Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 197

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 17/23 - Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 17/23

Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

-----------------------------

 

CHƯƠNG 6: THÂN BÀI LUẬN VĂN

I. Cấu trúc

1. Ba tiêu chuẩn lượng giá

Dàn bài là cơ bản, là xương sống của tiểu luận phản ánh cách tổ chức và tư duy của các bạn. Dàn bài phải thể hiện được các giá trị sau đây:

- Logic và mạch lạc: theo một quá trình thông minh. Phần trước nối kết hợp lý với phần sau (Nguyên nhân → Hệ quả; Quan sát → Tư duy…).

- Dễ hiểu: các bạn không nên quanh co với những tiêu đề khó hiểu. Dàn bài đơn giản không có nghĩa là những ý tưởng được phát triển trong đó không phức tạp.

- Cân bằng: dàn bài tiểu luận được sắp xếp thành hai hoặc ba phần. Các bạn cố gắng cân bằng các phần và các phân đoạn, tiểu đoạn. Nếu khi lập dàn bài, các bạn thấy rằng phần cuối cùng của tiểu luận chỉ bằng một nửa so với phần trước, thì đó là một dàn bài không tốt.

2. Các thể loại “dàn bài”

a. Định nghĩa

Chúng ta có nhiều loại dàn bài khác nhau đáp ứng các ngành đào tạo khác nhau. Bản chất của môn học và ngành đào tạo của các bạn sẽ hướng các bạn tới loại dàn bài này hoặc loại dàn bài khác.

Chúng tôi sẽ trình bày ở đây một số ví dụ về dàn bài:

- Dàn bài học khoa học: Phân tích sự việc, giả thuyết, kiểm chứng, khuyến nghị. Đây là loại dàn bài được áp dụng nhiều nhất trong tiểu luận khoa học. Trước hết, dàn bài bao gồm trình bày và so sánh các khái niệm lý thuyết khác nhau có liên quan, sau đó là đề xuất các giả thuyết nghiên cứu, cuối cùng là xác minh bằng một phương pháp khảo sát thích hợp để đưa ra kết luận từ việc phân tích các kết quả thu thập được.

- Dàn bài biện chứng: Chính đề hay Luận đề, Phản đề, Hợp đề (Thesis - Antithesis - Synthesis).

- Dàn bài phân tích hay chuyên đề: dàn bài nêu bật các khía cạnh khác nhau của một chủ đề. Mỗi phần của dàn bài phản hồi vấn đề theo một khía cạnh của chủ đề, từ một góc độ phân tích.

- Dàn bài thảo luận: gồm hai phần: phần “ủng hộ”, phần “phản đối”.

- Dàn bài “chẩn đoán”: thường được sử dụng như một phần của luận văn báo cáo thực tập. Phần đầu tiên mô tả tình huống, bối cảnh và đặt ra một vấn đề, phần thứ hai đề xuất các giải pháp và phần thứ ba phân tích kết quả của các khuyến nghị và xem xét chúng.

b. Quy trình

Các bạn nên biết rằng xây dựng dàn bài phải được thực hiện dần dần và một phần của quá trình lặp đi lặp lại (kiểm tra lại thường xuyên):

- Bước đầu tiên là thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về chủ đề liên quan. Các bạn nên tìm đọc các bài viết và sách sẽ cho phép hình thành những ý tưởng tuyệt vời liên quan đến chủ đề của luận văn.

+ Các bạn hãy viết tất cả những ý tưởng nảy ra trong đầu vào một tờ giấy.

+ Sau đó xác định xem đối với mỗi ý tưởng, các bạn có đủ tài liệu để hiểu sâu và rõ ràng hay không. Nếu không, hãy nghiên cứu thêm tài liệu về một khái niệm cụ thể hơn.

- Bước thứ hai, các bạn thu thập các ý tưởng và viết mỗi ý tưởng vào một tờ giấy riêng và trên mỗi tờ giấy viết các ý tưởng phụ (lập thẻ).

+ Phân loại các tiểu ý kiến ​​này (theo chủ đề, theo tác giả hoặc theo định nghĩa, điều tra thực địa, chiều kích kinh tế, chiều kích xã hội học, chiều kích tâm lý, chiều kích chính trị…).

+ Thực hiện chuyển đổi hợp lý tất cả các ý tưởng này với ý tưởng phụ.

- Bước cuối cùng, các bạn phải tái tạo toàn bộ dưới dạng sơ đồ để nắm bắt dễ dàng. Các ý tưởng quan trọng trở thành phần chính và ý tưởng phụ trở thành các đơn vị nhỏ...

+ Ước tính số trang cho mỗi phần và đảm bảo sự cân bằng tổng thể của dàn bài.

+ Đảm bảo rằng mỗi phần chính và các phân đoạn phụ phản ảnh theo một cách nào đó vấn đề của các bạn. Nếu chưa logic sau khi kiểm tra, các bạn nên sửa đổi các phần chính và các phân đoạn hoặc đặt lại vấn đề để tổ chức lại dàn bài.

+ Các bạn gặp giáo sư hướng dẫn luận văn của mình hoặc một giáo sư khác để hoàn chỉnh dàn bài của các bạn. Dù giáo sư thứ hai không chuyên về chủ đề nghiên cứu của các bạn, ý kiến ​​của họ cũng rất hữu ích vì sẽ cho các bạn thấy một góc cạnh khác của vấn đề.

3. Dàn bài chuyên đề

a. Dàn bài tương đối thích hợp

Đối diện với chủ đề, các bạn tự hỏi: dàn bài nào thích hợp cho tiểu luận của tôi? Trước tiên, nên nhắc lại ở đây, chúng ta đã trình bày ba giai đoạn lập luận Xem, Xét, Làm như một phương pháp luận hữu ích cho tiểu luận thần học thực hành.

+ Dàn bài biện chứng với ba giai đoạn chính đề, phản đề và hợp đề có vẻ thích hợp cho các chủ đề triết học, vì khi ý kiến thể hiện trong chủ đề bài luận gây tranh luận và có ý kiến ​​trái ngược.

+ Thật vậy, dàn bài xây dựng trên sự xung đột trong hai phần đầu tiên: luận đề phần (I) và trong phần (II) xuất hiện ý tưởng đối lập hoặc phản bác, ở phần (III), tác giả vượt qua mâu thuẫn, bằng cách dung hòa và đưa ra giải pháp mới: Có hoặc không, có thể hoặc không, vượt qua và giải pháp.

Nhìn chung, các vấn đề thần học, nhất là thần học mục vụ, nếu bao hàm tranh chấp xung đột thì thật tế nhị và khó tìm hướng giải quyết. Chúng ta nên tìm hiểu một loại dàn bài khác thích hợp hơn: dàn bài phân tích hay chuyên đề.

- Đây là một dàn bài thích hợp để nghiên cứu và phân tích một vấn đề, một khái niệm, một sự kiện khảo sát một cách thực tiễn trong thời gian và không gian. Dàn bài này hoàn toàn thích hợp với phương pháp luận chúng ta đã lựa chọn cho tiểu luận thần học mục vụ: XEM, XÉT, LÀM. Các bạn có thể phân tích vấn đề cẩn thận. Các bạn mô tả tình huống, tìm nguyên nhân và xem xét hậu quả với ba giai đoạn “trình bày và giải thích – lập luận và minh chứng - bình luận và cập nhật hóa. Có thể biểu đạt theo sơ đồ cấu trúc sau:

     I. Mô tả / giải thích tình huống (Xem)

     II. Xác định nguyên nhân/ lập luận minh chứng hệ quả (Xét)

     III. Phân tích hậu quả / bình luận (Làm)

- Các bạn cũng có thể xây dựng thể loại dàn bài này dựa trên các chuyên đề, vì chủ đề của các bạn ở trong lãnh vực các câu hỏi phổ thông, yêu cầu các bạn sử dung tư duy tiệm tiến. Ví dụ:

     I. Đề tài 1: vấn đề hiện nay

     II. Đề tài 2: vấn đề cần giải thích

     III. Đề tài 3: vấn đề được giải đáp và áp dụng

- Dàn bài phân tích và chuyên đề cũng có thể phối hợp với quy trình lập luận theo thời gian trong trường hợp vấn đề của các bạn bao hàm sự tiến triển theo thời gian:

     I. Thời kỳ tiên khởi

     II. Giai đoạn phát triển

     III. Thời gian hiện tại

b. Ví dụ

Sau đây là một ví dụ về dàn bài phân tích cho luận văn có chủ đề “Đạo đức công giáo và doanh nghiệp trong xã hội Việt Nam hiện nay” (chủ đề hoàn toàn có tính cách minh họa!).

1. Mục đích của doanh nghiệp và chuẩn mực đạo đức công giáo

1.1.

1.2.

1.3.

2. Đạo đức công giáo, thăng tiến con người và phát triển xã hội

2.1.

2.2.

2.3.

3. Các doanh nghiệp đạo đức: chứng nhân hy vọng của thời đại mới

3.1.

3.2.

3.3.

Giỏi và thông thái về tri thức đã là khá, nhưng tốt hơn là biết cách truyền đạt tri thức mình có. Trong luận văn, các bạn phải học cách viết, điều này không đòi hỏi các bạn trở thành những văn sĩ, nhưng yêu cầu các bạn biết tôn trọng các quy tắc cơ bản về soạn thảo và trình bày.

Các bạn thử đặt các câu hỏi dưới đây, sẽ giúp các bạn tự tìm thấy phong cách viết cho riêng mình.

- Tôi muốn biểu đạt điều gì? Chúng ta chỉ viết tốt nếu chúng ta thai nghén rõ ràng những điều mình muốn viết. Kế đến các bạn tự hỏi, tôi viết cho ai? Các bạn nên hướng tới một độc giả khó tính, một độc giả đang muốn phân tích và phê phán bản văn của mình.

- Văn phong của nhà thần học nhằm phục vụ cho độc giả có đức tin, nên các bạn càng chú ý hơn văn phong của mình để tranh những sai lạc.

- Luận văn thần học có những nguyên tắc riêng, nhưng trái ngược với lối viết sáo rỗng, vì phản ánh đức tin và tư tưởng siêu nhiên.

II. Phong cách văn chương

1. Ngôn ngữ học thuật

“Văn là người”. Luận văn phản ánh trình độ học tập của các bạn. Như vậy, sử dụng phong cách ngôn ngữ phù hợp với quá trình học tập và kỷ luật của các bạn là điều cần thiết để thể hiện kiến ​​thức chuyên môn thần học mục vụ của các bạn. Phong cách học thuật đáp ứng một số yêu cầu như sau:

- Trung lập và khách quan

- Mạch lạc và trong sáng

- Chính xác và rõ nghĩa

- Hợp lý và hợp nghĩa

a. Trung lập và khách quan

Soạn thảo luận văn học thuật cần trung lập và khách quan. Điều đó có nghĩa là:

- Bám sát sự thật:

+ Đừng giả định hay suy đoán.

+ Các khẳng định các bạn triển khai phải được chứng minh, có luận chứng, thông qua quy chiếu lý thuyết hoặc dựa trên các quan sát đo lường được trên thực tế.

- Tránh tất cả phán đoán định giá trị và đưa ra các ý kiến ​​chủ quan, ví dụ:

+ Đừng sử dụng trong luận văn lối nói chê trách, khen tặng, đánh giá quá lố.

+ Nên sử dụng đại từ nhân xưng “chúng tôi”, thay cho lối nói “tôi” trịch thượng và chủ quan.

+ Không dùng phong cách đối thoại trực tiếp với người đọc: “Như bạn thấy ...", hoặc những cụm từ: "Như nghiên cứu cho thấy ...".

+ Trong quá trình lập luận, nếu không cần thiết phải đưa ra đánh giá cá nhân, đừng cho ý kiến tùy ý.

+ Tránh sử dụng các hình thức câu biểu cảm bằng cách sử dụng dấu chấm than và dấu chấm lửng.

Tóm lại, các bạn nên viết với phong cách nghiêm chỉnh, không dùng ngôn ngữ thông tục và các cách diễn đạt phổ biến.

b. Mạch lạc và trong sáng

Câu văn rõ ràng diễn đạt ý tưởng dễ hiểu, không mơ hồ. Để làm điều này, các bạn nên lưu ý phong cách hành văn như sau:

- Ưu tiên các câu ngắn và đơn giản (với một chủ ngữ, một động từ, một bổ ngữ.) Các câu văn quá dài và các mệnh đề không tương hợp và nhất quán có thể làm phân tán ý tưởng chuyển tải. Ý tưởng luôn phải rõ ràng và mạch lạc.

- Tránh viết những mệnh đề không hoàn hảo: thiếu động từ hay túc từ.

- Hạn chế các câu lòng vòng như: “Kết quả là tỷ lệ thi hành đạo đức đã giảm...", "Dưới đây, một bảng tóm tắt... ", v.v.

- Tránh lặp lại: nếu các bạn đã phát triển một ý tưởng, không có ích nếu lặp lại nó, vì sẽ có nguy cơ làm nặng nề bản văn và khiến bản văn không nhất quán.

c. Chính xác và rõ nghĩa

Sử dụng câu văn chính xác và rõ ràng để tránh gây nên hiểu lầm hay khiến người đọc phỏng đoán ý tưởng của mình.

Không nên lạm dụng các cụm từ viết tắt dù các bạn đã có bảng trình bày ký hiệu các viết tắt.

Hạn chế các động từ nghèo nàn và nên học các từ đồng nghĩa để làm giàu ý tưởng và xứng hợp với công trình học thuật. Tránh lạm dụng các từ có ý nghĩa tổng quát, không xác định như "rất nhiều", "ít", "nói chung", "tại mọi thời điểm", "trong quá khứ", v.v.

Hãy làm giàu ngôn ngữ với những ẩn dụ, hình ảnh, nhân cách hóa những ý tưởng trừu tượng (nhưng lưu ý: nếu việc dùng lối hoán dụ là phổ biến trong thể loại xã luận, tốt hơn đừng lạm dụng vì trái với lối viết đơn giản), uyển ngữ, ít lời nhiều ý, tạo ra những cung bậc, nhấn mạnh, làm bài viết có nhịp điệu, “hiệu ứng gương” hay hiệu ứng phản chiếu, âm điệu.

Sử dụng từ vựng phù hợp với lãnh vực chuyên ngành và thuật ngữ học thuật của các bạn.

Kiểm tra xem mỗi nguồn có được tham chiếu chính xác hay không.

Hợp lý và hợp nghĩa

Luận văn phải phản ánh một cách logic lập luận của các bạn, có nghĩa là:

- Kiểm tra xem tên các tiêu đề của luận văn có tương ứng với những ý tưởng được trình bày hay không, bằng cách định nghĩa các từ ngữ và thuật ngữ được dùng trong bản văn.

- Chú ý đến soạn thảo các phần chuyển tiếp giữa các phần chính và các phân đoạn phụ, bằng cách viết vài hàng tiểu dẫn ở đầu của các phần và chương, chỉ rõ nội dung của những gì sẽ tiếp theo và kết luận giữa các phần và chương khi thiết lập mối quan hệ giữa những gì đã được nói và những gì bạn sẽ phát triển tiếp theo. Ngoài ra, cũng nên dùng các kết nối hợp lý giữa các câu để người đọc hiểu được hướng đi tiếp theo.

- Đừng lạc vào chi tiết. Một lý thuyết có vẻ rất thú vị đối với các bạn, nhưng nếu nó không có liên kết với vấn đề thì nó sẽ vô dụng. Các bạn có thể viết các giải thích khôn khéo trong mạch bản văn hay trong phần cước chú ở chân trang.

- Kiểm tra tính nhất quán của các hình minh họa, sơ đồ, bảng được chèn vào liên quan đến nhận xét mà bạn đang phát triển.

--------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo