Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 81

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 9/35 - Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH THÁNH - Phần 9/35

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

--------------------------------

 

II. KINH THÁNH TIẾNG VIỆT

1. Bản dịch Kinh Thánh nào tốt nhất?

Đây là một câu hỏi (1-2) trong tác phẩm 101 Questions and Answers on the Bible,  Paperback  – September 1, 2003 của R. E. BROWN.

Như chúng ta đã biết về khó khăn và nhu cầu việc dịch thuật vừa đề cập trên đây, chúng ta có thể nói rằng, không có bản dịch nào tốt hay xấu; nhưng chúng ta phải hỏi rằng bản dịch nào thích hợp hay không cho chúng ta, cho mục đích của việc đọc Kinh Thánh. Việc đọc nơi công cộng, chẳng hạn những bài đọc trong thánh lễ hoặc trong các giờ kinh nguyện chung, đòi hỏi sự trang trọng. Vì thế, dùng bản dịch quá bình dân thì sẽ không hợp. Trái lại, khi đọc riêng để suy niệm, hoặc cầu nguyện, thì nên dùng một bản dịch được trình bày đẹp mắt, lời văn dễ đọc, dễ hiểu. Ngoài ra, khi đọc để học hỏi, nghiên cứu, thì nên có một bản dịch sát từng chữ - một bản dịch vẫn còn giữ lại sự hàm hồ tối ý của bản gốc.

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần nhắc lại các điều sau đây: các bản gốc của Kinh thánh bằng tiếng Híp-ri, tiếng A-ram, hoặc tiếng Hi-lạp, có nhiều đoạn phức tạp khó hiểu, nhiều câu hàm hồ tối ý. Có khi tác giả viết không rõ ràng, và rồi dịch giả phải đoán ý. Vì thế, họ phải quyết định hoặc dịch sát từng chữ và giữ nguyên sự hàm hồ tối nghĩa, hoặc dịch tự dọ rộng rãi hơn và cố gắng làm sáng tỏ sự hàm hồ tối nghĩa đó. Bản dịch sát cần có những bài dẫn giải in kèm, hoặc có phần chú thích ở dưới chân các trang, trình bày những giải pháp hiện có cho các đoạn tối nghĩa.

Mặt khác, trong bản dịch tự do, dịch giả đã tự định đoạt ý nghĩa cho những đoạn tối nghĩa. Xét theo một khía cạnh nào đó thì lời chú giải đã được khai triển sẵn trong mạch văn của bản dịch, và vì lý do này, bản dịch tự do đọc thì dễ, nhưng dùng để nghiên cứu thì khó.

Chúng ta cũng nên xem qua câu trả lời của R. E. BROWN dành cho các bản Kinh Thánh Anh ngữ được dịch ra sau đây để chúng ta có thể nhận ra cách lựa chọn một bản dịch:

"Trong những bản dịch sát của Anh ngữ, tôi thấy có 4, 5 dùng được. (Tôi thường dùng những bản dịch sát khi dạy học vì tôi muốn sinh viên của tôi biết đến những trắc trở của bản dịch.) Tôi xin được nhắc nhở các bạn một điều: Nhiều bản dịch có tầm mức đã được sửa lại cặn kẽ vào cuối thập niên 1980, hoặc đang được hiệu đính vào đầu thập niên 1990. Vì thế, mỗi người phải cẩn thận để mua cuốn hiệu đính mới nhất của bất cứ bản dịch Kinh Thánh nào.

Bản dịch mà tôi thường dùng nhất là The Revised Standard Version (Bản Tiêu Chuẩn Hiệu Đính). Mặc có nhiều khó khăn, nói chung thì bản này đọc được, cũng như được dịch sát chữ một cách cẩn thận. (Đây là bản hiệu đính của Bản King James, nhưng không may, thỉnh thoảng nó cũng bị xa vào một vài vết lầy của Bản King James.) Nó làm cho người Công Giáo hơi khó chịu vì việc sử dụng các chữ cổ để nói về Thiên Chúa (như Thou và Thee). Song điều này đã được sửa đổi trong bản mới, tức là The New Revised Standard Version (Bản Tiêu Chuẩn Bổ Túc Mới), xuất bản năm 1990. Nói chung thì người Tin Lành chính tông dùng bản này nhiều nhất, nhưng người Tin Lành bảo thủ thì vẫn còn ưa Bản King James.

