Phúc Lành Gặp Gỡ
Bài ca Ngợi Khen có thể được nhìn trong hai phần. Phần thứ nhất dựa trên dạng số ít “linh hồn tôi” trong tương quan đối với Thiên Chúa (câu 46-50). Phần thứ nhất này cũng được coi là tâm tình tạ ơn tôn vinh Thiên Chúa của Mẹ Maria. Phần thứ hai (51-55) với dạng số nhiều “những ai”, “những kẻ quyền thế” và “những kẻ bị áp bức”. Có thể nói đó là tâm tình của toàn thể dân Israel, toàn thể dân Chúa dâng lên trải dài trong thời gian.
Giờ đây chúng ta cùng “lắng nghe” thật chú tâm với toàn bộ con người lời Mẹ ca tụng Ngợi Khen Thiên Chúa:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.
Bài ca tuyệt vời này có phần mở đầu với tâm tình của người cầu nguyện được diễn tả qua cụm từ “linh hồn tôi” và “thần trí tôi”. Như thế, tâm tình ngợi khen và vui mừng của Mẹ Maria đã thấm sâu vào trong hồn của Mẹ và của thần trí Mẹ. Tâm tình ca ngợi và tạ ơn này khởi đi từ chỗ sâu thẳm nhất của con người Mẹ, nơi mà Mẹ đã được Thiên Chúa chạm đến và hoạt động cách tuyệt vời.
Vì thế, đối tượng mà Mẹ ngợi khen, tôn vinh và cảm tạ là chính Thiên Chúa. Đức cố hồng y Martini đã nhìn bài ca Magnificat là một thánh thi vui mừng: “Khi đọc kỹ bài Magnificat của Đức Maria, chúng ta nhận thấy Mẹ bắt đầu với ngôi thứ nhất, ‘Linh hồn tôi, thần trí tôi’. Bài ca khởi đầu với những gì Mẹ cảm nghiệm được, và còn qui hướng về kinh nghiệm của Mẹ, về niềm hân hoan, về các cảm xúc của Mẹ, nhưng đột nhiên, chủ từ thay đổi. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, và từ đây trở đi Mẹ chỉ nói đến Thiên Chúa mà thôi”[14].
Thánh Bêđa khả kính đã suy niệm về lời của Đức Mẹ như sau: “Bấy giờ Đức Maria nói : Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi. Như thế là Người muốn nói: Đức Chúa đã làm cho tôi nên cao trọng khi ban ân huệ rất lớn lao và chưa từng nghe nói, đến nỗi không miệng lưỡi nào giải thích nổi, mà phải có lòng mến yêu sâu thẳm mới mong hiểu phần nào.
Vì thế, tôi đem hết sức lực của linh hồn để dâng lời cảm tạ. Đời sống của tôi cùng với mọi cảm nghĩ và hiểu biết, tôi dùng tất cả để chiêm ngưỡng ân huệ cao quý vô song đó với tâm tình tri ân cảm tạ, bởi vì trong chính Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ tôi, thần trí tôi được hớn hở vui mừng vì Người là Thiên Chúa vĩnh cửu, và thân xác tôi trở nên phong phú vì Người đã đầu thai để sống trong thời gian”[15].
Thật vậy, khi đọc tiếp các lời kế, chúng ta thấy rõ hơn việc Mẹ ca ngợi Thiên Chúa dựa trên những hoạt động của Chúa. Thánh Luca đã dùng các động từ để diễn tả những việc Chúa hoạt động: Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi. Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Như thế, trong lời ca ngợi này, Mẹ Maria đã “ra khỏi mình” và chỉ còn tập trung vào chính Thiên Chúa là đối tượng và là chủ thể.
Chính Thiên Chúa đoái nhìn đến Mẹ, một phận nữ tỳ hèn mọn. Mẹ Maria tự kể mình trong hàng hèn mọn, nhỏ bé và nghèo nàn. Mẹ dâng lên bài ngợi ca này trong thân phận người nghèo của Thiên Chúa, trong tiếng Do Thái là anawin.
Theo Ravasi, “anaw có nghĩa là tự cúi xuống, và công nhận sự lớn lao của người khác. Hành vi này không có ý nghĩa là bị chèn ép, mà là một hành vi nội tâm”[16]. Như thế, trong thẳm sâu của lòng Mẹ, với sự khiêm nhu Mẹ đã nhìn nhận thân phận mỏng dòn, nhỏ bé, đơn sơ và nghèo nàn của mình trước Thiên Chúa, Đấng Tối Cao, Đấng đã thực hiện điều vĩ đại trong chính cung lòng Mẹ.
Thánh Vịnh gia và các ngôn sứ luôn chú ý nhiều đến những người nhỏ bé và hèn mọn được Thiên Chúa đoái nhìn. “Nhưng người túng thiếu không mãi bị bỏ quên, kẻ nghèo khổ chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv 9,19). “Bởi vì Đấng muôn trùng cao cả, Đấng ngự chốn vĩnh hằng,Đấng mang danh chí thánh, Người phán như sau: Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát, để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung, và ban sinh lực cho những cõi lòng tan nát!” (Is 57,15).
“Vì sức mạnh của Ngài không dựa vào số đông, quyền lực của Ngài chẳng ở nơi người mạnh thế. Nhưng Ngài là Thiên Chúa của kẻ khiêm nhu, là Đấng cứu giúp người hèn mọn, Đấng đỡ nâng kẻ cô thế, Đấng bảo vệ người bị bỏ rơi, Đấng Cứu Tinh của những ai thất vọng” (Gdt 9,11).
Thiên Chúa của người Do Thái trong thời Cựu Ước và Thiên Chúa của Mẹ Maria luôn quan tâm đến những người bất hạnh, hèn yếu và khiêm nhu. Hình ảnh Thiên Chúa này cũng được Chúa Giêsu diễn tả cách sống động, như qua chính mối phúc: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).
Hơn nữa, trong kế hoạch và chương trình cho sứ mạng của Chúa Giêsu, người nghèo khó có chỗ đặc biệt: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
Nếu chúng ta đọc lại và chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu, sẽ nhận ra người nghèo luôn có chỗ đặc biệt trong trái tim của Người, người nghèo luôn được ưu tiên nhìn đến. Trên hết chính Người, Thiên Chúa “giàu sang nhất”, đã trở nên một người nghèo.
Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, ở chương thứ Tư và số 197, Đức Thánh Cha Phanxicô có đề cập đến việc Chỗ đứng đặc quyền của người nghèo trong Dân Thiên Chúa, ngài đã chia sẻ rất sâu sắc về hình ảnh của Thiên Chúa qua Đức Kitô đã trở nên nghèo: “Trong quả tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, đến nỗi chính Người ‘trở nên nghèo’ (x.2Cr 8, 9).
Toàn thể cuộc hành trình cứu chuộc của chúng ta được đánh dấu bởi sự hiện diện của những người nghèo. Ơn cứu độ này đã đến với chúng ta qua lời ‘xin vâng’ của một thiếu nữ khiêm tốn từ một ngôi làng xa xôi nhỏ bé ở vùng ngoại vi của một đế quốc vĩ đại”.
Lời xin vâng của Mẹ là lời đáp trả khiêm tốn trước ánh mắt của Thiên Chúa nhìn đến Mẹ. Được Thiên Chúa nhìn đến, đó là một diễm phúc tuyệt vời. Vì thế Mẹ đã vui mừng khôn siết: “từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Thiên Thần Gáprien và bà Êlisabét là những người đầu tiên khen ngợi Mẹ là người diễm phúc, là người nhận được sự ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa.
Từ đó, từ thế hệ này qua thế hệ khác, người ta liên tiếp ca khen Mẹ và tri ân Thiên Chúa đã đoái thương chọn Mẹ. Lời ca khen Mẹ Maria được diễn tả qua rất nhiều phương diện, từ âm nhạc đến các suy tư, từ nghệ thuật đến các lời cầu nguyện ca tụng Mẹ. Chúng ta có thể kể đến Johann Sebastian Bach và Georg Friedrich Haendel với những bài thánh ca bất hủ “Magnificat”; riêng Johann Sebastian Bach còn sáng tác hai bài ca khác liên hệ đến Magnificat. Bài thứ nhất với tựa đề “Herz und Mund, Tat und Leben – Trái tim và môi miệng cùng hành động và cuộc sống”. Bài thứ hai với tựa đề “Meine Seel erhebt den Herren – linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”. Trong nghệ thuật hội hoạ có những bức tranh diễn tả cuộc thăm viếng của Mẹ nơi bà Êlisabét, như của hoạ sĩ Fra Angelico, của hoạ sĩ Giotto di Bondone, của hoạ sĩ Domenico Ghirlandaio, của hoạ sĩ Albrecht Duerer hay của hoạ sĩ Carl von Blaas.
Thật vậy, dung mạo Mẹ Maria là người diễm phúc đã đi vào lòng cuộc đời này và Mẹ luôn sống động trong mọi thời đại, vì Mẹ chính là mẫu gương của niềm tin, mẫu gương của người khiêm tốn và luôn đón nhận Thiên Chúa và thánh ý của Người qua chính lời xin vâng của Mẹ.
Đẹp thay người nữ diễm phúc nhất trên trần gian này, vì Mẹ có Chúa ở bên, vì Mẹ thật khiêm tốn trong lời nói xin vâng và trong cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho chính Thiên Chúa, để Ngài làm gì Ngài muốn trên cuộc đời của Mẹ.
Mẹ là Đấng diễm phúc và Mẹ được đón nhận biết bao điều cao cả từ trời cao:
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!”
Mẹ thật diễm phúc nhưng Mẹ không bao giờ hãnh diện về chính bản thân, mà tất cả mọi hãnh diện Mẹ đều dành cho Thiên Chúa. Chỉ có Chúa và danh Thánh của Chúa mới đáng được ca tụng tôn vinh. Tâm hồn nghèo hèn và khiêm tốn là thế. Trước Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng và Đấng Tối Cao, Đấng Yêu Thương và Đấng Nhân Hậu, Mẹ Maria, một nữ tỳ hèn mọn, luôn ý thức được sự hư vô của mình.
Thật vậy, có thể nói rằng, đại diện cho toàn nhân loại, với lòng khiêm tốn thẳm sâu Mẹ chúc tụng danh Thánh Thiên Chúa chí tôn chí thánh. Nhà Thánh Kinh học Nobert Lohfink suy tư như sau: “Khi người nghèo hèn đã được Thiên Chúa thực hiện điều lạ lùng và được mọi người ca tụng, thì chính lúc đó hành động của Thiên Chúa sẽ được chúc tụng và tôn vinh. Sự chúc tụng tôn vinh này được biểu lộ rõ rệt qua ‘danh Người thật chí thánh chí tôn!’.
Trong Cựu Ước, cụm từ ‘danh Người thật chí thánh chí tôn!’ có nghĩa là: Thiên Chúa chú tâm đến việc Danh của Người cần được rao giảng ở khắp mọi nơi và cụ thể hơn với một sứ điệp tích cực là: sự Thánh Thiện của chính Người, nghĩa là Danh Thánh của Người”[17].
Ngoài ra, “tâm tình ca ngợi danh thánh Chúa của Mẹ Maria nhắc nhớ chúng ta một điều, đó là hành động của Thiên Chúa luôn tương hợp với bản chất của Ngài. Bản chất của yêu thương, của lòng nhân từ vô bờ bến. Về điều này, François Bovon đã nói rằng : ‘Trong sự trung thành với danh Thánh của mình, nghĩa là trung thành với chính mình, Thiên Chúa cứu rỗi dân của Ngài’. Và tất cả những người được cứu đều biết đến Danh Thánh của Đấng Cứu Rỗi, bằng cách họ đã đón nhận và được sống trong ân sủng và tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi.
Trong Cựu Ước, thánh vịnh gia cũng đã thốt lên : ‘Người đem lại cho dân ơn giải thoát, thiết lập giao ước đến muôn đời. Tôn danh Người thánh thiêng khả uý’ (Tv 111,9). Như vậy, Mẹ Maria đã cảm nghiệm sâu xa ân sủng cứu rỗi và yêu thương của Thiên Chúa, vì thế với tất cả tâm hồn Mẹ đã thốt lên lời ca ngợi tuyệt vời như vậy. Và không chỉ Mẹ, mà tất cả chúng ta, ai khám phá dấu ấn tình yêu Thiên Chúa trong đời mình, đều muốn thốt lên như thế”[18].
Thánh Bê-đa Khả Kính chia sẻ như sau: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn”. Điều này có liên quan đến lời mở đầu bài thánh ca: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Hẳn chỉ có linh hồn được Đức Chúa đoái thương làm cho những việc trọng đại, mới có thể ngợi khen Người, bằng những lời tán dương xứng hợp, và mới có thể mời người khác chia sẻ ước nguyện và ý hướng của mình khi nói: Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người.
Quả thật, ai biết Thiên Chúa mà lại chểnh mảng, không làm hết sức để ngợi khen Người, để làm cho danh thánh Người vinh hiển thì sẽ bị coi là người nhỏ nhất trong Nước Trời. Danh Người được gọi là thánh, bởi vì Người có quyền năng vô song và do đó, Người vượt trên mọi loài thụ tạo và tách biệt hẳn với nhân loại Người đã dựng nên”[19].
Tâm tình của Mẹ đưa chúng ta trở về với kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu dạy: “Xin cho Danh Cha được cả sáng”. “Khi chúng ta cầu nguyện ‘xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển’, là chúng ta đang ao ước tất cả mọi người trên thế giới này đều khám phá được Thiên Chúa, Đấng là Cha trên trời và cũng là Cha dưới đất, người Cha nhân từ, người Cha luôn đứng chờ con ở cửa nhà, và vui mừng hớn hở khi thấy con đi hoang trở về.
Và lúc con mới xuất hiện ở đầu làng, Cha đã chạy đến ôm lấy con mình, hôn lấy hôn để khuôn mặt lấm bụi đời của con. Nụ hôn và vòng tay của Cha trả lại cho con tư cách làm con, đeo lại cho con chiếc nhẫn của tình cha con, mặc cho con chiếc áo mới nhất, tẩy sạch tất cả những gì ô uế trên thân mình con, và mở tiệc mừng con trở về và sống lại với con bê đã vỗ béo (x.Lc 15,11-32).
Tất cả cần phải ăn mừng, mọi người đều hân hoan dâng lời ca tụng như Mẹ Maria: ‘Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!’ Và tiếp tục kêu xin: xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển”[20].
Danh thánh chí tôn chí thánh của Thiên Chúa luôn tìm thấy sự vinh hiển nơi con người trần thế, đặc biệt nơi Mẹ Maria, là mẫu gương của niềm tin. Với niềm tin của Mẹ, Mẹ trở nên người diễm phúc. “Muôn thế hệ sẽ khen Mẹ là Đấng diễm phúc, không phải vì chính sức mạnh của Mẹ cũng như không phải do công nghiệp của Mẹ, mà Mẹ được khen ngợi là diễm phúc, vì Chúa đã thực hiện điều lạ lùng nơi Mẹ. Vì thế, Mẹ Maria đã diễn tả lời chúc phúc mà Mẹ nhận được, cũng như Mẹ đã cao rao ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa”[21]:
“Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.
Trước đó, Mẹ đã cao rao Danh Thánh chí tôn, nghĩa là sự thánh thiện của Thiên Chúa, tiếp theo là Mẹ ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và lòng thương xót của Thiên Chúa luôn có sự nối kết chặt chẽ. Sự thánh thiện được bộc lộ qua lòng thương xót của Chúa nói lên sự khác biệt và sự vượt trổi của Thiên Chúa so với những gì thuộc về trần thế và thuộc về sự dữ. Sự thánh thiện này, tiên tri Isaia đã nhắc đến với ba lần cao rao: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,3).
Trước những lời tung hô đó con người cần phải cẩn trọng, không được xúc phạm đến Thiên Chúa, không được coi thường Ngài và lòng thương xót của Thiên Chúa. Hơn nữa, con người cũng không được phép biến Thiên Chúa thánh thiện và tràn đầy lòng thương xót, thành một người ngốc nghếch không biết gì.
Và con người cũng không được phép lấy Thiên Chúa ra làm trò cười cho mình, hay chế diễu Thiên Chúa. Con người là ai? Trí thông minh con người lớn cỡ nào? Sức con người mạnh đến mấy? Một cơn gió thổi qua cũng đủ làm cho những con người thông minh nhất, kiêu hãnh nhất và mạnh mẽ nhất có thể gục ngã. Thiên Chúa thánh thiện thương xót con người. Đó là một điều rất tuyệt vời mà con người cần chiêm ngắm và cảm tạ.
Thương xót trong tiếng Do Thái là hesed. Theo thần học gia ĐHY. Walter Kasper, từ ngữ quan trọng nhất diễn tả lòng thương xót là hesed. Hesed diễn đạt những ý nghĩa như ân huệ, dễ thương, và cũng có ý nghĩa ân sủng của Thiên Chúa và lòng thương xót. Ý nghĩa của từ ngữ hesed vượt trên sự rung động hay tội nghiệp về những khổ đau của người khác, và chỉ về sự chú ý tràn đầy tự do và từ bi của Thiên Chúa đối với con người. Hơn nữa, từ ngữ hesed không chỉ về một hành động tạm thời, mà chỉ về hành động kéo dài.
Như thế, hướng về Thiên Chúa, từ ngữ hesed này diễn tả ân sủng của Thiên Chúa dành cho con người. Ân sủng này của Thiên Chúa vượt trên tính hợp lý của tương quan giữa hai người trung thành với nhau. Nghĩa là dù con người có bất trung và bội phản, thì Thiên Chúa vẫn thương xót, và Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Ân sủng này của Thiên Chúa còn mang tính cách nhưng không vô điều kiện, và vượt trên mọi sự chờ đợi của con người. Tóm lại, ân sủng này của Thiên Chúa làm tan vỡ mọi chuẩn mực và thước đo của con người.
Thiên Chúa quyền năng và thánh thiện đón nhận hoàn cảnh đầy khổ đau và tội lỗi của con người, Ngài đã nhìn thấy cảnh đời oái ăm của người nghèo nàn và bất hạnh, Ngài đã đón nhận lời kêu van của họ, Ngài đã cúi mình xuống và tự hạ mình xuống, Ngài đã đi xuống với người đang chìm mình trong khổ đau, và dù cho bao sự bất trung của con người, Ngài vẫn tiếp tục đón nhận, tha thứ và ban cho con người những cơ hội mới, dù cho con người lẽ ra cần phải chịu những hình phạt vì những tội lỗi họ gây ra.
Tất cả những điều này của Thiên Chúa vượt trên mọi kinh nghiệm bình thường và sự chờ đợi của con người, vượt trên mọi mường tượng và suy nghĩ của con người. Trong sứ điệp của hesed, Thiên Chúa tự mạc khải một phần nào mầu nhiệm của Thiên Chúa[22].
Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ được biểu lộ qua từ ngữ, mà đặc biệt qua lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Lật lại các trang Thánh Kinh, chúng ta khám phá được lòng thương xót sâu xa của Thiên Chúa ngay từ công trình sáng tạo. Rồi khi con người sa ngã, lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn tỏ lộ.
Khi đuổi con người ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa đã ban cho con người áo quần mặc, để con người có thể tự che chở trước đe doạ của thiên nhiên, và che đậy sự xấu hổ của con người với nhau, cũng như gìn giữ phẩm giá của con người (x.St 3,21). Hơn nữa, dù có phạt Cain về tội giết em, nhưng Thiên Chúa vẫn bảo vệ Cain, Ngài đã ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp ông không giết ông (x.St 4,15).
Cuối cùng Thiên Chúa đã tạo cho ông Nôe một cơ hội mới để bắt đầu một cuộc sống mới, sau trận lụt hồng thuỷ. Thiên Chúa đã ban phúc lành cho ông Nôe và con cháu ông, Ngài lập lại trật tự và ký kết giao ước tình yêu che chở con người mang hình ảnh của Ngài (x.St 8 và 9).
Nhưng như vậy cũng chưa đủ cho con người. Tính kiêu căng của con người không có điểm kết. Con người lại xây dựng tháp Babel cao ngất tới trời cao. Sự kiêu ngạo đã đưa con người tới tình trạng hỗn loạn của ngôn ngữ, con người không còn hiểu nhau được nữa, vì thế con người đã chia cách nhau và tràn lan khắp mặt đất (x.St 11).
Một lần nữa Thiên Chúa lại không để con người bất trung và bội phản cô đơn lẻ loi với số phận của họ. Ngài đã chống lại hỗn loạn và thảm hoạ. Với việc kêu gọi ông Ápraham, Thiên Chúa đã bắt đầu một trang sử mới với con người (x.St 12,1-3).
Với Ápraham Thiên Chúa viết trang sử cứu độ con người. Trong Ápraham, tất cả mọi người trên trái đất được Thiên Chúa chúc phúc. Trong câu chuyện của Ápraham, người ta có thể đọc được những lời nói diễn tả tình thương và sự trung thành của Thiên Chúa (x.St 24,12.14.27; 32,11). Đó là khởi đầu của câu chuyện nói về hành động tràn đầy lòng thương xót của Thiên Chúa đối diện với biết bao tội lỗi con người gây ra, đối diện với hỗn loạn và thảm hoạ của tội lỗi.
Ngay từ ngày đầu tiên, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thực hiện rõ ràng. Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng là cách thức hành xử của Thiên Chúa với sự dữ luôn đe doạ con người. Cách hành xử và hành động xót thương của Thiên Chúa tương phản với sự dữ và hỗn loạn cùng thảm hoạ của nó. Cách hành xử và hành động của Thiên Chúa không nhuốm màu bạo lực. Ngài không tự nhiên xen vào ngay, nhưng với lòng thương xót Ngài tạo cho con người những cơ hội mới, và tái lập sự sống mới với không gian được Chúa chúc lành[23].
Trong Tân Ước chúng ta thấy rõ rệt Thiên Chúa tiếp tục thể hiện lòng thương xót của Người qua Chúa Giêsu cách sống động. Trong tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa (từ 08.12.2015 đến 20.11.2016), Đức Phanxicô đã viết: “Vào ‘thời viên mãn’ (Gl 4,4), một khi tất cả mọi thứ đã được sắp xếp theo đúng kế hoạch cứu rỗi của Ngài, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế gian, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, để biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta một cách quyết liệt. Bất cứ ai nhìn thấy Chúa Giêsu cũng là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9). Chúa Giêsu thành Nadarét, qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa” (số 01).
Chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài là một Thầy dạy đúng nghĩa trọn vẹn, nên lời giảng của Chúa Giêsu luôn đi đôi với đời sống của Ngài. Lời và đời sống là một nơi Chúa Giêsu. Ngài đã sống tinh thần lòng thương xót của Thiên Chúa cách sống động. Ngài đã chữa lành cho người bị thần ô uế ám, Ngài đã thương nhìn đến và lắng tai nghe người đui mù hành khất kêu xin. Ngài đã tự mình mời người phụ nữ còng lưng đang nghe Ngài giảng trong hội đường ra giữa mọi người, để chữa lành cho bà và trả lại cho bà sự thẳng đứng của cuộc đời.
Ngài đã cảm nhận được sự khổ đau tột bậc không chỉ của thân xác, mà cả tinh thần của người phong hủi và đã đáp lời anh, khi anh lên tiếng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Đặc biệt, lòng thương xót được Chúa dành cho những người tội lỗi có lòng ăn năn hối cải: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17).
Người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành, đứng đàng sau sát chân Chúa và khóc. Giọt nước tuôn trào trên đôi chân Chúa. Ngài không rút chân lại, mà Ngài vẫn để vậy, đến nỗi những giọt nước mắt kia làm ướt đẫm chân Chúa. Không chỉ thế, người phụ nữ quỳ xuống và dùng mái tóc để lau chân Chúa. Chân Ngài vẫn không rút lại. Đôi chân ướt đẫm các giọt nước mắt thống hối ăn năn giờ cần được lau khô. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ chỉ dừng lại ở những giọt nước mắt ăn năn.
Nước mắt cần chảy đấy. Nhưng chảy rồi, nước mắt cần được lau khô, được lau sạch, để dọn chỗ cho lòng thương xót tràn đầy sự tha thứ của Chúa. Cũng nổi tiếng tội lỗi, Gia kêu, một tay thu thuế tham lam, khi gặp Chúa và chính Ngài muốn đến nhà của ông, vì hôm nay ơn cứu độ và lòng thương xót của Chúa cần đến thăm ông, để tha thứ, để thánh hoá và để dọn cho ông một con đường mới. Khi bị treo trên cây Thánh Giá, lòng thương xót của Chúa Giê-su vẫn không hề tắt. Ngài đã lên tiếng với kẻ tử tội có lòng thống hối ăn năn: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43)[24].
Trở về với dung mạo của Mẹ Maria, chúng ta thấy dựa trên lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, Mẹ Maria tin tưởng và hy vọng tuyệt đối vào Thiên Chúa và sức mạnh của niềm hy vọng này được diễn tả thật đẹp qua các lời kế tiếp:
“51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng”.
Lời của Mẹ Maria kể về chính biến cố của dân tộc Mẹ và lịch sử cứu độ của Thiên Chúa dành cho dân tộc Mẹ được tiếp nối nơi Mẹ Maria: “Người Ai Cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập. Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật” (Đnl 26,6-9).
Trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, những sức mạnh đen tối dù lớn lao đến mấy đều bị chính Thiên Chúa quyền năng dẹp tan và triệt hạ. Đó là Pharaô trong biến cố dân Do Thái vượt qua biển đỏ, là những kẻ thù của dân tộc Do Thái trong thời các quan án, là những thủ lãnh hùng mạnh của Babylon. Thiên Chúa đã lật đổ tất cả những thế lực của đêm đen đầy kiêu ngạo, và Ngài chú ý nâng đỡ những phận người khiêm nhu, đói khổ và nghèo hèn không nơi nương tựa.
Mẹ Maria đã cho chúng ta nhận ra rằng, tất cả những ai kiêu hãnh và cậy dựa vào sức mạnh, vào quyền thế và vào của cải vật chất của mình, sẽ không tìm thấy được con đường đến với Thiên Chúa, vì chính họ đã đóng trái tim họ lại bởi chính những điều họ đang bám víu.
Còn với những người khiêm nhu và hèn mọn, thì họ chẳng có gì để cậy dựa và họ cũng ý thức về sự hư vô đơn hèn của mình, nên họ mở lòng ra với Thiên Chúa. Người sẽ đón nhận họ và mở cho họ một con đường để đến với Người, nơi đó họ tìm thấy sự ấp ủ, chở che, niềm tin và niềm hy vọng. Thiên Chúa thật là nơi họ nương náu.
Lời ca này của Mẹ Maria đưa chúng ta đến với những mối phúc của Chúa Giêsu: Phúc cho ai nghèo hèn, khóc lóc và đói khổ, vì họ có Chúa ở bên, quan tâm đến họ. Người không bao giờ quên họ và không bao giờ bỏ rơi họ. Người luôn độ trì họ, vì Người là Thiên Chúa tín trung và yêu thương.
“54 Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời”.
Thời gian ân sủng của Mẹ Maria cũng là thời gian ân sủng của dân tộc Mẹ. Trong phần đầu của bài ca Magnificat Mẹ đã ca tụng ân sủng Thiên Chúa ban tặng cho Mẹ, và giờ đây ở những câu cuối cùng của bài hát Ngợi Ca, Mẹ ca tụng ân sủng Thiên Chúa ban tặng cho dân tộc Mẹ. Mẹ và dân tộc Mẹ là một. Cả hai đều được Thiên Chúa tín trung độ trì, tỏ lòng thương xót.
Câu truyện đời Mẹ được hoà quyện vào trong câu truyện của dân tộc Mẹ. Martini chiêm ngắm Mẹ Maria và đã nói như sau: “Đức Maria cảm nghiệm nhận thức của Mẹ nối kết với nhận thức của cả dân tộc, nhận thức mình được yêu thương, được tuyển chọn và được nâng đỡ bởi Thiên Chúa”[25].
Còn Nobert Lohfink thì giải thích: “Ở phần cuối này Đức Maria đã liên hệ đến lời của tiên tri Isaia: ‘Nhưng phần ngươi, hỡi Israel, tôi tớ của Ta, hỡi Giacóp, kẻ Ta tuyển chọn, dòng dõi Ápraham, bạn của Ta’ (Is 41,8), và Mẹ đã nêu bật tư cách của dân Chúa với cụm từ tôi tớ Thiên Chúa. Điều này cho chúng ta nhớ lại phần mở đầu của kinh Magnificat mà Mẹ đã tự coi mình là ‘nữ tỳ’ của Thiên Chúa.
Như thế, điều lạ lùng mà Thiên Chúa đã vừa thực hiện nơi Mẹ, một nữ tỳ, không gì khác hơn là điểm cuối cùng hội tụ tất cả mọi điều lạ lùng mà Người đã thực hiện cho tôi tớ của Người là dân tộc Israel. Thật vậy, ở trong Mẹ Maria chắc chắc hội tụ tất cả lịch sử của Israel và qua lòng thương xót của Thiên Chúa ơn cứu rỗi cho thế giới được biểu lộ”[26].
--- Còn tiếp ---
--------------------------------------------------------------------
[14] Martini, C.M., Cầu nguyện như Chúa Giê-su đã dạy, Chuyển ngữ: Lm Montfort Phạm Quốc Huyên O.Cist, NXB.Tôn Giáo 2013. T.32.
[15] Trích bài diễn giải của thánh Bêđa khả kính về Tin Mừng theo thánh Lu-ca. Giờ Kinh Sách ngày 22.12.
[16] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.237.
[17] Lohfink N. Lobgesaenge der Armen: Studien zum Magnificat. Kath. Bibelwerk Verlag. Stuttgart 1990. S.15.
[18] Nguyễn Ngọc Thế SJ., Lời kinh Cha Mẹ dạy. Suy niệm Kinh Lạy Cha. NXB. Phương Đông. Gò-vấp 2012. T.65-66.
[19] Trích bài diễn giải của thánh Bêđa Khả Kính, linh mục, về Tin Mừng theo thánh Luca. Giờ Kinh Sách ngày 22.12.
[20] Nguyễn Ngọc Thế SJ., Lời kinh Cha Mẹ dạy. Suy niệm Kinh Lạy Cha. NXB. Phương Đông. Gò Vấp 2012. T.66.
[21] Lehmann K., Vor dem Wunder der Weihnacht. Herder Verlag, Freiburg 1987. S.43.
[22] X. Kasper W., Barmherzigkeit, Herder Verlag, Freiburg 2012. S.51.
[23] X. Kasper W., Barmherzigkeit. S.52-53.
[24] Nguyễn Ngọc Thế SJ. Phúc Thay. Tám Mối Phúc Thật. NXB. Tôn Giáo. Gò Vấp 2015. T.365-366.
[25] Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.11.
[26] Lohfink N. Lobgesaenge der Armen: Studien zum Magnificat. S.21.