Ngày tháng: 27/07/2024
Đang truy cập: 8

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 4/23 - Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 4/23

Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

-----------------------------

CHƯƠNG 1: THẦN HỌC VÀ HỆ THỐNG THẦN HỌC CÔNG GIÁO

II. Các ngành thần học Công giáo

1. Tiểu dẫn

Các ngành khoa học tự nhiên hay xã hội có các phương pháp nghiên cứu phù hợp, thần học công giáo cũng có phương pháp luận thích hợp với các đối tượng nghiên cứu của mình. Trên phương diện học thuật, nền thần học công giáo cũng phân chia chuyên ngành, và mỗi chuyên ngành sử dụng phương pháp luận thích hợp. Chẳng hạn, chúng ta có:

Các chuyên ngành khảo cứu về Thánh kinh, lịch sử, và giáo lý.

Các chuyên ngành khác chuyên về Tín lý, suy tư về đức tin vào Thiên Chúa, Đức Kitô, về Giáo Hội, về các bí tích, vv… Từ đó, thần học Công giáo có những chuyên ngành về mục vụ, liên quan đến đời sống, hành vi, việc cầu nguyện và việc phụng tự Kitô giáo.

Nói chung, chúng ta nhận biết trong thần học công giáo ba nhánh chính: thần học cơ bản, thần học tín lý và thần học thực tiễn (thần học luân lý và mục vụ). Trong Đại học của Giáo hội Công giáo, các chuyên ngành được phân chia tùy theo môi trường học thuật, thích nghi với giáo hội địa phương.

Nói chung, chúng ta có thể liệt kê 7 tên gọi của các chuyên ngành thần học công giáo như sau:

Thần học Cơ bản (Fundamental Theology)

Thần học Kinh thánh (Biblical Theology)

Thần học Tín lý (Dogmatic Theology)

Thần học Lịch sử (Historical Theology)

Thần học Luân lý (Moral Theology)

Thần học Thực hành và Thần học Mục vụ (Pratical Theology and Pastoral Theology)

Thần học Đương đại và Thần học Thông diễn (Contemporary Theology and Hermeneutical Theology).

Các bạn cũng cần xem lại nội dung hàm chứa trong các chuyên ngành thần học mà chúng ta vừa liệt kê.

2. Thần học Cơ bản (Fundamental theology)

Thần học cơ bản thoát thai từ thần học Hộ giáo (đến từ tiếng Latin “apologetica”, căn ngữ “apologia” có nghĩa là bào chữa, bênh vực), xuất hiện từ thời buổi nguyên sơ của Kitô giáo, nhưng đã biến đổi qua các thời đại.

     Thần học cơ bản phân biệt với thần học tín lý theo cách tiếp cận và tập hợp tất cả các bộ môn thần học như nhân học (theological theology), thần học Kinh thánh thần học hệ thống.

     Hiện nay, đây là một ngành thần học có đối tượng tư duy là nền tảng của đức tin: Mặc khải, Thánh kinh, Tín điều, Thánh truyền, Huấn quyền, cũng như về đối thoại với triết học và những người không tin.

     Thần học cơ bản giúp chúng ta khám phá tín điều, giáo huấn và tổ chức của Giáo hội cũng như các nguồn mầu nhiệm Kitô giáo.

3. Thần học Kinh thánh (Biblical Theology)

Thần học Kinh Thánh nghiên cứu Lời của Thiên Chúa mặc khải qua Kinh thánh, được sắp xếp theo niên đại và bối cảnh lịch sử của bản văn. Trái ngược với thần học hệ thống, nghiên cứu tín lý theo các chủ đề cụ thể, thần học Kinh Thánh tìm hiểu mặc khải của Thiên Chúa tiến triển xuyên suốt lịch sử. Cụ thể, chúng ta đọc và hiểu các đoạn văn Kinh thánh thông qua các phương pháp chú giải, ngữ pháp và bối cảnh lịch sử, trong mục đích khám phá thần học của tác giả thánh và tác giả nhân loại, đức tin của dân Thiên Chúa và Thánh ý của Ngài.

     Để hiểu Kinh thánh, chúng ta cũng cần hiểu các hình thức văn chương nhân loại. Kinh thánh, Lời của Thiên Chúa, có thể mặc khải trực tiếp chính Ngài, nhưng cũng qua các trung gian, môi trường và văn hóa. Bối cảnh đương đại của chúng ta ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta nhận ra. Do đó, việc hiểu văn học qua các khoảng thời gian và giữa các nền văn hóa có thể rất khó khăn.

     Giáo hội với Huấn quyền là nguồn diễn giải nền tảng về Kinh thánh. Khác với những người Tin lành, Giáo hội không thừa nhận một diễn giải cá nhân và tự do với Lời của Thiên Chúa. Do đó, các tài liệu chính thức của Giáo hội như Providentissimus Deus, Divino afflante Spiritu và Dei Verbum đã giáo huấn chúng ta về việc diễn giải Kinh thánh. Và đối với Giáo hội, nghiên cứu Kinh thánh là linh hồn của tư duy thần học.

     Vì thế, thần học Công giáo không nhất thiết chỉ chuyên về nghiên cứu Kinh thánh, nhưng từ Kinh thánh, Giáo hội tư duy trên nhiều lĩnh vực khác: Giáo phụ học, Kitô học, Thánh Thần học, giáo hội học, cầu nguyện, luân lý, v.v.

4. Thần học Tín lý: thần học tích cực và thần học hệ thống

Là một nhánh của thần học nhằm nghiên cứu nội dung của tuyên xưng đức tin Kitô giáo ("tín điều", cụ thể trong kinh Tin kính), trong sự nhất quán nội tại và các công thức được sử dụng thông qua ngôn ngữ và văn hóa. Thần học Tín lý dựa trên nền tảng của Kinh thánh và truyền thống của Giáo hội, nhằm diễn tả mầu nhiệm Kitô giáo một cách mạch lạc, đối thoại với văn hóa, minh chứng sự gần gũi tính dễ hiểu và soi sáng thực hành đời sống Kitô hữu.

Trong thần học tín lý, người ta còn phân biệt thần học tích cực (thần học lịch sử) và thần học suy lý (thần học hệ thống, systematic theology).

     Thần học tích cực: thu lượm và hệ thống hóa những dữ kiện mặc khải- tiềm ẩn hoặc minh nhiên trong Kinh Thánh, theo Truyền Thống và Huấn Quyền. Thần học tích cực nghiên cứu cách thức Thiên Chúa mặc khải cho con người, cách thức Ngài làm cho con người cảm nghiệm hữu thể thần linh của Ngài, cũng như ý nghĩa của những hành động Ngài thực hiện trong dòng lịch sử. Thần học tích cực cũng phải cho thấy rằng có sự liên tục giữa lời giảng dạy hiện tại của Giáo Hội và sứ điệp của Giáo hội tiên khởi. Điều ngày nay Giáo hội giảng dạy cũng chính là điều Giáo hội tiên khởi đã giảng dạy.

     Thần học hệ thống hay suy lý: nhằm hiểu biết Thiên Chúa, nhờ hệ thống hóa những hiểu biết về Thiên Chúa một cách khoa học, cũng như qua việc đánh giá những suy tư và những tổng hợp suy tư này. Thần học với chức năng suy lý giúp con người đi sâu vào mầu nhiệm, nhất là mầu nhiệm Thiên Chúa. Chẳng hạn mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được hiểu trong nhiệm cục cứu độ: Thiên Chúa Cha tự mặc khải chính Ngài trong công trình tạo dựng và trong việc nâng con người lên hàng thân hữu với Thiên Chúa, Chúa Con thực hiện công trình cứu chuộc qua mầu nhiệm Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh, thiết lập Giáo hội, Thánh Thần thánh hóa nhân loại và thu tất cả trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Thần học suy lý như một khoa học, hệ thống hóa các tri thức về Thiên Chúa.

5. Thần học Lịch sử (Historical Theology)

Thần học lịch sử nghiên cứu sự phát triển đức tin của Giáo hội và truyền thống thần học trong những giai đoạn khác nhau.

     Trong chuyên ngành thần học lịch sử, chúng ta có: Giáo Phụ học (thần học của các giáo phụ trong 5 hay 6 thế kỷ đầu), thần học Trung cổ, thần học Cải cách, thần học thế kỷ 19, vv…

     Các nhà thần học lịch sử, qua việc nghiên cứu đời sống thực tiễn của Giáo hội thời xa xưa, giúp cho Giáo hội hiện tại có một nhãn quan mới. Giáo hội thời các Giáo phụ, Trung cổ, Cải cách đã có tư duy thần học nào về Bí Tích Thánh Thể? Bối cảnh lịch sử đã đóng vai trò gì trong sự phát triển của một giáo thuyết mới? Chẳng hạn, tín điều về bất khả ngộ của giáo hoàng đã phát triển như thế nào?

6. Thần học Luân lý (Moral Theology)

Thần học luân lý, còn được gọi là đạo đức học Công giáo, tư duy nghiên cứu Kinh thánh đời sống đức tin để xác định làm sáng tỏ các nguyên tắc về phẩm chất của hành vi con người dưới ánh sáng của mặc khải Thiên Chúa.

     Thần học luân lý phân biệt với triết học đạo đức, vốn dựa vào thẩm quyền của lý trí và chỉ có thể nại đến các biện pháp trừng phạt hợp lý đối với các lỗi phạm đạo đức.

     Thần học luân lý dựa trên thẩm quyền của mặc khải, trong Tin mừng được rao giảng và hoạt động của Chúa Giêsu Kitô.

     Thần học luận lý cũng được phân chia thành hai chủ đề: a) luân lý cá nhân hoặc tư nhân, b) đạo đức xã hội. Chẳng hạn, các giáo huấn đạo đức xã hội Công Giáo, bắt đầu từ Rerum Novarum (1891) của Đức Lêô XIII – nhấn mạnh chiều kích cộng đồng hơn cá nhân.

     Vì thần học luân lý đòi hỏi cả sự uyên bác của thần học hệ thống lẫn tính bén nhạy của thần học mục vụ, nên chúng ta cũng có thể xem đây là một thần học thực hành.

7. Thần học Thực hành và Thần học Mục vụ (Pratical Theology and Pastoral Theology)

a. Thần học thực hành là gì?

Thần học thực hành là tư duy phản ánh trên hoạt động của sứ mạng Giáo hội ngày nay, có nguồn gốc từ Đức Kitô, trong bốn trục chính mà Giáo hội luôn gọi là:

martyria (chứng tá và rao giảng)

leitourgia (cầu nguyện, Thánh Thể và đời sống bí tích)

diakonia (phục vụ người nghèo và công lý)

koinônia (phục vụ hiệp thông và đại kết)

Và chúng ta không quên điều thiết yếu nhất của thần học thực hành là sự hiện diện tích cực và năng động của Giáo hội và những người Kitô giáo trên khắp thế giới.

b. Thần học Mục vụ là gì?

Thần học mục vụ thuộc thể loại thực hành, nghiên cứu về hành động của Giáo hội, trong sứ mệnh truyền tải (rao giảng và dạy giáo lý) và trong đời sống hàng ngày (các bí tích, hoạt động mục vụ), tư duy về các chân lý được nắm bắt trong việc học Thánh Kinh và trong hệ thống các tín điều.

Theo lời mời gọi của Chúa Kitô (Ga 21, 15-19), Giáo hội sống tình hiệp thông huynh đệ (dân Thiên Chúa) và theo hệ thống phẩm trật, có nhiệm vụ chăm sóc các thành viên của mình. Giáo hội là Mẹ và Thầy. Với tư cách là Thầy (Chúa Kitô nói với Thánh Phêrô: " Hãy chăn chiên của ta"), Giáo hội luôn tỉnh thức suy nghĩ về Thiên Chúa và trên kinh nghiệm, một cuộc sống kết hợp hàng ngày với Chúa Kitô và theo các chân lý của đức tin.

     Định nghĩa như trên, chúng ta thấy thần học mục vụ hoàn toàn ở trong lãnh vực thực hành: Giáo hội được sai đi và sai các thành viên của mình đi rao giảng Tin mừng của Đức Kitô, Đấng Mục tử duy nhất.

     Thần học mục vụ có đối tượng là ba nhân đức đối thần: đức Tin, đức Cậy và đức Mến hay nói cách khác, Thần học mục vụ nghiên cứu trên các chủ đề như sau: a) Thiên Chúa và con người trong giao ước, b) hy vọng Nước Trời, c) tình yêu (cuộc sống trong Đức Kitô và với loài người).

Nói đến chiều kích thực hành, Thần học Mục vụ cần biết các lý thuyết và phương pháp của khoa học xã hội nhân văn, chính trị, văn hóa và mục vụ… của con người đương đại.

8. Thần Học Đương đại và Thần học Thông diễn (Contemporary Theology and Hermeneutical Theology)

a. Thần học đương đại là gì?

Thần học đương đại ra đời trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ nhất với sự chao đảo của giới tư sản.

     Trong Giáo hội Tin lành, chúng ta có các nhà thần học tên tuổi như Karl Barth, Rudolf Bultmann, Paul Tillich, Dietrich Bonhoeffer, Jürgen Moltmann...

     Về phía Công giáo, tư tưởng của các nhà thần học như Karl Rahner, Hans-Urs von Balthasar, Pierre Teilhard de Chardin, Hans Küng, Henri de Lubac, Yves-Marie Congar đã đánh dấu thần học của chúng ta ngày nay...

Thần học đương đại ngày càng nhạy cảm hơn với vấn đề đại kết và nhận biết tác động của Thánh Thần Thiên Chúa trong các tôn giáo. Những năm cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, chúng ta biết đến:

     Các trào lưu mới đang phát triển, nổi tiếng nhất là thần học giải phóng, thần học nữ quyền, thần học tiến trình (Process theology).

     Thần học tiến trình là phương pháp tiếp cận thần học đối với thế giới do vũ trụ học, hình thành từ những thành tựu của khoa học tự nhiên đương đại, đặc biệt là thuyết tương đối, thuyết tiến hóa sinh học và vật lý lượng tử. Thần học tiến trình phát triển từ quan điểm triết học về quá trình của nhà toán học và logic học Alfred North Whitehead (1861–1947) và được phát triển bởi Charles Hartshorne và John B. Cobb trong thế kỷ XX.

b. Kinh thánh

Về Kinh thánh, năm 1993, Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng đã xuất bản tài liệu chính thức đề cập đến việc diễn giải thích Kinh thánh trong Giáo hội (The Interpretation of the Bible in the Church). Tài liệu ra đời vào lúc phương pháp “phê bình lịch sử” đang bị phê phán và cần được xem xét lại. Hiện nay, Giáo hội Công giáo cho chúng ta biết:

     Một mặt, xuất hiện nhiều phương pháp và cách tiếp cận Kinh thánh; mặt khác, các nhà chú giải Công giáo được mời gọi mở rộng tư duy của họ qua các công cụ chú giải khác nhau. Giáo hội lưu ý đến sự xuất hiện vào thập niên 1970 của các phương pháp chú giải đồng đại cạnh tranh với phê bình lịch sử, đó là phương pháp lịch đại. Các phương pháp chú giải có vẻ đối nghịch nhau (đồng đại và lịch đại) nhưng bổ túc cho nhau trong đức tin: mặc khải Thiên Chúa.

     Chú giải phát triển các luận điểm ngày càng cấp tiến (đặt câu hỏi qua các lý thuyết cấu tạo Ngũ kinh đã được chấp nhận kể từ công trình của Günkel cách đây một thế kỷ và hơn thế nữa, nghiên cứu về Chúa Giêsu và “logia” của Ngài...). Việc phát hiện ra các bản thảo Qumran đã mở ra một tầm nhìn mới trong nghiên cứu Kinh thánh.

c. Thần học thông diễn

Khi nói về nền thần học đương đại, chúng ta cũng không thể không nói đến dịch chuyển thần học hiện nay dưới danh gọi: thông diễn thần học. Thông Diễn Học (viết tắt là TDH) dịch từ thuật ngữ Hermeneutics trước đây vốn là một môn học, một phương pháp rất lâu đời để thấu hiểu các bản văn, nhưng trở thành một hệ thống tư duy thần học rất mới.

     Rất lâu đời, bởi vì TDH đã hiện hữu ngay từ khi con người có ngôn ngữ (language), và nhất là trên phương diện ngôn từ (words) và ngôn tự (written language). Như thế, TDH thường đồng nghĩa với môn học về ngôn ngữ, ngôn từ và ngôn tự, tức môn học giúp chúng ta hiểu được văn bản (texts), cũng như cách thức truyền đạt cho người khác.

     Trong lịch sử văn học Tây phương, TDH đã từng được sử dụng trong tôn giáo, đặc biệt để giải thích Thánh Kinh. Do đó, hình thức lâu đời và căn bản nhất của TDH vẫn là khoa chú giải Kinh thánh (Biblical exegesis).

     Đầu thế kỷ thứ XX, TDH xuất hiện đúng nghĩa theo cách chúng ta hiểu ngày nay. Không chỉ bao gồm môn chú giải (Exegesis) mà thôi, TDH bao quát ba nghệ thuật liên quan đến ngôn ngữ: Diễn giải hay giải thích (ars explanandi), Diễn nghĩa hay Giải nghĩa (ars explicandi), Chuyển nghĩa hay Thuyên thích hay Diễn dịch (ars interpretandi). Nói cách khác, TDH bao gồm hai phần: phần thứ nhất xác định ý nghĩa xác thực của nội dung câu nói hay văn bản, truyền thống, giá trị, v.v., trong khi phần thứ hai giúp ta khám phá ra những đạo lý hàm chứa hay tiềm ẩn trong những hình thức ngụ ngôn, dụ ngôn, biểu tượng, vân vân. Gần đây, triết gia Hans-Georg Gadamer (1900-2002), với kiệt tác Wahrheit und Methode (Sự thật và Phương pháp) đánh dấu tầm nhìn mới của Triết học Thông diễn (philosophische Hermeneutik).

Tóm lại chúng ta có thể nói, TDH cũng là một môn học mới nhất, nó bao gồm tất cả các bộ môn trên, dưới cái tên chung là Hermeneutics hoặc Theory of Interpretation (Auslegungslehre).

----------------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo