Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 172

Năm Phương Pháp Nghiên Cứu Thần Học Hiện Hành - Phần 3/4 - Francis Schussler Fiorenza

NĂM PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU THẦN HỌC HIỆN HÀNH – Phần 3/4

 Francis Schussler Fiorenza

NO PHOTO

THẦN HỌC PHÂN TÍCH

 Một số phương thức nghiên cứu khác lại mang tính chất phân tích, tức là có khả năng cung ứng cho nhà nghiên cứu thần học những kỹ thuật phân tích, hầu chu tất tốt sứ mạng của mình và làm cho các vấn đề thần học được thêm sáng tỏ.  Hai phương thức nghiên cứu đã đặc biệt gây được ảnh hưởng lớn đối với nền thần học công giáo hiện đại: đó là các phương pháp dồn nỗ lực để nhấn mạnh hoặc là (1) đến tầm quan trọng của một loại siêu học thuyết (metatheory), nhất là của khoa học luận ứng dụng cho mọi thứ phương pháp nói chung và cách riêng cho phương pháp thần học, hoặc là (2) đến vai trò quan yếu (thường được hiểu ngầm) của các kiểu mẫu (models) và mô biểu (paradigms) trong lãnh vực suy tư thần học.

Siêu học thuyết: Phương pháp trong Thần học

 Bernard Lonergan đã có công đóng góp đáng kể cho nền thần học công giáo hiện đại qua công trình chứng giải cho thấy rằng đối với thần học, việc giải quyết một số vấn đề căn bản do khoa học luận đặt ra, là một việc làm quan trọng: Bản chất của tri thức con người là gì? Đâu là những lề lối tiến hành căn bản trong cách nhận thức của con người? Lonergan cho rằng những câu hỏi như thế thì căn bản hơn nhiều so với những thắc mắc tranh cãi về những vấn đề chuyên biệt trong thần học, và hơn nữa chúng còn làm nên cơ sở vững chắc để giải quyết các vấn đề đặc biệt về phương diện phương pháp học; bởi vì, mặc dù thường được hiểu ngầm chứ không được khảo sát cho rõ ràng, thì những giả định khoa học luận cũng giữ vai trò định đoạt về những giải đáp chung cục cho các vấn đề tranh cãi trong thần học, và cho việc giải quyết các vấn đề phương pháp học.  Thế nên, cần phải khảo sát các giả định ấy cho kỹ, vì lẽ chúng đóng giữ một vai trò căn bản không những đối với thần học, mà còn đối với bất cứ bộ môn học hỏi và hình thức nghiên cứu nào.

Lonergan đã gia công khảo sát về các vấn đề cũng như các giả định căn bản nói trên đây rồi đề ra một "siêu học thuyết" có tính cách khoa học luận, về thể cách nhận thức của con người, và đã chứng giải về tính chất thích đáng của học thuyết ấy đối với phương pháp nghiên cứu thần học.  Là một siêu học thuyết, công trình phân tích của Lonergan về thể cách nhận thức của con người, đòi phải tiến đến một mức cao trong nỗ lực vận dụng óc suy luận trừu tượng. Tác giả đã phân tích các cấu trúc và thể cách tiến hành kia của hành động nhận thức, tức là những gì thường được giả thiết như là tất yếu, chứ không được chứng giải rõ ràng qua các cuộc thảo luận trong thực tế.  Qua công trình khảo luận những vấn đề trong siêu học thuyết khoa học luận có liên quan đến các vấn đề tranh luận trong thần học, Lonergan đã từ đó nối kết các vấn đề cụ thể của thần học lại với những vụ tranh cãi cổ điển, trường kỳ và có tính cách tổng quát hơn, ở trong triết học (chẳng hạn như các vụ luận chiến của thuyết duy tâm chống lại thuyết duy vật, của thuyết chủ quan chống lại thuyết khách quan).  Tác giả thường chiếu theo các giải đáp của triết học mà giải quyết các vấn đề thần học; và chứng minh cho thấy rằng lập trường triết học mà ông chủ trương nhằm biện hộ cho ưu thế của chủ thuyết duy thực phê bình (critical realism) chống lại cả thuyết duy tâm lẫn thuyết duy vật, đóng giữ một vai trò quan trọng không những đối với khoa học luận, mà còn đối với các vấn đề cụ thể trong thần học nữa.

 Lonergan phát triển quan niệm của mình về học thuyết duy thực phê bình để giải nghĩa giai đoạn chuyển biến đi từ cách hiểu cổ điển của Aristt về phương pháp khoa học, bước qua phương pháp kinh nghiệm hiện đại .[35] Tác giả xác định la kết quả của bất cứ phương pháp khoa học nào cũng đều mở rộng để sẵn sàng đón nhận những bước hiệu chính và duyệt xét kế tiếp.  Do đó, tác giả nhấn mạnh nói rằng tính chất khách quan đích thực thì khác hẳn với loại học thuyết duy thực ngây ngô,  coi tri thức chỉ giống như là một cái nhìn thoáng qua. Tri thức khách quan không phải đơn thuần là sự thu nhận thụ động; nó đòi phải có một bộ óc thực tế với khả năng phê bình, qua đó, chủ quan tính của cả người nhận thức nữa cũng chủ động xếp đặt thế giới ý nghĩa.  Họat động ấy của chủ quan tính con người cần phải có một chỗ đứng ở trong phương pháp nghiên cứu thần học. Lối trình bày thần học theo Lonergan đã thực hiện công tác này bằng hai cách sau đây : (1) giải thích về cấu trúc của hành động nhận thức nơi con người; và (2) phát triển mối quan hệ giữa thế giới và chủ quan tính và cấu trúc của tri thức.

Cấu trúc của tri thức và phương pháp thần học

Lonergan lý luận rằng tri thức con người bao hàm một cấu trúc bốn chiều kích: kinh nghiệm về các dữ kiện, nhận thức về các ý nghĩa các dữ kiện, lượng định giá trị của chúng, và cuối cùng là quyết định đánh giá. Vì đó là mô mẫu tri thức của mọi hành động nhận thức, thế nên, cấu trúc của nó liên quan tới mọi bộ môn nghiên cứu và mọi ngành khoa học, chứ không phải chỉ với triết học hoặc thần học mà thôi.  Để minh họa mối quan hệ và cấu trúc tri thức có đối với phương pháp thần học, Lonergan đã đề xuất ý kiến cho rằng, phương pháp và sứ mạng của thần học càng lúc càng đâm rễ sâu hơn vào trong cấu trúc cơ bản bất biến của ý thức con người, với đà di động đi từ kinh nhiệm cho đến nhận thức, rồi đến thẩm định, và cuối cùng là quyết định.

Cấu trúc ấy giúp cho việc phân loại các tác vụ khác nhau của thần học theo nhiều môn chuyên biệt khác nhau với chức năng riêng, có được một căn bản vững chắc.  Lonergan bắc nhịp cầu quan hệ nối kết cấu trúc bốn chiều kích của tri thức lại với các đối tượng ý hướng cụ thể và với các chuyên môn riêng biệt trong thần học, để từ đó, phân chia sứ mạng thần học thành hai giai đoạn.  Giai đoạn đầu tương ứng với cấu trúc bốn chiều kích của tri thức, và gồm hàm công cuộc nghiên cứu (thu thập dữ kiện), công trình giải thích (nhận thức về ý nghĩa của các dữ kiện),việc đọc lại tiến trình lịch sử (thẩm định giá trị của các điều khẳng định và các dữ kiện liên hệ), và nỗ lực biện chứng (làm cho sáng tỏ các vấn đề và quyết định hoặc chọn một lập trường).  Bốn thể cách trên đây mang tính chất tiên nghiệm, vì chúng làm nên cấu trúc cho toàn bộ tri thức con người.  Mọi người (tín hữu, người vô tin, khoa học gia, triết gia) đều phải theo cùng một lề lối tiến hành cơ bản ấy của tri thức.  Lonergan còn biện luận thêm rằng giả dụ có ai muốn phê bình chống lại mô mẫu tri thức phác họa trên đây, thì trong thực tế, người đó cũng buộc phải làm chứng về giá trị của chính mô mẫu ấy, bởi vì cá nhân đó tất phải thu thập dữ kiện, giải thích cùng lượng định giá trị của chúng, và cuối cùng đi đến một quyết định.

Hoán cải và phương pháp thần học

 Giai đoạn hai của sứ mạng thần học khởi đầu một khi quyết định đã có và lập trường đã chọn.  Gắn chặt với thế giới cuộc sống chủ quan của nhà thần học, giai đoạn nầy gồm hàm những yếu tố nền tảng, thần học tín lý và thần học hệ thống, cũng như những yếu tố truyền thông. Trong giai đoạn nầy, lề lối tiến hành của cấu trúc tri thức cũng được ứng dụng, nhưng là theo một quy trình đảo ngược lại: đi từ một quyết định làm nền tảng (thần học cơ bản), để hướng tới bước thẩm định về chân lý (thần học tín lý), nhằm tiến đến chỗ nhận thức (thần học hệ thống), và cuối cùng đạt đến mức cảm nhận chân lý bằng kinh nghiệm (phương thức truyền thông - thần học thực hành) .

Chủ chốt đối với giai đoạn hai của sứ mạng thần học là vai trò cơ bản của thái độ quyết định, tức là thái độ được biểu đạt bằng phạm trù hoán cải.  Khái niệm hoán cải nêu bật tầm trọng yếu của ý hướng người hiểu biết và tin nhận có đối với tác vụ kiến tạo thần học.  Hơn nữa, cách thức Lonergan cụ thể giải thích về hoán cải, còn nới tầm ứng dụng của ý niệm ấy từ phạm vi siêu học thuyết, rộng ra cho đến lãnh vực thần học tiên nghiệm.  Bằng một lối phân tích về khái niệm hoán cải.  Lonergan đã đưa chủ ý của người hiểu biết và tin nhận, hòa nhập vào trong phương pháp nghiên cứu thần học.  Tác giả quảng giải về chủ ý của hoán cải theo ba ý nghĩa : tri thức, luân lý và tôn giáo.  Hoán cải tri thức bao hàm lập trường nhất quyết cho rằng hiểu biết không phải chỉ là hành động xem cho kỹ các dữ kiện, hoặc là hình thành cho được những khái niệm.  Hoán cải tri thức đòi hỏi phải có một quyết định dứt khoát và một sức dồn thúc mạnh mẽ để tự siêu thăng (self-transcendence) lên trên bản thân của chính mình, bởi vì việc hiểu biết đòi hỏi phải có một quy trình hoạt động phức tạp của tư duy con người hằng không ngừng nôn nóng đi tìm cho ra những bằng chứng đầy đủ, những lý lẽ vững chắc và những quan điểm toàn diện.

Hoán cải luân lý làm cho tiêu chí của các quyết định luân lý thay đổi đi: tiêu chí không còn là sự thỏa mãn sở thích nhưng là giá trị. Hoán cải luân lý đòi hỏi phải có lập trường dứt khoát đứng về phía những gì xét thấy là tốt và có giá trị thực sự, ngay cả khi giá trị và sở thích có sung khắc nhau.  Những hành động thẩm định về giá trị như thế tiềm chứa sự hiểu biết về thực tại và một ý hướng ứng đáp thích đáng đối với giá trị.  Do đó, hoán cải tri thức giữ vai trò làm điều kiện tiên quyết cho hoán cải luân lý. Hơn nữa, vì giá trị được đặt lên trên sở thích cho nên hoán cải luân lý là một hình thức của nỗ lực tự siêu thăng, và có thể có liên hệ với đà phát triển về mặt tri thức, luân lý cũng như tình cảm.

Hệt như hoán cải tri thức và hoán cải luân lý, hoán cải tôn giáo cũng đòi hỏi phải có nỗ lực tự siêu thăng.  Tuy nhiên, hoán cải tôn giáo vượt qua bên kia giới mức của hoán cải tri thức và hoán cải luân lý; bởi vì hoán cải tôn giáo được cấu thành do chính nỗ lực tự siêu thăng dính liền ngay trong đà tiến bước về với ý nghĩa và giá trị tối hậu.  Lonergan miêu tả cuộc hoán cải tôn giáo với những đặc nét như sau:  "bị chộp bởi mối băn khoăn tối hậu", "phải lòng thế giới bên kia", và "mối tình không biên giới".  Hoán cải tôn giáo không phải đơn thuần là chuyện có đạo, nhưng chính là cuộc điều chỉnh toàn diện cho hướng đi của cả cuộc sống một cá nhân.

Tổng hợp của Lonergan cũng không tránh khỏi được những nhận định phê bình, chỉ trích từ nhiều phía đưa ra.  So sánh lonergan với Schleiermacher, Langdon Gilkey lý luận nói rằng vai trò cơ bản gán cho hoán cải sẽ làm cho chiều kích công cộng của các tác vụ thần học suy suyển đi, và mở đường đưa phương pháp của Lonergan đến chỗ bị coi là nặng mùi học thuyết chủ quan.  Dù có nêu lên một vấn nạn lớn, thì lời phê bình buộc tội trên đây cũng cho thấy là đã đánh giá nhẹ chiều kích chú giải trong tất cả mọi thứ kinh nghiệm. Như là điều kiện tiên quyết, việc nhận thức đòi phải có một mối quan hệ sống đối với chủ đề cần được nhận thức. Do đó, tri thức về tôn giáo và việc giải thích các văn bản tôn giáo cũng đòi phải có như là điều kiện tiên quyết, một mối quan hệ sống đối với nội dung của bản văn.  Công tác giải thích về tôn giáo cần đến một kỹ thuật chú giải hai chiều kích; bởi vì công tác chú giải này cần phải căn cứ không những theo mô mẫu hoặc thể lọai mà người giải thích dùng để thấu hiểu hay cắt nghĩa một biến cố, một hành động, hoặc một biểu tượng tôn giáo mà thôi, nhưng còn theo cả ý nghĩa mà chính các tác nhân tôn giáo gán cho biến cố, hành động hoặc biểu tượng ấy nữa.  Cùng với học thuyết duy thực phê bình, khái niệm do Lonergan đề ra về hoán cải, đã cố làm sao cho tình trạng căng thẳng giữa các khuynh hướng khách quan và chủ quan, giữ được thế quân bình hầu tránh cho khỏi bị chỉ trích.

Thêm vào đó,vấn nạn sau đây đã được nêu lên, đó là: thử hỏi có quyền coi nhẹ các tác giả và các lập trường có tầm cỡ lớn trong lịch sử triết học (như Hume, Kant, hoặc Hegel chẳng hạn) hay là trong lịch sử thần học ( chẳng hạn như Téctullianô, Ôrigênê, hoặc Athanasiô), biến tất cả trở thành những phạm trù khoa học luận trừu tượng như là chủ nghĩa kinh nghiệm duy vật, chủ nghĩa lý tưởng, hoặc là chủ nghĩa duy thực phê bình, như Lonergan thường làm hay không?  Dù sao thì Lonergan cũng đã có những đóng góp đáng kể cho công trình suy tư thần học.  Nhờ biết ứng dụng siêu học thuyết tri thức mà ông đề xướng, vào các vụ tranh cãi trong lịch sử về những vấn đề chuyên biệt của thần học, tác giả đã có công nêu bật tầm trọng yếu của khoa học luận đối với các quan điểm cụ thể trong thần học.

Mô mẫu và Phân tích theo Phạm trù

Từ "mô mẫu" (models)  đã trở thành thông dụng trong nhiều bộ môn khoa học khác nhau.  Trong các ngành khoa học tự nhiên, mô mẫu là cách thức miêu tả một hiện tượng làm sao để minh họa cho được một số các đặc tính cơ bản của hiện tượng đó, và những mối tương liên giữa các đặc tính này.  Mô mẫu nêu bật một số đặc nét, và bỏ rơi cá đặc nét khác.  Qua cách thức ấy, mô mẫu mang lại một kiểu phối trí các khái niệm, giúp phác họa ra được một lối nhìn đặc trưng về một hiện tượng, xuất phát từ một phối cảnh cá biệt nào đó.  Một lối dùng từ tương tự cũng đã được ứng dụng một cách phổ thông vào trong thần học hệ thống, với mục tiêu làm cho bản chất phối cảnh (Perspectival nature) của các phạm trù thần học sáng tỏ thêm lên.

Avery Dulles và mô mẫu Thần học

 Avery Dulles, một trong những thần học gia công giáo có ảnh hưởng hàng đầu tại Bắc My, đã thường xuyên dùng đến các mô mẫu vào việc nghiên cứu thần học, chẳng hạn như là để tìm hiểu về các chủ đề như Giáo Hội, mạc khải, phong trào đại kết, Kitô học và thế giới công giáo.  Công trình ứng dụng mô mẫu để tìm hiểu về Giáo Hội là công trình gây được ảnh hưởng lớn nhất.  Trong cuốn  Mô mẫu về Giáo Hội, không những biện luận nói rằng cách hiểu khác nhau về Giáo Hội là nhân tố gây ra tình trạng khác biệt giữa các thể loại Giáo hội học khác nhau, Dulles còn cho rằng sở dĩ có tình trạng khác biệt như thế, một phần là vì nhiều mô mẫu khác nhau đã được dùng để miêu tả Giáo Hội.  Tác giả coi các hình thức biểu trưng: tổ chức có thể chế, cộng đồng thông hiệp nhiệm mầu, bí tích, sứ giả tiền hô và kẻ tôi tớ, như là những mô mẫu thịnh hành nhất trong thần học hiện đại.  Trong các tác phẩm ra mắt ít lâu sau đó, Dulles còn nêu thêm một hình thức biểu trưng bao hàm khác, đó là mô mẫu căn cứ vào tư cách làm môn đồ .

 Tầm quan trọng của phương pháp ứng dụng trên đây (và phần nào, cũng là lý do giải thích vì sao cuốn sách của Dulles đã gây được ảnh hưởng lớn) nằm ở chỗ nó giúp cho các tín đồ công giáo thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau có được điều kiện để hiểu nhau và quyết tâm trao đổi với nhau trong tinh thần hợp tác xây dựng.  Các thần học gia và các thừa tác viên thuộc khuynh hướng nhìn Giáo Hội theo mô mẫu một tổ chức có thể chế, đã không hiểu được lập trường của các thần học gia và các thừa tác viên có cách nhìn Giáo Hội theo mô mẫu communio (cộng đồng hiệp thông).  Việc ý thức có nhiều mô mẫu khác nhau,  đã đưa tới kết luận tất yếu này là mỗi quan điểm đều có một đường lối riêng để hiểu biết về một chiều kích quan yếu và không thể thiếu được của Giáo Hội, và cùng lúc lại cho thấy rằng các quan điểm khác cũng có khả năng tương đương như thế.  Trong thời hậu công đồng Vaticanô II, khi mà các thể loại Giáo hội học khác nhau thường va chạm lẫn nhau trên lý thuyết cũng như trong thực tế, thì phương thức nghiên cứu trên đây đã đóng góp rất nhiều để giúp cho các lập trường khác nhau biết nhìn nhận và tiếp nhận lẫn nhau.

Phân tích Phạm trù

Trong thiên khảo cứu về mạc khải, Avery Dulles đã đề ra các mô mẫu sau đây để dùng vào việc giải thích các thể loại thần học khác nhau về mạc khải: giáo lý, lịch sử, kinh nghiệm nội tâm, cuộc hiện diện biện chứng, và tầm nhận thức mới. Tác giả quan niệm rằng hiểu mạc khải theo thể cách biểu tượng là phương thức hay nhất để có thể phối kết các quan điểm của hết thảy mọi mô ma6ạu trên đây.  Ngoài ra, các mô mẫu về mạc khải ấy cũng thường gây ảnh hưởng sâu đậm cùng giữ vai triò làm nền móng đối với các quan niệm khác nhau về phương pháp thần học cũng như về phong trào đại kết.

Ngoài việc phân tích các khoa học luận và mô mẫu mặc nhiên, thần học hiện đại còn chăm chú dùng nhiều loại phạm trù khác nhau vào trong thần học.  Vì thế, người ta càng ngày càng lưu ý nhiều hơn tới tầm trọng yếu và những hình thái đa dạng của các phạm trù nòng cốt trong các nhận định thần học. Bộ Giáo lý Đức tin đã đề cập đến vấn đề này trong văn kiện Mysterium Ecclesiae bàn về tính chất lịch sử của giáo lý kitô.  Văn kiện xác định về một số điểm như sau:(1) bản chất khiếm toàn của mọi hình thức khẳng định giáo lý, (2) bối cảnh tính của các khẳng định trong giáo lý, vì đó là những câu trả lời cho những vấn đề cá biệt, không có tính cách phổ quát, (3) bản sắc ngôn ngữ của các giáo thuyết, và (4) việc phân biệt giữa một bên là chân lý được xác định qua một công thức giáo lý, và bên kia là các phạm trù cùng vũ trụ quan triết học dùng để diễn đạt chân lý ấy.

Được đưa ra nhằm trả lời cho việc Hans Kung chỉ trích đặc ân bất khả ngộ của Giáo Hoàng,[47]văn kiện Mysterium Ecclesiae xác minh rằng cho dù có chịu điều kiện hạn chế khắt khe của hoàn cảnh lịch sử và ngôn ngữ, thì các công thức diễn đạt giáo lý cũng vẫn minh định biểu đạt chân lý.  Văn kiện khẳng định rằng không phải chỉ đại khái nói lên phần nào chân lý, các công thức giáo lý còn thực sự biểu đạt một khía cạnh nhất định nào đó của chân lý, cho dù là trong một cách thức nhất thiết phải riêng biệt và lệ thuộc vào các điều kiện lịch sử, bối cảnh cùng ngôn ngữ.  Việc xác định bản chất lịch sử của các cách thể diễn đạt và các phạm tru được dùng tới trong phương thức diễn đạt giáo lý, đã khơi dậy một thách đố lớn cho công tác nhận thức và đánh giá không những nội dung của các công thức diễn đạt giáo lý, mà cả các phạm trù chủ yếu của phương pháp thần học nữa

Các giáo lý cổ truyền thường được trình bày theo lối dùng các phạm trù vay mượn từ các trường phái triết học.  Ngày nay, tính cách thích đáng của các phạm trù ấy, đang gặp phải nhiều thách đố và đang bị đặt lại vấn đề.  Trong hai từ "biến thể" (transubstantiation) và "biến nghĩa" (transignification), từ nào là thích đáng nhất để diễn đạt những gì Giáo Hội tin về bí tích Thánh Thể? Có phải công thức "hai bản tính và một ngôi vị" là công thức thích đáng để biểu đạt những gì tín điều kitô học cổ truyền hằng khẳng định hay khổng có phải là thực tại biểu đạt qua khái niệm "kết hiệp bản thể /ngôi hiệp" (hypostatic union) sẽ được khái niệm "đồng nhất hóa trong ngôi vị" (hypostatic identification) diễn đạt tốt hơn hay không?  Để biểu đạt hiệu lực của các bí tích, thì nên dùng các phạm trù về quan hệ nhân quả theo Aristốt, hay là các phạm trù rút ra từ hiện tượng học về sự gặp gỡ ?  Thế nên, các thần học gia hiện đang bàn cãi sôi nổi để xem các phạm trù hay hình thức biểu đạt mới của thời nay tỏ ra thích hợp hơn hay thua các phạm trù và hình thức cổ truyền.  Cuộc tranh luận triết học làm móng cho cuộc tranh cãi thần học, cũng phức tạp không kém.  Còn việc phân biệt giữa nội dung và phạm trù hay công thức khái niệm (conceptual scheme) thì bị chỉ trích cũng nhiều, mà được ủng hộ cũng không kém.  

Công tác phân tích các phạm trù cơ bản đóng giữ một vai quan trọng trong việc thấu hiểu không những các hình thức biểu đạt giáo lý không thôi, mà còn cả phương pháp thần học nữa.  Không thể hiểu được nhiều về thần học hiện đại, nếu không biết lưu ý tới những biến đổi trong cách thức chọn và dùng các phạm trù cơ bản.  Những dấu vết mà ảnh hưởng của Martin Heidegger để lại trong thần học công giáo là một thí dụ cụ thể về những biến đổi ấy.  Trong cuốn Being and Time (Hữu thể và Thời gian), Heidegger đã cho rằng các phạm trù về hữu thể từng được dùng đến kể từ thời triết học Hy Lạp cho đến Descartes, đều không thích hợp để diễn tả thời gian tính, lịch sử tính và sự kiện tính của cuộc con người hiện hữu trong thế giới.  Vì thế, ông đã tìm cách để thay thế các phạm trù kia bằng những phạm trù rút ra từ việc phân tích cuộc hiện hữu của con người ngay từ trong tính chất thời gian của chính cuộc hiện hữu ấy.  Các phạm trù mà ông gọi là ”hiện sinh thể” (existentials) ấy sẽ tiêu biểu cho những gì là đặc thù trong cuộc hiện hữu của con người: hữu-thể-hướng-về-sự-chết, niềm âu lo, khả năng tự kỷ minh giải. Không thể hiểu được nhiều và cho chính xác về hệ thống thần học của Rahner, nếu không biết để ý đến điểm này là ngoài các phạm trù kinh viện cổ điển ra, thần học gia này cũng đã dùng đến các phạm trù ”hiện sinh thể” cuả Heidegger đã chuyển dịch ”từ tâm lý học về khả năng đến nỗ lực phân tích chủ ý” để rốt cục kết luận rằng ”những ngôn từ và những quan hệ cơ bản trong thần học sẽ không còn thuộc lãnh vực siêu hình học như trong thời trung cổ nữa, nhưng là thuộc lãnh vực tâm lý học.” Cũng còn có thể trưng dẫn thêm nhiều thí dụ tương tự, rút ra hoặc là từ hệ thống thần học của các nhà thần học khác (như Edward Schillebeeckx, Piet Schoonenberg, Charles Curran), hay là từ các trào lưu thần học (chẳng hạn như thần học giải phóng). Vì lẽ đó, thần học hiện đại cần phải gia công dùng phương pháp siêu học thuyết mà nghiên cứu về các phạm trù cơ bản được dùng vào trong việc đào sâu và trình bày thần học.

Bên kia giới mức Siêu học thuyết

Tìm hiểu về bất cứ một thể loại siêu học thuyết nào, dù đó là những thuyết về khoa học luận hay là những cách phân tích mô mẫu và phạm trù, thì cũng cần phải luôn luôn lưu ý đến điểm quan trọng này là tự chúng, các hình thức siêu học thuyết ấy không phải là những phương pháp nghiên cứu thần học, mặc cho chúng có hữu ích đến mấy đối với thần học và phương pháp thần học.  Đó là điểm đã được Karl Rahner nêu bật lên và nhấn mạnh đến.  Bàn về khái niệm do Lonergan đưa ra, liên quan đến các ngành chuyên biệt theo chức năng trong thần học, Rahner đã hoài nghi không biết phương pháp của Lonergan có đủ coi là một phương pháp thực sự thần học hay không.

Theo Rahner, thì Lonergan đã không khai triển một phương pháp, cho bằng mô tả về các cấu trúc tri thức có dự phần vào trong bất cứ hành động tìm kiếm nào của con người, kể từ thái độ dọ dẫm nhìn trời để tìm cho ra đầu mối của nguồn gốc vũ trụ, cho đến việc tìm đọc một cuốn sách dạy làm bếp để biết cách thức làm bánh.  Chính đầu đề cuốn sách của Lonergan đã cho thấy rõ về sự kiện đó, bởi lẽ tựa đề của tác phẩm không phải là ”phương pháp thần học”, mà là ”Phương Pháp trong Thần học” (Method in Theology ). Tương tự như thế, việc đưa các mô mẫu dùng vào trong thần học cũng đã bị phê bình chỉ trích.  Các mô mẫu giúp cho có được những công cụ phân tích hữu ích; tuy nhiên, công tác suy tư thần học đòi phải tiến xa hơn, vượt qua bên kia giới mức của việc chỉ biết chăm chăm chú chú phân tích lợi và hại, ưu và khuyết của từng mô mẫu một; công tác ấy đòi phải tích cực ra tay thực hiện sứ mạng xây dựng và hệ thống hoá của thần học. Trong chiều hướng ấy, đường lối trình bày sau đây, đường lối dùng đến phương pháp tương quan liên đới, sẽ mở ra một viễn cảnh bao quát hơn cho phương pháp thần học.

---Còn tiếp---

zalo
zalo