Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 237

Lời Xin Vâng Với Lời Từ Trời Cao (1)

LỜI XIN VÂNG VỚI LỜI TỪ TRỜI CAO

 Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

(dongten.net)

 

Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ (Lc 1,26-38).

 Trong Tin Mừng thứ ba chúng ta thấy có hai câu truyện truyền tin. Câu truyện thứ nhất nói đến việc Thiên Thần Gáprien truyền tin cho ông Dacaria về việc sinh ra của thánh Gioan tẩy giả. Câu truyện thứ hai nói về việc Thiên Thần Gáprien truyền tin cho Mẹ Maria về việc Chúa Giêsu sinh ra. Giờ đây chúng ta cùng đọc câu truyện này:

“26 Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà". 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận".

34 Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"

35 Sứ thần đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được’.

38 Bấy giờ bà Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 Đây là bài Tin Mừng có những nét rất đẹp diễn tả cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Thiên và Trần. “Bài Tin Mừng này công bố cho thế giới và cho chúng ta ơn cứu độ của Thiên Chúa, loan báo cho chúng ta về Đấng Mêsia, Đấng Cứu Độ thế giới đang trên đường đến. Đó là Tin Vui lớn lao cho chúng ta và cho tất cả mọi người.

 Tin Vui này nói với chúng ta rằng: Thế giới này đang bị sự dữ, khổ đau, tuyệt vọng và cái chết bao phủ, nhưng thế giới này không bị lãng quên và không bao giờ bị tận diệt. Một ánh sáng bừng lên trong căn nhà nhỏ ở Nadarét, ánh sáng này như tia sáng của ánh sao mai trong đêm tối loan báo về buổi sáng hoàng hôn và mặt trời đang chuẩn bị tỏ rạng, ngày mới đang chuẩn bị bắt đầu”.[1]

 Vì thế, dù ở trong thời đại nào, dù ở trong hoàn cảnh nào, con người chúng ta không bao giờ thất vọng, vì Thiên Chúa Đấng yêu thương không bao giờ quên chúng ta. Với niềm hy vọng và niềm tin này, chúng ta bước vào hành trình tìm hiểu, chiêm ngắm và suy niệm biến cố gặp gỡ đặc biệt này.

Trong trình thuật Thiên Thần truyền tin cho Đức Maria, chúng ta thấy có ba phần. Phần đầu Luca giới thiệu khung cảnh câu truyện và các nhân vật (câu 26-27). Tiếp đến là việc Thiên Thần Gáprien đến với Mẹ Maria và đối thoại với người (câu 28-37). Cuối cùng là lời xin vâng của Mẹ Maria với sứ mạng Chúa trao (câu 38).

Theo lịch Phụng Vụ, trước khi Giáo Hội mừng trọng thể mầu nhiệm nhập thể và Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế, chúng ta được mời gọi cùng “bước vào” câu truyện thật đẹp nói về cuộc gặp gỡ giữa thiên sứ của Thiên Chúa với một thiếu nữ thuộc trần thế này. Đó cũng là câu truyện tuyệt vời của Thiên Chúa và do chính Người chủ động.

Đức cố Hồng y Carlo Maria Martini khi bắt đầu suy niệm câu truyện truyền tin này đã viết: “Khi chúng ta bắt đầu suy niệm về đoạn Tin Mừng Thiên Thần truyền tin, cảm xúc đầu tiên của tôi là muốn giữ thinh lặng. Trong thực tế, tôi sợ phải lên tiếng, như ông Môsê sợ nhìn vào bụi gai đang cháy. Lúc đầu, ông đến gần với sự tò mò. Nhưng rồi ông lấy áo che mặt đi vì sợ nhìn thấy Thiên Chúa. Bây giờ tôi cũng cảm thấy như vậy, vì biến cố truyền tin giống như một bụi gai đang cháy. Nó là mầu nhiệm chứa đựng tất cả”.[2]

Với tâm tình của Martini, chúng ta cùng “cởi dép” ra, để xứng đáng và cung kính bước vào mảnh đất mầu nhiệm này. “26 Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria”. Nhân vật Êlisabét được nhắc tới với yếu tố thời gian “có thai được sáu tháng” như là một cầu nối đi vào câu truyện truyền tin.

