Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 66

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - phần 10/23 - Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - phần 10/23

Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

-----------------------------

CHƯƠNG 3: CHỦ ĐỀ LUẬN VĂN

II. Đặt vấn đề

1. Đặt vấn đề là gì?

Tất cả các bài viết, khảo luận, luận văn hay luận án luôn đi theo tiến trình “problèmatique”: góc cạnh mới của vấn đề nghiên cứu? Vấn nạn?

Trước tiên chúng ta đặt chủ đề nghiên cứu của mình dưới một góc cạnh, thắc mắc cần được giải quyết. Tiếp đó, phát sinh một câu hỏi nghiên cứu, đi kèm theo các luận đề như một giải pháp cần được minh chứng. Một vấn đề không làm các bạn thắc mắc và ưu tư tìm kiếm chỉ sẽ là một chuỗi xác quyết khép kín hay những thông tin góp nhặt theo cảm hứng.

a. Câu hỏi nghiên cứu

Một câu hỏi nghiên cứu thích đáng có 3 đặc điểm sau đây:

1) Câu hỏi nghiên cứu là câu hỏi trung tâm liên quan đến góc cạnh nêu lên bởi vấn đề. Câu hỏi phải mang một chữ/đề tài/ý niệm chính của lãnh vực liên quan, được xây dựng quanh giả thuyết nghiên cứu cho phép bạn nắm bắt các hệ quả và chiều kích của vấn đề. Câu hỏi ở ngoài lề của chủ đề hay chỉ chạm đến một điểm thứ yếu của chủ đề.

2) Câu hỏi nghiên cứu nêu lên góc chất vấn của chủ đề. Mỗi chủ đề nghiên cứu luôn hàm chứa các câu hỏi chưa được giải quyết.

3) Câu hỏi nghiên cứu phải được hình thành rõ ràng trong phần dẫn nhập của luận văn.

Chúng ta có thể tóm tắt vấn đề như sau: Câu hỏi nghiên cứu phải là một câu hỏi trung tâm đối với chủ đề đã lựa chọn; thông báo ý tưởng chỉ đạo của vấn đề và phác họa một tiến trình minh chứng trong suốt quá trình soạn thảo.

Câu hỏi nghiên cứu phải được chấp nhận bởi giáo sư hướng dẫn.

b. Đặt vấn đề: một cấu trúc có hệ thống

Đặt vấn đề hình thành phân đoạn trong phần dẫn nhập được soạn thảo rõ ràng theo một cấu trúc logic.

Các bạn nên cống hiến thời gian cho phần này. Các bạn có thể tư duy và viết phiên bản đầu tiên (nháp), khoảng 1/2 đến 1 trang, chứa đựng ít nhất ba nguồn quy chiếu; năm tài liệu tham chiếu cho phiên bản cuối cùng. Chúng tôi đề nghị một cấu trúc 3 phần của phân đoạn này: 1) Mở, 2) Triển khai ý tưởng, 3) Khép.

     Mở: các bạn giới thiệu chủ đề và bối cảnh liên quan. Ở đây, các bạn nên cho người đọc thấy tầm quan trọng của chủ đề bạn đã chọn, đặc biệt là liên quan đến những gì chưa ai nói đến, những gì còn mới. Sau đó, các bạn thông tin ngắn gọn mục đích nghiên cứu của mình.

     Triển khai: tình trạng nghiên cứu của chủ đề (nhiều người đã nghiên cứu, hay chưa một ai) (hoặc những gì chúng ta đã biết)

- Định nghĩa các ý niệm then chốt

- Giải thích các nghiên cứu đã có

- Một vài ví dụ

Hình thành câu hỏi nghiên cứu.

- Tìm một lỗ hổng, một điểm thắc mắc của vấn đề, minh chứng sự thích đáng của nó và cố gắng đặt thành câu hỏi.

- Biện minh lợi ích vấn đề vừa nêu

     Khép: đưa ra giả thuyết, luận đề, quan điểm

c. Giản đồ minh họa

1

Mở

2

Những gì chúng ta đã biết

(tình trạng vấn đề nghiên cứu)

Định nghĩa/giải thích/dữ kiện trải nghiệm

Câu hay đoạn chuyển tiếp

Những gì chúng ta muốn biết

(thiết lập câu hỏi nghiên cứu)

- Điểm thắc mắc, thiếu sót, sai lạc

- Thích đáng, mạnh, đúng hơn

- Câu hỏi nghiên cứu

Biện minh

3

Những gì chúng ta tin rằng mình biết

Giả thuyết, luận đề, quan điểm

d. Nguồn quy chiếu

Như đã nói, trong phần “đặt vấn đề”, các bạn nên tham khảo ít nhất là 5 nguồn quy chiếu: bài viết, sách, tự điển, internet (website), điều tra thăm dò…

Tiếp theo, chúng tôi sẽ giải thích cho các bạn các thuật từ đã được sử dụng trong phần này. Những thuật từ này hàm ẩn một số khái niệm cần làm rõ. Thực ra đó là những khái niệm lập luận không thể thiếu trong tiểu luận học thuật.

2. Lập luận

Trong quá trình soạn thảo Hướng dẫn có lúc chúng tôi đã nhắc đến các khái niệm liên quan đến phương pháp lập luận.

a. Luận đề

Luận đề là một đoạn văn ngắn, gồm 1 cho đến 2 câu, một mệnh đề, học thuyết hay một vấn đề đưa ra để bàn luận, để bảo vệ bằng luận cứ.

Luận đề hình thành tầm nhìn của người nghiên cứu. Các bạn có thể luận đề chính và các luận đề phụ. Để minh chứng luận đề của mình, các bạn phải đưa ra các luận chứng thích hợp. Ví dụ: Trong thư gởi tín hữu Roma, thánh Phaolô nêu lên luận đề chính của lá thư trong Rm 1,16-17:

16Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. 17Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.

Luận đề chính được ngài minh chứng với phương pháp lập luận của ngài, thông qua các luận đề phụ và các luận chứng khác nhau.

Luận đề phụ của Rm 1-4: “Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý”(Rm 1,18) và “21Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Điều này, Sách Luật và các Ngôn Sứ làm chứng. 22Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô” (Rm 3,21-22a).

Để hình thành luận đề, các bạn nên:

- Tư duy đáp trả thách thức của câu hỏi nghiên cứu. Luận đề không đơn thuần là một câu khẳng định, nó bao gồm các dẫn chứng hỗ trợ cho ý kiến của bạn. 3 đại từ câu hỏi sau đây giúp cho bạn: Điều gì? (định nghĩa đối tượng), Thế nào? (giải thích tiến trình), Tại sao? (trình bày mục đích). Và 3 yếu tố quan trọng xác định cách xử lý vấn đề: thời gian, không gian, và con người.

- Viết luận đề “nháp” trước, phải là một phát biểu hoàn chỉnh, có chủ ngữ và vị ngữ, không được là câu hỏi hoặc câu thông báo mục đích của bạn. Có thể những thông tin vừa tìm hiểu giúp cho bạn thấy một góc nhìn mới.

b. Các yếu tố khác của lập luận: luận điểm, luận cứ và luận chứng

Luận điểm

Luận điểm được hiểu như một khẳng định quan điểm qua các tư tưởng, lập luận chính của tác giả thực hiện luận văn hoặc diễn thuyết về một vấn đề nghị luận đang được đề cập. Như thế, một tiểu luận học thuật nhất thiết phải có luận điểm, vì luận điểm sẽ dẫn đưa các bạn đến kết luận cuối cùng nhờ các luận cứ và luận chứng.

- Để chứng minh cho luận điểm chính người ta thường đề xuất các luận điểm phụ, các luận điểm ấy liên kết soi sáng thuyết minh cho luận điểm chính của toàn bài.

- Nói cách khác, luận điểm phụ là các đặc điểm được đặt ra để thuyết minh, chứng minh, làm rõ cho các luận điểm chính, từ đó cùng với luận điểm chính làm sáng tỏ được vấn đề.

- Khi trình bày luận điểm, các bạn cần phải viết chính xác, rõ ràng, và định hướng người đọc/người nghe hiểu rõ vấn đề đang được đề cập.

Trong khi tư duy trên chủ đề đã chọn, các bạn cần xác định các luận điểm dựa trên các yếu tố sau:

- Dựa vào các dữ liệu có sẵn trong chủ đề.

- Dựa vào cách đặt vấn đề và câu hỏi nghiên cứu.

- Dựa vào phương pháp luận.

Các bạn có thể viết luận điểm theo cấu trúc dưới đây:

- Tường thuật và mô tả vấn đề sau đó đưa ra luận điểm.

- Trình bày bối cảnh sau đó xác định luận điểm.

Luận cứ

Theo các định nghĩa đọc thấy trong các tự điển luật học hay triết học, luận cứ là những lý lẽ, dẫn chứng được sử dụng làm cơ sở, căn cứ cho luận điểm trong luận văn (nghị luận). Theo lý thuyết, luận cứ là cơ sở, nền tảng; còn luận điểm có tính kết luận.

     Luận cứ phải như thế nào?

- Luận cứ cần phù hợp với yêu cầu của các luận điểm, có nghĩa là luận cứ phài hài hòa với nội dung của luận điểm.

- Luận cứ cần có tính chính xác, khi nêu lên các luận cứ cần biết rõ các thông tin đó có tính xác thực hay không? Ví dụ như luận cứ về thời gian, số liệu, nhân vật có tính lịch sử…

- Luận cứ cần có tính tiêu biểu, chọn lọc, nội dung nổi bật, đặc trưng, đáng để nêu.

- Luận cứ cần phải toàn diện, khi nêu lên luận cứ cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu đầy đủ, toàn diện cho luận điểm.

Tóm lại: xác định luận điểm là quá trình vận động trí não để nảy sinh ý tưởng về nội dung bạn cần viết. Việc xác định luận điểm khá quan trọng vì hệ thống luận điểm chính là nền tảng, cơ sở của nội dung luận văn, được ví như cái khung cốt lõi của cấu trúc tòa nhà, như xương sống của cơ thể con người.

Luận chứng

Luận chứng là sự phối hợp, tổ chức các luận cứ, nghĩa là các lý lẽ để minh chứng luận điểm. Luận chứng phải chặt chẽ, tránh cực đoan, một chiều, phải biết lật đi lật lại vấn đề để xem xét cho cạn lý hết lẽ. Sau đây là phương pháp viết luận chứng:

- Diễn dịch: từ một chân lý, quy luật chung mà suy ra các hệ luận, các biểu hiện cụ thể.

- Quy nạp: từ những chứng cứ cụ thể mà rút ra những nhận định khái quát.

- Phối hợp diễn dịch với quy nạp: mô hình cấu tạo của toàn bài văn: tổng - phân - hợp.

- Nêu phản đề: lật ngược vấn đề. Nêu luận điểm giả định và phát triển đến tận cùng để chứng tỏ là luận điểm sai. Từ đó khẳng định luận điểm của mình.

- So sánh:

+ So sánh tương đồng: từ chân lý đã biết suy ra chân lý tương tự có chung lôgic nội tại.

+ So sánh tương phản: đối chiếu các mặt trái ngược nhau để làm nổi bật luận điểm.

- Phân tích nhân quả:

+ Trình bày nguyên nhân trước, chỉ ra kết quả sau.

+ Chỉ ra kết quả trước, trình bày nguyên nhân sau.

+ Trình bày hàng loạt sự việc theo quan hệ nhân quả liên hoàn.

- Vấn đáp: Nêu câu hỏi rồi trả lời hoặc để người đọc tự trả lời.

c. Tránh sử dụng sai phương pháp lập luận

- Luận điểm không rõ ràng: nói lan man mà không nêu được ý kiến, đánh giá về vấn đề đặt ra.

- Diễn đạt thiếu mạch lạc nên không làm rõ được nội dung.

- Luận cứ không chuẩn xác, không đáng tin cậy:

+ Trích dẫn thiếu chính xác, dẫn đến bình giải không đúng.

+ Nêu đúng dẫn chứng nhưng hiểu sai lầm dẫn chứng.

- Luận chứng thiếu lôgic:

+ Lập luận có mâu thuẫn (các luận điểm trái ngược nhau, luận cứ trái ngược với luận điểm).

+ Lập luận không nhất quán (luận điểm một đằng, luận cứ một nẻo).

