Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 69

NHỮNG HOA TRÁI CỦA LÒNG HOÁN CẢI. (1)

NHỮNG HOA TRÁI CỦA LÒNG HOÁN CẢI.

Chú giải Tin Mừng CN III MV C (Lc 3,10-18)

 

Bản văn và bản dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

10 Καὶ ἐπηρώτων αὐτὸν οἱ ὄχλοι λέγοντες· τί οὖν ποιήσωμεν;

 

11 ἀποκριθεὶς δὲ ἔλεγεν αὐτοῖς· ὁ ἔχων δύο χιτῶνας μεταδότω τῷ μὴ ἔχοντι, καὶ ὁ ἔχων βρώματα ὁμοίως ποιείτω.

 

12 ἦλθον δὲ καὶ τελῶναι βαπτισθῆναι καὶ εἶπαν πρὸς αὐτόν· διδάσκαλε, τί ποιήσωμεν;

 

13  ὁ δὲ εἶπεν πρὸς αὐτούς· μηδὲν πλέον παρὰ τὸ διατεταγμένον ὑμῖν πράσσετε.

 

 

14 ἐπηρώτων δὲ αὐτὸν καὶ στρατευόμενοι λέγοντες· τί ποιήσωμεν καὶ ἡμεῖς; καὶ εἶπεν αὐτοῖς· μηδένα διασείσητε μηδὲ συκοφαντήσητε καὶ ἀρκεῖσθε τοῖς ὀψωνίοις ὑμῶν.

 

15  Προσδοκῶντος δὲ τοῦ λαοῦ καὶ διαλογιζομένων πάντων ἐν ταῖς καρδίαις αὐτῶν περὶ τοῦ Ἰωάννου, μήποτε αὐτὸς εἴη ὁ χριστός,

 

16 ἀπεκρίνατο λέγων πᾶσιν ὁ Ἰωάννης· ἐγὼ μὲν ὕδατι βαπτίζω ὑμᾶς· ἔρχεται δὲ ὁ ἰσχυρότερός μου, οὗ οὐκ εἰμὶ ἱκανὸς λῦσαι τὸν ἱμάντα τῶν ὑποδημάτων αὐτοῦ· αὐτὸς ὑμᾶς βαπτίσει ἐν πνεύματι ἁγίῳ καὶ πυρί·

 

17 οὗ τὸ πτύον ἐν τῇ χειρὶ αὐτοῦ διακαθᾶραι τὴν ἅλωνα αὐτοῦ καὶ συναγαγεῖν τὸν σῖτον εἰς τὴν ἀποθήκην αὐτοῦ, τὸ δὲ ἄχυρον κατακαύσει πυρὶ ἀσβέστῳ.

 

18 Πολλὰ μὲν οὖν καὶ ἕτερα παρακαλῶν εὐηγγελίζετο τὸν λαόν. (Lk 3:10-18 BGT)

10 Và đám đông hỏi ông, nói rằng: “Còn chúng tôi phải làm gì?

 

11 Để trả lời, ông nói cùng họ: “Ai có hai áo, hãy chia sẻ cho người không có, và ai có thức ăn cũng hãy làm tương tự.

 

12 Và những người thu thuế đến để chịu Phép Rửa và nói cùng ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”

 

13 Ông nói cùng họ: “Đừng thu cho mình nhiều hơn những gì đã được ấn định”.

 

14 Những quân nhân cũng hỏi ông và nói rằng: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Và ông ta nói cùng họ: “Đừng tống tiền ai cũng đừng lừa gạt ai, hãy bằng lòng với đồng lương của mình.

 

15 Khi dân đang trông chờ và tất cả tự hỏi về ông Gioan, liệu có phải ông là Đấng Kitô?

 

 

16 Để trả lời, Gioan nói cùng tất cả: “Tôi dìm anh chị em bằng nước, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi đang đến, tôi không xứng cởi quai dép của người, Người sẽ dìm anh chị em trong Thánh Linh và lửa

 

 

17 Cây gảy lúa trong tay Người để làm sạch lúa đã đạp của Người và để thu gom lúa vào kho của Người, còn trấu Người đốt đi với lửa không hề tắt.

 

18 Ông còn khuyến khích nhiều điều khác, và cứ rao giảng tin mừng cho dân.

 

Bối Cảnh:

Đoạn Lc 3,10-18 như là một minh họa cụ thể cho sứ vụ rao giảng Phép Rửa của sự hoán cải được giới thiệu trong Lc 3,1-6. Trong Lc 3,3-5, tác giả đã giới thiệu Gioan như là một vị ngôn sứ thời cánh chung. Ông được Chúa mời gọi với sứ mạng là rao giảng và làm Phép Rửa của lòng hoán cải. Ơn gọi của ông đã được tiền báo trong sách ngôn sứ Isaiah (Is 40,3-5) như là một tiếng người hô vang, kêu gọi người ta chuẩn bị một con đường cho Chúa và làm thẳng thắn lối đi của Người. Đoạn Lc 3,10-18 kể về cảnh ông đang làm Phép Rửa ở sông Giorđan và những phản ứng cụ thể của những nhóm người cụ thể. Đây là những nhóm người muốn khởi đầu tiến trình hoán cải bằng những hành động cụ thể. Gioan chỉ cho từng nhóm người, tầng môi trường làm việc một chỉ dẫn cụ thể. Đoạn văn này cũng giải đáp thắc mắc trong lòng dân chúng về căn tính của chính Gioan. Qua đó, ông giới thiệu cho mọi người Đấng Kitô và sứ vụ của Người. Chủ đề Phép Rửa nối kết chặt chẽ với đoạn trước Lc 3,3-5, nói về Phép Rửa của lòng hoán cải để được ơn tha thứ. Nhân vật những người thu thuế đến với Gioan, báo trước những người thu thuế gần gũi với Đức Giêsu trong Tin Mừng Luca (Lc 5,27.29.30; 7,29.34; 15, 1; 18, 13; 19, 2) và Tin Mừng khác (Mt 21,31-32). Phép Rửa trong Thánh Linh nhắc nhớ đến biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-4), đồng thời cũng nhắc đến tác động của Thánh Linh trên cuộc đời của Đức Kitô và các môn đệ. Hình ảnh “lửa không hề tắt” như hình phạt chung cuộc được lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng Nhất Lãm. Hình ảnh “lửa” trong phép rửa bằng “lửa” liên tưởng đến việc Đức Giêsu ném lửa vào mặt đất (Lc 12, 49). Cuối cùng, hành động “rao giảng tin mừng” của Gioan phản ánh sứ vụ của Đức Giêsu và các môn đệ.

Cấu Trúc

(I) Lộ trình hoán cải: Đám đông; những người thu thuế; quân nhân (3,10-14)

Đám đông: Chia cơm & sẻ áo (3,10-11)

Những người thu thuế: Đừng thu nhiều hơn số đã được ấn định (3,12-13)

Những quân nhân: “Đừng tống tiền, đừng lừa gạt ai, bằng lòng với đồng lương (3, 14)

(II) Phân biệt giữa Gioan và Đấng Kitô (3,15-18)

Gioan: Dìm bằng nước

Đấng Kitô: Quyền năng hơn

Gioan: Không xứng cởi quai dép của Đấng Kitô

Đấng Kitô: Dìm trong Thánh Linh và lửa

Đấng Kitô:làm sạch lúa

Thu gom lúa vào kho

Đốt trấu bằng lửa không hề tắt

Kết: Ông còn khuyến khích nhiều điều khác, và cứ rao giảng tin mừng cho dân (3, 18).

Một số điểm chú giải

1.     Đám đông (οἱ ὄχλοι): Từ ngữ “đám đông” (số nhiều) được nhắc dến trước đó: “Những đám đông đến với ông để được ông làm phép dìm” (3, 7). Ông đã nói cùng những đám đông này là “hãy sinh trái đi kèm với lòng hoán cải, và đừng bắt đầu nói rằng chúng tôi có cha chúng tôi là Ápraham”. Sự liên hệ giữa Ápraham và những đám đông này cho thấy họ là những người Do Thái. Từ ngữ “những đám đông” hỏi Gioan: “Vậy thì, chúng tôi phải làm gì?” (3, 10) có mạo từ xác định dường như muốn lặp lại đám đông trước đó. Có thể hiểu đám đông trước đó được mời gọi “sinh hoa trái đi kèm với lòng hoán cải” giờ đây họ muốn biết cụ thể hoa trái mà họ phải sinh là những gì. Câu hỏi “chúng tôi phải làm gì?”  được lặp lại 3 lần cho bởi cả ba nhóm người, biểu hiện một ý muốn bắt đầu những hành động hoán cải thật sự kéo theo hành động dìm trong nước. Điều này là biểu hiện cụ thể của hình ảnh tượng trưng, trong lời mời gọi tiên khởi trích từ sách ngôn sứ Isaiah: “Hãy chuẩn bị con đường cho Chúa, làm cho thẳng lối đi của Người; Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy và mọi đồi núi sẽ được san bằng, những điều quanh co trở nên thẳng tắp, những điều gồ ghề thành đường trơn tru” (Is 40,3-5; Lc 3,3-5). Đó là hành trình hoán cải, thay đổi trí lòng theo lời mời gọi của Gioan.

2.     Hai áo … thức ăn: “Cơm ăn và áo mặc” là hai nhu cầu căn bản của con người. Gioan mời gọi những đám đông quan tâm đến nhu cầu căn bản của những người khác. Đây là hai hình ảnh tượng trưng cho tất cả những nhu cầu căn bản của con người. Trong thế giới cổ xưa cách “mặc” nói lên con người. Người Việt cũng có câu “người đẹp vì lụa” hay “y phục xứng kỳ đức”. Một người thể hiện chính mình ở cách ăn mặc. Anh ăn mặc thế nào thì thể hiện con người anh thế ấy. Tuy nhiên, nếu chạy theo thời trang và vẻ bề ngoài quá đáng người ta có nguy cơ sống ảo và chỉ còn về ngoài mà thôi. Đơn giản hóa việc mặc, giảm thiểu áo thể hiện một lối sống đơn giản không phụ thuộc vào những trang hoàng bề ngoài. Nhân cách, tính người, mới là những cái thể hiện giá trị con người cách đích thực nhất. Có nhiều dân tộc trên thế giới không mặc quần áo và như thế cái đẹp, cái bảo đảm về y phục càng không ảnh hưởng gì đến con người của họ. Đức Giêsu dạy “đừng bận tâm cho mạng sống lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (6, 25). Những bận tâm quan trọng nhất là bận tâm về “Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” (6, 33). Chỉ thị quan trọng dành cho những sứ giả Tin Mừng là “đừng mặc ai áo” (Mt 10, 10). Quá bận tâm đến chuyện áo mặc làm cho sứ giả không còn tâm trí cho những giá trị Tin Mừng mà họ rao giảng. Gioan Tẩy Giả sống trong sa mạc và chỉ mặc áo lông lạc đà và ăn những đồ ăn từ thiên nhiên (Mc 3,4.6). Rõ ràng, ông đã đơn giản hóa nhu cầu cuộc sống trước khi hướng dẫn người khác.

3.     Hãy chia sẻ … hãy làm tương tự: Những hành động cần thiết nhất trong tiến trình “hoán cải” là “chia sẻ”. Chia sẻ là một biểu hiện cụ thể của một người có tình yêu, sự quan tâm, nhạy cảm với nhu cầu của anh chị em bên cạnh mình và quảng đại cho đi. “Ai có hai áo thì chia sẻ cho người không có.” “Người hoán cải” được mời gọi nhìn thấy, nhận biết ai không có áo để chia sẻ cho họ. Họ cũng được mời gọi nhìn thấy cảm thương với những ai không có thức ăn, đang đói kém để rồi quảng đại chia sẻ với họ những gì mình có. Thật ngạc nhiên khi Gioan không mời gọi dâng lễ vật đền tội hay một thực hành khổ hạnh như mặc áo nhặm, rắc tro lên đầu, hay đi vào sa mạc như chính lối sống của ông. Điều Gioan muốn nhấn mạnh ở đây là thay đổi về luân lý và quan tâm đến nhu cầu của người khác[1]. Điều này phù hợp với lời dạy của Đức Giêsu về điều răn tối cao trong toàn bộ Lề Luật: “Yêu thương người thân cận như chính mình” (Lv 19,18; Mt 22,39; Mc 12,31.33)[2]. Điều này cũng phù hợp với giáo huấn của Đức Giêsu được Luca ghi lại: “Ai đoạt áo ngoài của anh thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh thì đừng ngoảnh mặt đi” (Lc 6,29b-30). Đức Giêsu cũng quan tâm đến cái đói của những đám đông theo Người và đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để cho họ ăn no nê (Lc 9,10-17; Mt 14,13-21; Mc 6,34-44). Đức Giêsu khuyên một thủ lãnh giàu có “hãy đi bán tất cả những gì anh có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời” (Lc 18, 22). Đức Giêsu của Luca cũng dạy “hãy bán tài sản của mình đi mà làm phúc bố thí” (Lc 12, 330). Luca cũng là tác giả duy nhất ghi lại tiến trình hoán cải tuyệt vời của Giakêu, thủ lãnh những người thu thuế, trong đó Giakêu đã dâng phân nửa tài sản của mình cho người nghèo (Lc 19,1-10). Hơn nữa, sách Công Vụ (tác giả Luca) ghi lại một cộng đoàn huynh đệ chia sẻ với nhau, để rồi không ai trong cộng đoàn thiếu thốn điều gì vì tất cả những người có ruộng đất, nhà cửa đều bán đi, lấy tiền và đem đặt dưới chân các Tông Đồ, tiền ấy được phân phát cho mỗi người” (Cv 5,34-35). Đó quả là một lý tưởng tuyệt vời về sự hoán cải, một sự hoán cải bằng tình yêu và quan tâm dành cho nhau, để làm nên một cộng đồng hoán cải chứ không phải một mình ai. Lời mời gọi chia cơm sẻ áo nào là tiêu chuẩn chính yếu mà vua Giêsu sẽ áp dụng để quyết định cấp visa cho công dân Nước Trời vĩnh viễn: “Khi ta đói các ngươi cho ăn, khi Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc…” (x. Mt 25,31-46).

Trong bối cảnh của dụ ngôn nói về ngày phán xét của Mátthêu vừa đề cập, một khía cạnh nữa mà chúng ta có thể nói trong lời khuyên này của Gioan Tẩy Giả. Đó là khía cạnh tội lỗi thiếu xót. Tội lỗi thiếu xót là khi một người biết điều tốt mà không làm. Trong “Kinh Thú Nhận” hối nhân thú nhận cả “những điều thiếu xót” (“tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng lời nói, việc làm, và những điều thiếu xót”). Thánh Giacôbê nói rằng: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không làm thì mắc tội” (Gc 4, 17). Giacôbê cũng nói thêm rằng: “Nếu ai trong anh em nói với những người anh chi em không có cơm ăn áo mặc là hãy đi bình an, ăn cho no, mặc cho ấm mà chẳng cho họ những thứ thân xác họ đang cần thì chẳng có ích gì” (Gc 2, 16). Thánh Gioan thì nói rằng: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu mà chẳng động lòng thương thì làm sao tình thương Thiên Chúa ở lại trong người ấy được” (1 Ga 3, 17). Thiếu vắng tình yêu với tha nhân, thể hiện bằng việc thiếu sẻ chia, là thiếu vắng tình yêu Thiên Chúa. Theo như vị quan tòa trong du ngôn ngày phán xét của Mátthêu 25,31-46, sự thiếu vắng ấy khiến người ta bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa và chịu cực hình muôn kiếp.

4.     Những người thu thuế[3]: Nhóm người thứ hai có lòng háo hức bắt đầu tiến trình hoán cải là những người thu thuế. Đây là nhóm người làm việc cho đế quốc Rôma thời bấy giờ[4]. Họ không được lòng dân chúng nói chung và đặc biệt là những người lãnh đạo Do Thái[5]. Chính vì thế, không ngạc nhiên khi họ thường được xếp chung với những người tội lỗi: “Có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến cùng ăn với Người và các môn đệ” (Mt 9,10.11; Mc 2,15.16); “Đây là tên ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11, 19; Lc 7, 34); “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi” (Lc 5, 30); “Những người thu thuế và những người tội lỗi đều lui tới nghe Đức Giêsu giảng” (Lc 15, 1). Đức Giêsu cũng không đánh giá cao nhân đức của những người thu thuế. Trong bài giảng về sửa lỗi huynh đệ, Đức Giêsu đã nói: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18, 17). Đức Giêsu ví những người chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình thì chẳng hơn gì những người thu thuế, vì những người thu thuế cũng làm thế (Mt 5, 46). Tuy nhiên, Đức Giêsu lại rất quan tâm đến những người thu thuế. Người xem họ như bạn hữu, thường lui tới ăn uống qua lại với họ (Mt 9,10-11). Người không ngần ngại gọi Mátthêu, một người thu thuế làm môn đệ (M 9, 9; 10, 3; Mc 2, 14). Người tuyên bố khả năng vào Nước Trời của họ còn cao hơn cả các Thượng Tế và các kỳ mục: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31-32). Như đã nói, trên Luca là tác giả duy nhất đã ghi lại câu chuyện hoán cải của vị thủ lãnh của những người thu thuế Giakêu (Lc 19,1-10). Ông cũng kể lại cho độc giả nghe dụ ngôn nổi tiếng về sự tha thứ của người cha (15,11-32) nhân dịp người ta phàn nàn về việc những người tội lỗi và thu thuế thường đến với Người. Trong Luca, Đức Giêsu cũng xác nhận rằng khi nghe ông Gioan rao giảng, những người thu thuế đã nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu Phép Rửa của ông (Lc 7, 29). Xác nhận này phù hợp với câu chuyện về những người thu thuế đến chịu phép rửa và hỏi Gioan xem họ phải làm gì (Lc 3, 12). Tương tự, Giêsu của Mátthêu chứng nhận rằng “những người thu thuế và những cô gái điếm” tin vào đường công chính mà Gioan chỉ cho họ (Mt 21, 32). Luca là tác giả duy nhất đưa sự kiện những người thu thuế đến với Gioan Tẩy giả ngay từ lúc đầu. Đây được xem là cái nhìn xa hơn về viễn ảnh những người tội lỗi, thu thuế đón nhận Tin Mừng của Chúa. Những người thu thuế gọi ông Gioan là “Thầy” (didaskalos). Trong các sách Tin Mừng, danh xưng này chỉ được dùng cho một mình Đức Giêsu mà thôi. Đây là lần duy nhất nó được dùng để gọi Gioan. Dĩ nhiên, đối với những người thu thuế, hay nhiều người Gioan vẫn là một thầy dạy. Thực tế, Gioan cũng có những môn đệ theo mình. Một trong những môn đệ ấy là Tông Đồ Anrê, sau này đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu (Ga 1, 40).

5.     Hơn những gì đã được ấn định: Đòi hỏi này giả định rằng những người thu thuế thường thu thêm và bỏ túi riêng cho mình cả những điều không được ấn định. Trên thực tế, họ có thể thu những khoản thuế thêm để tạo lợi nhuận cho mình[6]. Tránh được điều này những người thu thuế sẽ biến đổi đời mình theo hai giá trị Tin Mừng mà Đức Giêsu rao giảng. Thứ nhất, họ có thể thanh thoát với của cải trần thế, không bị tiền bạc lòng tham làm mờ đi nhân cách. Thứ hai, họ có thể quân bình mối tương quan với những người đồng hương, thay đổi thái độ cái nhìn của mình với những người dân cùng khổ. Đó cũng có thể là cách thế tỏ lòng nhân đối với những người đau khổ. Quả vậy, Đức Giêsu rao giảng một lối sống nghèo giản dị, biết phó thác vào Thiên Chúa hơn là những của cải trần gian. Kho tàng mà người ta phải vun đắp và tích trữ là kho tàng trên trời (Mt 6, 20; Lc 18, 22). Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã rồi những thứ khác Người sẽ thêm cho (x. Mt 6, 33). “Nghèo khó trong tinh thần” là một mối phúc vì Nước Trời của những ai chấp nhận sự nghèo khó như thế (Mt 5, 3; Lc 6, 20). Thật ngạc nhiên là Gioan không khuyên họ bỏ nghề thu thuế mà chỉ khuyên họ thu đúng số mức đã ấn định. Điều này ngụ ý rằng, Gioan không khinh chê nghề nghiệp họ đang làm cho bằng khuyên họ trong công việc mưu sinh ấy, hãy mưu cầu sự công bình và cả bác ái nữa, khi họ không tham lam và biết nghĩ cho những người mà họ thu thuế.

6.     Những quân nhân: Thật ngạc nhiên là cả những quân nhân cũng đến để được Gioan dìm trong nước và họ cũng ao ước được hoán cải bằng hành động cụ thể. Theo J. Fitzmyer đây không phải là lính Rôma, vì vào thời ấy không có quân đoàn nào đóng ở đất Palestine. Họ có thể được hiểu như là những người đàn ông nhập ngũ phục vụ tiểu vương Êrodes Antipas[7].  Những đạo quân này được sử gia Josephus ghi nhận trong Ant. 18.5,1 § 113. Những người Do Thái được miễn quân dịch trong quân đội Rôma từ thời Julia Kaisar (Josephus Ant.14.10,6 § 204). Tuy nhiên, một vài người đã phục vụ như lính đánh thuê[8]. Việc quân nhân được liệt kê vào danh sách những người đến cùng Gioan để chịu Phép Rửa hoán cải, cho thấy sự đa dạng và rộng rãi trong các thành phần được thông điệp của ông tác động. Đừng quên, người nhìn nhận Đức Giêsu là “người công chính” dưới chân thập giá là một người đại đội trưởng Rôma, một quân nhân (Lc 23, 47). Tác giả Luca còn nhắc đến một quân nhân đặc biệt trong sách Công Vụ. Đó là ông Cornêliô. Cornêliô được mô tả là “một người kính sợ Thiên Chúa và làm việc từ thiện và cầu nguyện liên lỉ với Chúa” (Cv 10, 2).

7.     Tống tiền … lừa gạt ai …bằng lòng với đồng lương: Trong ba lời khuyên này, xem ra lời khuyên thứ ba chính là nền tảng cho hai lời khuyên đầu tiên. Một khi những người lính cảm thấy thỏa mãn, cảm thấy vui với đồng lương của mình, họ sẽ không tìm cách để làm tiền người khác nữa. Cả hai hành động đầu tiên đều liên quan đến tiền bạc. Động từ “διασείω[9]” (diaxeio) có nghĩa là hăm dọa để làm tiền (tống tiền). Động từ thứ hai “συκοφαντέω”[10] (synkaphanteo) vừa có nghĩa là kết án sai lầm, vừa có nghĩa là lừa gạt, tống tiền. Động từ này được chính Giakêu sử dụng khi nói rằng: “Nếu tôi có lừa gạt ai thì tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19, 8). Có lẽ, cám dỗ của những người lính là hay làm tiền người khác để có thêm thu nhập cho mình. Tuy hai lời khuyên có vẻ khác nhau nhưng cũng hướng đến cùng một mục đích cho cả những người lính và những người thu thuế. Đó là lòng tham và gây đau khổ bất công cho người khác. Cả hai động từ đầu tiên dành cho những quân nhân đều liên quan đến lòng tham, sự bất công và gây đau khổ cho người khác. F. Bovon – H. Koester cho rằng Luca nhấn mạnh đến lòng tham. Đối với Luca, gốc gác của tội là lòng tham[11]. Trong thập điều,

---Còn tiếp---

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
https://josephpham-horizon.blogspot.com/2021/12/nhung-hoa-trai-cua-long-hoan-cai-chu.html (cập nhật ngày 13/12/2024)


[1] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXVIII, 469.

[2] F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50 (Hermeneia; Minneapolis) 125.

[3]  “In areas subject to Roman prefects and procurators (Judea, Samaria, Idumea) the direct taxes (poll tax, land tax) were taken up by “tax-collectors” (Greek dēmosiōnes [a word never used in the NT]; Hebrew gabbāʾîm), directly employed by the Roman occupiers. The collection of other taxes (tolls, tariffs, imposts, and customs) was auctioned off to the highest bidder, who became the “chief toll-collector” (architelōnēs, Luke 19:2) and had agents (Greek telōnai; Hebrew môkĕsîn), usually employed in local tollhouses” (Ibid.).

[4] Ibid.

[5] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP3; Collegeville 2005) 65.

[6] A.J. Saldarini, “Publicans”, the HarperCollins Bible Dictionary (ed. P.L. Achtemeier) (New York 1996) 900.

[7] “These will not be gentile soldiers. They could be Jewish mercenaries, or Jewish men enlisted in the service of Herod Antipas, but it is perhaps best (with Lagrange, 110) to be guided by the association with tax collectors and to think in terms of police assigned to protect tax collectors. These police would then belong in the same corrupt social context as the tax collectors.” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20 (WBC; Dallas 2002) XXXVA, 150).

[8] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 470.

[9] M. Zerwick– M. Grosvenor, A grammatical analysis of the Greek New Testament (Rome 1974) 183.

[10] Ibid.

[11] F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50 (Hermeneia; Minneapolis) 125.

zalo
zalo