Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 245

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 18/23 - Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 18/23

Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

-----------------------------

CHƯƠNG 6: THÂN BÀI LUẬN VĂN

II. Phong cách văn chương

2. Quy tắc chấm câu

Các bạn nên biết rằng chấm câu, chính là hơi thở của câu; một yếu tố trong sáng cho phép người đọc nắm được trật tự, liên kết, các tương quan của các tư tưởng. Luận văn chuyên môn rất khó đọc nên lối chấm câu đúng cách và tinh tế sẽ dễ dàng hóa sự hiểu biết.

a. Định nghĩa

Dấu chấm câu hay dấu câu” là ký hiệu chữ viết đánh dấu ngữ điệu bản văn. Các ngữ điệu diễn đạt những quan hệ ngữ pháp và các chức năng ngôn ngữ trong bản văn.

Tiếng Việt của chúng ta sử dụng mười loại dấu câu: Dấu chấm, chấm hỏi, chấm than (chấm cảm), dấu phẩy, chấm phẩy, hai chấm, gạch ngang, ngoặc đơn, ngoặc kép, chấm lửng (ba chấm).

b. Cách dùng các dấu chấm câu:

- Dấu chấm (.): đánh dấu câu đã hoàn thành, ý nghĩa đầy đủ. Chữ cái của từ đầu của kế tiếp viết Hoa.

- Dấu phẩy (,): đánh dấu một chia các nhỏ, dấu chia các các trường hợp sau đây: - các mệnh đề đặt kề nhau trong cùng một câu, - các mệnh đề phụ với mệnh đề chính, - các từ của tất cả liệt kê, danh từ, tính từ, động từ và trạng từ, - các hô ngữ, các mệnh đề lồng ghép, các thành phần hoàn toàn có tính cách giải thích của câu, - các chi tiết của cùng một mô tả, cùng một nhóm sự kiện; tất cả các sắc thái của cùng một tư tưởng, các thêm vào, các hạn chế... - một chủ từ bổ sung khi động từ ngầm hiểu.

- Dấu chấm phẩy (;): là một dấu chấm câu yếu hơn dấu chấm và mạnh hơn dấu phẩy, dùng để chia cách các biểu đạt, khác biệt hay thân cận của cùng một tư tưởng hoặc các tư tưởng liên quan.

- Dấu hai chấm (:): dùng để loan báo một trích dẫn, một phát biểu, một giải thích, một liệt kê, một chứng cớ, một ví dụ.

- Dấu chấm hỏi (?): dùng ở cuối các câu hỏi.

- Dấu chấm than (!): đứng ở sau các thán từ, các tiếng reo, than, hoan hô, vui mừng...

- Các dấu chấm treo (...): đặt sau một mệnh đề cố ý không hoàn thành.

- Dấu gạch nối (-): thực ra, không phải là một dấu chấm câu; nó chính là dấu chỉ một kết nối giữa hai từ hay nhiều từ. Trên nguyên tắc, nó được dùng trong các trường hợp sau đây: - hội tụ các yếu tố các danh từ hay tĩnh từ kép, - để nối các danh từ đặt làm đồng vị ngữ...

- Các dấu ngoặc đơn (): dùng để bao vây một giải thích cho một từ, một ý mà không theo tiến trình tư tưởng của mạch văn.

- Các dấu ngoặc vuông []: dùng luân phiên với ngoặc đơn.

- Dấu ngoặc kép "": để đóng khung một trích dẫn, một phát biểu.

- Dấu gạch ngang (−): dài hơn gạch nối một chút, dùng để tách các lời của hai người đối thoại; để ngắt ra một giải thích, một đánh giá, một chi tiết và trên tất cả những điều này tác giả muốn lôi kéo chú ý người đọc, ví dụ, các vật dụng phát lữa − hãy coi chừng − đừng để trong tầm tay các trẻ em.

III. Trích dẫn

Trong thân bài của luận văn nghiên cứu thần học, các bạn có lúc phải trích dẫn một vài câu hay một đoạn văn ngắn của một tài liệu, như luận cứ cho một ý tưởng trong quá trình lập luận. Có hai loại trích dẫn chính, đó là trích dẫn trực tiếp trích dẫn gián tiếp. Ngoài ra, còn có các trích dẫn đặc biệt như thơ ca và thánh vịnh.

1. Trích dẫn trực tiếp

a. Về nội dung và mục đích

Là phương pháp sao chép một đoạn nguyên tác của tài liệu tham khảo vào trong bản văn nghiên cứu, không có sửa chữa, thêm thắt hay tỉnh lược nào. Cách trích dẫn này có giá trị thẩm quyền cao nhưng không nên lạm dụng và chỉ trích dẫn khi nào thật cần thiết. Sau đây là các nguyên tắc:

- Các trích dẫn trực tiếp chỉ nên sử dụng khi đoạn văn nguyên gốc của tài liệu tham khảo hàm súc và cô đọng nhiều ý tưởng hơn biểu đạt của người viết luận văn. Trong trường này, trích dẫn như một chứng cứ làm gia tăng tính thuyết phục của ý tưởng trong luận văn.

- Các trích dẫn trực tiếp chỉ nên được sử dụng minh chứng các luận điểm chính, đặc biệt khi cước chú vẫn chưa đủ sức thuyết phục người đọc. Trong trường hợp này, chiều kích đoạn văn trích dẫn phải hạn chế, chỉ trích dẫn các câu có những ý tưởng thật sự cần thiết và đi vào trọng tâm vấn đề mà thôi.

- Các trích dẫn trực tiếp cũng được sử dụng để phê bình, đánh giá, nhận định, phân tích các ý tưởng của các tác giả khác.

Mặc dù trích dẫn tùy thuộc vào vấn đề được nghiên cứu và quyết định của người viết, nhưng vẫn phải tuân theo các quy tắc cơ bản sau đây:

- Sao chép hoàn toàn chính xác nội dung của bản văn, có nghĩa là sử dụng cùng từ ngữ, cùng cách chấm câu, cùng cách viết chính tả, cùng phép viết hoa, viết nghiêng… Nghĩa là trích nguyên văn, không có thêm thắt, làm biến dạng hay sửa chữa văn bản gốc.

- Ngay cả các đoạn văn nguyên tác có những sai sót chính tả, văn phạm hay cách dùng từ; trong trường hợp này, các bạn không được tự ý sửa chữa mà không cho tác giả và độc giả biết. Có hai cách lưu ý cho tác giả và độc giả biết về các sai sót là:

+ Thêm chữ sic trong ngoặc vuông [sic] ngay sau từ sai chính tả / từ viết sai, hay ngay sau thuật ngữ có vấn đề hoặc ngay sau câu sai văn phạm.

+ Thêm phần hiệu đính hay phần thêm vào (interpolation) trong ngoặc vuông ngay sau từ, cụm từ hay câu có vấn đề hay cần làm rõ nghĩa thêm.

b. Về hình thức và giới hạn

Khi đoạn trích dẫn trực tiếp giới hạn trong vòng bốn hàng chữ: các bạn chèn đoạn trích dẫn ngắn vào trong mạch văn mà không cần xuống hàng ngay trước và sau đoạn trích này. Đặt “trích dẫn” trong dấu ngoặc kép.

Khi trích dẫn trực tiếp có chiều dài từ năm hàng chữ trở lên: các bạn đặt dấu hai chấm ngay sau chữ cuối cùng của hàng chữ đứng trước đoạn trích (:), không sử dụng dấu ngoặc kép trước và sau trích dẫn (“”). Thụt toàn bộ đoạn văn trích dẫn khoảng 1.25 cm, phải ghi nguồn của trích dẫn theo phong cách cước chú ở chân trang hay hậu chú.

c. Tỉnh lược trích dẫn

Đối với một đoạn văn nguyên tác quá dài, các bạn có thể chỉ trích dẫn các câu quan trọng, cần thiết và tỉnh lược các câu không thích ứng còn lại. Phần bị tỉnh lược phải được ký hiệu bằng ba dấu chấm ngay nơi chúng bị lược đi, trước và sau các dấu chấm này phải có một khoảng cách. Mục đích tỉnh lược trích dẫn để:

- Làm cho phần trích dẫn trở nên cô đọng, ấn tượng và dễ nắm bắt.

- Làm cho phong văn trở nên bén nhạy hơn.

- Làm cho luận cứ phê bình, đánh giá hay nhận định về trích dẫn trở nên thuyết phục và đạt mục đích hơn.

Để trung thành với tư tưởng của văn bản gốc, các bạn không tỉnh lược các phần sau đây:

- Các động từ trong văn bản gốc, khi bị tỉnh lược, ý tứ của mạch văn trở nên đối lập hoàn toàn với dụng ý diễn tả của tác giả.

- Các phần có thể làm cho người đọc hiểu sai ý tưởng của nguyên tác và tác giả.

- Các phần liên kết ý tưởng để trình bày một luận điểm nào đó, khi bị tỉnh lược, luận điểm của nguyên tác có thể yếu đi.

- Các phần, nếu bị thiếu, ý tưởng của văn bản gốc có thể trở nên dị dạng hay bị bóp méo.

d. Thêm vào trích dẫn

Trong một vài trường hợp, nhà nghiên cứu muốn làm rõ ý tưởng của đoạn nguyên tác, cần phải thêm vào vài từ hay giải thích thêm vài chữ trong đoạn trích dẫn tương đối phức tạp hoặc khó hiểu.

Mục đích thêm vào là để:

- Làm cho ý tưởng của đoạn trích được rõ ràng và dễ hiểu hơn.

- Lưu ý về những chi tiết sai sót trong đoạn trích là thuộc về tác giả của nguyên tác, không phải của người trích dẫn.

- Làm cho đoạn trích trở nên hoàn hảo hơn.

- Biểu tỏ cảm xúc (khen ngợi hay khinh khi) của người trích dẫn đối với tác giả của trích dẫn.

Khi thêm vào, như đã có lần nhắc đến ở trên trong trường hợp đoạn văn trích dẫn sai chính tả, các bạn nên tuân thủ quy tắc: đặt phần được thêm vào trong dấu ngoặc vuông []. Đặt từ sic trong ngoặc vuông [sic] ngay sau các từ sai chính tả hay sau các thuật ngữ có vấn đề hay sau các câu sai tư tưởng, để biểu đạt thái độ chê bai của người trích dẫn đối với tác giả có văn bản được trích dẫn đó.

2. Trích dẫn gián tiếp

a. Thể loại

Chúng ta có hai loại: 1) Trích lại một trích dẫn trong một tác phẩm nào đó. 2) Trích dẫn ý hay tư tưởng của tài liệu tham khảo bằng ngôn ngữ và phong cách của người đang soạn thảo luận văn.

- Đối với trường hợp thứ nhất, các bạn nên thận trọng về thẩm quyền của đoạn trích dẫn. Thái độ tin mù quáng vào uy danh của các tác giả nổi tiếng mà không kiểm tra lại xuất xứ của nó trước khi sử dụng sẽ có thể dẫn đến tình trạng một trích dẫn không có cơ sở hay bịa đặt, điều cấm kỵ trong nghiên cứu và làm giảm uy tín của người trích dẫn.

- Trong trường hợp thứ hai, cách trích dẫn gián tiếp thực ra chỉ là sự diễn đạt, trình bày lại hay phát triển ý tưởng của đoạn nguyên tác theo văn phong của người viết, song song với việc cung cấp nguồn của đoạn văn diễn giải đó. Đây là cách viết được ưa chuộng của đại đa số các học giả tầm vóc.

- Trong cước chú hay hậu chú, các bạn nên ghi rõ trích dẫn này không phải do chính người cầm bút đọc và trích ra mà chỉ trích lại từ tác phẩm B của tác giả A nào đó, theo qui ước sau: số cước chú + Trích lại từ/theo + Họ Tên tác giả + Tựa đề tác phẩm in nghiêng + chi tiết về ấn bản + số trang.

b. Mục đích

- Vì không truy tìm được tài liệu chứa phần trích dẫn đó hay không có đủ phương tiện để truy tìm tài liệu trích dẫn đó.

- Vì nếu có những sai sót (như có chính xác hay không, bịa đặt hay thêm thắt v.v.. .) thì tác giả của phần trích dẫn đó chịu trách nhiệm, người trích lại không chịu tránh nhiệm. Nếu đoạn trích dẫn đó chính xác, không có sai lầm và có giá trị nghiên cứu thì công trạng phát hiện đoạn trích này thuộc về tác giả trích dẫn đầu tiên, trong khi người trích lại chỉ có công sưu tập các trích dẫn hay mà thôi. Đây chính là đạo đức trong trích dẫn: không cướp công nghiên cứu của người khác.

c. Cách diễn đạt nội dung hay ý của trích dẫn.

Đây là phương pháp nắm bắt ý và tư tưởng của nguyên tác, rồi diễn đạt với ngôn ngữ và văn phong của người đang soạn thảo một bản văn.

- Để tránh sao chép những đoạn văn trích dẫn dài hay không thích ứng lắm với văn mạch của luận văn.

- Giúp cho người đọc thấy được sự giống nhau về tư tưởng của hai tác giả khác nhau, trong hai thời điểm khác nhau.

- Làm cho nội dung văn bản trở nên ấn tượng, dễ hiểu và thuyết phục hơn. Phát huy tối ưu luận chứng hơn là sao chép thuần túy đoạn văn trích dẫn.

3. Trích dẫn thi ca, châm ngôn, ca dao, tục ngữ

Các quy ước cho công việc này tùy thuộc chiều dài bản văn thi ca được trích dẫn.

- Khi chỉ có một câu, hay một vế câu: các bạn chèn vào trong mạch văn, in nghiêng và để trong ngoặc kép.

- Khi trích dẫn có 2 hoặc 3 câu: các bạn đặt chúng trong ngoặc kép, in nghiêng và để dấu gạch chéo thuận (/) giữa các câu để phân biệt và chèn vào trong mạch văn.

- Khi trích dẫn là một khổ, một đoạn hay toàn bài thơ: các bạn đặt dấu hai chấm ngay kết thúc câu loan báo phần trích dẫn (:), xuống hàng mới thụt vào khoảng 1.25 cm và không dùng các dấu ngoặc đơn hoặc kép cho đoạn trích dẫn, cũng như khoảng cách đơn giữa các hàng.

--------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo