Ngày tháng: 27/07/2024
Đang truy cập: 12

Một Vài Gợi Ý Về Việc Sống Đạo Trong Văn Hóa Việt - Phần 4/5 - Lm. Hoàng Sỹ Quý, SJ.

Một Vài Gợi Ý Về Việc Sống Đạo Trong Văn Hóa Việt - Phần 4/5

Lm. Hoàng Sỹ Quý, SJ.

c õ ª õ d

     ÂM DƯƠNG VỚI THỰC TẠI VÀ TRƯỚC ỐNG KÍNH KHOA HỌC

     Đúng như Blondel thấy, trong đầu ta, các ý tưởng và hình ảnh luôn sắp thành những cặp đối nghịch, như trắng với đen, động với tĩnh, sai với đúng, ác với thiện… Và do đó chúng phân định rõ và loại trừ nhau. Chứ trong thực tế, thì giữa trắng với đen có biết bao trung gian, khiến cái áo này tuy trắng so với cái khăn kia, nhưng lại là đen so với tấm vải khác. Và nếu thiện ác không thể đội trời chung, thì người thiện nhất cũng vẫn sống chung với một vài khuyết điểm, và người ác nhất cũng tiềm tàng một hai cái tốt, khiến chỉ cần “buông đao đồ tể là… thành Phật” ngay. Chính vì thế, người sống lý trí quá sẽ cứng nhắc với các nguyên tắc của mình, trong khi người sống thực tế thì ứng xử mềm dẻo. Người Á Đông thường là loại người sau, bởi Á Đông chính cống thì nhìn bằng trực giác, đánh giá bằng cảm nhận, chứ không mấy trừu tượng. Trực giác, đó là điểm mạnh của ta, nhưng nếu vì thế mà bớt lý tính, kém khách quan, thì đây lại là điểm yếu. Vậy việc phải làm là phát huy sở trường của mình, trong khi vẫn cố học cái tốt của người để bù vào chỗ yếu của ta.

     Nếu đi vào vũ trụ siêu vi mô và vĩ mô, thì với khoa học mới nó đang tìm về nguồn gốc cũng như nền tảng của vật chất và sự sống, ta sẽ thấy khá rõ sức ngự trị của âm dương.

     Trước hết, thế giới muôn mầu của trái đất chúng ta được kiến thiết trên nền tảng của những phân tử, mà phân tử thì hợp thành bởi nguyên tử, với nguyên tử ấy làm nên do sự bó kết của những électron dấu âm bị hút, với hạt nhân dấu dương hút chúng (sức hút ấy cần đủ để cân bằng với lực ly tâm do sự quay vòng của các electron sinh ra). Riêng hạt nhân thì hợp thành bởi proton dấu dương và neutron trung tính. Có điều dù dương hay trung tính, chúng cũng do quark kết hợp mà thành. Có tất cả 7 loại quark, quark thứ bảy vì mới được khám phá nên tôi chưa có nhiều thông tin về nó. Chứ với sáu quark kia, thì ba quark up, charm và top mang điện tích +2/3, trong khi ba quark down, strange và bottom thì lại mang điện tích –1/3. Chính vì thế, proton do 2 quark up (bốc) kết với 2 quark down (dịu) thành +4/3 sánh với –2/3 nên có dấu dương, còn neutron do 2 quark down kết với một quark up thành –2/3 sánh với +2/3 nên triệt tiêu thành trung tính. Vậy đứng về mặt vật chất với các hạt tử rất nhẹ như electron và rất nặng như quark làm nên hạt nhân, tất cả đều do âm dương thống trị… Riêng lực hay năng lượng thì từ bosons sinh ra. Tất cả có bốn lực: lực điện từ và lực hấp dẫn, lực hạt nhân yếu và lực hạt nhân mạnh. Nay nhiều nhà vật lý muốn quy lực hấp dẫn vào lực điện từ. Nghĩa là, ngoại lực điện từ, chỉ còn lực hạt nhân thôi, nên lực điện từ (đặt nền trên phân cực âm dương) chiếm ít là phân nửa của toàn bộ năng lượng. Lại nữa, mới đây người ta còn khám phá thấy trong chân không có những dao động điện từ[15]. Dù chân không cũng có năng lượng điện từ, há phải chăng điện từ là năng lượng nền của mọi năng lượng? Nếu đúng thế thì không phải có bốn lực cơ bản, mà cơ bản nhất chỉ có một thôi (như một số nhà khoa học nghĩ, họ muốn quy cả bốn lực vào một), và lực cơ bản duy nhứt này hoạt động bằng đối cực âm dương.

     Ngoài ra, ở nền tảng của tất cả, thì nơi mỗi hạt cơ bản nhẹ electron âm có tiềm ẩn một positron dấu dương, và nơi mỗi hạt cơ bản nặng hadron (như proton, neutron, hay cơ bản hơn là quark) luôn tiềm ẩn một antihadron dấu nghịch lại! Để rồi nếu hai bên cùng hiển thị cũng cùng tiêu biến đi luôn. Mà tiêu đây không phải là thành hư vô đâu, bởi vô trung vẫn tiềm hữu khi mà trước đó trong hữu là vật chất cũng tiềm vô nó là phản vật chất. Lại nữa như chúng ta đều biết, trong khối lượng m (làm nên hạt và vật chất) có năng lượng, và trong năng lượng có khối lượng theo công thức E=mc2. Để rồi trước giây phút Bigbang là cái gì đây, là hữu hay là vô, bởi chưa có hạt thì làm sao có chỗ dựa cho năng lượng tồn tại? Mà thế thì Hữu và Vô không phải những ý tưởng rõ ràng chúng loại trừ nhau như phương Tây nghĩ, mà là những siêu thực thể chúng tiềm bên dưới những thực tại muôn màu của thế giới này. phải hiểu như thế, ta mới dễ hiểu Phật, Ấn, Đạo giáo khi họ nói không theo lý cho bằng theo kinh nghiệm (thiêng liêng hay huyền ẩn) về cái thực tại mong manh là Sắc-tướng (nâma-rupa hay danh và hình), và về cái gốc của chúng là Vô, Vô vi…

     Cũng như mầu đen thực ra chỉ là không mầu, do ánh sáng bị hút hết nên không phản chiếu, nên không có chi từ đó đến được mắt ta, thì Vô thực ra cũng không là gì, để có thể được biết là gì. Vâng, Vô chỉ là một khái niệm, chỉ có trong đầu của chúng ta thôi.

Cái nền tảng nửa hữu nửa vô như khoa vật lý lượng tử phát hiện có gì đúng như cái mà nhiều nhà âm dương luận gọi là Khí, cái Khí ấy khi chưa hiển thì mông lung như có như không, và để hiển lên thì bắt đầu nó phải thành khí âm khí dương dưới tác động của Lý. Mà ngay cả Lý cũng chẳng thành gì trước khi chưa nương vào Khí để có thể tồn tại và hoạt động. Vậy giữa khối lượng với năng lượng, giữa vật chất với phản vật chất, cũng như giữa Khí và Lý nó làm nên quy luật, luôn phải có sự tương tại mà bổ túc, bù trừ như thuyết âm dương nói lên. Và cũng như thuyết âm dương nói lên, giữa hai bên của những cặp đối nghịch ấy, ranh giới không hề rõ được. Và đây là ở nền tảng thứ nhất của vật chất, của thế giới vật chất này. Và đi với thế giới vật chất này là không gian và thời gian chúng cũng không thể thiếu nhau trong một vũ trụ bốn chiều Không gian – Thời gian của Eisntein, với không gian và thời gian đều không rõ nét, không xác định được như ý tưởng về chúng trong đầu óc của chúng ta. Mọi sự trong thế giới “sắc-tướng” của chúng ta đều diễn ra trong khung phạm trù của không gian và thời gian, nhưng ở bề chìm thuộc địa hạt của khoa vật lý lượng tử, thì cái mà ta gọi bằng tên không gian và thời gian ấy xem như không còn ý nghĩa nữ (bởi lẽ xem như không hiện hữu).[16]

