Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 63

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 3/23 - Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 3/23

Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

-----------------------------

PHẦN MỘT: CHỦ ĐỀ

CHƯƠNG 1: THẦN HỌC VÀ HỆ THỐNG THẦN HỌC CÔNG GIÁO

Trước khi thực sự đi vào Hướng dẫn cụ thể các soạn thảo tiểu luận và luận án thần học, chúng ta nên nhắc lại ở đây một số khái niệm tổng quát và cơ bản về học thuật thần học Kitô giáo và Công giáo nói riêng.

I. Thần học Công Giáo

1. Điịnh nghĩa

Từ thần học, nguyên ngữ Hy Lạp “theologica” là sáng tạo của các nhà tư tưởng Hy Lạp. Người ta gọi các văn sĩ như Orrphée, Homère là những nhà thần học Hy Lạp vì họ viết các théogonies, nguồn gốc các vị thần. Platon dùng từ thần học để gọi các câu chuyện thần thoại. Aristote xếp thần học vào phần thứ ba của triết học (thần học tự nhiên)[14].

     Thánh Augustinô, lấy lại bản văn của Varon, phân biệt từ thời Panétius thành Rhodes 3 loại thần học: “Tria genera theologiae dicit esse, id est rationis quae de diis explicatur, eorumque unum mythicon appellari, alterum physicum, tertium civile...” (De civ. Dei, l. VI, c. 5, PL t. XLI, col 180.).

     Thánh Thomas dùng các từ sau đây: doctrina Christiana, sacra scriptura, sacra eruditio, sacra pagina, quaestiones de sacra pagina, divina pagina ou sacra doctrina.

     Abélard (1079-1142) là người đầu tiên đã dùng từ thần học để đặt tựa đề cho các chuyên luận của ông. Thần học đề cập các giáo thuyết liên quan đến Thiên Chúa duy nhất và Ba ngôi. Lúc đó, từ thần học chưa áp dụng cho Kitô học cũng như môn học các bí tích.

     Thánh Anselme (1033/34 - 1109) cung cấp một định nghĩa rất đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: fides quaerens intellectum, đức tin tìm kiếm sự hiểu biết. Từ đó, chúng ta có thể rút ra ba yếu tố cơ bản của thần học:

          Thần học đặt nền tảng trên đức tin, về cơ bản khác với thần học tự nhiên hay théodicée (công lý Thiên Chúa, nghịch lý của sự dữ và Thiên Chúa toàn năng và nhân ái) theo cách của Leibniz, đi từ phân tích thực tại và nắm bắt bởi lý trí con người để đạt đến sự hiểu biết của Thiên Chúa.

          Thần học đi tìm sự hiểu biết nhắc nhở con người phải khiêm tốn, không ngừng đi tìm kiếm Thiên Chúa, Chân lý tuyệt đối: con người không tự mình với lý trí thấu đạt tất cả mầu nhiệm của Thiên Chúa, nếu Ngài không mặc khải.

          Định nghĩa của thánh Anselme cũng bao hàm các khả năng tri thức của con người như đặt câu hỏi, lập luận và trả lời. Thần học không chỉ thuộc về phạm trù giáo điều tuyệt đối (duy tín, đức tin loại bỏ các lý lẽ), nhưng thể hiện sự gặp gỡ giữa đức tin và lý trí, cả hai hình thành con người toàn diện. Karl Rahner, nhà thần học công giáo của thế kỷ 20, công nhận rằng thần học là tư duy khoa học và có hệ thống của Giáo hội trên Đức tin.

Tóm lại, thần học là "đức tin" và "khoa học": vì thần học dựa trên mặc khải Thiên Chúa để đào sâu và thiết lập quan hệ (lý trí) giữa các sự kiện khác nhau; thần học mang tính khoa học vì sử dụng các khoa học trần thế (ngữ pháp, ngữ văn học, biện chứng, triết học ...) trong việc tìm hiểu. Sống đức tin cần có sự hỗ trợ của trí thông minh và lý trí.

Tuy nhiên chúng ta không được quên khái niệm “mầu nhiệm”, đối tượng phân tích của thần học và xem xét với ý thức riêng. Dù khoa học, thần học chỉ có thể được sinh ra và xây dựng trong đức tin, thần học chỉ có thể có ý nghĩa và có nội dung trong và dưới ánh sáng đức tin. Chính đức tin cho ánh sáng, đồng thời cũng là chất kích thích mạnh mẽ trong việc tìm kiếm “khuôn mặt của Thiên Chúa” như thánh Thomas đã xác nhận: "quaedam impressio divinae scientiae" (Ia Pars q, 1, Art 3, ad 2um).

2. Thần học và Khoa học

Giáo hội Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng đã biết sử dụng các khoa học thế tục (ngữ pháp, hùng biện, biện chứng, các yếu tố triết học) trong thần học và giáo dục đức tin. Chúng ta nên lược qua một chút lịch sử khái niệm thần học.

     Trước tiên, chúng ta có lý thuyết lấy trộm, một lý thuyết có tên gọi hơi kỳ lạ đã được nói đến từ thời triết gia người Do thái Philon (khoảng năm 55), được giáo phụ Clement thành Alexandria lấy lại (khoảng 160 đến 220) và sau đó là thánh Augustinô (354-430). Theo lý thuyết này, tất cả sự thật thuộc về Kitô giáo bởi vì sự thật xuất phát từ Thiên Chúa duy nhất, nguồn gốc của tất cả chân lý. Dân ngoại biết Thiên Chúa khi nhìn vũ trụ thiên nhiên đã "lấy cắp" những sự thật thuộc về các Kitô hữu, họ cũng có một phần mặc khải của Thiên Chúa. Rất sớm, thần học được đặt trong viễn cảnh chân lý, bao gồm trong việc tìm kiếm chân lý.

     Trong đối thoại với dân ngoại, các nhà thần học Kitô giáo trình bày và giải thích từ ngữ thần linh bằng cách sử dụng các phạm trù, các học thuyết triết học. Họ chứng minh sự phù hợp của giáo thuyết mặc khải Kitô giáo với những gì tốt nhất trong triết học cùng thời, đặc biệt là triết học của Platon. Giáo phụ Clement thành Alexandria đã minh chứng sự tương hợp giữa giáo thuyết Kitô giáo với các học thuyết triết học.

     Nhưng rất sớm, thần học Kitô giáo phải đối mặt giữa đức tin và các triết lý xung quanh. Khôn ngoan triết học phát sinh rất nhanh, thức tỉnh trí tuệ "con người" (1 Cr 1,18-25) và chất vấn khôn ngoan Thiên Chúa. Một số đoạn văn Kinh thánh cũng gây ra những vấn đề logic. Việc khám phá các mâu thuẩn trong Kinh thánh và trong các bài viết của các giáo phụ làm cho việc đối chất giữa lý trí và đức tin là cần thiết.

          Trong tác phẩm De Trinitate, thánh Augustinô nói đến 'khoa học' đối lập với khôn ngoan:

          “... haec est sapientiae et scientiae recta distinctio, ut ad sapientiam pertineat aeternarum rerum cognitio intellectualis, ad scientiam vero, temporalium rerum cognitio rationalis. "(De Trinitate, XII, XV, 25, PL, 42, 1012). Thần học thánh Augustinô trước hết là một cuộc tìm kiếm yêu thương đối với Thiên Chúa, được thúc đẩy bởi bởi lòng ăn năn của "sero te amavi" (Confessions, 1. X, C. 27, PL 32, 795). Thánh Augustinô - như Thánh Thomas Aquinas sau này- định nghĩa thần học như được nuôi dưỡng bởi Kinh Thánh lẫn kinh nghiệm con người.

          Thánh Thomas d'Aquin (1225-1274) hoàn thành các tư duy trên bản chất và đối tượng của thần học. Thần học đón nhận tính cách "khoa học" và chiếm ưu thế trong thần học của những thế kỷ tiếp theo. Ai trau dồi thần học được gọi là ‘catholicae veritatis doctor' (Somme, Prologue). Đối tượng của bộ Tổng luận thần học là sự truyền bá tất cả những gì liên quan đến Kitô giáo. Ngài quan tâm về phương pháp luận: Thomas thích nghiên cứu theo hệ thống của môn học (secundum ordinem disciplinae, Prologus).

          Thánh Bonaventure (1221-1274) (Intinerarium mentis trong Deum) làm cho từ thần học có ý nghĩa đầy đủ. Ngài cho thấy ba khía cạnh của thần học bằng cách định nghĩa thần học như một khoa học của Chân Lý "[Verbum ...] scientiam veritatis edocuit secundum Modum triplicem theologiae " (ITINERARIUM MENTIS IN DEUM, c. 7.) Ngôi lời dạy Chân lý theo ba thể thức của thần, biểu trưng, tích lũy tư duy và bí nhiệm: biểu tượng dạy chúng ta sử dụng hợp lý các cảm xúc, tích lũy tư duy dạy cách sử dụng đúng những gì thuộc thông minh lý trí, và bởi bí nhiệm chúng ta được vận chuyển để vượt ra ngoài tâm trí.

