Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 83

MƯỜI TÁM CHÂN DUNG ĐỨC KITÔ QUA DÒNG LỊCH SỬ (2)

II. CHÂN DUNG ĐỨC KITÔ THỜI TRUNG CỔ

7. Hình ảnh Thiên Chúa (Thế kỷ VIII-IX)

Chúng ta đọc thấy tước hiệu Đức Kitô là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” trong thư gửi Colossians (1, 15), nhưng có lẽ Phaolô chưa mường tượng được những hệ luận của nó. Đạo Do Thái đã cấm trưng bày hình tượng của Thiên Chúa, có lẽ vì e rằng sẽ hạ giá Đấng Siêu việt xuống hàng gỗ đá. Thế nhưng, với Đức Kitô, con người đã có thể nhìn ngắm dung nhan của Thiên Chúa nơi khuôn mặt của một con người. Thực ra, trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo cũng có những phong trào cấm trưng bày hình tượng Chúa, kể cả hình ảnh của Đức Kitô: lý do vì Đức Kitô đồng bản thể với Thiên Chúa, và không có ngòi bút nào diễn tả nổi được Thiên Chúa vô hình. Tuy nhiên, thay vì nhấn mạnh tới tính cách vô hình của Thiên Chúa, tại sao lại không nói tới việc Thiên Chúa tỏ lộ nơi Đức Kitô?

Câu trả lời cho vấn nạn đã cho phép phát triển nghệ thuật Kitô giáo. Các nghệ sĩ Kitô giáo không tìm cách chụp lại chân dung của Đức Kitô khi còn sống tại thế ở Palestina, nhưng họ đã cố gắng họa lại khuôn mặt của Ngài qua những biểu tượng của hết mọi nền văn hóa. Ngài tượng trưng cho Lý càn khôn cũng như cho Thiện, Mỹ trong thế giới. Khuôn mặt của Ngài phản chiếu những ánh huy hoàng của thiên tính cũng như những nét cao quý của tâm hồn trong trắng đẹp đẽ.

8. Đức Kitô trên thập tự (Thế kỷ X-XI)

Việc Đức Kitô chịu chết trên Thập giá đã biến đổi ý nghĩa của hình khổ này: nó không còn là biểu hiệu của nhục hình nữa, nhưng trở thành căn cước của các Kitô hữu. Thánh Phaolô đã viết rằng: “Tôi không tìm thấy vinh quang ở đâu khác ngoài thập giá của Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14). Qua dấu hiệu thánh giá đeo trong người hay vạch trên mình, các tín hữu có thể nhìn nhận các người đồng đạo của mình. Thánh giá được tôn kính và kêu cầu như nguồn sức mạnh để chiến đấu với lực lượng ma quỷ, tội lỗi, bệnh tật. Trải qua các thế kỷ, hằng bao nhiêu bài giảng và thánh ca đã ca ngợi sức mạnh và vinh quang của Thập giá, mang lại ơn cứu rỗi cho nhân loại. Ngoài đề tài “sức mạnh và vinh quang”, thời Trung cổ khai triển thêm đề tài “sự điên rồ” của Thập giá, đã được thánh Phaolô nói tới ở Cor 1, 15: Thiên Chúa đã mạc khải sự khôn ngoan qua sự điên rồ của Thập giá.

Nhìn lên Thập giá, thánh Gregorius Le Grand (540-604) đối chiếu với sự đau khổ của ông Gióp, để rồi từ đó rút ra những bài học về sự khiêm nhường, hiền lành, nhịn nhục. Thập giá trở thành một trường linh đạo dạy nhân đức cho các Kitô hữu. Nhưng chưa hết; thánh Gregorius còn mời gọi các tín hữu hãy tiến xa hơn nữa để khám phá ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bề ngoài xem ra việc đóng đinh Đức Giêsu là kết quả của một kế hoạch mà quân dữ đã toan tính; nhưng họ có ngờ đâu rằng Thiên Chúa đã dùng đó để thực thi tình thương của Ngài, qua việc trao ban Con một Ngài cho chúng ta. Các nhà thần học thời Trung cổ Abelardo, Anselmo sẽ đào sâu hơn luận cứ ấy khi suy tư về ý nghĩa của việc cứu chuộc. Theo Anselmo, tội của chúng ta xúc phạm tới Chúa công chính vô cùng. Tuy Ngài thương yêu và sẵn lòng tha thứ cho ta, nhưng Ngài không thể nào phớt lờ sự rối loạn trật tự mà tội đã gây ra. Sự rối loạn chỉ có thể xóa bỏ qua việc đền bồi cân xứng do chính Con Chúa thực hiện.

Những tư tưởng thần học vừa nói đã để lại ảnh hưởng không nhỏ trên lối sống đạo của các Kitô hữu thời Trung cổ và các thế hệ kế tiếp. Thánh giá kêu gọi con người đền bồi phạt tạ vì tội lỗi của mình và tha nhân. Thánh giá kêu mời con người thực tập nhân đức khiêm nhường, kiên nhẫn, chấp nhận hy sinh vì tình yêu. Đó là chưa nói tới việc tôn kính Thập giá trong thánh đường, trong tư gia hay mang thập giá trong người. Tiếc rằng, đôi khi Thập giá chỉ nhìn thấy như biểu tượng của tình yêu hy sinh đau khổ; và ít nhắc tới biểu tượng của “quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

9. Đan sĩ chinh phục thế giới (Thế kỷ XI-XII)

Dĩ nhiên, Thập giá của Đức Kitô phải trở thành mẫu gương cho tất cả những ai muốn làm đồ đệ của Ngài. Tuy vậy, từ thế kỷ thứ VI, bên Tây phương một luồng Kitô học mới đã thành hình: Đức Kitô trở thành mẫu gương đặc biệt cho các đan sinh; hay nói đúng hơn: chính Đức Kitô là đan sĩ tiên khởi. Ngài đã khước từ những dụ dỗ của ma quỷ muốn cai quản thế giới và đã chọn lựa con đường khắc khổ của thập tự. Bức chân dung này được tô đậm trong bản luật Dòng Benedictus.

Thực ra, phong trào đan tu đã ra đời từ mấy thế kỷ trước đó bên Ai Cập, khi mà một số kitô hữu rút lên sa mạc để tiếp tục nhuệ khí của anh hùng tử đạo, thay vì chứng kiến cảnh nguội lạnh của một Giáo Hội được chính quyền ưu đãi. Thế nhưng, không bao lâu, người ta lại thấy các đan sĩ tham dự vào đời sống của Giáo Hội, đặc biệt là bên Đông phương nơi mà các Giám mục phải sống độc thân đang khi các linh mục được lập gia đình: Trong tình trạng đó, tìm đâu ra người độc thân để làm Giám mục nếu không phải là trong hàng ngũ các đan sĩ?

Còn bên Tây phương, sự tham dự của các đan sĩ vào đời sống của Giáo Hội và xã hội bắt nguồn từ những nguyên nhân khác. Khi Đức Giáo Hoàng Gregorius VII bắt tay vào việc cải tổ Giáo Hội, thì Ngài mang ra áp dụng những biện pháp cải cách đời đan tu đã đựơc áp dụng ở Cluny, và kêu gọi các đan sĩ tiếp tay với mình. Nửa thế kỷ sau, Đức Giáo Hoàng Eugenius III (thuộc Dòng Xystus) lên làm Giáo Hoàng và cũng theo đường lối ấy. Dù sao, thì từ lâu các đan sĩ đã được các Giáo Hoàng sai đi truyền giáo nơi các miền xa xăm ở miền Bắc cũng như Đông Âu.

Thoạt tiên, những hoạt động tông đồ của các đan sĩ xem ra trái ngược lại với ơn gọi xa cách đời. Nhưng nói cho cùng, ơn gọi của họ không phải là bỏ đời, song là phục vụ Chúa Kitô. Luật thánh Benedictus có viết: “Không có gì được phép đặt trước tình yêu của Đức Kitô” (Amori Christi nihil praeponatur). Chính tình yêu ấy đã giúp cho việc canh tân đời sống và canh tân Giáo Hội vào thế kỷ thứ XI cũng như thế kỷ kế tiếp.

10. Bạn tình của linh hồn

Vào thời Trung cổ, ngoài bức chân dung của Đức Kitô-Đan sĩ đã thu hút biết bao tín hữu từ bỏ mọi sự để theo Ngài và phụng sự Chúa qua việc chiêm ngắm Lời Chúa và cử hành phụng vụ, chúng ta còn thấy một bức chân dung khác trở thành đề tài cho thần bí Kitô giáo: Ngài là bạn tình của linh hồn. Thực ra, khó xác định được thần bí Kitô giáo đã xuất hiện từ lúc nào, và do ảnh hưởng từ đâu (có người cho rằng nó chịu ảnh hưởng của thuyết tân-Platon, qua một tác giả sống ở thế kỷ thứ V, mạo danh là Dionysius đệ tử của thánh Phaolô). Các tác phẩm thần bí cổ điển bàn tới đời sống thần bí như là sự kết hợp với Mầu nhiệm Thiên Chúa; từ thế kỷ thứ XII, thần bí đặt trung tâm của sự kết hợp là chính Đức Kitô. Ta có thể coi thánh Bernardus như tác giả điển hình của chiều hướng này, khi chú giải quyển Diễm Ca.

Sách Diễm Ca (còn được gọi là: Tình Ca, hay Ca Đệ Nhất) nguyên là một tác phẩm ca ngợi tình yêu trai gái. Nhưng người Do Thái đã sớm giải thích theo nghĩa bóng, áp dụng vào mối tình giữa Thiên Chúa với Israel, mối tình lắm lần đã bị cô nàng phản bội. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, một vài giáo phụ (như Origène) đã áp dụng cho mối tình giữa Đức Kitô với Hội Thánh. Nhưng Bernardus thì lại áp dụng cho cuộc tình duyên giữa Đức Kitô với linh hồn. Đức Kitô xuất hiện như người bạn tình của linh hồn. Ngài bộc lộ tình yêu qua cuộc đời của mình, vào lúc sinh ra tại Bethlehem lẫn những đau đớn nhọc nhằn, đắng cay vui sướng. Đức Kitô đã đến để hôn ẵm nhân loại, dẫn đưa nó vào phòng loan, cho con người được kết hiệp với Chúa.

Tuy nhiên đường lên tới tình yêu kết hiệp phải trải qua nhiều giai đoạn thanh luyện thử thách, ví như những nấc thang, chia thành ba giai đoạn (thanh luyện, soi sáng và kết hiệp). Tiên vàn, linh hồn cần phải được tẩy rửa cho sạch hết mọi tội lỗi và khỏi những dính bén với tính ích kỷ, khỏi những quyến luyến với vật chất xác thịt. Giai đoạn hai được gọi là soi sáng: linh hồn cần được Đức Kitô khai quang để ra khỏi những mù quáng của tâm trí. Sau cùng là giai đoạn kết hiệp, khi mà linh hồn có thể sống thực lời Phúc Âm: “Hãy ở lại trong Thầy và Thầy sẽ ở trong con” (Ga 15,4). Học thuyết về thần bí kết hiệp với Đức Kitô được quảng bá trong nhiều đan viện, đặc biệt là phái nữ, với những tác phẩm biến họ thành những thi hào văn sĩ nổi danh vào một thời mà phụ nữ chưa được cắp sách đến trường.

11. Khuôn mẫu cho cuộc sống (Thế kỷ XIII-XIV)

Để kết thúc thời Trung cổ, chúng ta hãy chiêm ngắm một bức chân dung khác của Đức Kitô do thánh Francis Assisi vẽ ra. Dĩ nhiên, ở đây chúng ta không hiểu là Francis là một họa sĩ, nhưng theo nghĩa là Francis đã phác họa ra những nét mới của Đức Kitô. Đức Kitô không phải là một nhân vật lồng trong bức khảm để tôn kính, hoặc một nhà hiền triết với hệ thống tư tưởng đáng cho chúng ta học hỏi nghiên cứu. Francis nhìn Đức Kitô với cặp mắt đơn giản hơn nhiều: Đức Kitô là một mẫu người mà chúng ta phải họa lại trong đời của mình: khuôn mẫu của một con người đơn sơ, khiêm tốn, nhưng đầy tình thương xót yêu mến tha nhân. Francis nhấn mạnh tới Đức Kitô như kẻ không có chỗ tựa đầu; việc đi theo Ngài mang theo sự chấp nhận khó nghèo thanh thoát. Francis đã chọn lựa sự khó nghèo không phải vì coi vật chất là cái gì xấu xa bỉ ổi; ta phải nói ngược lại: Francis rất yêu mến vạn vật, và gọi mặt trời mặt trăng cũng như thú vật là những anh chị em của mình. Francis chọn lựa sự khó nghèo chỉ vì Đức Kitô đã sống như vậy. Francis muốn sống lại hết tất cả những cảnh của cuộc đời Đức Kitô: từ cảnh hang đá, cho đến cảnh đóng đinh (và Francis được ơn mang 5 dấu tích như Chúa).

Chúng ta biết rằng, sau khi Francis qua đời, các con cái của Ngài chia ra nhiều phe phái trong việc giải thích đặc sủng của thánh tổ phụ, cách riêng về việc thực thi sự khó nghèo. Nhưng ảnh hưởng của Francis đối với lịch sử Kitô giáo không phải chỉ giới hạn vào việc tuân giữ khó nghèo ở trong Dòng tu nhận Ngài làm tổ phụ. Ảnh hưởng quan trọng hơn cả ở chỗ Francis coi Đức Kitô như một mẫu gương cần bắt chước và họa lại trong đời sống. Từ đó nảy ra luồng linh đạo đi theo Đức Kitô (sequela Christi) hoặc noi gương Đức Kitô (imitatio Christi). Linh đạo ấy không phải là cái gì nhiệm ý: tất cả Giáo Hội phải đi vào con đường ấy, làm sao cho Tin Mừng không phải là chữ chết nhưng là Đức Kitô sống động. Mọi cuộc canh tân Giáo Hội phải khởi sự từ niềm thâm tín đó, nghĩa là phải trở về với Phúc Âm sống.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Nguồn: simonhoadalat.com

zalo
zalo