Phúc Lành Gặp Gỡ
Đức Maria đi thăm bà Êlisabét và bài ca Ngợi Khen – Magnificat (Lc 1,39-56).
Sau khi Mẹ Maria được Thiên Thần Gáprien truyền tin và Mẹ nói lời xin vâng với sứ mạng Thiên Chúa trao ban, Mẹ đã bước vào một hành trình mới. Hành trình sống dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa, để thực thi thánh ý của Người trong lịch sử cứu rỗi nhân loại. Hành trình của Mẹ được mở ra với việc Mẹ lên đường đến thăm một người bà con, là bà Êlisabét.
Thánh Ambrôsiô đã chia sẻ về biến cố này như sau: “Khi loan báo những điều huyền nhiệm cho Đức Trinh Nữ Maria thì sứ thần cũng báo cho Người biết việc một phụ nữ cao niên và hiếm muộn đã thụ thai. Sứ thần dùng sự việc này như một ví dụ để minh xác rằng bất cứ điều gì Thiên Chúa muốn thì Người sẽ thực hiện.
Vậy khi nghe biết chuyện đó, Đức Maria đã vội vàng lên miền núi. Người hành động như vậy không phải là không tin vào lời sấm, hay không chắc chắn về lời truyền tin, cũng chẳng phải là hồ nghi về ví dụ điển hình. Nhưng Người lên đường như kẻ mừng vui vì được điều mong ước, sốt sắng chu toàn một bổn phận và lẹ làng vì phấn khởi hân hoan. Vậy sau khi được đầy tràn Thiên Chúa, Người vội vã ra đi. Hướng về đâu, nếu không phải là những thực tại cao vời? Ân sủng của Chúa Thánh Thần không cho phép ngập ngừng hay chậm trễ”[1].
Giờ đây chúng ta cùng đọc lại đoạn Thánh Kinh này: “39 Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.41 Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: ‘Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em’.
46 Bấy giờ bà Maria nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời”.
56 Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà”.
Đoạn Thánh Kinh trên có hai nhân vật nổi bật: Mẹ Maria và bà Êlisabét. Chúng ta có thể chia bản văn thành các chủ đề sau: về Đức Maria (câu 39-40), về bà Êlisabét (câu 41-45) và Đức Maria với bài ca Ngợi Khen – Magnificat và phần kết (câu 46-56). Chúng ta cùng chiêm ngắm hành trình thăm viếng của Mẹ: “39 Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa.40Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét”.
Như thế là thời gian không lâu sau biến cố quan trọng của Mẹ Maria gặp gỡ Thiên Thần, Mẹ vội vã lên đường. Trong Thánh Kinh, “lên đường” là một hành động của những người lắng nghe và đón nhận thánh ý của Thiên Chúa. Lên đường để đến một nơi mà Thiên Chúa muốn. Với Maria, đó là thành Giuđa nằm trên một vùng núi. “Tên chính xác của thành không được nêu ra. Nhưng nó chính là thành Ain Karim, nằm giữa miền núi và sa mạc gần Giêrusalem”[2].
Theo Ravasi, “Ain Karim có nghĩa là nguồn của đồi nho. Nơi đó là vùng tĩnh lặng gần ở Giêrusalem. Người hành hương đến nơi thánh này sẽ nhớ đến cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét, cũng như nhớ đến bài hát của hai phụ nữ này. Trong hai bài hát đó, cả hai đều diễn tả sứ mạng và trách nhiệm của họ, nghĩa là họ cưu mang hai Hài Nhi. Hai bài hát này chất chứa niềm vui, qua hình ảnh bào thai trong lòng bà Êlisabét nhảy mừng”[3].
Như thế, để đến thăm bà Êlisabét, Mẹ Maria phải đi một đường dài. Mẹ mất từ 03 đến 04 ngày đường đi bộ. Chúng ta cũng nhận ra rằng, Mẹ Maria đi một mình chứ không đi chung với thánh Giuse. Mẹ “lên đường” đến nhà bà Êlisabét là do thánh ý của Thiên Chúa, qua sự báo tin của Thiên Thần Gáprien với Mẹ: “Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,36-37).
Mẹ không chậm trễ, mà Mẹ vội vã lên đường theo lời mời gọi của Thiên Chúa. Mẹ lên đường với niềm vui và sự nhanh lẹ. Thật vậy, ai nghe tiếng Chúa kêu mời lên đường đi theo Chúa và được Thần Khí thúc đẩy, phải bước đi với tâm hồn vui mừng và tinh thần cởi mở, dầu trên con đường đầy khó khăn thử thách.
“Bà Maria vội vã lên đường”. Thánh Luca diễn tả thật đơn giản, nhưng quyết định để ra đi chắc chắn không dễ dàng. Vào thời đó, vấn đề đi xa thật nguy hiểm, nhất là đối với thiếu nữ đã đính hôn và giờ lại đi xa một mình. Ở đây chúng ta thấy một sự tự do hành động của Mẹ. Hơn nữa, ân huệ của Chúa Thánh Thần không trì hoãn công việc phải làm. Chính Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy Mẹ Maria và ban cho Mẹ tự do để lên đường, một sự linh hoạt không theo lề thói bình thường. Chúng ta có thể hỏi Đức Maria: “Điều gì làm Mẹ vội vã như vậy?”[4]
Trong ý nghĩa thiêng liêng và tốt lành chúng ta thấy rằng: sự vội vã của Đức Maria nhằm diễn tả lòng yêu mến, muốn đi thăm viếng để chúc mừng bà chị họ, sau khi Mẹ được thiên thần báo tin. Hơn nữa, Mẹ cũng chia vui với chị họ giống như Mẹ được ơn làm mẹ. Với bà Êlisabét, thì đó là một ơn lớn Chúa ban, đang khi bà không còn chút hy vọng có con. Ngoài ra, Mẹ còn muốn nâng đỡ chị họ “nay đã có thai được sáu tháng”. Cụ thể, Mẹ “ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng”. Ở lại để giúp đỡ bà cho đến khi Gioan tẩy giả chào đời.
Hơn nữa, Mẹ Maria đến thăm và đã đem Chúa đến cho gia đình ông bà Dacaria, là một cái nhìn rất đẹp cho đời sống Đức Tin và tâm linh. Em-ma-nu-en có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Mẹ Maria đem Đấng luôn muốn ở cùng nhân loại đến nhà người chị họ. Đó là một hành động chia sẻ rất tuyệt vời. Mỗi người chúng ta hôm nay, ai ai cũng cần có Chúa, dù cho thế giới và xã hội có làm ngơ Chúa đến mấy, và dù cho nhiều người đang đẩy Chúa ra khỏi ánh mắt nhìn của họ.
Càng quay lưng đi với Chúa, thì nhân loại càng cần đến Chúa. Vì nếu xã hội chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, thì biết bao điều tệ hại sẽ xảy ra, cuộc sống con người sẽ mất dần ý nghĩa và trở nên tẻ nhạt. Mong sao, chúng ta là những tín hữu ý thức bắt chước Mẹ Maria, luôn sẵn sàng mang Chúa đến cho người khác, nhất là những người gần gũi với mình nhất.
Ngoài ra, đức cố hồng y Martini còn nhìn động lực Mẹ vội vã lên đường thăm bà Êlisabét theo tâm tình sau: “Tôi nghĩ rằng, nếu đi sâu vào thâm tâm của Mẹ, chúng ta có thể khám phá Mẹ có một khát vọng muốn có một dấu chỉ để khẳng định bí nhiệm của Mẹ. Lời loan báo của Thiên Thần là một bí mật rất nặng nề để giữ kín, một bí mật khó truyền thông, và chúng ta có ấn tượng rằng, Mẹ không kể nó cho ai. Bởi vì điều này, Mẹ cần gặp bà Êlisabét để đón nhận sự khẳng định về lời truyền tin cho Mẹ, về điều liên quan đến ý muốn của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên Đức Maria có một khát vọng mãnh liệt muốn phục vụ và giúp đỡ cho bà chị họ già nua. Nền tảng cho một mối liên hệ chân chính và sâu xa nằm sẵn trong chính hoàn cảnh của nó, và nền tảng ấy là sự hỗ tương. Mẹ muốn giúp đỡ, nhưng cũng nhận sự giúp đỡ…Trong một mối liên hệ chân chính, một người có thể hiểu người khác sâu sắc, và cũng được người kia hiểu mình như vậy. Đây là tính hỗ tương của mối liên hệ”[5].
Như thế, cuộc thăm viếng của Mẹ Maria nơi bà Êlisabét mang một nét đẹp của tình người, của sự tương trợ và chia sẻ. Martini tiếp tục nêu lên tầm quan trọng của ý nghĩa hỗ tương này: “Đức Maria đã giữ kín trong lòng một bí mật không thể nói ra được cho đến khi viếng thăm người chị họ, nhưng đây là một gánh nặng nề xét theo quan điểm của con người.
Chúng ta cũng phải mang vác những gánh nặng nề mà chúng ta không thể nói ra: các vấn đề khó khăn của mình, những đau khổ mà người khác tâm sự với chúng ta. Do đó, chúng ta dễ hiểu về Đức Maria, người mang trong lòng gánh nặng: sự trinh khiết của Mẹ, mối liên hệ với thánh Giuse, hướng đi mới của Mẹ, mầu nhiệm mà Mẹ bắt đầu bước vào, và điều đó sẽ tỏ ra sau này nơi thập giá và sự phục sinh của Người
Con của Mẹ. Mẹ cảm thấy bà Êlisabét đã hiểu về Mẹ. Mẹ ý thức rằng: có một người khác, không cần Mẹ giải thích nhưng đã biết bí mật của Mẹ, khẳng định điều đó với Mẹ, và bảo đảm với Mẹ rằng: Mẹ đã đúng khi hết lòng tin tưởng. Như thể bà Êlisabét nói rằng: Hãy can đảm lên. Chị đã hiểu rõ em. Đừng sợ. Em đang đi trên con đường đúng đắn. Chị cũng mang thai một đứa con”[6].
Đó là ý nghĩa của việc Mẹ vội vã lên đường đến thành Giuđa. Khi đến nơi, “Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét”. Người Do thái thường chào nhau với từ “Shalom”, nghĩa là chúc “Bình an ở với anh” (x.Ga 20,19), hay “Thiên Chúa ở cùng anh”. Ở câu truyện truyền tin cho Mẹ Maria, sứ thần Gáprien đã chào Mẹ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28).
Còn trong câu truyện Mẹ đến thăm viếng bà Êlisabét, thì thánh sử Luca chỉ nói là Mẹ chào bà, nhưng không nhắc đến lời chào như thế nào. Dù vậy, chúng ta thấy rằng Mẹ đã chào người chị họ với những lời hoà nhã và kính trọng. Trong lời chào này còn chứa đựng chính sự trân trọng ân sủng mà Chúa đã ban cho bà Êlisabét mà Mẹ cũng đã được báo tin (x. Lc 1,36-37).
Hai người phụ nữ được Chúa thương đoái nhìn, hai người phụ nữ của ân sủng, hai người phụ nữ tràn đầy niềm vui, vì có Chúa ở cùng và hai người phụ nữ mang trọng trách Chúa trao, gặp gỡ nhau trong tình yêu thương. Thật đẹp, khi được phép chiêm ngắm khung cảnh hai tâm hồn tuyệt vời gặp gỡ nhau.
Sau khi lắng nghe lời Đức Maria chào, bà Êlisabét có phản ứng gì? Thánh Luca viết như sau: “41 Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
Phản ứng của bà Êlisabét được tỏ ra trong bản văn qua ba sự kiện: nghe tiếng chào, sự nhảy mừng của đứa con trong bụng và tràn đầy Thánh Thần. Đây là hiệu quả có ba phần của mối liên hệ sâu xa và chân chính, được thiết lập bởi Đức Maria qua lời chào hỏi của Mẹ.
Ở đây chúng ta chúng ta chú ý đến sự kiện thứ hai. Đó là hình ảnh bào thai trong bụng nhảy lên vì vui mừng: “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên” (câu 41). Trong câu 44 chúng ta thấy Luca cũng diễn tả hình ảnh đứa bé: “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”.
Như thế, có nét giống nhau là “đứa con trong bụng nhảy lên”. Còn nét khác biệt nằm ở cách diễn tả của thánh sử Luca. Trong câu 41, “đứa con trong bụng nhảy lên” được diễn tả theo tính cách gián tiếp xảy ra nơi bà Êlisabét, còn trong câu 44, Luca nói rõ ràng là bà Êlisabét chủ động thốt ra: “đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”, khi vừa nghe lời Mẹ Maria chào. Nhưng hình ảnh “đứa con nhảy lên trong bụng” có ý nghĩa gì?
