Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 13

Luật Tự Nhiên Và Mệnh Lệnh Của Các Nguyên Tắc Vượt Thời gian

Luật Tự Nhiên Và Mệnh Lệnh Của Các Nguyên Tắc Vượt Thời gian

Solène Tadié (*)

 

Nhà triết học người Pháp Pierre Manent (Semaines sociales de France / CC BY 2.0 / Wikimedia Commons)

Nhà triết học người Pháp Pierre Manent thảo luận về tác hại của hệ tư tưởng hiện đại về quyền con người và kêu gọi quay trở về với luật tự nhiên để khôi phục sự gắn kết xã hội trong xã hội phương Tây.

Các hệ thống dân chủ phương Tây đang ngày càng bị tai họa bởi một cuộc chiến tranh giành quyền cá nhân dẫn đến sự chuyên chế của các nhóm thiểu số đối với các nhóm đa số. Hai thế kỷ sau khi Alexis de Tocqueville dự đoán – trong tác phẩm Nền dân chủ tại Mỹ - rằng nền dân chủ có thể dẫn đến sự chuyên chế của các nhóm đa số thông qua hệ thống tư pháp, các quốc gia phương Tây hiện đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới, vì luật pháp ngày càng được thiết kế để đáp ứng các yêu sách cá nhân thay vì đảm bảo sự ổn định của các thể chế và sự gắn kết xã hội. Một hệ thống được thành lập một cách độc quyền như vậy dựa trên học thuyết về quyền con người thì sẽ có lợi cho sự thống trị của cảm xúc hơn là có lợi cho lý trí và công lý.

Chính mối quan tâm này đã khiến triết gia đồng thời là học giả người Pháp Pierre Manent khôi phục lại để mà ủng hộ cái ý niệm cổ xưa về luật tự nhiên, dựa trên một nguồn các nguyên tắc đạo đức bắt nguồn từ bản chất con người. Trong cuốn sách gần đây Luật tự nhiên và Quyền con người: hướng đến phục hồi lý do thực tiễn (Nhà xuất bản Đại học Notre Dame), Manent cho thấy nền văn minh hiện đại đã loại bỏ luật tự nhiên để dần dần biến ý muốn của con người thành nguồn luật căn bản trong xã hội, phủ nhận chính cái ý tưởng rằng các quốc gia có thể được cai quản bằng các nguyên tắc phổ quát, mà các nguyên tắc phổ quát này cần được thừa nhận và bảo tồn hơn là cứ bị sáng chế lại một cách liên tục .

Manent dạy triết học chính trị tại Trường đại học nghiên cứu khoa học xã hội[1] ở Paris trong nhiều năm và cũng là giáo viên thỉnh giảng tại Phân khoa Khoa học Chính trị của Đại học Boston. Ông là tác giả của một số cuốn sách về lịch sử tư tưởng chính trị và mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo, bao gồm cuốn Các Dạng Biến Đổi Của Thành phố: Bàn Về Sự Năng động Của Phương Tây và cuốn Một Thế giới Bên Kia Chính Trị?: Một Sự Phòng vệ của Nhà nước-Quốc gia.

Trong cuộc phỏng vấn này với Register, trong khi cảnh báo chống lại sự thái quá của học thuyết nhân quyền, Manent thảo luận về tầm quan trọng của luật tự nhiên nhằm tổ chức thế giới con người và đời sống của thành phố một cách bền vững.

Nguồn gốc của luật tự nhiên là gì, và nó đã bị bỏ qua như thế nào, nếu không phải là bị từ chối hoàn toàn, bởi triết học hiện đại?

Con người – không nhiều thì ít - luôn luôn hiểu rằng cách họ sống phụ thuộc vào quyết định và hành động của họ. Vì vậy, họ là bậc thầy về cách sống của họ, đến một mức nào đó. Nhưng đồng thời, họ cũng sợ hãi một thứ năng lực và sự tự do như vậy. Do đó, họ muốn rằng các quy tắc mà nhờ đó họ tổ chức cuộc sống chung phải hoàn toàn bắt rễ trong Thiên Chúa, trong tự nhiên, trong các kiểu mẫu của tổ tiên họ chứ không phải trong chính họ. Ở đây bản chất con người có tính chất nước đôi. Ở chừng mực này, chúng ta cần ghi nhận một số niên đại quan trọng trong lịch sử.

Trước hết, cuộc cách mạng Hy Lạp: Ở các thành phố Hy Lạp cổ đại, lần đầu tiên trong lịch sử, con người coi mình là chủ nhân của cuộc đời mình, và người dân thành thị tổ chức cuộc sống thành phố theo cách họ quyết định. Nhưng một khả năng như vậy không hoàn toàn hiệu quả, bởi vì có những ràng buộc đè nặng lên cuộc sống của con người. Có những điều luật không được viết ra và những giới hạn tự nhiên cũng như sự khác biệt tự nhiên giữa những người làm chủ và những người phục vụ những người làm chủ này. Cũng có sự khác biệt về chức năng theo tự nhiên - do đó, nam và nữ không làm những việc giống nhau, xét về mặt sinh học. Nhưng với thành phố Hy Lạp, đó là một bước tiến đáng kể đầu tiên hướng đến quyền tự chủ cá nhân.

Cuộc cách mạng vĩ đại khác là Kitô giáo. Thật vậy, cuộc cách mạng đó làm tăng vai trò của thẩm quyền phi phàm, nghĩa là Thiên Chúa, vì Thiên Chúa Kitô giáo, cũng như Thiên Chúa Do Thái, có một cường độ hiện hữu vượt trội hơn hẳn so với cường độ hiện hữu của các vị thần ngoại giáo. Đồng thời, vì là một vị thần sáng tạo, Thiên Chúa đã tạo ra con người để họ được tự do. Giống như sự vĩ đại của Thiên Chúa được đề cao trong Kitô giáo, tự do của con người cũng vậy.

Do đó, sự phát triển có tính Kitô giáo của châu Âu - và sau đó là của Hoa Kỳ - tạo nên một sự căng kéo giữa luật nhân loại và luật phi nhân loại. Sự đối đầu này đặt người dân châu Âu vào một khó khăn chưa từng có, vì họ phải sống theo hai luật khác nhau (luật Thiên Chúa và luật con người), mà họ phải tổ chức cuộc sống của họ trên các luật đó. Tình trạng hai mặt này tạo ra một sự phân chia quyền lực giữa các giáo hoàng và các hoàng đế, giữa các thể chế tôn giáo và thể chế chính trị, và giữa những  lời tuyên xưng niềm tin tôn giáo khác nhau.

Chính trong bối cảnh Kitô giáo này, vào thế kỷ 16, con người đã phát triển một ý tưởng hoàn toàn mới: trở thành những ông chủ có toàn quyền trên cuộc sống chung, là những kiến ​​trúc sư có quyền làm chủ trên cuộc sống chung và các quy tắc của cuộc sống chung đó.

 Đâu là hậu quả của ý thức mới mẻ này về quyền làm chủ đối với nền văn minh phương Tây?

Người châu Âu bắt đầu nghĩ rằng chỉ một mình con người mới là nền tảng của cuộc sống chung. Họ đã trục xuất cả Thiên Chúa lẫn thiên nhiên ra khỏi cuộc sống của thành phố để biến nhóm người thành thị này thành nền tảng duy nhất của các quy tắc  pháp lý. Nguyên tắc này còn được phát triển hơn nữa trong thế kỷ 17.

Như thế, tầm nhận thức của người dân châu Âu trở thành một loại thứ bậc của con người, hoàn toàn dựa trên ý chí của con người, không dựa trên bất cứ một nền tảng nào có thể vững chắc hơn nữa. Đó là lúc chúng ta từ bỏ bất cứ luật lệ nào của Thiên Chúa, cũng như bất cứ luật tự nhiên nào, nhưng đó là cả một quá trình phát triển theo dòng thời gian, cho đến tận thời đại của chúng ta. Việc xác định một cách hợp lý thế nào là hữu thể người không phải là việc dễ dàng. Con người không còn ý thức về luật tự nhiên, mà chỉ có ý thức về bản thân như một hữu thể với các quyền áp đặt sẵn lên chính mình.

Ngày nay, người phương Tây khước từ một cách kịch liệt bất cứ ý tưởng nào về các chuẩn mực đặt nền tảng trên tự nhiên. Các chuẩn mực phải hoàn toàn là sản phẩm của ý chí con người. Tất cả các khác biệt tự nhiên được coi là không liên quan. Cuộc tấn công cuối cùng chống lại luật tự nhiên đã xảy ra qua một khía cạnh mà chúng ta dường như không thể gạt sang một bên, vì nó được kết nối với một thực tế tự nhiên, đó là, sự khác biệt giữa hai giới.

 Các luật về hôn nhân đồng giới dường như là một trường hợp mẫu mực để ông phân tích sự thái quá trong hệ tư tưởng quyền con người.

Đúng như vậy, bởi vì nó là ví dụ rõ ràng nhất. Theo truyền thống, trong tất cả các nền văn minh, gia đình là thiết chế chịu trách nhiệm đảm bảo sự hợp tác giữa hai giới và giữa các thế hệ. Ngày nay, các cá nhân có một nhu cầu, nhân danh các quyền cá nhân, đòi hỏi phải có “một thứ quyền cho một thứ gia đình”, và tất cả những quyền đi kèm với nó, khi mà ngay cả lối sống mà họ đang sống không có chuyện mang thai và sinh con, cũng không có chuyện kết hợp giữa hai giới. Cá nhân đưa ra yêu cầu như vậy cho rằng anh ta có một thứ quyền thực thi được và không giới hạn đối với thiết chế đó và rằng thiết chế đó không có quyền phản đối chống lại anh ta, mặc dù anh ta không có bất kỳ năng lực nào góp phần vào thiết chế và cũng không tôn trọng các quy tắc của thiết chế này .

Cũng tương tự như vậy, ví dụ, giống như những người yêu cầu được đi học ở một trường đại học mà không có bất kỳ quy trình tuyển sinh nào trước đó để xác định rằng những người đó có khả năng học tập nghiên cứu tại thiết chế này. Họ từ chối chính cái ý tưởng rằng cần phải có những kỹ năng thì mới được nhận vào học.

 Tại sao ông nghĩ rằng sự phát triển như thế trong học thuyết về quyền con người nơi các xã hội phương Tây lại có tác động tiêu cực đến toàn bộ các quốc gia?

Những gì chúng ta thường hay quên khi chỉ tập trung vào quyền cá nhân là tìm kiếm đúng thứ gì mình mong đợi hoặc yêu cầu, có thể là về mặt chính trị, tôn giáo, kinh tế, v.v. Động lực của hành động của con người là tìm kiếm lợi ích theo mọi nghĩa của từ này. Mọi người tìm kiếm những hàng hóa bằng cách thành lập các hiệp hội phụ trách sản xuất và phân bổ hàng hóa.

Chẳng hạn, có những thiết chế được hình thành để thu nhận và phân phối kiến ​​thức - thông qua giáo dục và nghiên cứu. Một cách tương tự, thiết chế gia đình chăm sóc việc mang thai và sinh con, và nuôi dưỡng chúng trong khung cảnh gia đình. Ngoài ra còn có cơ quan chính trị, thể chế hóa đời sống chính trị và cho phép con người tự quản lý lấy mình.

Nhưng các tổ chức này cần hợp pháp để hoạt động, một thứ hợp pháp bắt nguồn từ lợi ích con người mà tổ chức tạo ra - chẳng hạn như giáo dục được cung cấp bởi một trường cao đẳng hoặc đại học, mạng sống con người được sinh ra trong gia đình, và luật lệ công bằng phát sinh bởi một cơ quan quản lý - và chính các tổ chức này phân bổ các lợi ích này cho cộng đồng đã hình thành nên các tổ chức này.

Tuy nhiên, nếu chỉ có quyền con người mà thôi, thì tất cả các tổ chức này - đại học, gia đình, chính phủ - đều bị bất hợp pháp hóa. Các cá nhân có những quyền thực thi được chống lại tổ chức, nhưng tổ chức đó lại không có quyền thực thi nào chống lại các cá nhân, là những người muốn có được những quyền đó mà không cần năng lực gì cả, như trong trường hợp luật về “hôn nhân’ đồng giới ở Pháp.

Có phải luật tự nhiên không xứng với Thiên Chúa giáo? Thực sự có thể thúc đẩy sự quay trở về với luật tự nhiên trong một xã hội phi Kitô giáo không?

Đúng là, trong lịch sử, Giáo hội Công giáo nói riêng đã phát triển và bảo tồn ý tưởng về luật tự nhiên, nhưng đó là một ý tưởng phổ quát tồn tại ngay cả trong các chế độ ngoại giáo. Trong thực tế, nếu chúng ta nại đến Thánh Tôma Aquinô hoặc các nhà thần học khác, thì chúng ta biết rằng luật tự nhiên đơn giản chỉ là hình dạng, là sự thể hiện cụ thể của khuynh hướng tự nhiên trong đời sống con người.

Theo quan điểm của tôi, ngày nay, thách thức cấp bách nhất vượt ra ngoài bất cứ chiều kích tôn giáo nào. Tất nhiên, các Kitô hữu đã có một cách tiếp cận sáng rõ về luật pháp. Cách tiếp cận ấy được soi sáng bởi đức tin của họ và bởi những hiểu biết về con người, vốn không thể tách rời khỏi quy luật tự nhiên. Nhưng các chế độ chính trị của chúng ta, dựa trên chủ nghĩa thế tục, vì có sự phân rẽ ý kiến ​​cao và vì vị thế của nhóm thiểu số Kitô giáo ở phương Tây ngày nay ngày càng tăng, cho nên nếu chúng ta bảo vệ luật tự nhiên, thì điều quan trọng là phải chứng minh rằng nó phù hợp với kinh nghiệm của con người, kinh nghiệm của Kitô giáo hay bằng một cách nào khác.

Do đó, các xã hội nên tìm ra một sự đồng thuận nào đó dựa trên kinh nghiệm của con người, kinh nghiệm ấy có thể được mô tả một cách công bằng không thiên vị, nhằm cho thấy rằng các quyền đó, dù quan trọng như thế nào, chúng luôn luôn cần đến các cứu cánh tự nhiên. Những cứu cánh như vậy chỉ có thể đạt được nơi các cộng đồng có các luật lệ, các luật lệ ấy có thể thi hành được nhằm chống lại quyền cá nhân.

Mục tiêu của tôi là cảnh báo cả một xã hội. Ý kiến ​​chủ đạo nào mà chỉ nhìn thấy quyền cá nhân mà thôi thì tự làm mù chính mình. Nó không thèm ghé mắt để nhìn ra những điều rõ rành rành như sự khác biệt tự nhiên giữa hai giới. Tôi muốn chỉ ra rằng một thế giới chỉ biết đến quyền lợi là một thế giới không thể nào hiểu được. Ngày nay, chúng ta không còn biết cách sử dụng những từ như “cha” hoặc “mẹ”. Chẳng hạn như, từ “mẹ” sẽ trở thành cái gì khi không có cha? Ngược lại, từ “cha mẹ” có nghĩa gì khi không còn bất cứ cơ sở sinh học tự nhiên nào để làm cha làm mẹ trước đó? Do đó, các nhà luật học sẽ gặp khó khăn dù họ chỉ làm có mỗi một việc là đặt tên cho các hậu quả của sự phân rã thế giới loài người này, bị gây ra bởi một tầm nhìn duy cá nhân đối với những quyền lợi. Phi luật pháp hóa các thể chế là kết quả của việc phi luật pháp hóa các khuynh hướng tự nhiên của con người.

Theo ông, sự xói mòn của luật tự nhiên đem lại lợi thế cho tầm nhìn duy cá nhân chủ nghĩa đối với quyền lợi là một phần không thể chối cãi đối với các nhà tư tưởng nổi bật của thế kỷ 16 và 17, trong đó Martin Luther, Niccolò Machiavelli và Thomas Hobbes là một số trong những người nổi bật hơn. Điều gì còn phải bàn với tư tưởng và di sản của họ?

Chúng rất quan trọng, vì chúng giúp chúng ta hiểu được chúng ta ngày nay đang nghĩ gì và nghĩ như thế nào, bởi vì họ đã phát minh ra những gì chúng ta nghĩ, một cách nào đó, hoặc ít nhất là họ đã làm cho nó rõ ra. Chẳng hạn, đối với Hobbes, việc đọc ông ta trở nên hữu ích hơn bao giờ hết, vì lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta hoàn toàn chìm đắm trong chế độ của Hobbes như được mô tả trong cuốn Leviathan: Chỉ có quyền cá nhân mà thôi; những gì công bằng và không công bằng là những gì nhà làm luật quyết định. Ý tưởng này đã gây sốc vào thời điểm đó, và nó vẫn còn như vậy cho đến thời gian gần đây.

Về Luther, vấn đề phức tạp hơn, ngay cả khi sâu xa bên trong nó cũng là câu hỏi đó,  câu hỏi về tính chính danh của các tổ chức, một thứ tính chính danh đang bị đe dọa. Vấn đề mà Luther gặp phải là vấn đề làm trung gian hòa giải của tổ chức giáo hội - Giáo hội, là trung gian hòa giải giữa các Kitô hữu và Thiên Chúa. Luther muốn đi tới Thiên Chúa mà không cần có bất cứ người trung gian nào như vậy. Nhưng nếu không có linh mục nào nói cho bạn biết điều gì là ngay thẳng và điều gì là không ngay thẳng, nhằm giải thoát chính bạn khỏi tội lỗi của bạn, thì lấy gì để trấn áp nỗi thống khổ khát mong được cứu độ của bạn. Luther là một tu sĩ trẻ tuổi dòng Au-gus-ti-nô bị những e dè và nỗi sợ địa ngục ám ảnh, cho đến khi ông ta có được một điều mà ông ta coi là một sự soi sáng: Người ta phải ném mình vào vòng tay của Chúa Kitô và trốn trong lớp áo của Ngài, nghĩ rằng, rốt cuộc, những tội lỗi này không phải là của mình, vì chính Chúa Kitô đã tự chịu trách nhiệm về những tội lỗi ấy .

Nếu chúng ta so sánh quan điểm này với quan điểm của đức tin Công giáo, chúng ta hiểu ra rằng tất cả những suy nghĩ của Luther đều trào ra từ sự từ bỏ tổ chức giáo hội. Tin vào một tín điều Công giáo là gắn bó với Giáo hội, coi Giáo hội như là phương tiện cứu rỗi. Luther đẩy Giáo hội ra khỏi đường đi để ông có thể đứng một mình trước mặt Thiên Chúa. Như ông quan niệm, sự cứu rỗi của ông không thể phụ thuộc vào hành vi của ông vì ông là một tội nhân và không có tổ chức nào có thể giảm bớt gánh nặng tội lỗi của ông. Do đó, ông phải buộc Chúa Giêsu Kitô gánh chịu lấy tội lỗi của ông. Có những đoạn đáng kinh ngạc trong các văn bản của ông, nơi đó ông viết rằng là Kitô hữu có nghĩa là được đảm bảo về sự cứu rỗi của chính mình. Và nếu bạn nghi ngờ về sự cứu rỗi của mình, bạn nghi ngờ chính Chúa. Vấn nạn về tổ chức cơ bản là ở đây. Người ta không thể đạt được mục đích hoặc mục tiêu của một tổ chức mà không sử dụng tổ chức đó. Bằng cách muốn dâng mọi thứ cho Thiên Chúa mà không dâng gì cho Giáo hội, Luther rốt cuộc đã tự dâng cho mình mọi thứ. Từ quan điểm này, quan điểm mà Luther đã chấp nhận, thật là một bước nhảy dễ dàng để cho những người đến sau Luther bỏ qua một bên những hành động, những công trình và toàn bộ đời sống Kitô hữu. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi còn lại, nếu còn, rất ít những quy tắc trong đức tin kiểu Luther mà những người theo Luther có thể áp dụng chung cho mọi người.

Nhiều phong trào dân túy gần đây ở phương Tây đã bày tỏ sự bác bỏ nhất định về cách suy nghĩ duy nhân quyền. Ông có nghĩ rằng sự bác bỏ này đang thể hiện một mong muốn phổ biến là đưa tự nhiên trở lại tâm điểm của các luật lệ chi phối cuộc sống chung?

Bản thân chủ nghĩa dân túy không phải là một sự thay thế cho ý kiến ​​chủ đạo như vậy bởi vì hầu hết các phong trào dân túy không dựa trên những suy tư triết học rõ ràng. Trái lại, ý kiến ​​chủ đạo đó lại là một suy nghĩ có cấu trúc chặt chẽ - điều mà tôi cho là vẫn còn thiếu sót nhưng lại mạch lạc và rõ ràng.

Chủ nghĩa dân túy cho thấy cần có một lượng người phương Tây ngày càng tăng nhằm bảo vệ hình thức của cuộc sống - phong tục, văn hóa, lịch sử - mà họ được thừa hưởng từ các thế hệ trước. Nó cũng thể hiện một sự nổi loạn của một bộ phận đa số ở phương Tây, một phần lớn người dân trong xã hội dần dần cảm thấy bị phi pháp luật hóa, bị lung lay, bị sỉ nhục bởi một thứ ý kiến chủ đạo tuyên bố rằng lối sống của họ là một kiểu suy nghĩ hẹp hòi bởi vì họ từ chối quyền lợi của những nhóm thiểu số. Do đó, chủ nghĩa dân túy tuyên bố mình có quyền bảo vệ lối sống mà một dân tộc hoặc một quốc gia thừa hưởng. Chủ nghĩa dân túy cần nói cho rõ những tuyên bố của mình theo nghĩa này, đây là điều rất quan trọng.

Alexis de Tocqueville thường nói rằng nền dân chủ bị đe dọa bởi một chế độ chuyên quyền của nhóm đa số, và ngày nay chúng ta thấy trong chế độ của chúng ta lại có một sự bạo ngược của các nhóm thiểu số, của các cá nhân, họ là nhóm người thiểu số có tính chất thiểu số nhất. Chúng ta không nhận ra rằng chúng ta đang trao quyền lực không giới hạn cho một thứ quyền mà nó không thể hình thành và nó cũng không có lý do gì để tồn tại, ngoài cảm xúc ra. Nhưng một cảm xúc thì chẳng là gì, chỉ là một xúc động cũng có thể rất không ổn định và hay thay đổi.

Thế giới của chúng ta, trong đó chúng ta đã từng trao đổi các cuộc tranh luận dựa trên lý trí, giờ đây bị chi phối bởi các yêu sách quan tâm đến danh dự nhưng không phải dựa trên lý trí mà dựa trên một số tình thân không thể nói ra. Các chế độ tự do của chúng ta đang nằm trong các xu hướng nguy hiểm; một trong những lý do cho sự trôi dạt trong chủ nghĩa tự do nguy hiểm này là các nhà triết học tự do đã quay lưng lại với tôn giáo. Thực sự sẽ là tốt khi tìm thấy các yếu tố chủ đạo khác hơn là các quyền lợi cá nhân trong xã hội của chúng ta bởi vì, nếu chúng ta tiếp tục theo cách này, chúng ta sẽ bị chi phối bởi cảm xúc và sở thích hơn là lý trí và công lý, và sẽ không thể có cuộc sống chung cho mọi người hoặc cho thế giới.

(*) Solène Tadié là phóng viên của Register ở khu vực châu Âu có trụ sở tại Roma.

Phêrô Phạm Văn Trung, dịch.

Nguồn: simonhoadalat.com


[1] Ecole des Hautes Etudes en Science Sociales.

 
zalo
zalo