Phần đông giáo dân Công Giáo tại Mỹ dùng bản The New American Bible (NAB)[12] (Bản Kinh Thánh Mới của Giáo hội Công giáo Hoa kỳ). Những bài đọc trong thánh lễ thường được trích từ đó. Phần Cựu Ước của bản này dịch rất hay, và nói chung thì khá hơn phần Cựu Ước của bản Revised Standard Version. Tuy nhiên, phần Tân Ước còn nhiều thiếu xót trầm trọng, và một trong những lý do là sau khi bản dịch rời khỏi tay những dịch giả đầu tiên thì đã bị sửa đổi nặng nề, đặc biệt bốn Phúc âm. Song việc sửa đổi này có phần hơi vụng về, chẳng hạn như thay chữ "reign”["sự trị vì"] cho chữ "kingdom”["nước”như "nước trời"]. Ngoài sự thiếu chính xác, phiên dịch như thế rõ ràng không hợp với những đoạn Phúc âm diễn tả một nơi (nước, vương quốc), thay vì một hành động (trị vì, cai trị). Thêm vào đó, sửa đổi như thế còn gây hiểu lầm vì Giáo dân Mỹ thường nghe "reign”["trị vì"] ra chữ "rain”["mưa"] (vì "reign-trị vì”và "rain-mưa”đều phiên âm là "rên", nhưng "reign-trị vì”thì không thông dụng). Tuy nhiên, vấn đề này đã không còn nữa vì phần Tân Ước trên vừa được dịch lại hoàn toàn vào cuối thập niên 1980; nó sẽ được ra mắt với quí vị trong các giờ phụng vụ vào đầu thập niên 1990 .

Tại Anh quốc, tín hữu Công Giáo dùng bản The Giê-ru-sa-lem Bible (Kinh Thánh Giêrusalem) trong phụng vụ, và bản này có nhiều liên-ki-tô. Bản Giêrusalem đầu tiên của Anh ngữ có nhiều thiếu xót vì nó được dịch phần lớn theo bản Giêrusalem tiếng Pháp, và đôi khi dịch giả đã không tra khảo các nguyên bản cặn kẽ hơn. (Bản Giêrusalem tiếng Pháp thì chính xác hơn.) Tuy nhiên, nhận xét này đã lỗi thời vì bản Anh Ngữ trên vừa được sửa chữa kỹ càng trong thập niên 1980. Phần chú thích của bản Giêrusalem đầu tiên xem ra đã rất đầy đủ và giá trị, thế nhưng phần chú thích của bản Giêrusalem mới lại còn hoàn hảo hơn."

2. Các bản dịch Kinh thánh tiếng việt

Các dấu mốc lịch sử

Giáo hội Công giáo xuất bản sách giáo nghi, trong đó có một số sách Phúc âm, phát hành tại  Bangkok,  Thái Lan năm 1872.

Jean Bonnet thuộc Trường Ngôn ngữ Đông phương Paris dịch Phúc âm Lu-ca sang tiếng Việt dựa trên bản Kinh Thánh Pháp ngữ Ostevald, và được Thánh Kinh Hội Anh Quốc xuất bản tại Paris năm 1890, đến năm 1898, được tái bản lần đầu tiên.

Thánh Kinh Hội Anh Quốc (Tin lành) phát hành Phúc âm Mác-cô năm 1899, Phúc âm Gio-an năm 1900, và Công vụ Tông đồ năm 1903.

Năm 1913, P.M. Hosler thuộc Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp dịch lại Phúc âm Mác-cô ra chữ Nôm, và xuất bản tại Quảng Tây, Trung Hoa.

Năm 1913-14, Giáo hội Công giáo xuất bản Thánh Kinh Cựu Ước song ngữ với bản Vulgata, và bản Tân Ước in song ngữ Việt – La-tinh theo bản Vulgata (năm 1916) do Albert Schlicklin (Cố Chính Linh) thực hiện, và được phát hành tại Hồng Kong.

Năm 1925, Giáo hội Công giáo cho xuất bản cuốn Các sách Phúc âm của Mác-cô Gispert-Forcadell.

Chúng ta có thể trình bày Kinh thánh Công giáo tiếng Việt như sau:

1) Các bản dịch từ những ngôn ngữ thứ hai

a) Từ tiếng La tinh:

Cha Trần Đức Huân đã dịch toàn bộ Kinh thánh từ bản La tinh Phổ thông: phần Tân Ước được xuất bản năm 1959 và Cựu Ước năm 1968. Xem ra bản này không còn thịnh hành lắm. Ngoài ra, bản Kinh thánh của Ủy Ban Phụng Vụ dịch trước năm 1975 cũng từ bản La tinh Phổ thông. Các bài đọc trong thánh lễ được trích từ bản này. Vì vội nên bản dịch này còn nhiều thiếu xót và không được xuất bản. Tuy nhiên, nhà xuất bản báo Trái Tim Đức Mẹ (Dòng Đồng công) đã gom góp những bài Phúc âm trong sách lễ, và cho xuất bản cuốn "Tin Mừng Chúa Giêsu”năm 1988. Bản này có lẽ sẽ được sửa và xuất bản vào năm 1996.

b) Từ tiếng Pháp:

Bản "Kinh Thánh Tân Ước”của cố Hồng y Trịnh Văn Căn, năm 1981. Bản này bình dân, dễ đọc. Đây là một công trình rất thiện chí nhưng giới hạn.

c) Từ tiếng Trung Hoa:

Bản Tân Ước của Cha Trần văn Kiệm được xuất bản tại Hoa kỳ năm 1994. Bản dịch này phần lớn dựa theo một bản tiếng Trung hoa. Dĩ nhiên bản tiếng Trung hoa được dịch từ nguyên bản, và dịch giả đã tham khảo những bản dịch của các ngôn ngữ khác như bản New Jerusalem Bible và bản New American Bible của Anh ngữ.

2. Toàn bộ Kinh thánh dịch từ nguyên ngữ

a) Bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế, là bản duy nhất có cả Cựu Ước và Tân Ước dịch từ các nguyên ngữ Kinh thánh. Cha Thuấn đã làm việc trong 20 năm trời, nhưng rất tiếc cha đã qua đời năm 1975, trước khi hoàn thành công trình này. Vì thế, ba sách Huấn ca, Gióp và Ba-rúc, cộng thêm phần chú giải của ba sách đó, đã được dịch sau này, và toàn bộ Kinh thánh được in sau năm 1975. Nhìn chung, đây là một công trình khoa học uyên bác, rất có ích cho người nghiên cứu. Theo quan niệm phiên dịch cổ điển, bản này dịch bám sát từng chữ. Thêm vào đó, cha lại dùng nhiều từ Hán Việt nên câu văn tiếng Việt đôi khi khó hiểu. Ngoài ra, đây là công trình do một người làm, và vì thế, ưu điểm của nó là dễ thống nhất, tất nhiên khuyết điểm của nó là giới hạn khả năng của một người.

b) Bản dịch của nhóm "Các Giờ Kinh Phụng vụ", năm 1994. Đây là một công trình tập thể đầu tiên trong lãnh vực phiên dịch Kinh Thánh tại Việt nam. Ban làm việc gồm: một số chuyên viên Kinh thánh tốt nghiệp Thánh kinh Học viện (Rôma) và Ecole Biblique (Giêrusalem) hoặc tại Việt nam, một số chuyên viên về phụng vụ (học tại Pháp), và một số tốt nghiệp các trường thần học (Rôma). Phần chú thích được soạn để đáp ứng nhu cầu của các độc giả Việt nam, chưa có sách chú giải để tham khảo. Trong các bản dịch tiếng Việt, đây là bản dịch chính xác nhất hiện nay. Hy vọng phần Cựu Ước sẽ được xuất bản trong một ngày gần đây.

3. Bản Tân Ước dịch từ tiếng Hi-lạp

Bản "Tin Mừng của Thiên Chúa Cha” của Cha An-sơn Vị, năm 1977. Bản dịch của cha Vị là một công trình cá nhân. Cha Vị không được đào tạo chuyên môn về Kinh thánh, nhưng có một vài trực giác hay, có thiện chí và chịu khó nghiên cứu. Rất tiếc, khi vận dụng các trực giác ấy quá mức thì câu tiếng Việt nhiều khi trở thành ngộ nghĩnh. Phần dẫn nhập và chú thích của bản này thì lấy từ bản TOB [Noveau Testament - Traduction Oecumenique de la Bible] và Bible de Jérusalem. Tổng hợp lại: đây là một công trình thiện chí hơn là khoa học.

Bản dịch Kinh thánh của người Tin Lành

Chỉ 5 năm sau khi Tin Lành truyền bá đến Việt Nam, năm 1916, những nhà lãnh đạo Tin Lành đã khởi sự dịch thuật toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt. Đến năm 1926, cộng đồng Tin Lành tại Việt Nam đã có bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng ngôn ngữ của mình.

Kinh Thánh Tin Lành tiếng Việt xuất bản năm 1926 là bản dịch đầu tiên toàn bộ Kinh Thánh do ông Phan Khôi dịch sang tiếng Việt, được phát hành tại Việt Nam. Bản Kinh Thánh Việt ngữ 1926 được phổ biến rộng rãi và rất được yêu thích trong cộng đồng Tin Lành tại Việt Nam. Đối với nhiều tín hữu Tin Lành, bản dịch này đã ghi dấu ấn sâu đậm trên tình cảm tôn giáo của họ.

Phan Khôi (1887-1959) là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, thành viên nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới.

Ông còn là một nhà báo tài năng, một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới, đa văn hóa từ Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp... Ông còn nổi tiếng vì sự trực ngôn, trước 1945 được mang danh là Ngự sử văn đàn. Ông phê phán chính sách cai trị của người Pháp một cách sát sườn, đối thoại với các học giả từ Bắc đến Nam không e dè kiêng nể. Những năm 1956 - 1958 cũng vì cung cách nói thẳng ấy ông đã buộc phải dừng sáng tác. Ông qua đời vào năm 1959.

Thực ra bản dịch Kinh thánh Tin lành không phải chỉ do ông Phan khôi.

William C. Cadman và vợ, Grace Hazenberg Cadman - bà Cadman đã hoàn tất chương trình cao học chuyên ngành tiếng Híp-ri và  tiếng Hy Lạp, hai ngôn ngữ được sử dụng để viết Cựu Ước và Tân Ước - bắt đầu công cuộc dịch thuật từ năm 1914. Với sự trợ giúp của một học giả tên Nho, họ đã kịp hoàn thành các sách Phúc âm Gio-an, Mat-thêu, Mác-cô, Lu-ca, cũng như sách Công vụ các Tông đồ, và thư Rô-ma trước khi Toàn quyền Pháp ra lệnh đóng cửa các cơ sở truyền giáo và trục xuất năm nhà truyền giáo vào cuối năm 1915. Đến năm 1918, bản Quốc ngữ của các sách này được ấn hành tại Thượng Hải, trong khi bản chữ Nôm được ấn hành ở Hà Nội.

Từ đầu năm 1921 đến cuối năm 1922, với sự cộng tác của Trần Văn Dõng, một dịch giả chuyên nghiệp, J. D. Olsen đảm trách công cuộc dịch thuật những sách còn lại của Tân Ước, in tại Thượng Hải và phát hành tại Việt Nam trong năm 1922, rồi được tái bản ngay trong năm sau.  Kể từ năm 1920, chữ Quốc ngữ được chọn làm ngôn ngữ duy nhất để dịch Kinh Thánh, việc phiên dịch Kinh Thánh sang chữ Nôm bị dừng lại mặc dù bảy bản Kinh Thánh chữ Nôm vẫn được xuất bản cho đến giữa thập niên 1930.

Năm 1919, ông bà Cadman trở lại với công việc dịch thuật Kinh Thánh, lần này có sự cộng tác của học giả Phan Khôi. Đến năm 1925, họ hoàn tất bản dịch Cựu Ước.

Tuy nhiên, vì là một ấn bản khá cổ xưa, văn phong trong một số câu, đoạn của Bản Kinh Thánh Việt ngữ 1926 không còn thích hợp với ngữ cảnh hiện nay, cũng như một số từ ngữ trở nên khó hiểu với độc giả đương đại. Nhiều bản dịch Kinh Thánh khác đã được phát hành, nhưng cho đến nay, chưa có bản dịch nào có thể thay thế vị trí của Bản Kinh Thánh tiếng Việt 1926.

Tuy vậy, nay giáo hội Tin lành có nhiều bản dịch, chúng ta có thể liệt kê sau đây:

- Bản truyền thống (1926)

- Bản dịch 2011

- Bản dịch mới

- Bản phổ thông

- Bản diễn ý

Vào dịp kỷ niệm 100 năm các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp truyền Tin Lành tại Việt Nam, một bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ mới được phát hành. Bản dịch này được gọi là Bản Dịch 2011, do Mục sư Đặng Ngọc Báu thực hiện.

Công trình phiên dịch Kinh Thánh này được thực hiện từ năm 1996. Vào năm đó, Phúc Âm Gio-an được xuất bản để làm sách giới thiệu niềm tin Cơ Đốc, đồng thời được sử dụng tại vài Hội Thánh. Vài tháng sau, Phúc Âm Mat-thêu, Mác-cô, Lu-ca, rồi Thánh vịnh, Châm Ngôn lần lượt được xuất bản.   Tân Ước được phát hành vào năm 2002 và toàn bộ Kinh Thánh được phát hành vào năm 2011.

Ưu điểm của bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 2011 là văn mạch trong sáng, từ ngữ chính xác, và ngôn ngữ phổ thông. Những từ ngữ địa phương hoặc cổ xưa ít thông dụng đã được thay đổi. Bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 2011 thích hợp cho cả học giả Kinh Thánh, các tín hữu lẫn những độc giả mới làm quen với Kinh Thánh. Vài thay đổi về danh từ riêng trong bản dịch này có thể làm các độc giả quen thuộc với bản dịch truyền thống hơi ngỡ ngàng, nhưng không trở ngại cho độc giả phổ thông.

Bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 2011 phát hành tại Hoa Kỳ hơn một năm và đã được phép xuất bản tại Việt Nam. Điều đáng ngạc nhiên là bản Kinh Thánh này được phổ biến trên internet, dùng trong computer, điện thoại và các sản phẩm điện tử cầm tay nhiều hơn là bản in truyền thống.

3. Chúng ta lựa chọn Kinh Thánh như thế nào?

Đối với các thần sinh viên Thần học, thật tốt khi chọn một ấn bản của Kinh Thánh tương ứng với việc nghiên cứu hay khảo sát, có ít nhất là các tài liệu tham khảo, để có thể tìm thấy, từ một văn bản, các đoạn văn liên quan đến cùng một chủ đề.

Mục đích là để nghiên cứu sâu về một bản văn, chúng ta có thể đọc nhiều bản dịch khác nhau để so sánh. Chúng ta sẽ nhận ra rằng khía cạnh này của thông điệp được thể hiện tốt hơn trong một bản dịch, một khía cạnh khác tốt hơn trong một bản dịch khác, v.v ... Khôn ngoan nhất là chúng ta trung thành với bản Kinh thánh mà chúng ta đã quen đọc cá nhân mỗi ngày; nhưng chúng ta nên đọc thêm các bản khác để tránh khỏi việc chỉ thấy một quan điểm, để không trở thành nô lệ cho thói quen. Nếu chúng ta gặp khó khăn ngay khi chúng ta nghe những lời Kinh thánh ở dạng khác với những gì chúng ta đã quen, vì có lẽ chúng ta gắn bó với nghĩa đen, nghĩa sát chữ, nghĩa văn chương bản văn hơn là đi tìm thánh ý Thiên Chúa sao?