          Đối với một vài kẻ đại diện của giáo hội Cải Cách (Tin lành), triết học là hòn đá làm vấp ngã thần học. Luther (1483-1546) có ác cảm đối với triết lý kinh điển, đại diện cho Luther là Gabriel Biel, tái sinh việc chống trí thức mà người ta đã thấy xuất hiện ở thế kỷ thứ XI và XII (Peter Damian, Lanfranc , Gauthier de Saint-Victor) và họ dựa trên sự lên án của thánh Phaolô về sự khôn ngoan của thế giới này (1 Côrinhtô 1, 18-25).

          Vì ác cảm của Luther đối với việc sử dụng các ngành khoa học thế tục áp dụng cho thần học, các nhà thần học Tin lành Đức chuyển đổi tư duy thần học sang triết học. Chúng ta có trường hợp các nhà tư tưởng như Lesssing (1729-1781), Kant (1724-1804), Schleiermacher (1768-1834), Hegel (1770-1831), Fichte (1762-1814), Schellling ( 1775-1854).

          Trong Tin lành đương đại, thần học được xem như là thành phần của quá trình suy nghĩ, quyết định, nói, và bao gồm việc suy nghĩ theo đức tin. Một quá trình mang tính cá nhân và cộng đồng, quy chiếu đến trung tâm lịch sử trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng bảo đảm sự thống nhất, thần học phải được cải cách liên tục vì lý do ảnh hưởng của môi trường văn hoá. Chúa Giêsu Nazareth, trong thực tại trần thế của Người và trong nhân tính của Người, đối với cộng đồng Kitô hữu là mô hình lịch sử cho phép họ có thể nhận thức một cách cụ thể về đạo đức và thực tại.

           Ngày nay, tầm mới của thần học Công giáo này được thành hình, Giáo hội dựa vào Kinh thánh để nhìn xã hội. Vì thế thần học có ba tiêu chuẩn cần liên kết với nhau: Tin Mừng - “linh hồn”, Giáo Hội - chứng nhân, và xã hội - “môi trường mục vụ”.

3. Tổng hợp

Khi định nghĩa thần học như là "tìm kiếm thông minh đức tin", chỉ thị của Bộ Giáo lý Đức tin (Rome, ngày 24 tháng 5 năm 1990), trong viễn cảnh của Chân lý xem thần học là "món quà của Thiên Chúa cho dân Người”.

     Dân Thiên Chúa có sứ mệnh gìn giữ và truyền bá thần học và làm chứng cho quà tặng đó; được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, con người phải liên tục "hồi sinh" đức tin của mình bằng cách luôn suy nghĩ sâu xa hơn về nội dung của chính đức tin, đặc biệt để biện minh cho đức tin trong mắt những người cầu xin lý lẽ (Ia Pe 3,15).

     Chức năng của nhà thần học là đạt được sự hiệp thông với Huấn quyền, một sự thông minh ngày càng tăng của Lời Chúa được chứa đựng trong Kinh thánh được linh hứng và truyền đi bởi Truyền thống sống động của Giáo hội.

     Đối tượng của thần học là Chân lý, Thiên Chúa hằng sống và kế hoạch cứu rỗi được mặc khải trong Đức Chúa Giêsu Kitô; nhà thần học được mời gọi tăng cường đời sống đức tin và luôn luôn nối kết nghiên cứu khoa học và cầu nguyện.

     Nhiệm vụ đặc thù của nhà thần học là hiểu được ý nghĩa của Mặc khải. Đối với sự hiểu biết này, thần học có thể sử dụng những thành tựu của các khoa học thế tục - đặc biệt là những khoa triết học, khoa học lịch sử hoặc các ngành khác của khoa học nhân văn - với sự phán đoán, phán đoán tìm ra nguyên tắc cuối cùng trong giáo thuyết được mặc khải. Tự do nghiên cứu gắn liền trong tri thức hợp lý mà đối tượng của nó được đến từ Mặc khải - truyền tải và diễn giải trong Giáo hội dưới thẩm quyền của Giáo hội - và đức tin. Giữa thần học và Huấn quyền - mỗi bên hình thành một chức năng cốt lõi trong Giáo hội - một mối quan hệ hỗ tương, quan hệ này phải quan tâm đến lợi ích của Dân Chúa.

----------------------------------

ghi chú:

[14] https://www.encyclopedia.com/environment/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/theology-christian-theology. Tham khảo ngày 21/07/21, 10h28.

-----------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo