Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 230

Ơn gọi truyền giáo ở Mông Cổ của cha Stêphanô Kim SeongHyeon người Hàn Quốc

Ơn gọi truyền giáo ở Mông Cổ của cha Stêphanô Kim SeongHyeon người Hàn Quốc

Ngọc Yến - Vatican News

 

Có những nhà truyền giáo khi qua đời đã để lại dấu ấn không thể phai mờ cả trong cộng đoàn nơi các vị thi hành sứ vụ tông đồ và trong cộng đoàn quê hương. Đó là trường hợp của cha Stêphanô Kim SeongHyeon, linh mục thuộc giáo phận Daejeon, Hàn Quốc qua đời ngày 26/5 vừa qua, tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, quốc gia mà ngài đã dành gần trọn cuộc đời linh mục phục vụ.

Sinh năm 1968, cha Stêphanô Kim đã gặp được Chúa trong cộng đoàn giáo xứ và lắng nghe tiếng gọi của Người để trở thành linh mục vào năm 1998. Chẳng bao lâu, lòng khao khát mạnh mẽ truyền giáo ad gentes đã thể hiện trong vị linh mục trẻ và cha đã từ bỏ điều kiện sống được xã hội kính trọng và quan tâm như các linh mục khác, bắt đầu ra đi truyền giáo diện Hồng ân Đức tin (Fidei Donum) của giáo phận Daejeon ở Mông Cổ vào năm 2000.

Cha Augustinô Han, hiện đang phục vụ tại Bộ Truyền giáo, một người bạn linh mục lâu năm của nhà truyền giáo làm chứng: “Tôi gặp cha Stêphanô Kim lần đầu tiên trong một chuyến truyền giáo ở Mông Cổ vào năm 2007, khi tôi còn là một chủng sinh. Tôi thực sự ấn tượng khi thấy cha Stêphanô Kim sống với lòng say mê truyền giáo rất nhiều, khiêm nhường và khó nghèo. Tôi nhìn thấy nơi cha mẫu gương của một linh mục truyền giáo đích thực, người đã cống hiến hết mình để đem Tin Mừng Chúa đến cho những người đã phải chịu sự vô thần do nhà nước áp đặt trong nhiều thập kỷ.”

Quan tâm đến công cuộc truyền giáo, vào thời điểm đó, cha Stêphanô Kim đã thiết lập một khu vực trong giáo xứ có thể được gọi là chủng viện nhỏ, một nơi cung cấp chỗ ăn ở cho một số người trẻ Mông Cổ, nơi phát triển ơn gọi linh mục bản xứ đầu tiên. Cha Augustinô Han nói: “Lúc đầu cha Stêphanô Kim khó tiếp cận với các thiếu niên Mông Cổ. Tuy nhiên, từng bước cha đã đối xử với các em bằng tình thương của một người cha và các em rất cảm kích trước lòng tốt của cha. Sau khi cảm nhận được tình yêu và sự kiên nhẫn của cha, các bạn trẻ đã đi theo và coi cha như một người cha thực sự. Tôi rất xúc động khi chứng kiến tất cả những điều này.”

Cha Augustinô Han cho biết thêm, cha Stêphanô Kim rất thích kể về kinh nghiệm truyền giáo của mình. Khi đến Mông Cổ truyền giáo, cha không bao giờ quên thi hành hoạt động bác ái dành cho người nghèo. Cha ngạc nhiên khi thấy người nghèo có thể nhận ra những gì cha cho họ là thứ quý giá hay chỉ là những gì dư thừa. Cha Kim nói: “Chia sẻ đích thực không phải là cho đi những gì dư thừa, nhưng là trao ban cho người nghèo những gì quý giá đối với bạn, như Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến thế gian.”

Cha Kim luôn để cuốn sách về Thánh Têrêsa thành Lisieux trên bàn làm việc, một nguồn cảm hứng liên tục cho sứ vụ của cha. Cha Augustinô Han ghi nhận: “Mặc dù cuộc sống truyền giáo khó khăn, với vô số trách nhiệm mục vụ và xã hội cấp bách, nhưng cha không sao lãng đời sống thiêng liêng.”

Cha Kim cũng là thành viên của hiệp hội linh mục của Học viện Prado, thuộc tỉnh dòng Hàn Quốc, gồm các linh mục sẵn sàng dấn thân phục vụ các giáo xứ nghèo. Năm 2019, cha được mời tham gia khóa tĩnh tâm của các linh mục Prado, dịp lễ Phục sinh, tại Fatima, Bồ Đào Nha. Ở đó, nhiều người đã cảm nhận sâu sắc về những chia sẻ truyền giáo của cha. Cha kể trong thời gian học tiếng Mông Cổ, cha thường đi một chuyến xe buýt đường dài. Một em bé trên xe buýt tỏ ra thích thú với vị linh mục không nói được tiếng Mông Cổ nhiều. Em im lặng và rồi khi nhận ra cha là một người nước ngoài em tiếp tục trò chuyện với cha, dạy cha nhiều thuật ngữ khác của tiếng Mông Cổ. Khi xe buýt đến nơi, cả hai đã trở thành bạn. Trải nghiệm này giúp cha nhận ra rằng “Thiên Chúa dùng sự yếu đuối, thiếu sót và nghèo khó của chúng ta để loan báo Tin Mừng. Điều quan trọng là phải ngoan nguỳ trong bàn tay Chúa.”

Khi được giao sứ vụ làm cha xứ, cha Kim nhận thấy rằng nhiều thanh niên trong giáo xứ đã rời bỏ Giáo hội khi họ lớn lên và lập gia đình. Vì vậy, một hôm cha quyết định đến thăm nhà một người trong số họ. Người này đồng ý gặp cha. Khi cha đến, anh vẫn chưa đi làm về. Ở đó chỉ có vợ và một con nhỏ. Chàng trai trẻ về nhà sau 21 giờ, xin lỗi vì đã để cha đợi. Với khuôn mặt mệt mỏi anh ngồi tiếp chuyện với cha. Trở về nhà xứ, cha đã suy nghĩ rất lâu về “ý nghĩa của việc trở thành một nhà truyền giáo” và đi đến kết luận: “Dù tôi muốn giống như người dân địa phương và sống nghèo như họ, nhưng tôi luôn có một nhà xứ nơi tôi có thể quay về, một giáo phận nơi tôi có thể quay lại khi cuộc sống trở nên khó khăn hơn, một bệnh viện để tôi có thể đến điều trị. Nhưng người thanh niên này bây giờ phải đổ mồ hôi và làm việc cả ngày để nuôi sống gia đình và mái ấm của mình.”

Với suy nghĩ đó, sau khi được sự chấp thuận của Giám mục, cha Stêphanô Kim đã rời giáo xứ và chọn cuộc sống du mục trên những đồng cỏ rộng lớn của Mông Cổ. Cha đã sống ở đó vài năm trong một “gher”, lều truyền thống của người Mông Cổ, và dạy học cho các em nhỏ trong một trường học. Sau đó, được tân giám mục kêu gọi trở lại Ulaanbaatar để phục vụ với tư cách là phụ tá Phủ doãn Tông tòa. Tuy nhiên, cha thích nói: “Khi nhiệm vụ này kết thúc, tôi sẽ trở lại thảo nguyên.”

Cha Augustinô Han kết luận: “Thật là một niềm vui cho tôi khi được biết cha Stêphanô Kim và chia sẻ linh đạo với ngài. Giờ đây cha Stêphanô Kim đang cầu bầu cùng Chúa cho Giáo hội Mông Cổ nhỏ bé.”

 

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-06/on-goi-mong-co-stephano-kim-han-quoc.html (cập nhật ngày 30.6.2023)

zalo
zalo