Lòng Kính Ngưỡng Sự Sống Trong Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam
Phaolô Nguyễn Hải Đăng, OP.
c õ ª õ d
III. SỨ ĐIỆP KITÔ GIÁO VỀ SỰ SỐNG – NẺO ĐƯỜNG ĐỐI THOẠI VỚI VĂN HÓA BẢN ĐỊA
1. Thiên Chúa – nguyên ủy sự sống
b. Tôn trọng và yêu quý sự sống – một yêu sách tuyệt đối
Sự sống của con người từ Thiên Chúa mà đến, đó là ân huệ, là hình ảnh và dấu ấn của Người. Thiên Chúa là Chủ Tể duy nhất của sự sống này: con người không thể định đoạt về nó.
Chính Thiên Chúa đã nhắc lại cho ông Nô-e sau Đại Hồng Thủy: “Từ máu ngươi, là chính mạng sống ngươi. Ta sẽ đòi trả lẽ… với mọi người: với từng người, Ta sẽ đòi trả lẽ về mạng sống anh em mình” (St 9,5).[33] Bản văn Kinh Thánh đã nhấn mạnh tính cách thiêng liêng của sự sống, có cơ sở nơi Thiên Chúa và nơi hành động sáng tạo của Người vì “con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa” (St 9,6) và “chính Chúa nắm trong tay hồn của mọi sinh linh và hơi thở của mọi xác phàm” (J 12,10).
Sự sống là giá trị thánh thiêng bất khả xâm phạm được khắc ghi từ thưở ban đầu trong lương tâm mỗi người. Câu hỏi: “Ngươi đã làm gì?” (St 4,10) mà Thiên Chúa chất vấn Cain sau khi hắn ra tay giết chết chính người em mình là Aben diễn tả kinh nghiệm: nơi đáy sâu lương tâm, mỗi con người luôn được nhắc nhở về tính bất khả xâm phạm của sự sống bản thân và người khác, vì nó là sở hữu và ân ban của Đấng Tạo Hóa.[34]
Khi trả lời cho câu hỏi của người thanh niên giàu có: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Đức Kitô đã đưa một yêu sách tuyệt đối về giá trị sự sống: “Các ngươi đã nghe người xưa bảo: chớ giết người; kẻ giết người thì sẽ can án. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: phàm ai tức giận anh em mình thì sẽ bị can án” (Mt 5, 21-22). Như vậy, niềm tin kitô giáo không chỉ xem con người là trung tâm của công trình tạo dựng mà còn xác định trách nhiệm tôn trọng và yêu quý sự sống là một yêu sách tuyệt đối dành cho tất cả mọi người vì qua Mầu Nhiệm Nhập Thể chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã kết hiệp chính mình với bất kỳ con người nào.[35]
Tín ngưỡng bản địa tôn vinh sự sống như một sức mạnh siêu nhiên nhưng thiếu một nền tảng thần học về nguyên ủy và cùng đích. Vì vậy, tín ngưỡng bản địa không thể đẩy tâm thức kính ngưỡng sự sống của người Việt Nam thành một yêu sách tuyệt đối. Hơn nữa giá trị sự sống trong tín ngưỡng bản địa là một thực thể ngoại tại, tách biệt nên chưa ăn sâu, bám rễ trong lối sống của người Việt Nam. Vì vậy, xã hội Việt Nam suốt chiều dài lịch sử thống trị của thể chế phong kiến, sự sống con người vẫn bị xem thường và giá trị nhân phẩm, đặc biệt của người phụ nữ, vẫn chưa được tôn trọng xứng đáng. Một tín ngưỡng thuần trực cảm tự nhiên chắc chắn sẽ không không thể đứng vững trước sự thay đổi và phát triển của lịch sử, đặc biệt khi nó chưa có những đóng góp cụ thể cho việc thăng tiến phẩm giá con người. Và đây chính là cánh cửa đối thoại mà Kitô giáo có thể đóng góp về chiều kích nhân vị và phẩm giá trong tín ngưỡng và văn hóa bản địa. Con người là thụ tạo có tự do và nhân phẩm trổi vượt bởi được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa. Vì vậy, Kitô chân xác rằng sự sống không phải là thực thể tách biệt khỏi con người nhưng là một thành phần sống động, không thể tách rời. Tôn trọng sự sống phải đi liền với tôn trọng phẩm giá. Mọi thủ đoạn thao túng sự sống là hành tội ác chống lại con người trong tính toàn bộ của nó.
Nếu khát vọng tìm về nguyên ủy sự sống là tâm thức chi phối mọi hình thức tín ngưỡng bản địa – từ tín ngưỡng phồn thực cho đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một bước nhảy trong lãnh giới tinh thần, từ hình thức liên minh cộng đồng nguyên thủy tiến lên hình thức liên kết gia đình sơ khai, từ chế độ mẫu hệ tiến đến thời kỳ phụ hệ gắn liền với quá trình tiếp biến văn hóa Trung Hoa, từ việc tôn vinh giá trị sự sống như một thực thể ngoại tại, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bắt đầu quay trở về đời sống nội tâm khám phá giá trị sự sống như một thực tại gắn liền với đời sống của con người. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phản ánh sự tiếp nối sự sống giữa thế giới người sống và người chết trong mối dây liên hệ, gắn bó về mặt huyết thống nhưng tín ngưỡng này vẫn chưa thể trả lời cho câu hỏi về nguyên ủy phát sinh sự sống. Và Kitô giáo có thể trả lời cho vấn nạn này bằng nền tảng đức tin của mình: chính Thiên Chúa là nguyên ủy sự sống được thể hiện cụ thể, cách ngôi vị qua Đức Giêsu Kitô – Lời ban Sự Sống.
2. Đức Kitô – Lời Sự Sống
“Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Sự Sống” (x. 1 Ga 1,1).
Đức Kitô chính là Lời Sự Sống được mặc khải cho con người ngay trung tâm sứ mệnh cứu thế của Người: “Ta đến cho họ được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10). Sự sống “mới” đã được khai mở và con người được mời gọi thông hiệp trong chính nguồn sống viên mãn của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính trong sự sống này mà mọi giây phút hiện hữu và mọi chiều kích sinh tồn của con người trên trái đất này đều mặc lấy một ý nghĩa vĩnh cữu vì con người được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa.
Tin Mừng về Sự Sống không phải là một suy tư đơn thuần nhưng là một thực tại cụ thể, mang tính ngôi vị. Tin Mừng ấy là chính Đức Kitô – Lời ban Sự Sống. “Thầy là Đường, là Sự Thật và Sự Sống” (x. Ga 14, 60). Một lần nữa, chính Đức Giêsu đã mặc khải chính mình với Martha, chị của Lazarô: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Thầy, dù kẻ ấy có chết cũng sẽ sống và bất kỳ ai sống và tin Thầy, sẽ không chết bao giờ” (x. Ga 11, 25-26). Đức Kitô chính là nguồn mạch sự sống và bất kỳ ai tin vào người sẽ có khả năng nhận biết chân lý toàn vẹn về giá trị sự sống của con người. Con người chỉ có thể đạt đến sự sống viên mãn khi biết kết hiệp nên một với căn nguyên sự sống phát sinh chính mình. Chính chân lý kỳ diệu này đã khoác lên thân phận yếu hèn của con người một giá trị thánh thiêng, bất khả xâm phạm.
Tin mừng về Sự Sống này đã được ghi khắc vào tâm khảm con người ngay từ những giây phút hiện hữu đầu tiên và chính Đức Kitô bằng “tất cả sự hiện diện và biểu lộ về chính mình qua lời nói và việc làm, bằng dấu chỉ và phép lạ, và đặc biệt nhất, là bằng sự chết và phục sinh vinh hiển của Người để lôi kéo chúng ta ra khỏi chốn tối tăm tội lỗi và sự chết, và phục sinh ta cho chúng ta được sự sống đời đời”.[36] Vì vậy, bất kỳ sự can thiệp nào của con người nhằm thao túng sự sống đều là hành vi chống cưỡng lại ý định tốt lành ban đầu của Thiên Chúa. Mặc khải về Lời Sự Sống là chính Đức Kitô đã khẳng định sự linh thánh về sự sống thể lý và thiêng liêng của con người, ngay trong hành trình trần thế, đã nhận đầy đủ giá trị và ý nghĩa của nó: là được mời gọi vươn đến sự sống vĩnh cửu đích thật là chính Thiên Chúa.
