Ngày tháng: 04/05/2024
Đang truy cập: 1

Năm Phương Pháp Nghiên Cứu Thần Học Hiện Hành - Phần 4/4 - Francis Schussler Fiorenza

NĂM PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU THẦN HỌC HIỆN HÀNH – Phần 4/4

 Francis Schussler Fiorenza

NO PHOTO

THẦN HỌC TƯƠNG QUAN LIÊN ĐỚI

Phương pháp tương quan liên đới (method of correlation) khởi xuất hồi thế kỷ 19, và khởi xuất trong tư thế chuyên biệt là một phương pháp thần học. Trong thế kỷ 20, phương pháp đã được đón nhận rộng rãi trong giới thần học gia; được thế, cách riêng là nhờ ảnh hưởng của Paul Tillich.  Dưới một dạng thái biến cải, phương pháp tương quan liên đới đã được nhiều thần học gia công giáo tiếng tăm trọng dụng. Phác thảo lại cách thức Paul Tillich sử dụng phương pháp tương quan liên đới, sẽ giúp có được một cái nhìn về quá trình triển phát của phương pháp này trong nền thần học công giáo hiện đại.

Quá trình triển phát Phản ứng hồi thế kỷ mười chín đối với Schleiermacher.

Phương pháp liên quan tương đối bắt nguồn từ chủ hướng ”thần học trung gian” (Vermittlungs-theologie) của nền thần học Tin lành Đức hồi giữa thế kỷ 19. Trào lưu thần học nầy đã tìm cách làm trung gian dung hoà giữa truyền thống lấy kinh thánh làm khởi điểm cho thần học một bên, và bên kia là chủ trương của Schleiermacher chọn kinh nghiệm tôn giáo làm khởi điểm. Trào lưu này chủ trương dùng phương pháp tương quan liên đới làm phưương thế nối kết giữa khoa học và đức tin, giữa kinh thánh và lý trí.

Quan niệm của Paul Tillich về Tương quan Liên đới.

Paul Tillich khai triển phương pháp tương quan liên đới theo một cách hiểu riêng về tương quan liên đới.   Có thể có ba loại tương quan liên đới như sau: loại thống kê, như trong tương quan giữa các dữ kiện; loại luận lý, như trong quan hệ tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các khái niệm (ví dụ: toàn bộ và từng phần); và loại thực sự, như trong quan hệ tùy thuộc lẫn nhau giừa các sự vật và các biến cố. Ba loại tương quan này cũng có mặt ở trong thần học.  Tương quan đối chiếu thống kê giữa các biểu tượng tôn giáo và những gì chúng biểu trưng, làm nên nội dung của vấn đề nhận thức tôn giáo. Tương quan luận lý giữa các khái niệm về thần thiêng và các khái niệm về nhân thế, đóng giữ vai trò xác định ý nghiã cho ngôn từ dùng để diễn đạt về Thiên Chúa và thế giới.  Và mối tương quan tùy thuộc lẫn nhau thực sự giữa các sự vật và các biến cố, hiển hiện lên ở trong tương quan liên đới giữa cứu cánh tối hậu của mình và cái mình nhằm đến cách chung quyết.  Loại tương quan đối chiếu thứ ba này là loại đặc thù của mối quan hệ giữa thực tại thần thiêng và thực tại nhân thế trong kinh nghiệm tôn giáo.  Tương quan đối chiếu này trong quan hệ thần thiêng-nhân thế, biểu hiện một mối tương quan liên đới thực sự trên bình diện hữu thế cũng như thực tại, giữa những gì là thần thiêng và những gì là nhân thế.

     Tillich định nghĩa và áp dụng phương pháp tương quan liên đới theo nhiều cách thức khác nhau. Ông đã xây dựng phương pháp tương quan liên đới theo cách kiểu đặt tương quan liên đới giữa nghi vấn và giải đáp, cũng như giữa hình thức và nội dung. Liên quan đến cách kiểu thứ nhất, tác giả đã viết rằng: ”Thần học đặt lên những câu hỏi tiềm ngụ trong cuộc sống con người, và theo sự hướng dẫn của các câu hỏi ấy, thần học đưa ra những giải đáp tiềm ẩn trong sự việc Thiên Chúa tự biểu hiện mình ra”.  Việc áp dụng phương pháp tương quan liên đới của Tillich vào trong thực tế thì hết sức là phức tạp, bởi vì tác giả dùng khái niệm tương quan liên đới để diễn đạt không những mối tương quan giữa nghi vấn và giải đáp mà thôi, nhưng còn để diễn tả cả hình thức và nội dung của kinh nghiệm mà con người có về tính chất giới hạn của mình cũng như về tính cách tượng trưng của các biểu tượng con người phải dùng đến trong lãnh vực tôn giáo nữa.  Tillich phân tích về lý trí, hữu thể, hiện hữu và lịch sử, với chủ ý nêu bật một vấn đề cơ bản có thể được đặt trong tương quan liên đới với các biểu tượng của mạc khải: Thiên Chúa, Đức Kitô, Thần khí, và nước Thiên Chúa.

Tương quan Liên đới trong Thần học Công giáo Hiện đại

Ngày nay, nhiều thần học gia công giáo nghĩ rằng phương pháp tương quan liên đới là phương pháp hùng hồn nhất để nói lên sứ mạng của thần học.  Như Hans Kung đã có dịp nhận định, hiện nay giữa các thần học gia, đang có một mối nhất trí rộng rãi cho rằng thần học ở trong một thế lưỡng cực, và hai cực này phải được đặt vào trong tương quan liên đới với nhau.  Tuy vậy, cũng có nhiều khác biệt lớn trong cách hiểu về hai cực nói trên, cũng như trong cách thức nối kết chúng vào trong tương quan liên đới với nhau. Chỉ cần phác họa sơ về bốn trường hợp đặc biệt sau đây của phương pháp không thôi, thì cũng đã minh họa tạm đủ về những nét lớn trong các điểm tương đồng và dị biệt như vừa mới nói tới. Bốn trường hợp đó là: Chủ hướng tương quan liên đới phê bình và các nguyên tắc cấu trúc của Edward Schillebeeckx; cách kiểu Hans Kung dùng phương thức đối chiếu phê bình để bắc cầu nối kết giữa Đức Kitô lịch sử với hiện tại; tương quan liên đới với nguyên tắc ngôn sứ do Rosemary Radford Ruether chủ trương; và hình thái tương quan liên đới phê bình hỗ tương do David Tracy chủ xướng.

Tương quan Liên đới Phê bình và các Nguyên tắc Cấu trúc: Schillebeeckx.

Schillebeeckx quan niệm tương quan liên đới như là một mối ”tương quan liên đới giữa hai cội nguồn của thần học ... một bên là truyền thống các kinh nghiệm kitô, và bên kia là kinh nghiệm trong cuộc sống hiện tại.” Cách hiểu như thế về tương quan liên đới khác hẳn với lối quan niệm cuả Paul Tillich.  Tillich phân biệt giữa phương thế trung gian với cội nguồn của mạc khải, để đi đến chỗ xác quyết rằng kinh nghiệm là một thứ phương thế môi giới, chứ không phải là một loại cội nguồn của mạc khải. Ngược lại Schillebeeckx thì cho rằng tương quan liên đới bắc cầu quan hệ giữa ”hai cội nguồn”-được gọi là hai cực- của thần học: kinh nghiệm trong truyền thống và kinh nghiệm trong cuộc sống hôm nay. Tác giả nhấn mạnh đến vai trò của ”tương quan liên đới phê bình và đôi lúc, của cả việc đối chiếu phê bình giữa hai 'cội nguồn' nữa.” Schillebeeckx đã có dịp miêu tả rõ hơn về hai cực ấy của thần học.

Trong khi phân tích truyền thống kinh nghiệm kitô (cực một), Schillebeeckx quan niệm rằng cho dù có hàm chứa nhiều dạng thể thần học khác nhau, thì các văn bản Tân Ước vẫn giữ một thống nhất tiềm ẩn là một kinh nghiệm cơ bản về ơn cứu độ Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu. Chính ”kinh nghiệm cơ bản ấy đã được diễn giải theo nhiều cách khác nhau; nhưng nó vẫn là như nhau ,” Kinh nghiệm ấy thành hình từ bốn nguyên tắc cấu thành sau đây: Niềm tin vào ý Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ (nguyên tắc thần học-nhân chủng học); niềm tin vào sự kiện Đức Kitô là khởi điểm của việc Thiên Chúa tự biểu hiện chính mình ra một cách dứt khoát (trung gian của Đức Kitô); niềm tin ý thức rằng thiên tình sử mà Thiên Chúa phô diễn trong Đức Giêsu, vẫn hằng tiếp diễn qua sứ điệp và cuộc sống của Giáo Hội (trung gian của Giáo Hội); và niềm tin xác nhận rằng lịch sử cứu độ không thể nào đạt tới mức hoàn thành viên mãn ngay ở tại dưới thế này được (chiều kích cánh chung).

Trong khi phân tích kinh nghiệm cuộc sống hôm nay (cực hai), Schillebeeckx nhận định rằng cực hai này được tiêu biểu qua hai nhân tố trái ngược nhau: đà hướng đượm đầy hy vọng nhìn về viễn ảnh tương lai, và thực trạng trực diện với khổ đau quá độ cùng bất công vô nghĩa.  Cá nhân chủ nghĩa vụ lợi của Tây phương tân thời là lý do và là nguyên nhân chính gây nên tình trạng mâu thuẫn ấy.  Thực trạng cá nhân chủ nghĩa này làm cho hy vọng vào tương lai, nhưng cũng mang lại những khổ đau và bất công.  Đành rằng tự đo là giá trị căn bản trong kinh nghiệm cuộc sống con người, nhưng thực tế là một khi đã bị cá nhân chủ nghĩa vụ lợi đầu độc, và đi kết bè kết lũ với khoa học kỹ thuật, thì rất thường khi, tự do ấy trở thành công cụ làm tôi cho lòng tham không đáy của tư lợi cá nhân.

Schillebeeckx cho rằng cần phải thiết đặt một mối tương quan liên đới phê bình giữa câu chuyện về Đức Giêsu và những con người ngày nay chỉ biết sống vụ lợi.  Câu chuyện ấy nhắc nhở và mời gọi mọi người hoán cải. Việc nhắc nhở mời gọi thay lòng đổi dạ ấy chính là tiêu đích mà tương quan liên đới phê bình nhắm tới. Vì thế, đối với Schillebeeckx, tương quan liên đới trước hết mang ý nghĩa chỉ về cộc đối chiếu với cuộc đời Đức Giêsu là nhân tố có khả năng làm nẩy sinh nên biến cố hoán cải. Làm cơ bản cho quan niệm cuả Schillebeeckx về phương pháp tương quan liên đới là việc phân biệt giữa các khái niệm: sử nhất thời, sử cục diện, và sử cấu trúc.  Sử nhất thời là lịch sử ghi lại sự kiện các biến cố đến rồi đi, xảy ra hằng ngày. Sử cục diện thì tỏa rộng ra hơn và bao trùm những trụ trục văn hoá dài rộng trong lịch sử loài người. Còn sử cấu trúc thì không đổi thay, đứng làm trụ cột cho sử nhất thời và sử cục diện diễn biến, chuyển hoá chung quanh. Mục tiêu mà tương quan liên đới phê bình nhắm tới, là tìm hiểu hầu xác định cho chắc chắn về tính chất đồng nhất trong cấu trúc của kinh nghiệm kitô được biểu đạt qua nhiều phạm trù khác nhau tùy cục diện từng thời đại, chẳng hạn như trong thời đại Palestin hoặc trong thời đại Hy lạp.  Tìm hiểu hầu xác định về tính chất đồng nhất của câu chuyện Kitô giáo tác động được đến kinh nghiệm kitô ngày nay, và nhờ đó, có thể giúp cho lịch sử về công trình cứu độ Đức Kitô đã thực hiện, trở thành cho mọi người hôm nay, một lời tha thiết mời gọi đón nhận ơn cứu độ, một lời mời gọi có sức đối đầu với kinh nghiệm hiện đại, cũng như có sức đưa ra những nhận định phê bình hầu sửa đổi những thái độ, quan niệm cá nhân chủ nghĩa và khát vọng chiếm hữu đang thao túng giữa thời đại ngày nay.

Đối chiếu Phê bình và Đức Giêsu Sinh tiền: Kung.

 Chọn từ ngữ đối chiếu phê bình thay cho tương quan liên đới phê bình, Hans Kung đã muốn khai triển phương pháp tương quan liên đới ra cho rộng hơn, để làm thành một phương pháp đối chiếu phê bình giữa Đức Giêsu sinh tiền và cảnh huống hiện tại.  Kung thay từ tương quan liên đới bằng từ đối chiếu, rồi thay vì nói ”hai cội nguồn”, thì lại nói ”hai cực”, và mô tả về hai cực này trong một cách thức khác hẳn với Schillebeeckx.

Thần học có sứ mạng khơi dậy một cuộc đối chiếu giữa Đức Giêsu sinh tiền và cảnh huống hiện tại. Cực đầu tiên là chính Đức Kitô sinh tiền, chứ không phải là biểu tượng Kinh Thánh hay là Đức Kitô của đức tin.  Dù trong các tác phẩm thần học viết về sau, Kung đã sửa đổi lập trường của mình lại, để bao gồm vào trong cực thứ nhất này, cả truyền thống kitô nữa, thì ông cũng vẫn đặc biệt nhấn mạnh đến Đức Kitô lúc sinh thời tại thế. Đức Giêsu tại thế  -Đức Giêsu thuở ban đầu như đã được biết qua cuộc nghiên cứu phê bình lịch sử-  là chuẩn tắc và là tiêu chí của đức tin Kitô. Theo Kung, thì cuộc nghiên cứu phê bình lịch sử về Đức Giêsu có thể giúp cho nhận ra rằng ”Đức Kitô của đức tin mà chúng ta tin nhận, là chính con người Giêsu thành Nadarét chứ không phải là ai khác, hoặc giả không phải là ai cả. Việc nghiên cứu phê bình lịch sử cũng giúp cho tránh được khỏi mất công xây dựng hoặc chạy theo những hình ảnh và quan niệm sai lệch về Đức Kitô của đức tin.  Công trình nghiên cứu ấy sẽ đưa đường dẫn lối đến gặp gỡ với Đức Giêsu của lịch sử, tức là với Đấng làm quy tắc và làm tiêu chí cho Đức Kitô của đức tin.

Trong cách đối chiếu phê bình cực thứ nhất với cực thứ hai, Kung cũng không đồng ý với lối Schillebeeckx miêu tả về cực thứ hai, tức là về kinh nghiệm thời nay. Kung không quan niệm giống như Schillebeeckx về tân đại.  Thực ra, theo Kung, cá nhân chủ nghĩa vụ lợi chưa phải là những gì nói lên bản chất đặc trưng của tân đại, cũng chưa phải là những gì mang khổ đau quá độ đến cho thời đại này.  Nhưng chính tình trạng chế độ quan liêu tràn ngập và thực trạng thiếu tự do cá nhân mới đúng là những gì đã ghi đậm những dấu đặc thù lên trên thời tân đại.

Tương quan Liên đới và Nguyên tắc Ngôn sứ: Ruether

 Rosemary Radford Ruether đã dựa theo nhãn quan thần học nữ quyền và đường lối nhấn mạnh đến nguyên tắc ngôn sứ mà khai triển phương pháp tương quan liên đới.  Khác hẳn với Hans Kung, bà không giới thiệu phương pháp tương quan liên đới như là một phương pháp được sự nhất trí chung tán đồng, vì bà cho rằng phương pháp ấy có thể được áp dụng theo nhiều cách khác nhau. Bà hiểu nguyên tắc ngôn sứ như là một nguyên tắc phê bình năng động.  Đó là một nguyên tắc, bởi lẽ nó không quy chiếu về một truyền thống hay một bộ văn bản đặc biệt nào cả; nói cho đúng hơn, đó là một nguyên tắc có mặt ở trong nhiều truyền thống và văn bản khác nhau. Là một nguyên tắc năng động, nguyên tắc ấy không tụ đọng lại ở trong một hình thái nhất định, ngược lại, nó biến hoá và chịu đổi thay.  Là một nguyên tắc phê bình, nguyên tắc ấy lên án các hình thức áp bức đè nén, như chế độ phân biệt giai cấp xã hội, tình trạng phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Theo lời bà, “Xuất phát từ các nguyên tắc Kinh Thánh, thần học nữ quyền chỉ có thể trở thành hiện thực khi nào các nguyên tắc ngôn sứ được thấu hiểu một cách trọn vẹn hơn, tức là những nguyên tắc đòi phải loại bỏ mọi hình thức đề cao một nhóm người trong xã hội coi họ như là hình ảnh và như là tác viên của Thiên Chúa mà chống lại các nhóm khác, cũng như mọi cách thức dựa vào Thiên Chúa để biện bạch cho những hành động thống trị và áp bức đè nén trong xã hội.”

Tương quan Liên đới Phê bình Hỗ tương: Tracy

David Tracy nêu ý kiến cho rằng theo một ”định nghĩa được rộng rãi chấp nhận” thì sứ mạng của thần học là ”thiết đặt những mối tương quan liên đới phê bình hỗ tương giữa một cách thức giải thích truyền thống kitô và một cách thức giải thích về cảnh huống hiện tại”; đó chỉ là ”một phương pháp tương quan liên đới đã được tu chính lại”, vì ”thực ra, nó không là gì khác ngoài phương sách dựa vào tình trạng tự ý thức về chính mình một cách chú giải, mà minh giải và sửa đổi thần học cổ điển.” Sở dĩ phải tự ý thức về chính mình một cách chú giải, là vì phương sách ấy không viện vào uy thế của thực tại cuộc sống kitô cho bằng của các mối tương quan liên đới phê bình hỗ tương giữa hai phần bộ của công tác giải thích .

Trong tiến trình hình thành quan niệm của mình về phương pháp tương quan liên đới, David Tracy đã lấy lại và quảng diễn rộng ra cách thức Schubert Ogden đề xuất nhằm phân biệt hai loại tiêu chí khác nhau: tiêu chí để phân định tính chất xứng hợp đối với truyền thống, và tiêu chí để nhận định tính chất khả tri đối với hoàn cảnh. Lấy lại cách phân biệt giữa chân lý và ý nghĩa, Ogden lý luận rằng tiêu chí về tính chất xứng hợp, rút ra từ chứng từ của các tông đồ, giữ vai trò xác định ý nghĩa hay đặc tính của Kitô giáo; còn tiêu chí về tính chất khả tri thì giúp cho việc nhận định về chân lý của đức tin kitô.

Trong khi trình bày quan niệm của mình về phương pháp tương quan liên đới, Tracy đã phân biệt và xác định kỹ lưỡng về tính chất của các tiêu đích kia.  Hiểu theo tư thế là những tiêu chí thần học, các tiêu chí về tính chất xứng hợp tất yếu đưa tới kết luận này là ”xét theo thần học, thì việc căn cứ vào tính chất xứng hợp mỗi quan điểm có đối với chứng từ các tông đồ được biểu đạt một cách chuẩn tắc ở trong Kinh Thánh, mà thẩm định từng quan điểm một trong thần học, là việc làm hết sức chủ yếu.”

Cách giải thích như thế về tính chất xứng hợp khác hẳn với cách thức Ruether nhấn mạnh đến nguyên tắc ngôn sứ, hoặc là với thái độ lưu tâm đặc biệt của Kung đối với thân thế Đức Kitô sinh tiền.  Khác hẳn với Kung, Tracy cho rằng ”đối với thần học, không phải là 'Đức Kitô lịch sử' mà là Đức Kitô đã được xác chứng và tuyên xưng qua đức tin mới thực sự quan trọng.”

Còn tiêu chí về tính chất khả tri thì giới thiệu hoặc bắc cầu nối kết sứ điệp với cảnh huống hiện tại. Các tiêu chí này nói lên ”tính chất thích đáng tương xứng” đối với kinh nghiệm và hoàn cảnh thời nay.  Điều quan trọng là các tiêu chí về tính chất thích đáng tương xứng đối với con người ngày nay phải được quan niệm làm sao để chúng có thể giúp cho biến cố thời cổ có được ảnh hưởng mở rộng và đầy sức biến đổi cải hoá đối với hoàn cảnh thời nay.  Tracy đã nhờ vào các tương quan biện chứng giữa biến cố và phản ứng, giữa các hình thức giải thích và bình giải, cũng như  nhờ vào một mô mẫu đàm thoại, để bàn rộng thêm ra về bản chất của tương quan liên đới.  Tương quan liên đới giữa hai cực đã được hiểu như là một cuộc đàm thoại, như là một loại tương quan liên đới phê bình. Tương quan liên đới ấy có thể thay đổi tùy theo nó là tương quan liên đới do bởi tính chất đồng nhất, do bởi tính cách tương đồng-trong-dị biệt, hoặc là ngay cả do bởi tính cách đối sánh giữa hai phiá.

Sự việc có nhiều khuynh hướng thần học khác nhau đều cùng nói rằng phương pháp thần học mà mình chủ trương, là một phương pháp tương quan liên đới, cho thấy phương pháp ấy đã được chấp nhận và dùng tới rộng rãi đến mức nào.  Phương pháp tương quan liên đới có nhiều điểm giống, nhưng cũng có nhiều điểm khác với các quan niệm cổ điển về thần học.  Một mặt, nó thừa nhận thẩm quyền và giá trị của truyền thống tôn giáo đã được chính xác giải thích của ngày trước, và tìm cách áp dụng truyền thống ấy vào trong hiện tại. Nhưng mặt khác, nó lại cho rằng quãng phân cách giữa sứ điệp của quá khứ và tình cảnh trong hiện tại thì cách biệt lớn rộng hơn là như thần học cổ điển đã tưởng. Thế nên, tương quan liên đới không phải đơn thuần là một sự kiện, nhưng nói cho đúng hơn, đó là kết quả và là tiêu đích của sứ mạng thần học.  Trong bước đường xây dựng hướng về tiêu đích ấy, phương pháp tương quan liên đới thường được phối hợp với các phương pháp khác; chẳng hạn như là với: lối phân tích tiên nghiệm về chiều kích tôn giáo của chủ thể con người, hoặc là với phương thức dùng đường lối chú giải mà phục hồi tầm trọng yếu của các truyền thống tôn giáo.

Bên kia giới mức Phương pháp Tương quan Liên đới

Liên quan đến phương pháp tương quan liên đới, có thể nêu lên đây một số những điều kiện hạn chế đáng lưu ý.  Tuy nhiên, cũng cần nói ngay rằng xét vì có nhiều cách quan niệm khác nhau về tương quan liên đới, nên không phải tất cả mọi hình thái tương quan liên đới đều cùng chịu những điều kiện giới hạn giống nhau. Thứ nhất, phương pháp tương quan liên đới thường dựa vào chỗ phân biệt giữa ngôn ngữ và thực tại biểu đạt qua ngôn ngữ.  Phân biệt như thế là coi nhẹ tính chất lịch sử của ngôn ngữ và văn hoá, bởi vì tiến hành theo cách thức ấy là nhận rằng những thể cách biểu đạt văn hoá, những phạm trù, và ngôn ngữ có thể thay đổi, trong khi đó, thực tại biểu đạt trong và qua các phạm trù ấy thì vẫn không thay đổi, và nhờ vậy, có thể bắt gặp được qua tương quan liên đới giữa quá khứ và hiện tại.

Thứ hai, phương pháp tương quan liên đới nhấn mạnh đến tính chất liên tục và đồng nhất; nhưng lại không lưu ý cho đủ đến biến đổi và bất đồng nhất trong qúa trình tiến phát của đức tin và thần học. Trừ phi đã biến truyền thống trở thành một công thức trừu tượng, tất yếu phải dùng đến các phạm trù có sức vượt qua bên kia giới mức của tương quan liên đới và có khả năng bao hàm trọn cả qúa trình tiến phát, sự kiện biến hoá cũng như hiện tượng đổi thay, thì mới hiểu được truyền thống.

Thứ ba, phương pháp tương quan liên đới không lưu ý cho đủ đến nhu cầu cần phải có một thái độ phê bình đối với truyền thống.  Phê bình đây không chỉ đơn thuần là chuyện phê bình nhận định về các thể cách biểu đạt truyền thống, với mục đích làm cho kinh nghiệm cơ bản hay là những lời khẳng định của truyền thống có cơ hội mà chiếu sáng rạng ngời ra hơn. Nhưng đúng hơn, đó là hình thức phê bình có tính cách xem xét lại, nhắm thẳng vào chính những kinh nghiệm và những lời khẳng định ấy.

THẦN HỌC GIẢI PHÓNG

 Từ thần học giải phóng không chỉ riêng về một phương pháp thần học độc nhất, nhưng là chỉ về nhiều trào lưu thần học khác nhau.  Theo nghĩa hẹp, thần học giải phóng là một trào lưu thần học hiện đại, khởi phát và thịnh hành tại Châu Mỹ Latinh.  Theo định nghĩa hẹp ấy, thì thần học giải phóng là một phong trào đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu về các nguyên nhân chính trị, kinh tế và xã hội đã gây nên cảnh chênh lệch bất công trong xã hội ngay tại trong các nước Châu Mỹ Latinh, cũng như giữa Châu Mỹ Latinh và Bắc Mỹ.  Chịu ảnh hưởng sâu đậm của cách thức Johann B. Metz trình bày về một thể dạng thần học chính trị.  Các thần học gia Châu Mỹ Latinh đã đề xuất một lối giải thích độc đáo về xã hội hiện đại, về cánh chung cũng như về đà chuyển biến chính trị.  Thay vì đà phát triển, họ lấy hành động giải phóng làm phạm trù chủ yếu cho cả thần học lẫn kinh tế và chính trị.  Ngay cả trong phạm vi định nghĩa hẹp này, thì cũng vẫn còn có rất nhiều lập trường và phương pháp thần học khác biệt nhau giữa các thần học gia giải phóng Châu Mỹ Latinh.

Theo nghĩa rộng, từ thần học gia giải phóng chỉ về bất cứ trào lưu thần học nào phê bình chống lại một hình thức áp bức đè nén nào đó, và coi hành động giải phóng như là một phần trong toàn bộ sứ mạng của thần học.  Thần học nữ quyền, các trào lưu thần học Mỹ gốc Phi, và một số dạng thái thần học Châu Á đều là những kiểu mẫu chính của thần học giải phóng.  Danh xưng thần học giải phóng cũng được các thổ dân Châu Mỹ, các nhóm sắc tộc cũng như các nhóm thiểu số dùng đến để biểu đạt một cách thức suy tư thần học.  Dù cho có những khác biệt lớn giữa các thần học gia giải phóng, thì cũng có những đặc nét chung tiêu biểu cho các phương pháp thần học họ dùng.  Những đặc nét ấy cho phép đề cập đến một phương pháp chung gồm bốn yếu tố tiêu chuẩn sau đây:

Khởi điểm

Bất cứ hình thái thần học giải phóng nào cũng lấy việc phân tích hoàn cảnh xã hội và chính trị cụ thể làm khởi điểm cho nỗ lực suy tư thần học của mình.  Phân tích như thế là để tìm cách phơi trần những hình thức áp bức, bóc lột, tha hoá và kỳ thị.  Khuynh hướng chung của mọi hình thái thần học giải phóng là hiểu kinh nghiệm như là không hơn không kém, một kinh nghiệm về tình trạng chịu áp bức đè nén.  Chẳng hạn, tình trạng cách biệt lộ liễu trời vực giữa các tầng lớp giàu nghèo trong cùng một nước, cũng như giữa các nước tân tiến và các nước đang trên đà phát triển, đã làm cho các nhà thần học giải phóng Châu Mỹ Latinh đi đến chỗ coi các liên hệ lệ thuộc và bóc lột giữa các quốc gia khác nhau, như là những nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong việc gây nên thực trạng chênh lệch kia.  Thần học giải phóng Mỹ gốc Phi thì dồn chú tâm chủ yếu vào tình trạng kỳ thị chống lại người Châu Phi và người Châu Mỹ gốc Phi trong quá trình lịch sử Kitô giáo.  Còn các thần học gia nữ quyền thì lại đặt trọng tâm vào nơi sự kiện áp bức nữ giới trong các xã hội tổ chức theo chế độ phụ quyền.

Phê bình chống Ý thức hệ

Nét tương đồng thứ hai nằm ở chỗ tìm hiểu truyền thống theo nhãn quan kinh nghiệm của những người bị áp bức. Cách tìm hiểu như thế tất phải cần đến một lối ”chú giải ngờ vực” (hermeneutics of suspicion) hay một lập trường bài ý thức hệ.  Mục tiêu là cố vạch trần và lên án những méo mó sai lệch do ý thức hệ gây ra trong truyền thống, vì chính những méo mó sai lệch ấy là nguyên nhân làm phát sinh tình trạng áp bức.  Mức độ và quảng độ ngờ vực thay đổi cao thấp, rộng hẹp tùy quan điểm riêng của mỗi thần học gia.  Rất thường khi, các nhà thần học giải phóng Châu Mỹ Latinh làm như cho rằng chỉ có truyền thống tiếp hậu thời Tân Ước hay là tiếp hậu thời Đức Giêsu lịch sử mới rành rành cho thấy những méo mó sai lệch do ý thức hệ gây ra.  Vì thế, có nhiều thần học gia lên tiếng chỉ trích lối hiểu truyền thống theo cách giải thích như thế, mong tìm về lại được với ý hướng nguyên thủy của Tân Ước hay của Đức Giêsu lịch sử, là người hằng công khai đứng hẳn về phía của những người nghèo.

Lối phân tích hoàn cảnh theo thần học giải phóng nữ quyền thì lại càng phức tạp hơn. Trước hết, truyền thống Tân Ước thì có nhiều và khác nhau; thế nên, nếu có những truyền thống và văn bản bị thâm nhiễm bởi những tư tưởng và thái độ kỳ thị nữ giới, thì cũng có những truyền thống nêu rõ quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong Đức Kitô.  Một ví dụ về trường hợp thứ nhất: những tục lệ trong gia đình mà Tân Ước ghi lại, cho thấy tình trạng nữ giới bị đặt dưới quyền của nam giới, và đồng thời cũng cho thấy là đã khuôn rập theo chế độ phụ quyền kiểu Aristốt. Chúng hình thành từ sự việc dồn nỗ lực để trả lời cho những dư luận buộc tội nói rằng Kitô giáo theo chủ trương phản gia đình và chống lại trật tự xã hội Rôma.  Vì Kitô giáo chấp nhận cho phụ nữ và các người nô lệ được theo Kitô giáo mà không cần có phép của ”Đầu” hay ”chủ” (paterfamilias), nên người Rôma coi và chỉ trích Kitô giáo là phản gia đình và chủ trương đảo lộn trật tự xã hội.  Lời buộc tội này có thể giúp cho thấy được phần nào lý do tại sao các tục lệ gia đình kia lại có mặt ở trong Tân Ước.  Do đó, trong một số hình thái thần học nữ quyền, lập trường phê bình bài ý thức hệ không những được áp dụng cho cách thức giải thích Tân Ước không thôi, mà còn cho cả chính Tân Ước nữa.

Các thể loại thần học giải phóng khác nhau cũng không quan niệm giống nhau về lập trường phê bình bài ý thức hệ.  Một số thần học gia giải phóng chủ trương nối kết kinh nghiệm về áp bức trong hiện tại với những chuẩn mẫu khác với chuẩn mẫu nói trên đây, chẳng hạn như là với Đức Giêsu lịch sử hay với nguyên tắc ngôn sứ.  Vì thế, việc phê bình bài ý thức hệ cũng chỉ dựa vào mối tương quan liên đới giữa hai chuẩn mẫu đối chiếu giữa hiện tại và quá khứ.  Một số thần học gia giải phóng khác thì cho rằng tương quan liên đới kiểu ấy thường được nêu lên mà lại không được xác định cho đủ về mặt lịch sử.  Theo họ, kinh nghiệm về áp bức đã trở thành một chuẩn mẫu để dựa theo đó mà tìm hiểu Kinh Thánh.  Cần phải dựa theo ánh sáng của những kinh nghiệm về áp bức mà tìm hiểu lại không phải là truyền thống về diễn giải Tân Ước không thôi, mà còn cả chính Tân Ước nữa.  Thế nên, kinh nghiệm về áp bức thành nên tiêu chí phê bình; kinh nghiệm ấy được dùng làm tiêu chí cơ bản để đánh giá các tiêu chí khác.

Tri thức bị Nô dịch hóa

 Ngoài việc phê bình chống lại những méo mó lệch lạc do ý thức hệ gây nên trong các truyền thống văn hóa quá khứ và hiện tại, thần học giải phóng còn chủ trương rằng việc phục hồi tri thức đã bị nô dịch hóa là một phần trong sứ mạng xây dựng của thần học. Như vậy, sứ mạng của thần học bao hàm công tác phục hồi những biểu tượng tôn giáo đã bị lãng quên, những lề lối thực hành trong Giáo Hội đã bị bỏ rơi, cũng như những kinh nghiệm đã bị coi rẻ và không còn được biết tới.  Lịch sử thường ghi lại ký ức và quan điểm của những người thắng, và thường bóp câm tiếng nói và quan điểm của những nạn nhân thua. Do đó, tác vụ của thần học giải phóng là mang ra ánh sáng và phục hồi tri thức cùng kinh nghiệm của những ai đã bị bóp câm, không được quyền nói lên tiếng nói của mình.  Thần học giải phóng khai quật lên từ quá khứ không phải là những mẫu gốc, nhưng là những mẫu đầu của công cuộc giải phóng.

Lấy Hành động Xã hội làm Tiêu chí

Đối với thần học giải phóng, hành động xã hội (praxis) không chỉ đơn thuần là một mục tiêu, mà còn là một tiêu chí của phương pháp thần học nữa.  Từ Hy Lạp praxis đã được các nhà thần học giải phóng cố ý sử dụng để nhấn mạnh đến một lối phân biệt quan trọng bắt nguồn từ Aristốt.  Trong cuốn Đạo đức học cho Nikômakhô, Aristốt đã phân biệt "thực hành" (poiesis) được coi như là một năng khiếu kỹ thuật để làm ra một vật gì đó, với "hành động" (praxis) được coi như là một lề lối sống.  Như thế, nghĩa thứ nhất chỉ về kỹ năng (tekhne), còn nghĩa thứ hai thì chỉ về một đường hướng căn bản của cuộc sống.  Lấy lại khái niệm về hành động của Aristốt, các lý thuyết gia phê bình và các người Maxít xét lại đã tìm cách nêu bật sự việc Mác nhấn mạnh đến "hành động" (praxis) xã hội và chính trị, nhưng lại cố tránh sự việc Mác thu hẹp khái niệm ấy vào các chiều kích kinh tế và kỹ thuật.  Các nhà thần học giải phóng đã đi theo đường hướng ấy, khi họ xác định rằng hành động kia chính là mục tiêu và là tiêu chí của các dạng thái thần học họ chủ trương; bởi vì xác định như thế có nghĩa là mục tiêu họ nhắm tới, không phải là một hình thức tổ chức trong đó kỹ thuật đóng vai trò chủ yếu, hay là một cơ cấu xã hội hoặc là một kế hoạch kinh tế nào đó, nhưng là một lề lối sống.  Từ hành động xác định rõ là công cuộc giải phóng mà họ theo đuổi, thì rộng lớn hơn một cuộc phát triển kỹ thuật hay kinh tế đơn thuần: đó là một cuộc giải phóng bao gồm trọn cả các chiều kích tôn giáo, xã hội, chính trị lẫn cá nhân.

Kinh nghiệm và hành động trong cuộc sống hiện tại không những đem lại cho các nhà thần học giải phóng những nguồn liệu để dựa vào đó mà phê bình truyền thống cùng hoàn cảnh ngày nay, nhưng còn cung cấp cả những tiêu chí để định giá các khoản giáo thuyết thần học nữa.  Đồng thời, đưa hành động đến tình trạng được giải phóng thực sự cũng là tiêu đích mà thần học giải phóng nhắm tới.  Thế thì, hành động chính là mặt bên kia của kỹ thuật chú giải ngờ vực, của lập trường bài ý thức hệ.  Việc thần học giải phóng nhấn mạnh đến hành động như thế, có thể được coi như là một hình thái của hệ luận thuyết ở trong thần học.  Tuy nhiên, vì đóng giữ một vai chủ chốt, nên khái niệm hành động cũng còn cần phải được minh giải cho đầy đủ và cho rõ ràng hơn.  Thường thường căn cứ vào hành động có nghĩa là căn cứ vào những kinh nghiệm trực tiếp về áp bức. Nhưng, cùng lúc, việc căn cứ vào hành động coi đó như là nguồn liệu chuẩn tắc và như là tiêu đích tiên lượng, lại khơi dậy một vấn đề khác: vấn đề lượng định giá trị của chính hành động.  Nếu giá trị của hành động còn cần phải được phán định, thì tất cũng còn cần phải trả lời cho những câu hỏi chính đáng như sau: Cái gì sẽ làm khuôn khổ giải thích cho việc lượng định hành động ? Những giả thuyết hậu cảnh nào sẽ phải được dùng tới trong khi thẩm xét và phán định giá trị như thế ? Hành động sẽ được giải thích và phán định như thế nào ? Những câu hỏi tương tự như thế sẽ đưa dần tới một phương pháp thần học trong đó hành động được coi như là một nhân tố đóng giữ một vai chủ yếu về mặt thần học và chính trị, nhưng mà phương pháp ấy có nhất thiết phải rộng rãi hơn không.

 

zalo
zalo