Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 239

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 11/23 - Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 11/23

Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

-----------------------------

CHƯƠNG 4: TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Mục đích

"Người ta không thể hoàn toàn bỏ qua những gì chất chứa trong nội dung các sách." (On ne doit pas être tout à fait ignorant de ce qui est contenu dans les livres.) René Descartes.

Khi soạn thảo một luận văn học thuật, các bạn đều phải tham khảo tất cả các tài liệu liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến vấn đề hay lãnh vực nghiên cứu của các bạn. Công việc này hữu ích và bắt buộc, vì các bạn là những sinh viên nghiên cứu luận văn thạc sĩ hay luận án tiến sĩ. Sau đây chúng tôi trình bày một số lợi ích:

- Giúp các bạn thiết lập và đánh giá "tình trạng chủ đề" mình đang nghiên cứu.

- Giúp các bạn hiểu và nắm bắt được các công cụ lý thuyết và phương pháp đặc thù cho chủ đề khảo sát.

- Giúp các bạn mở rộng kiên thức nghiên cứu nhờ các tài liệu đề cập đến lãnh vực láng giềng.

- Giúp các bạn xây dựng và thiết lập một tủ tài liệu phong phú.

Tài liệu cần thiết nhưng không phải là những con chim cánh chắp bay về làm tổ trong tủ sách.

Ở Tây phương, các thư viện đại học có hàng trăm ngàn sách và tài liệu liên quan đến chủ đề nghiên cứu của mọi lãnh vực. Các sinh viên không chỉ tìm tài liệu trong ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng còn trong các ngôn ngữ láng giềng: rất nhiều sách và bài viết thần học của các tác giả danh tiếng người Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha...

Học viện của chúng ta cũng có một thư viện khiêm tốn, nhưng các bạn cũng có thể tìm thấy một số tài liệu sách vở cần thiết. Các bạn cũng có thể tìm ở những nơi khác, quan trọng là chúng ta phải tìm như thế nào để có các tài liệu thực sự hữu ích.

II. Phương pháp tìm kiếm

1. Giản đồ quy trình

2. Giải thích giản đồ

a. Giới hạn lãnh vực chủ đề tìm kiếm và các từ khóa (1 và 2)

Để không bị cám dỗ bởi ham muốn thu thập quá nhiều tài liệu gây phức tạp cho vấn đề nghiên cứu, các bạn cần nắm bắt chủ đề của mình và tự giới hạn lãnh vực để tìm kiếm đúng các tài liệu thật sự liên quan.

- Có một phương pháp nhỏ dễ dàng ghi nhớ nhờ dựa vào 5 chữ W trong tiếng Anh (What, Who, When, Where, Why). Khi bắt đầu tìm tài liệu, các bạn tự đặt các câu hỏi:

+ Tìm gì? (ví dụ: các tài liệu giáo lý, tôn giáo, các văn kiện giáo hội...)

+ Của ai? (tác giả và thể loại: sách, bài viết, hình ảnh...)

+ Thời gian? (năm xuất bản)

+ Ở đâu? (bối cảnh trong nội dung, bối cảnh soạn thảo, bối cảnh lịch sử...)

+ Tại sao tìm? (để hiểu các khái niệm, các quan điểm, các lập luận...)

- Bước tiếp theo, các bạn cần xác định các từ khóa chính. Phương pháp tìm kiếm ngược dòng trên từ khóa chính cho phép gặp các nguồn tài liệu khác, dựa trên các khái niệm tương hợp, nối kết hay liên quan với từ khóa chính. Hãy:

+ Bắt đầu bằng xác định các khái niệm khác nhau hàm chứa trong chủ đề.

+ Đối với mỗi khái niệm được xác định, hãy tìm kiếm từ khóa, từ đồng nghĩa và bản dịch.

+ Xây dựng một sơ đồ hoặc một bảng bao gồm tất cả các khái niệm và từ khóa.

- Đừng chỉ dừng lại ở từ khóa chính của chủ đề, cố gắng mở rộng với các từ đồng nghĩa, các thuật ngữ liên quan, và các từ không nối kết trực tiếp nhưng hữu ích cho một số yếu tố phụ của tiểu luận. Ví dụ: từ khóa “Đức tin” sẽ liên quan đến các từ khóa khác như “Thiên Chúa”, “Đức Kitô”, “Giáo hội”, “Con người”, “Đức cậy”, “Đức mến”, “Giáo lý”, “Thần học”, “Ân sủng”...

b. Liệt kê tài liệu và tổ chức các nguồn (3 và 4)

Phương pháp đơn giản và tốt nhất là xác định rõ ràng những các bạn muốn tìm và liệt kê thành danh sách. Ví dụ:

- Từ điển và bách khoa toàn thư để xác định các khái niệm, tìm định nghĩa, tìm hiểu tổng quan về một chủ đề

- Sách, hướng dẫn sử dụng để nắm bắt một chủ đề, nâng cao kiến ​​thức của sinh viên

- Báo, tạp chí để tìm hiểu về các nghiên cứu mới nhất về một chủ đề, tìm thông tin cụ thể

- Các loại bài viết khác nhau trên mạng lưới internet:

- Báo cáo nghiên cứu cho kết quả áp dụng mục vụ mới

- Các đánh giá tổng quan về một chủ đề

- Kỷ yếu hội nghị

- Tài liệu chất xám: những gì chưa được xuất bản (ví dụ: tiểu luận và luận án)

Bước đơn giản tiếp theo giúp cho các bạn có đầu óc tổ chức, các bạn nên sắp xếp nguồn tài liệu theo cấp độ ưu tiên. Ví dụ:

- Ưu tiên 1: Sách và các Tự điển bách khoa toàn thư

- Ưu tiên 2: Phỏng vấn và Thăm dò

- Ưu tiên 3: Nghe và thu lại các thuyết giảng

- Ưu tiên 4: Thông tin trên mạng

c. Chất lượng các tài liệu thu thập được (5)

Các bạn nên luôn tự hỏi xem các tài liệu nhận được có hợp lệ hay không theo phương pháp đặt câu hỏi sau đây:

- Về độ tin cậy: Nội dung có giá trị vững chắc hay không? Tác giả là ai, có hợp pháp và được công nhận bởi Giáo hội không? Mục tiêu của tài liệu là gì? (Ví dụ: nghiên cứu kiến ​​thức, hoặc chỉ trình bày quan điểm cá nhân?) Tài liệu có ngày tháng năm không?

- Mức độ liên quan của tài liệu: ngay cả khi một tài liệu đáng tin cậy và có chất lượng cao, nó có được bạn quan tâm không? Nó có phù hợp với những gì bạn muốn chứng minh không?

Các bạn nên đặc biệt chú ý đến những gì có thể tìm thấy trên internet, nơi đó có những tài liệu tồi tệ nhất, nhưng cũng có thể gặp những điều tốt nhất. Đặc biệt xem xét nguồn của các trang web đang sử dụng.

d. Nghiên cứu các tài liệu (6)

Sau khi thu thập một số lượng tài liệu đáng kể. Các bạn phải làm việc trên chúng để khai thác kiến thức cần dùng. Sau đây là phương pháp đề xuất:

- Thực hiện hồ sơ đọc và các thẻ đọc

- Đặt tên và sắp xếp thành bộ theo ý nghĩa của tài liệu và hơn thế nữa, sắp xếp chúng theo chủ đề trong thư mục.

- Chú ý đến việc phiên dịch các tựa đề tài liệu, nếu chúng không được viết trong ngôn ngữ mẹ đẻ, và ghi chú thêm các tham chiếu của tài liệu (tiêu đề, nguồn, ngày tháng, tên của nguồn tải xuống, sở thích).

Phương pháp này sẽ giúp các bạn hình thành những kiến thức vững chắc, tiết kiệm thời gian trong việc sử dụng các nguồn bằng cách thiết lập các danh mục cần thiết cho nghiên cứu bây giờ và sau này (Một giáo sư thần học nay đã hơn 80 tuổi, vẫn luôn sử dụng các thẻ đọc, được Ngài thực hiện cho luận án tiến sĩ thần học cách đây hơn 40 năm!)

e. Thư mục (7)

Tổ chức và trình bày thư mục không phải là một vấn đề phụ. Công việc quan trọng này góp phần khả năng tri thức và khoa học của chúng ta, thể hiện qua cách tổ chức theo một trình bày mạch lạc.

- Không có một chuẩn phổ quát duy nhất cho thư mục của các luận văn hay cho các nhà xuất bản trên thế giới.

- Cẩm nang trình bày bài nghiên cứu của Học viện đã chọn chuẩn Turabian-Chicago, nhưng cũng có một số chuẩn thông dụng khác cho các luận văn như (APA, Harvard, Vancouver, Chicago A và B, OSCOLA, MLA, IEEE, Turabian, AMA, ACS, NLM, AAA, APSA).

- Điều quan trọng là khi đã chọn cho mình một chuẩn nhất định, các bạn phải tuân theo chuẩn đó trong suốt tiểu luận. Các nguồn phải được trình bày một cách hài hòa và nhất quán.

3. Tìm tài liệu ở đâu?

- Trước tiên, các bạn đến thư viện của Học viện Công giáo và làm quen với cách sắp xếp các sách vở, tập san và những tài liệu khác. Hiện nay, các đại học nói chung và Học viện Công giáo cũng có thư viện điện tử: các bạn cần học cách tìm kiếm các sách, nhất là các bài viết, luận văn đã trình, các báo cáo hay tường trình... trên các thư viện điện tử, ngay trong Học Viện Công Giáo VN, hoặc các thư viện điện tử trên mạng internet. Nhiều sách và tài liệu cũng được xuất bản trên các website chuyên đề.

- Thứ đến, các bạn đến các nhà sách, thư viện hay các trung tâm tài liệu hiện có ở trong thành phố hay trong các Học viện dòng tu khác, chẳng hạn: HVCGVN, Đại Chủng Viện Thánh Giu-se, Học viện dòng Đa minh... Các bạn cũng có thể tìm các tài liệu, nhất là các bài viết xuất bản trong các báo chuyên đề tìm thấy trên internet trong được viết bằng ngôn ngữ mà các bạn có thể đọc dễ dàng.

- Các bạn cũng có thể trao đổi với giáo sư hướng dẫn, các bạn đồng môn, các quản thủ thư viện... Trong thư viện, có nhiều loại thư mục khác nhau được sử dụng để phân loại các chủ đề sáng tác. Để dễ dàng tìm kiếm các loại tài liệu cần thiết, hãy chú ý đến 3 loại thư mục sau đây:

+ Thư mục tác giả (Author-wise Bibliography): danh sách các sáng tác hay tác phẩm được sắp xếp theo trật tự của mẫu tự họ và tên tác giả. Chúng xếp theo thứ tự như sau: Họ, tên, chữ lót., tên tác phẩm in nghiêng. Nơi xuất bản: Nhà xuất bản, năm xuất bản.

+ Thư mục tựa đề (Title-wise Bibliography): danh sách các sáng tác hay tác phẩm được sắp xếp theo trật tự tựa đề tác phẩm. Tên tác phẩm in nghiêng, (ed/tr) [đối với tác phẩm biên tập hoặc dịch] tên, chữ lót, họ tác giả/ dịch giả. Nơi XB: Nhà XB, năm XB.

+ Thư mục chủ Đề (Subject Bibliography): danh sách tập hợp các sáng tác hay tác phẩm cùng một chủ đề. Chủ đề ở đây có thể là con người, nơi chốn, thời kỳ, vấn đề hay đề tài nào đó. Thư mục này có thể được sắp xếp theo tên tác giả/dịch giả hay tên tác phẩm/dịch phẩm, tùy theo từng thư viện.

-----------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo