Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 223

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 1/23 - Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 1/23

Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

-----------------------------

DẪN NHẬP TỔNG QUÁT

Lời mở đầu

Các bạn sau khi đã trải qua quá trình học “thần học” ở các Đại chủng viện hay Học viện và đang theo đuổi chương trình STL, Thạc sĩ thần học (Licentiate in Sacred Theology) [1] chuyên ngành Tín lý tại Học Viện Công Giáo Việt Nam. Các bạn đang bước vào thời kỳ cuối của chu kỳ học thuật, và những bạn có khả năng sẵn sàng thực hiện “tiểu luận” hay luận văn (thesis vs dissertation) thần học.

Nhiều bạn đã từng làm tiểu luận liên quan đến các ngành nghề chuyên môn hoặc như là luận văn cuối chu kỳ học thần học ở Đại chủng viện hay Học viện. Đối với chương trình STL, tiểu luận” thần học như là một luận án nhỏ, chứng nhận khả năng nghiên cứu xa hơn của bạn trong chương trình tiến sĩ (STD) của ngành ‘Thần học”, vì thế trong tiếng Anh, người ta dùng từ thesis để gọi tiểu luận này, và từ này đôi khi bị nhầm lẫn với từ dissertation, luận án tiến sĩ, và trong tiếng Pháp, tiểu luận luận án tiến sĩ được chỉ định với hai từ khác nhau là le mémoire (masculin) la thèse de doctorat[2].

Khả năng tiểu luận sẽ được đánh giá qua 4 điểm dưới đây: a) kiến thức và kỹ năng của bạn thông qua việc đặt được đúng điểm mấu chốt của vấn đề nghiên cứu, b) kinh nhiệm làm việc khoa học của bạn: sử dụng các nguồn tư liệu mới, tư duy đổi mới hoặc phương pháp luận, c) khả năng suy nghĩ và tư duy phản biện của bạn, d) và cuối cùng là tố chất viết văn và truyền đạt của bạn.

Khi bắt đầu bước vào nghiên cứu và soạn thảo “tiểu luận”, các bạn được các giáo sư hướng dẫn giúp chọn đề tài, chọn tài liệu tham khảo và thiết lập dàn bài nghiên cứu và cuối cùng là soạn thảo. Trong qua trình đó, các bạn đã đi theo, và thường không ý thức, quy trình nghiên cứu của mình và đã sử dụng nhiều “công cụ” khác nhau mà chúng ta thường gọi chung là phương pháp.

Phương pháp và phương pháp luận

Nhưng khi hỏi đến phương pháp của bạn sử dụng để soạn thảo thần học, và nhất là thần học tín lý, nhiều bạn đã lúng túng và không thể trình bày mạch lạc và hiểu biết “phương pháp” thần học của mình. Chúng ta nên phân biệt ở đây trước tiên những thuật từ sử dụng trao đổi lẫn nhau và thường gây ra nhũng nhầm lẫn đáng tiếc: ngay cả khi thực hiện luận án Tiến sĩ, nhiều sinh viên, thường là ngoại quốc du học ở một trong những đại học ở châu Âu, lẫn lộn giữa hai thuật từ “method” và “methodology”.

Định nghĩa

Tự điển trên internet, dictionary.com (https://www.dictionary.com/browse/methodology) cung cấp 3 định nghĩa của từ methodologies (số nhiều) như sau:

     a set or system of methods, principles, and rules for regulating a given discipline, as in the arts or sciences.

          Philosophy: a) the underlying principles and rules of organization of a philosophical system or inquiry procedure. b) the study of the principles underlying the organization of the various sciences and the conduct of scientific inquiry.

          Education: a branch of pedagogics dealing with analysis and evaluation of subjects to be taught and of the methods of teaching them.

Đối với thuật từ Anh ngữ methodology, chúng tôi tạm dịch là Hệ phương pháp hay Phương pháp luận hay khoa học các phương pháp. Và thuật từ vừa nhắc đến bao gồm các từ tiếp cận công cụ tư duy khoa học gọi chung là phương pháp (method).

     Để nghiên cứu chủ đề, đặt vấn đề và tiến hành quy trình soạn thảo Tiểu luận, các bạn phải nắm bắt và áp dụng phương pháp luận bao gồm các quy tắc nghiên cứu để đi đến việc hoàn thành tiểu luận.

Có nghĩa là phương pháp luận giúp các bạn hệ thống hóa các phương pháp, tùy theo các lãnh vực nghiên cứu khác nhau, tùy theo ngành học và môn học của các bạn. Phương pháp luận của ngành Khoa học Xã hội nhân văn sẽ sử dụng các phương pháp hay tiếp cận thích hợp với nghiên cứu nhân văn của họ so với ngành Y khoa, Luật khoa, hay Khoa học Toán,...

Vậy trong lãnh vực nghiên cứu thần học, nhất là thần Tín lý, các bạn đã nhận biết và học cách sử dụng hệ phương pháp nào để hiểu và trình bày kiến thức thu thập được của các bạn? Chúng ta có thể nói gì về “phương pháp thần học kinh viện”, phương pháp thần học của các thần học gia nổi tiếng như Karl Rahner, Edward Schillebeeckx (1914-2009),...

Và Giáo hội của chúng ta cũng định nghĩa rằng Thần học là khoa học Đức tin, theo lời của Thánh Anselm thành Canterbury: “Non pas accéder à la foi par la raison mais savourer par la raison ce qui est tenu par la foi.” (Không phải bước vào đức tin bằng lý trí nhưng thưởng thức bằng lý trí những gì được nắm giữ bởi đức tin). Đức tin Ki-tô giáo không phải là một “dòng sông chảy dài phẳng lặng”, vắng bóng mọi nghi ngờ, thắc mắc hay chất vấn. Tin Mừng của Đức Ki-tô đối diện chúng ta với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi, về Ơn Cứu độ, về sự dữ, với những đòi hỏi luân lý và đạo đức. Ngoài sự khai tâm đầu tiên được học giáo lý và ngoài kinh nghiệm bản thân của mỗi người, nghiên cứu thần học giúp tiếp cận một cách hợp lý và có tính phê phán mầu nhiệm Thiên Chúa đến với con người như thế nào và làm cho họ hiểu rằng tư duy và đối thoại là nền tảng của đức tin. Thánh Phêrô đã từng khuyên các tín hữu: “15 Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em16Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng.” (1 Pr 3, 15-16a).

Nhầm lẫn đáng tiếc

Hơn nữa, khi nói đến “tiểu luận” hay các bài nghị luận khác, nhiều bạn - vì được giáo dục tại Việt nam – liền nghĩ ngay đến một “bài luận văn mẫu”, “khung dàn bài”, như một mô thức cụ thể để bắt chước. Ngay cả Bộ trưởng Giáo Dục của Việt Nam Nguyễn Kim Sơn đã muốn các giảng viên phát triển tư duy cho sinh viên bằng cách trừ khử các bài mẫu, và cũng nói thêm rằng: “Chúng ta đều có thể nhìn thấy, cái ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là ‘ghế nóng’, sẽ luôn nóng, đầy áp lực, bởi thực tế ngành giáo dục đang tồn tại những ‘căn bệnh’ trầm kha, đó là bệnh ‘ngụy thành tích’ và bệnh ‘hình thức.” Vì “căn bệnh” này làm mất khả năng tư duy sáng tạo của sinh viên.

Phương pháp luận ở đây không phải là khuôn mẫu (model), nhưng trong đó chúng ta phải phân biệt với paradigm, mà người ta đã dùng lẫn lộn hiện nay với thuật từ “model”.

Nhưng trước khi phân biệt các thuật ngữ trong phương pháp luận như paradigm, theory, model, schema, chúng ta nên mở ngoặc làm rõ một nhầm lẫn hay có đối với các sinh viên: đó là các “chuẩn” (style), chứa đựng trong nội dung các cẩm nang được công nhận trong hầu hết các trường Đại học trên thế giới.

Các "Chuẩn" hình thức hỗ trợ công việc soạn thảo “tiểu luận” và “luận án” là gì?

Các bạn cũng biết rằng đã có nhiều cẩm nang Anh ngữ, Pháp ngữ, và Việt ngữ hướng dẫn cho các sinh viên, giáo sư hay học giả về các phương pháp luận cho việc thực hiện tiểu luận và luận án thần học, cũng như các bài viết học thuật khác như các báo cáo thực tập, bài viết cho các tập san chuyên đề, sách... Trong môi trường học thuật thần học giới hạn của chúng ta hiện nay, các bạn cũng có thể tìm được một số cẩm nang hữu ích như:

     "Cẩm nang trình bày bài nghiên cứu" của Học Viện Công giáo.

     Nếu các bạn đọc thông thạo Anh ngữ, chúng tôi giới thiệu một số cẩm nang Anh ngữ khác nhau. Mỗi cẩm nang được giới thiệu tiếp sau đây cung cấp các Chuẩn (style) được công nhận trong giới học thuật, xác định các yếu tố cơ bản từ phương pháp luận đến các cách viết trích dẫn, cước chú, thư mục, chú thích, tùy theo từng lãnh vực và vùng lãnh vực khác nhau của giới học thuật[3].

          Chuẩn APA (The American Psychological Association - Hiệp hội Tâm lý Mỹ): áp dụng cho các ngành tâm lý học, giáo dục, khoa học xã hội.

          Chuẩn MLA (Modern Language Association - Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại): áp dụng cho các ngành văn học, nghệ thuật, nhân văn.

          Chuẩn CHICAGO (The Chicago Manual of Style: The Essential Guide for Writers, Editors, and Publishers, còn được gọi tắt là CMOS). Chuẩn Chicago nhắm đến đối tượng là các học giả nghiên cứu chuyên môn, cũng như các nhà xuất bản. Chuẩn này được áp dụng cho tất cả các ngành và các hình thức tài liệu khác nhau.

          Chuẩn TURABIAN (Kate L. Turabian’s Manual for Writers of Research Papers, Theses, and Dissertations). Trên thực tế, hiện nay chuẩn TURABIAN và CHICAGO tương đồng với nhau, nhưng dành cho từng cấp độ khác nhau, và đều do “University of Chicago Press” phát hành thành 2 cuốn cẩm nang. Cẩm nang TURABIAN được xem là cuốn rút gọn của Cẩm nang CHICAGO; cẩm nang TURABIAN dành cho học sinh, sinh viên. Sau đây là các hình bìa minh họa, sinh viên có thể mua qua internet.

Ngoài các cẩm nang nói trên, chúng tôi cũng may mắn mua được một vài tác phẩm khác như sau:

     Subhash Chandra Parija, Vikram Kate, Thesis Writing for Master's and Ph.D. Program, Springer Singapore, 2018.

     Paul Gruba - Justin Zobel, How To Write Your First Thesis, Springer, 2017.

     Felix R. Librero, PhD Professor of Development Communication, Writing your thesis (A Practical Guide for Students), University of the Philippines OPEN UNIVERSITY Los Baños, Laguna, Philippines 2012.

---------------------------

ghi chú:

[1] The Licentiate in Sacred Theology (STL) is a two-year Roman Catholic ecclesiastical degree in advanced theological study which gives students two full years of study beyond the Bachelor of Sacred Theology (STB) and Master of Divinity (MDiv) degree. The STL degree is suggested for lay, clergy and religious to further theological expertise for service in official capacities in religious communities and dioceses, and for teaching in higher education, diocesan schools and seminaries.

 [2] Cơ cấu hệ thống giáo dục của một nước biểu thị các tầng bậc của hệ thống giáo dục và các quy định về trình độ văn bằng liên quan. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các quyết định 1981/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quy định mới về khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân như sau: Bậc 1 - Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II; Bậc 3 - Sơ cấp III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ. Ở đây, chúng ta thấy, bậc 5 - Cao đẳng cũng thuộc hệ sau tốt nghiệp phổ thông. Hình minh họa sẽ cho chúng ta một khái niệm về các cấp độ sau trung học của hệ thống giáo dục Việt nam có ba bậc chính.

Hệ thống Giáo dục Thần học Công giáo có ba cấp độ, nhiều nơi còn gọi là ba chu kỳ đại học:

Chu kỳ thứ nhất trong tiếng Anh gọi là “The Bachelor of Theology degree (BTh, ThB, or BTheol)”, một chương trình đại học kéo dài từ ba đến năm năm trong các ngành thần học, tốt nghiệp với bằng Cử nhân thần học. Các sinh viên thuộc cấp độ học thuật này thường phải học thêm các môn tiếng Hy Lạp hoặc tiếng Do Thái, ngoài các môn chính của thần học hệ thống, thần học kinh thánh, đạo đức học, homiletics, thông diễn học và giáo hội học. Ở các Đại chủng viện Việt nam, sau 9 năm, các sinh viên cũng có một bằng cấp tương đương, nhưng không chính thức như bằng chính thức của Đại học Công giáo (Canonical degrees), BTh là bằng cấp dành cho những sinh viên trưởng thành theo đuổi ơn gọi linh mục.

Chu kỳ thứ hai gọi là Master of Theology trong tiếng Anh (Latin: Theologiae Magister, abbreviated MTh, ThM, or MTheol), Thạc sĩ Thần học là một văn bằng sau đại học được cấp bởi các trường đại học công giáo, trường thần học và một số đại chủng viện. Bằng cấp chính thức cùng một cấp độ học thuật với Thạc sĩ Thần học của các Đại học Giáo hoàng gọi là Canonical License. Thạc sĩ được xem như một bằng chuyển tiếp đi vào chương trình Tiến sĩ hoặc như một bằng cấp cuối cùng độc lập tùy thuộc vào mỗi nền tảng giáo dục và tổ chức nghiên cứu cụ thể[1]. Ở Bắc Mỹ, ThM thường yêu cầu sinh viên có ít nhất 2-3 năm học sau đại học để được nhận vào chương trình Thạc sĩ thần học.

Chu kỳ cuối cùng là Tiến sĩ. Đối với Giáo hội Công giáo La Mã, hệ thống đại học giáo hoàng trao bằng cấp cao nhất về thần học Công giáo là "Tiến sĩ Thần học Thánh" (trong tiếng Latinh, Sacrae Theologiae Doctor, viết tắt là STD).

[3] Trong kho tài liệu riêng, chúng tôi đã có những cẩm nang hay các “chuẩn” nói ở đây, dưới dạng thức Pdf, nếu các bạn sinh viên cần và hỏi xin, chúng tôi sẽ gử đến cho các bạn.

-------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo