Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 219

NHẬN DIỆN ÐỨC KITÔ NGÀY HÔM NAY

NHẬN DIỆN ÐỨC KITÔ NGÀY HÔM NAY

 

Chúng ta đã suy niệm về việc gặp gỡ Ðức Kitô, qua việc tìm Ngài, thấy Ngài, lưu lại với Ngài. Chúng ta cũng đã nêu ra những nét lớn liên hệ tới sự hiện diện của Chúa ngày hôm nay : hiện diện trong Giáo Hội, trong lời Chúa, nơi con người và nơi vũ trụ. Hiện diện ở đó để chúng ta nhận ra và gặp gỡ.

 Ðề tài hôm nay còn gợi ra một vài suy nghĩ về việc nhận diện này, qua những khía cạnh cụ thể hơn của đời sống. Tôi dựa vào câu truyện hai môn đệ Emmau, được Phúc Âm Luca ghi lại (Lc 24,13-35). Chúng ta chắc đã biết hết diễn tiến câu truyện từ đầu đến cuối, vì hay được nhắc tới. Tôi chỉ nhấn mạnh những gì liên hệ đến đề tài thôi.

1. "Họ không nhận ra Người"

Luca viết :"Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người". Có thể vì hai người môn đệ này đang mải mê trao đổi và bàn cãi về những chuyện vừa xảy ra, liên hệ đến cái chết của Chúa, nên họ không lưu ý đến người thứ ba vừa nhập cuộc và đi bên họ. Nhưng đúng hơn, theo cách ghi nhận của Luca, thì chính mắt họ bị ngăn ngừa sao đó, khiến họ không nhận ra.

Thực sự, chẳng riêng gì họ không nhận ra. Tác giả Gioan đã viết ngay ở đầu sách Phúc Âm của mình : Thế gian đã không nhận ra Chúa. Người nhà đã không nhận ra Chúa (x.Ga 1,10-11).

Ðương nhiên không nhận ra là phải có lý do : có thể do mù quáng trong tội, có thể do mù quáng trong định kiến. Thế gian bị quyền lực Satan chế ngự, sống trong bóng tối. Trong khi đó, Ðức Kitô đến thế gian lại là sự sáng thực, sự sáng của Thiên Chúa cho nhân loại. Tuy sự sáng này chiếu soi vào giữa lòng bóng tối tội lỗi, để những ai đón nhận thì được ban quyền làm con Thiên Chúa. Nhưng những ai cố chấp ở lỳ trong bóng tối này, đối kháng lại ánh sáng, thì làm sao họ có thể nhận ra và tin Chúa? Ðó là mù quáng trong tội. Ðọc Phúc Âm, ta thấy Chúa cho nhiều kẻ mù được sáng mắt. Nhưng không có người mù nào tệ hơn là người không muốn thấy ánh sáng.

Chúng ta có giật mình khi nghĩ đến diều này không, khi chúng ta sống trong tội ? Ðiều đáng trách không phải là có tội. Không ai dám tự phụ mình vô tội, trừ ra một mình Ðức Giêsu. Nhưng chính vì tội ta mà Chúa đã thể hiện tình yêu cứu chuộc. Ngài đến tìm kiếm những gì hư đi, chứ không kêu gọi người công chính. Có điều, ta phải để Ngài yêu, đón nhận sự sống, ra khỏi vòng kiềm tỏa của bóng tối mà vào vương quốc sự sáng.

Khổ nỗi, có những người sống trong bóng tối mà không nhận như thế. Tội lỗi đầy mình mà nghĩ mình chẳng có tội nào. Vậy mới chết. Chứng cớ ư ? Có người xưng tội, sau bao nhiêu năm tháng xa toà giải tội, suy đi xét lại vẫn không thấy tội để xưng. Cơ hồ như tội ở đâu đó, ở nơi người khác chứ không ở nơi mình. Có lần Chúa nói : Nước Thiên Chúa không phải ở chỗ này chỗ kia, nhưng ở chính trong lòng các ngươi (x. Lc 17,21). Cũng có thể nói như thế về tội. Tội không ở chỗ này chỗ nọ, mà ở chính trong lòng ta. Cho hay, xa ánh sáng, ngay cả ý thức về mình cũng mù tối nữa.

Thế gian không nhận ra Chúa đã là một gương mù. Người nhà không nhận ra còn là gương mù tệ hơn. Người nhà là dân Do thái, dân riêng Thiên Chúa tuyển chọn. Theo họ, chỉ Lề Luật mới là ánh sáng, là phương tiện Thiên Chúa ban, để xoá tan bóng tối thiêng liêng của nhân loại, cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Nhưng qua những khẳng định sau này của Chúa (Ga 9,5 : Ta là sự sáng thế gian.), Chúa cho thấy chỉ mình Ngài, chứ không phải Lề Luật, có khả năng mang lại sự sống, vì Ngài là Thiên Chúa đích thân đến cứu con người.

Cả các môn đệ cũng không thoát khỏi định kiến cố hữu đã ăn sâu vào tâm trí, dù họ không cố chấp trong định kiến này. Họ đã nhiều lần được Chúa giải thích mà không hiểu. Họ biết Ngài từ Thiên Chúa mà đến. Họ nhận Ngài có quyền năng trong các phép lạ và lời giảng. Thì Môsê đã không tỏ ra là người có quyền năng trong lời nói và việc làm đó sao ? Trước đây, Môsê đã dùng quyền năng ấy giải thoát Israel ra khỏi Ai Cập. Bây giờ, họ hy vọng Chúa cũng dùng quyền năng giải thoát Israel lần này khỏi tay người Rôma. Vậy mà Chúa lại phải chết. Chao ôi ! lại chềt về tay người Rôma mới tội nghiệp !

Dù cái chết này, cũng như việc Chúa sống lại, đã được Ngài báo trước, nhưng họ đâu chịu nghĩ, đâu chịu hiểu, đâu có chấp nhận. Chỉ thấy chết là hết. Chỉ thấy ước mơ của mình tiêu tan. Càng hy vọng lắm, khi không thành tựu, càng thất vọng nhiều. Do đó mà họ buồn, sao cho khỏi ? Ðây cũng là tâm trạng của hai môn đệ Emmau. Ðịnh kiến, và thực tế phản lại định kiến, đã làm cho hai người không nhận ra người đang đồng hành với mình.

Nhưng người đồng hành này không ai khác hơn là chính Chúa Phục sinh đến với họ, chia sẻ tâm tư của họ, soi sáng cho họ, mà họ đâu có hay. Cũng như bây giờ Ngài vẫn ở bên ta, mà ta không nhận ra Ngài.. Ngài luôn là người cứ phải đứng sau vách nhà, rình bên kia hàng giậu mà đằng hắng, như người tình trong sách Diễm ca (2,9-10). Ngài vẫn làm hiệu, mong cho ta nhận ra. Ngài muốn gõ cửa, mong cho ta mở. Nhưng làm sao Ngài có thể gõ, khi ta cột chó dữ ở ngoài, không mang chó đi, không thèm để ý, vì cứ tưởng Ngài đã chết và thuộc về dĩ vãng rồi.

Dù tin Ngài đã sống lại, không ít người cho rằng Ngài đã lên trời, yên vị bên hữu Chúa Cha, ngày phán xét mới lại xuống thế. Giữa họ và Chúa lại xa vời như trước. Ðâu lại hoàn đấy. Ở trần gian, người ta giữ đạo như giữ một mớ những quy tắc được Chúa và Giáo Hội dạy, mong ngày sau Chúa thưởng công và cho sống đời đời. Những ý nghĩ thiếu sót và sai lạc như vậy không phải là hiếm đâu.

Ðể giúp cho hai môn đệ Emmau ngày xưa, cũng như cho chúng ta ngày nay, nhận ra sự hiện diện của mình, Chúa đã hành động.

2. "Và họ nhận ra Người"

* Từ chỗ không nhận ra đến chỗ nhận ra, chuyện không xảy đến cái rụp. Có cả một quá trình, một thời gian và những dấu chỉ. Không cần vội vàng. Thiên Chúa vốn nhẫn nại với con người. Mấy nghìn năm chuẩn bị cho người ta đón chờ Ðấng Cứu thế còn chưa sao, huống hồ một hành vi mạc khải riêng rẽ. Thiên Chúa có đường lối dẫn dắt và sư phạm của Ngài. Nào, thử coi Ngài hành động ra sao.

Ngài không nói thẳng với hai môn đệ Emmau: "Chính là Ta", như đã trả lời cho người Do Thái (Ga 8,15). Chính là Ta mà các ngươi đã thấy trước. Chính là Ta đã chết nay đã sống lại. Nói thế dễ quá. Và chưa chắc làm cho hai người xác tín. Họ đã kể lể dài dòng những thắc mắc của họ, khiến bị Chúa trách là ngu độn và lòng trí chậm tin. Thì Chúa cũng dài dòng giải đáp những thắc mắc ấy, để soi sáng trí lòng họ và giúp họ tin.

Họ đã kể lể những gì ? Kể những điều mà Phêrô sẽ tóm tắt trong bài giảng đầu tiên cho dân chúng sau ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,22). Các dữ kiện có hết : việc Chúa bị bắt và bị xử, bị đóng đinh và chết, cả những gì họ đã nghe biết hôm ấy về ngôi mộ trống và lời các chứng nhân thuật lại. Có điều họ không hiểu được lý do vì sao lại xẩy ra như vậy. ÐHY Martini gọi đoạn văn này là "lời công bố TM chưa đầy đủ"(kérygme incomplet). Chưa đầy đủ, vì chỉ ghi nhận sự kiện, mà không giải thích được sự kiện. Tất cả hãy còn như đống xương khô (Ez 37), rời rạc, chưa có Thần Khí thổi vào để ráp khớp với nhau mà sống lại. Vì không tìm ra manh mối, không lý giải được, không thấy bàn tay Thiên Chúa trong những sự việc này, nên họ mới bị trách là ngu độn và chậm tin.

Ðến lượt Chúa bắt đầu làm nhiệm vụ cứu độ của mình. Trách họ xong, Ngài nói: "Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?" Tức là Chúa đi ngay vào trọng tâm vấn đề đang làm họ thắc mắc. Tiếp theo là dẫn giải. "Bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh".

Chúng ta không rõ Chúa dẫn giải thế nào, lúc cả ba còn đi trên đường. Chỉ biết rằng sau đó hai người nói: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?" Nếu như vậy, chỉ trong một thời gian nhất định, hẳn Chúa đã phải gợi lên những gì quan trọng và sống động nhất trong Kinh Thánh, có liên hệ nhất với Ngài, trong đó dĩ nhiên có Lề Luật và các Ngôn sứ, là những yếu tố chủ chốt của Kinh Thánh, và cũng là những gì quen đọc trong phụng vụ hội đường (x.Cv 13,15).

Ðược nghe dẫn giải, tâm trí cả hai dần dần thay đổi. Họ từ bỏ quan điểm của mình để đi vào quan điểm của Thiên Chúa biểu lộ trong những gì Sách Thánh nói. Tuy họ chưa nhận ra người đang nói với mình là ai, nhưng họ đã thấy đấng mà người đó nói đến là đấng nào : là Ðấng Cứu Thế đã được Sách Thánh tiên báo. Lúc này, họ đã mở lòng đón nhận lời giải thích. Rồi sau, họ sẽ mở mắt nhận ra người giải thích.

* Cả ba tới làng Emmau, là nơi hai môn đệ định tới. Họ mời Chúa ở lại với họ vì trời đã tối, và ăn tối với họ. Ăn chung cũng là một cách đồng hành (compagnon=cum + panis). Khi ngồi ăn với họ, Chúa "cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người".

Rembrandt, một họa sĩ nổi tiếng người Hòa Lan (thế kỷ 17) đã vẽ lại cảnh này như sau : Chúa cầm bánh, ngồi giữa hai người. Chúa ở giữa ánh sáng chan hòa, còn chỗ hai người hơi khuất tối. Lại là dịp làm ta nhớ điều Gioan đã viết về Ngôi Lời là sự sáng rạng trong tối tăm. Càng rạng sáng, vì đây là ánh sáng của Ðấng Phục sinh. Hai môn đệ ở trong bóng tối, nhưng ánh sáng của Chúa bừng lên soi chiếu họ, để họ nhận ra Ngài. (Rembrandt nổi tiếng qua những bức tranh với kỹ thuật sáng tối tương phản. Trong những tuyệt tác của ông lấy hứng từ Kinh Thánh, có thể kể : Tôbia và gia đình, người Samari nhân hậu, hai môn đệ Emmau.)

Tuy nhiên ở đây, ánh sáng của Chúa, nếu có, như nét vẽ của họa sĩ, cũng chỉ như những lời Chúa dẫn giải Kinh Thánh trước đó, nghĩa là có tính cách chuẩn bị cho việc họ nhận ra Chúa thôi. Còn họ nhận ra là nhận ra qua những cử chỉ Chúa làm : cầm bánh, chúc tụng, bẻ ra trao cho họ. Những cử chỉ này làm ta liên tưởng đến những hành vi được thực hiện trong cử hành Thánh Thể. Tuy không chắc Chúa đã có ý cử hành Thánh Thể trước mặt họ (theo ý kiến của nhiều nhà chú giải), nhưng dù sao, những cử chỉ này cũng gợi lại cho hai người một kinh nghiệm đã sống, một kinh nghiệm mà họ đã biết về Chúa trước đây.

Khi làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều để nuôi dân chúng, Chúa đã có cung cách của một người chủ, cũng cầm bánh, cũng chúc tụng, cũng bẻ ra trao cho các môn đệ để phân phát cho dân. Trong bữa Tiệc Ly, mà hẳn họ đã được nghe các Tông đồ thuật lại, cùng một cung cách đó. Và bây giờ đây, trước mặt hai người, lại cũng cung cách đó. Sao mà giống nhau quá! Rõ ràng Chúa là khách, họ là chủ. Nhưng Ngài lại hành động như chủ nhà : cầm bánh, chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Chính cái cung cách và cử chỉ trước sau như một của Chúa đã làm cho họ mở mắt, giúp họ nhận ra Chúa. Họ nhận ra vì đã biết. (Pascal viết một câu như trái ngược: "Ðể có thể biết (connaitre), tiên vàn phải nhận ra (reconnaitre)". Nhận ra trước, biết sau. Có thể áp dụng trong trường hợp, chẳng hạn, chàng và nàng, qua tiếng sét ái tình, nhận ra người này là cho người kia, trước khi biết nhau thực. Dĩ nhiên sau đó phải tìm cách biết nhau, chứ sau tiếng sét rồi, đường ai nấy đi, thì nước non gì. Sấm với chả sét!).

Bình thường, biết đã mới có thể nhận ra. Cần lưu ý điều này khi dạy giáo lý cho trẻ em. Phải cố gắng dạy cho chúng biết. Người ta nhận ra khi người ta sẵn sàng muốn biết. Một đứa trẻ được dạy đạo từ bé, có kinh nghiệm về Thiên Chúa tiên vàn ở chỗ biết Ngài, biết Thiên Chúa là ai. Lớn lên, nó sẽ nhận ra Thiên Chúa trong đời sống nhờ kiến thức và kinh nghiệm về Chúa mà nó đã có khi còn bé. Phần nhiều những trẻ nào không biết Thiên Chúa từ bé, lớn lên khó có thể nhận ra Ngài. Tuy vậy, cho dù biết Thiên Chúa qua giáo lý, nhưng nếu không có sự hoán cải, người ta vẫn mù quáng, không thể nhận ra Chúa Kitô hằng sống.

Với hai môn đệ Emmau, nhận ra Chúa là nhận ra Ðức Giêsu mà họ thấy đã chết, nay đang sống ở trước mặt mình. Và đây là một khám phá mới. Trước kia, họ chỉ thấy Ngài là một ngôn sứ quyền năng. Rồi thấy Ngài bị nộp, bị xử, bị đóng đinh, và được an táng trong mộ. Nay họ thấy Ngài đã đến, đi với họ, nói với họ, đồng bàn với họ, tức là Ngài đã sống lại và đang sống.

Khám phá này cũng cho hai người thấy : trước đây, họ chỉ biết Chúa theo xác thịt, dựa vào giác quan. Biết như vậy cũng y như có mắt mà không nhìn, có tai mà không nghe. Không phải vì Ngài giấu họ hoặc không nói cho họ. Về cuộc Khổ Nạn chẳng hạn, Ngài đã chẳng báo trước hai ba lần đó sao? Nhưng chính vì lòng trí họ điều khiển giác quan, bắt giác quan cung cấp những gì lòng trí mong chờ. Họ đã mong gì? Mong một Ðấng Cứu Thế theo kiểu thế gian. Bởi vậy, họ đã không nhận ra con người thật của Ngài. Ðó là trước. Nay, họ cũng như chúng ta, không còn nhìn Ngài theo xác thịt nữa, thì rõ ràng Ngài là Ðấng Cứu Thế, là Ðấng phải chịu khổ nạn rồi mới vào vinh quang.

Ðể giúp họ nhận ra mình, Chúa đã dùng lời nói và các dấu chỉ. Ðây là những dấu chỉ mà ngày nay Giáo Hội vẫn sử dụng, để giúp chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa, đặc biệt trong Phụng vụ. Dấu chỉ là một thực tại hữu hình giúp chúng ta biết một thực tại khác chưa được biết. Lời Chúa giải thích cho hai người là một dấu chỉ, qua đó họ biết chương trình của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Giêsu Kitô. Hành vi bẻ bánh. cũng là dấu chỉ, nhờ đó họ biết người đang bẻ bánh là ai. Những dấu chỉ này thuộc vào số những dấu chỉ chính yếu trong Thánh lễ.

Trong bữa ăn hôm nay, rõ ràng Luca muốn sử dụng từ vựng Thánh Thể, nhằm giúp chúng ta, những người đọc câu truyện, cảm thấy hành vi bẻ bánh trong Thánh lễ làm cho ta được gặp gỡ Ðức Kitô Phục sinh, như trường hợp của hai môn đệ Emmau. Mong rằng mỗi khi tham dự Thánh lễ, được nghe lời Chúa, lòng chúng ta cũng bừng lên vì biết Chúa đang hiện diện nói với ta; được chia sẻ bánh thánh, mắt chúng ta cũng mở ra, để biết Chúa Kitô hiện diện muốn hiệp thông với ta, và ban cho ta sự sống.

3. "Xin cho mắt chúng con được mở ra" (Mt 20,33)

Luca viết :"Họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất". Hai sự kiện gắn liền với nhau trên đây, có thể nói, là cao điểm của trình thuật. Họ thì nhận ra, còn Chúa thì biến đi. Chúa hiện đến với hai người, giúp họ nhận ra Ngài, điều này chỉ là để bảo đảm cho họ rằng cuộc Khổ Nạn không làm họ mất Ngài. Cũng là để cho họ hiểu rằng, từ đây, thông thường Ngài sẽ không còn hiện diện hữu hình nữa.

Chúa biến đi không phải để đến một nơi nào khác, nhưng để ẩn vào thế giới của Ngài, thế giới vô hình bao bọc họ. Con mắt xác thịt không thấy Ngài nữa, nhưng con mắt đức tin biết Ngài đang sống và hiện diện, không ở đâu xa, mà ở ngay trong lòng họ đang bừng bừng yêu mến. Con mắt đức tin sẽ giúp họ nhận diện Chúa qua các dấu chỉ, như họ đã nhận ra Ngài trong cử chỉ bẻ bánh.

Chúa đã dạy hai môn đệ Emmau bài học nào, Ngài cũng dạy chúng ta hôm nay bài học ấy : mở mắt nhận diện Chúa qua cac dấu chỉ, qua những hình thức trung gian.

Trong bài suy niệm trước, chúng ta đã nói đến một số hình thức trung gian chính. Và chúng ta cũng vừa nhấn mạnh hình thức trung gian trong Thánh lễ là lời Chúa và Thánh Thể. Thế nhưng đời sống của ta không chỉ đóng khung trong Phụng vụ. Dù là tột đỉnh và nguồn mạch của mọi hoạt động (PV 10), Phụng vụ vẫn chỉ chiếm một phần thời gian ngắn so với cả cuộc sống kéo dài. Thế nên, nhận diện và gặp gỡ Chúa trong Phụng vụ không đủ, còn phải làm việc này qua những dấu chỉ của đời sống nữa. Không kể những gì đã đề cập trong bài trước, tôi muốn nói riêng một khía cạnh thực tế ít được lưu ý và suy nghĩ : nhận diện Chúa trong các sinh hoạt và biến cố của đời thường.

Thấy một bông hồng nở giữa bụi gai, chúng ta nghĩ ngay phải có một cây hồng mọc trong đó. Cũng vậy, khi thấy những giá trị Phúc Âm nẩy nở giữa cuộc đời, chúng ta được đức tin cho hay : Ðức Kitô đang ở đó cách mầu nhiệm, để hoạt động trong tâm hồn con người. Khi thấy nơi một người, một môi trường, một tổ chức. có bóng dáng một chút tình yêu, công bình, tự do, hiệp nhất., ta biết Ðức Kitô đang ở đó, hiện diện bằng hành động của Ngài.

Thậm chí khi thấy tội nơi ta, nơi người khác, trên thế giới, ta cũng hiểu rằng Ðức Kitô đang ở đó để hành động. Ngài ở đó vì Ngài là Ðấng Cứu độ, luôn tìm kiếm những gì hư mất, đã gánh lấy tội mọi người, đã chuộc tội mọi người. Ngài đã thực hiện việc cứu chuộc hoàn hảo cách đây 2000 năm. Và ngày nay, ơn cứu độ còn tiếp tục trải rộng đến bất cứ nơi nào có tội lỗi hoành hành. Phaolô viết trong thư Rôma: "Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5,20). Ơn siêu bội ở nơi tội lan tràn, tức là Ðức Kitô đang hành động và hành động nhiều ở đó. (Nhà viết tiểu sử thánh nữ Catarina Siêna đã ghi lại cuộc đối thoại giữa thánh nữ và Chúa như sau : - Lạy Chúa, khi con bị cám dỗ thì Chúa ở đâu ? - Ta vẫn ở đây. - Chúa mà ở giữa những tội lỗi xấu xa của con sao ? - Ta vẫn ở giữa đó để giúp con).

Một cái nhìn thoáng qua như thế đủ cho thấy sự hiện diện của Ðức Kitô có tính cách bao trùm như thế nào, và chúng ta phải nhận diện Ngài ra sao.

Một cách cụ thể hơn, Chúa hiện diện trong các sự kiện, các biến cố, ở nơi ta, chung quanh ta và trên thế giới. Thường ra, ta chỉ để ý đến những gì xẩy ra nơi mình hay chung quanh mình, trong một phạm vi tương đối nhỉ hẹp. Một sự kiện xẩy ra ngoài Bắc đã là xa lạ. Một sự kiện xẩy ra trên thế giới, như ở Trung Ðông, lại càng xa lạ hơn (Xét về khía cạnh thông tin, lắm khi những sự kiện đó được chúng ta biết nhiều qua báo đài, hơn là những gì xẩy ra ngay trong khu phố).

Mỗi biến cố đều là một dấu chỉ và lời mời gọi của con người, đồng thời cũng là một dấu chỉ và lời mời gọi của Chúa. Chúa ra dấu cho ta trong biến cố ấy. Ngài mời gọi ta tỏ thái độ, hành động hiệp thông với hành động của Ngài. Biết nhìn tới biến cố, tức là biết chú ý tới con người và Thiên Chúa. Biết hiện diện trong biến cố, dù chỉ bằng tâm hồn, tức là tỏ ra sẵn sàng cho con người và Thiên Chúa. Góp hành động của mình nếu có thể, tức là biết cống hiến tình yêu của mình cho con người và Thiên Chúa.

Tôi lấy ví dụ : xem TV hay đọc báo nghe đài, thấy có bão lụt ở tỉnh này tỉnh nọ, gây thiệt hại nặng về của và người, tôi thấy ở đó lời mời của Thiên Chúa kêu gọi tôi nhìn đến, quan tâm, hành động, ít nhất bằng lời cầu nguyện, hoặc bằng cách chia sẻ, cứu trợ. (Vào một năm nọ, sau một trận bão, tôi đã được chứng kiến một cảnh tượng thật cảm động ở Nha Trang. Hôm ấy trời mưa tầm mưa tã. Ðường xá dơ ơi là dơ! Nếu không có việc, chẳng ai dại gì bước chân ra ngoài nhà. Vậy mà có một tốp khoảng chục em học sinh nhỏ, đầu đội nón, mặc áo mưa, đi hết nhà này sang nhà khác. Em đi đầu cầm một tấm bảng nhỏ. Em đi sau cầm một hộp đựng tiền. Tới mỗi nhà, các em đứng lại đọc thuộc lòng những câu đã học ở trường : "Thương người như thể thương thân", "Bầu ơi thương lấy bí cùng.". Bài học luân lý được áp dụng cụ thể ngay trên đường phố. Các em làm gì vậy ? Quyên tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt đó! Tôi có cảm tưởng : giữa bầu trời xám xịt ảm đạm, các em đã sáng lên hơn bao giờ hết. Ðối với ta, biết lời mời gọi của Chúa qua các biến cố, ta cũng phải có cách đáp ứng nào đó).

Mỗi biến cố đều có một ý nghĩa sâu xa. Mỗi biến cố, dù nhỏ nhất, cũng đều tác động trên mọi người. Cũng như mỗi tội dù nhỏ, dù phạm ở đâu, dù do ai phạm, cũng đều góp phần làm ô nhiễm môi sinh đạo đức của con người. Ðừng bao giờ nói: "Cần gì phải để ý ba cái chuyện ở mãi đâu đâu", "Chuyện đó rồi cũng qua thôi", "Nó chả liên hệ gì tới tôi cả", "Tôi đâu làm được gì". Người kitô hữu không được nói như vậy. Từ ngày có công trình cứu độ của Chúa, một thế giới mới đã hình thành, nơi Nước Thiên Chúa đang tăng trưởng, nơi nhân loại đang dần dà trở nên một Thân thể. Chính Ðức Kitô mầu nhiệm đang lớn lên trong đó, xuyên qua mọi tạo vật, mọi con người, mọi biến cố và hành động của con người. Dấn thân vào đó bằng một cách phù hợp với khả năng và điều kiện của mỗi người, tức là biết nhận diện Chúa trong đó, muốn gặp gỡ Ngài, hiệp thông với hành động của Ngài đang được thực hiện trong đó.

Phải nhận rằng đây là việc không dễ. Ðể giải thích dấu chỉ của Thiên Chúa trong đời sống, cần có ánh sáng đức tin. Nhờ ánh sáng đức tin, ta sống kinh nghiệm liên lạc với Ðức Kitô Phục sinh như một "cuộc đối diện trong bóng tối", nói theo kiểu thánh Gioan Thánh Giá. Không thấy người đối diện, nhưng biết chắc người đó hiện diện. Không thấy Chúa đối diện, nhưng biết chắc Chúa hiện diện. Cũng cần không ngừng khám phá trong Phúc Âm cung cách và hành động của Chúa, và cộng tác với người khác.

*

Người ta vẫn gọi Ðạo là Ðường. Ðó là theo gốc chữ Hán. Theo một cách giải thích từ gốc la tinh, Ðạo là liên kết con người và thế giới với Thiên Chúa (religio : religare, relier). Ði đạo là chúng ta có ý hướng sống mối tương giao này trong cả cuộc đời, nhờ Ðức Kitô là Ðấng Trung Gian duy nhất. Vậy để có thể thực hiện mối tương giao này, phải nhận diện và gặp gỡ Ðức Kitô mọi lúc và mọi nơi, không chỉ trong phụng tự là lúc mối tương giao này thể hiện cách đặc biệt, mà còn ngay giữa lòng cuộc sống cụ thể, mà mỗi người chúng ta được sai đến.

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

Nguồn: simonhoadalat.com

zalo
zalo