Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 109

Luân lý thực tồn của Karl Rahner (1)

Luân lý thực tồn của Karl Rahner

Một hành động luân lý là một hành động chiếu theo nguyên tắc đạo đức căn bản để chọn lựa. Mặc dầu khi phán đoán luân lý ít ai nghi ngờ vai trò quan trọng của hai nguyên tố thực tiễn và qui tắc nói trên, nhưng khi thảo luận tầm quan hệ giữa hai nguyên tố này, thì bao người đã sa vào hai thái cực hoặc trọng luân lý thực chứng hoặc nghiêng về luân lý hình thức. Làm sao có thể cân bằng một nền luân lý vừa coi trọng trạng huống cá biệt, vừa khẳng định giá trị căn cơ siêu hình? Ðó chính là mục đích của luân lý thực tồn tính (existentiale Ethik) mà K. Rahner muốn nhắm tới. Một đằng khác, trong những năm gần đây vấn đề phẩm định những nguyên tắc căn bản của luân lý như tự do, luật tự nhiên… đã trở thành những đề tài nóng bỏng trong thần học luân lý. Nếu không nắm vững quan điểm và không có một cái nhìn vừa sâu xa vừa bao quát, thì những cuộc tranh chấp trên trở thành độc đoán và khó tránh được sự tranh chấp dựa trên luận điểm thành kiến hơn là phán đoán khách quan. trong phiên đoản luận này, chúng ta trước hết tìm hiểu căn bản của luân lý thực tồn đặt nền tảng trên “nhân chủng học siêu nghiệm”, sau đó phân tích và diễn đạt luân lý thực tồn của K. Rahner.

I. Nền tảng luân lý thực tồn

K. Rahner (1904-1984), một thần học gia mà giới thần học đều ngưỡng mộ và coi ông như bậc sư phụ. Tư tưởng ông đã ảnh hưởng khá sâu đậm trong Công đồng Vaticanô II. Nói chung K. Rahner một đằng phát huy truyền thống tư tưởng kinh viện, đằng khác tiếp thu triết học Ðức Quốc Duy Tâm và triết thuyết kinh viện, gạn lọc lấy những tinh hoa để hòa nhập vào những tư tưởng hiện đại. Như vậy, ông góp phần thực thi đường hướng “tân kinh viện” mà đức Leo XIII đã đề xướng và thôi thúc trong thông điệp “Aeterni Patris” (1879). Rahner đã nhận chỉ thị chung để phát huy một hướng đi riêng biệt. Hướng đi này được đúc kết dưới học thuyết “nhân chủng học siêu nghiệm” được trình bày trong hai tác phẩm nổi tiếng: “Tinh Thần trong Thế Giới” và “Lắng nghe Chân Ngôn”.

Như những tư tưởng gia tân kinh viện khác, Rahner tự nhận mình là người đi theo triết học tiên nghiệm (transzendentale Philosophie). Triết thuyết này khác với các học thuyết khác ở chỗ họ ưu tiên quan tâm tới con người, lấy con người làm khởi điểm để nhận ra sự liên hệ với vạn vật. I. Kant là triết gia khai phóng đường hướng này: ông không bắt đầu bằng việc luận đàm đối tượng triết học, nhưng bằng cách đi khám phá ra những điều kiện siêu nghiệm của tri thức con người. Kant phát hiện ra điều kiện ngoại tại và nội tại của nhân tri là thời gian, không gian và 12 phạm trù. Ông chứng minh rằng đó là điều kiện tất yếu và phổ quát để con người tri nghiệm đối tượng. Nhưng chính vì quá dựa trên những điều kiện cố định này mà ông đã sa vào bẫy nguy hiểm của bất khả tri luận và chủ nghĩa nhị nguyên (giữa hiện tượng và vật tự thân, giữa lý thuyết và thực hành). Rahner học hỏi triết thuyết của Maréchal lấy quan điểm động tính của triết gia J.G. Fichte để giải quyết những quan niệm thuyết kinh viện để phát giác ra những điều kiện để xây dựng nền siêu hình học của ông. Ông quan niệm rằng, những điều kiện này càng đơn giản, càng thực tiễn bao nhiêu thì càng được đánh giá trị cao bấy nhiêu. Và ông nhận định điều kiện đó gắn liền với con người hiện hữu: đó là thực tại thường ngày của con người “đặt câu hỏi” (Fragen). Lấy việc “đặt câu hỏi” làm phát điểm để khám phá bản thể học, thực ra trước đó Heidegger đã bắt đầu và người kế vị Rahner sau này E. Coreth mới phát huy tới mức tinh vi. Dù sao đi nữa, ba triết gia đều xác định giá trị của phương pháp và điều kiện ưu thế của hành động đặt câu hỏi.

Con người bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào và đề tài nào đều có thể đặt vấn đề. Ðó là đặc tính chung của con người nhưng đồng thời cũng là của cá thể riêng biệt. Như vậy, siêu hình học thực sự bắt nguồn từ kinh nghiệm cụ thể, từ bất cứ một kinh nghiệm nào, vì bất cứ một vấn nạn nào đều có thể trở thành đối tượng tìm hỏi, để khám phá ra chân trời rộng hơn, cao hơn. Ngoài ra, khi vấn xét trở thành vấn nạn, con người đứng xen giữa hai lãnh vực: một đàng đã biết (nếu không, họ không thể đặt vấn đề được), đằng khác, phần giải quyết vấn đề chưa biết hay còn mông lung chưa thành luận đề. Như vậy, hành động đặt câu hỏi là khởi điểm và đóng vai trò dò xét (Vorgriff) để khám phá ra những đầu mối kết cấu của tồn hữu. Trong học thuyết của Rahner còn một số quan niệm tương tự hỗ tương nhau như vậy, tỉ dụ: “hiện đề” (thematisch) và “ẩn đề” (Unthemtisch). Hai quan niệm này bộc lộ hai quan điểm chủ quan của con người: khi con người nhận định một cảnh giới, thường thì lực chú ý của họ tập trung vào một địa điểm nào đó và các đối tượng chung quanh trở thành mờ ảo hay phụ thuộc, hay nhiều khi chỉ hiện hữu trong hàm ý. Loại suy ra, chúng ta cũng có thể nhận ra sự liên quan giữa “hữu danh” và “vô danh”, như Rahner minh luận đề tài Kitô hữu vô danh sau này. Một đôi quan niệm tương tự nữa là “tiên nghiệm tính” (transzendental) và “phạm trù tính” (categorial). Hai quan niệm này diễn đạt giới hạn và đặc tính của tri thức con người: khi con người (chủ thể) chủ động nhận thức, thì hành động nhận thức đó thuộc về tiên nghiệm tính, nghĩa là con người tự chú ý tới một đối tượng nào đó. Nếu mượn quan niệm của E. Husserl để diễn đạt, thì đó là noesis, một năng lực chủ động nào đó của tri thức. Ngược lại khi tri thức con người đã diễn tả rõ ràng, đã trở thành một luận đề, thì nó đã trở thành nhận thức thuộc phạm trù tính. Giao điểm giữa hai quan niệm này là cố định hóa, giới hạn hóa. Nói cách khác, bất luận hiện-đề hay ẩn-đề, tiên-nghiệm hay phạm trù đều quy tụ vào mức độ nhận thức của con nguòi. Ðồng thời nó cũng ám chỉ một sự kiện: hành tri thì luôn luôn có hướng độ thâm sâu hơn là thành quả đã được phạm trù ấn định.

Cũng trong mạch tư tưởng này, chúng ta cần diễn giải tỉ mỉ hơn hai quan niệm tương tự có liên quan trực tiếp tới đề tài thảo luận của chúng ta, đó là: “thực tồn tính” (existential) và “hiện tại tính” (existentiell). Theo Rahner, thực tồn tính có thể miêu tả như sau: đó là một trạng thái tinh thần trường cửu và hằng tồn bị giới hạn như là một điều kiện tiên định và tất yếu để một kinh nghiệm hay một khả thể kinh nghiệm nào đó trở thành một đối tượng. Ðương nhiên ở đây cũng bao hàm khả năng con người tự do phát triển chính mình nương theo những điều kiện cố định hay khả định. Hiện tại tính là một hiện trạng hay phẩm tính đương tại của một hành động tự do của con người. Ẩn ý thâm sâu của sự liên quan giữa hai quan niệm này là: khi con người “hiện tại” đương đầu với mức độ như: hữu hạn, yếu đuối, khủng hoảng, bất an hay tội lỗi… thì lúc đó con người cũng được nhắc nhở là: ngay trong phạm vi tiêu cực này, con người vẫn còn có một chiều sâu chân nguyên thường hữu với con người, đó là ân sủng, siêu việt tính và tự do. Hoặc giả để lý hội rõ ràng hơn, chúng ta có thể mượn phần phân tích “phi chân nguyên” (Uneigentlichkeit) của triết thuyết Heidegger được diễn đạt trong tác phẩm “Tồn Hữu và Thời Gian” (Sein und Zeit) để thấy rõ Rahner đã bổ túc phần quan trọng mà Heidegger đã không quan tâm tới hay chỉ hiểu ngầm: Tồn hữu (Sein) mới là căn nguyên và điều kiện tiên quyết của Tại Hữu (Dasein). Sau khi nhắc qua những quan điểm trên được kết cấu và phát huy trong hai tác phẩm “Tinh Thần trong Thế Giới” và “Lắng Nghe Chân Ngôn” như thế nào.

“Tinh thần trong Thế Giới” và “Lắng nghe Chân Ngôn”

Có thể nói, để hiểu tư tưởng của Rahner, chúng ta cần thấu triệt học thuyết siêu nghiệm nhân chủng học của ông, vì đó là khởi điểm và nền tảng phát huy những đề tài khác, như Ân sủng luận, Kitô học, Giáo Hội học… Nhưng những tư tưởng của siêu nghiệm nhân chủng học chủ yếu được trình bày trong hai tác phẩm triết học tôn giáo nói trên. Tiếp tục tư tưởng của triết học Ðức Quốc Duy Tâm Rahner cho rằng khi tinh thần hạ nhập (setzen) vào thế giới hữu hình, thì tinh thần không những hạn hữu chính mình để có thể cụ thể hóa, nhưng đồng thời cũng đưa một năng lực siêu hình để con người có thể vượt qua những giới hạn vật chất để thăng hóa và viên mãn hóa thế giới. Như vậy, “thế giới” không còn là một phạm vi ngăn cản hay đối lập với tinh thần, nhưng đó chính là một thực tại môi giới để tinh thần được cụ thể hóa; và nhờ đó sự phối hợp giữa tinh thần và vật chất trở thành những bước tiến, những quá trình thăng hóa để hướng về một mục đích tối hậu.

Thực ra, đó là một cách thông diễn mới tư tưởng của thánh Tôna: Rahner đã mượn một đề tài trong cuốn “Thần Học Ðại Cương” (summa theologiae I a,q 84, a 7) để làm khởi điểm thảo luận. Ở đó thánh Tôma đã đặt vấn đề: Phải chăng lý trí con người có thể nhận thức đối tượng trực tiếp mà không nhờ vào đồ tượng (phantasma) của cảm quan? Câu trả lời phủ quyết của ngài, chúng ta ai cũng biết rõ rồi, nên không cần thảo luận dài dòng ở đây. Ðiều đáng chú ý là, Rahner đã mượn đề tài bàn luận về tri thức học của thánh Tôma để làm bàn đạp nhảy sang vấn đề nóng bỏng của thời nay, đó là vấn đề liên hệ giữa con người và thế giới, giữa tinh thần và vật chất. Sau khi nêu những lý chứng sắc bén và chắc chắn, ông đã đạt tới kết luận: như tinh thần con người cần nhập vào thế giới mới có thể cụ thể hóa, thì con người cũng cậy nhờ vào môi giới của thế giới mới có thể hồi quy về mình. Nói cách khác, con người chỉ qua đối tượng mới có thể đạt tỉ mỉ hơn trong chương hai của tác phẩm “Lắng nghe Chân Ngôn” và ông đã phát huy “đặt câu hỏi” là điều kiện thiết yếu để mở rộng mọi vấn đề, và đó là khởi điểm của thế giới hiện nay để tiếp xúc với thế giới siêu hình. Nói cách khác, hữu thể nhận ra mình trong quá trình nhập thế (cụ thể hóa) và siêu thoát để có thể tinh thần hóa, phối hợp giữa chủ động và bị động, tiếp thu linh cảm và phản tỉnh thành quả. Như vậy, đề tài mà Rahner thảo luận không phải chỉ đóng khuôn trong phạm vi tri thức, làm sao rút ngắn khoảng cách giữa tri giả và đối tượng, nhưng đã biến thành vấn đề mà con người thời nay quan tâm, như triết học Hiện Sinh của Heidegger đã khởi xướng: làm sao phát hiện nền móng để xây dựng mối liên hệ giữa tri giả và thế giới mà họ đang sống. Trong quá trình này, “ý hướng” (Bewusstsein-von, Intention) đóng một vai trò bất khả khiếm khuyết. Ðó là điều mà Rahner, thánh Tôma và các nhà hiện tượng học đều khẳng định. Thật vậy, chỉ trong trạng thái tri thức này con người mới nhận định sự bất khả phân giữa chủ thể và đối tượng, và qua đối tượng hóa mới chân nhận được mình là ai. Nói cách khác, trong lịch sử triết học chủ trương duy tâm như R. Descartes hay duy nghiệm như D. Hume, họ đã phân ly và cô lập chủ thể ý thức và đối tượng kinh nghiệm hoặc ngược lại. Như vậy, nhận diện đối tượng phải nhờ vào ý thức hóa và đồng thời phản tỉnh không phải là trực giác, nhưng là gián tiếp phản ảnh qua đối tượng. Chính vì thế, hiện-hữu-tại-thế là điều kiện tất yếu của tri thức con người và là môi giới cần thiết để chân lý có thể mạc khải cho con người. Trên quan điểm này, Rahner đã tìm cách dung hòa tư tưởng của thánh Tôma và của Heidegger thành một hợp đề mới. Ông đã cắt nghĩa hợp đề đó như sau: “Lẽ hiển nhiên đối với thánh Tôma là chỉ có một năng lực tri hiểu duy nhất (nur ein Wissen), đó là chính con người. Nói cách khác, đó là tri giả tại thế (ein wissendes Bei-der-Welt-sein). Chỉ có con người tại thế mới được kêu gọi để phát hiện tồn hữu toàn diện”.

Ðặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời là khởi điểm kinh nghiệm siêu việt của con người, đồng thời đó cũng là quá trình mà Hiện Hữu tuyệt đối dùng để vén màn để lộ chân lý ra. Chính vì tâm linh con người không có khả năng trực tri mình, nên con người phải nhờ phản tỉnh mới nhận ra chính mình; qua hành động phản tỉnh con người thẩm định và đánh giá trị cuộc sống mính và chính lúc đó con người nhận ra mình đang khao khát hướng về siêu việt. Tuy nhiên, mỗi bước hướng về siêu việt là một giai đoạn lý niệm hóa, cụ thể hóa, hay nói cách khác, là một nỗ lực “hạn định mức vô giới hạn”, một bước tiến thêm vào thế giới siêu hình. trong nỗ lực này, con người mỗi bước tiến là một nỗ lực “hạn định mức vô giới hạn”, một bước tiến thêm vào thế giới siêu hình. Trong nỗ lực này, con người mỗi bước tiến là một lần tái chân nhận mức giới hạn của mình, và nhận ra tuyệt đối luôn ẩn tàng “ở ngoài”, là Siêu Việt Giả. Nhiều lúc con người đối diện không phải là “ánh sáng” chân lý soi chiếu nhưng là “bóng tối” hư vô bao trùm. Chính vì vậy, đứng trên quan điểm triết học thuần túy nhiều tư tưởng gia, kể cả Heidegger, đã coi ánh sáng siêu việt và vực thẳm hư vô là giới hạn của nhân sinh. Nếu quan điểm này trở thành nhân sinh quan thì sẽ mang lại những hậu quả khác nhau. Chính vì thế, tùy theo con người hiểu mình và Siêu Việt như thế nào, họ sẽ tuyển chọn và quyết định cho đời sống mình. Do đó, ý thức là chìa khóa để con người lý giải ý nghĩa của tự do. ý thức con người luôn đi tìm chân lý, kể cả khi họ đang lầm lạc. Ngày nào con người còn sống, thì họ còn tự do, kể cả khi họ từ chối lựa chọn, hay bị hoàn cảnh ngoại tại bó buộc. Tự do con người có thể bị giảm thiểu chứ không thể bị triệt tiêu được, khi họ còn ý thức. Nói tóm lại, tinh thần hiện hữu tại thế là một thực thể lắng nghe chân ngôn, là một hợp thể bất khả phân giữa chủ thể và đối tượng, giữa tri thức và ý thức, giữa giới hạn và siêu việt.

Tuy nhiên làm sao con người cụ thể thể nghiệm hướng đi siêu việt trong cuộc sống tự do bị hạn chế đây? Như chúng ta vừa thảo luận, con người chỉ có thể ý thức khi đối tượng hóa tinh thần để đối tượng được thăng hóa. Nhưng chính vì thế tự do con người một đằng bị luật tự nhiên hạn định, một đằng khác là tinh thần chủ động tuyển chọn. Ðó là một biện chứng không ngừng giữa bắt buộc và tự do, giữa đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Quá trình này là cuộc sống luân lý của mỗi con người.

--- Còn tiếp ---

zalo
zalo