Bằng chính cuộc đời của mình, Đức Giêsu cho chúng ta thấy mối liên hệ biện chứng giữa kinh nghiệm bấp bênh về sự sống và sự khẳng định giá trị của sự sống đó. Sự sống của Đức Giêsu được ghi dấu bằng sự bấp bênh ngay từ lúc Ngài sinh ra. Bị con người từ chối “không còn chỗ nào trong quán cho hai ông bà” (x. Lc 2,7), bị đe dọa bởi những thế lực thù địch đang tìm cách “giết hài nhi” (x. Mt 2,13), nhưng chính trong sự bấp bênh đó, quyền năng Thiên Chúa được tỏ lộ cách mạnh mẽ: sự sống sinh ra đây là ơn cứu độ cho nhân loại (x. Lc 2,14).
“Giàu có như Ngài mà vì anh em, Ngài đã nên nghèo khổ, ngõ hầu anh em nên giàu có nhờ sự khó nghèo của Ngài” (x. Cr 8, 9). Sự nghèo khó của Đức Giêsu mà thánh Phaolô diễn tả ở đây không chỉ là trút bỏ những đặc ân của thần tính mà còn là chia sẻ cảnh sống thấp hèn nhất, bấp bênh nhất của đời người (x. Ph 2, 6-7).[37] Đức Giêsu không chỉ đón nhận mà còn liên lụy trong những bấp bênh của cuộc sống con người để đến giây phút cuối cùng trên thập giá, người đã kiện toàn và phục hồi giá trị sự sống viên mãn bởi việc Ngài tự hiến trên thập giá đã trở nên nguồn sống mới cho con người (x. Ga 12,32). Khi Ngài đối diện với những thế lực chống đối muốn hủy diệt sự sống của chính Ngài, Đức Giêsu không chút sợ hãi bởi niềm tin tưởng chắc chắn sự sống của Ngài lệ thuộc trong tay Chúa Cha. Vì thế, trên cây thập giá, Đức Giêsu đã thưa lớn tiếng: “Lạy cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (x. Lc 23,46). Lời trần tình cuối cùng của Đức Giêsu mặc khải cho con người: chính Thiên Chúa là nguyên ủy sự sống và Đức Kitô là Lời ban Sự Sống vì qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, giá trị sự sống của con người được kiện toàn và trả về ý nghĩa đích thực của nó: vươn đến sự sống sung mãn nơi Thiên Chúa. Với nền tảng đức tin của mình, rõ ràng Kitô giáo có thể hội nhập và đóng góp vào sự hoàn thiện những giá trị tinh thần trong bản sắc văn hóa Việt Nam, nhất là khả năng củng cố cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên một giá trị kiện toàn về nguyên ủy sự sống.
a. Đức Kitô – kiện toàn giá trị sự sống con người
Thờ cúng tổ tiên phản ánh quan niệm tâm linh của người Việt Nam về thế giới. Khởi từ nhận thức vạn vật hữu linh – mọi vật đều có linh hồn, một hình thức tín ngưỡng nhiên thần sơ khai, dần dần những vị thần tự nhiên được nhân cách hóa bằng những huyền thoại tạo ra một bước chuyển cho việc tiến lên hình thành tín ngưỡng nhân thần. Rõ ràng khoảng cách giữa con người và thế giới hiện tượng đang được rút ngắn lại trong tâm thức người Việt. Đây chính là giai đoạn con người bắt đầu khám phá về bản thân mình. Đến một thời điểm nào đó, mối quan hệ giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình, giữa cái sống và cái chết trở thành vấn nạn cho con người. Người Việt Nam với quan niệm vật linh, tin rằng trong mỗi con người có phần hồn và xác. Không có ý thức cao siêu “sống gửi thác về” (thiên đàng – hỏa ngục) của Kitô giáo hay chủ thuyết luân hồi đầu thai của Phật giáo, nhận thức dân gian quan niệm cách đơn giản, thể xác và linh hồn vừa gắn bó vừa tách biệt, gắn bó khi sống và phân tách khi chết: thể xác đã hòa vào cát bụi nhưng linh hồn vẫn tồn tại và chuyển sang sống ở một thế giới khác. Thế giới ấy được gọi bằng những tên gọi khác nhau: cõi ma của người Mường hay âm phủ theo cách nói của người Việt. Như vậy, người Việt Nam ngay từ buổi đầu đã có ý thức về sự tiếp nối sự sống từ thế giới hữu hình sang thế giới vô hình nhưng đó chỉ là những ý niệm trừu tượng phổ quát mà con người phóng tưởng, biểu hiện cụ thể qua nghi thức tôn thờ vật tổ của tín ngưỡng Tôtem, kính ngưỡng sinh thực khí, biểu tượng sự sống trong tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp và hiện tượng âm phù – người chết phù trợ cho người sống- trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Âm phủ – thế giới vô hình trong quan niệm người Việt chỉ là sự tiếp nối cuộc sống dương thế. Cõi âm cũng có tất cả mọi nhu cầu như cuộc sống dương gian. Khi con người không thể không thể hiểu rõ về thế giới vô hình sau khi chết, người ta chỉ tưởng tượng dựa trên nền tảng của thế giới hữu hình. Một sự phóng tưởng không đặt trên nền tảng giáo lý, đức tin nên chưa thể thỏa mãn những khát vọng sâu xa của con người về nguồn gốc sự sống và cuộc sống con người sau khi chết. Đây chính là những cánh cửa đối thoại mà Kitô giáo, với nền tảng đức tin về Thiên Chúa như nguyên ủy sự sống và Đức Kitô là cứu cánh kiện toàn giá trị sự sống con người, có thể góp phần củng cố những giá trị tốt đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam, cụ thể là lòng kính ngưỡng sâu xa đối với sự sống.
Kitô giáo xác định có sự sống đời đời sau khi con người kết thúc cuộc sống trần thế. Sự sống viên mãn ở đây không phải là thực thể mơ hồ, một sự phóng tưởng nhị nguyên tách biệt giữa thế giới hữu hình và vô hình nhưng được biểu hiện cụ thể nơi chính Đức Kitô là sự sống viên mãn- “Ai tin vào Ta sẽ được sự sống đời đời” (Ga 11,2 6). Chính Đức Kitô là Đấng từ trời xuống để ai tin vào Người sẽ có ánh sáng ban sự sống (Ga 8,12). Bất cứ ai tin và kết hiệp nên một với Người sẽ có sự sống đời đời vì chính bởi Ngài mà người ấy hiểu được những lời mạc khải và thông ban sự sống sung mãn cho cuộc đời mình,[38] đó là “Lời ban sự sống đời đời” mà thánh Phêrô đã tuyên tín: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy có những lời đem đến sự sống đời đời. Và chúng con tin và nhận biết rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69). Nhận biết Thiên Chúa và Con của Ngài là tiếp nhận mầu nhiệm hiệp thông tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần vào đời sống của ta và ngay trong hiện tại đã hướng mở về cuộc sống mai hậu. Vì vậy, chân lý sự sống theo Kitô giáo, không chỉ gắn liền với nguồn cội phát sinh là Thiên Chúa mà còn nối kết vào cùng đích, vào vận mệnh của nó là được hiệp thông với Thiên Chúa, qua trung gian duy nhất là Đức Kitô. Rõ ràng, Kitô giáo chính là nền tảng siêu hình vững chắc có thể củng cố tính hướng đích của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở cả hai chiều kích: nguyên ủy sự sống là chính Thiên Chúa và cứu cánh kiện toàn là chính Đức Kitô.
b. Tin Mừng Sự Sống Kitô giáo – một giá trị phổ quát
Nếu con người tự bản chất vốn yêu sự sống và vì sự sống là một điều thiện hảo, thì tình yêu này còn tìm thấy một động lực, một sức mạnh, một mức độ sâu rộng trong những chiều kích thần linh của thiện hảo này. Theo viễn ảnh ấy, tình yêu đối với sự sống không chỉ giới hạn vào một không gian tương quan mang tính cá biệt nhưng tình yêu Kitô giáo mời gọi con người mở rộng tình yêu ấy trong mọi chiều kích để sự sống thật sự là nơi chốn gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Sự sống mà Chúa Giêsu trao ban cho ta không làm giảm giá trị cuộc sống ta trong thời gian, nhưng đón nhận giá trị ấy và dẫn đưa nó tới vận mệnh cánh chung: Ta là sự sống lại và là sự sống, ai sống và tin Ta sẽ không chết bao giờ (Ga 11, 25-26).[39]
Giới luật “ngươi chớ giết kẻ vô tội, người ngay lành” (Xh 23, 7) được ghi khắc trong giao ước Sinai đã khẳng định tính bất khả xâm phạm của sự sống trong Cựu Ước nhưng chưa đạt đến độ tinh tế và phổ quát của tình yêu. Vì vậy, chính Đức Giêsu đã đẩy Tin Mừng Sự Sống của Cựu Ước – bảo vệ và quan tâm đến những người có cuộc sống yếu kém và bị đe dọa: ngoại kiều, bà góa, kẻ mồ côi, người nghèo khổ, cả đến sự sống trước khi được sinh ra (x. Xh 21; 22) – đến một một chiều kích phổ quát: không chỉ giới hạn ở trách nhiệm trên cùng một dân tộc nhưng hướng đến người ngoại quốc, khách ngoại kiều và cả những kẻ thù. Người ngoài sẽ không còn là người ngoài nữa khi con người nhận thấy mình có trách nhiệm trên sự sống của người khác như dụ ngôn về Người Samari nhân hậu. Kẻ thù không còn là kẻ thù nữa đối với những ai quyết tâm yêu thương họ (Mt 5, 38-40; Lc 6, 27-35). “Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy mến yêu thù địch và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ các con, ngõ hầu các con trở nên những người con của Cha trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ người lành, và làm mưa trên người ngay kẻ ác” (Mt 5, 44-45). Như vậy, tình yêu Kitô giáo đòi buộc một thái độ tôn trọng và yêu thương tất cả mọi người và mọi sự sống. Vì mỗi người đều là phản ánh chính sự sống của Thiên Chúa và đều được mời gọi thông dự vào sự sống viên mãn mai hậu “vinh quang của Thiên Chúa là con người sống nhưng sự sống của con người là chiêm ngưỡng Thiên Chúa”.[40]
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên xuất hiện từ hình thức liên kết gia đình sơ khai phụ hệ khi người đàn ông bắt đầu nắm giữ quyền hành quản lý gia đình và là thành phần quan trọng trong hoạt động xã hội. Vợ và con gái phải tuyệt đối phục tùng và tôn trọng cái uy quyền mà xã hội đã xác lập khi người đàn ông còn sống cũng như khi qua đời. Và những đứa con mang họ cha đã kế tiếp ý thức về uy quyền và phải chăng các nghi thức ma chay, cúng tế tổ tiên, theo nhà nghiên cứu xã hội X.A Tôkarep chính là “hình thức phản ảnh hoang đường quyền hành gia trưởng trong mỗi gia đình”.[41] Đến khiNho giáo du nhập vào Việt Nam với những học thuyết có tính lý luận về gia đình – tế bào của xã hội và Nho giáo đề cao việc tề gia như một nấc thang của quá trình tu thân và đạo hiếu là biểu hiện của đức nhân. Kết cấu gia đình Nho giáo trở thành mảnh đất thuận lợi để tín ngưỡng thờ tổ tiên tồn tại và phát triển. Nho giáo đã đóng góp trong việc hệ thống hóa tín ngưỡng này thành một hệ thống đạo lý chi phối đời sống xã hội Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó Nho giáo đã làm mất đi tính phổ quát của sự sống trong tâm thức người Việt. Từ tín ngưỡng vật tổ xem sự sống như một sức mạnh siêu nhiên phổ quát, trừu tượng, giờ đây tín ngưỡng thờ tổ tiên, dưới ảnh hưởng của Nho giáo, đã đưa văn hóa Việt Nam trở về đời sống nội tâm khám phá giá trị sự sống như một thực tại gắn liền với đời sống của con người nhưng bị giới hạn trong quan hệ huyết thống gia đình, dòng tộc, làng xã. Quan niệm này kết hợp với đời sống tiểu nông, làng xã khép kín của cơ cấu xã hội Việt Nam thời xưa dần tạo nên tính cách tư hữu khép kín trong lối sống người Việt. Vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chỉ tồn tại trong cơ cấu gia đình cơn bản, mở rộng là hình thức thờ Thành Hoàng trong phạm vi làng xã. Quan hệ sự sống chỉ phát triển theo chiều dọc huyết thống mà thiếu tương quan xã hội chiều ngang. Và đây chính là điểm mà Kitô giáo có thể bổ khuyết bằng nền tảng đức ái của mình. Mọi nhân vị đều bình đẳng về nhân phẩm và đức ái Kitô giáo đòi buộc một tình yêu huynh đệ, phổ quát vượt thoát khỏi giới hạn của quan hệ huyết thống, gia đình, làng xã, quốc gia,…
KẾT LUẬN
Với lối tiếp cận theo tiến trình lịch sử nhằm trình bày một cái nhìn tổng quát về giá trị sự sống trong văn hóa Việt Nam. Một biểu tượng, một nét đẹp, một bản sắc, tất cả chỉ nhằm hướng đến làm rõ chủ đề: Việt Nam – một dân tộc yêu sự sống. Sự sống là thực tại vốn gắn liền với những cư dân nông nghiệp cả cuộc đời hòa điệu với thiên nhiên. Sự sống là mẹ đất, là sông núi, là những gì gần gũi, gắn bó với con người. Sự sống là hòa điệu âm dương, là hội tụ nguyên khí đất trời. Sự sống là điểm nối kết giữa thực tại hữu hình và thế giới vô hình. Sự sống là quà tặng của Đấng Tạo Hóa, là cùng đích viên mãn của ý nghĩa hiện hữu. Chuỗi kết nối liên tục phản ánh tâm thức kính ngưỡng sâu xa đối với sự sống trong bản sắc văn hóa Việt Nam từ tín ngưỡng bản địa đến các giá trị văn hóa ngoại lai, từ tín ngưỡng vật tổ sơ khai đến giá trị văn hóa Kitô giáo rực rỡ. Nhưng hôm nay giá trị đó đang bị đe dọa bởi những nổ lực thao túng sự sống con người bằng các lý lẽ biện minh khác nhau. Thực trạng đó đang làm tổn thương tâm thức kính ngưỡng sự sống trong bản sắc văn hóa Việt Nam và mời gọi nổ lực dấn thân của người Kitô hữu trong trách nhiệm bảo vệ sự sống con người. Tin Mừng Sự Sống, trung tâm sứ điệp rao giảng của Đức Kitô phải được trình bày như một thành trì vững chắc nhằm bảo vệ và thăng tiến sự sống con người từ những giây phút đầu tiên cho đến khi từ giã cuộc đời. Sự sống con người tự bản chất là thánh thiêng bởi vì ngay từ nguồn gốc đã bao hàm “hành động sáng tạo của Thiên Chúa” và mãi mãi nằm trong mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cứu cánh duy nhất của nó. Duy chỉ Thiên Chúa là Chủ Tể Sự Sống ngay từ giây phút khởi đầu cho đến khi kết thúc: không ai trong bất kỳ trường hợp nào có thể đòi cho mình quyền trực tiếp hủy diệt một con người vô tội. [42] Nền tảng giáo lý này cần được thấm nhuần không chỉ trong lương tâm của mỗi con người mà còn được triển nở trong những giá trị văn hóa vốn ẩn chứa những điều thiện hảo. Lòng kính ngưỡng sự sống trong văn hóa Việt Nam được hình thành dựa trên những trực cảm tự nhiên của con người về vũ trụ. Những trực cảm này được cố kết thành những giá trị tinh thần chi phối đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Và giờ đây, bản sắc văn hóa này cần được nối kết và triển nở trong những giá trị Tin mừng Kitô giáo về phẩm giá và sự sống. Một xu thế hội nhập cần thiết để có thể trả lời cho những vấn nạn về con người, đặc biệt là vấn nạn về sự sống đang tồn hiện trong xã hội Việt Nam hôm nay.
c õ ª õ d
Footnote
[33] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng về sự sống, số 39, tr. 134.
[34] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng về sự sống, số 39, tr. 136.
[35] Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, vui mừng và hy vọng, số 22.
[36] Hiến chế Tín lý về mặc khải của Thiên Chúa Ngôi Lời Thiên Chúa, số 4.
[37] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng về sự sống, số 33, tr. 124.
[38] Jean paul II, Humanae Vitae, Evangelium Vitae, Donum Vitae, bản dich Việt ngữ Gia đìnnh trong trái tim và ngôn sứ (Hà Nội: Tôn Giáo,2006), tr.132.
[39] Sđd, tr. 134.
[40] Irênê, Chống lạc giáo IV, 20,7.
[41] X.A Tôkarep, bản Việt ngữ Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 1994), tr. 233.
[42] Thánh Bộ Giáo Lý đức tin, Huấn thị Ơn ban sự sống (22-2-1987), số 5.
https://catechesis.net/long-kinh-nguong-su-song-trong-ban-sac-van-hoa-viet-nam-3/ (cập nhật ngày 11.5.2023)