Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 44

Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm C (2/2)

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm C (Lc 21,25-28.34-36)

NIỀM VUI NGÀY CỨU CHUỘC HAY NỖI BUỒN NGÀY TẬN THẾ

 

6.  Ví dụ cây vả và tất cả các loại cây: Ví dụ cây vả với nội dung chính là “sự đâm chồi nảy lộc” báo hiệu một mùa hè sắp đến. Có hai điểm khác biệt trong trình thuật của Luca so với cùng trình thuật của Mátthêu và Máccô: Thứ nhất, ngoài cây vả Luca thêm “tất cả các cây khác”; Thứ hai, Luca thay đổi chủ ngữ của cụm động từ “đã gần bên”. (i) Luca dường như muốn bổ sung vào số cây thay lá, đâm chồi nẩy lộc vào trước mùa hè. Bài học này không chỉ dành riêng cho cây vả[12]. Thực tế, có nhiều loại cây có quy trình thay lá như cây vả, nhưng cũng có những loại cây không rụng lá vào mùa đông, nên sẽ không có quy trình thay lá như vây. Cây vả là cây phổ biến và quen thuộc trên đất Israel. Tuy nhiên, Luca là tác giả ngoại giáo viết cho người ngoại trên vùng đất rộng lớn hơn. Có lẽ vì thế mà các loại cây khác được đề cập ngoài cây vả. (ii) Máccô và Mátthêu dùng đại từ ngôi thứ ba số ít cho cụm động từ “đã gần kề”. Đại từ này có thể hiểu là “Con Người” (Con Người đã gần bên, Người đã gần bên), nhưng cũng có thể hiểu là “cuộc quang lâm của Con Người” (nó đã gần bên)[13]. Trong Luca, chủ từ của cụm động từ “gần bên” là “Nước Thiên Chúa” (Triều đại Thiên Chúa): Anh em biết rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã gần bên”. Triều đại Thiên Chúa[14] rõ ràng là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong nội dung giảng dạy của Đức Giêsu. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại nhiều lời dạy của Đức Giêsu liên quan đến chủ đề “Nước Thiên Chúa”. Cả Mátthêu và Máccô đều đặt lời rao giảng: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15; Mt 4, 17). Khác với Mátthêu và Máccô, Luca không ghi lại lời giảng này của Đức Giêsu. Trong Luca, lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu được ghi lại tại hội đường Nadarét, nơi Đức Giêsu đã đọc lời ngôn sứ Isaiah: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo. Người đã sai tôi đi công bố cho người bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4,16-19). Rồi, Đức Giêsu công bố rằng, tất cả những lời ngôn sứ đã ứng nghiệm trên Người. Đức Giêsu của Luca cho biết rằng mục đích của Người khi được sai đi là “loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” cho các thành (Lc 4, 48). Trong lời chỉ dẫn dành cho nhóm Bảy Mươi Hai Môn Đệ (chỉ có trong Luca), Đức Giêsu lặp lại hai lần “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,9.11). Luca cũng là tác giả duy nhất ghi lại sự kiện những người Pharisêu hỏi Đức Giêsu “khi nào Triều Đại Thiên Chúa đến?” và Đức Giêsu đã trả lời rằng: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được và Người ta sẽ không nói ‘ở đây này’ hay ‘ở kia kìa’ vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,20-21). Cả Mátthêu và Luca đều ghi lại “dụ ngôn mười nén bạc” (Lc 19,11-27; Mt 25,14-30). Tuy nhiên, Luca đặt dụ ngôn này vào bối cảnh ngay trước khi Đức Giêsu tiến vào Jêrusalem và tác giả còn ghi chú về lý do: “Vì Người đang ở gần Jêrusalem, và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện” (Lc 19, 11). Trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly, sau khi trao chén cho các môn đệ, Đức Giêsu nói: “Thầy nói cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến” (Lc 22, 18). Trong cùng một trình thuật, Máccô ghi rằng: “Thầy bảo thật anh em, Thầy không bao giờ uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14, 25); Mátthêu thì thay “Nước Thiên Chúa” bằng cụm từ “Nước của Cha Thầy” (Mt 26, 29). Như thế, xem ra Luca tô đậm hơn sự kiện “Triều Đại Thiên Chúa đến” trong nhiều hoàn cảnh, và không lạ gì tác giả thay đổi chủ ngữ của ngữ động từ “gần bên” – Con Người – bằng danh ngữ “Triều Đại Thiên Chúa”. Trong bối cảnh này, hình ảnh “Triều Đại Thiên gần bên” song song với “sự cứu chuộc dành cho anh em đã đến gần”. Được cứu chuộc là được ở trong Nước Thiên Chúa.

Mt 24,32-33 Mc 13,28-29 Lc 21,29.31

“Anh em cứ lấy ví dụ cây vả mà học hỏi”

“Cũng vậy, khi thấy tất cả những điều ấy, anh em biết rằng Con Người đã gần bên, ngay ngoài cửa rồi”.

“Anh em cứ lấy ví dụ cây vả mà học hỏi”

“Cũng vậy, khi thấy những điều ấy xảy ra thì anh em biết Con Người đã gần bên, ở ngay ngoài cửa rồi”.

“Anh em hãy quan sát cây vả cũng như tất cả các cây khác”

“Cũng vậy, khi thấy những điều ấy xảy ra, anh em biết rằng Triều Đại Thiên Chúa đã gần bên”.

7.  Anh em hãy chú ý … hãy tỉnh thức, khẩn cầu: Tiếp theo sau “ví dụ cây vả” Mátthêu và Máccô đều lưu ý đến bí mật của “ngày và giờ”: Không ai biết, ngay cả các thiên thần trên trời hay cả Người Con; chỉ một mình Chúa Cha biết thôi (Mt 24, 36; Mc 13, 32). Luca không ghi lại lưu ý này, có lẽ để tránh đi sự khó hiểu là tại sao Người Con lại không biết. Tuy nhiên, cả ba tác giả đều ghi lại những cảnh báo tương tự nhau sau “ví dụ cây vả”. Máccô ghi lại rằng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13, 33); Mátthêu: “Vậy anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24, 42). Luca dùng ba động từ. Động từ đầu tiên (chú ý, đề phòng) diễn tả một sự cảnh báo để tránh những điều tiêu cực. Đây là lần thứ tư Luca dùng động từ này cho các môn đệ: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả” (12, 1); Trong bối cảnh Đức Giêsu dạy về sự nghiệm trọng của việc làm cớ cho người khác sa ngã, Đức Giêsu chốt lại “anh em hãy coi chừng” (17, 3); “Anh em phải coi chừng những ông Kinh Sư ưa dạo quanh trong bộ áo dài, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng…” (20, 46). Hai động từ còn lại (tỉnh thức và cầu xin) dành cho những cảnh báo nhằm đạt đến kết quả tích cực. Những động từ này cổ vũ không những một thái độ đúng đắn về Chúa, mà còn một cách sống phù hợp với lịch sử cứu độ đến hồi hoàn tất[15]. Động từ “cầu xin” được dùng nhiều trong Luca với nhiều bối cảnh khác nhau: Người bệnh phong cầu xin được sạch (5, 12); Quỷ cầu xin Đức Giêsu đừng hành hạ nó (8, 28); Kẻ được trừ quỷ xin được ở với Đức Giêsu nhưng Người không đồng ý (8, 38); Một người cha cầu xin cho đứa con bị bệnh kinh phong (9, 38); Đức Giêsu dạy các môn đệ xin thợ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (10, 2); Đức Giêsu cầu xin cho ông Phêrô khỏi mất lòng tin (22, 32).

8.  Say sưa và lo lắng của cuộc sống này: Đi theo mệnh lệnh cảnh báo đầu tiên – “hãy coi chừng” – là một loạt những hành động tiêu cực: Lòng ra nặng nề vào chuyện ăn uống quá mức, dẫn đến say xỉn và lo lắng cho cuộc sống này. Những đam mê ăn uống và quá bận tâm về cuộc sống (có thể là tiền tài danh lợi thú) làm cho người ta không còn tâm trí quan tâm đến ngày Con Người đến nữa, hay nói theo kiểu Luca ngày “Triều Đại Thiên Chúa đến”. Trong lời dạy về sự sẵn sàng như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về (Lc 12,35-36), Đức Giêsu đã đề cập đến một loại đầy tớ đã đánh đập tôi trai, tớ gái, chè chén say sưa vì nghĩ rằng chủ của anh ta còn lâu mới về (Lc 12, 45). “Lo lắng của cuộc sống này” gợi nhớ đến dụ ngôn “người gieo giống” trong đó, hạt giống rơi vào bụi gai được ví như người đã nghe lời Chúa nhưng hạt mầm Lời không lớn lên được vì anh ta bận tâm, sự giàu sang, và thú vui cuộc sống” (Lc 8, 14)[16] .Hậu quả có thể xảy ra nếu không hết sức “đề phòng” là các môn đệ của Chúa sẽ chịu chung số phận với những dân cư trên khắp mặt đất, khi ngày ấy ập xuống trên họ một cách bất ngờ như một chiếc lưới. Điều đáng chú ý đặc biệt ở đây là ý tưởng phổ quát của cuộc phán xét sẽ xảy ra trên tất cả mọi người, tin hay không tin vào Chúa[17].

9.  “Ngày bất ngờ ấy” (αἰφνίδιος ἡ ἡμέρα ἐκείνη): Tính từ “bất ngờ/ không mong đợi” thường được chuyển ngữ thành trạng từ đi kèm với động từ “xảy ra/ xảy đến”: “Ngày ấy thình lình ập đến trên các ngươi” (NTT) “xảy đến bất ngờ/ thình lình xảy đến (“Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống trên các ngươi” (CGKPV). Thực ra, tính từ này được chia ở giống cái, cùng giống với danh từ “ngày ấy”. Vì thế, chắc chắn phải hiểu là “ngày bất ngờ ấy”. Ngày ấy được định nghĩa là “ngày bất ngờ”. Việc danh từ ngày được xác định bằng đại từ “ấy” cho thấy Đức Giêsu ám chỉ đến một “ngày” mà Ngài đã nói đến, một ngày cụ thể chứ không phải bất cứ ngày nào. Trong bối cảnh chương 21, thuật ngữ “ngày”, không có mạo từ được nhắc đến sớm nhất ở 21, 6: “Những ngày sẽ đến, khi đó, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, mà không bị phá hủy”. Lần thứ hai, danh từ “những ngày” được dùng không có mạo từ “đây là những ngày báo oán”: “Đây là những ngày báo oán, để hoàn tất tất cả những điều đã được viết” (21, 22). “Ngày ấy” (số ít) ở đây có thể ám chỉ đến những ngày được nói đến trước đó. Trong ngày sẽ xảy ra hai điều tích cực lẫn tiêu cực. Đó là ngày xảy biến cố tàn phá, hủy diệt thành Jêrusalem và thế giới. Đó cũng là ngày “Con Người đến trong đám mây với quyền năng và vinh quang vĩ đại” (21, 27); “Ngày triều đại Thiên Chúa đến gần” (21,31), ngày “ơn cứu chuộc đến gần” (21, 28). Yếu tố “bất ngờ” là điều đáng lưu tâm. Người ta phải chú ý thường xuyên, và cầu nguyện luôn.

10.  Mạnh sức để thoát khỏi: Trái ngược với mệnh lệnh “phải hết sức chú ý” tránh những điều tiêu cực nhằm tránh tai họa ập đến, hai mệnh lệnh tiếp theo đi kèm với hai hiệu quả tích cực: “Nhưng hãy tỉnh thức trong mọi lúc, khẩn cầu để (1) Anh em có thể mạnh sức thoát khỏi những điều sẽ xảy đến[18] và (2) Để có thể đứng vững trước mặt Con Người. Tương tự như ở 21,28, Người môn đệ được mời gọi “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” thì ở đây họ cũng được mời gọi làm sao để “đứng vững trước mặt Con Người”. Để được như vậy, họ phải luôn luôn tỉnh thức và khẩn cầu Chúa giữ gìn, cũng như chuẩn bị cách tích cực bằng đời sống tốt lành và trung tín của mình. Đứng vững trước mặt Con Người là phong thái của những người đã sẵn sàng đón nhận “Nước Thiên Chúa đến” và đón nhận được ơn cứu độ do Con Người ban tặng. Lời cầu nguyện quan trọng mà Đức Giêsu dạy trong “Kinh Lạy Cha” liên quan đến Nước Thiên Chúa phải được lặp đi lặp lại bằng lời nói và hành động tích cực nữa: “Xin làm cho danh Cha được vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến” (Lc 11, 2).

Bình luận tổng quát

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều trình thuật những bài giảng của Đức Giêsu, trong những ngày cuối cùng tại Jêrusalem theo ngôn ngữ khải huyền với ba chủ đề chính yếu: (1) Sự báo trước về sự kiện Jêrusalem bị phá hủy, cùng với đền thờ; (2) Nói trước về sự trở lại của Con Người trong vinh quang để phán xét và ban thưởng, cùng với sự kết thúc của thế giới hiện tại, vương quốc Thiên Chúa hoàn thành; (3) Những khó khăn thử thách các môn đệ phải chịu trong suốt hành trình rao giảng, cùng với sự nâng đỡ và đồng hành của Chúa giữa cuộc tàn phá Jêrusalem và sự trở lại của Con Người[19]. Dựa theo những dữ liệu sẵn có của Máccô, Luca đã biên tập lại một cách phù hợp, rõ ràng hơn lối diễn tả và nguồn dữ liệu riêng của mình. Quang cảnh mặt trời trở nên tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, còn các vì sao thì rơi xuống, trong Máccô được Luca thu gọn thành “những dấu lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao”. Thay vào đó, Luca mô tả toàn diện hơn, cả vũ hoàn rung động, khi ông mô tả thêm cảnh biển gầm sóng thét dưới mặt đất. Hơn nữa, sự kiện này gây ảnh hưởng trên các dân trên toàn địa cầu. Cảm xúc của họ được mô tả cách cụ thể: hoảng sợ, kinh hoàng, nín thở đợi chờ. Cùng với hình ảnh song song giữa những sự kiện theo không gian trên trời và dưới đất, giữa thời gian ngày (mặt trời), đêm (mặt trăng và các vì sao), Luca còn cho thấy hai hình ảnh song song trái ngược giữa hai nhóm người. Nhóm các tín hữu, các môn đệ trung thành với Đức Giêsu trong tư thế đứng thẳng, ngẩng đầu, đợi chờ trong niềm vui vì ơn cứu độ đã đến. Họ như nhìn thấy một thế giới mới tươi sáng hơn được mở ra, khi thế giới hiện tại được khép lại vì đã hoàn tất. Nhóm các dân khác, có thể là những người không tin nhận Đức Giêsu, không sẵn sàng cho ngày tận cùng của thế giới, nín thở đợi chờ trong vô vọng vì thế giới xem như kết thúc đối với họ và án phạt, đau khổ sẽ bắt đầu. Hình ảnh Con Người đến trong đám mây, đầy quyền năng và vinh quang vẫn là hình ảnh trung tâm, đáng mong chờ nhất của ngày cánh chung. Con Người đến hoàn tất Triều Đại Thiên Chúa mà Người đã rao truyền, giảng dạy, minh chứng trong suốt cuộc đời của Người. Đó là vương quốc của tình yêu, sự sống sung mãn vĩnh cửu vô cùng vô tận. Tuy nhiên, để có thể đứng thẳng và ngẩng đầu lên trong ngày Con Người ngự đến, các tín hữu, những môn đệ của Đức Giêsu được mời gọi “hãy coi chừng”, “hãy tỉnh thức trong mọi lúc” và “hãy khẩn cầu”. “Coi chừng, cảnh giác” để khỏi bị lôi cuốn vào những đam mê ăn uống hưởng thụ đến say sưa quên hết mọi sự. Đó là một lối sống chìm vào trong những dục vọng xấu và quên đi lý tưởng đời mình là tìm kiếm chính Chúa và hướng đến tha nhân với tình yêu vị tha. “Tỉnh thức trong mọi lúc”, và “cầu xin” để có thể thoát khỏi những hình phạt cánh chung và đứng vững trước mặt Con Người trong cuộc phán xét. Tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. “Tỉnh thức luôn luôn” giúp cho con người luôn nhận ra rõ ràng những cơn cám dỗ. “Cầu nguyện” là ý thức thân phận mình yếu đuối, luôn cần đến Chúa trong cuộc chiến chống lại sự dữ. Cầu nguyện bao hàm sự tín thác và sự gắn bó khăng khít với Chúa. Đời sống thân mật với Chúa sẽ giúp các tín hữu vượt qua mọi khó khăn thử thách, cám dỗ, với ơn Chúa. Mùa vọng là mùa hy vọng, mùa đợi chờ. Đó không phải đợi chờ một ngày cánh chung và một phần thưởng, nhưng là đợi chờ một Đấng yêu thương mọi người và được mọi người yêu, sự mong chờ của người những đứa con dành cho người Cha yêu dấu của mình. Đời người, xét cho cùng, chỉ là một Mùa Vọng kéo dài. Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, con người luôn mong chờ những giây phút gặp gỡ Chúa đích thực và gặp gỡ Chúa trong ngày Chúa quang lâm. Muốn có niềm mong chờ như thế giả thiết người ta phải cảm nhận được mối tương quan gần gũi giữa mình với Chúa, như là Đấng tạo thành và nhất là người Cha, người Mẹ của mình, chứ không phải là vị quan tòa phán xét, rồi thưởng – phạt mà thôi.

---Hết---

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2021/11/niem-vui-ngay-cuu chuoc-hay-noi-buon.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

(cập nhật ngày 29/11/2024)


[12] J.A. Fitzmyer,  The Gospel according to Luke X–XXIV, 1352.

[13] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 334.

[14]“Vương quốc Thiên Chúa”, Mátthêu hay sử dụng Nước Trời nhiều hơn là Nước Thiên Chúa, có lẽ vì Mátthêu tránh gọi danh “Thiên Chúa”, vốn không phù hợp với văn hóa Do Thái.

[15] F. Bovon, Luke 3, 122.

[16] M.D. Hamm, “Luke”, The Paulist Biblical Commentary (Ed. R.J. Clifford et al.) (New York 2018) 1092.

[17] J.A. Fitzmyer,  The Gospel according to Luke X–XXIV, 1355; L.T. Johnson, The Gospel According to Luke (SP 3; Collegeville 1991) 329.

[18] “Thoát khỏi những điều này” âm vang câu hỏi của Gioan Tẩy Giả dành cho đám đông “ai đã dạy cho các ngươi biết cách trốn khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (L.T. Johnson, The Gospel According to Luke,329).

[19] M.D. Hamm, “Luke”, The Paulist Biblical Commentary, 1092.

zalo
zalo