PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 12/23
Lm. Paul Ngô Đình Sĩ
-----------------------------
CHƯƠNG 4: TÀI LIỆU THAM KHẢO
III. Phương pháp nghiên cứu tài liệu
1. Hồ sơ đọc: phân tích một tác phẩm thần học (reading folder, reading sheet)
Khi làm một luận văn, các bạn bắt buộc phải đọc và đọc rất nhiều. Nhưng không chỉ đọc xong và tự ghi nhớ trong đầu, mà phải học cách làm hồ sơ đọc, đây là phương pháp có từ lâu đời dành cho tất cả các sinh viên.
Hồ sơ đọc dài từ 4 đến 5 trang. Sinh viên ghi lại kiến thức hiểu biết và đánh giá tác phẩm (khác với một bài tham luận trên một tác phẩm từ 10 đến 15 trang phân tích và phát triển các biến cố, các tranh cãi mà tác phẩm đã quy chiếu; các tác giả tham chiếu, các bản văn khác và ngay cả việc tranh luận sau khi tác phẩm ra đời). Sau đây là phương pháp thiết lập hồ sơ đọc:
a. Bước tiên khởi: công việc cụ thể
Ghi ngay lập tức thông tin quy chiếu của tài liệu trong sổ tay khảo sát luận văn, chẳng hạn: CARTER, Warren. "Matthew 4:18-22 and Matthean Discipleship: An Audience-Oriented Perspective." Catholic Bible Quarterly (CBQ), Vol. 59, No. 1, 1997, p 58-75.
- Sách được tìm thấy ở thư viện ĐCV Giuse.
- Chủ đề của sách: Chúa Giê-su kêu gọi những môn đệ đầu tiên.
Ghi các thông tin của tài liệu hiện hữu trên internet hệ thống mạng.
Thẩm định các website đáng tin cậy, kiểm soát được.
- Ai là tác giả sách hay bài viết? Đã từng xuất bản trên giấy hay chưa?
- Bắt buộc phải ghi lại một cách cẩn thận các quy chiếu: http://www.jstor.org/stable/43723802?seq=1#page_scan_tab_contents, tham khảo ngày 05 tháng 02 năm 2018, 16h.
- Không nên lạm dụng các tài liệu trên internet (L'honnêteté intellectuelle est comme toute vertu! Lương thiện trí tuệ hoàn toàn là một nhân đức!)
b. Bước kế tiếp: tìm kiến thức
- Xem xét mục lục, đọc nhanh và ghi dấu các yếu tố cho là đáng chú ý.
- Đọc lại lần nữa, chậm hơn, nhưng không quá chậm.
- Đâu là vấn đề chính của tác phẩm? Tác giả là ai?
- Ông ta đặt vấn đề như thế nào? Ông giới hạn vấn đề ra sao? Ông ta làm như thế nào (phương pháp)? Giả thuyết nào? Lý thuyết nào?
- Đâu là luận đề? Ông trả lời như thế nào cho vấn đề?
- Kết luận? Vấn đề gì còn tồn đọng?
c. Bước cuối: nhận xét, phê bình, bàn thảo và đánh giá
Khi đọc lại lần thứ hai, sinh viên khám phá và ghi chép dần dần qua các chương đoạn hệ thống lập luận và xem xét các luận chứng của tác giả.
- Luận chứng 1 là gì?
- Luận chứng 2?
- Luận chứng 3?
Tương quan giữa các luận chứng?
Cuối cùng, các bạn nhận định phê bình và dấn thân vào việc bàn cãi hay tranh luận các ý tưởng của tác giả. Sau đây là phương pháp:
- Vấn đề: như thế nào? Câu hỏi đức tin và tư duy thần học?
- Đặt vấn đề: tác giả đã nhắm đến góc cạnh nào của vấn đề?
- Luận đề: của tác giả? Luận đề mở ra một cách nhìn mới không?
- Luận chứng và kết luận: đâu là những điểm mạnh và điểm yếu?
- Các bạn đón nhận hay phản bác?
2. Hồ sơ đọc: phân tích văn kiện Giáo hội, một thư mục vụ của giáo quyền
Đọc các văn kiện của Giáo hội không phải là một hành vi thông thường.
Văn kiện của Giáo hội hình thành huấn quyền của Giáo hội Công giáo, trước hết liên quan đến việc giải thích Lời Chúa. Tiếp đến là bảo vệ đức tin và nội dung của đức tin chống lại những lệch lạc và những lối giải thích sai lầm. Vì Lời Thiên Chúa trao ban cho chúng ta qua trung gian của Giáo Hội. Giữa lòng Giáo Hội, chúng ta tìm hiểu mặc khải, đó là lý do hiện hữu của huấn quyền của Đức giáo Hoàng và của các giám mục: duy trì Giáo Hội trong đức tin tinh tuyền do các Tông đồ truyền lại.
- Theo truyền thống Công giáo, chúng ta phân biệt huấn quyền long trọng (solennel) và thông thường (ordinaire). Đức giáo hoàng và Công đồng hưởng ơn bất khả ngộ, dành riêng cho một vài trường hợp hiếm hoi và hạn chế.
- Huấn quyền thông thường bao gồm các văn kiện thông thường của Đức giáo hoàng, và của các giám mục hội họp trong công đồng hay các giám mục giáo phận của các ngài. Huấn quyền thông thường cũng có giá trị của giáo huấn đức tin quan trọng.
Vì vậy, các bạn nghiên cứu các chủ đề thần học mục vụ cần đọc và nghiên cứu các văn kiện của Giáo hội.
a. Bước đầu: phương pháp câu hỏi tiên nghiệm (Xem)
Phương pháp có mục đích làm nổi bật hay làm hiện rõ những gì mới lạ hoặc chưa được biết tới.
Tìm hiểu tổng quát văn kiện:
- Trước tiên, các bạn tự hỏi, tôi biết gì về Giáo hội? Đâu là kiến thức tiên nghiệm của tôi về chủ đề của văn kiện?
- Kế đến, các bạn chú ý đến lập luận của tác giả bản văn.
- Cuối cùng, các bạn tóm tắt kết quả đọc: văn kiện nói gì? Góc cạnh của vấn đề thế nào? Văn kiện trả lời cho câu hỏi gì? Các luận đề chính?
Tìm hiểu bối cảnh văn chương và bối cảnh xã hội lịch sử của văn kiện.
Tìm hiểu các thuật từ hay các từ ngữ chuyên biệt.
b. Bước thứ 2: Phân tích và phán đoán (Xét)
Các bạn đọc lại văn kiện Giáo hội lần thứ hai một cách cẩn thận, tìm hiểu và phân tích các yếu tố sau đây:
- Tìm hiểu:
+ Từ vựng: ý tưởng, từ nguyên, định nghĩa...;
+ Các từ ngữ mấu chốt hoặc liên từ đánh dấu các giai đoạn của lập luận;
+ Xác định mục đích và giải thích luận đề của văn kiện;
+ Chú ý các động từ;
+ Kết luận thế nào.
- Phân tích:
+ Nhận diện các yếu tố trong dẫn nhập (tình trạng lúc đầu) và trong kết luận (tình trạng kết thúc và đề nghị mở rộng);
+ Khảo sát cấu trúc của lập luận;
+ Xác định ý nghĩa (tổng hợp) từng phân đoạn (cố gắng đặt cho chúng một tựa đề).
- Tóm kết:
+ Nhận xét các điểm khởi đầu lập luận, nhận diện những biên bản ghi nhận;
+ Vạch rõ các giai đoạn của lập luận;
+ Tóm tắt bằng ngôn ngữ của bạn những gì tác phẩm đã nói.
c. Bước thứ 3: Áp dụng hay cập nhật hóa (Làm)
Sau hai lần đọc trên, các bạn bước vào giai đoạn khó hơn với ý kiến riêng, phê bình và bàn thảo.
- Thẩm định và phê bình các vấn đề tài liệu đã đề cập, trong một vài chương, một vài phân đoạn;
- Giới hạn ý tưởng của văn kiện trong bối cảnh soạn thảo;
- Đón nhận giáo huấn Giáo hội và áp dụng cho đức tin.
a. Mục đích
Sau khi thực hiện các hồ sơ đọc, các bạn cố gắng làm những “thẻ” lưu trữ, chúng ta tạm gọi là “thẻ tham khảo”. Khác với hồ sơ đọc, nội dung các “thẻ” cô đọng, tóm tắt thông tin chính của các tài liệu đã đọc.
- Thẻ giúp nhớ lại một các nhanh chóng các ý tưởng của tài liệu đã đọc: các yếu tố chính, các tư tưởng chỉ đạo và các luận chứng.
- Thẻ ghi chép lại một vài câu văn hay, hữu ích mà không cần mất thời gian tìm kiếm trong sách.
Đối với tiểu luận sau cử nhân, các bạn nên tạo cho mình kỷ luật tri thức qua việc hình thành các “thẻ”.
b. Mô hình mẫu của “thẻ”
- Hình thức: thẻ cứng 10x15, hay A4 trong chương trình Word lưu trữ trong máy tính;
- Bố cục và nội dung thẻ:
+ Quy chiếu thư mục đầy đủ, ví dụ: 1) Hamilton, James M. Jr. What Is Biblical Theology?: A Guide to the Bible’s Story, Symbolism, and Patterns. Wheaton, Ill.: Crossway, 2014. (128 pp.) 2) Dei Verbum: "De Divina Revelatione: the Dogmatic Constitution on Divine Revelation of Vatican Council, Promulgated by Pope Paul VI, November 18, 1965." (Hiến chế Dei Verbum của Công đồng Vaticanô II);
+ Ngày đọc và ngày soạn thẻ, cũng như các ngày thêm, xóa. Chủ đề, thể loại và từ khóa, tác giả, bối cảnh, dàn ý và danh sách các luận chứng.
- Trang sau của thẻ:
+ Các ý tưởng quan trọng giữ lại;
+ Ý tưởng cá nhân;
+ Thư mục bổ túc;
+ Một vài trích dẫn hoặc ghi chú trang có câu hay đoạn văn hay.
- Sắp xếp thẻ: Để tiện việc tham khảo các bạn nên tổ chức và sắp xếp một cách khoa học các thẻ.
+ Ký hiệu hóa các thẻ, ví dụ: A1, A2,... B1, B2, B3, C1...;
+ Ký hiệu liên kết các từ khóa, ví dụ: A11, A12, A13, A21, A22, A23,...
-----------------
Chúng ta vừa đồng hành cùng nhau đi hết phần một, trình bày phần lớn các phương pháp hình thức tiên khởi đối với nghiên cứu tiểu luận. Chúng tôi tiếp tục hướng dẫn các bạn cách soạn thảo tiểu luận trong phần hai tiếp theo đây.
--------------------------
---Còn tiếp---