NĂM PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU THẦN HỌC HIỆN HÀNH – Phần 2/4
Francis Schussler Fiorenza
THẦN HỌC CHÚ GIẢI
Khoa chú giải là ngành nghiên cứu về các lý thuyết trong cách thức giải thích hoặc diễn giải. Hết mọi phương thức nghiên cứu tha6àn học đều mang tính cách chú giải, bởi lẽ phương thức nào cũng phải đi qua đường lối giải thích, vì dù có giải thích Kinh Thánh, các tín điều, truyền thống hay kinh nghiệm thì cũng đều là giải thích. Hơn nữa, một vài thần học gia còn tìm cách phối hợp phương thức phân tích tiên nghiệm với học thuyết chú giải vào trong đường lối nghiên cứu riêng của mình. Tuy nhiên, học thuyết chú giải mới nhất lại nhấn mạnh đến tính chất tiên nghiệm của ngôn ngữ đối với chủ thể con người, tới độ làm cho nổi bật hẳn những khác biệt giữa hai phương thức tiên nghiệm và chú giải trong nỗ lực nghiên cứu thần học. Trong lúc đó, việc học thuyết chú giải đề cao tính chất tiên nghiệm của ngôn ngữ và tầm kích phổ quát của khoa chú giải, đã mở rộng đường cho nhiều đợt tấn công chỉ trích do phía các thể loại thần học giải phóng và thần học chính trị, cũng như do học thuyết phê bình, đưa ra nhắm đánh thẳng vào chính học thuyết chú giải.
Kinh Nghiệm và Ngôn ngữ
Phương thức chú giải và phương thức tiên nghiệm cách biệt nhau nhiều nhất là ở chỗ hai bên giải thích khác nhau về mối quan hệ giữa kinh nghiệm và ngôn ngữ. Thần học tiên nghiệm thì dựa vào uy thế của kinh nghiệm tôn giáo tiềm tàng ở trong các biểu thức diễn đạt đức tin và giáo lý. Đường hướng tiên nghiệm coi ngôn ngữ như khí cụ biểu đạt: các công thức giáo lý là những mệnh đề xác định nói lên một kinh nghiệm căn bản về mặt tôn giáo. Hồi đầu thế kỷ hai mươi, các nhà thần học phái duy tân (modernist) chủ trương cho rằng kinh nghiệm tôn giáo thì căn bản hơn giáo lý gấp bội; như thế là vì họ chỉ coi các giáo thuyết đơn thuần như là những cách dùng ngôn ngữ mà biểu đạt kinh nghiệm tôn giáo. Do đó, họ quan niệm rằng có thể thay thế các biểu thức giáo lý bằng những công thức tương tự khác.
Còn phái học thuyết chú giải thì chỉ trích lối quan niệm như vừa thấy trên đây, đánh vào các điểm như sau: quan niệm về ngôn ngữ và giáo lý dựa theo chức năng biểu đạt như thế là không lưu ý cho đủ đến sự kiện ngôn ngữ chẳng phải chỉ diễn đạt không thôi, mà còn làm nên kinh nghiệm nữa. Thế nên, ngôn ngữ tôn giáo không phải chỉ đóng vai trò thuần túy diễn đạt mà thôi, nhưng còn giữ vai trò cấu thành kinh nghiệm tôn giáo nữa. Chẳng thế mà một số thần học gia phái học thuyết chú giải đã lý luận nói rằng không nên quan niệm tôn giáo thuần túy như là một vấn đề diễn đạt, nhưng đúng hơn, như là một hiện tượng văn hóa và ngữ học.[ Cũng có những thần học gia lý luận ngược lại: họ cho rằng theo cơ bản mà nói thì quan niệm về chức năng văn hóa và ngữ học của ngôn ngữ là một bước phát triển cao hơn, vừa gồm hàm mà cũng vừa vượt qua bên kia giới mức triết học tiên nghiệm. Quan niệm theo học thuyết chú giải về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và kinh nghiệm đã gây được ảnh hưởng rộng lớn đối với công cuộc suy tư thần học. Trong lãnh vực này, đáng đặc biệt nêu bật hơn cả là ảnh hưởng của các triết gia Hans-Georg Gadamer và Paul Ricoeur.
Tác phẩm cổ điển: Uy thế của truyền thống
Gadamer phát biểu như thế này về điểm chính trong chủ trương của ông: "không nên quan niệm việc nhận thức như là một hành động chủ quan riêng rẽ, cho bằng như là việc tham dự vào một biến cố trong truyền thống, như là một tiến trình truyền thống qua đó, quá khứ và hiện tại được thường xuyên nối kết lại với nhau." Dùng nhiều ý niệm chủ chốt khác nhau, Gadamer đã giải thích và coi việc nhận thức ấy như là một hành động thông dự vào trong kho tàng của truyền thống. Khái niệm tác phẩm cổ điển đóng giữ một vai trò chủ chốt trong kỹ thuật chú giải của Gadamer. Là những văn kiện xuất chúng, có sức hùng hồn minh họa về khả năng nhận thức của loài người, các tác phẩm cổ điển có một tầm trọng yếu đặc biệt. Hơn nữa, các tác phẩm cổ điển còn tàng chứa một "lịch sử đầy hiệu lực"( effective-history ) bởi vì chúng có khả năng dùng ảnh hưởng mà tác động lên trên môi trường sống của chúng ta, và xác định đặc nét trong lối nhận thức của chúng ta về chính chúng ta. Đối ngược lại với thành kiến mà trào lưu ánh sáng có đối với truyền thống. Gadamer đưa ra lập luận biện hộ cho "thái độ tiên thẩm" (pre-judgment) coi trọng các tác phẩm cổ điển. Tính cách trường tồn bất hủ của một tác phẩm cổ điển chạy dài theo dòng lịch sử, là bằng chứng hùng hồn cho thấy giá trị và tầm quan trọng của nó. Chính vì thế, đến với chúng ta là, một cách nào đó, nó đòi cho uy thế và yêu cầu của nó phải được vì nể.
Còn vấn đề giải thích các tác phẩm cổ điển thì được bàn rộng thêm với ý niệm "phối kết các nhãn quan nhận thức" (fusion of horizons). Việc nhận thức xảy ra không phải khi mình đã vượt ra khỏi nhãn quan riêng của mình và tự đặt mình vào trong tình cảnh của chính tác giả, nhưng, trái lại, nhận thức đúng đắn được, khi biết phối kết nhãn quan riêng của mình với lối nhìn của văn bản và của tác giả. Việc "phối kết các nhãn quan" như thế chỉ hoàn tất lúc văn bản cổ điển được diễn giải thế nào để nhìn nhận tầm ảnh hưởng của nó trên cuộc đời hiện tại của mình.
Học thuyết chú giải của Gadamer đã được Paul Ricoeur khai triển rộng ra và bổ sung thêm qua công trình nghiên cứu nhằm giải thích về vai trò của phép ẩn dụ và của cấu trúc trình thuật, cũng như qua việc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự liên kết giữa hai thể cách giảng giải và nhận thức. Bình luận về định nghĩa của Aristốt về phép ẩn dụ, tức coi đó là một hình thức nói lên tính cách tương tự, Ricoeur đưa ra ý kiến nói rằng ẩn dụ không phải chỉ đơn thuần giữ vai trò giải thích cho rõ hơn tính cách tương tự đã có sẵn giữa các hình ảnh và các ý tưởng mà thôi; nhưng trái lại, từ chúng, các ẩn dụ còn làm phát sinh ra một thể cách tương tự nữa. Những ý nghĩa trước đó dị đồng, nhưng bây giờ lại được đem nối kết lại với nhau. Và kết quả là "hiện tượng kích động ngữ phía (semantic shock) sẽ tạo ra một ý nghĩa mới. Vì thế, phép ẩn dụ có khả năng rèn đúc nên một ý nghĩa mới bằng cách nối kết lại với nhau những ý nghĩa đối ngược nhau. Đi từ cách dùng phép ẩn dụ trong các câu, Ricoeur đã nới rộng công trình phân tích của mình để ứng dụng những kết quả thu lượm được vào trong cấu trúc trình thuật của toàn bộ văn bản. Xây dựng tình tiết cho một tác phẩm trình thuật là nối kết vào trong một cốt truyện, những mẫu tính tình và nhân vật, những hoàn cảnh, những truyện và những biến cố khác nhau của câu chuyện lại với nhau, để từ đó làm nẩy sinh lên một ý nghĩa mới.
Với việc đưa phương cách "giải thích" ra ứng dụng nhằm bổ sung cho phương thức "nhận thức", Paul Ricoeur đã thực sự biến đổi kỹ thuật nghiên cứu theo phương pháp chú giải của Gadamer. Vai trò của tiền nhận thức (pre-understanding) và của mối liên hệ sống (life-relation) đối với chủ đề của một văn bản, đã bắt đầu có được chỗ đứng ở trong niềm quan tâm chú giải hướng trọn vào công tác "nhận thức". Thực ra, cũng đã có những phương pháp "giải thích", chẳng hạn như là kỹ thuật phân tích theo phương thức phê bình lịch sử, phê bình xã hội và phê bình văn chương, và cách riêng đối với Ricoeur, còn có kỹ thuật phân tích theo cơ cấu luận về các câu và các bản văn nữa. Muốn giải thích cho đầy đủ chủ đề của bản văn, thì cần phải lưu ý không những đến vốn liếng tiền nhận thức và mối liên hệ sống của chúng ta mà thôi, nhưng còn cả đến những công trình phân tích theo cơ cấu luận và phân tích học nữa.
Dựa theo các học thuyết chú giải của cả Gadamer lẫn Ricoeur, David Tracy đã cố khảo sát bản chất các tác phẩm cổ điển tôn giáo và kitô giáo. Ngoài ra, Tracy còn xác định cho rằng tính chất chủ yếu của thần học hệ thống là chú giải, và đề nghị nói rằng sứ mạng của thần học hệ thống kitô là tìm cách dùng con đường diễn giải mà phục hồi lại ý nghĩa và chân lý của các tác phẩm cổ điển kitô. Khi giải thích về quan niệm của mình liên quan đến tính chất chú giải của thần học hệ thống, Tracy chấp nhận quan điểm do Gadamer đề ra, coi việc nhận thức như là một hành động thông dự vào trong kho tàng của truyền thống. Tuy thế, ông cũng vẫn chấp nhận những đổi thay mà Ricoeur đưa vào trong học thuyết của Gadamer, và thâu dụng một số các phạm trù Ricoeur thường dùng đến. Thế nên, Tracy nhấn mạnh đến tầm trọng yếu của các thể cách diễn giải căn cứ vào công trình phân tích theo kỹ thuật phê bình lịch sử, phê bình văn chương và phê bình xã hội, coi đó như là những thể cách bổ túc cho các thể cách giải thích của việc nhận thức.
Bên kia giới mức Khoa Chú Giải
Đà tiến phát của tha6`n học chú giải đã trùng vào lúc có nhiều khủng hoảng xảy đến cho thần học. Tình trạng khủng hoảng này ảnh hưởng không những tới cách kiểu nhận thức về truyền thống và các tài liệu gốc của thần học, mà còn cả đến cách thức cảm nhận về kinh nghiệm giữa cuộc sống mỗi ngày nữa. Đợt khủng hoảng đầu tiên dính líu ttới ý nghĩa và tầm quan trọng của truyền thống. Tâm trọng yếu của kỹ thuật chú giải càng được đề cao, thì càng làm cho ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu lực của truyền thống tôn giáo càng trở thành xa vời, mờ mịt khó hiểu đối với hiện tại. Mà hễ ý nghĩa và uy tín của các tài liệu gốc mà thần học rút ra từ truyên thống, càng trở thành xa vời và mờ mịt, thì càng cần phải giải thích chúng để diễn giải cho được ý nghĩa và tầm trọng yếu mà chúng hàm chứa. Bao lâu khỏang cách lịch sử, văn hóa và xã hội giữa qúa khứ và hiện tại, cứ tiếp tục lớn dần lên, làm cho qúa khứ càng trở thành mờ mịt, không thích hợp, và cả nặng nề ngột ngạt nữa, thì bấy lâu việc giải thích các truyền thống qúa khứ càng trở nên cần thiết, bức thiết hơn.
Đợt khủng hoảng thứ hai liên quan đến kinh nghiệm các nhân. Hễ kinh nghiệm các nhân càng không còn được coi là trong sáng nữa, thì càng cần phải nhờ đến kỹ thuật chú giải để cắt nghĩa kinh nghiệm. Ngày nay, người ta thường dùng đến những lối diễn giải theo tâm lý, xã hội và chủ nghĩa hành vi để giải thích ý hướng và hành động của con người. Ý nghĩa của hành động con người không còn được đơn thuần đồng nhất hoá với lối đương sự giải thích hành động của mình. Kết quả là có một tình trạng xung đột xảy ra giữa các cách giải thích về hành động con người: có người thì căn cứ vào ý hướng có ý thức, vào những lý do rõ ràng và những lời tự giải thích, để giải thích; có người khác lại giải thích dựa theo những động cơ không suy nghĩ, những nhân tố xã hội và những lý do giấu kín. Khi mà ý nghĩa của kinh nghiệm và của hành động không còn được coi là rõ ràng và hiển nhiên nữa, thì việc giải thích kinh nghiệm và hành động tất phải trở thành một việc làm cần thiết.
Hai đợt khủng hoảng trên đây mở đường đưa tới một đợt thứ ba: đợt khủng hoảng của chính khoa chú giải; đợt khủng hoảng này xuất hiện khi công tác giải thích tỏ ra là không có đủ khả năng để một mình giải quyết cho xong những khó khăn của hai đợt khủng hoảng kia. Đợt khủng hoảng này xảy đến không phải chỉ lúc người ta đang tranh cãi về vấn đề ứng dụng ý nghiã và tầm quan trọng của truyền thống mà thôi, nhưng nói cho đúng hơn, là khi chính truyền thống cũng đã gặp phải những thách đố đánh thẳng vào tận gốc rễ, hoặc khi những xung đột ở ngay trong truyền thống đã không thể đi đến chỗ giảng hoà được. Ngoài ra, khi chính kinh nghiệm bị thách thức, thì đợt khủng hoảng thứ ba này đã xảy đến. Và khi ấy, không còn là vấn đề giải thích kinh nghiệm nữa, mà nghi ngờ tính cách thích hợp của chính kinh nghiệm. Theo Greffé, thì: "Khủng hoảng chú giải không phải chỉ là cuộc khủng hoảng về ngôn từ, nhưng còn là cuộc khủng hoảng cả về tư tưởng nữa." Vì thế, cần phải vượt qua bên kia giới mức của việc giải thích để đạt cho được đến công trình xây dựng lại cả truyền thống lẫn kinh nghiệm. Vấn đề đặt ra ở đây không phải đơn thuần là vấn đề ý nghiã của truyền thống hay kinh nghiệm, mà là vấn đề chân lý của chúng. Đúng như Đức Hồng Y Giuse Ratzinger nhận định, "Thần học kitô không chỉ chăm chăm chú chú giải thích các văn bản: sứ mạng chủ yếu của thần học kitô là tìm hiểu về chính chân lý ."
---Còn tiếp---