Ngày tháng: 09/11/2024
Đang truy cập: 16

NGHỆ THUẬT CỬ HÀNH PHỤNG VỤ - ARS CELEBRANDI (3)

NGHỆ THUẬT CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
ARS CELEBRANDI

III. THÁNH CA PHỤNG VỤ VÀ TÁC VIÊN THÁNH NHẠC

Thánh ca phụng vụ có một vị trí ưu việt trong ars celebrandi, vì âm nhạc không chỉ là phương tiện để cộng đoàn tham gia tích cực, mà còn phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa có thể nâng đỡ tâm hồn, truyền cảm hứng và làm phong phú cho việc thờ phượng. “Việc cùng nhau diễn tả đức tin bằng lời ca tiếng hát trong các cử hành phụng vụ làm kiên vững đức tin khi đức tin suy yếu, đồng thời đưa chúng ta hòa nhập với tiếng nói được linh hứng của Hội Thánh cầu nguyện”[46].

Kho tàng thánh nhạc Việt Nam được tạo dựng non một thế kỷ qua và vẫn tiếp tục được bổ sung chính là một gia sản đức tin phong phú cần được trân trọng và sử dụng cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc lựa chọn bài hát cho phù hợp và đem lại lợi ích dồi dào cộng đoàn tín hữu là một nghệ thuật đòi hỏi sự hiểu biết cả về âm nhạc lẫn phụng vụ. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã lưu ý: “Nên tránh những kiểu ngẫu hứng hoặc đưa vào những loại nhạc không tôn trọng ý nghĩa của phụng vụ[47].

Hội Thánh luôn khuyến khích việc ca hát cộng đoàn để các tín hữu có thể dâng lời ca tiếng hát hầu tham dự đầy đủ và tích cực trong các việc đạo đức thánh thiện cũng như trong chính hoạt động phụng vụ[48]. Tuy nhiên, có những người với khả năng của mình được mời gọi tham gia cách đặc biệt vào việc ca hát phụng vụ góp phần trực tiếp cho buổi cử hành, đó là các thừa tác viên thánh nhạc[49].

Ca đoàn có phận vụ giúp cộng đoàn tham dự phụng vụ cách tích cực qua việc ca hát. Trong buổi cử hành, ca đoàn có bổn phận phải hát đúng những phần dành riêng cho mình và không được lấn át những phần thuộc về cộng đoàn[50]. Khi chu toàn chức năng phụng vụ của mình, các ca viên cũng góp phần làm gia tăng vẻ đẹp của buổi cử hành, đem lại lợi ích thiêng liêng cho các tín hữu và cho chính họ[51].

Người xướng thánh vịnh có phận vụ xướng hoặc hát thánh vịnh đáp ca hoặc thánh ca Kinh Thánh theo cung điệu phù hợp. Tác vụ này có thể được thực hiện tại giảng đài hay một nơi thuận tiện khác[52]. Để chu toàn phần việc của mình, người xướng thánh vịnh cần có nghệ thuật đọc thánh vịnh, có khả năng phát âm và đọc cho đúng[53].

Người đệm đàn trong phụng vụ có vai trò dẫn dắt và nâng đỡ tiếng hát của cộng đoàn và ca đoàn. Giáo Hội luôn đề cao việc sử dụng phong cầm. Tuy nhiên, thẩm quyền địa phương cũng có thể phê chuẩn cho phép sử dụng những nhạc cụ khác, đặc biệt là các nhạc cụ truyền thống dân tộc, miễn sao phù hợp với vẻ tôn nghiêm và bầu khí thánh thiện của phụng vụ[54].

Khi tham gia vào việc cử hành phụng vụ, cả người hát lẫn người đệm đàn phải có những kiến thức cần thiết không những về âm nhạc mà còn về phụng vụ và đạo đức nữa. Ca đoàn và các nhạc công phải ý thức phận vụ của mình, không được biến buổi cử hành phụng vụ thành nơi trình diễn[55]. Các tác viên thánh nhạc cần ý thức phục vụ qua việc ca hát với tất cả con người của mình, bao gồm cả kỹ năng âm nhạc lẫn tâm tình yêu mến tôn thờ, như thánh Augustinô nhận định: “con người mới hát bài ca mới. Hát là biểu hiện của niềm vui và, … hát còn là một biểu hiện của tình yêu”[56].

Ca trưởng là người chịu trách nhiệm toàn bộ việc thể hiện âm nhạc trong phụng vụ, từ khâu chọn bài cho phù hợp đến giai đoạn tập luyện cho ca viên và cộng đoàn. Ngoài ra, ca trưởng cũng phải phối hợp chặt chẽ với linh mục chủ tế và những người chịu trách nhiệm các phần việc khác, nhằm “đồng tâm nhất trí với nhau để chuẩn bị cách thiết thực cho cuộc cử hành phụng vụ”[57].

Việc lựa chọn bài hát rất quan trọng, người có trách nhiệm phải biết chọn bài hát đúng với từng cử hành và phải tuân thủ các chỉ dẫn của Hội Thánh trong lãnh vực thánh nhạc. Vì là một thành phần của phụng vụ, bài thánh ca phải hòa nhập vào hình thức của buổi cử hành. Do vậy các yếu tố như lời ca, giai điệu, và cả cách trình bày (bao gồm đệm đàn) đều phải phù hợp với mầu nhiệm được cử hành, với các phần của nghi lễ, và với mùa phụng vụ[58].

Có lẽ nhiều ca trưởng chỉ dừng lại ở lời ca và giai điệu khi chọn bài hát mà chưa lưu ý các yếu tố khác như tính biểu tượng và chức năng diễn giải của âm nhạc liên quan đến thang âm điệu thức hay hòa âm và sử dụng nhạc cụ. Ví dụ: các bộ lễ bình ca dù có bản văn không thay đổi nhưng âm điệu thay đổi theo mùa hay buổi cử hành rất rõ ràng. Khi hát thánh vịnh, người ta thường thay đổi mode (điệu thức) theo mùa hay ngày lễ: Dorian cho mùa Vọng, Ionian cho mùa Giáng Sinh, Lydian cho Lễ Hiển Linh. Trong tiếng Việt, có lẽ chúng ta chưa quan tâm thay đổi các bộ lễ theo hướng sử dụng này. Cũng vậy, cách trình bày cũng có ý nghĩa và hiệu quả khác biệt. Ca hát đồng giọng phù hợp hơn hết để diễn tả sự đồng tâm nhất trí, trong khi đó hình thức ca hát đa âm hòa điệu lại trở thành hình ảnh của nhiều ơn gọi đặc thù nhưng hợp nhất được tìm thấy bởi sự hài hòa các ân huệ khác nhau. Việc đệm đàn trong mùa Chay cần theo nguyên tắc “chỉ được phép dùng phong cầm và các nhạc cụ khác để giữ giọng hát”[59] nhưng cũng nên hạn chế một số nhạc cụ hay âm sắc có thể lấn át đặc tính của mùa đặc biệt này. Thậm chí cùng một bài hát thì cách đệm đàn trong mùa Chay có thể khác với mùa Phục Sinh.

Những gợi ý trên đây có vẻ rườm rà và không thực tế nhưng chính là đòi hỏi của nghệ thuật cử hành để thánh nhạc thực sự là một dấu chỉ biểu tượng, liên kết hợp nhất với toàn bộ cử hành phụng vụ giống như các yếu tố khác. Thánh nhạc trở thành nghi lễ trong chính bản thân nó, một lễ nghi được thực hiện giữa lòng cộng đoàn và cho cộng đoàn.

IV. CỘNG ĐOÀN THAM DỰ VÀ CÁC YẾU TỐ KHÁC

Ngoài các thừa tác viên là những người có phận vụ riêng trong buổi cử hành, phần lớn còn lại của cộng đoàn phụng vụ cũng được mời gọi góp phần mình vào nghệ thuật cử hành qua việc tham dự một cách tích cực. Sự tham dự này không dừng lại ở lòng sốt sắng hay tâm tình, nhưng phải biểu lộ ra bên ngoài, nghĩa là người tham dự phải cộng tác vào việc cử hành bằng những lời tung hô, những câu đối đáp, những lời ca vịnh, những bài hát, hoặc làm những cử chỉ điệu bộ xứng hợp, hay là thinh lặng trong lúc cần thiết. Việc mọi người cùng đọc, cùng hát và thực hiện cùng nhau các cử chỉ điệu bộ phải giữ là dấu chỉ của sự hợp nhất giữa các thành phần của cộng đoàn Kitô hữu đang quy tụ để cử hành phụng vụ thánh: nó biểu lộ và khích lệ tâm hồn cũng như tình cảm của các người tham dự[60].

Tham dự tích cực vào phụng vụ một cách ý thức còn đòi hỏi người tín hữu phải hiểu những nghi lễ đang cử hành. Chỉ khi người ta hiểu diễn tiến các lễ nghi, ý nghĩa các nghi thức, các dấu phụng vụ, những từ ngữ, kiểu nói của Thánh Kinh, của lời nguyện, người ta mới có thể tham dự cách đầy đủ, và khi ấy người ta mới có thể đi sâu vào các mầu nhiệm đang cử hành. Vì thế, các mục tử, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, cần có chương trình đào tạo phụng vụ phù hợp cho đàn chiên của mình.

Cuối cùng, nghệ thuật cử hành còn phụ thuộc vào các yếu tố vật chất cần thiết cho nghi thức cũng như không gian phụng vụ. Khung cảnh cử hành Phụng vụ phải đẹp hài hòa xứng hợp với thực tại thiêng thánh. Tuy quan niệm về “cái đẹp” có thể mang tính chủ quan và bắt nguồn từ văn hóa, nhưng phẩm chất khách quan của cái đẹp chính là sự phản ánh Thiên Chúa là Đấng Chân-Thiện-Mỹ. Sự hài hòa trong việc cử hành Phụng vụ thánh được nuôi dưỡng và bảo vệ bởi các quy tắc phụng vụ mà mọi người buộc phải tuân giữ. Những quy tắc này liên quan đến chính nghi thức, lễ phục phụng vụ, các vật dụng thánh như chén, bình và các loại khăn; không gian thánh hay nhà thờ cùng các đồ vật, tượng ảnh trong đó, tất cả đều phục vụ vẻ đẹp của nghi thức hướng đến Chúa Kitô là Đấng toàn mỹ đang hành động trong nghi lễ cử hành. Việc giữ gìn sạch sẽ cũng như sắp đặt hài hòa và trật tự các yếu tố vật chất liên quan đến cử hành góp phần củng cố lòng kính trọng đối với các mầu nhiệm của Thiên Chúa, biểu lộ sự duy nhất của đức tin và củng cố lòng đạo đức[61].

Qua Tông thư Desiderio Desideravi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn “khơi dậy sự ngỡ ngàng thán phục trước vẻ đẹp của chân lý trong cử hành phụng vụ Kitô giáo”[62]. Trong phụng vụ, cái đẹp không phải là một thứ tùy tiện thêm vào; nét đẹp phụng vụ là con đường dẫn ta đến với Chúa, đồng thời là biểu hiện vẻ đẹp toàn mỹ của Chúa. Chính vẻ đẹp của Thiên Chúa mới là điều lôi kéo chúng ta đến với sự thánh thiêng, đi sâu vào mầu nhiệm và vinh quang của Chúa Kitô trên thập giá, được biến đổi hoàn toàn nhờ vẻ đẹp thần linh và tham dự vào sự viên mãn trọn vẹn của mầu nhiệm. Nghệ thuật cử hành, ars celebrandi, giúp người tín hữu nuôi dưỡng ý thức về sự thánh thiêng, cảm nhận nét đẹp của phụng vụ, thúc đẩy sự sùng kính và khao khát tham dự vào vinh quang Thiên Chúa.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 135 (Tháng 5 & 6 năm 2023)

--- Kết thúc ---

-----------------------------------------

[46] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (4/2017), số 5.

[47] Sacramentum Caritatis, số 42.

[48] x. Sacrosanctum Concilium, số 118.

[49] x. Sđd, số 29.

[50] Thánh Bộ Nghi Lễ, Musicam Sacram (1967), số 19.

[51] x. Sđd, số 24.

[52] x. QCSL, số 61.

[53] x. Sđd, số 102.

[54] x. Sacrosanctum Concilium, số 120.

[55] x. QCSL, số 103, 104.

[56] Augustino, Sermo 34,1: PL 38, 210.

[57] QCSL, số 111.

[58] x. Sacramentum Caritatis, số 42.

[59] x. QCSL, số 313.

[60] x. QCSL, số 42.

[61] x. Sacramentum Caritatis, số 41.

[62] Tông thư Desiderio Desideravi, số 62.

zalo
zalo