc thái trong chủ nghĩa tự do. Ở dạng cực đoan, chủ nghĩa này xem Kinh Thánh là một trong những nguồn kiến ​​thức về Thiên Chúa, trong số những nguồn khác.

Nói chung, trọng tâm đặt nơi khía cạnh con người của Kinh thánh. Kinh thánh là một cuốn sách như bất kỳ cuốn sách nào khác, phải được nghiên cứu cùng với các phương pháp phê phán. Chẳng hạn, người ta rất khó chấp nhận những tường thuật phép lạ. Trên thực tế, người ta có nguy cơ chỉ chấp nhận những gì họ cho là "hợp lý", nghĩa là những gì người ta đã tin rồi.

Phần còn lại sẽ được xem như những niềm tin cũ, lỗi thời, vô giá trị. Trong khi đó, người ta quên mất rằng với tư cách là Lời của Thiên Chúa, Kinh Thánh phán xét tất cả các cách suy nghĩ của chúng ta và đặt chúng thành vấn đề. Chủ nghĩa tự do đã dẫn đến việc làm suy yếu niềm tin mà nhiều người đặt vào Kinh thánh. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi xảy ra một phản ứng. Đầu tiên là phản ứng của chủ nghĩa nền tảng, khẳng định nguồn linh hứng trọn vẹn của Kinh thánh, tính không thể sai lầm và thẩm quyền của Kinh thánh, như là Lời của Thiên Chúa.

Thật không may, trong một số trường hợp, phản ứng này đã đi quá xa và rơi vào chủ nghĩa theo nghĩa đen không thông minh (đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp các giáo phái như Nhân Chứng Giê-hô-va, (témoin Jéhova). Thế thì, Kinh thánh được xem như là một cuốn sách gần như ma thuật, rơi xuống từ trời theo cách của kinh Koran.

Người ta đọc Kinh thánh mà không để ý đến hình thức văn học của các bản văn, mà không đặt câu hỏi về hoàn cảnh lịch sử của bản văn, nói cách khác, họ không cố gắng để hiểu ý định của tác giả. "Từ ngữ giết chết nhưng Thánh Thần ban sự sống", Tông đồ Phao-lô đã nói như thế trong 2 Cr 3,6. Đây là cách Chúa Giê-su phản đối cách diễn giải theo nghĩa đen của giới răn liên quan đến ngày Sa-bát, để đưa giới răn trở về với thánh ý Chúa Cha, với lý do tại sao có giới răn: Mc 2,27; 3,4.

Sau đó, đã có một phản ứng "tân chính thống”dưới thúc đẩy của nhà thần học Karl Barth. Mối quan tâm của ông là tái khẳng định thẩm quyền của Lời Chúa, nhưng không che giấu khía cạnh con người của Kinh thánh. Kinh thánh có thể được nghiên cứu như bất kỳ cuốn sách khác theo quan điểm văn học và lịch sử. Kinh thánh có thể chứa đựng sai lỗi chi tiết về trật tự lịch sử hoặc khoa học. Nhưng không sao cả; Kinh thánh không phải là một cuốn sách lịch sử hay khoa học. Trong tất cả những gì Kinh thánh mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa, Kinh thánh hoàn toàn đáng tin cậy. Người ta sẽ nói rằng, thế thì sao? Chúa nói với chúng ta trong Kinh thánh (một cách độc đáo). Kinh thánh chứa đựng Lời Chúa. Người ta sẽ ngần ngại nói: Kinh thánh là Lời của Thiên Chúa.

Một trích dẫn từ một nhà kinh thánh Công giáo đã tóm tắt khá rõ lập trường này: "Tôi luôn khẳng định rằng toàn bộ Kinh thánh vừa là thần thánh và con người; rằng mỗi khẳng định của các tác giả là một lời khẳng định về Thiên Chúa, do đó không có lỗi, nhưng linh hứng đó không bắt buộc chúng ta phải khám phá những khẳng định khắp nơi. Các khẳng định của Kinh thánh có một phạm vi phải được đo lường theo hình thức văn học được sử dụng bởi tác giả."

Các nhà thần học khác ít ôn hòa hơn; họ đặt nghi vấn về tính lịch sử của nhiều tường thuật Kinh thánh, kể cả trong Tin mừng. Họ coi một số bản văn Kinh thánh như những thần thoại. Vậy chúng ta phải hóa giải thần thoại Kinh thánh. Về điều này, người ta có thể trả lời bằng một trích dẫn khác. "Nếu thuật ngữ ám chỉ rằng nhập thể và cứu chuộc không phải là các sự kiện lịch sử cứu rỗi, mà là những dự phóng huyền thoại của cộng đồng Kitô giáo đầu tiên, thì đức tin của cha ông chúng ta sụp đổ không thể cứu vãn được và Kitô giáo là trò lừa bịp lớn nhất của mọi thế kỷ."

2. Lập trường Tin Mừng

Vì Kinh thánh là phương tiện duy nhất Thiên Chúa đã ban cho để biết thông điệp cứu rỗi Ngài đã mặc khải cho Ít-ra-en và trong bản thân của Chúa Giêsu, chúng ta có thể tin rằng Chúa đã linh hứng cho các tác giả Kinh Thánh để họ bày tỏ "tư tưởng của Chúa "(1 Cr 2,16) chứ không phải tư tưởng của họ. Do đó, chúng tôi khẳng định linh hứng thiêng liêng của tất cả Kinh thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước. Thiên Chúa thúc đẩy các tác giả Kinh Thánh viết; Ngài đã canh giữ đảm bảo những gì các tác giả chuyển dịch một cách cách đáng tin cậy tất cả những gì Ngài muốn nói với chúng ta bằng phương tiện của họ.

Điều này ngụ ý trong Ki-tô giáo một thái độ tin tưởng vào Kinh thánh và thông điệp Kinh thánh truyền đến chúng ta từ Thiên Chúa.

Nhưng điều này cũng bao hàm thẩm quyền của Kinh Thánh, Lời Thiên Chúa dành cho con người mọi thời đại. Kinh thánh là "quy tắc duy nhất không thể sai lầm của đức tin và cuộc sống". Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô phải quy phục vào thông điệp, giáo huấn, tất cả cuộc sống của Kinh thánh - Kinh thánh chính là thẩm quyền của chính Thiên Chúa - Cũng như thế, mỗi ki-tô hữu phải tự để dẫn dắt trong mọi việc bởi Lời Thiên Chúa (điều đó không có nghĩa là Kinh thánh sẽ trả lời chính xác cho tất cả các câu hỏi chúng ta đặt ra, vì Kinh thánh không phải là một cuốn sách đạo đức hay phương thức cuộc sống, điều đó có nghĩa là Kinh thánh chỉ ra rõ ràng ý nghĩa của cuộc sống của chúng ta và không có gì có thể được biện minh nếu điều đó trái ngược với những gì Kinh Thánh dạy).

3. Linh hứng và các tác giả nhân loại

Như chúng ta đã thấy, các tác giả Kinh thánh không chỉ là những công cụ thụ động trong tay của Thiên Chúa. Cá tính của họ được thể hiện trong sách của họ. Lời Thiên Chúa được thể hiện bằng ngôn ngữ nhân loại. Văn hóa, phong cách, não trạng, cảm tính của mỗi tác giả thể hiện trong những gì họ viết. Kinh thánh không phải là một cuốn sách nguyên khối mà là một thư viện vô cùng đa dạng, phản ánh sự đa dạng của các nhân vật mà Thiên Chúa dùng để truyền đạt thông điệp của Ngài.

Cũng phải nhấn mạnh rằng hầu hết các sách trong Kinh thánh được viết trước tiên cho những người nhận cụ thể: đối với những con người sống tại một thời điểm nhất định trong lịch sử, trong các hoàn cảnh thường rất khác với chúng ta. Phép lạ của Lời Thiên Chúa, chính là Chúa Thánh Thần cho phép chúng ta nhận được thông điệp này, như thể nó được gửi đến đặc biệt cho chúng ta. Nhưng có một điều chắc chắn, một kiến ​​thức tốt về hoàn cảnh lịch sử của tác giả và những người nhận, một hiểu biết tốt về ý định của tác giả (đôi khi được diễn đạt bằng lời, như trong Ga 20,31), giúp hiểu rõ hơn Lời.

Vì lý do này, các ngành khoa học Kinh thánh (ngôn ngữ học, lịch sử, khảo cổ học, phê bình văn học - từ quan trọng là "nghiên cứu”và không phá hủy, v.v.) giúp ích rất nhiều cho những ai muốn nghiên cứu Kinh thánh. Cần phải nhấn mạnh rằng công trình khoa học này thường xác nhận tính chân thực của Kinh thánh. Khảo cổ học thể hiện tính cách lịch sử của những tường thuật mà một số nhà phê bình đặt câu hỏi; lịch sử cho thấy rằng một vài lời ngôn sứ đã được thực hiện, v.v.

Cũng cần lưu ý rằng linh hứng thiêng liêng đã không tránh cho các tác giả Kinh Thánh khỏi nghiên cứu và soạn thảo. Thánh sử Lu-ca đưa ra ví dụ rõ ràng nhất. Trong Lc 1,1-4, thánh sử mô tả mục đích và phương pháp làm việc của mình; ông không sợ dựa vào những gì người khác đã viết trước ông - có lẽ đó là thánh Mac-cô. Theo cách tương tự, dễ dàng thấy rằng tác giả (hoặc các tác giả) của sách các Vua đã tham khảo các nguồn (1 V 11,41; 14,19). Cũng giống như thế đối với các sách Sử Biên Niên (1 Sb 27,24; 2 Sb 16,11; 20,34. v.v ...).

IV. CHỨNG CỨ CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Không có luận cứ nào, không có kiến ​​thức văn học hay khoa học nào đủ để thuyết phục một người về linh hứng và thẩm quyền của Kinh Thánh. Sự xác tín này chỉ có thể phát sinh từ hành động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta.

Người ta có thể đọc một đoạn văn từ Kinh thánh một lần, mười lần, với tất cả những kiến ​​thức cần thiết để hiểu, nhưng không nhận biết ở đó là Lời Thiên Chúa. Và rồi, một ngày, mọi thứ sáng lên. Chính văn bản này nói với chúng ta với một thẩm quyền mới; chính Thiên Chúa nói chuyện với chúng ta thông qua Kinh thánh. Không có chứng tá nội tại của Chúa Thánh Thần, Kinh Thánh là những chữ chết. Nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, Kinh thánh trở thành Lời củ sự sống; thẩm quyền của Kinh thánh đặt lên chúng ta (Ga 6,68; 1 Tx 2,13; Hr 4,12).

Tuyên bố của Hội nghị Lausanne năm 1974 tổng hợp những gì chúng ta có thể tin: "Chúng tôi khẳng định ... rằng Lời này có quyền năng để hoàn thành chương cứu rỗi của Thiên Chúa. Sứ điệp Kinh thánh gửi đến cho toàn thể nhân loại, vì sự mặc khải của Thiên Chúa trong Chúa Kitô không thể thay đổi. Qua Lời đó, Chúa Thánh Thần tiếp tục nói chuyện với chúng ta ngày hôm nay, và trong mọi nền văn hóa, Ngài soi sáng thông minh hiểu biết của dân Thiên Chúa để họ có thể nhận thức một cách cá nhân và theo một phương mới sự thật Thiên Chúa và do đó Chúa Thánh Thần mặc khải cho toàn thể Giáo hội sự khôn ngoan vô cùng đa dạng của Thiên Chúa."

---Còn tiếp---

zalo
zalo