Ngày tháng: 27/07/2024
Đang truy cập: 11

LỜI XIN VÂNG VỚI LỜI TỪ TRỜI CAO (3)

LỜI XIN VÂNG VỚI LỜI TỪ TRỜI CAO

 Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

(dongten.net)

 

Còn Ratzinger thì giải thích: “Phản ứng của Mẹ khác với phản ứng của ông Dacaria. Phúc Âm nói ông bối rối và ‘nỗi sợ hãi ập xuống trên ông’ (Lc 1, 12). Trong trường hợp của Đức Maria, lúc khởi đầu cũng được sử dụng cùng một lời (Mẹ bối rối), tiếp đến, không phải là nỗi sợ hãi, nhưng là suy tư trong tâm hồn về lời chào của thiên thần. Đức Maria suy nghĩ về ý nghĩa lời chào của sứ thần Thiên Chúa. Ngay ở đây nổi bật một nét đặc thù của hình dáng Mẹ Đức Giêsu, một nét mà chúng ta gặp trong Phúc Âm với hai lần trong hoàn cảnh tương tự: suy niệm lời trong nội tâm (x.Lc 2,19.51)…

Chúng ta chú ý đến sự khác biệt với phản ứng của ông Dacaria, nghi ngờ khả năng trách nhiệm được giao phó cho ông. Ông cũng như bà Êlisabét đều đã già, không còn hy vọng gì về một đứa con trai. Ngược lại, Đức Maria không nghi ngờ gì cả. Mẹ không hỏi về sự việc (das Dass), nhưng hỏi về cách thức thế nào (das Wie) để thực hiện lời hứa, Mẹ không thể nghĩ ra được”[21]

Tiếp lời Đức Maria, sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Hình ảnh của Chúa Thánh Thần xuất hiện ở đây và thánh sử Luca diễn tả sự hoạt động của Ngài: “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”.

Hai cụm từ “Thánh Thần” và “quyền năng Đấng Tối Cao” có thể giải thích lẫn nhau: Thần Khí được hiểu theo nghĩa Cựu Ước là quyền lực sáng tạo và năng động của Thiên Chúa hiện diện nơi các con người. Ngoài ra, cụm từ “rợp bóng” liên hệ đến hình ảnh đám mây vinh quang của Thiên Chúa tràn đầy Lều Tạm trong sa mạc được sách Xuất Hành diễn tả: “Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm. Ông Môsê không thể vào Lều Hội Ngộ vì đám mây đậu trên đó, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 40,34-35).

Razinger suy tư về hình ảnh này như sau: “Đám mây thánh là dấu chỉ tỏ tường sự hiện diện của Thiên Chúa. Đám mây bao phủ nơi trú ngụ của Người trong một ngôi nhà. Đám mây rợp bóng trên con người, đã trở lại trong trình thuật Chúa hiển dung trên núi cao (x.Lc 9, 34 và Mc 9, 7). Cũng vậy, đó là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, nó cho biết Người vừa ẩn kín vừa hiện diện. Chính qua lời nói về sự rợp bóng của Thánh Thần, đã lấy lại thần học Xion trong lời chào của sứ thần. Một lần nữa, Đức Maria xuất hiện như Lều sống động của Thiên Chúa, trong lều này, Thiên Chúa muốn trú ngụ nơi con người theo một cách thức mới”.[22]

Còn theo ĐHY. Kasper thì: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Thánh Thần ở đây không phải là thần của thế gian, cũng không phải là thần theo kiểu loài người. Qua chính sự hoạt động tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần mà phép lạ của Giáng Sinh đã được thực hiện, và Đấng Cứu Độ thế giới đã đến, cũng như mở ra sự khởi đầu của thế giới mới”.[23]

Như thế chúng ta thấy sứ thần xác nhận với Đức Maria, Mẹ sẽ trở thành người Mẹ không theo lối thông thường, nhưng do quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, nghĩa là qua việc Thánh Thần đến. Hình ảnh Thánh Thần Chúa hoạt động trong biến cố Giáng Sinh cũng được nhắc đến trong câu truyện truyền tin cho Giuse: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,19-20).

Chúa Thánh Thần hoạt động âm thầm và huyền nhiệm, nên con người chúng ta thường không để ý đến Người, Ngôi Ba Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy ở đâu có Thần Khí Thiên Chúa, ở đó có sự sống. Trong sách Sáng Thế diễn tả rằng: “Thần Khí bay là là trên mặt nước” (St 1, 1), nghĩa là Thần Khí đã hiện diện từ lúc tạo dựng và nhờ đó vũ trụ bắt đầu có sự sống.

Tiếp đến sách Sáng Thế còn diễn tả Thần Khí ban sự sống cho con người: “Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Thổi sinh khí là ban Thần Khí. Như thế, có Thần Khí là có sự sống. Nếu chúng ta đọc tiếp các sách của Cựu Ước, sẽ thấy Thần Khí, Thánh Thần Chúa, hoạt động trong lịch sử cứu độ, và trong đời sống của những người thuộc về Thiên Chúa.

Tiên tri Isaia đã diễn tả thật đẹp về hình ảnh của Thần Khí trong bài “Vị minh quân dòng dõi vua Đavít” sẽ xuất hiện từ gốc tổ Giesê. Chúng ta cùng đọc lại bài này:

“Từ gốc tổ Giesê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,
từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.
Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này:
thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
thần khí mưu lược và dũng mãnh,
thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.

Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú,
Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài,
cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói,
nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng,
và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.
Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở,
hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.

Đai thắt ngang lưng là đức công chính,
giải buộc bên sườn là đức tín thành.
Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.
Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,
một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.

Bò cái kết thân cùng gấu cái,
con của chúng nằm chung một chỗ,
sư tử cũng ăn rơm như bò.
Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,
trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.

Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá
trên khắp núi thánh của Ta,
vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này,
cũng như nước lấp đầy lòng biển.

Đến ngày đó, cội rễ Giesê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.
Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người,
và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang”
 (Is 11,1-10).

Trong Tân Ước, Thần Khí Thiên Chúa tiếp tục hoạt động. Mở đầu và rất đặc biệt là hoạt động của Ngài trong biến cố truyền tin cho Đức Maria. Trong bài giảng cho giáo triều Roma dịp áp lễ Giáng Sinh 2016, cha Cantalamessa cũng nhắc đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong biến cố truyền tin cho Đức Maria. Cha nhắc đến các suy tư của các Giáo Phụ. Trước hết, Thánh Ambrôsiô viết: “Việc Chúa sinh ra từ Đức Trinh Nữ là công trình của Chúa Thánh Thần… chúng ta không thể nghi ngờ rằng Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng Tạo, Đấng chúng ta nhận biết là Tác Giả của việc Chúa nhập thể… Nếu Đức Trinh Nữ thụ thai nhờ hoạt động và quyền năng của Thánh Thần, ai có thể phủ nhận Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng Tạo?”

Trong bản văn này, Ambrôsiô giải thích cách tuyệt hảo vai trò mà Tin Mừng gán cho Chúa Thánh Thần trong việc nhập thể, khi ngài không ngừng gọi đó là Chúa Thánh Thần và Quyền Năng Đấng Tối Cao (x. Lc 1, 35). Người là ‘Thần Khí Sáng Tạo’, Đấng hoạt động để đưa các hữu thể vào hiện hữu (như ở St 1, 2), để sáng tạo một trạng thái sự sống mới mẻ và cao hơn; Người là Thánh Thần ‘là Đức Chúa, Đấng ban sự sống’, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tín Kính.

Ở đây cũng vậy, như lúc khởi đầu, Thần Khí, Đấng sáng tạo ‘từ hư không’, nghĩa là từ sự trống rỗng hoàn toàn của những khả thể nhân loại, không cần bất cứ sự trợ giúp hay giúp đỡ nào. Và ‘sự hư không này’, sự trống rỗng này, sự vắng bóng của những giải thích và những nguyên nhân tự nhiên, trong trường hợp này, chúng ta gọi là sự đồng trinh của Đức Maria: ‘Làm sao chuyện ấy xảy ra, khi tôi không biết đến việc vợ chồng? …

Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao trùm bà; vì thế, người con được sinh ra sẽ được gọi là thánh, Con Thiên Chúa’ (Lc 1,34-35). Ở đây sự đồng trinh là một dấu chỉ cao cả không thể nào xóa bỏ hoặc phủ nhận, mà không làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc của câu truyện Tin Mừng và ý nghĩa của nó.

Như thế, Chúa Thánh Thần ngự trên Đức Maria là Thần Khí Đấng Sáng Tạo, Đấng đã nhào nặn cách nhiệm lạ thân xác của Chúa Kitô nơi Đức Trinh Nữ; nhưng có gì đó còn hơn thế; ngoài vai trò là ‘Thần Khí Sáng Tạo’, Người cũng là ‘fons vivus, ignis, carita, et spiritalis unctio –  nguồn sự sống, lửa tình yêu, và sự xức dầu ngọt ngào’ đối với Đức Maria…

Thánh Augustinô có câu nói nổi tiếng: Đức Maria ‘thụ thai Chúa Kitô trong lòng trước khi thụ thai trong thân xác’ (prius concepit mente quam corpore), nghĩa là Chúa Thánh Thần hoạt động trong trái tim Đức Maria, khi soi sáng và sưởi ấm lòng Mẹ bằng Chúa Kitô trước khi đổ đầy dạ Đức Maria chính Chúa Kitô…

Thánh Bonaventura viết: Chúa Thánh Thần bất ngờ ngự xuống trên Mẹ như một ngọn lửa đốt lên trong lòng Mẹ và thánh hóa thân xác Mẹ trở nên tinh tuyền tuyệt vời. Nhưng quyền năng Đấng Tối Cao bao trùm Mẹ (Lc 1, 35) để Mẹ có thể duy trì ngọn lửa ấy…

Ôi, giá như bạn có thể cảm thấy được cách nào đó sự lớn lao và sức mạnh của ngọn lửa từ trời này, sự tươi mát kèm theo, sự ủi an khôn xiết, sự cao trọng của Đức Trinh Nữ Maria, sự cao thượng của loài người, sự hạ mình của vẻ uy nghi thần linh… khi đó, tôi dám chắc rằng bạn có thể hát lên với giọng hát ngọt ngào bài thánh ca này cùng với Đức Trinh Nữ: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”.

Đọc tiếp bài Tin Mừng, sau khi đã “làm hiển lộ” sự hoạt động tuyệt vời của Chúa Thánh Thần nơi Đức Maria, sứ thần nhắc đến bà Êlisabét và điều mà bà cùng chồng là ông Dacaria đã được Thiên Chúa ban cho. Đó là việc bà đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Câu truyện này được thánh sử Luca nhắc đến (x.Lc 1,5-25 và 57-58).

Tiếp đến sứ thần Gáprien xác nhận cách mạnh mẽ sự hoạt động của Thiên Chúa nơi Đức Maria, nơi bà Êlisabét: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Câu này nhắc nhớ đến biến cố Thiên Chúa hiện ra với ông Ápraham và bà Xara ở Mamrê. Chúng ta cũng biết cả hai ông bà tổ phụ này lúc đó cũng đã cao niên, nên chuyện sinh con cũng là điều không thể. Chúng ta đọc lại giai thoại này. Khi ông Ápraham đứng dưới gốc cây và tiếp khách dùng bữa, thì “Khách nói với ông: Bà Xara vợ ông đâu? Ông đáp: Thưa nhà tôi ở trong lều. Người nói: Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xara vợ ông sẽ có một con trai. Bà Xara bấy giờ đang nghe ở cửa lều, phía sau. Ông Ápraham và bà Xara đã già nua tuổi tác, và bà Xara không còn điều thường xảy đến cho đàn bà. Bà Xara cười thầm tự bảo: Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao? Ông nhà mình lại là một ông lão! Đức Chúa phán với ông Ápraham: Tại sao Xara lại cười và nói: Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng? Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Đức Chúa? Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Xa-ra sẽ có một con trai. Bà Xara chối và nói: Con đâu có cười! Vì bà sợ. Nhưng Người bảo: Có, ngươi đã cười!” (St 18,9-15).

Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Nhìn lại hành trình cuộc sống của chúng ta, chắc chắn chúng ta cũng đọc được những trang sách và dòng chữ của Thiên Chúa đã “viết lên” cách tuyệt diệu. Biết bao điều chúng ta là con người không thể giải quyết được. Chúng ta đứng trước ngõ cụt và rơi vào tình trạng bế tắc. Nhưng rồi Thiên Chúa đã hoạt động để tháo cởi, để mở lối cho chúng ta.

Hơn nữa, sự hoạt động của Thiên Chúa lại luôn âm thầm và tiệm tiến. Thiên Chúa hiền lành và nhân từ, nên Ngài hoạt động cũng hiền lành và nhân từ trong âm thầm không khoe khoang và không “đánh trống kêu to”. Ôi, nhiệm mầu tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, dành cho nhân loại chúng ta.

Trước hoạt động của Thiên Chúa qua lời sứ thần nói, Đức Maria trả lời thế nào? Thánh Luca đã diễn tả thật đẹp lời của Mẹ Maria: “Bấy giờ bà Maria nói: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’. Rồi sứ thần từ biệt ra đi”.

Trong câu này, chúng ta thấy cụm từ “nữ tỳ của Chúa” diễn tã tâm tình thật đẹp của Mẹ Maria, như Walter Kasper viết: “Như thế, Mẹ đã trở nên vầng sáng ban mai là dấu hiệu báo trước của hoàng hôn, Mẹ đã trở nên người Mẹ của niềm hy vọng và Mẹ đã ban tặng cho chúng ta niềm hy vọng và sức mạnh chiếu toả trong hành trình lớn lên của chúng ta”.[24]

Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”. Đức Maria với xác tín là “nữ tỳ của Chúa”, Người đã nói lời “Xin vâng” với sứ mạng Chúa trao. Đó là một lời đáp trả thật đẹp, thật tuyệt vời và thật ý nghĩa. Lời xin vâng của Mẹ thật tương hợp với “lời xin vâng” của Thiên Chúa dành cho Mẹ, đoái nhìn và chọn Mẹ.

“Lời xin vâng của Thiên Chúa nói với Mẹ Maria đã làm cho Mẹ có khả năng để hoàn toàn nói lời xin vâng thực sự với Thiên Chúa và thánh ý của Thiên Chúa. Trong sức mạnh của Thiên Chúa, Mẹ đã thưa lên rằng: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.[25]

Nguồn: simonhoadalat.com


[21] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.52-53.

[22] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.46-47.

[23] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.43.

[24] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.31.

[25] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.39.

zalo
zalo