+ Lập luận không đủ lý do.

d. Phân biệt luận đề, giả thuyết và lý thuyết

Luận đề và lý thuyết

Trong việc soạn thảo luận văn, các bạn có thể nhầm lẫn ý nghĩa của các thuật từ như “luận đề” và “giả thuyết”, cũng như “lý thuyết”. Chúng tôi giúp bạn biết phân biệt khi hai khái niệm luận đề và giả thuyết xuất hiện liên kết và cùng lúc.

- Có người hỏi rằng, luận đề có giống như một lý thuyết không? Chúng ta có một định nghĩa về lý thuyết như sau: là hệ thống tư tưởng bao gồm các khái niệm/phạm trù, phán định (phán đoán/nhận định), và quá trình lập luận, như luận kết (suy diễn, quy nạp, loại tỷ) hoặc/và luận chứng (chứng minh, phủ bác) hợp logic nhằm làm sáng tỏ hệ thống đặc trưng, bản chất và các quy luật biến đổi của đối tượng nhất định trong tự nhiên, xã hội, tôn giáo và tư duy.

- Dựa trên định nghĩa, lý thuyết có 3 thành phần: 1/ Lập thuyết (thiết lập cơ sở riêng của Lý thuyết), 2/ Luận thuyết (xác định logic biện luận và tiến hành luận thuyết), 3/ Dụng thuyết (triển khai vận dụng lý thuyết trong phạm vi sức mạnh và khả thi của lý thuyết đó).

- Như thế, các luận đề chưa có đủ các điều kiện cơ bản để thành một lý thuyết.

Giả thuyết

Giả thuyết (cũng được gọi là phỏng đoán) là sự giải thích đề xuất cho một hiện tượng. Để một giả thuyết trở thành một giả thuyết khoa học, khi có tính khoa học, giả thuyết cần có sự kiểm định. Các giả thuyết khoa học thường được các nhà khoa học dựa vào những quan sát trước đó mà không thể giải thích được với các lý thuyết khoa học hiện có.

- Nói cách khác “giả thuyết là nhận định sơ bộ, là kết luận giả định nghiên cứu”, hoặc “giả thuyết là luận điểm cần chứng minh của tác giả”, hoặc, nhà nghiên cứu, họ định nghĩa đơn giản: “Giả thuyết là câu trả lời sơ bộ, cần chứng minh, vào câu hỏi nghiên cứu của đề tài.

- Mendeleev nói: “Không một nghiên cứu nào không có giả thuyết.” Ông còn nói: “Đặt ra một giả thuyết sai vẫn còn hơn không đặt ra giả thuyết nào.” Một vài người cho rằng, điều mà Mendeleev nói chỉ đúng trong khoa học tự nhiên, còn trong khoa học xã hội nhân văn thì không cần giả thuyết. Nhưng trên thực tế, Engels đã khẳng định trong tác phẩm Biện chứng tự nhiên[22]: “Nghiên cứu nào cũng phải có giả thuyết. Giả thuyết chẳng qua là sự giải thích sơ bộ bản chất của sự vật.

- Lập luận tạo thành lý thuyết, lý thuyết cần có những giả thuyết, tiểu luận khoa học xã hội nhân văn hay thần học cúng có thể sử dụng lý thuyết và đương nhiên cũng có những giả thuyết.

Phân biệt “giả thuyết” (hypothesis) và “giả thiết” (assumption)

“Giả thuyết” và “giả thiết” là hai khái niệm có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau trong nghiên cứu khoa học. Đáng tiếc, vẫn có nhiều bạn còn sử dụng lẫn lộn chúng. Khác với giả thuyết như chúng ta đã định nghĩa trên đây, giả thiết là một điều kiện mang tính quy ước của nhà nghiên cứu, giả thiết có thể không tồn tại hoặc không tồn tại trong thực tế.

Ví dụ: khi nói nước sôi ở 100oC, người ta ngầm hiểu, hay giả thiết là: nước đó được quy về những điều kiện giả định, đó là: (1) Nước nguyên chất, (2) Được đun nóng dưới áp suất là 1

 

----------------------------------

ghi chú:

[22] Dialectics of Nature (German: Dialektik der Natur) is an unfinished 1883 work by Friedrich Engels that applies Marxist ideas – particularly those of dialectical materialism.

--------------------------

---Còn tiếp---

 

zalo
zalo