Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 64

MƯỜI TÁM CHÂN DUNG ĐỨC KITÔ QUA DÒNG LỊCH SỬ (3)

III. CHÂN DUNG ĐỨC KITÔ THỜI PHỤC HƯNG

12. Con người mới (Thế kỷ XV-XVI)

Thế kỷ XV-XVI ở Âu châu được gọi là thời “Phục hưng” (Renaissance, rinascimento trong tiếng Italia). Lẽ ra phải dịch là “tái sinh” mới đúng nghĩa. Nguyên ngữ của nó lấy từ Phúc Âm thánh Gioan 3, 3 (nếu ngươi không sinh lại, - renatus -, thì ngươi sẽ không được thấy nước Chúa). Nói chung, đặc trưng của thời Phục Hưng là khôi phục lại văn chương Hy Lạp và Latin cổ truyền trước đây đã bị Kitô giáo gạt ra ngoài lề: thí dụ những thi phẩm của Homero, những trước tác nguyên bản của Plato, Cicero. Về mặt tư tưởng, thì người ta đề cao giá trị của lý trí và con người, đối lại với thần học thời Trung cổ chú trọng tới đức tin và Thiên Chúa.

 Thực ra, phong trào Phục hưng nảy sinh từ Kitô giáo và có ảnh hưởng không nhỏ tới Kitô giáo. Phong trào nghiên cứu các tác phẩm Hy Lạp cổ điển cũng giúp cho thần học trở về với các nguồn (ad fontes) Hy Lạp - Do Thái của Kinh Thánh và các Giáo phụ. Việc đề cao các giá trị nhân bản cũng đóng góp không ít cho thần học. Một lần nữa, Đức Kitô trở nên nguồn cảm hứng của các họa sĩ, văn sĩ cũng như các triết gia và thần học của thời Phục hưng, bởi vì Ngài là con người lý tưởng. Ta có thể lấy Erasmus như một tác giả điển hình. Trong tác phẩm Enchiridion militis Christiani (Thủ bản của một hiệp sĩ Kitô giáo) xuất bản năm 1503, Erasmus đã muốn trình bày một nền triết học của Đức Kitô (philosophia Christi) hay nếu nói kiểu Đông phương “Đức Kitô như một hiền nhân quân tử”. Ông chủ trương rằng Đức Kitô không phải là một từ ngữ rỗng tuếch: “Bạn hãy nhìn Đức Kitô như là hiện thân của bác ái, bình dị, nhẫn nhục, thanh tịnh. Bạn hãy đặt Đức Kitô làm mục tiêu của đời bạn. Đức Kitô là thầy dậy của sự khôn ngoan, chiếu dọi ánh sáng vào đêm tối u mê đần độn của thế gian. Đức Kitô dạy bạn biết cách sống cho nên người”.

Erasmus không ngại ngùng đối chiếu bản văn Phúc Âm với những nhà hiền triết cổ điển Hy Lạp như Socrate, để đưa tới kết luận rằng: việc theo Đức Kitô không làm hạ giá con người, nhưng sẽ giúp con người triển nở toàn diện hơn. Thực ra, Erasmus không xướng thêm điều chi mới lạ trong lịch sử Kitô giáo. Trước đây, các giáo phụ cũng đã nhận thấy những mầm mống của chân lý nơi các tác phẩm của các nhà hiền triết ngoại đạo. Thế nhưng, các vị cho rằng Kitô giáo đã có đầy đủ chân lý rồi, vì thế hơi đâu mà nghiên cứu các nhà hiền triết ấy! Còn Erasmus thì nghĩ ngược lại: xét vì các hiền triết có nhiều điều giống với Phúc Âm, cho nên chúng ta hãy học hỏi họ để làm sáng tỏ vẻ phong phú của Phúc Âm hơn. Erasmus đi trước vài tư tưởng gia của thế kỷ XX khi cho rằng Đức Kitô không thể bị gò bó trong các bức tường của Giáo Hội: ngài là mẫu của con người phổ thế, con người có khả năng gặp gỡ tất cả các tôn giáo và triết học của nhân loại.

13. Bức gương trong (Thời Cải Cách thế kỷ XVI-XVII)

Chủ trương của Erasmus đã bị Martinus Lutherus phản đối kịch liệt, bởi vì thuyết nhân bản đã làm tục hóa đức tin Kitô giáo. Nhưng Lutherus phần nào cũng là con đẻ của thuyết nhân bản, theo nghĩa là ông đề cao giá trị của quyết định lương tâm con người trước mặt Chúa, chứ không cần phải qua trung gian của quyền bính Giáo Hội. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng đối diện trực tiếp với Lời Chúa, để đáp lại bằng lòng tin mang lại ơn cứu độ. Khác với các tác giả trước đây thích nhìn ngắm những bức chân dung của Đức Kitô dựa theo Phúc Âm, Lutherus chiêm ngắm Đức Kitô dựa trên các thư của thánh Phaolô.

Đức Kitô của các nhà sáng lập phong trào Cải cách không phải là Đức Kitô nhà hiền triết theo quan niệm của Erasmus; nhưng là Đức Kitô bức gương trong phản ánh Thiên Chúa. Đối với Luterô, Đức Kitô chịu đóng đinh là tấm gương phản chiếu tấm lòng hiền phụ của Thiên Chúa. Lẽ ra, chúng ta, những con người tội lỗi, đáng bị Thiên Chúa Thẩm phán tỏ oai phong để luận phạt trừng trị. Thế nhưng, Đức Kitô đã chết thay cho chúng ta trên thập giá; nhờ Ngài chúng ta được trở nên công chính, và đáng được Chúa tỏ ra lòng thương xót của người cha nhân hậu. Trái với Erasmus muốn tìm hiểu sự phong phú của Tin Mừng qua sự khảo cứu các tác phẩm cổ điển ngoại giáo, Lutherus chủ trương rằng cần phải trở về học hỏi Kinh Thánh để khám phá ra bộ mặt thực của Thiên Chúa: Thiên Chúa của Đức Kitô khác hẳn với Thiên Chúa của các nhà triết học và các tôn giáo.

Dù vậy, một cách nào đó, giữa Erasmus và Lutherus cũng có vài điểm chung xét vì cả hai đều là con đẻ của thời Phục hưng và nhân bản. Lutherus chủ trương phải tìm về nguyên bản của Kinh Thánh bằng Do Thái và Hy Lạp; mặt khác, ông đã muốn dịch ra sinh ngữ để hết mọi tín hữu có thể tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa. Cũng trong chiều hướng ấy, Phụng vụ cũng cần phải được cử hành bằng sinh ngữ; và các nghệ sĩ của Phong trào Cải cách cố gắng hết sức để cho các tín hữu thấy Đức Kitô như một vị thuộc về thời đại của mình: Ngài là hiện thân của Thiên Chúa, phản ánh của Chân Lý.

Lutherus chú trọng tới sự gặp gỡ giữa con người với Lời Chúa bằng đức tin. Tuy nhiên theo ông, sự gặp gỡ ấy không có ảnh hưởng gì tới trật tự xã hội. Lời Chúa mời gọi chúng ta hướng tới chiều kích vĩnh cửu, chứ không liên hệ gì tới trần thế. Trái lại, Calvinus khẳng định rằng Nước Chúa không chỉ liên hệ tới lương tâm cá nhân, mà còn tới các thể chế xã hội nữa; vì thế, cả các nhà chính trị cũng cần phải áp dụng giáo huấn Tin Mừng vào các luật pháp dân sự. Nói cách khác, theo Calvinus, Đức Kitô không phải chỉ là phản ánh của Chân lý như Lutherus quan niệm, nhưng còn là tấm gương phản ánh sự Thiện hảo của Thiên Chúa nữa.

14. Thái tử Hòa bình

Dĩ nhiên, trong thời cận đại, những tư tưởng nổi bật của Kitô giáo không phải chỉ tìm thấy nơi phong trào nhân bản hay cải cách. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một vài nét nào trong bức chân dung của Đức Kitô đã đánh dấu một giai đoạn của lịch sử. Như chúng ta vừa thấy, tuy đồng thời với nhau, nhưng bức chân dung của Đức Kitô theo lối nhìn của Erasmus, Lutherus và Calvinus không hoàn toàn đồng nhất. Tệ hơn nữa, phong trào Cải cách đã gây những cuộc chiến tranh tôn giáo giữa những vua chúa và hoàng thân thuộc phe Công Giáo, Tin Lành và hàng chục giáo phái khác. Khi phải chứng kiến những cuộc chiến tranh huynh đệ ấy, các Kitô hữu đã hướng lên Đức Kitô để chiêm ngắm bức chân dung của “Thái tử Hòa bình”, một tước hiệu mà ngôn sứ Isaia (9, 6) đã ám chỉ cho Chúa Cứu Thế. Chiêm ngắm bức chân dung của vị Thái tử Hòa bình có nghĩa là khảo sát học thuyết của Đức Kitô về Chiến tranh và Hòa bình.

Lutherus chủ trương rằng, Tin Mừng của Đức Kitô không có ảnh hưởng gì tới trật tự xã hội cả. Chúa Giêsu dạy chúng ta biết yêu thương tha thứ, nhưng điều đó áp dụng cho các tư nhân, chứ không áp dụng cho các nhà cầm quyền. Dù sao, thì trong lãnh vực chiến tranh và hòa bình, các nhà thần học của nhóm Cải cách lẫn các nhà thần học công giáo chấp nhận luân lý về “chiến tranh chính đáng” (bellum iustum) đã thành hình từ thánh Thomas Aquinas.[8] Chiến tranh được coi là chính đáng khi hội đủ ba điều kiện:

- 1) Do nhà cầm quyền hợp pháp khởi xướng;

- 2) Có một lý do chính đáng;

- 3) Với chủ ý tốt là cổ võ điều thiện và hòa bình.

Nhưng đó là nói trên nguyên tắc; trên thực tế có thể coi các cuộc chiến tranh tôn giáo là chính đáng hay không? Các nhà thần học chia thành nhiều ý kiến trong việc áp dụng đạo lý cổ truyền vào những hoàn cảnh mới. Duy có nhóm “Anabapstiste” dám đi ngược dòng, tẩy chay tất cả các cuộc chiến tranh.[9] Riêng về vấn đề chiến tranh thì họ khẳng định rằng không có cuộc chiến nào đáng gọi là chính đáng hay thánh (thánh chiến)! Người môn đệ của Đức Kitô phải noi gương thầy mình, thà sẵn sàng chịu chết chứ không dùng gươm giáo để gây thiệt mạng cho đối thủ. Người môn đệ của Đức Kitô dám chấp nhận cái chết như cách thức để thông dự vào cái chết và phục sinh của Thầy mình, chứ không dùng khí giới giết người khác.

Vào thời chiến tranh tôn giáo ở thế kỷ XVI, ngoài nhóm Quakers ra, chẳng ai chấp nhận chủ trương của nhóm Anabapstist vì cho đó là rởm. Thậm chí họ bị các nhà thần học Cải cách và Công Giáo kết án là rối đạo vì họ không tin Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật là trớ trêu khi mà có lẽ những người rối đạo ấy lại gần gũi với Đức Kitô Thái tử hòa bình, hơn là những người chính-thống đằng đằng sát khí, một tay cầm thánh giá một tay cầm gươm súng. Phải chờ tới thế kỷ XX, các Giáo Hội mới xét lại học thuyết chiến tranh chính đáng, và những yêu sách của Kitô hữu trong việc kiến tạo hòa bình.

15. Nhà mô phạm luân lý

Thế kỷ XVII và XVIII ở Âu châu được gọi là thời đại “Khai sáng” (Illumination, Enlightenment), kỷ nguyên của lý trí và khoa học. Các triết gia và khoa học gia loại bỏ hết những gì vượt quá sự kiểm chứng của lý trí. Cách riêng, khi nghiên cứu chân dung của Đức Kitô, các nhà sử học lột hết tất cả những chi tiết nói tới phép lạ (bị coi là chuyện là hoang đường). Những mầu nhiệm đức tin như Thiên Chúa Ba Ngôi cũng cần phải gạch vì là chuyện phi lý và chẳng ăn thua chi tới đời sống cả. Cũng không thiếu người đặt lại toàn thể vấn đề lịch sử tính của Phúc Âm, thậm chí có người đặt câu hỏi: Đức Kitô là nhân vật lịch sử hay là huyền thoại?

Trong bối cảnh tư tưởng ấy, thử hỏi có còn gì vớt vát được nơi chân dung của Đức Kitô? Thưa rằng vẫn còn; đó là bức chân dung của nhà mô phạm luân lý. Theo Friedrich August Wolf, một triết gia người Đức (1759-1824) trong tác phẩm Prolegomena ad Homerum viết năm 1795, chuyện ông Socrate là một nhân vật có thực hay giả tưởng không quan hệ; giá trị của Socrate ở tác phẩm luân lý mà ông để lại. Điều nhận xét ấy cũng có thể áp dụng vào Đức Giêsu: giáo huấn về luân lý của Ngài đáng cho chúng ta để ý; còn vấn đề sử tính đâu có ăn thua gì!

Bên kia bờ Đại Tây dương, ông Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Hoa kỳ cũng vẽ lại bức chân dung của Đức Kitô bằng cách loại bỏ hết những phép lạ vào hồi giáng sinh, trong cuộc đời công khai và Phục sinh[10]. Kết quả từ bức chân dung đó là một nhà mô phạm luân lý cao thượng, một nền luân lý mà Tổng thống tin rằng tất cả các công dân của Liên bang Hoa Kỳ, dù thuộc hệ phái hay tôn giáo nào, cũng có thể chấp nhận được.

Phải thú nhận rằng đó là bức chân dung duy nhất về Đức Kitô mà không ít người Kitô hữu mang trong đầu: Đức Giêsu cũng giống như Đức Phật, Đức Khổng. Các ngài đều dạy con người ăn ngay ở lành, tránh làm điều ác; có thế thôi.

 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Nguồn: simonhoadalat.com


[8] St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, II-II, q. 40.

[9] “Anabaptiste” là tên đặt cho một khuynh hướng cực đoan của phong trào cải cách, chủ trương chỉ ban Bí tích Rửa Tội cho người nào đã chấp nhận đức tin; vì vậy phải loại bỏ tục lệ rửa tội cho các nhi đồng.

[10] The Philosophy of Jesus of Nazareth, 1804; The Life and Morals of Jesus of Nazareth extracted textually from the Gospels in Greek, Latin & English, 1820.

zalo
zalo