Nếu Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, thì điều quan trọng là tất cả mọi người đều có thể đọc và hiểu nó. Không có gì nghi ngờ các tác giả của các sách Kinh Thánh khác nhau không viết dành riêng cho các chuyên gia, nhưng cho những người bình thường; họ tìm cách viết cho mọi người hiểu và không chỉ bởi một nhóm học giả ưu tú.

Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô vẫn luôn đến được cho tất cả mọi người, ngày nay điều này vẫn là điều cốt yếu của thông điệp Kinh Thánh. Không cần nghiên cứu thông thái để hiểu được Tin Mừng: "Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”(Mt 11,25). Điều này không có nghĩa là không có những đoạn khó trong Kinh thánh, nhưng bản chất của thông điệp là rõ ràng cho bất cứ ai đọc hoặc nghe với lòng thành.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng việc đọc Kinh thánh, ngay cả trong một bản dịch hiện đại, gây ra một số khó khăn. Các tác giả Kinh Thánh là những người đến từ thời đại khác, từ một nền văn hóa khác, sống trong hoàn cảnh lịch sử khác xa với chúng ta. Đầu tiên họ viết cho những người đương thời của họ. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi cách họ thể hiện bản thân, nhiều tài liệu tham khảo của họ về một tình huống tôn giáo, kinh tế hoặc chính trị mà chúng ta biết ít, cho chúng ta những vấn đề trong việc hiểu những gì họ muốn nói. Thánh Phê-rô nhận ra trong thư thứ 2 của mình rằng thư của Phao-lô đôi khi rất khó tiếp cận (2 Pr 3,15-16: "[15]Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ, như ông Phao-lô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông[16]Ông cũng nói như vậy trong tất cả các thư của ông, khi bàn đến các vấn đề này. Trong các thư ấy, có những chỗ khó hiểu; những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh, bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy hoạ diệt vong"). Và thánh Phê-rô nói thêm rằng một số người “những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc ‘’ có nghĩa là ‘vặn vẹo ý nghĩa của thánh thư’.

Đây là vấn đề của việc đọc Kinh Thánh với ý đồ xấu vừa được nêu ra ở đây. Đó là, việc có nhiều người có thể hiểu sai thông điệp của Kinh Thánh. Trong một số trường hợp, đây chỉ là lỗi chi tiết hình thức; ở những người khác, đụng chạm đến ý nghĩa sâu sắc của bản văn bị bóp méo. Chúng ta đã thấy điều đó trong các Tin mừng: Chúa Giêsu phản đối việc giải thích Cựu Ước: ví dụ; Những người Sa-đuc-sê-en trong Mt 22-23-33 trích dẫn một đoạn văn Cựu Ước để diễn giải sai lạc khác với ý nghĩa thông điệp của bản văn. Lịch sử của Giáo hội cũng cho thấy những khác biệt đáng kể đã xảy ra trong việc giải thích Kinh thánh.

--------------------

Chú thích:

 

[12] The New American Bible (NAB) is an English translation of the Bible first published in 1970. The 1986 Revised NAB is the basis of the revised Lectionary, and it is the only translation approved for use at Mass in the Roman Catholic dioceses of the United States and the Philippines, and the 1970 first edition is also an approved Bible translation by the Episcopal Church in the United States.

Stemming originally from the Confraternity Bible, a translation of the Vulgate by the Confraternity of Christian Doctrine, the project transitioned to translating the original biblical languages in response to Pope Pius XII's 1943 encyclical Divino afflante Spiritu. The translation was carried out in stages by members of the Catholic Biblical Association of America (CBA) "from the Original Languages with Critical Use of All the Ancient Sources" (as the title pages state). These efforts eventually became the New American Bible under the liturgical principles and reforms of the Second Vatican Council (1962–1965).

---Còn tiếp---

zalo
zalo