Tiếp đến thánh sử nhắc tới sứ thần có tên là Gáprien được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ mạng Người trao. Trong câu truyện trước đó, sứ thần Gáprien cũng thi hành sứ mạng truyền tin cho ông Dacaria (x.Lc 1, 19). Như thế hai câu truyện truyền tin và hai sứ vụ được liên kết với nhau qua hình ảnh của Mẹ Maria và bà Êlisabét cùng hai  đứa con của hai phụ nữ này. Hơn nữa, họ là bà con với nhau.

 Trong biến cố truyền tin thứ hai này do thánh Luca thuật lại, sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến với một phụ nữ đang sống trong một làng bé nhỏ thuộc miền Galilê, miền bắc của Israel. Làng đó có tên là Nadarét. Ở đó, Ngài “gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria”. Trong câu này, chúng ta để ý sẽ nhận ra cụm từ “trinh nữ” được nhắc đến hai lần.

 Michel Hubaut suy tư về điều này: “Thánh Luca dùng từ trinh nữ hai lần. Tại sao người không nói: một thiếu nữ hay một thiếu phụ? Thưa chỉ vì muốn cho nghe vang dội lời các ngôn sứ đã từng khẳng định Thiên Chúa sẽ được trinh nữ Israel đón nhận. Trong bao nhiêu thế kỷ, Thiên Chúa đã chịu đựng những tội bất tín bất trung của dân Người và đã tha thứ hết cho họ. Nhưng khi xuống thế làm Đấng Cứu Độ ở giữa chúng ta, thì Người lại muốn được dân Người đón nhận với một tấm lòng trinh trong hoàn toàn thuộc về Người.

Thời Chúa Giêsu, khi đọc lời ngôn sứ Isaia 7, 14, đã có nhiều người nghĩ rằng Đấng Mêsia sẽ sinh làm con một người mẹ đồng trinh. Và sách Tin Mừng nói cho ta biết: Đức Maria chính là người trinh nữ sinh hạ Đấng Mêsia. Người nữ đã được Thiên Chúa chọn ngay từ đầu, để đón nhận Con của Người với một Đức Tin hoàn hảo, tất phải là một trinh nữ. Người Mẹ sắp truyền tặng cho con người Giêsu dòng máu huyết quản, những nét di truyền, tính tình, giáo dục thuở còn thơ, tất đã phải núp bóng Đấng Tối Cao mà lớn lên, tựa một đoá hoa ẩn kín chưa hề bị chiếm hữu, biến cả đời mình thành tặng phẩm hoàn toàn hiến dâng lên Thiên Chúa hằng sống”.[3]

 Ngoài ra, tên Maria được thánh sử Luca chủ ý nhắc đến, để nêu bật vai trò của Mẹ trong câu truyện Giáng Sinh con Mẹ là Chúa Giêsu. Về hình ảnh của Mẹ Maria ở đây, Peter Stuhlmacher giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát: “Mẹ của Chúa Giêsu là Đức Maria (tên tiếng Hípri là mirjam hay marjam).

 Thánh sử Luca đã kể về Maria với một sự kính trọng. Ngay từ đầu Đức Maria là người thuộc về cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem, như sách Công Vụ có nhắc đến: "Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu" (Cv 1, 14).

 Mộ của Người hiện vẫn được gìn giữ ở tại Kidrontal gần Giêrusalem. Đối với những Kitô hữu tiên khởi, chắc chắn là một diễm phúc lớn, khi họ được quen biết Mẹ của Chúa, giống như bà Êlisabét đã thốt lên: "Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?" (Lc 1, 43).

 Trong mắt của các Kitô hữu tiên khởi, Đức Maria chính là người phụ nữ sẽ sinh ra Đấng Cứu Thế mà tiên tri Isaia tiên báo: "Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen (Is 7, 14). Là Mẹ của Đấng Mêsia, của vị Vua đưa lại ơn cứu độ, Mẹ được tôn vinh. Là người phụ nữ Do Thái, Mẹ được ca ngợi là trinh nữ Xion của Thiên Chúa, trinh nữ đã sinh hạ Con Thiên Chúa (x. Dc 2, 14; Xp 3,14-17 với Kh 12,1-6). Theo Lc 1,26-27, Đức Maria sống trong một làng nhỏ là Nadarét thuộc miền Galilê. Mẹ thành hôn với Giuse, một người thuộc dòng dõi vua Đavít. Đức Maria có họ hàng với bà Êlisabét là mẹ của Gioan tẩy giả. Điều đó đưa đến một suy đoán, có thể gia đình của Đức Maria cũng có liên hệ với hàng tư tế”.[4]

 Ngoài Mẹ Maria, thánh sử Luca cũng nhắc đến thánh Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít, là người mà Mẹ Maria đã đính hôn. Như chúng ta biết, đối với Tin Mừng Giáng Sinh của thánh Mátthêu, thánh Giuse đóng vai trò rất quan trọng. Ngài xuất hiện như một con người hành động trong biến cố Thiên Thần truyền tin cho ngài, dù cho Đức Maria là một người Mẹ tuyệt hảo.

 Sau khi khéo léo xây dựng toàn cảnh của câu truyện cùng với các nhân vật, thánh sử Luca đưa người đọc bước vào mầu nhiệm tuyệt vời này qua việc sứ thần vào nhà trinh nữ Maria: “28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà. 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Trong khi Thiên Thần Gáprien truyền tin cho ông Dacaria ở trong Đền Thờ, tại nơi cực thánh, thì Thiên Thần Gáprien lại vào ngôi nhà rất đơn sơ của Maria và chào cô.

 Như thế, việc sinh ra của Gioan tẩy giả được loan báo trong nơi cực thánh của Đền Thờ, còn việc sinh ra của Chúa Giêsu lại được loan báo trong ngôi nhà của một trinh nữ. Trong Cựu Ước Thiên Chúa sống trong Đền Thờ, trong Tân Ước Thiên Chúa chọn nơi trú ẩn ở giữa loài người. Điều này tương hợp với lời của thánh sử Gio-an nói về mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14).[5]

 “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Đó là lời sứ thần chào Đức Maria. Đó cũng là lời các ngôn sứ từng ngỏ với “thiếu nữ” Xion, tức là cộng đoàn những người khiêm nhu đang trông đợi Vị Cứu Tinh đến. Chúng ta đọc được trong sách tiên tri Xôphônia và sách tiên tri Dacaria:

 “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion,
hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!
Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi”
 (Xp 3, 14).

 “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:
Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ”
 (Dcr 9, 9).

 Từng bước tìm hiểu và suy niệm lời chào này, chúng ta dừng lại ở cụm từ thiên sứ nói: “Mừng vui lên!”. Theo Ratzinger, “trong lời chào, điều ngạc nhiên là thiên thần không chào Đức Maria theo cách thông thường của người Do Thái là Shalom, có nghĩa là bình an ở với bà, nhưng lại theo công thức chào hỏi của Hy Lạp chaire, có thể dịch là ‘chào bà’, cũng như trong lời cầu với Đức Maria của Giáo Hội được rút từ trình thuật truyền tin (x.Lc 1,28.42).

 Dù vậy, cũng được phép hiểu ý nghĩa đích thực của từ chaire: Hãy vui lên! Với lời chào này của Thiên Thần, chúng ta có thể nói rằng: Tân Ước đã bắt đầu theo nghĩa chặt của nó…

 "Hãy vui lên!", đầu tiên là một lời chào trong ngôn ngữ Hy Lạp, nhưng trong lời của Thiên Thần, cánh cửa hướng đến muôn dân cũng được mở ra, nói lên tính phổ quát của sứ điệp Kitô giáo. Nhưng đồng thời, cũng là một lời rút từ Cựu Ước và như thế nằm trong tính liên tục của lịch sử cứu độ theo Thánh Kinh.

 Stanislas Lyonnet và René Laurentin cho thấy, lời chào của Thiên Thần với Đức Maria, đã lấy lại lời tiên báo của ngôn xứ Xôphônia 3,14-17 và hiện thực hoá đó như sau: "Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel!… Đức Chúa, Thiên Chúa của người đang ngự giữa ngươi"…

 Hình ảnh "Thiên Chúa của người đang ngự giữa ngươi" được tiên tri Xôphônia lấy từ sách Xuất Hành, nói lên việc Thiên Chúa trú ngụ trong Hòm Bia Giao Ước cũng như là ‘trong lòng Israel" (Xh 33, 3; 34, 9). Cũng chính lời này trở lại trong sứ điệp của Thiên Thần nói với Đức Maria: "Bà sẽ đón nhận vào trong dạ mình" (Lc 1, 31)…

 "Hãy vui lên! Hỡi Đấng đầy ân phúc". Một phương diện khác của lời chào chaire cũng cần được suy nghĩ: sự liên hệ giữa niềm vui và ân sủng. Theo tiếng Hy Lạp, hai thuật ngữ này, niềm vui và ân sủng – chará và cháris, được tạo từ một gốc. Niềm vui và ân sủng gắn chặt vào nhau”.[6]

 Về điều này Cantalamessa cũng viết: “Ân sủng là lý do chính yếu niềm vui của chúng ta. Trong tiếng Hy Lạp, thứ tiếng đã được dùng để biên soạn Tân Ước, hai từ "ân sủng" (charis) và niềm vui (chará) hầu như lẫn lộn với nhau: ân sủng là điều đem lại niềm vui.

 Vui mừng vì ân sủng là muốn nói rằng: "Ðặt niềm vui của mình ở nơi Chúa" (x.Tv 37, 4) chứ không đặt ở nơi ai khác ngoài Ngài hay không có Ngài: không yêu quí điều gì hơn là lòng nhân từ và trung thành của Thiên Chúa”.[7]

 Thiên Thần kêu mời Mẹ Maria vui lên, vì Chúa đến với Mẹ, Chúa chọn Mẹ và ban cho Mẹ ân sủng cao quý nhất. Đó là Mẹ được đón nhận Hài Nhi Giêsu vào lòng mình. Làm sao có thể mường tượng được ân sủng cao quý này? Ân sủng càng cao quý, niềm vui càng dâng cao.

 “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Trong lời mời gọi Mẹ Maria vui lên, Thiên Thần lại không gọi Mẹ với tên của Mẹ, mà gọi Mẹ bằng cụm từ “Đấng đầy ân sủng”. Điều này quá đặc biệt! Chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của cụm từ này, cũng như cần chiêm ngắm dung mạo thật đẹp của Mẹ Maria, Đấng đầy ân sủng.

 “Đấng đầy ân sủng là tên đẹp nhất của Mẹ Maria, tên đó chính Thiên Chúa ban tặng cho Mẹ, để qua đó Chúa muốn chỉ ra rằng, từ giây phút đó và cho đến muôn đời Mẹ là Đấng được yêu thương, Đấng được tuyển chọn. Thật vậy, Mẹ được tuyển chọn để đón nhận một món quà vô giá: Chúa Giêsu, Thiên Chúa yêu thương mặc lấy xác phàm”.[8]

 “Trong dòng thời gian Giáo Hội luôn hiểu lời "đầy ân sủng" là Mẹ Maria được đầy ân sủng ngay từ lúc khởi đầu cho đến mọi thời điểm của cuộc sống Mẹ. Ở nơi Mẹ, từ ngay những giây phút đầu tiên của đời Mẹ, không vương vấn bất cứ dấu hiệu tội lỗi hay nhơ bẩn nào cả. Như thế, Mẹ chính là tạo vật trong sạch nhất và hoàn thiện nhất của ân sủng Thiên Chúa. Là tạo vật trọn hảo này, Mẹ xứng đáng là Mẹ của Thiên Chúa, là căn phòng và cánh cửa để Thiên Chúa bước vào thế giới này”.[9]

 Là Đấng đầy ân sủng, Mẹ Maria được Chúa đoái nhìn và sủng ái, “Mẹ được tràn đầy ân phúc của Thiên Chúa. Như thế, chủ thể làm cho Mẹ được đầy ân phúc là chính Thiên Chúa. Từ trong thân phận bình dị là tạo vật đã được Người tạo nên, Thiên Chúa đã làm ra được một Công Trình kỳ diệu, là Lều Thánh hoàn thiện, là Đền Thờ tuyệt mỹ, là Xion mới và thánh thiện”.[10] Đó là Mẹ Maria, Đấng đầy ân sủng.

 Đấng đầy ân sủng hay Đấng được sủng ái đều là nét rất đẹp trong dung mạo của Đức Maria. Catalamensa trong tác thẩm Maria, tấm gương cho Giáo Hội đã viết những lời thật đẹp về Mẹ Maria, Đấng đầy ân sủng: “Trong lời chào, thiên thần đã không gọi tên Maria, mà chỉ gọi là "đầy ân sủng" hay "được đầy ân sủng" (kêkharitômênê). Thiên thần không nói: "Vui lên, hỡi Maria", mà là "Vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng".

 Ân sủng, đó là chân tính sâu thẳm nhất của Ðức Maria. Maria là người rất "quý giá" đối với Thiên Chúa ("cher" [quý giá] và "charité" [lòng mến, đức ái] đều phát xuất từ một gốc: charis, có nghĩa là ân sủng). Tất nhiên ân sủng nơi Ðức Maria tùy thuộc vào sứ mạng làm Mẹ Ðấng Mêsia mà Thiên Thần loan báo, nhưng điều đó chưa giải thích hết ân sủng nơi Ðức Maria. Maria không phải chỉ là một chức vị, mà trước hết, là một con người và chính con người Ðức Maria là điều Thiên Chúa quý giá từ muôn thuở.

 Như thế, Maria là lời công bố sống động và cụ thể rằng, ngay từ khởi thủy đã có ân sủng trong các mối quan hệ giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Người. Ân sủng là mảnh đất, là nơi chốn thụ tạo có thể gặp được Ðấng dựng nên mình. Cũng thế, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được trình bày như là Ðấng giàu ân sủng, nghĩa là đầy tràn ân sủng (x.Xh 34, 6). Thiên Chúa đầy ân sủng theo nghĩa chủ động (actif) vì là Ðấng "đổ đầy" ân sủng, còn Ðức Maria cũng như với mỗi thụ tạo đầy ân sủng theo nghĩa thụ động (passif), bởi lẽ người được đầy ân sủng…

 Maria như một icône sống động về ân sủng nhiệm mầu đó của Thiên Chúa. Khi nói về nhân tính Ðức Giêsu, thánh Augustino viết: "Con người đó, làm thế nào để xứng đáng được là con độc nhất của Thiên Chúa, được Ngôi Lời đồng vĩnh cửu với Chúa Cha đảm nhận trong sự duy nhất của một Ngôi Vị Thiên Chúa?

 Phần Ngài, Ngài đã làm được điều gì tốt lành trước khi xảy ra sự kết hợp đó? Trước đó, Ngài đã làm gì, đã tin gì, đã khẩn xin gì để đạt tới phẩm vị cao vời khôn tả như thế?’ Bạn hãy tìm công phúc, tìm sự công chính và hãy suy nghĩ xem hoặc bạn có tìm thấy điều gì khác hơn là ân sủng.

 Những lời này dọi một tia sáng đặc biệt lên tất cả con người Ðức Maria. Về Ðức Maria, chúng ta càng phải nói mạnh hơn nữa: Maria đã làm gì để xứng đáng được đặc ân để đem lại nhân tính cho Ngôi Lời? Người đã tin, đã cầu xin, cậy trông hay chịu đau khổ như thế nào để được sinh ra thánh thiện và vô nhiễm?

 Ở đây cũng thế, bạn hãy tìm xem có công phúc, có sự công chính nào, tìm bất cứ điều gì bạn muốn, xem bạn có thấy nơi Người điều gì khác ngoài ân sủng ngay từ giây phút đầu. Ðức Maria có thể lấy lời của thánh Phaolô áp dụng cho mình cách hết sức đúng nghĩa: "Hiện tôi có gì là bởi Ơn Thiên Chúa" (1Cr 15, 10).

Ân sủng, đó là lời giải thích trọn vẹn về Ðức Maria, về sự cao trọng và vẻ đẹp của Người. Một thi sĩ (Cl. Péguy) viết: Sẽ đến lúc người ta không còn có thể bằng lòng với vị thánh quan thầy của mình, của thành phố mình, ngay cả đến những vị thánh quan thầy vĩ đại nhất, mà cần phải lên đến người đẹp lòng Thiên Chúa nhất, gần Chúa nhất. "Lên đến Ðức Maria, bởi Người đầy ân sủng". Những lời thật đơn sơ mà cũng thật sâu thẳm. Ðúng thế, Maria là Maria, bởi lẽ Người đầy ân sủng. Nói Maria đầy ân sủng đã là diễn tả trọn vẹn về Người”.[11]

Thật vậy, Đức Mẹ thật là Đấng đầy ân sủng. Nơi Mẹ chúng ta đọc được tình yêu vô biên của Thiên Chúa, nơi Mẹ chúng ta nhận ra được sự hiện diện thật sống động của Thiên Chúa. Vì thế, tiếp theo cụm từ “Đấng đầy ân sủng”, sứ thần đã nói rằng: “Đức Chúa ở cùng bà”. Đức Chúa ở cùng là một diễm phúc lớn lao biết bao nhiêu! Đức Chúa ở cùng chính là hạnh phúc lớn nhất của đời người.

 Thánh nữ Elisabeth de la Trinité (Ba Ngôi), đã viết: “Tôi đã tìm thấy trời cao trên trần thế này, vì trời cao đó là Thiên Chúa, và Thiên Chúa đang ngự trong linh hồn tôi. Ngày mà tôi hiểu được điều đó, tất cả đều sáng lên đối với tôi và tôi mong muốn nói ra bí ẩn này cho những người tôi yêu mến”.

 Trong Cựu Ước, hình ảnh Thiên Chúa ở cùng luôn được nhắc đến. Chúng ta đọc được trong sách bà Rút: “Và kìa ông Bôát từ Bêlem đến, nói với thợ gặt: Xin Đức Chúa ở cùng các anh! Họ nói: Xin Đức Chúa giáng phúc cho ông!” (R 2, 4). Trong sách Thủ Lãnh có kể lại truyện sứ thần của Thiên Chúa hiện ra với ông Ghít-ôn và sứ thần đã chào ông như sau: “Chào chiến sĩ can trường! Đức Chúa ở với ông” (Tl 6, 12). Lời chào này của sứ thần tương hợp với lời chào của sứ thần Gáprien dành cho Đức Maria.

Cantalamessa giúp chúng ta suy tư tiếp về hình ảnh của Mẹ Maria, Đấng đầy ân sủng, Đấng được Thiên Chúa đến ở cùng: “Trở lại với Ðức Maria, lời chào của thiên thần hàm chứa hai nghĩa của ân sủng mà chúng ta vừa làm sáng tỏ. Maria đã đắc sủng nơi Thiên Chúa: Các dòng suối đổ đầy biển khơi như thế nào thì ân sủng cũng đổ đầy tâm hồn của Maria như vậy.

Sự đắc sủng của Môsê, của các tổ phụ hay các tiên tri nơi Thiên Chúa sánh sao được với sự đắc sủng của Ðức Maria? Có ai được Chúa "ở cùng" đến mức như Ðức Maria? Thiên Chúa ở nơi Người không chỉ bằng quyền năng, bằng sự quan phòng mà còn là sự hiện diện đích thân.

Thiên Chúa không chỉ đem lòng sủng ái đối với Ðức Maria mà còn tự trao ban trọn vẹn trong Con của Người. "Chúa ở cùng Người". Lời nói với Ðức Maria ở đây có một ý nghĩa độc nhất vô nhị. Có sự tuyển chọn nào nhắm mục đích cao hơn sự tuyển chọn Ðức Maria, bởi lẽ nó liên hệ đến chính việc nhập thể của Thiên Chúa?

 Bởi thế, Đức Maria còn đầy ân sủng theo nghĩa thứ hai. Người rất đẹp, một vẻ mà ta gọi là sự thánh thiện. Mẹ "tuyệt mỹ" (Tota pulchra), đó là lời ca ngợi của Giáo Hội, mượn lời sách Diệu Ca (x.Dc 4, 1). Bởi được sủng ái (gracié) nên Maria cũng thật yêu kiều (gracieuse). Trong bản văn được trích dẫn ở trên, thi sĩ (Péguy) đã nối kết hai nghĩa của từ ngữ đến mức thật tuyệt vời khi gọi Ðức Maria là "Người đầy duyên bởi Người đầy ơn" (Celle qui est pleine de grâce parce qu’elle est pleine de grâce).

Nguồn: simonhoadalat.com


[1] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. Meditation zu Advent und Weihnachten. Kbw. Verlag. Stuttgart 2015. S.30.

[2] Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria, Lm. Montfort Phạm Quốc Huyến chuyển ngữ. NXB. Tôn Giáo 2015. T.9.

[3] Chú thích của Michel Hubaut trong Nhóm Phiên Dịch các giờ kinh Phụng Vụ. Kinh Thánh Cựu Ước & Tân Ước. Lời Chúa Cho Mọi Người. NXB. Tôn Giáo. Hà Nội 2009. S.1737.

[4] Stulhmacher P., Die Geburt des Christus Kindes. S.30.

[5] X.Stoeger A., Das Evangelium nach Lukas. 1.Teil. S.40.

[6] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.43-46.

[7] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 1. “Đầy ân sủng”. Bản dịch của một nhóm Linh Mục Đà-lạt. Nguồn: http://www.simonhoadalat.com

[8] Benedikt XVI., Maria voll der Gnade, Meditation zum Rosenkranz. Herder Verlag. Freiburg 2008. S.25.

[9] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis.S.36.

[10] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.232-233.

[11] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 1. “Đầy ân sủng”.

zalo
zalo