Ngày tháng: 04/05/2024
Đang truy cập: 6

LỜI XIN VÂNG VỚI LỜI TỪ TRỜI CAO (2)

LỜI XIN VÂNG VỚI LỜI TỪ TRỜI CAO

 Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

(dongten.net)

Nói khác đi, Người đầy duyên dáng, mỹ miều bởi Người được đầy tràn sự sủng ái, tuyển chọn của Thiên Chúa. Maria đẹp bởi Người được yêu…

 Ơn Thiên Chúa mà Ðức Maria được đổ đầy là "ân sủng Ðức Kitô" (gratia Christi), "ơn Thiên Chúa đã ban cho anh em trong Ðức Kitô Giêsu" (x.1Cr 1, 4), là lòng nhân từ và Ơn Cứu Ðộ mà từ nay Thiên Chúa ban cho con người từ cái chết cứu chuộc của Ðức Kitô. Ðức Maria ở bên này chứ không ở bên kia chí tuyến. Dòng nước mà Người được nhuần thấm không chảy từ Moriah hay Sinai, nhưng là giòng nuớc chảy xuống từ đồi Golgotha.

 Ân sủng mà Người lãnh nhận là ân sủng của Giao Ước Mới. Ðức Maria được gìn giữ khỏi tội như Giáo Hội đã công bố trong định tín về tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, là 'do dự kiến những công phúc của Ðức Giêsu Kitô Cứu Thế sẽ lập’. Theo nghĩa này, Người quả thực là ‘con của Con mình’ như Dante đã gọi.

 Nơi Ðức Maria, chúng ta chiêm ngắm sự mới mẻ của ân sủng Tân Ước so với Cựu Ước. Nơi Người, tất cả sự mới mẻ, xét về chất lượng, đã được thực hiện. Thánh Irênê nêu câu hỏi: ‘Ðâu là sự mới mẻ mà Chúa mang tới qua việc Ngài đến trong thế gian?’ Và thánh nhân trả lời: ‘Ngài đã đem đến tất cả sự mới mẻ khi mang đến chính mình Ngài’. Ân sủng của Thiên Chúa không còn là ơn nào đó của Người, nhưng là chính sự hiện diện của Người.

 Ðây là sự mới mẻ đến mức có thể nói, nay ‘đã hiển linh rồi ân sủng của Thiên Chúa, nguồn cứu độ (x.Tt 2, 11), nhờ thế, sánh với ân sủng bây giờ, ân sủng trước kia không đáng được coi là ân sủng mà chỉ như một sự chuẩn bị.

 Ðể đáp lại ân sủng Thiên Chúa, điều trước tiên tạo vật phải làm đó là dâng lên lời cảm tạ như thánh Phaolô, kẻ ngợi ca ân sủng, đã dạy: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa cho anh em, vì ơn Thiên Chúa đã ban cho anh em" (1Cr 1, 4). Con người phải tạ ơn để đáp ứng lại Ơn Thiên Chúa. Tạ ơn không phải là hoàn lại ân huệ đã nhận hay dâng một điều gì đó để đền đáp.

 Ai có thể đền bù lại cho Thiên Chúa? Tạ ơn, đúng hơn, là nhìn nhận ơn Chúa ban và đón nhận nhưng không ân sủng của Ngài, không dám mong "tự chuộc mình hay trả giá phục hồi cho Thiên Chúa" (Tv 49, 8). Tạ ơn là một trong những thái độ tôn giáo căn bản nhất. Tạ ơn có nghĩa nhìn nhận mình là người chịu ơn, là kẻ tùy thuộc và để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa…

 Việc chiêm ngắm Ðức Maria giúp chúng ta hôm nay tìm lại được đức tin trong tính duy nhất và tổng hợp của nó. Người là bức tranh về ân sủng còn nguyên vẹn, chưa bị chia cắt. Như chúng ta đã thấy, nơi Ðức Maria ân sủng có nghĩa là sự tràn đầy ân huệ của Thiên Chúa đồng thời là sự đầy tràn thánh thiện của bản thân; ân sủng là chính sự hiện diện của Thiên Chúa cách hết sức mạnh mẽ, một sự hiện diện vừa thể lý vừa tâm linh, và cuối cùng ân sủng là hiệu quả của sự hiện diện đó, nhờ nó mà Maria là Maria, xét về hiệu quả do sự hiện diện của Thiên Chúa tạo ra. Không một ai khác được như Ðức Maria, dù người đó có cùng một Thần Khí thánh hóa linh hồn mình”.[12]

Hơn nữa, qua dung mạo đầy ân sủng của Mẹ, chúng ta hôm nay cũng chân nhận rằng, “Mẹ Maria là dấu hiệu cho sứ điệp của Thiên Chúa nói. Đó là Thiên Chúa không để cho thế giới và nhân loại dù vướng mắc trong bao tội lỗi và bất trung, không bị hư mất, mà Thiên Chúa luôn một lòng tín trung.

Người đã giữ gìn một nơi thánh, một người thánh, một điểm thánh, nơi Người có thể ra tay để ‘đưa nhân loại về’ với Người và về với Nước của Người.

 Mẹ Maria còn cho chúng ta nhận ra một điều mà chúng ta thường quên, khi chúng ta sống trong một xã hội tục hoá đầy hiểm nguy này. Đó là giá trị cao nhất của ân sủng. Chúng ta không sống từ chính những gì chúng ta có, chúng ta sống dựa hoàn toàn trên ân sủng.

 Tất cả những gì chúng ta là và chúng ta có đều là ân sủng. Điều cuối cùng được tính đến không phải là những gì chúng ta làm và thực hiện, mà là ân sủng của Thiên Chúa. Sự khô khan và sự dữ có thể lớn mạnh hơn trong thế giới, nhưng tất cả đều được bao phủ bởi ân sủng lớn hơn tất cả”.[13]

 Trở về với bài Tin Mừng, trước lời thật cao đẹp của sứ thần, Đức Mẹ đã phản ứng như thế nào? Thánh sử Luca viết: “Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Mẹ nghe lời Thiên Thần truyền. Điều đó cho chúng ta nhận ra được tinh thần lắng nghe của Mẹ. Thật vậy, “Mẹ Maria luôn là người phụ nữ biết lắng nghe và thực thi thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ chính là mẫu gương của những người tin, những người trên đường tìm kiếm Thiên Chúa”.[14]

 Ngoài ra, Luca cũng diễn tả: Mẹ bối rối, nghĩa là Mẹ có cảm xúc ngạc nhiên và bất ngờ trước những gì Thiên Chúa đang mời gọi Mẹ, đang muốn trao cho Mẹ một sứ mạng. Sự ngạc nhiên là thái độ căn bản của đời sống người Kitô hữu. Thật vậy, nếu suy tư về cuộc sống, về chính con người chúng ta, ai lại không ngạc nhiên trước kỳ công Thiên Chúa làm nên là mỗi con người chúng ta. Thánh vịnh gia đã thốt lên:

“Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên”
 (Tv 8,4-6).

 Sự ngạc nhiên tiếp tục đi với chúng ta trên hành trình Đức Tin. Mỗi lần chúng ta đứng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt đẹp, mỗi khi chúng ta chứng kiến một biến cố xảy ra với “dấu ấn của lòng thương xót” mà Thiên Chúa ban cho. Mong sao chúng ta đừng bao giờ đánh mất cảm xúc “ngạc nhiên” trước biết bao điều tốt lành Thiên Chúa đã và tiếp tục làm ra cho con người mà Chúa yêu thương.

Đi cùng với cảm xúc bối rối và ngạc nhiên, Đức Maria đã tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Như thế, lý trí của Mẹ cũng “làm việc” qua câu hỏi Mẹ tự đặt ra. Nhưng câu hỏi của Mẹ không hàm chứa nghi nghờ, mà là một bước “khám phá” sâu hơn ý nghĩa của điều Thiên Chúa đang muốn thực hiện nơi Mẹ. Đọc tiếp bài Tin Mừng, chúng ta thấy thánh sử Luca “xây dựng” một cuộc đối thoại rất tuyệt vời.

 “30 Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

 Trong câu nói của Thiên Thần, chúng ta thấy ba yếu tố: Thiên Thần trấn an Mẹ trong câu 30. Thiên Thần trình bày cho Mẹ về trách nhiệm Mẹ nhận trong câu 31, cuối cùng về căn tính và tư cách cùng sứ mạng của Chúa Giê-su từ câu 32-33.

 “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Đức Maria, Đấng đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng đầy ân sủng được Thiên Chúa tuyển chọn. Ân sủng của Chúa làm cho Mẹ trở nên người phụ nữ tràn đầy phúc lành hơn mọi phụ nữ, và ân sủng của Thiên Chúa làm cho Mẹ không hãi sợ, để rồi Mẹ can đảm đón nhận sứ mạng Chúa trao.

 “Đừng sợ” là lời trấn an, là sứ điệp của Thiên Chúa đem lại sức mạnh và niềm tin tưởng. Chúng ta thấy trong Cựu Ước, Mô-sê (x.Xh 3, 11tt), Ghít-ôn (x.Tl 6, 15tt) và Xi-on (x.Xp 3, 16tt) cùng Israel luôn cần lời trấn an của Thiên Chúa, để họ nhận ra rằng Thiên Chúa luôn muốn cứu giúp họ.

Tiên tri Isaia đã diễn tả thật đẹp lời “Đừng sợ!” của Thiên Chúa nói với dân Ngài:

“Đừng sợ, có Ta ở với ngươi!
Từ phương Đông, Ta sẽ đưa con cái ngươi về,
và từ phương Tây, Ta sẽ cho con cháu ngươi đoàn tụ” 
(Is 43, 5).

 “Nhưng phần ngươi, hỡi Israel, tôi tớ của Ta,
hỡi Giacóp, kẻ Ta tuyển chọn, dòng dõi Ápraham, bạn của Ta,
Ta đã nắm chặt lấy ngươi, đưa ngươi về từ tận cùng cõi đất,
kêu gọi ngươi từ những miền xa thẳm.
Ta đã nói với ngươi: Ngươi là tôi tớ Ta,
Ta đã chọn ngươi, Ta đâu ruồng bỏ.
Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi.
Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi.
Ta cho ngươi vững mạnh,
Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta”
 (Is 41,8-10).

 Trong Tin Mừng Giáng Sinh, Dacaria cũng được trấn an bởi sứ thần: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1, 13). Các Mục Đồng cũng được trao ban sứ điệp: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

Tất cả đều sợ hãi trước những trách nhiệm và sứ mạng Thiên Chúa trao phó, vì họ ý thức trước thân phận yếu đuối của họ. Mẹ Maria cũng vậy. Tuy nhiên, ân sủng của Thiên Chúa đến trên Mẹ. Qua Mẹ Maria Thiên Chúa muốn hoàn thiện lịch sử cứu chuộc nhân loại. “Vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Thiên Chúa là Đấng tạo nên những điều lớn lao từ những gì nhỏ bé, như thánh Phaolô đã tâm tình: “Vì khi tôi yếu, chính là lú Vì thế, nhân loại được phép vui mừng, vì Chúa ở bên và người hoạt động nơi chính những gì yếu đuối nơi con người.

 Thật vậy, Tin Mừng Giáng Sinh là tin đem lại niềm vui, chứ không phải sợ hãi. Tin Mừng Giáng Sinh làm cho muôn người ngạc nhiên sững sờ và có chút bối rối, nhưng đó không phải là rào cản và chướng ngại vật “chắn lối” của niềm vui. Có Chúa ở cùng và ân sủng của Chúa tràn đầy, chúng ta luôn can đảm sống trong dòng chảy của cuộc đời với nhiều cam go và thử thách, nhờ đó chúng ta luôn tìm thấy được an bình và niềm vui ở trong Chúa.

 Cantalamessa suy tư như sau: “Ân sủng cũng là lý do khiến chúng ta can đảm. Trước lời than vãn của thánh Phaolô vì một cái dằm đâm vào thân xác, Chúa trả lời: ‘Ơn Ta đủ cho ngươi’ (2Cr 12,  9). Ân sủng hay ân nghĩa của Thiên Chúa quả thực không như ân nghĩa của con người, vì rất nhiều khi ân nghĩa của con người bị mất đi, chính lúc người ta cần đến ân nghĩa đó. Thiên Chúa vừa ‘ân nghĩa vừa tín thành’ (x.Xh 34, 6). Sự tín thành của ngài ‘được thiết lập trên trời’ (Tv 89, 3). Mọi người có thể từ bỏ chúng ta, ngay cả cha mẹ – lời một Thánh Vịnh – nhưng Thiên Chúa thì luôn luôn tiếp đón chúng ta (x.Tv 27, 10). Chính vì vậy mà chúng ta có thể nói: ‘Phúc ân cùng nghĩa tín theo dõi tôi, suốt mọi ngày đời tôi’ (Tv 23,6)”.[16]

 ĐHY. Walter cũng suy tư thật sâu sắc: “Lời ‘xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa’ cũng dành cho chúng ta. Hơn nữa, lời này là một lời quan trọng đối với chúng ta hôm nay, vì sự sợ hãi đang vây bủa xung quanh chúng ta. Chúng ta sống trong thời gian của nhiều đổi thay ở mọi phương diện của cuộc sống. Nhiều điều nền tảng bị lung lay. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Dựa vào đâu để tôi còn có thể hy vọng? Nơi đâu còn có thể tin tưởng? Cái gì gìn giữ và nâng đỡ chúng ta đây?

 Câu trả lời là: ‘xin đừng sợ, vì bạn đẹp lòng Thiên Chúa’. Đừng sợ hãi, ân sủng nói với chúng ta rằng: Kìa có một Đấng đang muốn bạn được sống thật tốt. Đó là Đấng hiện hữu, chứ không phải là một cái bóng nào cả. Đấng đó là Thiên Chúa, là mầu nhiệm sâu nhất và là Chúa của mọi tạo vật. Thiên Chúa mong muốn cho bạn cuộc sống tốt lành.

 Ngài giữ gìn và nâng đỡ. Ngài yêu thương bạn và đã chọn bạn từ muôn thuở, đã ghi khắc bạn trong lòng bàn tay Ngài, như đã được nói đến nơi ngôn sứ Isaia: “Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49, 16).

 Không bao giờ Ngài quên bạn. Không bao giờ đâu bạn ơi! Hơn nữa, Thiên Chúa không chỉ ở bên bạn và với bạn, mà Ngài còn ở trong bạn. Ngài đã tự chia sẻ và tự ban tặng chính Ngài cho bạn. Ngài sống trong bạn và trong trái tim của bạn. Bạn chính là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

 Thiên Chúa ‘đã chúc phúc cho chúng ta với tất cả phúc lành của Chúa Thánh Thần, qua sự hiệp thông với Đức Kitô ở trên thiên quốc. ‘Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu’ (Ep 1,4-6)”.[17]

 Trở về với bài Tin Mừng, sau lời trấn an Đức Maria, sứ thần nói về nhiệm vụ mà Mẹ đón nhận: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu”. Nếu là Đức Maria, chúng ta sẽ phản ứng thế nào khi nghe lời này? Sự bối rối và ngạc nhiên Mẹ có trước đó có thể sẽ lớn hơn nữa, dù rằng việc sinh ra đứa con là việc cao quý của người phụ nữ. Mẹ sẽ sinh ra một người con trai và Mẹ cần đặt tên cho con trẻ là Giêsu. Sinh con và đặt tên cho con là những hành động rất cao quý và thiêng liêng đối với người phụ nữ.

 Về tên Giêsu được đặt cho Hài Nhi, chúng ta đọc suy tư của Ratzinger: “Danh tính Giêsu mà thiên thần đặt cho em bé, nơi thánh Luca (1,31) cũng như nơi thánh Mátthêu (1, 21), nằm rong văn mạch này. Trong Danh Giêsu, mẫu tự thánh, danh tính mầu nhiệm từ thời trên núi Khôrép, vẫn còn ẩn kín và sẽ triển khai đến xác quyết: Thiên Chúa cứu độ! Danh tính, đã có từ thời Sinai, có thể nói chưa hoàn tất, nay được công bố trọn vẹn.

Thiên Chúa, Đấng hiện hữu, là Thiên Chúa hiện diện và là Đấng Cứu Độ. Việc mạc khải danh tính Thiên Chúa, bắt đầu từ nơi bụi gai bốc cháy được hoàn tất nơi Đức Giê-su (x.Ga 17,26)”.[18] Ngoài ra, tên Giêsu với ý nghĩa “Thiên Chúa cứu độ” được nhắc đến trong biến cố Chúa Giêsu sinh ra mà thánh sử Luca kể lại trong chương 2: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2, 11).

Sau khi đã đặt tên cho hài nhi là Giêsu, sứ thần nói tiếp về thân phận của hài nhi: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Sứ thần đã nêu bật những tước hiệu của Đấng Mêsia. Đó là “nên cao cả” và “được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Sứ thần đã hé lộ một chút về căn tính của Hài Nhi Giêsu. Hài Nhi mà Đức Maria sinh ra sẽ đón nhận ngai vàng vua Đavít. Và Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.

Nếu đọc lại sách thứ hai của Samuen, chúng ta thấy triều đại của vua Đavít đã được hứa ban cho một thời gian vĩnh viễn; ngôn sứ Nathan, theo lệnh Thiên Chúa đã nói lên lời hứa: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7, 16).

Ratzinger đã suy tư như sau: “Nhưng ‘vương quốc của Người sẽ vô cùng vô tận’; vương quốc này không được xây dựng trên một quyền lực trần thế, nhưng được xây dựng chỉ trên đức tin và đức mến. Đó là sức mạnh lớn lao của hy vọng trong một thế giới xem ra bị Thiên Chúa bỏ rơi. Vương quyền của Con vua Đavít là Đức Giêsu, không bao giờ kết thúc, vì người cai trị vương quốc này chính là Thiên Chúa và vì qua đó Nước Chúa đã thấm nhập vào thế giới này. Lời hứa mà thiên thần Gáprien chuyển đạt đến Đức Maria là sự thật. Lời hứa này sẽ luôn được hoàn tất”.[19]

Đọc tiếp bài Tin Mừng, chúng ta cùng chiêm ngắm thái độ, phản ứng và câu trả lời của Mẹ Maria: “Bà Maria thưa với sứ thần: Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Cả ông Dacaria (x.Lc 1, 18) và Mẹ Maria đều thắc mắc. Dacaria tỏ vẻ nghi vấn và đòi hỏi một dấu hiệu là bảo chứng cho sứ điệp Thiên Thần nói với ông, Mẹ Maria thì tin vào sứ điệp của Thiên Thần và Mẹ không đòi hỏi một dấu hiệu nào cả. Dacaria chỉ tin, khi câu hỏi của ông tìm thấy câu trả lời thoả đáng, còn Mẹ Maria tin tưởng và sau đó Mẹ tìm hiểu về cách thức xảy ra cho điều mà Thiên Thần đã loan báo, nghĩa là Mẹ muốn biết phải thi hành ý Thiên Chúa như thế nào.

Cantalamessa suy tư về điều này như sau: “Maria cũng đặt cho thiên thần một câu hỏi : ‘Việc ấy sẽ xảy ra thế nào vì tôi không biết đến người nam’ (Lc 1, 34), nhưng người hỏi như thế hoàn toàn khác với Dacaria. Maria không đòi hỏi một lời giải thích để hiểu, nhưng là để biết phải thi hành ý Thiên Chúa như thế nào. Nghĩ mình không biết đến người nam, Maria hỏi để biết phải hành xử thế nào, phải làm gì.

 Qua điều này, Ðức Maria chỉ cho chúng ta biết, trong một số trường hợp, chúng ta không thể đòi hỏi hiểu cho bằng được ý của Thiên Chúa hay nguyên nhân của các hoàn cảnh xem ra phi lý, nhưng trái lại, ta có thể xin Chúa soi sáng trợ giúp để có thể thực hiện thánh ý Ngài”.[20]

Nguồn: simonhoadalat.com


[12] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 1. “Đầy ân sủng”.

[13] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.37.

[14] Benedikt XVI., Maria voll der Gnade, Meditation zum Rosenkranz. S.25.

[15] X.Stoeger A., Das Evangelium nach Lukas. 1.Teil. S.43.

[16] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 1. “Đầy ân sủng”.

[17] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.37-39.

[18] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.48.

[19] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.51.

[20] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 2. “Phúc cho Người là kẻ đã tin”.

zalo
zalo