     Từ Bigbang mà hình thành dần, vũ trụ này đã tiến từ khoáng chất sang sự sống, và từ thảo mộc đến con người. Từ thảo mộc qua động vật tới những động vật thượng đẳng, sự phân biệt và đối cực âm dương ngày càng rõ, càng sinh động và sâu xa hơn. Bắt đầu để truyền sinh, sinh vật chỉ cần tự cắt đôi, một vấn đề nhân bản (cloning)[17], hoặc tự mình chứa cả hai bộ phận đực cái như một số loài hoa, như cá sar, cá quyết. Thế rồi sự truyền sinh sẽ hóa thành sự hợp tác của hai cá thể riêng biệt, đực cái khác nhau. Ở mức sơ đẳng, có loài dễ đổi thay giới tính như sò lõm, sò dẹp; có loài giới tính chưa rõ khi còn non, khi mới chỉ là ấu trùng, để rồi tuỳ môi trường sống mà chuyển thành đực hay cái. Tiến triển hơn, sinh vật thượng đẳng thành cái hay đực ngay trong bụng mẹ, nghĩa là giới tích được cá thể hóa với chính cá thể đó[18]. Hơn thế, giới tính không chỉ dừng ở cơ thể, mà còn lan đến toàn con vật, cả trong lẫn ngoài, khiến cho phản ứng của con đực không thể lẫn với của con cái, mà ngay cả tâm lý hay cảm nhận của hai bên cũng vậy. Để rồi về lâu về dài, sự phân cực âm dương tâm lý nói trên sẽ khiến cho hai con đực cái cảm thấy thân quen và cần đến nhau, tới nỗi không thể rời nhau nữa: một thứ hôn nhân tự nhiên, như ở loài ngựa biển và cá bướm[19]. Sự đối cực âm dương nơi con người càng trở nên sâu xa hơn, khi ở đây tâm hệ (psukhê) đã thành tâm hồn, với sự phân cực được cá thể hóa hoàn hảo, khiến cảm nhận thành tình cảm và tình cảm sâu lên thành tình yêu, nền tảng thứ nhất của một hôn nhân đúng người. Nói “nền tảng thứ nhất” có nghĩa là còn nền tảng thứ hai nữa, và đây là quyết định sống chung, nó đòi hỏi trách nhiệm và tự do.

     Sự bù trừ âm dương không dừng ở tình yêu cá nhân, các hiền nhân và triết nhân Á châu còn đưa nó vô đạo thờ Trời, rồi đạo làm người cùng với việc tu thân luyện đức. Và đây là vấn đề dung hòa, bổ túc cho nhau giữa những đức âm và đức dương, chính yếu là giữa đức Nghiêm âm và đức Ái dương, hay giữa Nhân dương và Nghĩa âm. Còn trong cuộc sống xã hội thì bên cạnh luật pháp và hình phạt nghiêm minh, người quân tử còn phải lấy đức mà cảm hóa và lấy lòng nhân mà đối xử với dân chúng.

     Sự bù trừ âm dương tiến cả sang địa hạt tôn giáo nữa. Các Thể siêu việt hầu hết được trình bày như nam nhân, và đây là Yêhôvah, là Allah, là Visnu, Siva hay Buddha. Nam tính đã ngự trị, thì do bù trừ, tự nhiên các tín đồ sẽ tạo ra hay tìm đến với thần mẫu, như đức Maria Mẹ Thiên Chúa, như đức Bồ Tát Quán thế âm, Avalokitesvara, ngài đang là nam nhân bên Ấn, đã thành nữ bên Tàu, Việt Nam, để rồi được sùng bái hơn hết thảy. Và cũng thế, trường hợp của nữ thần Durgâ mà lễ hội tháng mười đã trở thành lễ hội lớn nhất của nước Tây trúc (Ấn Độ). Sự bù trừ âm dương còn đạt tới đỉnh cao nhất của sống đạo, nói trắng ra trong huyền nghiệm, như hoàng hậu Mirâ Bâi xưa bên Ấn, mỗi khi gần chông đều lẫn chồng với Thượng Chúa của mình, hoặc như Têrêsa Avila, Têrêsa Lisieux và nhiều nữ thánh khác, họ luôn nghiệm về Đức Giêsu như một tình lang, trong khi mà trước đó các ngôn sứ Israel cũng nói về Dân Chúa như người tình và hiền thê của Yaveh Thiên Chúa.

c õ ª õ d

     Chú thích

[15] Science et Vie, Juin 2003: Le vide est plein d’énergies tr.44-63.

[16] Science et Vie, Janv 2003, tr.34-50.

[17] Chẳng những cây cỏ và một số động vật đơn giản có thể tự nhân bản, mà một số động vật cao hơn, như vài ba loài giáp xác cũng có thể làm như thế.

[18] Nghĩa là nó thành một bất khả phân ly với cá thể, đến nỗi một người nam yêu một người nữ với nữ tính ở con người này, chứ không phải ở bất cứ người đàn bà nào khác.

[19] Xx. Kiến thức ngày nay số 434, tr.96-98.

---Còn tiếp---

zalo
zalo