Ngày tháng: 04/05/2024
Đang truy cập: 7

LỜI XIN VÂNG VỚI LỜI TỪ TRỜI CAO (Hết)

LỜI XIN VÂNG VỚI LỜI TỪ TRỜI CAO

 Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

(dongten.net)

Trong truyền thống, chúng ta vẫn thường sử dụng từ ngữ La Tinh để nói về sự “xin vâng” của Mẹ. Đó là fiat. Ngoài ra, trong bản văn Hy Lạp, Luca dùng từ ngữ génoito diễn tả một nguyện ước có thể đạt được. Nhưng thực sự thì Đức Maria nói lời “xin vâng” này với từ ngữ nguyên thuỷ nào?

Cha Cantalamessa chia sẻ như sau: “Hẳn nhiên, Ðức Maria không nói ‘fiat’ vốn là một từ La Tinh, cũng không nói ‘génoito’, một từ Hy Lạp. Vậy lúc ấy Người nói điều gì? Từ ngữ nào, trong ngôn ngữ nói của Ðức Maria, phù hợp nhất để diễn tả? Một người Do Thái sẽ nói gì khi anh ta muốn diễn tả ‘ước gì là như thế’. Hẳn người đó sẽ nói: ‘Amen!’.

Nếu được phép thử tìm lại, theo lối suy tư đạo đức, ‘ipsissima vox’, tìm lại chính lời miệng Ðức Maria thốt ra, hay ít là từ ngữ lúc bấy giờ nằm trong nguồn tiếng Sêmít mà thánh Luca đã sử dụng thì hẳn phải là từ ‘amen’. ‘Amen’ là một từ Do Thái, gốc của từ đó có nghĩa là sự vững chắc, chắc chắn. Từ này được sử dụng trong phụng vụ như là lời đáp của lòng tin đối với Lời Chúa. Mỗi khi chúng ta đọc thấy, ở cuối một số Thánh Vịnh, từ fiat, fiat trong bản Vulgata (trong bản Bảy Mươi là génoito, génoito) thì trong nguyên bản Do Thái, bản mà Ðức Maria biết đến, là “amen, amen!’.

Qua tiếng ‘Amen’, người ta nhìn nhận rằng điều vừa được phán dạy là một lời chắc chắn, vững vàng, vững chắc, kiên quyết. Khi được dùng như lời đáp lại Lời Chúa thì ‘Amen’ dịch cách chính xác là: ‘Thực là như thế và ước mong là như thế’. Nó vừa biểu thị niềm tin vừa biểu thị lòng vâng phục, nhìn nhận điều Chúa phán là thật và vâng theo. Ðó là nói ‘xin vâng’ với Chúa.

Chúng ta thấy tiếng Amen mà chính Ðức Giêsu thốt ra cũng mang ý nghĩa này: ‘Vâng, amen, lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha’ (x. Mt 11, 26). Thậm chí Ngài là chính Amen hiện thân: ‘Này lời phán dạy của Amen’ (Kh 3, 14) và chính nhờ Ngài mà mọi tiếng ‘Amen’ khác thốt lên trên trần thế này, từ nay, sẽ vươn lên đến tận Thiên Chúa (x.2Cr 1, 20), cũng như lời ‘fiat’ của Ðức Maria đi trước lời fiat của Ðức Giêsu trong Vườn Dầu, lời ‘amen’ của Người đi tước lời ‘amen’ của Con mình. Maria quả thực là một ‘amen’ hiện thân, ‘amen’ với Thiên Chúa”.[26] Đó là một vài suy tư về từ ngữ “xin vâng, fiat, génoito, Amen”. Giờ đây, chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa lời của Đức Maria nói.

Khi đọc và suy gẫm lời của Đức Maria, chúng ta nhận ra rằng, Đức Maria nói lời này với tất cả con người của Mẹ và đặc biệt với sự tự do ưng thuận của Mẹ kết hiệp với ân sủng Chúa ban: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Ratzinger suy tư về ý nghĩa tiếng fiat này luôn đi đôi với sự tự do của Mẹ: “Câu trả lời chính yếu của Đức Maria: tiếng thưa ‘xin vâng’ thật đơn sơ. Mẹ tự nhận là nữ tỳ của Chúa: ‘xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’ (Lc 1, 38).

Thánh Bênađô thành Clairvaux, trong một bài giảng mùa Vọng, đã diễn tả sự căng thẳng giây phút này thật gay cấn. Sau thất bại của tổ tiên, thế giới chìm trong bóng tối, dưới sự thống trị của cái chết. Bấy giờ, Thiên Chúa tìm một lối đi mới mẻ để vào trần gian. Người gõ cửa của Đức Maria. Thiên Chúa cần sự tự do của con người. Người không thể cứu con người, được tạo dựng cách tự do, mà không có tiếng thưa ‘xin vâng’ thật tự do của ý chí họ. Khi tạo dựng sự tự do, Thiên Chúa, một cách nào đó, tự xem mình lệ thuộc vào con người. Sức mạnh của Người bị liên kết vào tiếng thưa ‘xin vâng’ không bị ép buộc của một con người. Như thế thánh Bênađô thấy, trời đất như nín thở ngay giây phút câu hỏi được đặt ra cho Đức Maria.

Mẹ có thể trả lời thưa ‘vâng’ hay không? Mẹ lưỡng lự…Có lẽ sự khiêm tốn ngăn cản Mẹ? Đối với cơ hội duy nhất này – thánh Bênađô nói với Mẹ – đừng quá khiêm tốn, nhưng hãy can đảm lên. Hãy ban cho chúng con tiếng thưa ‘xin vâng’ của Mẹ! Ngay giây phút quyết định từ môi miệng Mẹ, từ trái tim của Mẹ, phát lên câu trả lời: ‘Xin Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần nói’. Đây là giây phút của sự vâng phục tự do khiêm tốn, đồng thời cũng quảng đại, giây phút quyết định cao độ nhất của tự do con người”.[27]

Ở phần cuối suy niệm của bài Tin Mừng, chúng ta sẽ cùng cầu nguyện với lời thật đẹp của thánh viện phụ Bênađô mà Ratzinger nhắc tới ở trên.

“Đức Maria trở thành Mẹ qua tiếng ‘xin vâng’ của mình. Các Giáo Phụ đôi khi giải thích điều này khi cho rằng, Đức Maria thụ thai do tai của mình – có nghĩa là: do sự lắng nghe. Qua sự vâng phục của Mẹ, Lời đã đi vào trong Mẹ và Mẹ đã thụ thai. Trong mạch văn này, các Giáo Phụ triển khai tư tưởng, việc Thiên Chúa sinh ra trong chúng ta qua Đức Tin và Phép Rửa, qua đó Logos bước vào chúng ta thật mới mẻ, biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa.

Tỉ như, chúng ta nhớ lại lời của thánh Irene: Làm thế nào con người có thể đến với Thiên Chúa, nếu như Thiên Chúa không trở thành con người? Làm thế nào con người tránh được việc đi vào cái chết, nếu không được tái sinh nhờ phương tiện đức tin, trong một cuộc sinh ra mới do chính Thiên Chúa ban tặng, từ dấu chứng tuyệt vời và bất ngờ của Thiên Chúa để trở thành dấu chứng cứu độ từ Đức Trinh Nữ?”[28]

Cha Cantalamessa cũng suy tư về sự tự do của Mẹ nhưng kết hiệp với ân sủng của Thiên Chúa: “Lời fiat của Ðức Maria đã là một hành vi tự do, thậm chí là hành vi tự do thật sự đầu tiên trong cả nhân loại, vì tự do thực sự không hệ tại ở chỗ làm hay không làm điều lành, nhưng là làm điều lành một cách tự do…

Ðiều này tương tự như linh hứng Kinh Thánh: ‘Có những người do tự Thiên Chúa và được Thánh Thần thúc đẩy đã nói ra’ (2P 1, 21). Đó là lời Kinh Thánh nói về những người biên soạn các sách trong Kinh Thánh.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, việc họ nói ra là một hành vi tự do, một hành vi vừa thần linh vừa nhân linh. Ðiều này càng đúng cho Ðức Maria hơn nữa. Ðược Thánh Thần thúc đẩy, Maria đã nói, đã thưa ‘xin vâng’ với Thiên Chúa. Lời ‘xin vâng’ của Người là một hành vi vừa là thần linh vừa nhân linh; nhân linh bởi bản tính, thần linh bởi ân sủng.

Niềm tin của Ðức Maria quả thực là một hành vi của lòng mến, của sự ngoan hiền, một hành vi tự do dù nó được Thiên Chúa khơi dậy, một hành vi nhiệm mầu, như sự gặp gỡ giữa ân sủng và tự do vẫn luôn là mầu nhiệm. Ðây mới là sự cao cả, lớn lao thật sự của riêng Ðức Maria và là phúc thật của Người, như chính Ðức Kitô đã xác nhận. ‘Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú’ (Lc 11, 27), lời của một phụ nữ trong Tin Mừng. Người phụ nữ xưng tụng Ðức Maria là có phúc bởi Người đã mang (bastásasa) Ðức Giêsu. Êlisabét xưng tụng Maria diễm phúc, bởi Người đã tin (pisteusasa).

Lời xin vâng là do ân sủng và chắc chắn là do chính Chúa Thánh Thần ngự đến và hoạt động trong Mẹ, để Mẹ có thể thốt lên được như vậy. Cha Cantalamessa diễn tả tiếp về sự hoạt động của Chúa Thánh Thần: “Lời ‘xin vâng’ của Ðức Maria không phải là một hành vi nhân linh đơn thuần. Nó được chính Chúa Thánh Thần khơi lên từ trong thẳm sâu tâm hồn Maria. Về Ðức Giêsu, Kinh Thánh viết rằng ‘nhờ Thần Khí hằng có mà Ngài hiến mình làm của lễ hy sinh vô tỳ tích dâng lên Thiên Chúa’ (x.Dt 9, 14).

Ðức Maria cũng thế, Người tự hiến mình cho Thiên Chúa trong Thánh Thần, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Thánh Thần được hứa ban, như lời Thiên Thần: ‘Thánh Thần sẽ đến trên người’. Không phải chỉ để Người thụ thai Ðức Kitô trong thân xác, mà còn để cưu mang Ngài trong tâm hồn, nhờ lòng tin.

Nếu Maria đã được ‘đầy ân sủng’ thì trước tiên là để Người có thể đón nhận sứ điệp dành cho mình trong lòng tin. Nếu không có Thánh Thần thì ngay cả nói: ‘Giêsu là Chúa!’ cũng không thể được (x.1Cr 12, 3). Vậy phải nghĩ thế nào về tiếng ‘fiat’ của Ðức Maria mà, theo một nghĩa nào đó, việc Nhập Thể của Ngôi Lời cũng như cuộc sống làm người của Chúa tùy thuộc vào?

Mọi thái độ vâng phục lớn lao đều khởi đi từ sự vâng phục của Ðức Kitô: nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa đổ tràn lòng mến trong tâm hồn thụ tạo để rồi lòng mến lôi kéo thụ tạo thực hiện điều Thiên Chúa muốn. Lòng mến trở thành luật, luật của Thần Khí. Thiên Chúa không áp đặt ý muốn của Người, Người ban lòng mến. Tình yêu không cho phép kẻ được yêu, đến lượt mình, lại không biết yêu. Chính như thế mà ta hiểu được sự dâng hiến của Ðức Maria; Người cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, và tình yêu đó đưa Người đến chỗ tự hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa”.[29]

Trong Tông Huấn “Christus Vivit – Đức Kitô đang sống”, ĐTC. Phanxicô nhắc đến Cô Trinh Nữ Trẻ Trung là gương mẫu đối với các người trẻ, cụ thể qua lời xin vâng của Mẹ như sau

“Sức mạnh của lời ‘Xin Vâng’ của người trẻ Maria luôn luôn ấn tượng, sức mạnh của những lời, ‘xin cứ làm cho tôi’ mà Mẹ thưa cùng sứ thần. Đây không chỉ là sự chấp nhn thụ đng hay cam chịu, hay mt lời ‘Xin Vâng’ yếu ớt, như thể muốn nói, ‘Chà, hãy thử xem điều gì sẽ xảy ra’. Đức Mẹ không biết cụm từ ‘Hãy thử xem điều gì sẽ xảy ra’. Mẹ đã quyết tâm; Mẹ biết rõ điều gì sẽ đến và Mẹ thưa ‘Xin Vâng’ mà không do dự. Lời của Mẹ là lời ‘Xin Vâng’ của một người đã chuẩn bị cam kết dấn thân, một người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đánh đổi mọi sự mình có, mà không có bất kỳ sự đảm bảo nào khác ngoài sự chắc chắn khi biết rằng Mẹ là người mang lời hứa.

Vì vy, Cha hỏi mỗi người trong các con: các con có thấy mình là người mang lời hứa không? Lời hứa nào hiện din trong tâm hồn tôi mà tôi có thể nhn lấy? Sứ vụ của Đức Mẹ chắc chắn là sẽ khó khăn, nhưng những khó khăn không phải là lý do gì để thưa ‘Không’. Đương nhiên mọi sự sẽ trở nên phức tạp, nhưng không giống như cách xảy ra khi sự hèn nhát khiến chúng ta tê lit vì mọi sự không rõ ràng hoặc không chắc chắn từ trước.

Đức Mẹ đã không mua một bảo hiểm nào! Mẹ đã mạo hiểm, và vì lý do này, Mẹ mạnh mẽ, Mẹ là mt người có ảnh hưởngngười có ảnh hưởng của Thiên Chúa. Lời ‘Xin ng’ và ước muốn phục vụ của Mẹ mạnh hơn bất cứ nghi ngờ hay khó khăn nào.

Không chịu khuất phục trước sự lẩn tránh hay ảo tưởng, Mẹ đã đồng hành với sự đau khổ của Con Mẹ; Mẹ đã nâng đỡ Chúa bằng ánh mắt và bảo vệ Người bằng con tim. Mẹ đã chia sẻ nỗi khổ của Người, nhưng không bị nó áp đảo. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ đã thốt ra lời ‘Xin Vâng’, người nâng đỡ và đồng hành, bảo vệ và ôm ấp. Mẹ là người bảo vệ cao cả của niềm hy vọng… Từ Mẹ, chúng ta học cách thưa ‘Xin Vâng’ với lòng kiên nhẫn bền bỉ và sáng tạo của những người, không bị khuất phục, sẵn sàng làm lại mt từ đầu” (số 44-45)

Thật vậy, Đức Maria không chỉ là người Mẹ tuyệt vời của chúng ta, mà Mẹ luôn luôn là mẫu gương chúng ta cần phải soi vào và bắt chước để sống. “Điều xảy ra nơi trinh nữ Maria, cũng xảy ra với chúng ta. Qua lời xin vâng của Mẹ với tiếng gọi của Thiên Chúa, Mẹ đại diện cho nhân loại và trở nên mẫu gương cho chúng ta. Như thế, Mẹ trở nên mẫu gương nguyên thuỷ của mỗi Kitô hữu và của toàn thể Giáo Hội”.[30]

Vậy giờ đây, là những Kitô hữu, chúng ta tự hỏi mình theo gương Mẹ Maria như thế nào, để có thể nói lên lời xin vâng với Thiên Chúa và tiếng gọi của Người.

Nhìn lại cuộc sống, biết bao lần chúng ta nói lời xin vâng của mình với thái độ đành chịu, miễn cưỡng như kẻ cúi đầu, cắn răng nói: “Nếu không thể làm khác hơn, xin cho con biết vâng theo thánh ý Chúa”. Ngắm nhìn Đức Maria, Mẹ dạy chúng ta biết nói lời xin vâng với một tâm tình và thái độ khác. Tin tưởng vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót và luôn trung tín, cùng Mẹ Maria chúng ta xin Chúa giúp chúng ta biết ý thức đón nhận chính Chúa, Đấng yêu thương.

Cũng xin Chúa giúp chúng ta biết nói xin vâng với Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội và cùng đích của cuộc sống vì, khi nói tiếng “xin vâng”, “amen” với Thiên Chúa là tôn phẩm giá con người lên chứ không phải là hạ thấp như ngày nay chúng ta thỉnh thoảng nghe nói. Vả lại, liệu có lựa chọn nào khác có thể thay lời “amen” nói với Thiên Chúa. Nếu không nói lời đó với Thiên Chúa là tình yêu thì người ta sẽ nói với một điều gì khác, mà điều đó lại là thứ tất yếu lạnh lùng, làm tê liệt cuộc sống, làm tê liệt con người.

Con người không thể sống và thể hiện mình mà lại không nói lời “xin vâng” với ai đó, với điều gì đó. Lời “amen” của dân ngoại khác xa biết bao, nghiệt ngã biết bao sánh với lời “amen” của Kitô hữu nói lên với Đấng tạo dựng nên mình, và Ðấng đó không phải là một tất yếu lạnh lùng mù quáng, nhưng Ngài là tình yêu. Vì thế, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần đến trên chúng ta, như Ngài đã đến trên Mẹ Maria, để chúng ta có được sức mạnh, khôn ngoan, khiêm tốn và một tâm hồn quảng đại mở ra cho Thiên Chúa và tiếng gọi của Thiên Chúa, để nhờ đó chúng ta có thể theo gương Mẹ chu toàn bổn phận và trách nhiệm Chúa trao.

ĐHY. Walter Kasper tâm tình về điều này như sau: “Hôm nay chúng ta có một sứ mạng, là trở nên ánh sao mai nhỏ bé, ánh sao rao giảng về Mặt Trời Công Chính và tình yêu, bằng cách chúng ta trở nên chứng nhân cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta”.[31] 

Kết thúc bài Tin Mừng, thánh sử Luca viết: “Rồi sứ thần từ biệt ra đi”. Cuộc gặp gỡ tuyệt vời và vĩ đại của Thiên và Trần qua đi, Đức Maria ở lại với trách nhiệm Mẹ đón nhận và mang vác.

Chắc chắn, nếu chúng ta chiêm ngắm đoạn đường tiếp theo của Mẹ, sẽ nhận ra biết bao chông gai và thử thách, như sự nghi ngờ của thánh Giuse, như việc sinh hạ Chúa Giêsu trong nghèo khó, cùng với thánh Giuse Mẹ đã vất vả hành trình đưa Con Thơ của mình tránh hiểm hoạ ác độc của vị vua trần thế, rồi mẹ cũng đau lòng biết bao khi nghe người ta nói chẳng tốt gì về con của mình, như họ coi Chúa Giêsu là người điên loạn: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3, 21).

Cuối cùng, Mẹ đã phải chứng kiến Con dấu yêu của mình bước vào con đường khổ nạn và chịu chết đau thương trên Thánh Giá.

Nhưng tất cả Mẹ đều đón nhận với lời “xin vâng – fiat – génoito & Amen”.

Đoạn Tin Mừng Thiên Thần truyền tin cho Mẹ Maria “vẽ lên một bức tranh” rất đẹp về cuộc gặp gỡ giữa Thiên với Trần. Trong đó mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa được thực hiện với lời “xin vâng” của Cô Trinh Nữ Maria. Trước khi kết thúc phần suy niệm đoạn Tin Mừng này, chúng ta cùng cầu nguyện với các suy tư và gợi ý sau:

Trong biến cố truyền tin, Thiên Thần Gáprien đã chào Mẹ với lời thật đặc biệt: “Mừng vui lên!”. Niềm vui là điều Thiên Chúa mong muốn cho con người. Niềm vui là điều Thiên Chúa mang đến cho Mẹ Maria và cho mọi người qua chính biến cố vĩ đại và lạ lùng: Thiên Chúa trở thành người như chúng ta. Vì thế, niềm vui này chính là hương hoa của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Đời sống người Kitô hữu là đời sống tràn đầy hương hoa của niềm vui, vì từ ngày được Thiên Chúa cho vào đời, từ ngày được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu đã vui mừng vì được là con yêu dấu của Thiên Chúa, vì được Thiên Chúa luôn ở bên và trao ban ân sủng.

Vì thế, dù phải bươn chải trong cuộc đời với biết bao nỗi niềm và khắc khoải khác nhau, nhất là khi rơi vào trong thung lũng vất vả và khổ đau, chúng ta với căn tính là con cái của Thiên Chúa, cần bám chặt vào Chúa, cần phải luôn hướng về Chúa, cần ý thức luôn sống trong tình yêu và lòng thương xót của Chúa, để nhờ đó niềm vui vẫn luôn hiện diện sống động và toả hương. “Mừng vui lên!” Đó là sứ điệp thật đẹp mà Mẹ Maria và nhân loại chúng ta được đón nhận. Đừng bao giờ đánh mất niềm vui này, dù cuộc đời thế nào đi nữa! Để niềm vui này không bao giờ “lìa xa” chúng ta, thì chúng ta đừng bao giờ lìa xa Thiên Chúa. Nào chúng ta cùng thờ lạy Chúa, Đấng Yêu Thương và Đấng trao ban niềm vui sống!

“Mừng vui lên! Hỡi Đấng đầy ân sủng”. Tiếp với lời kêu gọi vui mừng lên, Mẹ Maria được Thiên Thần ca ngợi là Đấng đầy ân sủng. “Mẹ Maria được đầy ân sủng ngay từ lúc khởi đầu cho đến mọi thời điểm của cuộc sống Mẹ. Ở nơi Mẹ, từ ngay những giây phút đầu tiên của đời Mẹ, không vương vấn bất cứ dấu hiệu tội lỗi hay nhơ bẩn nào cả. Như thế, Mẹ chính là tạo vật trong sạch nhất và hoàn thiện nhất của ân sủng Thiên Chúa. Là tạo vật trọn hảo này, Mẹ xứng đáng là Mẹ của Thiên Chúa, là căn phòng và cánh cửa để Thiên Chúa bước vào thế giới này”. Đó là lời của nhà thần học Walter Kasper.

Còn Cantalamessa thì viết như sau: “Ân sủng, đó là chân tính sâu thẳm nhất của Ðức Maria. Maria là người rất ‘quý giá’ đối với Thiên Chúa… Ân sủng, đó là lời giải thích trọn vẹn về Ðức Maria, về sự cao trọng và vẻ đẹp của Người. Nói Maria đầy ân sủng đã là diễn tả trọn vẹn về Người”.

Tâm tình của hai nhà thần học giúp chúng ta chiêm ngắm dung nhan mỹ miều của Mẹ Maria, Cô Trinh Nữ không vương vấn bất cứ hạt bụi phàm trần nào, Cô Trinh Nữ rất quý giá đối với Thiên Chúa. Chúng ta chạy đến với tôn nhan Mẹ, và tri ân cảm tạ Thiên Chúa đã chọn Mẹ, đã làm cho Mẹ trở nên trinh trong hoàn toàn, cũng như đã ban cho Mẹ tràn đầy ân sủng hơn mọi tạo vật khác. “Phúc cho ai có lòng trong sạch”. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta cũng được Chúa đoái thương ban cho những ân sủng, làm cho chúng ta trở nên tạo vật xứng đáng của Chúa, và mỗi ngày tâm hồn chúng ta trở nên trong sạch hơn, hầu xứng đáng được Chúa ngự vào qua mỗi lần chúng ta đón nhận Thánh Thể Chúa.

Maria đẹp bởi Người được yêu. Chúng ta cũng cầu xin Mẹ cho chúng ta khám phá được tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, để qua đó chúng ta khám phá được nét đẹp của mình trong tình yêu của Thiên Chúa, dù cho bóng đêm và sự dữ vẫn đang bao phủ cuộc đời chúng ta. Thật vậy, “trong đôi mắt Chúa tôi thật là quý giá!”.

Thiên Chúa không chỉ đem lòng sủng ái đối với Ðức Maria mà còn tự trao ban trọn vẹn trong Con của Người. “Chúa ở cùng Người”. Được Chúa ở cùng chính là hạnh phúc tuyệt vời nhất đối với mỗi người tín hữu, vì được ở cùng Chúa và có Chúa ở cùng chính là thiên đàng. Cùng Mẹ Maria, chúng ta xin Chúa cho chúng ta có được ơn khám phá những khoảnh khắc đặc biệt “được Chúa ở cùng”, để chúng ta luôn sống trong lòng biết ơn, ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa. Cụ thể, trong cầu nguyện chúng ta âm thầm xin ơn trên, và cũng tự hỏi xem: “Khoảnh khắc nào, sự kiện nào và biến cố nào trong đời, tôi đã nhận ra và cảm nghiệm được sự hiện diện gần bên của Thiên Chúa? Khi Chúa ở cùng tôi trong lúc đó, tôi đã cảm thấy ra sao?”. “Có Chúa là có tất cả”. Đó là tâm tình của thánh Têrêsa Avila.

“Mẹ Maria là dấu hiệu cho sứ điệp của Thiên Chúa nói. Đó là Thiên Chúa không để cho thế giới và nhân loại dù vướng mắc trong bao tội lỗi và bất trung, không bị hư mất, mà Thiên Chúa luôn một lòng tín trung. Người đã giữ gìn một nơi thánh, một người thánh, một điểm thánh, nơi Người có thể ra tay để ‘đưa nhân loại về’ với Người và về với Nước của Người”. Suy tư của Walter Kasper cho chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi và sự bất trung của chúng ta đối với Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta chạy đến với Hài Nhi Giêsu đang nằm trong máng cỏ. Với lòng khiêm tốn và sám hối, chúng ta xin Chúa thứ tha và chúng ta cũng tri ân Thiên Chúa về lòng thương xót vô bờ bến của Người. Lòng thương xót của Thiên Chúa đang hiện diện sống động trong Hài Nhi Giêsu. Nào chúng ta cùng thờ lạy Chúa!

“Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Mẹ bối rối, nghĩa là Mẹ có cảm xúc ngạc nhiên và bất ngờ trước những gì Thiên Chúa đang mời gọi Mẹ, đang muốn trao cho Mẹ một sứ mạng. Sự ngạc nhiên là thái độ căn bản của đời sống người Kitô hữu. Xin Chúa giúp cho chúng ta luôn có khả năng “ngạc nhiên trước kỳ công Thiên Chúa làm nên” trong cuộc đời chúng ta và của anh chị em. Xin cho sự ngạc nhiên tiếp tục đi với chúng ta trên hành trình Đức Tin: mỗi lần chúng ta đứng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt đẹp, mỗi khi chúng ta chứng kiến một biến cố xảy ra với “dấu ấn của lòng thương xót” mà Thiên Chúa ban cho. Mong sao chúng ta đừng bao giờ đánh mất cảm xúc “ngạc nhiên” trước biết bao điều tốt lành Thiên Chúa đã và tiếp tục làm ra cho con người mà Chúa yêu thương. Xin Chúa đừng để cho sự nông cạn, sự vô ơn và đời sống nhàn hạ đơn điệu của thế giới làm cho trái tim của chúng ta bị “tê cứng” trước những hoạt động tuyệt vời của Thiên Chúa.

Trong biến cố Thiên Thần truyền tin cho Mẹ, chúng ta nhận ra được tinh thần lắng nghe của Mẹ. Thật vậy, Mẹ Maria luôn là người phụ nữ biết lắng nghe và thực thi thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ chính là mẫu gương của những người tin, những người trên đường tìm kiếm Thiên Chúa. Lắng nghe Lời Chúa chính là khả năng cần thiết làm cho người Kitô hữu lớn lên trên hành trình sống Đức Tin. Xin Chúa giúp chúng ta biết tập sống mở lòng ra với Thiên Chúa và với Lời của Thiên Chúa, để qua đó cuộc sống và con người của chúng ta tràn ngập “hồn sống của Lời Chúa, của Tin Mừng”. Một giáo phụ đã nói rằng: “Khi Lời Chúa càng lớn lên trong chúng ta, thì lời của con người chúng ta càng nhỏ lại”. Ôi mong thay, vì như vậy cuộc sống sẽ đỡ được biết bao phiền toái!

“Lời ‘xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa’ cũng dành cho chúng ta. Hơn nữa, lời này là một lời quan trọng đối với chúng ta hôm nay, vì sự sợ hãi đang vây bủa xung quanh chúng ta. Chúng ta sống trong thời gian của nhiều đổi thay ở mọi phương diện của cuộc sống. Nhiều điều nền tảng bị lung lay. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Dựa vào đâu để tôi còn có thể hy vọng? Nơi đâu còn có thể tin tưởng? Cái gì gìn giữ và nâng đỡ chúng ta đây?” Tâm tình của Walter Kasper đưa lại cho chúng ta niềm hy vọng mạnh mẽ, bởi vì chúng ta có Chúa Giêsu là trung tâm điểm, là đường, là sự thật và là sự sống của chúng ta, bởi vì Chúa Giêsu mong muốn cho chúng ta có cuộc sống tốt lành. Người giữ gìn và nâng đỡ. Người yêu thương mỗi người trong chúng ta, và đã chọn chúng ta từ muôn thuở. Người đã ghi khắc mỗi người trong lòng bàn tay Người, như đã được nói đến nơi ngôn sứ Isaia: “Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49, 16). Dù chúng ta có rơi vào bất cứ khủng hoảng nào hay đau khổ nào đi nữa, chúng ta đừng bao giờ quên rằng: “Không bao giờ Thiên Chúa quên tôi. Không bao giờ đâu! Hơn nữa, Thiên Chúa không chỉ ở bên tôi và với tôi, mà Ngài còn ở trong tôi. Ngài sống trong tôi và trong trái tim của tôi”.

Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Lời của Thiên Thần thúc đẩy chúng ta nhìn lại hành trình cuộc sống. Chắc chắn chúng ta cũng đọc được những trang sách và dòng chữ của Thiên Chúa đã “viết lên” cách tuyệt diệu. Biết bao điều chúng ta là con người không thể giải quyết được. Chúng ta đứng trước ngõ cụt và rơi vào tình trạng bế tắc. Nhưng rồi Thiên Chúa đã hoạt động để tháo cởi, để mở lối cho chúng ta. Hơn nữa, sự hoạt động của Thiên Chúa lại luôn âm thầm và tiệm tiến. Thiên Chúa hiền lành và nhân từ, nên Ngài hoạt động cũng hiền lành và nhân từ trong âm thầm không khoe khoang và không “đánh trống kêu to”. Ôi, nhiệm mầu tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, dành cho nhân loại chúng ta. Cùng đến với Hài Nhi Giê-su đang hiện diện sống động trong máng cỏ, nào chúng ta cùng thờ lạy Chúa!

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đức Maria nói lời này với tất cả con người của Mẹ và đặc biệt với sự tự do ưng thuận của Mẹ kết hiệp với ân sủng Chúa Thánh Thần. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong chúng ta, đặc biệt trong những khoảnh khắc, sự kiện và biến cố trong cuộc đời chúng ta mà Thiên Chúa đang “viết lên thánh ý của Ngài”, nhờ đó chúng ta theo gương Mẹ Maria thưa với Chúa: “Xin vâng Chúa ơi! Xin Chúa thực hiện điều Chúa muốn nơi con, một tạo vật đơn hèn nhỏ bé của Chúa”. Cuối cùng, chúng ta cùng dâng lên lời cầu nguyện của thánh viện phụ Bênađô với Đức Trinh Nữ Maria.

“Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ đã nghe báo tin Mẹ sẽ thụ thai và sinh một con trai: không phải do con người nhưng do Chúa Thánh Thần. Sứ thần đang chờ câu trả lời của Mẹ vì đã đến lúc người phải trở về cùng Thiên Chúa, Đấng đã sai người. Cả chúng con nữa, lạy Mẹ là bà chúa, chúng con cũng chờ đợi câu trả lời của lòng Chúa xót thương, vì chúng con là những kẻ đang phải khốn khổ bởi mang án tội tình.

Này đây, giá phải trả cho ơn cứu chuộc chúng con được trao vào tay Mẹ. Mẹ mà chấp thuận là chúng con được cứu thoát. Nhờ Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa, tất cả chúng con đã được tạo thành. Nhưng này sự chết đang hoành hành nơi chúng con: chỉ có một câu trả lời vắn tắt của Mẹ thôi là chúng con được tái tạo, để lại được kêu gọi đón nhận sự sống.

Ôi, lạy Trinh Nữ dịu hiền, nguyên tổ Ađam đang khóc lóc cùng với dòng dõi đáng thương của mình, vì bị đuổi ra khỏi địa đàng. Này tổ phụ Ápraham, vua Đavít cũng khóc than. Này cả các thánh tổ phụ khác, nghĩa là tổ tiên của Mẹ, cũng đang khẩn khoản nài van, chính các ngài đang phải chìm ngập trong bóng tối tử thần. Này toàn thể thế giới đang sấp mình dưới chân Mẹ mà đợi chờ.

Và như thế không phải là không có lý do chính đáng, vì niềm an ủi của những kẻ khốn nạn, ơn cứu chuộc của những kẻ bị tù đày, sự giải phóng của những kẻ bị kết án, và cuối cùng ơn cứu độ của con cháu Ađam, tức của toàn thể dòng giống Mẹ, đều tuỳ thuộc câu trả lời từ miệng Mẹ thốt ra.

Lạy Đức Trinh Nữ, xin mau trà lời. Xin mau mau trả lời cho thần sứ, hay nói đúng hơn, trả lời cho Thiên Chúa qua thần sứ. Xin Mẹ đáp lời và đón nhận Ngôi Lời: xin nói lên lời của Mẹ và cưu mang Lời của Thiên Chúa. Xin nói lên lời chóng qua và ôm ấp Lời vĩnh cửu.

Mẹ lưỡng lự làm gì, run sợ làm chi? Mẹ cứ việc tin, cứ tuyên xưng và đón nhận. Mẹ khiêm tốn, nhưng xin Mẹ cứ can đảm. Mẹ e ngại nhưng xin Mẹ cứ tin tưởng. Lúc này đơn sơ trong trắng mà quên lãng khôn ngoan thì chẳng xứng hợp chút nào. Lạy Đức Trinh Nữ khôn ngoan, trong sự việc có một không hai, xin Mẹ đừng sợ phải liều. Mẹ làm thinh vì e ngại, đó là điều đẹp lòng Chúa, nhưng bây giờ Mẹ nói ra vì hiếu thảo thì lại là điều cần thiết hơn.

Lạy Đức Trinh Nữ diễm phúc, xin Mẹ mở tâm hồn để tin, mở miệng nói lên lời ưng thuận và mở lòng để đón nhận Đấng tạo thành ra Mẹ. Này Đấng mọi dân tộc khao khát đang đứng bên ngoài và gõ cửa. Ôi, nếu như vì Mẹ chần chừ mà Người đi qua mất, thì Mẹ lại phải khổ công tìm kiếm Đấng lòng Mẹ mến yêu!

Xin Mẹ chỗi dậy, chạy ra mở cửa. Xin Mẹ chỗi dậy với lòng tin. chạy ra với lòng mến và mở cửa bằng sự ưng thuận. Đây Mẹ đã nói: Vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa. xin Chúa làm cho tôi như lời thần sứ nói”.[32]

Nguồn: simonhoadalat.com


[26] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 2. “Phúc cho Người là kẻ đã tin”.

[27] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.55.

[28] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.5

[29] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 2. “Phúc cho Người là kẻ đã tin"

[30] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.32.

[31] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.35.

[32] Trích từ Giờ Kinh Sách ngày 20.12.

 

zalo
zalo