Như chúng ta biết Luca là một y sĩ (x.Cl 4, 14), vì thế việc Luca chú ý đến những khoảnh khắc bào thai “đạp” và “nhảy” trong bụng là điều dễ hiểu. Đó là những giây phút khó quên. Bào thai “đạp” và “nhảy” nghĩa là bào thai đang hiện diện cách sống động. Trong Cựu Ước, cũng có hình ảnh anh em sinh đôi Êsau và Giacóp đã nhảy múa trong bụng bà Rêbécca trước kia là hiếm hoi: “Các đứa con đụng nhau trong lòng bà, nên bà kêu lên: ‘Nếu vậy thì tại sao tôi thế này?’ Bà thỉnh ý Đức Chúa. Đức Chúa phán với bà: Có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau.Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé” (St 25,22-23).
Cousin cũng chia sẻ về hình ảnh này: “Em (Gioan Tẩy Giả trong lòng bà Êlisabét) được đầy Thánh Thần như sứ thần đã loan báo (x.Lc 1,15), em bé thấy hừng lên bình minh của thời đại mới và nói tiên tri bằng việc nhảy mừng và không phải bằng lời nói, khi hân hoan nhận ra sự hiện diện của Đấng mà thiên hạ đợi trông vào thời cuối cùng”[7].
Khi bào thai trong lòng bà Êlisabét nhảy mừng, thì bà được đầy tràn Thánh Thần. Tác động của Thần Khí trên bà mạnh mẽ đến nỗi, từ môi miệng của mình bà Êlisabét đã hát lên một bài ca thật đẹp ca ngợi Mẹ Maria và Hài Nhi ở trong lòng Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
Suy niệm từng lời trong bài ca này, chúng ta thấy những áng văn thật đẹp và tràn đầy niềm vui. “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”. Người phụ nữ cao niên hơn, bà Êlisabét, mở lời chúc mừng cô trinh nữ Maria, vì cô trinh nữ đã đón nhận ơn quá đặc biệt từ trời cao, nên cô được chúc phúc hơn tất cả các phụ nữ khác.
Theo Ravasi, “phúc lành trong Thánh Kinh luôn đi đôi với hoa trái. Trong ngôn ngữ Sêmít thì câu ‘được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ’ mang tính cách superlative, có nghĩa là mức tối thượng, cao nhất”[8]. Như thế, Mẹ Maria là người được nhận sự chúc phúc cao nhất từ Thiên Chúa. Thêm vào đó, không chỉ Mẹ Maria được chúc phúc, mà người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Nghĩa là “bà Êlisabét biết rằng Đức Maria là một người Mẹ. Bà đã hiểu điều mà trước đó bà không biết và điều mà Đức Maria không nói với ai cả”[9].
Tiếp theo lời chúc mừng về phúc lành của Thiên Chúa trên Mẹ Maria và Hài Nhi, bà Êlisabét trở về với chính bản thân và chân nhận việc Mẹ Maria, Thân Mẫu của Thiên Chúa, đến thăm bà là một hồng ân cao quý. Bà thốt lên rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”. Trong lời của bà Êlisabét, chúng ta nhận ra được sự khiêm tốn và lòng biết ơn sâu xa. Hơn nữa, lời này còn chính thức công nhận việc Đức Maria làm Mẹ là một điều ngoại thường.
Thật vậy, “bà Êlisabét không chỉ nhận ra rằng Đức Maria và đứa con bà cưu mang là đối tượng cho phúc lành của Chúa. Bà còn tuyên xưng người bà con của mình là Mẹ của Chúa tôi; bà Êlisabét nói bằng chính môi miệng mình điều mà đứa con bà đã xác nhận bằng cách nhảy mừng: con của Đức Maria là Đấng Kitô, Chúa đã loan báo trong Thánh vịnh 110, câu 1 (được trích dẫn bởi Lc 20,41-44 và Cv 2,34-36)”[10].
Sự nhận biết của bà Êlisabét dựa trên một giao động đặc biệt. Đó là sự “nhảy lên vui sướng” của bào thai trong chính lòng bà: “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”. Theo Martini, “Tất cả mầu nhiệm của Đức Maria được trình bày ở đây: Đức Maria và Chúa Giêsu, Đức Maria và Gioan, đức tin của Đức Maria, việc Đức Maria làm mẹ, sự vâng phục của Đức Maria đối với tiếng gọi của Chúa.
Chúng ta có thể nói rằng trong bản văn này, lòng sùng kính đối với Đức Maria vì vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ, lòng sùng kính được diễn tả bởi một con người, có sự khởi đầu của nó. Trong cảnh truyền tin, chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Maria mà bà Êlisabét cảm nghiệm. Trong cảnh thăm viếng, chúng ta chiêm ngắm việc một phụ nữ nhận biết mầu nhiệm này và ca ngợi nó. Bà Êlisabét là người đầu tiên trong số muôn vàn người ‘sẽ ngợi khen Đức Maria có phúc’ từ đời nọ đến đời kia”[11].
Bài ca ngợi của bà Êlisabét được kết với lời cũng thật đẹp về Mẹ Maria: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Một lần nữa Mẹ Maria được ca ngợi là người có phúc, nhưng phúc lành của lần này dựa trên chính niềm tin của Mẹ: “vì (em) đã tin rằng”.
Theo Ravasi, “niềm tin trong ngôn ngữ của Thánh Kinh diễn tả một sự đồng thuận toàn vẹn. Một lời đồng thuận hoàn toàn của tâm hồn và thể xác dành cho Thiên Chúa. Có thể nói cụm từ ‘Mẹ thật có phúc, vì đã tin’ là định nghĩa đẹp nhất dành cho dung mạo của Mẹ Maria. ‘Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em’.
Lời này cũng làm cho chúng ta nhớ lại một đoạn khác trong Tin Mừng Luca: ‘27 Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!28 Nhưng Người đáp lại: Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa’ (Lc 11,27-28).
Mẹ Maria được ca ngợi là người được chúc phúc, không chỉ dựa trên việc Mẹ là Mẹ thật của Hài Nhi có tên là Giê-su ở thành Nadarét, mà chính yếu là vì Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa, như công đồng Êphêsô đã tuyên bố. Nhưng để trở nên Mẹ Thiên Chúa, thì Maria phải là người tin, một người lắng nghe Lời Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ Maria là người tín hữu đầu tiên của các tín hữu”[12].
Thật vậy, “bà Êlisabét cũng nối kết Đức Maria với ông Ápraham, người cha của những kẻ tin, bởi vì cũng như tổ phụ Ápraham, Mẹ đã tin vào việc Chúa sẽ thực hiện lời đã hứa. Như thế, từ một lời chào, từ một cuộc gặp gỡ, từ một mối liên hệ của lòng tốt, từ sự tôn trọng và kính trọng, một mầu nhiệm lớn lao tỏ ra”[13].
Ngoài ra, chúng ta có thể khám phá được niềm tin và phúc lành trải dài trong Tin Mừng. Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng “Ông cứ về đi. Ông tin thế nào, thì được như vậy!”, và người đầy tớ của ông ta đã được chữa lành (x.Mt 8,13). Đối với người phụ nữ bị băng huyết, Người nói “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con”.
Và ngay từ lúc đó, máu của bà ngưng không chảy ra nữa (x.Mt 9,22). Đối với hai người đàn ông bị mù, Người nói “Các anh tin thế nào, thì được như vậy!”, và họ đã được nhìn thấy trở lại (x.Mt 9,29). Và còn biết bao nhiêu ví dụ khác nữa.
Một lần nữa hướng nhìn về Mẹ Maria, chúng ta thấy Mẹ thật cao cả trong câu truyện này với nhiệm vụ làm Mẹ của Thiên Chúa. Sự cao cả của Mẹ còn được biểu lộ qua tinh thần “xin vâng” hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa ở nơi Mẹ, cũng như qua lòng tin vào sức mạnh và quyền năng của Lời Thiên Chúa.
Đi đôi với niềm tin của Mẹ được bà Êlisabét ca ngợi là chính hành động của niềm tin mà Mẹ thực hiện. Thiên Chúa hoạt động để cứu độ con người, nhưng Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của con người, để sự cứu độ được kiện toàn. Sự cộng tác và tham gia của con người chính là niềm tin được biểu lộ qua việc làm.
Đức Maria được chúc phúc, bởi vì không những Mẹ đã tin, mà còn hành động theo lòng tin của mình nữa. Ngay sau khi sứ thần đến thăm, Mẹ vội vã thăm viếng bà Êlisabét. Từ điểm này, chúng ta nhận thấy lòng tin tôn giáo nơi Mẹ không phải chỉ là vấn đề cảm xúc. Nhưng Mẹ đã chuyển lòng tin đó thành hành động cụ thể. Đó là niềm tin sống động.
Trong cái nhìn tổng thể về cuộc thăm viếng bà Êlisabét của Mẹ Maria, chúng ta thấy đó là cuộc gặp gỡ thật đẹp giữa hai phụ nữ. Qua sự hoạt động của Thiên Chúa, cuộc sống đang thay đổi đối với Mẹ Maria và bà Êlisabét. Sau khi được truyền tin, Mẹ Maria đã lập tức đi thăm người chị họ.
Mẹ một mình đi đến miền Giuđa: một điều chưa từng bao giờ nghe thấy trong thời đại ấy! Khi hai người phụ nữ này gặp nhau, họ chia sẻ cho nhau biết về ý nghĩa của những phép lạ xảy ra trong cuộc đời mình. Đó là hai bào thai mà hai người phụ nữ đang cưu mang.
Sự chuyển động “nhảy lên” của bào thai trong lòng bà Êlisabét đã diễn tả sự trông đợi trong vui mừng của bà và niềm vui này cũng toả qua Mẹ Maria. Có lẽ không ít người nghĩ rằng khi gặp Đức Maria, bà Êlisabét sẽ “nổ” về tin vui trọng đại của mình. Nhưng không. Bà Êlisabét gạt niềm vui riêng của mình sang một bên để đặt Đức Kitô vào trung tâm của biến cố khi nói rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”
Với những lời này, bà Êlisabét đã chiếm ưu thế, vì bà là người đầu tiên gọi con trẻ Giêsu là Thiên Chúa Của Tôi. Và cũng bởi vì bà đã hiểu được ân huệ mang thai, một ân huệ mà bà và người em Maria đã chia vui cùng nhau.
Cuối cùng, trước tất cả những gì thật đẹp diễn ra trước mặt, Mẹ Maria đã cất lên một bài Ca Ngợi tuyệt vời. Đây là bài ca thứ hai tràn đầy niềm vui của Cô Trinh Nữ được Chúa chúc phúc hơn mọi phụ nữ, được Chúa đoái thương dù thân phận cô chỉ là nữ tỳ hèn mọn.
Bài ca Ngợi Khen, Magnificat là lời cầu nguyện rất đẹp của Mẹ Maria hướng về Thiên Chúa. Bài ca Ngợi Khen được hoà quyện với những lời của Cựu Ước, và bài ca này có một sự liên hệ chặt chẽ với bài ca của bà Anna, mẹ Samuen (x.1Sm 2,1-11).
Bài ca Ngợi Khen là một bài thánh thi được dùng trong Phụng Vụ, và Mẹ Maria đã hát lên bài ca này với tư cách của một nữ tỳ khiêm nhu ca tụng ngợi khen Thiên Chúa, về những hành động cao cả của Ngài đối với Mẹ. Giáo Hội tiên khởi cũng luôn chú ý đến lời ngợi ca Thiên Chúa về những hành động tuyệt vời của Người.
Sách Công Vụ có viết: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,46-47).
Thánh Phaolô cũng nhắc nhớ cộng đoàn Êphêsô: “Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5,18-20).
Từ hơn 2000 năm nay, Giáo Hội tiếp tục hát lên bài ca Ngợi Khen tuyệt mỹ này trong các Thánh Đường, các tu viện và cả trong những ngôi nhà đơn sơ, như nhà của Êlisabét ngày xưa. Trong tông huấn Marialis Cultus, thánh Giáo Hoàng Phaolô VI viết: “Magnificat là lời cầu nguyện tuyệt vời của Mẹ Maria, bài ca ngợi khen của những thời khắc cứu tinh (messianic), nơi hòa chung niềm vui của Israel cựu và tân.
Nơi bài ca này lại vang lên một lần nữa niềm hân hoan của Ápraham là người đã được thấy ngày của Đấng Cứu Tinh (x.Ga 8,56) và vang lên một cách tiên tri tiếng nói của Hội Thánh. Bài ca của Đức Trinh Nữ đã trở thành lời cầu nguyện của Hội Thánh trong mọi thời đại” (số 18).
--- Còn tiếp ---
----------------------------------------------------------------------------------------
[1] Trích bài diễn giải của thánh Ambrôsiô, giám mục, về Tin Mừng theo thánh Luca (truyền tin). Trong giờ Kinh Sách ngày 21.12.
[2] X. Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. S.29.
[3] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.235.
[4] X. Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.28.
[5] X. Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.29.
[6] X. Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.33.
[7] Cousin H., L’évangile de Luc. Commentaire pastoral. Édition Centurion.Paris 1993. P.30.
[8] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.235.
[9] Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.31.
[10] Cousin H., L’évangile de Luc. Commentaire pastoral. P.31.
[11] Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.32.
[12] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.235-236.
[13] Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.32.